THỨ HAI TUẦN  XXXIII  THƯỜNG NIÊN

 

BÀI ĐỌC I:  –  1 Mcb 1: 11-16. 43-45. 57-60. 65-67  (Hl 10-15. 41-43. 54-57. 62-63)

“Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, bởi dòng các vua Hy-lạp sinh ra một mầm mống tội lỗi, là Antiôcô Êpiphan, con vua Antiôcô, trước kia bị bắt làm con tin tại Rôma; năm vương quốc Hy-lạp một trăm ba mươi bảy, ông lên ngôi vua.

Thời đó từ Israel cũng xuất hiện một số người bất lương mê hoặc được nhiều người, chúng nói rằng: “Này, ta hãy giao ước với các dân ở chung quanh chúng ta, vì từ ngày chúng ta đoạn giao với các dân ấy, chúng ta đã gặp nhiều tai hoạ”. Họ cho lời nói ấy là đúng. Một số trong dân chúng hối hả đi yết kiến nhà vua và được nhà vua cho phép tuân giữ các luật lệ của dân ngoại. Họ liền xây cất một thao trường ở Giêrusalem theo tập quán của dân ngoại; họ tìm cách huỷ bỏ vết tích của phép cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để rồi giao ước với kẻ ngoại. Họ tự bán mình để làm sự dữ.

Vua Antiôcô ra chiếu chỉ khắp nước truyền cho mọi dân hợp thành một dân và mỗi dân phải bỏ tục lệ riêng mình; tất cả các dân ngoại đều tuân lệnh nhà vua. Nhiều người Israel cũng sẵn sàng theo việc phượng tự của nhà vua, họ liền hiến tế cho ngẫu tượng và phế bỏ ngày sabbat.

Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua Antiôcô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giuđa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua. Nhưng cũng có nhiều người Israel tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết. Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp.

Đó là lời Chúa.

 

 ĐÁP CA:  Tv 118: 53. 61. 134. 150. 155. 158

Đáp:  Lạy Chúa, xin bảo toàn cho con sống, và con sẽ tuân giữ lời nghiêm huấn của Ngài (x. c. 88).

Xướng: 1) Con nổi cơn uất hận vì những người tội lỗi, bọn chúng bỏ rơi luật pháp của Ngài.     – Đáp.     

2)   Thừng chão bọn ác nhân đã trói buộc con, nhưng con chẳng lãng quên luật pháp của Ngài.     – Đáp.            

3)   Xin Chúa cứu con khỏi người ta áp bức, để con tuân giữ các huấn lệnh của Ngài.     – Đáp.    

4)   Những kẻ bách hại con cách độc ác đang tiến lại gần, bọn chúng sống xa pháp luật của Chúa.    – Đáp.

5)   Ơn cứu độ của Chúa xa bọn ác nhân, vì chúng chẳng lo giữ những thánh chỉ của Ngài.     – Đáp.       

6)   Nhìn thấy những kẻ phản bội mà con chán nản, vì chúng không tuân giữ lời sấm của Ngài.     – Đáp.   

     

ALLELUIA:  Lc 16: 31

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

 

PHÚC ÂM:  Lc 18: 35-43

“Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? – Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

Suy niệm:

Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.  Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối, Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.

Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem, nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.

Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin. Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.

Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói. Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.

Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36). Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.

Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua, anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.

Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.

Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt. Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.

Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất, nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh? Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?

Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu. Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.

Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu. “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” (c. 38)

Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói. Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.

Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà. Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.

Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân. Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).

Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).

Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.

Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường. Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”

Tôi sẽ trả lời Ngài ra sao?  Tôi sẽ xin Ngài điều gì?

Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn. Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.

Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14). Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.

Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).

Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù, đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.

Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi, và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13).

Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà “mua thuốc xức mắt để thấy được.” (Kh 3, 18)

 

Cầu nguyện:

Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy, thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa chiếu giãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