ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GIẢNG LỄ BA VUA

“Ba Vua đã có thể tôn thờ, vì họ đã can đảm lên đường. Và khi họ quì xuống trước một con trẻ nhỏ bé, nghèo hèn và mếm yếu, một Con Trẻ không được trông mong và không được biết đến, họ đã khám phá ra vinh quang của Thiên Chúa”.

“Con Trẻ là vua dân Do Thái sinh ra ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở Đông phưong và đã đến để tôn thờ Người” (Mathêu 2″2)

Căn cứ vào những lời này thì Ba Vua, tù xa đến, cho chúng ta thấy lý do về cuộc hành trình xa xôi lâu dài của họ: họ đến để tôn thờ Vị Vua mới sinh. Nhìn ngắm và tôn thờ. Hai tác động này là hai tác động nổi bật trong trình thuật Phúc Âm này. Chúng tôi đã thấy và chúng tôi muốn tôn thờ.

Những con người này đã thấy một ngôi sao làm cho họ lên đường. Việc khám phá thấy một điều bất thường ở trên trời đã khơi động lên cả một chuỗi các biến cố. Ngôi sao này không chỉ chiếu sáng cho họ mà thôi, hay họ có di truyền thể (DNA) đặc biệt để có thể thấy được ngôi sao ấy. Như một trong các Thánh Giáo Phụ đã nhận định một cách chính đáng rằng Ba Vua đã không lên đường vì họ đã thấy ngôi sao, mà họ đã thấy ngôi sao bởi họ đã lên đường rồi (xem Saint John Chrysostom). Tấm lòng của họ đã hướng về chân trời và họ có thể thấy những gì trời cao tỏ cho họ, bởi họ được hướng dẫn bởi một thứ khắc khoải nội tâm. Họ đã hướng về một điều gì đó mới mẻ.

Bởi vậy Ba Vua là những vị nhân cách hóa tất cả những ai tin tưởng, tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, những ai mong mỏi gia cư của mình, quê hương nước trời của mình. Họ phản ánh hình ảnh của những ai trong đời sống của mình không để cho tâm can của họ trở thành tê liệt.

Một niềm mong mỏi thánh hảo hướng về Thiên Chúa vọt lên nơi tâm can của các tín hữu vì họ biết rằng Phúc Âm không phải là một biến cố của qúa khứ mà là của hiện tại. Niềm mong mỏi thánh hảo hướng về Thiên Chúa giúp chúng ta tỉnh táo trước mọi nỗ lực làm suy yếu và bần cùng hóa cuộc đời của chúng ta. Niềm mong mỏi thánh hảo hướng về Thiên Chúa là việc hồi niệm của đức tin chống lại tất cả những thứ tiên tri u ám. Niềm mong mỏi ấy giữ cho niềm hy vọng cậy trông sống động trong cộng đồng các tín hữu, một cộng đồng tiếp tục van xin từ tuần này đến tuần kia rằng: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”.

Cũng với niềm mong mỏi này đã khiến cho vị lão thành Simeon mỗi ngày lên Đền Thờ, tin tưởng rằng đời sống của ông sẽ không kết liễu trước khi ông được ẵm Đấng Cứu Thể trong cánh tay của ông. Niềm mong mỏi này đã khiến cho Đứa Con Hoang Đàng từ bỏ lối sống hủy hoại bản thân mình mà tìm kiếm cái ôm ẵm của cha mình. Đó là niềm mong mỏi mà vị mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc. Maria Mai-Đệ-Liên đã cảm nghiệm cùng một niềm mong mỏi ấy vào sáng Chúa Nhật khi chị chạy đến mồ và gặp vị Sư Phụ phục sinh. Niềm mong mỏi Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi cái cô lập bọc thép của chúng ta, khiến chúng ta nghĩ rằng chẳng có gì có thể đổi thay. Niềm mong mỏi Thiên Chúa đánh tan những thói lệ buồn tẻ và thôi thúc chúng ta thực hiện những thay đổi chúng ta muốn và cần. Niếm mong mỏi Thiên Chúa có gốc rễ trong quá khứ những không ngưng ở đó; nó vươn tới tương lai. Các tín hữu cảm thấy niềm mong mỏi này được dẫn dắt trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, như Ba Vua đã làm, từ những ngóc ngách xa xôi nhất của lịch sử, vì họ biết rằng Chúa đang đợi chờ họ ở đó. Họ đi đến những vùng ngoại biên, đến những vùng biên cương bờ cõi, đến những nơi chưa được phúc âm hóa, để gặp gỡ Chúa của mình. Họ không làm việc này theo một cảm quan ưu thế nào đó, mà là như những kẻ hành khất không thể bỏ qua những cặp mắt của những ai Tin Mừng vẫn còn là lãnh vực chưa được khai phá.

Một thái độ hoàn toàn khác nhau ngự trị ở cung đình vua Hêrôđê, một khoảng cách ngắn ngủi đối với Belem, nơi không ai nhận ra những gì đang xẩy ra vào lúc bấy giờ. Khi Ba Vua đang hành trình thì Giêrusalem thiếp ngủ. Nó thiếp ngủ để thông đồng với Hêrôđê là kẻ, thay vì tìm kiếm thì cũng thiếp ngủ. Ông ta thiếp ngủ, tê liệt bởi một lương tâm chai cứng. Ông ta bối rối, lo sợ. Chính vì cái bối rối này mà khi giáp mặt với cái mới mẻ làm biến đổi lịch sử này thì thụt vào bản thân mình và vào những thành đạt của mình, vào kiến thức của mình, thành công của mình. Cái bối rối của một kẻ ngồi trên chóp đỉnh giầu sang phú quí của mình nhưng không thể thấy gì ngoài cái giầu sang phú quí ây. Cái bối rối ngự trị trong tâm can của những ai muốn kiểm soát hết mọi sự và hết mọi người. Cái bối rối của những ai đã đắm đuối trong thứ văn hóa thắng cuộc bằng bất cứ giá nào, trong thứ văn hóa chỉ có chỗ duy nhất cho “những kẻ chiến thắng”, bất chấp giá phải trả. Một thứ bối rối xuất phát từ nỗi sợ hãi và cái linh tính thấy trước được bất cứ những gì thách đố chúng ta, đặt vấn đề về những gì chúng ta tin tưởng và các sự thật của chúng ta, về cách thức chúng ta liên hệ với thể giới này và với cuộc sống đây. Herôđê đã sợ và nỗi sợ hãi đó đã khiến ông tìm kiếm an toàn bằng tội ác: “Ngươi sát hại những con người bé nhỏ nơi thân thể của họ, vì nỗi sợ hãi đang sát hại ngươi nơi tâm can của ngươi” (SAINT QUODVULTDEUS, Sermon 2 on the Creed: PL 40, 655).

Chúng tôi muốn tôn thờ. Những con người đến từ Đông phương để tôn thờ, và họ đã đến để làm điều ấy ở nơi xứng với một vị vua đó là ở một hoàng cung, giữa một cung đình và tất cả triều thần của nó. Vì đó là dấu hiệu của quyền lực, thành công, của một đời sống thành đạt. Người ta có thể thấy rõ một vị vua cần được tôn kính, được kính sợ và được nịnh bợ. Đúng thế, nhưng không nhất thiết phải được kính mến. Vì đó là những phân loại của trần gian, những thứ ngẫu tượng tầm thường chúng ta trân trọng: việc tôn sùng quyền lực, những dáng vẻ bề ngoài và tính chất ưu thế. Các thứ ngẫu tượng chỉ hứa hẹn những gì là buồn thương và nộ lệ hóa.

Chính nơi đó, ở hoàng cung ấy, mà những con người, từ xa đến, mới bắt đầu cuộc hành trình dài nhất của họ. Ở đó họ bắt đầu một cách kiên trì hơn cuộc hành trình vất vả và phức tạp hơn nữa. Họ cần phải nhận thức điều họ tìm kiếm không phải ở trong một hoàng cung, mà là ở một nơi khác, cả về tính cách hiện hữu cũng như địa dư. Ở đó, nơi hoàng cung, họ không thấy ngôi sao dẫn đường cho họ đến chỗ khám phá ra một Vị Thiên Chúa muốn được yêu mến. Vì chỉ ở dưới lá cờ tự do, chứ không phải chuyên chế, mới có thể nhận thức rằng ánh mắt của vị vua không được biết đến nhưng được mong ước này không khinh thường, nô lệ hóa hay giam nhốt chúng ta. Nhận thức rằng ánh mắt này của Thiên Chúa là những gì nâng cao, tha thứ và chữa lành. Nhận thức rằng Thiên Chúa muốn được hạ sinh ở nơi chúng ta chẳng ngờ nhất, hay có lẽ ít mong muốn nhất, ở một nơi chúng ta rất thường chối bỏ Người.Nhận thức rằng trong ánh mắt của Thiên Chúa bao giờ cũng có chỗ cho những ai bị thương tích, mệt nhọc, bị đối xử tệ bác và bị bỏ rơi. Rằng sức mạnh của Người và quyền năng của Người được gọi là lòng thương xót. Vì đối với một số trong chúng ta Giêrusalem xa cách Bêlem biết bao!

Hêrôđê không thể tôn thờ vì ông ta không thể hay không muốn thay đổi cách nhìn sự việc của ông. Ông không muốn ngưng tôn thờ bản thân mình, tin rằng hết mọi sự phải ở chung quanh ông. Ông không thể tôn thờ, vì mục đích của ông là làm cho kẻ khác tôn thờ ông. Các vị tư tế cũng không tôn thờ, vì cho dù họ đầy những kiến thức và biết được những lời tiên tri, họ cũng không sẵn sàng thực hiện cuộc hành trình và thay đổi đường lối của mình.

Ba Vua đã cảm thấy niềm mong mỏi; họ cảm thấy mệt mỏi bởi cuộc hành trình bình thường. Tất cả họ đều cảm thấy quá quen thuộc với và chán ngán những thứ Hêrôđê trong thời của họ. Thế nhưng, ở Belem, có một hứa hẹn của những gì là mới mẻ, của những gì là nhưng không. Ở đó đang có một cái gì mới mẻ xẩy ra. Ba Vua đã có thể tôn thờ, vì họ đã can đảm lên đường. Và khi họ quì xuống trước một con trẻ nhỏ bé, nghèo hèn và mếm yếu, một Con Trẻ không được trông mong và không được biết đến, họ đã khám phá ra vinh quang của Thiên Chúa.

http://www.news.va/en/news/the-popes-homily-on-the-feast-of-the-epiphany

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu