GIA ĐÌNH CỦA MỘT VỊ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI CŨNG GIAN NAN HOẠN NẠN

Theo lịch trình phụng niên, Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh là Lễ Thánh Gia. Sau Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1062 – 8/12/1965), nhất là từ năm 1970 là năm canh tân phụng vụ theo công đồng này được bắt đầu áp dụng, thì như thế.

Tuy nhiên, trước Công Đồng Chung Vatican, Lễ Thánh Gia được cử hành vào Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Lễ Hiển Linh, thời điểm hiện nay Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, và Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, trước công đồng này được cử hành vào ngày kết thúc Tuần Bát Nhật Hiển Linh là ngày 13/1 (vì Lễ Hiển Linh bao giờ cũng được mừng vào ngày 6/1), như Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh hiện nay vậy, một lễ trước công đồng được cử hành vào ngày 11/10, ngày khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II năm 1962. Nếu Lễ Giáng Sinh rơi vào chính Chúa Nhật thì Lễ Thánh Gia được cử hành vào ngày 30/12.

Sở dĩ có sự chuyển đổi về thời điểm các lễ trong phụng niên như vậy là vì ý nghĩa của mỗi lễ và mối liên hệ giữa các lễ với nhau. Chẳng hạn như nếu Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 25/12 thì lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả phải cử hành vào ngày 24/6, trước 6 tháng, vì vị thánh này được thụ thai trước Chúa Kitô 6 tháng (xem Luca 1:36); hay vì Lễ Mẹ Vô Nhiễm được cử hành vào ngày 8/12, nên Lễ Sinh Nhật của Mẹ phải được cử hành vào ngày 8/9, tức trước 9 tháng, ám chỉ Mẹ Maria được đặc ân vô nhiễm ngay từ khi hoài thai trong lòng thai mẫu, tức được Thiên Chúa gìn giữ khỏi nguyên tội, và chính vì thế, Lễ Mẹ Vô Nhiễm bao giờ cũng được cử hành ở thời điểm đầu Mùa Vọng như thể Mẹ là Rạng Đông (vì Mẹ được hưởng trước Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô Con Mẹ) báo hiệu Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô sắp Giáng Sinh để cứu chuộc loài người.

Lễ Thánh Gia hôm nay cũng thế, sở dĩ được Giáo Hội cử hành vào Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, thay vì Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Hiển Linh, phải chăng ám chỉ một mối liên hệ mật thiết giữa mầu nhiệm Giáng Sinh và mầu nhiệm Thánh Gia, ở chỗ, Hài Nhi Giêsu, Vị Thiên Chúa hóa thân làm người nơi “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14) không phải là một nhân vật huyền thoại của dã sử, cũng không phải là một sinh vật có thật xuất thân từ một hành tinh nào đột nhiên xuất hiện trên trái đất này, mà là một nhân vật lịch sử thật sự, được sinh ra có cha có mẹ, trong một gia đình Do Thái.

Phụng Vụ Lời Chúa theo chu kỳ phụng niên Năm A cho Chúa Nhật Lễ Thánh Gia hôm nay, tập trung vào vai trò của cả cha mẹ lẫn con cái theo tinh thần đức tin kính sợ Thiên Chúa, nhưng nếu Bài Đọc 1 liên quan nhiều đến vai trò con cái thì bài Phúc Âm lại liên quan đặc biệt đến vai trò gia trưởng. (Xin lưu ý là phụng niên chu kỳ cho cả 3 năm A-B-C đều giống nhau ở Bài Đọc 1 và 2 cùng Bài Đáp Ca, nhưng Năm B và Năm C có thể thay đổi Bài Đọc 1 và 2 cùng Bài Đáp Ca. Chẳng hạn Năm C Bài Đọc 1 có thể thay bài Sách Samuel quyển 1 đoạn 1:20-22,24-28, đoạn về bé Samuel được sinh ra bởi bố mẹ son sẻ và được bố mẹ dâng lại cho Thiên Chúa trong Đền Thờ ở Siloe)

Trước hết, ở Bài Đọc 1, Sách Huấn Ca dường như nhấn mạnh đến vai trò của con cái đối với cha mẹ của mình, nhất là đối với người cha, nhiều hơn là vai trò của cha mẹ đối với con cái, nguyên bài như sau:

“Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi”.

