Anh chị em thân mến,
Chúng ta bước vào tháng 10, tháng biệt kính Đức Mẹ Mân Côi. Đề cập đến những ơn ích chúng ta được nhờ việc lần hạt Mân Côi, Đức ông Ralph G. Kutz viết: “Nếu tất cả những ơn lành được ban cho nhân loại qua các thế kỷ nhờ chuỗi Mân Côi mà được ghi lại, có lẽ phải dành nhiều thư viện mới chứa những văn liệu ấy. Chỉ một mình Thiên Chúa biết – đối với chúng ta là vô số – những ơn lành ngoại thường đã được ban cho những người kêu cầu sự phù trợ của Mẹ Maria qua kinh Mân Côi – các bè rối bị hủy diệt, các cuộc chiến được kết liễu, các bệnh tật được vượt qua.
Không một ngày nào – thực ra, không một giờ nào – qua đi mà không có những ơn lành đặc biệt được trào xuống cho những cá nhân đang lần chuỗi Mân Côi để kêu xin Đức Mẹ phù giúp.
Chuỗi Mân Côi – gồm có kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng với lời chào của sứ thần và lời kêu xin Đức Mẹ liên lỉ phù giúp cho những nhu cầu của chúng ta lúc hiện tại và trong giờ lâm tử, và kinh Sáng Danh ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa – chất chứa một sức mạnh có thể thúc bách trời cao chấn chỉnh cho những sai trái của trần gian” (Ngày ngày với Mẹ, tr. 186-187).
Ý thức sự cao quí và cần thiết của việc lần chuỗi Mân Côi, đồng thời để thực thi mệnh lệnh Mẹ Maria ban tại Fatima, trong tháng 10 này, từng thành viên Gia Đình Tận Hiến hãy tích cực lần hạt Mân Côi, để xin Chúa vì lời Đức Mẹ cầu bầu, ban cho thế giới được hòa bình, cho những anh chị em chưa biết Chúa được ơn đức tin và cho chính chúng ta biết sống thánh thiện.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết về kinh Mân Côi như sau: “Kinh Mân Côi được đặt nền tảng trên việc cùng với Đức Maria không ngừng chiêm ngắm dung nhan Đức Kitô, nên khi lần chuỗi, chúng ta được mời gọi theo đuổi một mục đích lý tưởng là được trở nên giống Người bằng một phương tiện được gọi là cuộc thăm viếng mật thiết. Việc thăm viếng này dẫn chúng ta một cách tự nhiên vào đời sống Chúa Kitô và có thể nói là ‘cảm nghiệm’ được những tình cảm của Người” (Tông huấn Rosarium Virginis Mariae, số 15).
*Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1: 26-38): Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ; trinh nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ”.
I – Ý CHIA SẺ
1) Đức Maria vừa là khuôn mẫu của những tâm hồn chiêm niệm và của những tâm hồn tông đồ. Hơn nữa khi liên kết nơi Mẹ đời chiêm niệm cao cả nhất với đời tông đồ tuyệt vời nhất, Mẹ dạy cho chúng ta biết rằng việc chiêm niệm và làm tông đồ không đối nghịch nhau, trái lại còn thúc đẩy, nâng đỡ, nuôi dưỡng nhau. Khi đời chiêm niệm được hiểu, là sự chuyên cần tìm cách kết hợp với Chúa cho thật nồng nàn thì nó chỉ có thể nhóm lên ngọn lửa tông đồ nhiệt thành trong tâm hồn. Trong khi tiếp xúc mật thiết với Chúa, ai đã cảm nghiệm được tình Chúa yêu loài người, sẽ không thể ngăn nổi ước muốn chinh phục tất cả về cho tình yêu ấy. Nơi Đức Nữ Trinh cũng thế, và còn ở một độ tuyệt diệu nhất: Mẹ đã thưởng nếm, đã thấm suốt tình yêu của Chúa, được thiêu đốt bằng ngọn lửa tình yêu ấy hơn mọi thụ tạo khác, nên Mẹ ước muốn dẫn đưa mọi người về với Chúa hơn ai khác. Thực vậy, không ai đã cộng tác nhiều với Chúa trong công việc cứu chuộc nhân loại bằng Mẹ. Mẹ đã cộng tác cách thân mật và sâu đậm, và nhờ máu huyết mình, Mẹ đã cung cấp cho Con Thiên Chúa một xác thể, một đời sống nhân loại để Ngôi Lời hằng hữu có thể nên giống chúng ta, chịu đau khổ và chết thay cho chúng ta trên thập giá. Cộng tác của Mẹ có giá trị cao cả nhất vì Mẹ đã không làm Mẹ Đấng Cứu Thế cách vô ý thức. Chính Mẹ đã ưng thuận điều ấy, dù biết rằng theo Thánh Kinh, Đấng Thiên Sai sẽ phải nhiều đau khổ, bị sát tế để cứu chuộc thế gian. Vậy nên chấp nhận để trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ cũng đã chấp nhận nối kết số mệnh mình với số mệnh của Người, thông dự vào những đau khổ của Người. Trao ban Vị Cứu Tinh cho thế giới, chấp nhận nhìn thấy Con thân mến mình chết trong nhục hình, đó là việc tông đồ cao vời của Đức Maria, phát xuất từ lòng yêu Chúa vô bờ.
