Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã bắt đầu với thánh lễ khai mạc lúc 17:30 theo giờ địa phương tại công viên Błonia do Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz cử hành.

Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, năm nay 77 tuổi, từng là bí thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong nhiều năm. Từ năm 2005, ngài là Tổng Giám Mục Krakow và được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vinh thăng Hồng Y vào năm 2006.

Trong thánh lễ khai mạc, Đức Hồng Y nói:

Các bạn thân mến!

Thời điểm chúng ta chờ đợi trong 3 năm qua đã đến. Chúng ta đã chờ đợi kể từ ngày Đức Thánh Cha Phanxicô công bố tại Rio de Janeiro rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo sẽ diễn ra ở Ba Lan – Krakow.

Đồng hồ lắp trên mặt tiền của Vương Cung Thánh Đường Đức Bà tại trung tâm lịch sử Krakow đếm từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây cho đến thời khắc chúng ta đang trải qua. Nhưng một đồng hồ quan trọng hơn, ghi nhận những suy nghĩ và cảm xúc trong trái tim chúng ta, đã chuẩn bị về mặt tinh thần cho chúng ta trước cuộc gặp gỡ của các môn đệ của vị Thầy Chí Thánh Nazareth, đang bắt đầu diễn ra ngày hôm nay.

Các bạn đã đến từ tất cả các châu lục và quốc gia, từ Đông và Tây, Bắc và Nam của địa cầu. Các bạn mang theo nhiều kinh nghiệm. Các bạn mang lại nhiều ước vọng. Các bạn nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng bắt đầu từ ngày hôm nay chúng ta sẽ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của Tin Mừng. Đây là một ngôn ngữ của tình yêu, tình anh em, tình đoàn kết và hòa bình.

Tôi chào đón tất cả các bạn thân ái nhất nơi thành phố của Karol Wojtyla – Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Chính ở đây ngài đã lớn lên để phục vụ Giáo Hội, và chính từ đây, ngài đã cất bước ra những nẻo đường của thế giới để rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Tôi hoan nghênh các bạn tại thành phố nơi chúng tôi đặc biệt trải nghiệm những mầu nhiệm và ân sủng của lòng thương xót Chúa.

Các bạn thân mến – chào mừng các bạn đến Cracow!

Anh chị em, chúng ta hãy mở lòng mình ra đón nhận Lời Chúa và hồng ân Thánh Thể. Nguyện xin Chúa chịu đóng đinh và sống lại, vị cứu tinh của thế giới, đứng giữa chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài tất cả những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, những hy vọng và kỳ vọng liên quan đến lễ hội đức tin của giới trẻ đang bắt đầu. Nhưng vì chúng ta nhận thức được tội lỗi của chúng ta và sự bất trung của chúng ta với những lý tưởng của Tin Mừng, chúng ta hãy xin lỗi Chúa để chúng ta cùng nhau có thể cử hành Hy Tế Cực Thánh với một tâm hồn trong sạch.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y nói:

Các bạn thân mến!

Lắng nghe cuộc đối thoại của Chúa Giêsu phục sinh với Simon Phêrô trên bờ biển Galilee, khi nghe ba câu hỏi về tình yêu và những câu trả lời, chúng ta có trong tâm trí những khó khăn trong cuộc sống của người ngư dân vùng Galilê là tiền đề cho cuộc đối thoại quan trọng này. Chúng ta biết rằng một ngày nào đó, anh ta đã bỏ lại tất cả mọi thứ – gia đình, thuyền bè và những chiếc lưới – để đi theo một vị Thầy lạ lùng miền Nazareth. Ông trở thành môn đệ của Ngài. Ông đã học được cách nhìn của Ngài trước các vấn đề của Thiên Chúa và dân Ngài. Ông đã trải qua cuộc thương khó và sự chết của Ngài, cũng như một giây phút yếu đuối cá nhân và phản bội. Sau đó, ông đã trải qua một khoảnh khắc của sự ngạc nhiên và niềm vui liên kết với sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã hiện ra với các môn đệ thân cận nhất của Ngài trước khi về trời.

Chúng ta cũng biết đoạn tiếp theo của cuộc trò chuyện, hay đúng hơn là thử thách của tình yêu mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Simon Phêrô, được củng cố bởi Chúa Thánh Thần, đã trở thành một nhân chứng dũng cảm cho Chúa Giêsu Kitô. Ông trở thành một tảng đá cho Giáo Hội vừa chào đời. Vì tất cả điều này, ông đã trả giá cao nhất tại thành phố thủ đô của đế chế La Mã – ông bị đóng đinh như Thầy mình. Máu Phêrô đổ ra vì danh Chúa Giêsu trở thành hạt giống của đức tin và kích hoạt sự phát triển của Giáo Hội, mà nay đã bao trùm cả thế giới.

