-†-
1. Nền tảng của Nhiệm Tích Thêm Sức trong Thánh Kinh
* Chúa Kitô lãnh nhận Chúa Thánh Linh ngay từ giây phút đầu thai trong lòng Mẹ, được xức dầu tấn phong làm Linh Mục, Tiên Tri, Vương Đế (xem Lc 1:35).
* Tại sông Jordanô, Chúa Thánh Linh tấn phong cách công khai, hướng dẫn Ngài bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng Ơn Cứu Độ (xem Mt 3:13-17).
* Lúc Chúa Kitô phán: “Thầy ra đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không ra đi, thì Chúa Thánh Linh sẽ không đến cùng các con” (Jn 16:7).
* Mỗi lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, là Chúa ban Thánh Thần cho các ông (xem Jn 20:22).
* Chúa hứa ban Chúa Thánh Linh (xem Lc 24:49).
2. Chất thể và Mô thể của Nhiệm Tích Thêm Sức
+ Chất thể xa: Dầu Oliu pha với dầu thơm đã được Đức Giám Mục hiến thánh.
+ Chất thể gần: Là việc thừa tác viên đặt tay trên đầu thụ nhân, đồng thời xức dầu Chrisma.
+ Mô thể: Chứa đựng trong lời: Ví dụ: “Phêrô, con hãy nhận lấy Ấn Tích Ơn Chúa Thánh Thần”.
3. Thừa tác viên của Nhiệm Tích Thêm Sức
* Thừa tác viên nguyên thường là Đức Giám Mục.
* Thừa tác viên ngoại thường là những vị do luật chung cho phép, hoặc đặc ân do Tòa Thánh ban, tức là các Linh Mục Thánh Tẩy người lớn.
* Do đặc ân như vị tuyên úy hải quân.
4. Ý nghĩa việc xức dầu và đặt tay
* Để biểu lộ sức mạnh cường tráng (Mt 6:17).
* Để biểu lộ sự vui mừng và xoa dịu cơn đau đớn.
* Để phong Vương (I Sam 10:1; 16:12) phong Tư Tế (Ex 28:41 & Lv 7:35-36).
* Trong Nhiệm Tích Thêm Sức: Việc xức dầu diễn tả sức mạnh Chúa Thánh Thần xuống trên thụ nhân, thấu nhập và biến đổi thụ nhân thành dũng sĩ của Chúa Kitô; ngoài ra, còn mang một ý nghĩa “Chịu xức dầu Phong Vương, Phong Tư Tế” để được tham dự quyền Thượng Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Chúa Kitô.
5. Nhiệm Tích Thêm Sức ban cho thụ nhân các ơn phúc sau
* Ơn Thánh Hóa: Được ban thêm ơn thánh hóa.
* Ơn Tích Sủng: Được thêm can trường tuyên xưng và làm nhân chứng Đức Tin.
* Bảy Hồng Ân Chúa Thánh Linh.
* Ấn Tích Thêm Sức: Ban thêm năng lực chiến đấu chống lại các kẻ thù Đức Tin.
6. Tương quan của Nhiệm Tích Thêm Sức và Ơn Cứu Độ
+ Đối với cá nhân: Nhiệm Tích Thêm Sức không cần thiết cho phần rỗi, nhưng nếu khinh thường hay lười biếng mà không lãnh nhận thì mắc tội trọng và mất các ơn ích do Nhiệm Tích mang lại.
+ Đối với Cộng Đoàn: Nhiệm Tích Thêm Sức rất cần thiết cho Giáo Hội. Nó thông ban Ơn Thánh siêu nhiên, để chiến thắng những khó khăn nội tại và ngoại tại, mà Đấng Sáng Lập đã tiên báo (xem Mt 10:16 & Jn 16:20).
7. Quyền Lợi và Nghĩa Vụ do Nhiệm Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức
* Công Đồng Vaticanô II: “Nhiệm Tích Thánh Tẩy sát nhập chúng ta vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, Nhiệm Tích Thêm Sức làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được thánh hiến vào chức vụ Thượng Tế, Tiên Tri và Vương Đế, ngõ hầu trong mọi việc, chúng ta dâng những lễ vật linh thiêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu” (Tông Đồ Giáo Dân # 3).
* Quyền lợi của thụ nhân: Nhiệm Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức ban cho thụ nhân được tham dự vào chức vụ Thượng Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Chúa Kitô; đồng thời, chúng ta có nghĩa vụ phải chu toàn do các chức vụ đòi buộc.
8. Niềm Tin kính Chúa Thánh Linh
* Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Người đã dùng các Tiên Tri mà phán dạy”.
9. Bảy Hồng Ân Chúa Thánh Linh
1. Hồng Ân Khôn Ngoan (làm hoàn hảo Đức Mến).
2. Hồng Ân Thâm Hiểu (làm hoàn hảo Đức Tin).
3. Hồng Ân Minh Luận (làm hoàn hảo Đức Tin).
4. Hồng Ân Chỉ Giáo (làm hoàn hảo Đức Khôn Ngoan).
5. Hồng Ân Sùng Hiếu (làm hoàn hảo Đức Công Bằng).
6. Hồng Ân Hùng Dũng (làm hoàn hảo Đức Đại Đảm).
7. Hồng Ân Kính Sợ (làm hoàn hảo Đức Cậy Trông và Đức Tiết Độ) (tr. 90).
10. Hồng Ân Chúa Thánh Linh
Định nghĩa: “Hồng Ân Thánh Linh là những phẩm chất thường tại Chúa ban cho linh hồn một trật với ơn thánh hóa và các nhân đức thiên phú, để tăng cường các tài năng, khiến chúng ta nên mềm mại, hầu dễ hấp thụ được các ơn Chúa Thánh Linh soi sáng, kích động và thực hành các nhân đức khó khăn và cao cả nhất“.
-†-