Càng yêu Chúa nhiều, hoạt động phát xuất từ tình yêu đó càng hiệu nghiệm và đáng kể. Đàng khác, mọi công cuộc tông đồ không được đức ái linh hoạt hóa đều vô hiệu. Thánh Phaolô đã nói: “Giả như tôi đem cả gia tài, vốn liếng ra phát chẩn, và giả như tôi nộp thân mình để chịu thiêu, mà tôi không có lòng mến, thì những điều trên không giúp gì cho tôi cả” (1Cor 13:3).
2) Được mật thiết tham gia vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu, Đức Maria đã làm trọn một sứ mệnh tông đồ phổ quát, nhằm lợi ích của cả nhân loại. Tuy nhiên việc tông đồ của Mẹ không gây ồn ào, xáo động mà được thực hiện cách khiêm tốn, kín đáo, lặng lẽ nhất. Mẹ trao ban Vị Cứu Tinh cho thế trần, nhưng trong đêm khuya thanh vắng, trong chuồng bò hèn hạ. Mẹ chia sẻ trót đời sống của Chúa Giêsu nhưng khép mình trong căn nhà Nazareth nhỏ bé, làm những việc nội trợ khiêm từ, giữa những hy sinh và khó khăn của cuộc sống gặp nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó nhọc và hệ trọng. Và khi Chúa Giêsu lộ diện trước công chúng trong ba năm truyền đạo để chu toàn sứ mệnh Cha Người đã trao phó, Đức Maria tiếp tục sống trong bóng tối, tuy vẫn đi theo Người và thông phần vào mọi biến cố của Người. Trong sự từ bỏ và sống lặng lẽ, Đức Maria đã góp phần vào việc tông đồ và những đau khổ của Con mình; không có nỗi đau khổ nào của Chúa Giêsu mà Mẹ không cảm thấy trong lòng. Mẹ đã hy sinh nhiều, khi nhìn thấy Con chí ái Mẹ bị bách hại, ghét bỏ, bị án tử hình và sau cùng bị đóng đinh trên đồi Calvariô. Tim Mẹ cảm thấy một nỗi cay đắng ê chề nhưng Mẹ chấp nhận tất cả vì tình yêu tinh ròng, và dâng Chúa mọi sự để cứu chuộc các linh hồn. Nhờ hy sinh thầm kín, đón nhận tất cả hoàn toàn vì tình yêu mà Đức Maria đạt đến tột đỉnh của hoạt động tông đồ (Sống Với Chúa, t. 3, tr. 239-242).
II. Ý CẦU NGUYỆN CHUNG
a/ Ý chung: Cầu cho sứ vụ của các tu sĩ: Xin cho các tu sĩ nam nữ biết đổi mới nhiệt tình tông đồ, và biết tìm gặp gỡ những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người thấp cổ bé miệng.
b/ Một kinh Vực Sâu hợp ý cầu nguyện cho anh chị em GĐTH mới qua đời.
III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG
Trong tháng này, anh chị em GĐTHĐC hãy hy sinh đi thăm viếng một ai đó hay một vài gia đình trong miền của mình, dù họ là người Công Giáo hay không, đang có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp để an ủi, nâng đỡ họ phần hồn, phần xác.