Đức Thánh Cha suy niệm tại Nhà nguyện Marta

Lòng tin tưởng giúp chuyển bại thành thắng (14=1=2016)

VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Người có lòng tin luôn chiến thắng, vì lòng tin có thể chuyển bại thành thắng. Lòng tin tưởng không phải là ma thuật nhưng là một tương quan cá vị với Thiên Chúa. Tương quan ấy người ta không thể học được từ sách vở, nhưng là một quà tặng của Thiên Chúa. Món quà đó rất đáng để chúng ta nài xin.

Bài đọc một trích sách Sa-mu-en thuật lại sự thất bại của con cái Ít-ra-en trước người Phi-li-tinh. Cuộc chiến vô cùng ác liệt. Con cái Ít-ra-en đã bị tổn thất lớn và ngay cả danh dự, nhân phẩm của họ cũng bị chà đạp. Điều gì dẫn đến sự thất bại này? Nguyên nhân là dân chúng đã dần xa rời Thiên Chúa, sống theo tinh thần thế tục và tôn thờ ngẫu tượng. Họ đã đi đến Si-lô lấy Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa về. Nhưng dường như họ chỉ làm theo thói quen và phong tục văn hóa; còn thật ra họ đã đánh mất tương quan phụ tử với Thiên Chúa từ lâu rồi. Không thờ phượng Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã bỏ họ một mình. Thậm chí dân chúng còn muốn dùng Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa để mong đánh thắng trận. Nhưng họ làm như thế giống như một trò phù phép. Ở A-phếch có Lề Luật của Thiên Chúa. Nhưng dân chúng đã bỏ Lề Luật mà không tuân giữ. Như vậy, chẳng còn tương quan cá vị với Thiên Chúa nữa. Họ đã lãng quên Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng và cứu vớt họ bao nhiêu lần. Họ đã bị người Phi-li-tinh đánh bại, ba mươi ngàn bộ binh tử trận, Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai người con ông Ê-li – hai tư tế tội lỗi đã lợi dụng dân chúng ở Si-lô – bị giết. Như vậy, thất bại chung cuộc đó là: một dân sống xa rời Thiên Chúa sẽ luôn kết thúc bi thảm. Con cái Ít-ra-en có đền thờ, có nơi thánh nhưng tâm hồn họ không ở bên Chúa, không thờ phượng Chúa. Cũng vậy, ngày hôm nay, nếu anh chị em tin Chúa, nhưng là một Thiên Chúa xa xôi, huyền ảo chứ không ở trong tâm hồn anh chị em và anh chị em cũng chẳng hề quan tâm tuân giữ những mệnh lệnh, giới răn của Ngài; đó thật sự là một thất bại. Thất bại thảm hại!

Trái lại, Tin Mừng ngày hôm nay kể cho chúng ta nghe một chiến thắng vẻ vang: ‘Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống – quỳ là một hành động của sự thờ phượng – van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’ Anh ta muốn nói với Đức Giêsu rằng: ‘Con là một kẻ thất bại trong cuộc sống, là kẻ bị gạt ra ngoài – bệnh phong thực sự là một thất bại, vì không thể sống chung trong cộng đồng, người mắc bệnh phong luôn bị xua đuổi – nhưng Ngài là Đấng có thể chuyển bại thành thắng.’ Điều ấy có nghĩa là: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’ Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch.’ Và như thế, thật là đơn giản: trận chiến này đã kết thúc chỉ trong vòng hai phút ngắn ngủi với một chiến thắng vẻ vang; còn trận chiến của con cái Ít-ra-en với Phi-li-tinh kéo dài cả ngày nhưng lại thất bại thảm hại. Anh chàng mắc bệnh phong đã có điều gì đó trong tâm hồn thôi thúc anh đến gặp Đức Giêsu và nài xin. Anh ta đã có lòng tin!