Hôm nay, Chúa Kitô nói với chúng ta ở Krakow, trên bờ sông Wisla, chảy qua tất cả mọi miền của Ba Lan – từ các rặng núi ra tới biển khơi. Kinh nghiệm của Phêrô có thể trở thành kinh nghiệm của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta suy tư. Chúng ta hãy đặt ra ba câu hỏi và tìm kiếm những câu trả lời. Đầu tiên, chúng ta đến từ đâu? Thứ hai, chúng ta đang ở nơi đâu ngày hôm nay, trong thời điểm này của cuộc sống chúng ta? Và thứ ba, chúng ta đang đi về đâu và những gì chúng ta sẽ mang theo với chúng ta?

Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta đến từ “mọi quốc gia dưới gầm trời này” (Cv 2: 5), như đám đông tuôn tới Jerusalem vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đông lắm nhưng không sánh nổi với chúng ta ngày nay sau hơn hai ngàn năm, bởi vì chúng ta được tháp tùng bởi biết bao những thế kỷ rao giảng Tin Mừng cả nơi những miền xa xăm nhất của thế giới. Chúng ta mang theo bao nhiêu những kinh nghiệm về các nền văn hóa khác nhau, các truyền thống và ngôn ngữ. Chúng ta cũng mang theo những chứng tá đức tin và sự thánh thiện của các anh chị em chúng ta, là những môn đệ của Chúa Phục Sinh, thuộc các thế hệ trước đây cũng như các thế hệ hiện tại.

Chúng ta đến từ những miền trên thế giới nơi mọi người sống trong hòa bình, nơi gia đình là một cộng đồng của tình yêu và cuộc sống; và nơi những người trẻ có thể theo đuổi những giấc mơ của họ. Nhưng giữa chúng ta cũng có những người trẻ đến từ các nước trong đó con người đang phải đau khổ vì chiến tranh và các hình thức xung đột khác nhau, nơi trẻ em đang chết đói và nơi các Kitô hữu đang bị bách hại tàn bạo. Trong số chúng ta cũng có những người hành hương trẻ từ các miền của thế giới đang bị cai trị bằng bạo lực và chủ nghĩa khủng bố mù quáng, nơi bọn cầm quyền áp đặt quyền lực trên con người và các dân tộc và theo đuổi các ý thức hệ điên rồ.

Chúng ta mang đến cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu những kinh nghiệm sống Tin Mừng cá nhân của chúng ta giữa một thế giới khó khăn. Chúng ta mang theo mình nỗi sợ hãi và thất vọng của chúng ta, nhưng bên cạnh đó cũng có niềm hy vọng và khao khát của chúng ta, chúng ta mong muốn được sống trong một thế giới nhân bản hơn, huynh đệ hơn và đoàn kết hơn. Chúng ta thừa nhận nhược điểm của mình, nhưng đồng thời tin rằng “chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đấng củng cố chúng ta” (Phil. 4:13). Chúng ta có thể phải đối mặt với những thách thức của thế giới hiện đại, trong đó con người lựa chọn giữa đức tin và sự hoài nghi, giữa thiện và ác, giữa tình yêu và sự từ khước.

Bây giờ chúng ta đang ở đâu, tại thời điểm này của cuộc sống chúng ta? Chúng ta đã đến từ mọi miền gần xa. Nhiều người trong số các bạn đã đi hàng ngàn cây số và đầu tư nhiều trong cuộc hành trình để có mặt ở đây. Chúng ta đang ở Krakow, cố đô của Ba Lan, nơi ánh sáng đức tin đã vươn được đến đây một ngàn năm mươi năm trước. Lịch sử Ba Lan đầy trắc trở, nhưng chúng tôi luôn cố gắng trung thành với Thiên Chúa và Tin Mừng.

Chúng ta tất cả ở đây bởi vì Chúa Kitô đã quy tụ chúng ta. Ngài là ánh sáng của thế giới. Ai theo Ngài sẽ không đi trong bóng tối (Jn. 8:12). Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14: 6). Ngài có lời ban sự sống đời đời. Chúng ta còn biết theo ai? (Jn. 6:68). Chỉ có Ngài – Chúa Giêsu Kitô – là Đấng có thể đáp ứng những ước muốn sâu xa nhất của trái tim con người. Chính Ngài là người đã dẫn chúng ta đến đây. Người hiện diện giữa chúng ta. Ngài đang đồng hành cùng chúng ta như Ngài đã cùng đi với các môn đệ trên đường Emmau. Chúng ta hãy phó thác nơi Ngài trong những ngày này những vấn đề của chúng ta, nỗi sợ hãi và hy vọng của chúng ta. Trong những ngày này, Ngài sẽ hỏi chúng ta về tình yêu, giống như Ngài đã từng hỏi Simon Phêrô. Chúng ta đừng tránh né đáp lại những câu hỏi ấy.

