Phụng Vụ Nhiệm Tích
Thần Học Giáo Dân
Tác giả: Lm. Phạm Minh Vận, CMC
Tóm lược phỏng theo sách: “Phụng Vụ Bí Tích” của Linh Mục Phanxicô Xavier Tân Yến
do Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ xuất bản 1981
Các Cộng Đoàn, Giáo Xứ,
và Các Đoàn Thể Công Giáo Tiến Hành
được tự do dùng làm giáo khoa học tập
những không in ấn có tính cách thương mại.
-†-
Phần Nhất
TỔNG QUÁT VỀ PHỤNG VỤ
1. Ý nghĩa danh từ Phụng Vụ Thánh
Danh từ Phụng Vụ: Phụng là vâng phục, hiến dâng, tôn sùng. Vụ là công việc.
2. Định nghĩa Phụng Vụ Thánh
* Theo Đức Thánh Cha Piô XII: “Phụng Vụ Thánh là tế tự của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là của Đầu và của các Chi Thể Ngài. Phụng Vụ là sự thi hành chức vụ Linh Mục Thượng Phẩm của Chúa Kitô” (Thông Điệp Mediator Dei).
* Theo Công Đồng Vaticanô II: “Phụng Vụ Thánh là sự thi hành chức vụ Linh Mục Thượng Phẩm của Chúa Giêsu Kitô, trong đó công việc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phượng tự công cộng, vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô gồm cả Đầu và Chi Thể của Ngài” (Phụng Vụ Thánh # 7) .
3. Đối tượng Phụng Vụ Thánh
Đối tượng Phụng Vụ Thánh là sự hiến tế một cách công cộng ở nội tâm và ngoại giới để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa nhân loại.
4. Nội dung nghi lễ Phụng Vụ Thánh
Nghi lễ Phụng Vụ Thánh được chia làm 2 loại:
* Loại chính yếu: Gồm 7 Nhiệm Tích, nhất là Nhiệm Tích Thánh Thể.
* Loại tùy phụ: Gồm các Á Nhiệm Tích, là những lễ nghi mô phỏng Nhiệm Tích như Phụng Vụ giờ kinh, suy tôn Lời Chúa ngoài Thánh Lễ.
5. Tác giả của Phụng Vụ Thánh
* Cựu Ước: Thiên Chúa là Tác Giả các lễ nghi Phụng Vụ Thánh của dân Do Thái, Ngài truyền cho Maisen luật lệ phượng tự.
* Tân Ước: Chính Chúa Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể là tác giả Phụng Vụ Thánh. Ngài thiết lập và cử hành Hiến Lễ Thánh Giá phát sinh Ơn Cứu Độ, lập các Nhiệm Tích Thánh làm phương thế ban phát Ơn Cứu Độ và dùng Thánh Vịnh ca tụng Thiên Chúa Cha.
6. Thừa Tác Viên của Phụng Vụ Thánh
Thừa tác viên Phụng Vụ Thánh là người có quyền cử hành nghi lễ Phụng Vụ.
Có 3 loại thừa tác viên: Chính thức là Chúa Kitô, Linh Mục đại diện và cộng đồng Tín Hữu.
+ Chúa Kitô: Được Chúa Cha sai đi và được Thánh Linh tấn phong làm Linh Mục Thượng Phẩm, Ngài cử hành Lễ Tế do chính Ngài thiết lập.
+ Giáo Hội: Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô tiếp tục Sứ Mạng Cứu Thế của Chúa, được cùng với Chúa Kitô, thực thi chức vụ Linh Mục Thượng Phẩm của Ngài để thông ban Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Như thế, Giáo Hội cũng là thừa tác viên chính thức của Phụng Vụ Thánh.