Thánh Tông đồ Gioan nói rằng: ‘Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.’ (1Ga 5, 4). Lòng tin của chúng ta luôn luôn chiến thắng, giống như chàng thanh niên trong Tin Mừng. Những kẻ thất bại trong bài đọc một cũng cầu nguyện với Chúa, cũng chạy tới Si-lô để lấy Hòm Bia Giao Ước; nhưng họ không có lòng tin. Đức Giêsu đã nói rằng nếu chúng ta có lòng tin lớn bằng hạt cải và nài xin Thiên Chúa bằng lòng tin ấy, chúng ta có thể dời non lấp biển. Chính lòng tin tưởng cho chúng ta khả năng này. Đức Giêsu cũng đã nói: bất kỳ điều gì anh em xin Chúa Cha nhân danh Thầy, anh em sẽ được nhận lời. Cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Nhưng hãy xin và gõ với lòng tin tưởng. Lòng tin tưởng chính là chiến thắng của chúng ta.

Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa để lời cầu nguyện của chúng ta luôn được bén rễ sâu trong niềm tin tưởng. Đức tin là một quà tặng. Chúng ta không thể học được đức tin từ sách vở nhưng là món quà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Chúng ta hãy nài xin: ‘Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con.’ Chúng ta xin Chúa để biết cầu nguyện với lòng tin tưởng, để biết xác tín rằng mọi sự chúng ta xin thì Chúa sẽ ban cho. Lòng tin tưởng chính là chiến thắng của chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN (13-1-2016)

VATICAN. “Lời cầu nguyện chân thành khiến phép lạ xảy ra và giúp con tim chúng ta không bị chai cứng. Lời cầu nguyện sẽ biến đổi Giáo hội. Không phải chúng tôi, các Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, linh mục làm cho Giáo hội tiến về phía trước mà là chính các thánh.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 12.01 tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng dựa trên bài đọc một trích sách Samuel, kể về bà Anna – một người phụ nữ đau khổ, đã nức nở cầu nguyện để nài xin Thiên Chúa ban cho bà một đứa con – và vị tư tế Ê-li, ngồi trên ghế ở cửa đền thờ và quan sát bà Anna từ xa. Vì bà Anna thầm thĩ trong lòng, chỉ có môi mấp máy, chẳng ai nghe thấy tiếng bà, nên ông Ê-li nghĩ rằng bà say rượu.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Bà Anna đã đầu nguyện thầm thĩ trong lòng và chỉ mấp máy môi, chẳng ai có thể nghe tiếng bà. Bà là một phụ nữ can đảm có lòng tin tưởng nhưng tâm hồn đang tràn ngập cay đắng. Bằng những giọt nước mắt chân thành, bà đàng nài xin ân sủng và sự xót thương của Thiên Chúa. Có rất nhiều phụ nữ can đảm và tốt lành như thế trong Giáo hội. Họ đã đặt trọn sự tín thác của mình trong những lời cầu nguyện chân thành. Ngay lập tức, chúng ta sẽ nhớ đến thánh Monica. Bằng nước mắt và lời cầu nguyện, thánh nữ đã kéo ân sủng của Thiên Chúa xuống trên người con trai, để rồi người con ấy đã thực sự hoán cải và trở nên thánh. Đó chính là thánh Augustinô. Có nhiều phụ nữ như thế đang hiện diện trong Giáo hội.

Bà Anna thầm thĩ cầu nguyện trong đau khổ và nước mắt. Nhưng vị tư tế Ê-li lại nghĩ rằng bà đang say xỉn và khuyên bà đi dã rượu. Suy đoán của ông Ê-li là điều mà ta phải cẩn trọng, vì khi con tim không có lòng xót thương, ta rất dễ nghĩ những điều tiêu cực. Ta sẽ không hiểu cũng như không đồng cảm được với những người đang cầu nguyện trong đau khổ và nước mắt. Họ đang phó thác nỗi đau và sự cùng cực của họ nơi Thiên Chúa.

Đức Giêsu biết và hiểu rất rõ những lời cầu nguyện trong hoàn cảnh thống khổ như thế này. Bởi gì trong Vườn Dầu, chính Ngài đã lo buồn đến đổ mồ hôi máu: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này cho Con, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha.’ Lời cầu nguyện của Đức Giêsu và bà Anna đều có chung một tâm tình: hiền lành và khiêm tốn. Đôi khi cầu nguyện, chúng ta nài xin Chúa điều này điều kia, nhưng rất thường là chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào và phải xin điều gì cho đúng.”