Ở đây, trong Bài Đọc 1 này, chúng ta thấy phận sự của người con cần phải có đối với chung cha mẹ của mình và nhất là đối với riêng người cha là nhân vật chính trong gia đình. Ở chỗ: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài”, và ở chỗ: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người”.

Phận vụ của con cái cần phải có đặc biệt đối với riêng người cha trong Bài Huấn Ca ở Bài Đọc 1 hôm nay có vẻ trọng cha giảm mẹ như thế không phải chỉ là một thứ tập tục phản ảnh văn hóa phụ hệ (nói chung, bao gồm nhất là Á Đông chúng ta) thời ấy, mà còn phản ảnh một mạc khải thần linh rất sâu xa về vai trò của Thiên Chúa là Cha được mạc khải trong Cựu Ước, một Vị Thiên Chúa là Cha tỏ ra chăm sóc cho dân Do Thái chẳng khác gì như một người mẹ (xem Isaia 49:15).

Đó là lý do ngay trong chính Bài Đọc 1 hôm nay, có một câu bao gồm cả cha lẫn mẹ như sau: “Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ”. Có nghĩa là dân Do Thái tuân giữ luật Chúa truyền và trung thành với giao ước của Ngài là làm những gì đẹp lòng Ngài là Đấng đã tận tâm tận lực chăm sóc cho họ suốt giòng lịch sử cứu độ của họ. Có thể nói, Thiên Chúa đóng vai trò là Cha khi tự động yêu thương dân Do Thái, sinh ra họ bằng cách lập giao ước với họ qua tổ phụ Abraham của họ, và tiếp tục đóng vai trò làm mẹ khi ở với họ, chăm sóc họ, dìu dắt họ và thứ tha cho họ.

Nếu Bài Đọc 1 nhấn mạnh đến vai trò của người con đối với cha mẹ thì Bài Đáp Ca lại chú trọng đến người chồng đối với vợ cũng là người cha đối với con cái trong gia đình, mà nếu người chồng và người cha này biết kính sợ Chúa thì thật là phúc lộc biết bao:

1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. 

3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! 

Ở Bài Đọc II, trong Thư gửi cho Kitô hữu thành Colose, Thánh Phaolô, ở câu kết thúc, đã bao gồm cả 3 vai trò chứ không nhấn mạnh đến 1 vai trò nào:

“Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt”.

Tuy nhiên, trong chính câu khuyên nhủ này, chúng ta cũng thấy vị thế của người chồng nổi hơn người vợ. Ở chỗ, người vợ được nhắc đến đầu tiên về phận sự phải có đối với chồng mình. Trong Thư Êphêsô (5:21-25) cũng thế, Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ vợ trước chồng:

Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh...”
Ở đây cũng thế, vấn đề có vẻ trọng nam khinh nữ, nặng chồng nhẹ vợ, như trong chính những lời lẽ của Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước trên đây, cách riêng Bài Đọc 1 hôm nay và Đoạn Thư Epheso trên đây, không phải chỉ là những gì phản ảnh một thứ văn hóa cổ hủ ngày xưa, mà còn có lý do sâu xa xuất phát từ chính mạc khải Thánh Kinh và liên quan tới phẩm chất của phái tính nam nữ nữa.

