Lịch sử Dòng Đồng Công gắn liền với lịch sử Việt Nam. Một trong những biến cố quan trọng nhất của đất nước là việc miền Nam rơi vào tay cộng sản. Dòng Đồng Công vì thế cũng phải chấp nhận những phân ly đau đớn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên 170 phần tử của Dòng phải rời xa quê hương, di cư lần thứ hai tới đất khách quê người, để lại khoảng 150 linh mục, tu sĩ và gần 300 em đệ tử sinh bên kia bờ đại dương. Nhóm anh em di cư đã làm nên lịch sử Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ.

Chidong2

1. Cuộc Di Cư Vô Định

Mặc dầu được qui định trong Hiến Pháp cũng như Tục Lệ Dòng, nhưng việc thiết lập những Chi Dòng Đồng Công ngoại quốc chưa bao giờ có cơ hội thực hiện. Đến đầu tháng 4 năm 1975, vì tình trạng khẩn trương của miền Nam Việt Nam, cha Tổng Giám Đốc phải để một số lớn anh em di chuyển xuống Phước Tỉnh, một làng tại bờ biển Phước Tuy, để khi hữu sự sẽ làm một cuộc vượt trùng dương tuy vô định nhưng với lòng cậy tin mạnh mẽ nơi Chúa Quan Phòng. Trong lúc đó, tại Nhà Mẹ, Hội Đồng Tổng Quản Dòng quyết định thành lập Chi Dòng Đồng Công Hải Ngoại với mục đích để dễ dàng “bảo tồn Dòng và phát triển việc truyền giáo”. Ngày 23 tháng 4 năm 1975, để thực hiện quyết định này, một Ban Lãnh Đạo cuộc di cư thành hình. Ban có trách nhiệm săn sóc hướng dẫn anh em và quyết định phương tiện ngày giờ ra đi. Sáng 27 tháng 4 năm 1975, tỉnh lyï Phước Tuy bị tấn công. Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu bị phong toả. Anh em Đồng Công trên 7 chiếc thuyền đánh cá cùng với từng trăm chiếc khác của dân chúng mới hớt hả rẽ sóng ra khơi. Xa quê hương Việt Nam từ đó.

Giữa biển cả mênh mông, những con thuyền đánh trở nên quá mong manh bé nhỏ, luôn chao lên hụp xuống hãi hùng. Đang lúc lao đao nguy hiểm, rất may một vài chiếc trực thăng lác đác từ đất liền bay cùng hướng ra khơi. Đoán được có tàu lớn ngoài hải phận quốc tế, các thuyền cùng loạt gắng nhoài theo hy vọng. Quả vậy, sau nhiều giờ vật lộn với sóng nước chập chờn, đoàn người đã gặp được những chiếc tàu chở hàng khổng lồ của Hoa Kỳ sừng sững hiện ra. Khi biết mình được cứu nguy, mọi người nhốn nháo quên cả mệt mã, hết cả say sóng, chen chúc nhau lên tàu bằng mọi cách. Ai cũng sợ số người được cứu vớt có hạn, nên cảnh tượng xô bồ rất hỗn loạn xảy ra, khiến nhiều người rớt xuống thuyền, xuống biển thiệt mạng, nhiều gia đình bị xé lẻ. Vì thế, anh em Đồng Công bị phân tán lên nhiều tàu khác nhau. Có anh em chưa lên được ngay, bị trôi dạt cả tháng, phải chống chọi với biển nước mênh mông. Có anh em không còn tàu vớt đã thất vọng quay trở lại đất liền chấp thuận sống với quyền lực mới. Trên tàu, tâm trạng mọi người đang hoang mang thì qua đài phát thanh, ông Dương Văn Minh nghẹn ngào tuyên bố đầu hàng cộng sản và trao trọn miền Nam cho quyền lực mới. Nhiều người bật khóc tức tưởi. Hôm đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975 đau buồn.

2. Những Ngày Tháng Tạm Cư

Một tuần lễ trên biển cả vượt nửa vòng trái đất, anh em Đồng công cùng với từ ba, bốn ngàn đồng bào trên mỗi chiếc tàu nhân đạo, đã lần lượt được đưa đến các trại tị nạn trên đảo Guam, đảo Wake, rồi từ đó vào các trại tạm cư trong lục địa Hoa Kỳ như Pendleton, Fort Chaffee, Indiantown Gap, để lập thủ tục giấy tờ và tìm kiếm người bảo trợ. Tuy mỗi lần di chuyển là mỗi lần bị phân tán mỏng, nhưng anh em Đồng Công đều cố gắng duy trì đời sống tu trì chung với nhau bao nhiêu có thể, và lợi dụng hoàn cảnh như một dịp truyền giáo thực tế.

