Confession - Papa Francis

-†-

1. Nền tảng Nhiệm Tích Hòa Giải trong Thánh Kinh

+ Trong Cựu Ước: Chúa trao sứ mạng rao giảng sự sám hối cho các Tiên Tri, kêu gọi loài người bỏ tà thần ngẫu tượng và các tội ác, quay trở về tôn thờ Thiên Chúa chân thật (xem Isaia, Ose, Ezéchiel); nhất là tiên tri Jeremia đã dùng 29 lần đến động từ sám hối trở về (xem Jer 8:4-5; 26:3-13; 31:18-19).

+ Trong Tân Ước: Thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi loài người sám hối trở về, dọn đàng cho Chúa Kitô, công khai rao giảng Tin Mừng (xem Mt 3:18; Mc 1:4; Lc 3:8).

Chúa Kitô nhấn mạnh đến sự tuyệt đối phải sám hối: “Ai không sám hối sẽ phải chết” (Mt 11:20-24; Mc 1:4; Lc 3:8). Chúa còn thúc dục tội nhân sám hối và tha tội cho họ: “Hỡi con, các tội của con đã được tha” (Mc 2:5; Lc 5:20) và trao quyền tha tội cho các Tông Đồ: “Hãy chịu lấy Chúa Thánh Linh. Các con tha tội cho ai, người ấy được tha; các con cầm buộc ai, tội người ấy bị cầm buộc” (Jn 20:23; Mt 16:18; 18:18). Ngài căn dặn các môn đệ phải tha tội cho người ta luôn mãi (Mt 18: 21-22).

+ Trung thành với lệnh Chúa truyền: Các Tông Đồ can đảm rao giảng và kêu gọi tội nhân sám hối trở về và tin vào Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết và đã phục sinh (Acts 2:38; 5:31; 13:16-41; 14:15; 15:19; 26:18-20; II Cor 7:9; Thess 1:9) và thánh hóa nhân loại bằng Bí Tích Thánh Tẩy và Hòa Giải.

2. Lịch sử nghi thức Nhiệm Tích Hòa Giải trong Giáo Hội Công Giáo

Theo lệnh Chúa truyền và noi gương các Tông Đô, Thánh Giáo Hoàng Clementê đã viết thư cho các Tín Hữu Corinthô khoảng năm 99 truyền cho những người phản nghịch phải sám hối và vâng phục Linh Mục (Cor 57:1). Thánh Ignatiô Antiochia thì dạy: “Chúa luôn luôn tha tội cho chững người sám hối nếu họ biết trở về và kết hợp với Ngài và thông hiệp với Giám Mục” (Philadelphia 8:1). Thánh Policarpô khuyên Linh Mục: “Hãy thông cảm và xót thương mọi người và tránh đừng bắt đền tội lâu dài” (Philip 6:1). Sách Diaché ở thế kỷ II thúc dục mọi người sám hối và thú tội trước khi dâng Thánh Lễ.

* Giáo Hội có quyền phán đoán hành vi con cái mình để “tháo gỡ hay cầm buộc” như quyền Chúa đã trao ban.

* Đưa ra phán quyết “Tháo Gỡ hay Cầm Buộc” Giáo Hội quyết định cho hối nhân được thông hiệp với Cộng Đoàn và rước Thánh Thể hay không, vì tội ác chẳng những xúc phạm tới Chúa mà còn xúc phạm tới Giáo Hội, tới Cộng Đoàn nữa. Tha tội và cho phép chịu Mình Thánh Chúa, vì Nhiệm Tích Thánh Thể là trung tâm của mọi Nhiệm Tích, của sự giao hòa và là nguyên lý của sự Hiệp Nhất Cộng Đoàn.

Tóm lại, Nhiệm Tích Hòa Giải là Nhiệm Tích Chúa Kitô đã thiết lập và trao cho Giáo Hội cử hành dưới hình thức quyền tư pháp, để tha tội phạm từ khi lãnh Nhiệm Thích Thánh Tẩy cho hối nhân biết sám hối mà xưng tội với Linh Mục có quyền tha tội.

3. Sự cần thiết của Nhiệm Tích Hòa Giải

Muốn giao hòa với Thiên Chúa, phải sám hối, phải trở về với Ngài. Đó là đường duy nhất cho mọi tội nhân. Đấng Cứu Độ đã muốn thế, nên tội nhân không muốn dùng cách đó thì không thể được khỏi tội. Công Đồng Tridentinô dạy: “Nhiệm Tích Thánh Tẩy cần cho kẻ chưa lãnh Nhiệm Tích ấy thế nào, thì Nhiệm Tích Hòa Giải cũng cần cho người phạm trọng tội sau không lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy như vậy” (Trid Sess 14, Cap 2).

3. Dấu hiệu của Nhiệm Tích Hòa Giải

+ Chất thể: Là hành vi sám hối, bao gồm việc ăn năn phàn nàn thực lòng gớm ghét mọi tội lỗi, yếu tố này rất quan trọng, sự xưng thú có thể hoãn lại, việc đền tội thường làm sau khi đã xưng thú.

+ Mô thể: Công thức ban ơn xá giải của Linh Mục: “Thiên Chúa là Cha Nhân Từ đã dùng Sự Chết và Sống Lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa và đã ban Thánh Thần để tha tội, xin Người dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Hối nhân thưa: Amen.