Đúng thế, trong Thư gửi cho Timôthêu (đoạn 2 câu 11-15), Thánh Phaolô dường như đã cho biết lý do tại sao nữ giới cần phải tuân phục chồng mình trước, như sau:

“Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì A-đam được tạo dựng trước, rồi mới đến E-và. Cũng không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ. Tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu nhờ sinh con cái, nếu kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh thiện, với lòng đơn sơ giản dị”.
Bởi thế giáo huấn của Thánh Phaolô trong Tân Ước hay của Bài Huấn Ca trong Cựu Ước trong phần Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật Lễ Thánh Gia hôm nay không phải là những gì chỉ thuần phản ảnh nền văn hóa xa xưa mà còn phản ảnh chính mạc khải Thánh Kinh nữa, có nghĩa là vẫn có giá trị giáo huấn thần linh như thường.

Trong Bài Phúc Âm hôm nay, theo Thánh ký Mathêu cho chu kỳ phụng niên Năm A, liên quan đến sự kiện Thánh Gia chẳng những phải chạy nạn sang Ai Cập để tránh cuộc truy sát “vua dân Do Thái mới sinh” là Hài Nhi Giêsu theo lệnh của Quận Vương Hêrôđê, mà còn bao gồm cả sự kiện Thánh Gia hồi hương và định cư sinh sống ở Nazarét Xứ Galilêa nữa.

Cả hai biến cố xuất ngoại lánh nạn và hồi hương cư trú này đều xẩy ra liên quan trực tiếp đến vai trò gia trưởng chính yếu của Thánh Giuse, Dưỡng Phụ của Hài Nhi Giêsu và là Phu Quân của Mẹ Con Thiên Chúa làm người, một vai trò gia chủ được dẫn dắt bởi trời cao qua hai lần ngài được báo mộng:

Biến cố xuất ngoại lánh nạn: “Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: ‘Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người’. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: ‘Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập’“.

Biến cố hồi hương cư trú: “Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: ‘Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết’. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: ‘Người sẽ được gọi là Nadarêô’“.

Nếu vai trò gia trưởng của Phu quân kiêm Dưỡng phụ Giuse là người công chính và đầy lòng tin tưởng được trời cao dẫn dắt như thế, và nếu thái độ ngoan ngoãn tuân phục chồng mình không hề lên tiếng thắc mắc hay ý kiến khác đi trước mọi quyết định khôn ngoan của chồng mình của người vợ đầy ơn phúc Maria như vậy, bởi vì tâm điểm của chính Thánh Gia là Hài Nhi Giêsu.

Chẳng những chính Cha là Đấng đã sai Con Mình xuống trần gian lo bảo vệ chở che Người Con Thiên Sai Cứu Thế của mình, Đấng mà Ngài muốn hoàn thành lời hứa cứu độ của Ngài với hai nguyên tổ của loài người cũng như với tổ phụ Abraham và vương phụ Đavit (xem 2Samuel 7:12-13) về “giòng dõi người nữ” (xem Khởi Nguyên 3:15), một việc bảo vệ chở che được Ngài thực hiện qua cha mẹ trần gian của Người Con này, mà chính cặp cha mẹ trần gian của Người, một người cha công chính và một người mẹ đầy ơn, cũng sâu xa nhận thức được cái diễm phúc vô cùng cao trọng được làm cha mẹ trần gian của Con Thiên Chúa nên hai vị đã cảm thấy một trách nhiệm vô cùng hệ trọng trong việc làm sao để thật sự xứng đáng phục vụ Vị Thiên Chúa làm người ấy, làm sao để Thiên Chúa là Cha trên trời có thể tỏ hiện tình Cha tuyệt vời của Ngài với Người Con của Ngài qua hai vị.

