Từ già đến trẻ, từ lớn đến bé, ai nấy đều nhận ra giá trị của tiền bạc, ngay cả anh mù cũng biết tiêu tiền. Đồng thời, ai nấy đều ra sức tìm tiền kiếm bạc, thu góp tích lũy và gìn giữ nó kỹ càng, bởi vì: “Đồng tiền liền với khúc ruột”, lỡ mất nó thì tiếc ngẩn tiếc ngơ, tiếc đến độ chảy cả nước mắt, đêm không ngủ, ngày không ăn. Phàm bắt tay vào bất cứ việc gì thì “vấn đề đầu tiên” nổi cộm trong đầu óc vẫn là vấn đề tiền đâu? Một vấn đề thuộc vào hạng qui luật của muôn đời, không thể không xét đến. Ngày nay, người ta thường bảo :
Tiền là tiên là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cán cân của công lý.
Còn người xưa thì lại xác quyết: “Có tiền mua tiên cũng được”. Trước hết, với tiền bạc, người ta có thể mua được địa vị cùng với quyền ăn và quyền nói như người xưa đã bảo: “Mạnh vì gạo bạo vi tiền. Miệng nhà giàu có gang có thép”. Nếu tìm hiểu về phong tục của xã hội Việt Nam thuở trước, chúng ta thấy nhiều nơi có tục lệ mua quan bán tước. Người nhà giàu chỉ cần bỏ ra một số tiền theo qui định là có thể mua được chức quan. Rồi mỗi khi có hội hè đình đám, thì được ngồi vào chiếu trên mà ngất ngưởng với các vị bô lão và chức sắc, bằng không thì sẽ bị xếp vào chiếu dưới, lẫn lộn với hạng cùng đinh, vai nặng chân trơn mà chớ. Với tiền bạc, người ta còn có thể mua được lẽ phải, mua được công lý. Có người dám bỏ tiền ra mua cả tòa án, đánh gục quí vị đại diện cho thần công lý. Đúng là : “Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Kim ngân phá lề luật”.
Hơn nữa, với tiền bạc, chúng ta còn có thể mua được cả bạn bè và tình nghĩa. Các cụ ta ngày xưa đã để lại một kinh nghiệm sống: “Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm. Nghĩa là nghèo kiết xác mà cắm dùi ngay giữa phố chợ thì cũng chẳng ai viếng thăm, trái lại hễ giàu sang, phất lên một tí thì dù ở chốn rừng sâu núi thẳm cũng khối kẻ chịu khó cất công tìm đến.
Tiền bạc có thể mua được đủ thứ: nào cơm ăn áo mặc, nào tiện nghi hưởng thụ… Ngoài ra, với tiền bạc người ta còn có thể mua được cả chiến thắng. Theo dõi những cuộc vận động tranh cử tổng thống, chúng ta thấy ứng cử viên nào “ít tiền”, chắc chắn sẽ bị rớt vì làm sao mà trải thảm mua được báo chí, truyền thanh, truyền hình, dư luận và tình cảm của cử tri. Bình thường, thể thao vốn là lãnh vực lành mạnh và công bằng, vì mọi người đều cố gắng chơi đẹp dựa trên sức khỏe và tài năng của mình, thế mà tiền bạc cũng đã len lỏi vào, bằng cách mua trọng tài hay cầu thủ, khiến cho thiên hạ phải bàn luận chung quanh những vụ “bán độ” ở chỗ này hay chỗ khác. Trên đây là lãnh vực mua, tiếp đến là lãnh vực mở.
Tục ngữ đã bảo: “Tiền không chân, xa gần đi khắp”. Nó là chiếc chìa khóa vạn năng mở được tất cả. Hay như Shakespeare đã viết : “Khi tiền bạc dẫn đầu thì mọi cửa đều mở rộng”. Nói theo “người nghiền bóng đá” thì tiền bạc chính là tiền vệ xuất sắc nhất chọc thủng mọi cầu môn. Trước hết, nó sẽ mở được cửa quyền. Hiện nay trên thế giới, hầu như nước nào cũng có tệ nạn tham nhũng. Với tiền bạc, người ta mua đứt các viên chức để rồi việc khó hóa thành dễ như người xưa đã bảo: “Có tiền việc ấy sẽ xong”. Nhiều chính phủ bị sụp đổ, nhiều viên chức phải vào tù chỉ vì tham nhũng, ham tiền như tục ngữ đã nói : “Hạt tiêu nó bé nó cay, Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền”.
Ngoài ra, nó còn mở được cửa trái tim. Có những người không lấy nhau vì tình nhưng lại lấy nhau vì tiền. Hơn nữa, vì đồng tiền họ dám bán danh dự và nhân phẩm của mình. Có những cô gái vì tiền mà “cũng liều nhắm mắt đưa chân” lấy đại một người giàu có nào đó, để rồi cuối cùng đã phải ngậm đắng muốt cay.