Đức Thánh Cha cũng kể lại câu chuyện một người đàn ông ở Buenos Aires có đứa con gái 9 tuổi trong bệnh viện, đang trong tình trạng nguy kịch sắp chết. Ông đã thức trắng cả đêm để đi đến đền thờ Đức Trinh Nữ Maria ở Lujàn mà cầu nguyện. Ông đã bám vào cánh cổng, tựa đầu vào những khung sắt của đền thờ và tha thiết nài xin ơn chữa lành cho đứa con gái bé bỏng. Sáng hôm sau, khi quay lại bệnh viện, con gái của ông đã được chữa lành.

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Những lời cầu nguyện chân thành sẽ khiến phép lạ xảy ra. Phép lạ sẽ xảy ra cho những Kitô hữu, cho những giáo dân có lòng tin tưởng, cho các Giám mục, linh mục và cho cả những ai dường như đã mất đi lòng thương xót. Những lời cầu nguyện chân thành sẽ giúp biến đổi Giáo hội. Không phải các vị Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, linh mục hay các nữ tu làm cho Giáo hội triển nở và không ngừng tiến lên phía trước nhưng chính là các thánh. Các thánh là những người đã tin tưởng vào Thiên Chúa, tin Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng và có thể làm được mọi sự.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Tình yêu đích thực là gì và đến từ đâu?

tgh-img6VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng nay, 08.01, tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng: “Không phải tất cả mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa chính là tình yêu đích thực. Thiên Chúa hằng yêu thương và tình yêu của Ngài luôn đi bước trước cho dù chúng ta có yếu đuối, tội lỗi.

Trong bài đọc một, thánh Gioan đã đan dệt nên một suy niệm dài dựa trên hai giới răn chính yếu của đời sống đức tin: mến Chúa và yêu người. Tình yêu tự bản chất là tốt lành. Yêu thương là một nghĩa cử đẹp. Tình yêu chân thành sẽ khiến người ta trở nên mạnh mẽ và triển nở trong chính cuộc sống của mình.

‘Tình yêu’ là một cụm từ được sử dụng rất nhiều. Nhưng liệu chúng ta có biết chính xác ý nghĩa của cụm tự đó khi sử dụng hay không? Tình yêu là gì? Đôi khi chúng ta nghĩ yêu là điều gì đó đầy kịch tính, ủy mị, sướt mướt. Không! Không hẳn tình yêu là như thế. Hoặc chúng ta nghĩ yêu ai là dành hết mọi tình cảm cho người đó. Nhưng vấn đề là sau đó, tình cảm này có thể phai nhạt đi. Như thế cũng không gọi là yêu. Vậy tình yêu đích thực là gì và đến từ đâu? Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, vì Thiên Chúa là tình yêu. Thánh Gioan không nói: Tình yêu là Thiên Chúa. Nhưng ngài nói: Thiên Chúa là tình yêu.

Thánh Gioan nhấn mạnh đến một đặc tính của tình yêu Thiên Chúa: tình yêu đi bước trước. Bài tin mừng hôm nay tường thuật việc hóa bánh ra nhiều sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được đặc tính của tình yêu Thiên Chúa cách rõ ràng hơn. Khi Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương. Đám đông có đáng để Đức Giêsu phải chạnh lòng không? Chính tình yêu chân thành dành cho dân chúng đã dẫn Đức Giêsu đến chỗ đồng cảm với họ, chạnh lòng với họ và dám dấn thân đi vào cuộc sống của họ.

Khi phạm tội, chúng ta muốn nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng thật ra chính Thiên Chúa đang đợi chờ để tha thứ cho chúng ta. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, có một điều chúng ta cần khắc cốt ghi tâm: Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Nhưng Ngài chờ đợi để làm gì? Để ôm chúng ta vào lòng và nói: ‘Con à, Cha yêu con! Cha đã trao tặng con chính Người Con Một. Đó là cái giá của tình yêu. Và đó cũng chính là món quà yêu thương.’

Thiên Chúa đang chờ đợi tôi. Thiên Chúa muốn tôi mở cách cửa tâm hồn mình ra. Và nếu tôi có ngượng ngùng, xấu hổ vì cảm thấy không xứng đáng trước tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, thì tôi hãy nhớ rằng Ngài đang chờ đợi.

