Thưa Cha,

Nếu khi con người được diễm phúc vào Thiên Đàng, và sống như các thiên thần, thì tại sao cần sống lại cả hồn lẫn xác trong ngày sau hết? Như thế có phải là dư thừa không? Con hỏi vì các sách vở (như là Embraced by the Light, tác giả Betty J. Eadie) và phim ảnh mô tả sự chết là đi vào ánh sáng vui vẻ hạnh phúc, trong khi Giáo Lý Công Giáo lại dạy rằng khi chết thì sẽ vào luyện ngục đau khổ và cần sự cầu nguyện…v…v… (ĐA)

ĐA mến,

Cám ơn ĐA đã nêu lên một thắc mắc hay. Thắc mắc của ĐA gợi tôi nhớ lại hoàn cảnh của Bác tôi. Bác tôi bị bệnh suy thận lâu ngày lâu năm… đến lúc giai đoạn nguy kịch. Bác sĩ báo cho bác tôi biết là thận của bác tôi đã hư cả hai, và chỉ còn đợi chờ chết trừ khi có người cho thận và thận người đó hợp với cơ thể của bác tôi. Mọi sự xem ra dường như thất vọng. Nhưng may thay, cậu tôi bên Việt Nam nghe tin liền vội xin phép làm giấy tờ sang Mỹ để cho anh ruột của mình một trái thận. Cuộc giải phẩu tốt lành. Cậu tội tuy yếu mệt mấy tháng đầu nhưng cho đến nay sức khoẻ vẫn tốt. Bác tôi sống thêm được 12 năm.

Qua sự kiện trên, tôi mới hiểu có thể đó cũng là lý do vì sao Chúa ban cho mỗi người chúng ta 2 quả thận. Không dư thừa. Ngoài ra, còn nhiều ví dụ điển hình khác mà ĐA cũng có thể tự suy ra như: tại sao Chúa ban 2 mắt? một mắt cũng thấy được mà. tại sao 2 chân? 2 tay? 2 tai? v.v… bộ không dư thừa à?

Điều tôi có ý muốn nói với ĐA là việc hồn xác được sống lại trong ngày sau hết không phải là dư thừa. Đó là một mầu nhiệm đức tin Giáo Hội dạy mà lý trí con người nhiều khi không thể suy thấu. Vì đó thuộc phạm vi siêu việt mà. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể qua đó hiểu một phần nào về tầm quan trọng của thân xác con người. Thân xác con người không phải là một cái gì dơ bẩn, hèn hạ, và vô ích nhất là một khi bị tan rửa. Trái lại đã đề cao phẩm giá của thân xác và kêu gọi sự kính trọng (CCC # 1004). Thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa khi Ngài nói thân xác con người là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cor 6:19). Đức Thánh Cha đương kim, Gioan Phaolô II, cũng mới xuất bản cuốn sách về Thần Học của Thân Xác. Nói tắt, Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy chúng ta rằng ngày sau hết thân xác chúng ta cũng được ân huệ cao trọng là chia sẻ sự vinh quang của thân xác phục sinh Chúa Giêsu Kitô.

Về phần thứ hai của câu hỏi ĐA nêu lên, tôi thiết tưởng là người Công giáo chúng ta nên tin tưởng vào thế giá giáo huấn của Giáo hội hơn là dựa vào những hình ảnh và triết thuyết từ phim trường Holywood hoặc sách vở. Công đồng Lyons II dạy: “Giáo hội Rôma rất thánh tin và tuyên xưng cách vững vàng rằng, vào ngày Phán xét, tất cả mọi người sẽ trình diện trước toà án của Chúa Kitô, với thân xác của mình, để trả lẽ về các hành vi của mình.” (CCC #1059)

Thân mến trong Chúa Kitô,

image