Có rất nhiều gia đình, tu hội hay giáo xứ Mỹ hảo tâm đứng ra bảo lãnh cho các gia đình tị nạn Việt Nam lúc đó. Tuy nhiên, nói đến bảo lãnh cho cả một cộng đoàn như nhóm anh em Đồng Công di cư quả là một vấn đề! Một số anh em tới Fort Chaffee trước đã cố gắng dò hỏi và bàn thảo với một số linh mục Việt Nam du học tại Mỹ lâu năm. Các vị đều cho mong ước sống chung gần 200 người như một tu viện khi đó là điều không thể thực hiện được. Các vị góp ý nên phân tán mỏng để được bảo trợ đi các nơi, sau này làm ăn dễ dàng rồi tụ họp lại thì có hy vọng giải quyết vấn đề. Thực ra, theo cách thường, đó là những ý kiến chính đáng và hợp lý, nhất là đối với xã hội này. Nhưng với quan niệm của đa số phần tử Đồng Công, thì đó quả là một tan tác đau thương. Thế nên, mọi người tiếp tục suy tính, và nhất là cầu nguyện để xin Chúa sắp xếp cách thế như ý Chúa an bài.

Việc phải đến đã đến. Với nhiệm vụ Phó Tuyên Úy trại tị nạn Fort Chaffee, AR, cha Thomas McAndrew hiểu biết hoàn cảnh và nguyện vọng của một cộng đồng Dòng đông đảo như vậy, ngài đã tình nguyện giúp đỡ liên lạc, đồng thời khích lệ anh em vững tâm tin vào tình yêu Chúa Quan Phòng lo liệu. Chính nhờ vị ân nhân này, Hội Đồng Cố Vấn địa phận Springfield-Cape Girardeau, Missouri, dưới quyền chủ toạ của Đức Cha Bênađô Law trong một phiên họp ngày 28 tháng 5 năm 1975, đã quyết định sẵn sàng bảo trợ và nhận mọi phần tử Đồng Công vào giáo phận mình. Tin mừng đó đã phấn khích anh em vững tâm và hân hoan không ít. Chỉ sau đó một tuần, Đức Cha Law (sau này làm Hồng Y Tổng Giám Mục Boston, MA) đích thân đến trại Fort Chaffee để gặp gỡ, thăm hỏi, dâng lễ và tiến hành thủ tục bảo trợ. Cùng đi với ngài, có cha Chủ Tịch Hiệp Hội Các Dòng Nam tại Hoa Kỳ và cha Giám Tỉnh Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), người đã chấp thuận cho Dòng Đồng Công mượn khu chủng viện Our Lady of the Ozark của Dòng tại Carthage, Missouri.

3. Định Cư

Vượt trên mọi mong ước và ngoài cả những tính toán của anh em, tình thương Mẹ trên trời đã xếp đặt và lo liệu cho con cái Mẹ cách chu đáo tuyệt vời. Ngày 30 tháng 6 năm 1975, nhóm anh em đầu tiên (48 người) từ trại Fort Chaffee được xe bus chở về định cư tại Carthage. Đức Cha Law, Giám Mục giáo phận sở tại, cùng với một số vị ân nhân đã đến tận chủng viện vui vẻ đón tiếp và hân hoan chào mừng anh em vào địa phận ngài. Chủng viện này do các cha Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm quản trị trước đây, nhưng đã đóng cửa trên 5 năm, tuy nhiên vẫn được cha John Weissler, OMI, bảo trì săn sóc chu đáo. Ngoài toà nhà bằng đá to lớn ra, chủng viện còn có nhà nguyện, nhà thể thao, nhà ăn, nhà các cha và mấy sân banh rộng rãi.

