-†-
1. Nền tảng Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh trong Thánh Kinh
Công Đồng Vaticanô II dạy: “Chúa Giêsu, Đấng đã đựợc Chúa Cha thánh hóa va sai xuống trần gian (Jn 10:36) và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong (Mt 3:16; Lc 4:18), Người đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào sự xức dầu tấn phong đó” (Sắc lệnh đời sống Linh Mục # 2).
“Qua Nhiệm Tích Thánh Tẩy, Chúa Kitô đã và đang quy tụ mọi người làm nên một Thân Thể Duy Nhất của Chúa, làm thành “Dòng giống được tuyển chọn, hàng Linh Mục Vương Đế, là Dân Tộc Thánh, là Dân Riêng của Thiên Chúa” (I Pet 2:9).
“Để xây dựng và làm phát triển Dân Tộc Thánh, thì “mỗi chi thể, mỗi phần tử phải có nhiệm vụ riêng” (Rom 12:4) nên Chúa đã cắt đặt giữa các Tín Hữu một số thừa tác viên, ban cho họ quyền tế lễ, tha tội, để họ thi hành Chức Vụ Linh Mục cho loài người nhân danh Chúa Kitô” (Sắc lệnh đời sống Linh Mục # 2).
2. Lịch sử nghi lễ Truyền Chức Thánh
Trong Kinh Thánh Tân Ước đã cho biết lễ nghi ban Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh được cử hành do việc “Đặt Tay” và lời cầu nguyện của các Tông Đồ.
Truyền thống Kitô Giáo xưa cũng chỉ nhìn nhận việc “Đặt Tay“như là yếu tố chất thể của lễ nghi Truyền Chức Thánh (Thánh Hippolite thế kỷ 3 trong Tradition Apostolique; Thánh Cyprien thế kỷ 3 trong Ep, 67,5; Thánh Giáo Hoàng Corneille (Ep. Ad Fabium).
Thánh Chức trong Phẩm Trật Giáo Hội có ba bậc: Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế:
1. Chức Giám Mục: Công Đồng Vaticanô II dạy: “Khi được tấn phong, Giám Mục nhận lãnh sự vẹn toàn của Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Hội Thánh và các Thánh Giáo Phụ gọi là Chức Linh Mục Thượng Phẩm và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của Thánh Vụ. Việc tấn phong trao ban nhiệm vụ Thánh Hóa cũng như nhiệm vụ Giáo Huấn và Lãnh Đạo; tuy nhiên các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục Đoàn” (Lumen Gentium # 21).
* Dựa theo Thánh Kinh, dựa theo chứng tá truyền thống, như chứng của Thánh Irênê, Công Đồng Vaticanô II xác nhận: “Chính Chúa Kitô đã đặt các Giám Mục kế vị các Tông Đồ, là Mục Tử của Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn khinh dể các ngài là khinh dể chính Chúa Kitô và Đấng đã sai Chúa Kitô đến” (Lumen Gentium # 20).
2. Chức Linh Mục: Công Đồng Vaticanô II dạy: “Nhờ Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh, Linh Mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, để rao giảng Tin Mừng, chăn dắt các Tín Hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách Tư Tế đích thực của Tân Ước. Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ của Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, các Linh Mục loan báo Lời Thiên Chúa cho mọi người… Sau hết, vất vả truyền giáo và giảng dạy, Linh Mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những điều mình tin và thực hành những điều mình giảng dạy” (Lumen Gentium # 28).
3. Chức Phó Tế: Công Đồng Vaticanô II dạy: “Ở bậc thấp hơn của Hàng Giáo Phẩm, có các Phó Tế, những người đã được đặt tay không phải để nhận Chức Linh Mục nhưng là để phục vụ. Thực vậy, được Thánh Sủng Nhiệm Tích bồi bổ, các Phó Tế hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Đoàn, phục vụ Dân Thánh Chúa bằng việc Phụng Vụ, Giảng Dạy và Bác Ái” (Lumen Gentium # 29).
3. Dấu hiệu của Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh
A. Chức Giám Mục:
+ Chất thể: Đức Giám Mục chủ phong yên lặng đặt tay trên đầu vị thụ phong.
+ Mô thể: Lời nguyện: “Và giờ đây, xin tuôn đổ trên vị được tuyển chọn đầy thần lực phát xuất từ nơi Chúa là Thánh Thần, mà Chúa Cha đã ban cho Con Yêu Dấu của Chúa là Đức Giêsu Kitô, và chính Chúa Kitô lại ban cho các Thánh Tông Đồ, các vị này đã thiết lập Hội Thánh khắp nơi như Thánh Điện của Chúa, để tôn vinh và ca tụng danh Chúa muôn đời”.
B. Chức Linh Mục:
+ Chất thể: Đức Giám Mục chủ phong yên lặng đặt tay trên đầu mỗi tiến chức.
+ Mô thể: Lời nguyện: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa ban Chức Linh Mục cho tôi tớ Chúa đây. Xin lại ban Chúa Thánh Thần thánh hóa trong lòng các Thầy. Lạy Thiên Chúa, xin ban cho các Thầy được lãnh nhận nơi Chúa Chức Phụ Tá và cho đời sống các Thầy nêu gương cải thiện phong hóa thế gian”.
C. Chức Phó Tế:
+ Chất thể: Đức Giám Mục yên lặng đặt tay trên đầu mỗi tiến chức.
+ Mô thể: Lời nguyện: “Lạy Chúa, chúng con xin Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống trên các Thầy, để nhờ Người các Thầy được bảy ơn Chúa thêm sức, sẽ trung thành thi hành chức vụ” (tr. 178-180).
4. Hiệu quả của Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh
Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh trao ban ơn đoàn sủng, ơn tích sủng, ấn tích bất điệt và thường quyền thiêng liêng.
A. Chức Giám Mục: Chức Giám Mục lãnh nhân trọn vẹn Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh, trao ban trọn quyền nhiệm vụ Rao Giảng, Thánh Hóa và Lãnh Đạo. Thường quyền thiêng liêng trong nhiệm vụ thánh hóa của Đức Giám Mục dễ thấy nhất là quyền tấn phong các Chức Thánh (Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế).
B. Chức Linh Mục: Chức Linh Mục lãnh nhận Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh (theo hàng dọc: do Chúa tuyển chọn, tấn phong và đóng ấn) trong cấp bậc “Tham dự vào Chức Linh Mục Thượng Phẩm và sứ mạng của Giám Mục” (theo hàng ngang: do Đức Giám Mục trao nhiệm vụ thừa tác của ngài cho Linh Mục) là Rao Giảng, Thánh Hóa và Lãnh Đạo. Thường quyền thiêng liêng của Linh Mục dễ thấy nhất là quyền Tế Lễ Misa, Xức Dầu Thánh.
C. Chức Phó Tế: Chức Phó Tế lãnh nhận chức vụ “Do sự đặt tay tấn phong của Đức Giám Mục” có thường quyền phục vụ Bàn Thờ, công việc bác ái.
5. Thừa tác viên Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh
Thừa tác viên của Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh là những vị có Thánh Chức Giám Mục (Can # 951). Những tác vụ (không thuộc Chức Thánh) như Đọc Sách và Giúp Lễ hoặc nghi thức tiếp nhận vào số các thỉnh nguyện viên sẽ lên Chức Phó Tế hay Linh Mục do Đức Giám Mục hoặc Bề Trên Thượng Cấp Dòng Giáo Sĩ cử hành.
6. Thụ nhân lãnh Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh
Trên nguyên tắc, các Thánh Chức được trao ban thành sự cho những “Nam Nhân” đã lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, nếu người lớn thì cần biểu lộ ý muốn lãnh nhận.
Trong thực tế, Giáo Hội tuyển chọn rất kỹ theo tiêu chuẩn xứng đáng và có khả năng phục vụ vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn.
Điều kiện Lãnh Chức Thánh: Ứng viên lãnh Thánh Chức phải: Học xong chương trình triết học và thần học cần thiết. Tự ý nộp đơn xin chịu chức lên Đức Giám Mục Bản Quyền và được ngài chấp thuận. Ứng viên lãnh Thánh Chức trong các Hội Dòng còn phải nộp đơn chịu chức lên Bề Trên Hội Dòng nữa. Tuổi luật định để được lãnh Thánh Chức (Linh Mục phải 24 tuổi chẵn, Phó Tế phải 22 tuổi chẵn: Can # 975)..
-†-