Thưa Cha,
1. Xin Cha giúp cho con biết về lịch sử của thành Giêrusalem, nhất là ý nghĩa của thành về phương diện tôn giáo.
2. Trong 1 đoạn Phúc Âm nói, Chúa dự định nghỉ ngơi ở một làng Samaria, nhưng vì dân ở đó biết Chúa đang trên đường đi đến Giêrusalem nên họ không đón tiếp Ngài. Xin Cha giúp con hiểu tạo sao người Samaria có thái độ đó đối với Chúa.
3. Trong đoạn Phúc âm theo thánh Luca dưới đây, xin Cha giúp con hiểu vì sao Chúa Giêsu nói: “Không lẽ một tiên tri phải chết ngoài thành Giêrusalem?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy.” Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: ‘Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem.’ “Ôi Giêrusalem, Giêrusalem!Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: ‘Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Đó là lời Chúa.
Con cám ơn cha rất nhiều, xin Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành cho cha luôn mãi. (Một Giáo Dân)
Một giáo dân mến,
Tôi thành thật cảm phục tinh thần học hỏi, tìm hiểu Thánh Kinh của anh. Anh làm một phát 3 câu. Câu nào cũng nặng ký cả. Chân thành cám ơn anh đã tạo cho tôi có cơ hội ôn lại những gì đã học hỏi trước đây và tìm hiểu kỹ hơn Lời Chúa.
Về lịch sử của thành Giêrusalem thì cũng khá dài. Anh có thể tìm hiểu kỹ thêm trong sách Samuel quyển 2, sách các Vua quyển 2, và sách Ký Sự quyển 2. Tôi xin được tóm gọn một vài điểm chính yếu:
Giêrusalem đã có từ thời tiền sử. Xem ra thành này xuất hiện giữa những thành phố Canaan… Vào thời Vua David, ngài đã chiến thắng Vua Jebusites và chiếm thành Giêrusalem… và gọi là thành của David (2 Samuel 5:6-9).
Trong suốt lịch sử của thành Giêrusalem, thành bị tấn công nhiều lần và bị phá huỷ hoặc hoàn toàn hoặc một phần cũng nhiều lần.
Thời vua Rehoboam, thành bị chiếm thủ bởi Shishak of Egypt (1 Vua 14:25 tt; 2 Ký Sự 12:1 tt). Thời vua Jehoram, thành bị người Ả-rập và Philitinh tấn công (2 Ký Sự 21:1 tt.) Thời vua Amaziah, thành bị chiếm thủ bởi Jehoash ở Israel (2 Vua 14:11-14; 2 Ký Sự 25:21-24). Dưới triều đại của Hezekiah, người Assyrians đã bỏ vốn đầu tư vào thành này (2 Vua 18:13-19, 2 Ký Sự 32:1-22)… nhưng vẫn không rõ là người Assyrians có thật sự chiếm thủ thành hay không.
Sau khi vua Josiah qua đời, thành bị vua Necho ở Egypt chiếm thủ (2 Vua 23:33 tt; 2 Ký Sự 36:3). Thành bị thất thủ và hàng phục người Babylonians dưới thời vua Nebuchadnezzar năm 598 BC; nhưng khi Nebuchadnezzar chiếm thủ năm 587 BC, sau 18 tháng cô lập, thành đã bị phá huỷ hoàn toàn.
Sau năm 537 BC, thành được tái thiết (Ezra 1-7; Nehimia 1-4). Không một biến cố nào được ghi lại trong thời Persian và thời kỳ tiền Hy lạp; nhưng thành này là chiến địa của những trận xung đột thời Maccabean.
Thành bị người Rôma bao vây và đột chiếm dưới thời Pompey năm 63 BC. Về sau, một lần nữa bị người Rôma đột chiếm năm 70 AD dưới thời Vespasian và Titus và bị thiệt hại trầm trọng.
Xét về biểu tượng thần học của Giêrusalem, chúng ta thấy Giêrusalem mang một ý nghĩa không phải đồng hoá với triều đại vua David, nhưng về đền thờ. Giêrusalem là “nơi Yavê chọn cho danh ngài ngự trị” (1 Vua 11:13; 2 Vua 21:4; 23-27). Sion là núi thánh của Ngài, trên đó ngài đã đặt vua của Ngài (Tv. 2:6). Như thế, Giêrusalem là thành thánh, là nơi ở và là ngai của Yavê (Je 3:16 tt). Thành là trung tâm thờ phượng của Yavê, nơi mà tất cả muôn dân sẽ lui tới (Is 2:2 tt; 60:1 tt).
Về câu hỏi thứ 2 của anh, tôi tìm thấy sự kiện này được Thánh sử Luca ghi lại ở đoạn 9: 51-56. Theo một số nhà chú giải thánh kinh thì vấn đề người Samaritanô không đón nhận Chúa Giêsu liên quan đến việc tranh luận giữa họ và người Do thái về nơi thờ phượng — hoặc là ở Giêrusalem hay là trên núi Gerizim near Sychar (xem Gioan 4:20). Đã hục hặc với nhau rồi thì làm sao có thể nói tới chuyện tiếp đón… cũng may là họ chưa đánh đấm Chúa.
Về câu hỏi thứ 3 của anh, chúng ta cũng cần biết là: Hai chủ đề quán xuyến chiếm ưu thế ở đây là: Giêrusalem vừa là nơi thất tín và bất trung của người Do Thái đồng thời vừa là nơi Thiên Chúa tuyển chọn, hiện diện, bảo vệ và vinh quang. Diễn tiến của lịch sử cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa thứ nhất và do đó đã làm cho Chúa thịnh nộ và trừng phạt họ. Vinh quang của thành chỉ có thể nằm trong tương lai. Xem Isaia 1:21; 29:1-4; Mattheu 23-37; Isaia 37:35; 54:11-17. Xem ra, số phận của các tiên tri là thế ấy. Nhưng thử hỏi còn gì quí bằng dâng chính cuộc sống mình làm của lễ thượng tiến lên Thiên Chúa tại chính Thành Thánh phải không anh?
Thân mến trong Chúa Kitô,