Eucharist - Papa Francis 1

-†-

1. Nền tảng Nhiệm Tích Thánh Thể trong Thánh Kinh

1. Tại Bữa Tiệc Ly: Chúa lập Nhiệm Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, ba Thánh Sử đều tường thuật biến cố quan trọng này: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”. Đoạn Người cầm lấy chén rượu và tạ ơn, trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26:26-28, Mc 14:22-25). Chúa còn phán: “Các con hãy làm việc này để tưởng niệm Thầy” (Lc 22:19-20).

2. Bánh Hằng Sống: Riêng Thánh Gioan không thuật lại biến cố này. Nhưng ngài thuật lại lời Chúa phán về Bánh Hằng Sống: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Vì Bánh Ta ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống” (xem Jn 6:51-53).

3. Thư Thánh Phaolô: Thánh Phaolô còn nhấn mạnh đến cách thực hiện lời di chúc của Chúa khi lập Nhiệm Tích Thánh Thể: – Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy (I Cor 2:24-25). – Tưởng niệm Chúa chịu chết và sống lại, cho tới khi Chúa lại đến (I Cor 2:26). – Kết án người ăn uống Mình và Máu Thánh Chúa cách bất xứng (I Cor 2:27). Phân biệt bánh thường và Thân Mình Chúa (I Cor 2:29). Rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô (I Cor 10:16-21).

2. Chúa Kitô hiện diện trong Nhiệm Tích Thánh Thể

* Công Đồng Tridentinô tuyên tín: “Trong Nhiệm Tích cao siêu là Nhiệm Tích Thánh Thể, sau khi đã truyền phép, Chúa Kitô, Chúa chúng ta là Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện một cách thực tại, chân thật và theo bản thể dưới hình bánh, hình rượu khả giác” (DBN 874).

* Hiện diện thực tại và chân thật: Là trong mỗi hình bánh, hình rượu đều có thực sự Chúa Kitô do Đức Mẹ sinh ra, sống 33 năm tại Do Thái, đã chịu chết, sống lại và vinh hiển lên Trời. Chúa Kitô ngự trong hình bánh hình rượu cũng chính là Chúa Kitô đang ngự trên trời.

3. Chúa hiện diện theo bản thể nơi Thánh Thể

* Hiện diện theo bản thể: Bản thể là cái làm cho sự vật tồn tại, mà không cần đến cái khác. Còn cái dáng vóc bên ngoài thay đổi chỉ là tùy thể dựa vào. Vậy, hiện diện theo bản thể không phải là hiện diện theo năng lực, nhưng là hiện diện một cách thực sự và toàn túc do quyền phép của Chúa.

4. Thánh Thể, Phép lạ biến đổi bản thể (biến thể)

* Đức Phaolô VI tuyên xưng: “Chúa Kitô chỉ có thể hiện diện trong Nhiệm Tích Thánh Thể bằng cách biến bản thể bánh và rượu ra Thịt và Máu Ngài, các đặc tính của bánh và rượu vẫn còn y nguyên, ngũ quan cảm thấy được. Sự kiện biến đổi bản thể đó Giáo Hội dùng một danh từ rất thích hợp để chỉ: Đó là danh từ “transsubstantio” nghĩa là “biến thể”. Dù các nhà thần học cắt nghĩa thế nào đi nữa thì cũng phải nhận rằng, bản thể bánh và bản thể rượu sau khi truyền phép thôi không còn nữa, mà chỉ có Mình Thánh và Máu Thánh Chúa ngự thật trong hình bánh hình rượu. Chúa Kitô đã muốn thế để trở thành của nuôi chúng ta và kết hợp chúng ta trong Nhiệm Thể Người” (Kinh Tin Kính của Dân Chúa đọc trong lễ bế mạc Năm Đức Tin).

5. Phân chia hình bánh hình rượu, không phân chia Chúa

* Trong mỗi phần bánh rượu đều có sự hiện diện, thực sự và trọn vẹn Chúa Kitô, sự kiện đó thực sự là một mầu nhiệm, theo bản thể trong mỗi phần hình bánh hình rượu dầu chưa phân chia ra.

