-†-
1. Nền tảng Nhiệm Tích Hôn Phối trong Thánh Kinh
Tại Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã tác tạo nên Adam Evà, liên kết thành một tổ ấm yêu đương, là mẫu mực của định chế hôn nhân, ăn sâu trong bản tính con người (gọi là định chế hôn nhân tự nhiên).
+ Định chế hôn nhân tự nhiên: Là hai người nam nữ (khác phái) kết hôn với nhau một cách bền vững: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra” (Gen 2:23). Và đôi vợ chồng sống thật thân tình. Thánh Kinh kết luận: “Cho nên người đàn ông sẽ lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình như một thân thể”. Đơn hôn (chỉ một Adam và một Evà), để cộng tác với Thiên Chúa trong việc phát triển loài người và cai trị vũ trụ. Như lời Thiên Chúa phán: “Các ngươi hãy sinh sản con cái cho tràn đầy mặt đất và hãy bắt trái đất phục tùng, hãy chủ trị cá biển, chim trời và muôn vật sống động trên mặt đất” (Gen 1:28). Để con người tương trợ lẫn nhau, bổ túc cho nhau, nên Chúa đã quyết định: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy dựng nên cho y một nội trợ giống như y” (Gen 2:18).
+ Đặc tính của định chế hôn nhân: Đơn hôn và bất ly dị (bền vững cho đến chết). Trong Cựu Ước, chế độ đa thê được thịnh hành từ thời các tổ phụ cho đến sau thời lưu đầy ở Babylon. Có lẽ là một cách thế để mau tăng thêm dân số và lưu truyền giòng giống, nên Cựu Ước cho phép. Còn Maisen cho phép ly dị, thì chính Chúa Kitô đã cho biết lý do: “Vì lòng dạ lì lợm của dân” (Deut 25:5-10). Nhân đó, Chúa Kitô đã long trọng xác định lại định chế hôn nhân tự nhiên từ nguyên thủy: “Đơn hôn và bất khả ly dị” (Mt 19:4-9; Lc 16:18).
+ Nhiệm Tích Hôn Nhân Kitô Giáo: Hơn thế nữa, Chúa đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng Nhiệm Tích Thánh. Chúa Kitô đã đến tham dự Tiệc Cưới tại Cana, Ngài chúc phúc cho đôi tân hôn, bằng cách làm phép lạ cho nước lã hóa thành rượu ngon, tỏ ra sự quan tâm săn sóc của Ngài.
1. Từ bậc tự nhiên được thiết lập: “Vì lẽ đó, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà luyến ái vợ mình, và cả hai thành một huyết nhục” (Gen 2:24; Eph 5:21).
2. Tới bậc siêu nhiên với đặc tính cao cả: “Chồng hãy yêu mến vợ mình, như Đức Kitô yêu mến Giáo Hội… Mầu nhiệm này thật lớn lao” (Eph 5:25-32).
2. Lịch sử nghi thức Hôn Nhân Kitô Giáo
* Thánh Giám Mục Ignatiô thành Antiochia năm 107 dạy: “Đôi bạn nam nữ kết hôn với nhau được sự đồng ý của Đức Giám Mục là hợp lý, để hôn phối diễn ra hợp thánh ý Chúa, chứ không do khát vọng nhục dục” (Polycarpe 5,2).
* Giáo Phụ Tertullianô (thế kỷ 2) chứng nhận Hôn Nhân Công Giáo được cử hành trước mặt Đại Diện Giáo Hội: “Làm sao tôi có thể diễn tả nổi hạnh phúc của đôi tân hôn do Giáo Hội tác thành, do Hiến Tế củng cố, do Phép Lành đóng ấn, được các Thiên Thần công bố và Chúa Cha trên trời chuẩn y” (Ad Uxorem 2,9).
* Trong Lễ Nghi Roma được Đức Phaolô V công bố năm 1614, lễ nghi hôn phối rất đơn giản: Câu đối thoại ngắn biểu lộ sự đồng ý kết hôn, phép lành của Linh Mục chứng hôn, làm phép nhẫn, rồi để cho người chồng trao nhẫn cho người vợ. Trong nhiều Giáo Phận, Linh Mục chứng hôn làm phép hai chiếc nhẫn và đôi vợ chồng trao nhẫn cho nhau.
3. Ý nghĩa cao cả của Nhiệm Tích Hôn Nhân Công Giáo
* Công Đồng Vaticanô II dạy: “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung, thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được xây dựng do Giao Ước Hôn Nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại được. Chúa Kitô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu muôn hình ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương của Chúa Kitô và Giáo Hội. Thực vậy, như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân Người bằng một giao ước yêu thương và trung thành, ngày nay Đấng Cứu Thế, Bạn Trăn Năm của Giáo Hội cũng đến với đôi vợ chồng qua Nhiệm Tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ, để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tận hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Giáo Hội và nộp mình chịu chết vì Giáo Hội” (Gaudium et Spes # 48).
A. Hôn Nhân Dân Sự: Thiên Chúa thiết lập thể chế hôn nhân tự nhiên bằng luật lệ riêng biệt, để bảo toàn hạnh phúc và mục đích của hôn nhân: Đơn hôn, bất khả ly dị, sinh con cái và giáo dục chúng nên người, yêu thương và tương trợ lẫn nhau. Đó là thể chế hôn nhân tự nhiên và Giáo Hội đang quyết tâm bảo vệ.
B. Hôn Nhân Kitô Hữu: Đối với các Kitô Hữu, hôn nhân được Chúa Kitô nâng lên thành Nhiệm Tích Hôn Phối, để làm phương tiện Chúa đến gặp gỡ đôi tân hôn, chúc phúc cho họ và ở lại với họ mãi mãi. Vậy giữa các Tín Hữu, không thể có hôn ước dân sự nào thành sự, chỉ khi nào có hôn ước trong Nhiệm Tích mới thành sự mà thôi (Can 1012).
4. Dấu hiệu của Nhiệm Tích Hôn Phối
+ Chất thể: Là quyền lợi của hai người trên thể xác của nhau.
+ Mô thể: Là sự biểu lộ ưng thuận kết hôn với nhau, bằng lời nói (hoặc bằng dấu hiệu khác).
5. Hiệu quả của Nhiệm Tích Hôn Phối
Nhiệm Tích Hôn Phối phát sinh các hiệu quả sau đây:
1. Nhiệm Tích Hôn Phối tăng thêm Ơn Thánh Hóa (đồng sủng) và ban Tích Sủng giúp đôi bạn chu toàn bổn phận gia đình.
2. Phát sinh giây hôn phối vững bền: Kết hợp hai vợ chồng thành một, mối giây ràng buộc này chỉ mất khi một trong hai người phối ngẫu qua đời.
3. Đôi vợ chồng chung sống với nhau thành một tổ ấm yêu đương theo luật công bằng và bác ái. Người chồng là chủ, người vợ cộng tác với chồng trong mọi sinh hoạt gia đình, sinh sản và dưỡng dục con cái.
4. Sinh con cái chính thức (con cái được sinh ra hoặc thụ thai do sự kết hôn thành sự, thụ thai trước và sinh ra sau khi cha mẹ lãnh Nhiệm Tích Hôn Phối, cũng được gọi là con chính thức).
5. Chính thức hóa con ngoại hôn (con do cha mẹ có đạo sinh ra trước khi lãnh Nhiệm Tích Hôn Phối), chúng được hưởng quyền lợi như con chính thức hay ít ra là do luật định, thí dụ chúng không được nhận Chức Giám Mục, Đan Viện Phụ….
6. Thừa tác viên và thụ nhân Nhiệm Tích Hôn Phối
Người ban và kẻ lãnh Nhiệm Tích Hôn Phối là chính hai người nam nữ kết hôn với nhau, khi không ngăn trở tiêu hôn, hoặc có mà đã được chuẩn.
7. Đại Diện của Giáo Hội chứng kiến Nghi Lễ Thành Hôn
Hai người nam nữ làm lễ thành hôn trước mặt vị Đại Diện Giáo Hội cách hợp pháp, và ít là hai nhân chứng hợp luật, mới thành sự (xem Can 1094).
+ Đại Diện Giáo Hội cách hợp pháp: Là những vị có Chức Phó Tế trở lên, được Giáo Hội trao quyền quản nhiệm một Giáo Phận, một Giáo Xứ, một hay nhiều Họ Đạo như Đức Giám Mục Bản Quyền, Cha Sở, Cha Phó trọn quyền coi sóc một Họ Đạo, Cha Phó công quản và những vị được ủy quyền chứng hôn hợp pháp.
+ Hai chứng nhân hợp pháp: Là người biết sử dụng lý trí và có khả năng làm chứng, đứng ra chứng kiến hôn phối, đồng thời với sự hiện diện chứng hôn của Đại Diện Giáo Hội.
Lễ Thành Hôn được cử hành trước mặt Cha Sở bên nữ, trừ khi có lý do chính đáng (khó khăn đi lại, hoặc bên nữ không có Đạo Công Giáo…).
8. Tương quan giữa Nhiệm Tích Thánh Tẩy và Hôn Phối
Nhiệm Tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta được trở nên con cái Chúa và Giáo Hội, là cửa chúng ta bước vào để có quyền lãnh các Nhiệm Tích khác.
+ Riêng về Nhiệm Tích Hôn Phối: Nhiệm Tích Thánh Tẩy là điều kiện tất yếu để hai người nam nữ lãnh nhận Nhiệm Tích Hôn Phối. Do đó, một người Công Giáo kết hôn với một người ngoại giáo (dầu được phép chuẩn và cử hành theo lễ nghi Giáo Hội) không thuộc về Nhiệm Tích Hôn Phối, đó chỉ là kết hôn theo thể chế hôn phối tự nhiên theo luật đạo mà thôi.
+ Ấn Tích Thánh Tẩy, có thể được xem như thành phần nội tại của Nhiệm Tích Hôn Phối, để nó biến thành một khế ước kết hiệp của hai người phối ngẫu, thành hình ảnh kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (nên vợ chồng lương dân cưới xin đúng luật đời, trở lại không cần phải làm lễ thành hôn nữa).
+ Còn Nhiệm Tích Hôn Phối, giúp cho Ấn Tích Thánh Tẩy phát triển thêm một bậc, trong sinh hoạt tình yêu thánh thiện của gia đình trên bình diện cá nhân và xã hội, về việc phát triển nhân loại cũng như truyền bá Giáo Hội Chúa.
-†-