Một bản tin trên báo “Công An” mang tựa đề: “Hợp đồng tình yêu”, nội dung như sau: Châu Sa là một cô gái trẻ đẹp. Năm 17 tuổi, cô bỏ học đi làm vũ nữ. Được hai năm, cô gặp Tuấn, một người thành đạt trong lãnh vực kinh doanh địa ốc. Vì không muốn người mình yêu bị kẻ khác nhòm ngó, Tuấn đề nghị Châu Sa làm vợ bé của mình. Thấy Tuấn giàu có lại hào hoa phong nhã, phần vì ngán ngẩm với cảnh đời vũ nữ, Châu Sa đồng ý với điều kiện Tuấn phải mua nhà, mua xe và hàng tháng phải cho 1000 đô để cô xài và gửi về giúp gia đình. Để ngăn ngừa việc ông chồng hờ của mình nửa chừng chạy theo một bóng hồng khác, Châu Sa thảo ra một bản hợp đồng ghi rõ việc cô sẽ chung sống với Tuấn 5 năm…Nếu ai bỏ ngang giữa chừng thì phải bồi thường cho đối phương 10.000 đô. Tuấn đã ký vào bản hợp đồng và chấp nhận tất cả những điều kiện, dù là vô cùng trắng trợn và thực dụng của Châu Sa. Từ đó Tuấn và Châu Sa đã chung sống với nhau trong một tổ ấm trị giá 70 cây vàng mà Tuấn đã tậu cho cô vợ bé xinh đẹp của mình. Thế nhưng chẳng ai học được chữ ngờ. Bản hợp đồng tình yêu của Tuấn và Châu Sa chưa được ba tháng thì công việc làm ăn của Tuấn ngày càng xuống dốc. Số tiền 1.000 đô đối với Tuấn ngày xưa chỉ là chuyện nhỏ, thì nay lại trở thành gánh nặng. Thấy số tiền Tuấn nộp cho mình hàng tháng cứ hao hụt dần, Châu Sa cho rằng Tuấn đã thay lòng đổi dạ, nên quyết định dạy cho ông chồng hờ của mình một bài học, vì tội đã dám vi phạm hợp đồng. Cô photo bản hợp đồng rồi gửi cho gia đình Tuấn. Kết quả là vợ Tuấn nổi giận, kiên quyết đòi ly dị. Lúc này Tuấn như người bị dồn vào bước đường cùng. Thất bại trong công việc, vợ lớn đòi ly dị, vợ bé đòi tiền bạc. Tình yêu cùng sự si mê ngày xưa đã cạn. Trong lòng Tuấn chỉ còn lại niềm oán hận đối với cô vợ bé ngang ngược. Ngày 20.7.1998, Tuấn mang acit đến nhà Châu Sa, đầu tiên chỉ tính dọa cho hả cơn giận. Thế nhưng, sau một hồi lời qua tiếng lại, Tuấn không kiềm được sự nóng nảy của mình, nên đã vung tay tạt ca acit vào mặt Châu Sa, khiến cô bị thương trầm trọng. Và thế là tiền hết, tình tan. Chao ôi!
Bạc ác chi mi thế hả tiền
Mi làm nhân loại hoá ra điên
Mi treo công lý về một gốc
Mi kéo ân tình thẳng hoá xiêng.
Do đó, nhiều người đã nhận định giá trị của đồng tiền như sau:
– Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm.
– Tiền có thể mua được chiếc giường nhưng không thể mua được giấc ngủ.
– Tiền có thể mua được chiếc đồng hồ nhưng không thể mua được thời gian.
– Tiền có thể mua được cuốn sách nhưng không thể mua được kiến thức.
– Tiền có thể mua được thuốc men nhưng không thể mua được sức khỏe.
– Tiền có thể mua được người yêu nhưng không thể mua được tình yêu của họ.
– Tiền có thể mua được bảo hiểm nhưng không thể mua được sự an toàn.
Một nguyệt san xuất bản tại Luân Đôn có yêu cầu đọc giả đưa ra một định nghĩa về tiền bạc và cho biết đọc giả nào đưa ra câu định nghĩa hay nhất sẽ được thưởng. Tòa soạn đã nhận được cả ngàn câu định nghĩa và đây là câu định nghĩa đã trúng giải nhất : “Tiền bạc là giấy thông hành đại đồng, với nó chúng ta có thể đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, trừ lên trời là không được, với nó chúng ta có thể mua được mọi sự, trừ hạnh phúc.
Gần đây tờ Los Angeles Times cũng đưa ra nhận định về ảnh hưởng của tiền bạc trên hạnh phúc gia đình:
– 70% người Mỹ nói rằng: “Họ bị nợ nần quá nhiều và điều đó ảnh huởng đến bầu khí gia đình” và đó cũng là nguyên nhân gây ra đổ vỡ hạnh phúc nơi nhiều gia đình.
– Tiền bạc là nguyên nhân số một cho những xung đột của các cặp vợ chồng mới cưới.
– Trong một bản khảo sát của 1001 người thì có tới hơn một nửa trong số họ cho rằng, tiền bạc là chủ đề nhạy cảm trong gia đình. 40% thú nhận là họ đã nói dối bạn đời về số tiền đã chi.
