Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ cầu cho các đẳng linh hồn tại nghĩa trang Laurentino

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm nghĩa trang Laurentino, một khu vực rộng 67 mẫu Anh ở vùng ngoại ô phía nam của Rôma, cách Vatican 13 km.

Khi đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã viếng thăm “Vườn thiên thần” là một khu vực rộng 600 mét vuông dành riêng cho việc chôn cất các thai nhi chết khi chưa chào đời. Ngài đã cầu nguyện ở nơi có hai bức tượng bằng đá cẩm thạch tạc hình các thiên thần, biểu tượng của sự ngây thơ và tinh khiết.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ Chúa Giêsu Phục Sinh, được khánh thành vào năm 2012. Khu vực này hình tròn với diện tích 220 mét vuông, và có 140 chỗ ngồi. Trước bàn thờ là một sân rộng 120 mét vuông.

Đức Hồng Y Camillo Ruini, quản nhiệm Rôma, đã thánh hiến nghĩa trang Laurentino vào ngày 9 tháng 3 năm 2002. Trong triều đại Giáo Hoàng của ngài, đây là nghĩa trang thứ tư mà Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm vào những ngày lễ các đẳng linh hồn 2 tháng 11.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Phụng vụ ngày hôm nay rất thực tế, rất là cụ thể. Phụng vụ ngày hôm nay là một phần của ba chiều kích cuộc đời mà ngay cả trẻ em cũng hiểu: đó là quá khứ, tương lai, và hiện tại.

Hôm nay là một ngày tưởng nhớ về quá khứ, một ngày để nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta, những người đã cũng đồng hành với chúng ta, và những người đã ban cho chúng ta sự sống. Hãy ghi nhớ, hãy ghi khắc trong lòng. Ký ức là điều làm cho một dân tộc mạnh mẽ vì nó cảm thấy mình có căn cội trong cuộc hành trình, được bắt nguồn từ một lịch sử, và có nguồn gốc sâu xa từ một dân tộc. Ký ức làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô đơn, chúng ta là một dân tộc: một dân tộc có lịch sử, đã trôi qua; và có sự sống. Ký ức giúp chúng ta nhớ đến nhiều người đã chia sẻ cuộc lữ hành trần thế với chúng ta, và đó là lý do tại sao tôi đang hiện diện nơi đây [chỉ ra những ngôi mộ xung quanh]. Không phải dễ để có thể nhớ hết mọi chuyện. Nhiều lần chúng ta phải cố gắng mới quay trở lại được với ý nghĩ về những gì đã xảy ra trong cuộc đời ta, với gia đình ta, và với dân tộc ta. .. Hôm nay là một ngày tưởng niệm, ngày mà ký ức đưa chúng ta đến tận những gốc rễ: đến nguồn cội của ta và dân tộc ta.

Và hôm nay cũng là một ngày của hy vọng: bài đọc hai cho chúng ta thấy những gì đang chờ đợi chúng ta. Một trời mới, đất mới và thành thánh Giêrusalem mới. Vẻ đẹp là hình ảnh Giáo Hội thường dùng để làm cho chúng ta hiểu những gì đang chờ đợi chúng ta: “Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (x. Khải huyền 21: 2). Vẻ đẹp đang chờ chúng ta. .. Trí nhớ và hy vọng, hy vọng được gặp gỡ, hy vọng đến được nơi Tình yêu đã tạo dựng nên chúng ta, nơi Tình yêu đang chờ đợi chúng ta: là tình yêu của Chúa Cha.

Và giữa ký ức và hy vọng, có chiều kích thứ ba, đó là con đường chúng ta phải làm và là điều chúng ta đang làm. Và làm thế nào để làm con đường này mà không gây ra những lầm lỗi? Đâu là những ánh sáng giúp tôi không phạm những sai lầm? Đâu là “máy định hướng” mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để chúng ta không mắc những lầm lỗi? Đó là Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Những Mối Phúc này – hiền lành, có tâm hồn nghèo khó, khát khao nên người công chính, xót thương người, có lòng thanh sạch – là những ánh sáng đồng hành cùng chúng ta để chúng ta không phạm sai lầm: đây là hiện tại của chúng ta.

Trong nghĩa trang này có ba chiều kích của cuộc sống: ký ức, chúng ta có thể thấy ở đây [chỉ ra những ngôi mộ]; hy vọng, là điều chúng ta sẽ cử hành trong đức tin ngay bây giờ, chứ không phải trong một viễn kiến tương lai; và những ánh sáng mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng để hướng dẫn chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế để chúng ta không mắc những lầm lỗi: đó là Tám Mối Phúc Thật.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để đừng bao giờ đánh mất ký ức, đừng bao giờ che dấu ký ức của chúng ta – ký ức của cá nhân, của gia đình, của dân tộc; và xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hy vọng, hy vọng là hồng ân Chúa ban cho ta để ta biết làm sao trông cậy, làm sao nhìn đến chân trời, chứ đừng mãi đóng kín trước một bức tường. Hãy luôn nhìn đến chân trời và hy vọng. Và xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra đâu là những ánh sáng sẽ đồng hành cùng chúng ta trên con đường để đừng mắc sai lầm, và nhờ thế chúng ta đến được nơi những người đi trước đang chờ đợi chúng ta với tình thương mến dạt dào.

 

J.B. Đặng Minh An dịch/vietcatholic