Thế rồi, từ các trại tạm cư, anh em lần lượt được đưa về xum họp dần dần. Đồng thời cộng đoàn cũng chọn một Ban Quản Trị và Ban Cố Vấn lâm thời để tiệc việc điều hành. Cho đến ngày 8 tháng 8 năm 1975, lễ kính Thánh Đaminh, Bổn Mạng Đấng Sáng Lập, nhóm anh em từ đảo Wake mới về tới Carthage. Thế là kể như anh em đã đoàn tụ đông đủ sau 4 tháng phiêu linh lưu lạc. Nhiệm vụ của Ban Tổ Chức Di Cư chấm dứt, và quyền lãnh đạo cộng đoàn được trao cho cha Cyrillô Vũ Thanh Thiên, Tổng Bí Thư đương nhiệm, là người độc nhất trong Hội Đồng Tổng Quản Dòng đi được với anh em. Cha Tổng Bí Thư đã cùng với anh em cầu nguyện và tổ chức một Đại Hội để bầu cử Hội Đồng Quản Trị Dòng Đồng Công Hải Ngoại (danh xưng lúc đó). Hội Đồng này gồm một vị Giám Đốc (linh mục Ignatiô M. Lê An Đại), bốn vị Phụ Tá, Thư Ký, và Quản Lý với nhiệm kỳ 3 năm (1975-1978). Sau khi tường trình với Toà Thánh về việc bảo trợ Dòng Đồng Công, Đức Cha Law được Thánh Bộ Truyền Giáo ủy thác trách nhiệm bản quyền đối với Dòng Đồng Công Hải Ngoại theo văn thư Protocol số 4546/75 ký ngày 16 tháng 9 năm 1975.

4. Phát Triển

Kể từ đó, với sự an bài kỳ diệu của trời cao, Dòng Đồng Công Hải Ngoại bắt đầu phát triển về nhiều phương diện. Từ việc đào sâu và thực thi đứng đắn các Tinh Thần Dòng, các lời trăn trối của Đấng Sáng Lập qua những năm thiêng liêng được tổ chức như năm Thơ Ấu (1978), năm Cậy Trông (1980), năm Bác Ái (1983), qua những dịp học hỏi, huấn đức, qua các lớp Thánh Kinh, Thánh Mẫu, các cuộc cấm phòng… đến việc phát triển văn hoá do sự tiếp tay của các Dòng Hoa Kỳ gửi người đến dạy Anh ngữ cho anh em, thuyết trình về văn hoá và phong tục người Mỹ. Ngay năm sau, Dòng đã gửi anh em vào các trường đại học như Southwest Missouri State University, Springfield, MO; Benedictine College, Atchison, KS; Columbia, MO; hoặc học các ngành chuyên môn như nghề in, nghề hình tại Atchison, KS; nghề trồng tỉa tại Omaha, NE; nghề y tá tại Joplin, MO. Về tiến chức, Đức Cha Law đã truyền chức Phó Tế và sau đó chức Linh Mục cho 12 anh em tại Springfield vào năm 1976 và 1977. Dòng tiếp tục gửi anh em vào các chủng viện triết học như Conception Seminary College, Conception, MO; chủng viện thần học Kenrick, St. Louis, MO. Notre Dame Seminary, New Orleans, LA.

Công cuộc hiến dâng nối tiếp qua các lớp khấn tạm, khấn trọn. Đệ Tử Viện hình thành từ tháng 8 năm 1975 với con số 16 đệ tử sinh, để đến niên khóa 1978-1979 sĩ số lên tới 50 em. Cũng nhờ đó số thỉnh sinh và tập sinh của Dòng ngày một đông đảo. Tuy ơn gọi hàng năm vẫn dồi dào, nhưng hiện thời Đệ Tử Viện chỉ đủ chỗ cho 30 em mỗi năm. Số chí nguyện sinh lớn tuổi hơn vẫn xin đến tìm hiểu ơn gọi và nếu đủ điều kiện, vẫn tiếp tục nhập Thỉnh Viện, Tập Viện của Dòng.

Về cơ sở, ngay từ tháng 9 năm 1976, Dòng thiết lập thêm một tu viện chính thức theo Giáo Luật tại Dwight, NE (sau này di chuyển về Lincoln, NE), và một tu xá (nơi anh em trú ngụ để theo học đại học) lấy tên là Tu Xá Mẹ Mân Côi tại Springfield, MO. Tháng 12 năm 1976, Dòng mua một nông trại 107 mẫu Anh tại Ash Grove, MO, để chăn nuôi gia súc và trồng tỉa. Tháng 6 năm 1978, vì nhu cầu anh em theo thần học, Dòng đã mua nhà tại St. Louis, MO, làm tu xá Mẹ Dâng Mình. Sau đó, tháng 2 năm 1980, Dòng tiến về miền Nam mua một trụ sở tại Houston, TX, để lập nhà in Sao Mai.

Chidong1

Đặc biệt nhất là từ tháng 5 năm 1981, Dòng mua hẳn khu nhà chính tại Carthage, MO, do Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm bán lại. Với khế ước mua bán này, Dòng quản trị luôn Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ, khu nhà in phí tây đại lộ Grand, nhà ăn, nhà thể thao, và Giáo Sĩ Dưỡng Đường, nơi ngay từ tháng 7 năm 1977 Dòng được hân hạnh đón tiếp các Đức Cha, quý cha về hưu dưỡng tại đây, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Phêrô M. Ngô Đình Thục, Đức Giám Mục Giacôbê Huỳnh Văn Của, cha nguyên Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt Lê Văn Lý, cha nguyên Viện Trưởng Đại Học Huế Cao Văn Luận, cha nguyên chánh xứ La Vang, Quảng Trị, Phêrô Trần Điển, cha giáo Giuse Phạm Tuấn Trang, CM… Đến tháng 8 năm 1985, Dòng mở rộng sang miền tây, mua nhà xứ Đức Mẹ Guadalupe thuộc thành phố Highgrove, CA, để lập Đền Thánh Đức Mẹ Dâng Con giúp cho các hoạt động tông đồ thiết thực hơn.

Để thực thi mục đích Truyền Giáo của Dòng, một số linh mục và anh em đã được cử đi phục vụ trực tiếp tại các giáo xứ, như làm chánh phó xứ Nữ Vương Việt Nam tại Port Arthur, TX (tháng 2/1977); giáo xứ Khiết Tâm Mẹ ại Lincoln, NE (tháng 6/1977); giáo xứ Mỹ St. Mary tại Joplin, MO; Immaculate Conception tại Springfield, MO; St. John Vianney tại Mountain View, MO; hoặc làm tuyên úy cho các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Grand Rapids, Detroit, MI; Lansing, MI; Green Bay, WI; Wichita Falls, TX; Fort Worth, TX; Oklahoma City, OK; Omaha, NE; Dodge City, KS; Kansas City, MO; St. Louis, MO; Boston, MA; Denver, CO; Wichita, KS; Salina, KS; Rogers, AR; Little Rock, AR; St. Paul, MN; Amarillo, TX; hoặc tuyên úy các bệnh viện như bệnh viện St. Vincent tại Monett, MO; St. Francis tại Mountain View, MO; v.v…

Để truyền bá mệnh lệnh Đức Mẹ Fatima, và để bảo tồn cùng phát huy văn hoá Việt Nam, ngay từ cuối năm 1977, Dòng tái bản Nguyệt San Trái Tim Đức Meï (thành lập từ năm 1949 tại Bắc Việt, tiếp nối tại Nam Việt năm 1954), và hô hào phong trào Đền Tạ Trái Tim Đức Mẹ. Hiện nay hai linh mục Dòng làm Tổng Tuyên Úy cho Đạo Binh Hồn Nhỏ và Đạo Binh Xanh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Dòng mở Văn Phòng Liên Lạc Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ (năm 1979) với các tuần cửu nhật hàng tháng để dâng lễ, cầu nguyện cho các gia đình gửi ý nguyện về xin khấn; đồng thời liên lạc bằng Lá Thư Đền Thánh đang được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, Dòng cũng thành lập Hội Truyền Giáo Đồng Công cho những người muốn cộng tác với Dòng rao giảng Tin Mừng. Từ ít năm gần đây, cứ vào độ Giáng Sinh, anh em cũng thiết trí cuộc triển lãm các hình điện ban đêm nội dung về lịch sử cứu độ, và mời dân chúng địa phương và các vùng lân cận đến coi để tưởng nhớ công ơn Cứu Chuộc của Chúa Cứu Thế và cảm mến Tình Thương của Ngài đối với loài người.

Dòng cũng bảo trợ và tổ chức những Ngày Thánh Mẫu vào mùa hè hàng năm. Những Ngày Thánh Mẫu này thường kéo dài từ chiều thứ Năm đến sáng Chúa Nhật của một cuối tuần. Chương trình gồm những Thánh Lễ liên tiếp cho các giới, các cuộc hội thảo, sinh hoạt, kiệu Thánh Thể, cung nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima. Lễ Đại Trào, nhất là những giờ hoà giải với Thiên Chúa và anh chị em. Số người tham dự mỗi năm một tăng. Từ năm 1978 với gần 1,500 người, sau đó số người tham dự mỗi năm cứ tăng thêm mãi cho đến gần 70 ngàn người tham dự trong Ngày Thánh Mẫu năm 2000.