4. Các tội vi phạm luật pháp

Tội là cố tình vi phạm những điều luật truyền buộc tuân giữ hay cấm đoán, vì không có luật thì không ai bị kết án là phạm tội. Vậy có mấy thứ luật pháp? Có ba thứ luật pháp sau đây:

+ Nhiên Luật: Là luật Thiên Chúa đã khắc ghi trong lương tâm, nơi bản thể con người, là loài có lý trí và tự do, để khi biết dùng trí khôn thụ tạo của mình, mà nhận ra được những nguyên tắc căn bản, như phải tôn thờ Thiên Chúa tối cao, làm điều thiện tránh điều ác, thảo hiếu cha mẹ… và dùng tự do sống theo luật đó, hợp với phẩm giá của mình.

+ Thiên Luật: Là luật vĩnh cửu (lex aeterna), là sự sắp đặt, an bài trong vũ trụ, nơi vạn vật một cách tuyệt hảo trong thượng trí của Thiên Chúa, để mọi hoạt động của từng thụ tạo hướng về một cứu cánh, mà Thiên Chúa đã an bài. Cách đặc biệt, Chúa đã minh nhiên truyền cho nhân loại Thập Giới qua tổ phụ Maisen trên núi Sinai, Mười Giới Luật đó còn được gọi là Thánh Luật.

+ Nhân Luật: Là luật pháp (Lex Humana) do các nhà lãnh đạo hợp pháp thiết lập và công bố để mưu cầu công ích. Ví dụ: Luật Giáo Hội (Lex Ecclesiastica), Luật Quốc Gia (Lex Civilis).

5. Hiệu Quả của Nhiệm Tích Hòa Giải

Nhiệm Tích Hòa Giải phát sinh các hiệu quả sau đây:

1. Nhiệm Tích Hòa Giải tha thứ mọi tội lỗi, dù tội nặng thế nào mặc lòng, tha hết, tha hoàn toàn. Nếu lỡ tái phạm, Chúa chỉ kể các tội mới mà thôi (xem Ezéchiel 18:1).

2. Tha hình phạt hỏa ngục (ex opere operato).

3. Giảm bớt hình phạt tạm ở đời này hay đời sau trong luyện ngục. Mức độ tha hình phạt tạm tùy vào cường độ lòng kính mến Chúa của tội nhân.

4. Hoàn lại công nghiệp (các việc lành phúc đức đã lập được lúc còn sống trong sủng tạng) đã mất khi phạm tội trọng.

5. Được ban thêm ơn thánh do Nhiệm Tích Hòa Giải, giúp chúng ta xa tránh tội lỗi, giữ vững tâm tình sám hối.

6. Bốn điều kiện để lãnh Nhiệm Tích Hòa Giải nên

Để lãnh Nhiệm Tích Hòa Giải nên, cần thực thi các việc sau đây:

1. Hồi tâm tự kiểm: Là nhớ lại những tội lỗi đã phạm từ khi lãnh Nhiệm Tích Hòa Giải lần trước cho tới nay, đã làm những điều gì mất lòng Chúa, xúc phạm đến tha nhân và làm ô nhơ cho chính bản thân, trái lương tâm, phản luật Chúa và Giáo Hội.

2. Sám hối dốc lòng: Công Đồng Tridentinô định nghĩa: “Sám hối là việc tâm hồn đau đớn và gớm ghét tội lỗi đã phạm và dốc lòng không tái phạm nữa” (Trid Sess 14, Cap 4).

3. Xưng thú thành thật: Công Đồng Tridentinô định nghĩa: “Xưng tội là thú nhận tất cả các tội trọng đã thực sự vi phạm sau khi đã lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, để chịu sự phán đoán của thẩm quyền tháo mở hay cầm buộc mà Giáo Hội đã được Chúa trao ban”.

4. Đền bồi cân xứng: Công Đồng Tridentinô dạy các Linh Mục phải ra việc đền tội cho hối nhân nếu ban Nhiệm Tích Hòa Giải cho kẻ ấy. Việc đền tội cần xứng hợp với tội trạng, với sức lực và chức bậc của tội nhân (Can 887).

7. Ba nhiệm vụ của Linh Mục khi ngồi tòa Hòa Giải

Là đại diện của Chúa, ngồi tòa ban ơn xá giải, Linh Mục có 3 nhiệm vụ sau:

1. Như một người Cha Nhân Từ đón tiếp con lầm đường, hối lỗi trở về.

2. Như một vị Thẩm Phán đoán xét tội trạng để “Tháo mở hay Cầm buộc“.

3. Như một Bác Sĩ chữa trị bệnh tật, giúp tội nhân phương thế xa tránh tội lỗi.

Có thứ tội kèm theo “Vạ“, nếu là “Vạ” dành quyền cho Đức Giám Mục, thì Linh Mục ngồi Tòa Hòa Giải không có quyền tha, nếu không được Đức Giám Mục sở tại ban quyền đó. Ví dụ: Tội phá thai chẳng hạn.

8. Năm loại tội có “Vạ” kèm theo dành quyền riêng cho Đức Thánh Cha

Năm “Vạ” sau đây không ai có quyền tha, ngoại trừ Đức Thánh Cha:

1. Tội xúc phạm đến Thánh Thể Chúa (xúc phạm hay cộng tác với kẻ thù).

2. Tội phá ấn Tòa Hòa Giải (tiết lộ bí mật Tòa Hòa Giải).

3. Tội tấn phong Giám Mục không do Đức Thánh Cha ủy thác.

4. Tội giải tội đồng phạm (Linh Mục giải tội cho kẻ phạm tội với mình).

5. Tội xúc phạm đến Đức Thánh Cha (như mưu sát, xỉ nhục Đấng Đại Diện Chúa).

-†-

phung-vu-nhiem-tich_crucify