7. Giá trị của các nghi lễ Phụng Vụ Thánh
Công Đồng Vaticanô II: “Phụng Vụ Thánh là tột đỉnh mọi hoạt động của Giáo Hội phải hướng tới, đồng thời cũng là nguồn phát sinh mọi năng lực của Giáo Hội”. Vì: “Nhờ Phụng Vụ Thánh và nhất là Thánh Lễ Tạ Ơn mà Công Trình Cứu Chuộc chúng ta được thực hiện” (Phụng Vụ Thánh # 9 & 2).
-†-
NƠI, VẬT DỤNG, CỬ ĐIỆU
Trong Phụng Vụ
1. Các nơi Thánh cử hành Phụng Vụ Thánh
Nơi Thánh là nơi được thánh hiến dành riêng cho việc phượng tự Thiên Chúa và tôn kính các Thánh hoặc làm nơi an táng các Tín Hữu.
+ Thánh Đường: Gồm Đại Vương Cung Thánh Đường, Tiểu Vương Cung Thánh Đường, Thánh Đường hay Nguyện Đường (nguyện đường công, nguyện đường bán công hay nguyện đường tư).
+ Bàn Thờ: Là loại bàn dành riêng vào việc phụng vụ Thánh Thể; là nơi Dân Chúa đến tham dự Thánh Lễ. Bàn Thờ bất di động, Bàn Thờ di động.
+ Nghĩa Trang: Khu đất dành riêng để an táng các Tín Hữu Công Giáo, quen gọi là Đất Thánh mà mọi người có bổn phận phải tôn trọng và gìn giữ. Phải được Bề Trên Giáo Hội làm phép mới được gọi là Đất Thánh.
2. Vật dụng trong Phụng Vụ Thánh
Các đồ dùng trong Phụng Vụ Thánh gồm có nhiều loại:
* Loại hiến thánh bằng Dầu Thánh: Như Chén Thánh dùng đựng Máu Thánh hoặc Đĩa Thánh dùng đựng Mình Thánh.
* Loại hiến thánh bằng rảy Nước Thánh: Như Bình Thánh, Hào Quang…
* Loại không làm phép: Như bình hương, tầu hương, chân nến…
3. Phẩm phục dùng trong Phụng Vụ Thánh
Phẩm phục Phụng Vụ Thánh diễn tả quyền chức và nhiệm vụ của Thừa Tác Viên Thánh Chức. Mỗi phẩm phục được trang hoàng với mỗi nghi thức. Do đó, có nhiều loại:
* Áo các phép (Surplis)
* Giây các phép (Stola)
* Áo choàng (Chape, Pluviale)
* Áo lễ (Casula)
* Áo trắng dài (Alba)
* Khăn vai (Amictus)
* Giây lưng (Cingulum)
* Áo Phó Tế (Dalmatica)
4. Lời kinh và cử điệu trong Phụng Vụ Thánh
Thưa truyện với Thiên Chúa, con người dùng ngôn ngữ loài người làm phương tiện diễn tả tâm tình tôn thờ, biết ơn, ngợi khen và khẩn cầu; đồng thời, với những cử điệu tay chân hợp với các tâm tình đó.
Trong Phụng Vụ Thánh , Giáo Hội dạy dùng một số cử điệu hợp với tâm tình, ngôn ngữ ngợi khen và khẩn cầu:
* Làm Dấu Thánh Giá: Là tuyên xưng Đức Tin tín điều Chúa Ba Ngôi.
* Lời thưa Amen: Lời này có nhiều ý nghĩa như sau: Chớ gì được như vậy, con tin, nhấn mạnh sự thật, Đấng Chân Thật, lời tán tụng ngợi khen.
* Đứng hát hay đọc Alleluia: Là biểu lộ niềm hân hoan, ngợi khen Thiên Chúa.
* Lời chào của Linh Mục: “Chúa ở cùng anh chị em!” Lời cầu chúc tối hảo, Chủ Tế chúc con cái Chúa. Lời phúc đáp tối hảo của Cộng Đồng Tín Hữu: “Và ở cùng Cha!”