Khi gặp gỡ với Chúa Giêsu, chúng ta cũng đồng thời nhận ra rằng tất cả chúng ta tạo nên một cộng đồng lớn – là Giáo Hội – vượt qua mọi thứ ranh giới được thiết lập bởi con người và chia cách con người. Chúng ta tất cả là con cái của Thiên Chúa, được cứu chuộc bởi máu Con Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. Cảm nghiệm tính phổ quát của Giáo Hội là một kinh nghiệm tuyệt vời được liên kết với Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Hình ảnh của Giáo Hội tùy thuộc vào chúng ta – vào đức tin và sự thánh thiện của chúng ta. Chính là tùy nơi chúng ta mà Tin Mừng có thể bảo đảm đến được với những ai chưa nghe nói về Chúa Kitô hay chưa được biết thấu đáo về Ngài.

Ngày mai, Phêrô của thời đại chúng ta – là Đức Thánh Cha Phanxicô – sẽ đến ở giữa chúng ta. Ngày mốt, chúng ta sẽ chào đón ngài cũng ở nơi này. Trong những ngày sau đó, chúng ta sẽ lắng nghe lời nói của ngài và cầu nguyện với ngài. Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội Giới trẻ Thế giới là có một nét đẹp và là một đặc điểm của lễ hội đức tin này.

Và cuối cùng là câu hỏi thứ ba, câu hỏi cuối cùng: Chúng ta đi đâu và những gì chúng ta sẽ mang theo với chúng ta từ nơi này? Cuộc gặp gỡ của chúng ta sẽ chỉ kéo dài một vài ngày. Đó sẽ là kinh nghiệm cao độ, thiêng liêng, và ở một mức độ nhất định, là vất vả về thể chất. Sau đó, chúng ta sẽ trở về nhà, gia đình, trường học, hay các trường đại học của chúng ta và đến những nơi chúng ta làm việc. Nên chăng chúng ta đưa ra một số quyết định quan trọng trong những ngày này? Nên chăng chúng ta thiết lập một số mục tiêu mới trong cuộc sống của chúng ta? Nên chăng chúng ta nghe thấy giọng nói rõ ràng của Chúa Giêsu, nói với chúng ta hãy để lại tất cả mọi thứ và theo Ngài?

Chúng ta sẽ trở lại đời thường của mình với những gì? Tốt hơn đừng lường trước những câu trả lời cho câu hỏi này. Nhưng chúng ta hãy đón nhận thử thách. Trong những ngày này, chúng ta hãy chia sẻ với nhau những gì là có giá trị nhất. Hãy để chúng ta chia sẻ niềm tin của chúng ta, kinh nghiệm của chúng ta, hy vọng của chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, cầu xin cho những ngày này là một cơ hội để hình thành con tim và tâm trí các bạn. Hãy lắng nghe các bài Giáo Lý của các giám mục. Hãy lắng nghe tiếng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô. Hãy tham gia hết lòng trong phụng vụ thánh. Hãy trải nghiệm tình yêu thương xót của Chúa trong bí tích hòa giải. Hãy khám phá các nhà thờ tại Krakow, sự phong phú trong nền văn hóa của thành phố này, cũng như sự hiếu khách của dân cư và của những người trong các thị trấn lân cận, nơi mà chúng ta sẽ nghỉ ngơi sau một ngày cực nhọc.

Krakow sống động với mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa, nhờ chị Faustina khiêm nhường và Đức Gioan Phaolô II, là những người đã làm cho Giáo Hội và thế giới nhạy cảm với tính đặc thù này của Thiên Chúa. Khi quay trở lại quốc gia các bạn, gia đình và cộng đồng các bạn, xin mang theo những tia lửa của lòng thương xót, nhắc nhở mọi người rằng “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5: 7). Hãy mang theo ngọn lửa đức tin của mình và làm bùng cháy với những ngọn lửa khác, để tâm hồn con người chung một nhịp đập với Thánh Tâm Chúa Kitô, vốn là “một ngọn lửa cháy rực của tình yêu.” Xin cho ngọn lửa yêu thương bao trùm thế giới của chúng ta và giải thoát nó khỏi ích kỷ, bạo lực và bất công, để một nền văn minh thiện hảo, hòa giải, tình yêu và hòa bình sẽ được tăng cường trên trái đất của chúng ta.

Tiên tri Isaia nói với chúng ta ngày hôm nay “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng” (Is 52: 7). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một sứ giả như vậy – Ngài là người khởi xướng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, là một người bạn của giới trẻ và của các gia đình. Và các bạn hãy nên là những sứ giả như thế. Hãy mang những tin tức tốt lành về Chúa Giêsu Kitô đến cho thế giới. Hãy làm chứng rằng thật là đáng và thật là cần thiết để ủy thác cho Ngài số phận của chúng ta. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn cho Chúa Kitô. Hãy rao giảng với niềm tin như Phaolô, “cho dầu là sự chết hay sự sống,[..] hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rom 8:.38-39)

VietCatholic Network 7/26/2016

2 Ý kiến, RSS