Những nhận định nói trên cho thấy tiền bạc ảnh huởng lớn đến hạnh phúc gia đình. Khủng hoảng kinh tế hiện nay đang gõ cửa từng gia đình và đe dọa đến hạnh phúc của họ.
Quả thật, Tiền bạc là dao hai lưỡi, biết dùng thì có lợi, không biết dùng thì có hại. Hay như một câu danh ngôn đã bảo : “Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt có thể giúp chúng ta nhiều việc nhưng đồng thời lại là một ông chủ hà khắc bóp nghẹt những gì tốt đẹp nhất nơi chúng ta”.
Như trên chúng ta đã thấy : “Kim ngân phá lề luật”. Trong phạm vi cá nhân, tiền bạc làm cho tâm địa chúng ta trở nên xấu với những toan tính đen tối, chà đạp công bằng, phá đổ tình thương, coi rẻ nhân nghĩa, mặc sức bóc lột người khác miễn sao vơ vét về cho đầy túi của mình, đúng như văn hào Léon Tolstoi đã viết: “Tiền bạc chỉ là một thứ nô lệ mới không người, thay thế cho thứ nô lệ có người trước kia”. Một khi chúng ta để lòng mình quá quyến luyến tiền bạc, thì lúc đó tiền bạc sẽ chỉ huy chúng ta và làm cho chúng ta phải khốn đốn. Hơn nữa, nếu chúng ta xây dựng tình nghĩa trên nền tảng căn bản của tiền bạc, thì tình nghĩa ấy thật bấp bênh và có thể tiêu tan bất kỳ lúc nào như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết : “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, Hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Trong tiếng Việt, chữ tiền thường đi đôi với chữ bạc. Có tiền, người ta dễ thay lòng đổi dạ: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, Thì lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Thế nhưng không có tiền, người ta lại càng dễ đi tới chỗ lật lọng, quay phắt 180 độ: “Hễ không điều lợi khôn thành dại, Đã có đồng tiền dở cũng hay”.
Vì thế, ta phải trở nên ông chủ của tiền bạc, nghĩa là ta chi tiêu tiền bạc đúng nơi đúng chỗ, đúng nhu cầu và đúng cách. Tiền bạc mới trở nên hữu ích cho đời sống của ta. Mặc khác, cuộc sống của ta không chỉ dừng lại ở đời tạm bợ này, chúng ta phải hướng về quê trời vĩnh cửu. Nếu chúng ta biết dùng tiền của vào những công việc bác ái từ thiện, thì chính tiền của sẽ đem lại cho chúng ta nguồn hạnh phúc muôn đời.
Tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người nghèo. Ông tâm sự:
“Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxicô. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô Milano. Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.
“Một hôm thầy Cecilio, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho những người nghèo. Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Danien Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ thổ dân ở Ba Tây. Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy. Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Marcello đã được gởi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Marcello đã trở về với quyết định bán tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Marcello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.
Tiền của cần thiết để sống, nhưng không cần để được hạnh phúc. Nếu tâm hồn chúng ta chứa đầy Thiên Chúa thì chúng ta dễ dàng từ bỏ, không ham muốn của cải. Người ta thường cho những kẻ có nhiều tiền của và uy quyền là người có phúc. Nhưng Chúa lại phán: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).
Chắc chắn Thiên Chúa không nói đùa, cũng không gạt gẫm ai bao giờ. Có nhiều tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, không làm cho con người hạnh phúc thật. Con người chỉ hưởng được trong thời gian ngắn ngủi mà thôi, rồi phải ra đi bỏ lại tất cả. Bên kia của cải vật chất, tiện nghi của cuộc sống và những bảo đảm vật chất, còn có một cái gì đó đáng sống hơn. Thánh Augustino đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con vẫn còn xao xuyến cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”. Được tạo dựng để sống vĩnh cửu, con người sẽ không bao giờ dừng lại với những chiếm hữu trong cuộc sống này. Vì thế chỉ hạnh phúc thật cho những ai biết dùng của cải theo đúng ý Chúa.
Tiến sĩ Marcello là một tấm gương điển hình. Ông đã bán hết gia tài, xây bệnh viện và tình nguyện ở lại với những thổ dân nghèo vùng Amazone để chăm sóc và cứu giúp họ. Ông chính là người đã nhận ra mục đích tối hậu của cuộc sống và những thực tại mai hậu. Ông cũng chính là người đã mau mắn đáp trả tiếng mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,33).
Lời đáp trả này không phải chỉ được thực hiện trong một số người ưu tuyển, mà phải là lời đáp trả của tất cả chúng ta.
Thế giới này không chỉ nghèo đói cơm bánh nhưng còn một sự nghèo đói khiếp sợ hơn, đó là nghèo đói tình thương, nghèo đói lòng quảng đại.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con cảm tạ Chúa vì mọi ơn lành Ngài đã ban. Xin giúp chúng con sống an vui, biết sử dụng những phương tiện vật chất Chúa ban trong tinh thần biết ơn và liên đới với anh em trong tinh thần chia sẻ. Amen.
Nguồn: Sưu Tầm