* Hiện diện cho tới khi hình bánh hình rượu hư đi: Bao lâu hình bánh hình rượu còn thì Chúa Kitô còn ngự trong đó. Khi hình bánh hình rượu hư đi, thì Chúa Kitô không hiện diện trong đó nữa. Trong Thánh Thể có sự hiện diện của Chúa Kitô thì cũng có toàn thể Thiên Chúa Ba Ngôi.

6. Sự duy nhất của Bữa Tiệc Ly và Hiến Tế Thánh Giá

+ Trên Thánh Giá, Chúa Kitô đã tự ý dâng mình chịu chết theo thánh ý Chúa Cha. Ngài vừa là Chủ Tế vừa là Lễ Vật hiến dâng làm giá cứu chuộc nhân loại.

+ Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô thực sự công khai biểu lộ ý chí tự nguyện lãnh nhận cái chết, Thánh Giá thực hiện ý chí đó, nên trong Bữa Tiệc Ly và trên Thánh Giá chỉ là một Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô.

7. Thánh Lễ Misa là hiện tại hóa lễ Hiến Tế Thánh Giá

Vì theo lệnh truyền của Chúa, lễ hy sinh của Người phải được thực hiện trong việc cử hành Nhiệm Tích Thánh Thể trên Bàn Thờ. Nói cách khác, Thánh Lễ Misa là lễ hy sinh Thánh Giá được hiện tại hóa trên bình diện Nhiệm Tích. Như vậy, Thánh Lễ Misa vừa là Lễ Hiến Tế vừa là Nhiệm Tích. Hai thực tại này khác nhau, nhưng liên kết chặt chẽ thành một duy nhất.

+ Lễ Hiến Tế: Lễ Hiến Tế trong Thánh Lễ cốt tại việc truyền phép và chỉ có lúc truyền phép mới diễn tả đầy đủ ý nghĩa lễ hiến tế Thánh Giá trên bình diện Nhiệm Tích. Linh Mục cầm bánh đọc lời truyền phép: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Rồi ngài cầm chén rượu đọc lời truyền: “Này là chén Máu Thầy, Máu Tân Ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và cho nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để tưởng niệm Thầy”.

+ Nhiệm Tích: Vì là dấu hiệu khả giác do Chúa Kitô đã thiết lập (Hình Bánh và Hình Rượu), vì Thánh Thể là lương thực dưỡng nuôi linh hồn chúng ta.

8. Thánh Thể là lương thực nuôi linh hồn

Chúa lập Nhiệm Tích Thánh Thể là để làm lương thực dưỡng nuôi linh hồn chúng ta, như lời Chúa đã phán với các Tông Đồ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống!” Vì: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Jn 6:54).

Ăn Uống Mình Máu Thánh Chúa: Là tham dự vào lễ hiến tế Thánh Giá của Người, tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua (Sự Chết và Sống Lại), nhờ thế chúng ta lãnh nhận được bao nhiêu hồng phúc: Thêm ơn thánh để nên giống Chúa, tẩy xóa các tội nhẹ vì lòng mến gia tăng, tăng thêm sức mạnh giúp chúng ta dễ xa tránh tội trọng và các tính hư nết xấu, tâm hồn được an vui chú tâm luyện đức, phát triển đời sống siêu nhiên, bảo đảm đời sống vĩnh cửu (xem Jn 6:55 & 59).

9. Thánh Thể là Nhiệm Tích Hiệp Nhất

Biểu tượng và hiệu lực của Nhiệm Tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta chân nhận được đặc tính hiệp nhất, liên kết sức lao động của con người với ơn Chúa trợ giúp.

* Bánh Miến Rượu Nho: Là kết quả của bao nhiêu người làm việc, tạo ra những hạt lúa miến, những trái nho làm lương thực nuôi sống con người.

* Trong Thánh Thể, bánh rượu trở thành dấu hiệu để loài người cùng tới hưởng Một Bánh Duy Nhất, Một Chén Duy Nhất là Chúa Giêsu Kitô để Ngài liên kết mọi người thành một, bằng một sự hiểu biết (Đức Tin), bằng một tình thương mến nhau (Đức Bác Ái).

* Do đó, Công Đồng Tridentinô đã tóm kết: “Thánh Thể là Dấu Hiệu Hiệp Nhất, là Mối Giây Bác Ái, là Biểu Tượng Hòa Bình” (Trid 13:7).

10. Dấu hiệu của Nhiệm Tích Thánh Thể

+ Chất thể: Bánh Miến và Rượu Nho là chất thể đã được Công Đồng Lateranô IV và Công Đồng Florentinô, Công Đồng Tridentinô tuyên tín (xem Mt 26:26) (xem Quy luật Thánh Lễ 281).

Bánh: Theo truyền thống của toàn thể Giáo Hội, bánh dùng trong Thánh Lễ phải làm bằng bột mì, và theo truyền thống của Giáo Hội Latinh, phải là bánh không men.

Rượu: Rượu dùng trong Thánh Lễ là rượu nho, tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn với chất nào khác (Can 815, QL TL, 284).

+ Mô thể: Lời truyền Phép Linh Mục đọc trên bánh và rượu.
Lời truyền thánh hiến Bánh: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”.

Lời truyền thánh hiến Rượu: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà uống, vì này là Chén Máu Thầy, Máu Tân Ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

11. Nhiệm vụ Cử hành Thánh Lễ Misa

Thánh Lễ Misa là Lễ Hiến Tế của Chúa Kitô, Lễ Hiến Tế của Giáo Hội, là Bữa Tiệc Thánh của Cộng Đoàn Dân Chúa.

+ Hiến Tế của Chúa Kitô: Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô cầm bánh, đọc lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Rồi cũng một thể thức ấy, Ngài cầm lấy chén, đọc lời chúc tụng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà phán: “Các con hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Thế là Chúa Kitô đã công khai khởi sự Lễ Hy Sinh dâng lên Thiên Chúa Cha. Chính Ngài là Tư Tế và là Lễ Vật tự hiến tế chính Mình làm Hy Lễ dâng lên Thiên Chúa Cha, để cứu độ nhân loại.

+ Hiến Tế của Giáo Hội: Thể theo lời di chúc của Chúa Kitô: “Các con hãy làm việc này để tưởng niệm Thầy”. Chúa cho Giáo Hội được phép làm hiện tại hóa Hiến Tế Thập Giá của Ngài, trải qua các thời đại cho tới ngày tận thế, để cùng với Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha Hiến Lễ Cực Thánh như xưa trên Thập Giá và các thành phần được cứu chuộc của Giáo Hội, Nhiệm Thể của Chúa.

+ Tiệc Thánh của Dân Chúa: Thánh Lễ tái diễn Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta được diễm phúc tham dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa, được ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa, như lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải có tâm hồn trong sạch thánh thiện, để lãnh nhận Chúa cách xứng đáng, hầu được lãnh nhận nhiều ơn phúc, khỏi lãnh án phạt đời đời vì bất xứng.

12. Có bốn nghĩa vụ khi tham dự Thánh Lễ Misa

Khi tham dự Thánh Lễ Misa, chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha, như lời Chủ Tế khi hai tay nâng Mình Máu Thánh lên cao và đọc: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.

Do đó, chính nhờ Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô trên Thập Giá, được hiện tại hóa khi cử hành Thánh Lễ trên Bàn Thờ, chúng ta mới có thể xứng đáng thực thi bốn nghĩa vụ khẩn thiết, nhân loại phải dâng lên Thiên Chúa, để đáp trả tình yêu thương của Người: Tôn Thờ, Cảm Tạ, Đền Tạ và Khẩn Cầu.

-†-

phung-vu-nhiem-tich_crucify