Hai sự kiện xuất ngoại lánh nạn và hồi hương định cư được Thánh ký Mathêu thuật lại trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy tất cả những gì Thiên Chúa đã định liệu thì không một sự gì trên trần gian này hay của hỏa ngục có thể phá hủy. Cho dù quận vương Hêrôđê có đóng vai trò như một tên phản kitô đầu tiên trong lịch sử loài người trong việc “không chấp nhận Chúa Kitô đến trong xác thịt” (2Gioan 7), bằng cách lạm dụng quyền bính trời ban của mình để sát hại hài Nhi Giêsu chăng nữa, chẳng những như “bóng tối không át được ánh sáng” (Gioan 1:5), mà trái lại “ánh sáng chiếu soi hết mọi người đã đến thế gian” (Gioan 1:9) vẫn tiếp tục xẩy ra, càng chói lọi hơn nữa, cho tới khi “giòng dõi người nữ đạp nát đầu ngươi” (Khởi Nguyên 3:15).

Ý nghĩa và giá trị của bài Phúc Âm hôm nay về Thánh Gia là ở chỗ, cha mẹ Kitô hữu nào muốn chu toàn ơn gọi làm cha mẹ và trách vụ làm cha mẹ của mình thì phải luôn làm sao để bản thân của họ trung thực phản ảnh tình yêu thương của Thiên Chúa đối với những đứa con do họ sinh ra như nguyên nhân đệ nhị (second cause), bằng cách trở thành dụng cụ trong tay Thiên Chúa để Ngài có thể dễ dàng sử dụng, chứ đừng dưỡng dục con cái “của” Thiên Chúa hơn là của mình, những con người được Ngài chỉ “ký gửi” (deposit) nơi họ như những nén bạc để sinh lợi cho Ngài hơn là cho chính họ.

Thánh Thi trong Giờ Kinh Sách của Lễ Thánh Gia đã cảm nghiệm và diễn tả chung Thánh Gia và riêng Chúa Giêsu Nazarét thật là tuyệt vời như sau:

 

Ngất ngây êm đềm khi tưởng nhớ

Ngôi nhà nếp sống kẻ thường dân,

Giêsu Cứu Chúa, Người trầm lặng,

Vui cảnh đơn sơ thú thanh bần.

 

Học nghề thợ mộc với cha nuôi,

Tháng năm khôn lớn, ẩn xa đời,

Ðồng lao cộng tác, Người chia sẻ

Nước mắt mồ hôi của kiếp người.

 

Ðăm đăm khóe mắt, nhìn không mỏi,

Hạnh phúc một đời cạnh chồng con,

Bà phải gian nan mà sung sướng,

Mối tình thắm thiết, chẳng hao mòn.

 

Thánh Gia từng trải nỗi lầm than,

Xin dủ tình thương kẻ cơ hàn,

Ðoái lại gian trần đầy đau khổ,

Cho người kêu khấn được ủi an.

 

Muôn tâu Thánh Tử, Ngài giáng thế

Nêu tấm gương đời thật trắng trong,

Cùng với Thánh Linh và Thánh Phụ

Vinh quang hiển trị mãi vô cùng.

 

Lời Cầu và Lời Nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều II Lễ Thánh Gia

 

Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng hữu, đã chấp nhận sống trong một gia đình dương thế. Ta hãy thờ lạy Người mà thân thưa:

Lạy Chúa là Vị Cứu Tinh nhân loại,

Chúa đã nêu gương cho người thế học đòi.

Chúa đã vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse cách lạ lùng, – xin dạy chúng con biết kính phục những nhà lãnh đạo chân chính.

Chúa đã nhiệt tình lo công việc Chúa Cha, – xin dạy các gia đình cũng nhiệt tâm phụng thờ Chúa Cha như vậy.

Chúa đã hằng thảo kính cha mẹ và được cha mẹ mến yêu, – xin cho mọi gia đình chúng con được êm ấm thuận hoà, thấm nhuần tình tương thân tương ái.

Chúa đã để cha mẹ phải lo lắng kiếm tìm đang khi Chúa ở lại Giêrusalem, – xin dạy chúng con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Chúa đã cho Ðức Mẹ và thánh Giuse được chung hưởng vinh phúc trên trời, – xin đón nhận anh chị em chúng con đã qua đời vào hàng chư thánh hiển vinh.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết học đòi mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL