Một em bé hỏi mẹ về đứa em mới chết hiện đang ở đâu ?
Người mẹ đáp: – Em con đang ở trên thiên đàng với Chúa Giêsu.
Mấy ngày sau, bà mẹ nói chuyện với bạn bè tỏ ý đau buồn khi nhắc đến đứa con mới mất.
Em bé ngạc nhiên hỏi mẹ: – Khi mẹ mất vật gì tức là mẹ không biết nó đang ở đâu phải không mẹ?
Bà mẹ đáp: – Phải.
Bé nói tiếp: – Mẹ biết em con đang ở với Chúa, sao mẹ lại nói là em con đã mất ?
Bà mẹ chợt tỉnh, không còn đau buồn nữa mà ý thức con mình đang vui hưởng hạnh phúc thiên đàng cùng Chúa Phục Sinh.
Thật vậy, Chúa Ki-tô đã Phục Sinh như trong tin mừng Gio-an 20,1-9 đã tường thuật một cách tỉ mỉ như một nhân chứng đã mắt thấy tai nghe, diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là 3 nhân vật: Ma-ri-a Mac-đa-la, Phê-rô và Gio-an đã trải qua để tiến đến niềm tin “Chúa đã Phục Sinh”. Chúng ta có thể suy niệm về vai trò của Phêrô và Gioan trong ý nghĩa về Giáo hội học. Nhưng hôm nay chúng ta lưu ý đến chính cuộc phục sinh của Chúa Kitô và ý nghĩa của biến cố này.
Thánh Phao-lô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích, …chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền” (1Cr 15,12-19).
Vậy Phục Sinh là gì ? Ðâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh ?
Phục Sinh không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7,11-17), con gái ông Gia-ia (Lc 8,40-56), và đặc biệt là ông La-za-rô (Ga 11,1-45). Cả ba trường hợp này người chết đều sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, có nghĩa là một ngày nào đó họ cũng phải theo cái số phận chung của loài người là phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền của sự chết.
Trường hợp của Chúa Giê-su hoàn toàn khác hẳn. Quả thực, Ngài đã chết nhưng khi nói rằng Ngài Phục Sinh, có nghĩa là Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết, Ngài không sống lại một thời gian để rồi chết lại. Sống lại đối với Chúa Giêsu có nghĩa là mặc lấy sự sống sung mãn mới mẻ đến độ sự chết không còn chi phối nữa, cũng không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài. Nhưng quan trọng hơn nữa, Chúa Kitô Phục sinh trở nên nguồn sự sống và sự sống lại của chúng ta. Ðiều Chúa nói trước đây: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24) bây giờ trở nên sự thực qua việc Chúa sống lại.
Là những chứng nhân của Ðấng Phục Sinh các môn đệ Ðức Giê-su đã ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng của Ngài, Tin Mừng ấy là: Ai tin nhận Ðức Giê-su, tuyên xưng Ngài là Chúa và sống theo giáo huấn của Ngài, người đó cũng sẽ được Phục Sinh như Ngài. Ngày nay tất cả mọi người tín hữu trên khắp thế giới đều được liên kết bởi cùng một niềm tin, đó là là niềm tin vào sự Phục Sinh của Ðức Giê-su Ki-tô. Chính niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, hướng dẫn các Ki-tô hữu bước qua tăm tối và giúp cho họ sống vui tươi, can đảm, và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh.
Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, xin ban cho chúng con niềm tin mãnh liệt vào quyền năng Phục Sinh của Chúa. Xin cho chúng con sáng suốt nhận ra Ngài trong mọi biến cố cuộc đời. Nhất là xin cho chúng con luôn hăng say loan báo và làm chứng cho Ngài bất chấp mọi thử thách gian nan. Amen.
Nguồn: Sr. Inê