* Linh Mục hôn Bàn Thờ: Bàn Thờ biểu thị Thân Thể Chúa Kitô, chào kính, yêu mến, kết hợp với Chúa Kitô.
* Linh Mục hay Thừa Tác Viên xông hương: Hương trầm dâng lên tỏ lòng tôn kính sùng mộ Đấng chúng ta tôn kính thờ lạy, cảm tạ, tán tụng, ngợi khen.
* Linh Mục giang tay khi cầu nguyện: Là dấu hiến dâng và hy vọng, mong đợi.
* Linh Mục hay Tín Hữu chắp tay: Là dấu hiệu tỏ lòng khiêm nhượng, nhiệt thành có tính cách hướng nội.
* Linh Mục úp tay trên người hay trên lễ vật: Là dấu hiệu biểu thị việc chúc phúc: “Xin Chúa chúc phúc cho người hay đồ vật này”.
* Linh Mục hay Tín Hữu bái gối: Là dấu hiệu tỏ lòng cung kính tôn thờ Thiên Chúa.
* Linh Mục hay Tín Hữu cúi đầu: Là dấu hiệu tôn kính các Thánh Tích hay tượng ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh.
* Linh Mục hay Tín Hữu cúi mình: Kính chào Bàn Thờ. Theo nghi lễ Đông Phương: Cúi mình cũng là dấu tôn thờ nữa.
-†-
Phần Hai
TỔNG QUÁT VỀ NHIỆM TÍCH
Bản Thể Nhiệm Tích
1. Ý niệm chung về các Nhiệm Tích
* Công Đồng Vaticanô II dạy: “Các Nhiệm Tích nhằm mục đích thánh hóa con người, xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, và sau cùng là tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng với tư cách là dấu tích, các Nhiệm Tích cũng giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Nhiệm Tích giả thiết phải có Đức Tin, mà còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả Đức Tin nhờ ngôn ngữ và sự vật. Vì thế, gọi là Nhiệm Tích Đức Tin”. “Vốn các Nhiệm Tích ban Ân Sủng, nhưng việc cử hành các Nhiệm Tích còn chuẩn bị tâm hồn các Tín Hữu nhận Ân Sủng đó một cách hữu hiệu, để thờ phượng Thiên Chúa đúng cách và thực hành Đức Bác Ái” (Phụng Vụ Thánh # 59).
* Bản văn đưa ra mấy điểm quan trọng sau:
– Về đặc tính: Nhiệm Tích ban Thánh Sủng.
Nhiệm Tích giữ vai trò giáo huấn Đức Tin.
– Về mục đích: Thờ phượng Thiên Chúa.
Thánh hóa con người.
Xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
2. Danh từ Nhiệm Tích
Danh từ Nhiệm Tích: Nhiệm là bí ẩn, giấu kín. Tích là dấu vết để lại (Sacramentum= Mysterium).
3. Định nghĩa Nhiệm Tích
* Nhiệm Tích là dấu hiệu khả giác đặc ban Thánh Sủng vô hình, do Chúa Kitô thiết lập để thánh hóa chúng ta (Công Đồng Tridentinô, sess VII).
* Nhiệm Tích là dấu bên ngoài Chúa Kitô thiết lập, để chỉ ý nghĩa và chuyển thông Thánh Sủng bên trong cho chúng ta được nên thánh thiện (Giáo lý Công Giáo 1967).
– Nhiệm Tích là một dấu hiệu.
– Dấu hiệu Nhiệm Tích là dấu hiệu khả giác.
– Dấu hiệu khả giác của Nhiệm Tích do Chúa Kitô thiết lập.
– Dấu hiệu Nhiệm Tích phát sinh Thánh Sủng.
4. Dấu hiệu khả giác của các Nhiệm Tích gồm hai yếu tố
* Dấu hiệu khả giác của Nhiệm Tích được cấu tạo bởi 2 yếu tố: Sự vật và Lời đọc, các thần học gia gọi là: Chất thể (Matière) và Mô thể (Forme).
5. Ý nghĩa các dấu hiệu của Nhiệm Tích
Dấu hiệu Nhiệm Tích vừa biểu thị vừa phát sinh Thánh Sủng, thế nên mang 3 ý nghĩa chính sau đây:
* Dấu hiệu tưởng niệm: Nhắc chúng ta nhớ tới Cuộc Tử Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng thiết lập Ơn Cứu Độ, nhờ hành vi Cuộc Tử Nạn và Sự Phục Sinh của Chúa Kitô, mới có thể dùng các Nhiệm Tích làm máng thông ban Ơn Cứu Độ xuống cho nhân loại.
* Dấu hiệu biểu thị: Vừa chỉ rõ vừa ban Thánh Sủng, nên chúng ta lãnh nhận Nhiệm Tích nào sẽ được Thánh Sủng của Nhiệm Tích đó.
* Dấu hiệu tiên đoán: Tiên đoán ngày Chúa tái lâm, ngày lãnh thưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
Do đó, Công Đồng Vaticanô II dạy: “Việc rất quan trọng là làm sao cho các Tín Hữu dễ dàng hiểu được những dấu hiệu của các Nhiệm Tích” (Phụng Vụ Thánh # 59).
6. Tác giả của các Nhiệm Tích trong Giáo Hội
* Chúa Kitô là Tác Giả thiết lập các Nhiệm Tích. Chính Người là Nhiệm Tích Nguyên Thủy, Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại.
* Chúa Kitô thiết lập mọi Nhiệm Tích.
Công Đồng Tridentinô định tín: “Nếu ai nói rằng các Nhiệm Tích Đạo Mới không phải do Chúa Kitô thiết lập tất cả, hay là nói có nhiều hơn hay ít hơn 7 Nhiệm Tích này: Thánh Tẩy, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Hòa Giải, Xức Dầu bệnh nhân, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối thì bị vạ tuyệt thông” (Trid Sess VII).
A. Bằng thái độ: Chúa Kitô khi còn sống ở trần gian, qua lời nói, thái độ và cử chỉ đã muốn và đã thực sự thiết lập trực tiếp và minh nhiên Bản Tính của 7 Nhiệm Tích, nghĩa là Thánh Sủng đặc biệt thực tại thiêng liêng định tính cho mỗi Nhiệm Tích, hoặc là chính Chúa Kitô thiết lập khi Ngài còn ở trần gian như: Nhiệm Tích Thánh Thể, Thánh Tẩy, Hòa Giải, Truyền Chức Thánh, hoặc là khi đã về trời Ngài cử Chúa Thánh Thần xuống, thực hiện ý muốn thiết lập Nhiệm Tích của Ngài nơi các Thánh Tông Đồ, như Nhiệm Tích Thêm Sức, Xức Dầu Bệnh Nhân và Hôn Phối.
1. Thánh Tẩy: (Jn 3:1-6; Mt 28:19).
2. Thêm Sức: (Acts 12:1-2; Jn 20:20; Acts 8:14).
3. Thánh Thể: (Mt 26:26-28; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; I Cor 11:23-25).
4. Hòa Giải: (Jn 20:21-23; Mt 16:18-19).
5. Xức Dầu Bệnh Nhân: (Jac 5:14).
6. Truyền Chức Thánh: (I Cor 11:24-25; Mt 28:19; Jn 20:21-23; Mt 18:18; Acts 6:6; 2 Tim 1:1:6).
7. Hôn Phối: (Jn 30:1-38:8; Deut 25:5; Mt 19:3; Mt 19:6; I Cor 7:10- 39; Eph 5:32).
B. Bằng lời nói: Chúa Kitô đã thiết lập dấu hiệu khả giác cho một vài Nhiệm Tích cách tổng quát: “Phải tái sinh bởi Nước và Thánh Thần”. “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”.
