Thưa Cha,

Con có 2 câu hỏi thắc mắc lâu rồi bây giờ nhớ ra liền viết thư xin Cha giải thích cho con. Con nghe nói tới đạo Chính Thống Giáo, Anh Giáo, và Công Giáo. Thưa Cha, không biết Chính Thống Giáo từ đâu mà ra và luật đạo của họ như thế nào? Còn Anh Giáo có phải do King Henry VIII mà ra có đúng không cha? Xin cha giải thích cho con. (Cô Bé Ngày Xưa)

Cô Bé Ngày Xưa mến,

Công Giáo thì CBNX đã biết phần nào rồi. Cha xin miễn trả lời nhe. Còn Chính Thống Giáo và Anh Giáo thì sau khi tìm tòi một số tài liệu, cha tóm tắt được một vài điểm như sau:

1. Theo Giáo lý dạy, chúng ta được biết rằng Giáo Hội Chính Thống, còn được gọi là Giáo Hội Đông Phương, không có hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo. Các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Chính Thống dẫu phân ly khỏi Giáo Hội Công Giáo nhưng vẫn còn mối hiệp thông sâu xa vì cùng chung Bí Tích Rửa Tội, cùng tuyên xưng chung Kinh Tin Kính, và cùng giữ chung các bí tích đích thật do các linh mục kế vị các tông đồ (CCC # 838, 1399).

2. Giáo Hội Chính Thống hiểu về mình như là một tổ chức tiếp nối cộng đoàn tông đồ tiên khởi, tức là tiếp nối Giáo hội sơ khai. Họ thừa nhận rằng sự giảng dạy của các tông đồ ám chỉ sự thiết lập cộng đoàn địa phương, và mỗi một cộng đoàn là “thân thể Chúa Kitô,” có đầu tức là “Đức Giám Mục” chu toàn sứ vụ của Chúa Kitô.

3. Giáo hội địa phương này không sống riêng rẽ với nhau. Căn tính đức tin của họ và sự cấu trúc nội tại được thể hiện qua những “việc làm” chung. Trong những thế kỷ đầu, các công đồng là những công cụ (instruments) thông thường của đời sống chung của các giáo đoàn. Sau thời Constantinô, các công đồng đại kết được bắt đầu triệu tập để giải quyết những tranh luận nghiêm trọng về thần học.

4. Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận 7 công đồng đại kết đầu tiên: Nicêa (325), Constantinô I (381), Êphêsô (431), Chalcedon (451), Constantinô II (553), Constantinô III (680), Nicêa II (787). Công việc của các công đồng này là: định nghĩa tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi; 2 bản tính của Chúa Kitô, liên kết trong một ngôi vị duy nhất; nhị ý, thiên ý và nhân ý, nơi Chúa Giêsu Kitô; và sau cùng, việc vẽ hình ảnh Chúa Kitô-con người để tôn kính, vì hình ảnh đó biểu tượng Thiên Chúa nhập thể. Những tín điều này hiện vẫn được Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận như là đức tin căn bản Kitô giáo.

5. Thế kỷ thứ 9 bắt đầu cuộc phân ly dài giữa Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. Năm 862, Nicholas I, Giáo Hoàng Rôma, từ chối việc nhìn nhận việc chọn Photius làm giáo chủ thành Constantinô, và đến năm 867, Photius đã không còn thông công với Đức Giáo Hoàng.

6. Nhiều nỗ lực để hàn gắn lại sự xa cách giữa hai Giáo Hội vẫn không thành. Sự xung đột với Giáo Hội Tây Phương đã không ngăn cản công việc truyền giáo của Giáo Hội Đông Phương tới các vùng Bắc Âu và Đông Âu. Các dân tộc thuộc Slavic, Bulgary, Serbia đã được trở lại Kitô giáo bởi các vị truyền giáo Byzantine. Năm 864, Cyril và Mothodius dịch Thánh Kinh và các sách phụng vụ sang tiếng Slavic. Năm 988, nước Nga theo những người Slavic gia nhập đoàn chiên Byzantine. Các vị truyền giáo Byzantine có một khí cụ mãnh liệt trong việc truyền giáo đó là dùng tiếng bản xứ trong việc phụng tự của Giáo Hội. Bên Giáo Hội Tây Phương thì lại coi thường vấn đề này, chỉ đặt nặng về tiếng Latinh và coi như đây là ngôn ngữ duy nhất trong việc cầu nguyện và văn hoá. Do đó, các dân tộc Slavic đã phát triển tập tục Kitô giáo của riêng họ, trong khi tiếp tục với Giáo Hội Byzantine trong việc hợp nhất đức tin.

7. Sau sự sụp đỗ của Constantinô năm 1453, nước Nga vẫn còn được coi như là chủ chốt về Chính Thống Giáo. Phong trào truyền giáo, hiện nay được bảo trợ chính yếu bởi Giáo Hội Nga, tiếp tục phát triển qua Á Châu, đến Alaska và Nhật bản.

8. Trong những thập niên gần đây, Giáo Hội Chính Thống đã đóng một vai trò lớn mạnh trong phong trào đại kết. Sự liên lạc với Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng được đón nhận công khai rộng rãi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo nguồn tin mới nhất được đăng trong Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ tháng 03, 2004 cho biết: “quan hệ giữa Toà Thánh và Toà Thượng Phụ Chính Thống Mascơva bị căng thẳng cao độ từ nhiều năm nay. Hồi tháng 2 năm 2002, Toà Thượng Phụ ChínhThống Nga đã huỷ bỏ cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Kasper, sau khi Toà Thánh nâng 4 miền giám quản tông toà tại Nga lên hàng giáo phận, và từ đó đến nay không có tiếp xúc chính thức nào giữa Toà Thượng Phụ Mascơva và Toà Thánh…”

9. Đó là về đạo Chính Thống Giáo. Còn về đạo Anh Giáo thì đúng như Cô Bé Ngày Xưa nghĩ. Tức là, được xuất phát từ Vua Henry VIII. Theo sử liệu ghi chép thì năm 1527 Vua Henry đã tuyên bố cuộc hôn phối của Vua với Catherine ở Aragon không thành, mặc dù đã ăn ở với nhau suốt 18 năm trời. Lý do thứ nhất ngài muốn bỏ Catherine là vì bà không sinh con, không ai kế vị triều đại của ngài. Lý do thứ hai là vì ngài đã thương bà Anne Boleyn. Dĩ nhiên là Toà Thánh không chấp nhận vấn đề này rồi. Henry được triệu mời sang Toà Thánh để giải quyết vấn đề… nhưng ngài đã không chấp nhận và cho rằng vấn đề của ngài chỉ lệ thuộc vào luật pháp của Anh Quốc, và nữa ngài là vua không lệ thuộc vào bất cứ luật pháp nào khác trên thế giới… và bắt đầu to chuyện… lập đạo riêng, đạo Anh Giáo.

Thân mến trong Chúa Kitô,

image