THỨ NĂM TUẦN THÁNH – THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

 

BÀI ĐỌC I:  Is 61: 1-3a. 6a. 8b-9

“Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó,
và cho họ dầu hoan lạc”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta; an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn.

Còn các ngươi, các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Chúa, là thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta. Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng, sẽ thiết lập với chúng một giao ước vĩnh cửu. Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA:  Tv 88: 21-22. 25 và 27

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Xướng: 1)  Ta đã gặp Đavit, tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh Người.      – Đáp.

2)  Thành tín và ân sủng của Ta, hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và là Đá Tảng cứu độ của con”.       – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Kh 1: 5-8

“Người đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế
của Thiên Chúa, Cha của người”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

Kià, Người đến trong đám mây, mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.

Chúa là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Đấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.

Đó là lời Chúa.

 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:  Is 61: 1

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi:  Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó.

 

PHÚC ÂM:  Lc 4: 16-21

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:  Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi,  sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm,  cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức,  công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ:  “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Đó là lời Chúa.

 

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày Sabát (c. 16). Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23), nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét. Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.

Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia:

“Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35), và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),

Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.

Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.

Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…)

Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen, nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.

Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu?

Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.

Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.

Đó là những người nghèo sức khỏe,

họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xatan (Lc 13, 16),

Đó là những người nghèo đời sống tâm linh, họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.

Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.

Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.

Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.

Đức Giêsu đã loan báo: “Phúc cho anh em là người nghèo.” (Lc 6, 20)

Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác, đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ.

Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.

Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm Hồng Ân, Năm Thánh.

Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.

Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.

Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.

Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).

Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).

Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.

Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.

Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng: “Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.”

Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.

Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.

Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu, hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.

Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết, xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con.

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