Tất cả những điều Chúa Kitô đã xác định cho mỗi Nhiệm Tích đều thuộc về Bản Thể Nhiệm Tích, Giáo Hội không có quyền thay đổi.
7. Vai trò của Giáo Hội đối với các Nhiệm Tích
1. Công Đồng Vaticanô II gọi: “Giáo Hội là Nhiệm Tích phổ quát”.
* Chúa Kitô đã thiết lập và trao cho Giáo Hội tiếp tục Cuộc Nhập Thể và Cứu Thế của Ngài.
* Nên Giáo Hội là Nhiệm Tích của Chúa Kitô, như Chúa Kitô là Nhiệm Tích của Thiên Chúa.
Nhiệm Tích đây hiểu theo nghĩa rộng tức là dấu hiệu thánh, chứ không hiểu theo nghĩa hẹp của 7 Nhiệm Tích.
Thực vậy, “Giáo Hội đưa Chúa Kitô đến cho mọi người nhờ trao ban, rao giảng Tin Mừng, ban hành các Nhiệm Tích, nhờ đời sống thánh thiện phản chiếu trung thực hình ảnh Chúa Kitô, nên mọi người nhận biết Chúa Kitô từ nơi Giáo Hội mà đến tôn thờ, cầu xin, lãnh nhận ơn thiêng. Thế nên, Giáo Hội là Nhiệm Tích phổ quát của Ơn Cứu Độ” (xem Lumen Gentium # 1 và Gaudium et Spes # 5).
2. Quyền giáo huấn của Giáo Hội: Tất cả những điều liên quan đến Nhiệm Tích do Chúa Kitô thiết lập đều thuộc Bản Thể Nhiệm Tích, tất cả những quy luật ban Nhiệm Tích thành sự do Giáo Hội thiết lập cũng rất quan trọng, chúng đều thuộc Yếu Tính của Nhiệm Tích.
a) Những điều kiện ban Nhiệm Tích thành sự (valide) hay bất thành sự (invalide).
b) Những điều kiện ban Nhiệm Tích thích pháp (licite) hay bất thích pháp (illicite).
8. Bảy Nhiệm Tích trong Giáo Hội Công Giáo
* Chỉ có 7 Nhiệm Tích là: Thánh Tẩy, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Hòa Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối. Công Đồng Tridentinô định tín: “Nếu ai nói Nhiệm Tích Đạo Mới có nhiều hơn hay ít hơn con số 7 là: Nhiệm Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Hòa Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối thì bị vạ tuyệt thông” (Trid Sess VII, Giáo Luật # 7).
* Tại sao chỉ có 7 Nhiệm Tích? Chúa Kitô đã thực sự thiết lập 7 Nhiệm Tích làm phương thế ban Ơn Cứu Độ của Ngài cho nhân loại. Tại sao Ngài chỉ thiết lập có 7, không thiết lập nhiều hơn hay ít hơn?
Theo Thánh Toma, mỗi Nhiệm Tích đáp ứng từng giai đoạn trong đời sống siêu nhiên của chúng ta, tương tự như những nhu cầu tự nhiên đáp ứng đời sống tự nhiên của chúng ta.
9. Hiệu quả phát sinh do các Nhiệm Tích
Tất cả các Nhiệm Tích đều phát sinh Thánh Sủng. Ngoài ra Nhiệm Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh còn in Ấn Tích trong linh hồn người lãnh nhận (Đồng Sủng và Đặc Sủng).
10. Đồng Sủng hay Ân Sủng phổ quát
Đồng Sủng là một loại Thánh Sủng mà tất cả các Nhiệm Tích đều thông ban: Sự kiện Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn, ơn thánh hóa, các nhân đức thiên phú, các ơn phúc và hồng ân Chúa Thánh Linh.
11. Ơn Thánh Hóa hay Thường Sủng
Ơn Thánh Hóa hay Thường Sủng là ơn Chúa ban để chúng ta được thánh hóa, nghĩa là chẳng những được tha tội, lại còn được tham dự vào bản tính và đời sống thần linh của Chúa Ba Ngôi, trở nên con hiếu thảo của Thiên Chúa và đáng được thừa hưởng gia tài Thiên Quốc trong đời sống mai hậu.
12. Đặc Sủng hay Tích Sủng
Đặc Sủng hay Tích Sủng là ơn trợ lực riêng biệt do mỗi Nhiệm Tích đem lại cho thụ nhân, tùy theo đặc tính của mỗi Nhiệm Tích, ngõ hầu thụ nhân hoàn thành nghĩa vụ người Kitô Hữu do Nhiệm Tích đã lãnh nhận đòi hỏi.
13. Các Nhiệm Tích có Ấn Tích đời đời
Ấn Tích là dấu thiêng liêng ghi khắc trong tâm hồn thụ nhân, không bao giờ bị xóa nhòa hay hủy diệt được. Ấn Tích như một “Chứng Minh Thư” minh định thụ nhân đã được thánh hiến với một sứ mạng riêng biệt.
A. Ấn Tín Nghĩa Tử: Do Nhiệm Tích Thánh Tẩy, người Tín Hữu được thánh hiến trở thành con cái Thiên Chúa.
B. Ấn Tích Chiến Sĩ: Do Nhiệm Tích Thêm Sức, người Tín Hữu được thánh hiến trở thành “Chiến Sĩ” của Chúa Kitô.
C. Ấn Tích Cán Bộ: Do Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh, người Tín Hữu được thánh hiến trở thành “Thừa Tác Viên” của Chúa Kitô.
14. Hiệu quả của Nhiệm Tích do sự (Ex Opere Operato)
Hiệu quả “Do Sự” nghĩa là do chính hành động của Nhiệm Tích, chứ không “Do Nhân” là do tình trạng tâm hồn (thánh thiện hay tội lỗi) của thừa tác viên hay của thụ nhân.
Chúa Ba Ngôi nguồn mọi ơn phúc, thông ban Thánh Sủng qua các Nhiệm Tích như nguyên nhân dụng cụ, nhờ Chúa Kitô là nguyên nhân chính trào đổ xuống các thụ nhân.
15. Hai Nhiệm Tích sau khẩn thiết để cá nhân được Ơn Cứu Độ
Nhiệm Tích Thánh Tẩy và Nhiệm Tích Hòa Giải là hai Nhiệm Tích tuyệt đối khẩn thiết giúp nhân loại được hưởng Ơn Cứu Độ.
16. Hai Nhiệm Tích sau cần thiết cho Cộng Đoàn Dân Chúa
Nhiệm Tích Truyền Chức Thánh và Nhiệm Tích Hôn Phối là hai Nhiệm Tích cần thiết cho Cộng Đoàn Dân Chúa.
17. Năm Nhiệm Tích sau được gọi là Nhiệm Tích kẻ sống
Nhiệm Tích kẻ sống là Nhiệm Tích Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối, Xức Dầu Bệnh Nhân, Mình Thánh Chúa: Chỉ những ai đang sống trong sủng trạng, có ơn nghĩa Chúa, có tâm hồn trong sạch, không mắc tội trọng mới được lãnh nhận.
18. Hai Nhiệm Tích sau được gọi là Nhiệm Tích kẻ chết
Nhiệm Tích kẻ chết là Nhiệm Tích Thánh Tẩy và Nhiệm Tích Hòa Giải: Những ai còn đang mang án tội nguyên tổ hoặc những ai đang mắc tội trọng mất ơn nghĩa Chúa, cần lãnh nhận hai Nhiệm Tích này mới được hưởng Ơn Cứu Độ.
19. Các Nhiệm Tích có Ấn Tích đời đời
Ba Nhiệm Tích sau đây có Ấn Tích đời đời, không bao giờ phai mờ; do dó, chỉ được lãnh nhận có một lần là Nhiệm Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh.
20. Các điều kiện đủ để ban và lãnh các Nhiệm Tích thành sự (valide)
Để lãnh Nhiệm Tích thành sự phải hội đủ những điều kiện sau đây:
* Dấu hiệu khả giác được thực hiện đầy đủ theo luật của Giáo Hội.
* Thừa tác viên có năng quyền cử hành các Nhiệm Tích.
* Thụ nhân có khả năng và nếu đã khôn lớn, phải có ý muốn lãnh nhận Nhiệm Tích đó.
21. Các điều kiện đủ để ban và lãnh Nhiệm Tích cách thích pháp (Licite)
Để các Nhiệm Tích được ban cách thích pháp, phải hội đủ các điều kiện sau:
+ Thừa tác viên:
– Sống trong sủng trạng (không mắc tội trọng).
– Cầm trí khi ban.
– Không mắc vạ.
+ Thụ nhân:
– Có Đức Tin thần học.
– Có lòng sám hối, ít là bất toàn đối với Nhiệm Tích Thánh Tẩy và Nhiệm Tích Tích Hòa Giải.
– Sống trong sủng trạng đối với các Nhiệm Tích kẻ sống.
22. Thừa tác viên có quyền cử hành các Nhiệm Tích
* Thiên Chúa là Đấng tác sinh mọi ơn phúc trong các nghi thức ban Nhiệm Tích. Nên chỉ có những thừa tác viên có quyền mới được ban Nhiệm Tích thành sự.
* Nhiệm Tích Thánh Tẩy: Mọi người, cả những người ngoài Công Giáo đều có thể cử hành thành sự, miễn là có chủ ý làm điều Giáo Hội dạy làm.
* Nhiệm Tích Hôn Phối: Tất cả mọi Kitô Hữu không mắc ngăn trở tiêu hôn đều có thể cử hành Nhiệm Tích Hôn Phối thành sự; thừa tác viên chỉ là người đại diện Giáo Hội chứng giám cuộc Hôn Nhân.
* Các Nhiệm Tích khác: Chỉ có thừa tác viên có Thánh Chức mới được cử hành (được gọi là thừa tác viên nguyên thường).
23. Điều kiện cần để lãnh các Nhiệm Tích thành sự và thích pháp
1. Lãnh Nhiệm Tích thành sự (valide): Người lãnh các Nhiệm Tích thành sự phải hội đủ các điều kiện sau:
A. Người có khả năng lãnh nhận: Biết phân biệt tốt xấu, lành dữ:
– Người còn sống nơi trần gian.
– Đã lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy.
– Đã đến tuổi khôn, biết sử dụng trí khôn để phân biệt tốt xấu.
B. Có ý muốn lãnh nhận: Nếu là người lớn; còn đối với trẻ nhỏ thì cha mẹ và người đỡ đầu thay thế, vì Chúa là Cha Nhân Từ sẵn sàng yêu thương con cái trước khi chúng có thể đáp lại tình yêu thương của Ngài (hiện ý, tiềm ý hay thường ý).
2. Lãnh Nhiệm Tích thích pháp (licite): Lãnh Nhiệm Tích thích pháp là người được diễm phúc gặp gỡ Chúa Kitô và hưởng tình yêu thương của Ngài, nên nếu là người lớn, đòi phải có các điều kiện sau:
– Có Đức Tin: Tin vào Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, tin vào Giáo Hội của Chúa.
– Lòng Sám Hối: Người lớn cần có lòng sám hối, muốn được sống trong ơn nghĩa Chúa.
– 7 NHIỆM TÍCH –
06. Nhiệm tích Truyền Chức Thánh
-†-