Song song với các hoạt động đó, tháng 8 năm 1978, nhiệm kỳ I của Hội Đồng Quản Trị Dòng Đồng Công Hải Ngoại hết hạn, anh em đã liên lạc với Nhà Mẹ và được thư của Đấng Sáng Lập và Hội Đồng Tổng Quản chỉ định một Ban Quản Trị mới thay thế với thời hạn 5 năm (1978-1983). Cha Ignatiô M. Lê An Đại tái cử Giám Đốc (nhưng tháng 2 năm 1979 cha xin từ chức, và Hội Đồng Tổng Quản Nhà Mẹ đã cử cha Barnabê Nguyễn Đức Kiên thay thế). Cũng trong dịp này, Đại Hội kỳ II đã họp trong 3 ngày để thảo luận về cách áp dụng Tinh Thần Dòng cũng như một ít thích nghi chung.

Sau hai năm thi hành nhiệm vụ, Hội Đồng Quản Trị nhiệm kỳ II thấy với hoàn cảnh hiện thời của Việt Nam, sự liên lạc giữa Dòng Đồng Công Hải Ngoại với Nhà Mẹ, cách riêng với Đấng Sáng Lập, ngày một khó khăn, nên đã cử một phái đoàn sang Rôma để lĩnh ý của Toà Thánh về nội tình của Dòng tại hải ngoại. Được biết Thánh Bộ Truyền Giáo (vì Dòng ở xứ truyền giáo nên trực thuộc Thánh Bộ này) đã bàn hỏi với Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục giáo phận có Nhà Mẹ của Dòng, và phái đoàn Đồng Công Hoa Kỳ, nên ngày 25 tháng 10 năm 1980, Thánh Bộ đã ký văn thư chính thức số Protocol N. 4931/80 thành lập CHI DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ, và cử Đức Cha địa phận Springfield-Cape Girardeau, nơi có nhà Chi Dòng, giữ nhiệm quyền “giám sát” Chi Dòng trong thời hạn 10 năm kể từ ngày ký văn thư. Với sắc lệnh trên, Toà Thánh đồng thời cũng dành cho Đức Cha quyền bổ nhiệm vị Giám Tỉnh và bốn vị Phụ Tá của Tỉnh Dòng Đồng Công này mỗi khoá 3 năm.

Ngày 30 tháng 12 năm 1980, sau khi đã thăm dò ý kiến của các tu sĩ vĩnh thệ trong Dòng, Đức Cha Law, Giám Mục bản quyền đương nhiệm đã tuyên bố vị Giám Tỉnh nhiệm kỳ I (1981-1983) của Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ (cha Barnabê M. Nguyễn Đức Kiên) và bốn vị Phụ Tá. Đến nhiệm kỳ II (1984-1986), cũng chính vị Giám Tỉnh đương nhiệm tái cử. Từ ngày thành lập Chi Dòng, Dòng thường xuyên liên lạc với các Thánh Bộ của Toà Thánh, nhất là Thánh Bộ Truyền Giáo, Đức Tin, và Dòng Tu; đồng thời cũng có nhiều cơ hội được triều yết riêng Đức Thánh Cha để tấu trình lên Ngài những điểm quan hệ về Dòng.

Dòng Đồng Công Hải Ngoại hay Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ từ năm 1975, nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ phù trì, đã trải qua những ngày tháng lênh đênh vô định trên biển cả, những tan tác phân ly trong các trại tạm cư, và đã được đoàn tụ êm ấm tại vùng đất yên hàn tự do hơn nữa, còn được những cơ hội thuận tiện, những tấm lòng ưu ái khích lệ, giúp đỡ, nên đã phát triển về nhiều phương diện đáng mừng. Phải chăng đó là quyền năng Chúa Quan Phòng và Đức Mẹ Đồng Công đã thực hiện qua những dụng cụ thô hèn bất tài là các phần tử Dòng, và qua những đóng góp rất quý giá cả tinh thần lẫn vật chất của các cha anh, của các đấng bảo trợ, của các vị ân nhân, các vị thân nhân và bạn hữu xa gần để Dòng Đồng Công nói chung và Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ nói riêng có được bộ mặt và bước tiến như ngày nay. Những công ơn và những tấm lòng vàng đó chỉ trời cao mới có thể thấu hiểu và đền đáp cân xứng.