Chúng ta hãy đến với Chúa và thân thưa rằng: ‘Chúa ơi, Chúa biết rằng con yêu Chúa.’ Hoặc nếu chúng ta không thân thưa được như thế, thì có thể nói: ‘Chúa ơi, Chúa biết rằng con muốn yêu Chúa, nhưng con thật yếu đuối và tội lỗi.’ Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ôm chầm lấy chúng ta giống như người cha nhân hậu ôm lấy đứa con hoang đàng sau khi nó chơi bời hết tiền của và không để cho nó kịp nói hết câu thú tội của mình. Thiên Chúa ôm chúng ta bằng cái ôm của tình yêu tha thứ.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Các việc bác ái là trọng tâm của đời sống đức tin

VATICAN. “Các việc bác ái là trọng tâm của đức tin mà chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa.” Đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng thánh lễ sáng nay, thứ năm ngày 07.01, tại nguyện đường thánh Marta. Thánh lễ hôm nay cũng là thánh lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha tại nguyện đường này sau dịp Giáng Sinh.

Từ những suy tư dựa trên bài đọc một trích thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng cần phải cảnh giác trước thế gian và những thần khí có thể tách lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể làm người vì chúng ta.

“Hãy ở lại trong Thiên Chúa. Ở lại trong Thiên Chúa chính là hơi thở của đời sống Kitô hữu. Kitô hữu là người ở lại trong Thiên Chúa, là người có Chúa Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn. Đồng thời, thánh tông đồ Gioan cũng cảnh giác chúng ta ‘đừng cứ thần khí nào cũng tin’. Nhưng phải cân nhắc xem thần khí nào mới xuất phát từ Thiên Chúa. Như vậy, thánh Gioan đã dạy cho chúng ta một nguyên tắc trong cuộc sống thường ngày.

Nhưng ‘xem xét hay cân nhắc các thần khí’ có nghĩa là gì? Các thần khí không phải là những ‘bóng ma’. Cân nhắc các thần khí có nghĩa là chúng ta phải ‘xem xét’ điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta. Đâu là nguyên nhân và gốc rễ của những suy nghĩ và cảm xúc trong chúng ta tại thời điểm này? Chúng đến từ đâu? Cân nhắc các thần khí chính là xem xét thần khí nào xuất phát từ Thiên Chúa và thần khí nào đến từ tên phản-kitô.

Phân định những gì đang xảy ra trong tâm hồn

Thế gian chính là loại thần khí muốn chúng ta xa lìa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta ở lại trong Thiên Chúa. Vậy đâu là tiêu chuẩn giúp ta phân định những gì đang xảy ra trong tâm hồn? Thánh Tông Đồ Gioan đã đưa ra một tiêu chuẩn duy nhất: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa. Như vậy, mầu nhiệm Nhập Thể chính là tiêu chuẩn. Tôi có thể nghe thấy rất nhiều thứ bên trong tâm hồn, có cả những điều tốt lành, những ý tưởng đẹp. Nhưng nếu những ý tưởng tốt lành, những cảm xúc tươi đẹp không giúp tôi đến gần Chúa – Đấng đã trở nên người phàm – không mang tôi đến bên cạnh người anh em, thì những ý tưởng và cảm xúc ấy không đến từ Thiên Chúa. Chính vì vậy, thánh Gioan đã mở đầu đoạn thư bằng việc tuyên bố rằng: ‘Đây chính là điều răn của Thiên Chúa: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau.’”

Các việc bác ái là tâm điểm của đức tin

“Chúng ta có thể thực hiện vô số những công việc tông đồ mục vụ và nghĩ ra những phương pháp mới để đến gần với dân chúng. Nhưng nếu chúng ta không thực thi đường lối của Thiên Chúa, Đấng đã đến và trở nên người phàm để cùng đồng hành với chúng ta; chúng ta không bước đi trên con đường của thần lành, nhưng là con đường của tên phản-kitô, của thế gian và của tinh thần thế tục.

Trong cuộc sống, chúng ta đã gặp nhiều người dường như rất thiêng liêng. Nhưng những con người thiêng liêng, thánh thiện này chẳng hề đá động gì đến việc bác ái. Nhưng tại sao lại là việc bác ái? Tại vì những công việc bác ái chính là sự cụ thể hóa việc chúng ta tuyên xưng con Thiên Chúa đã nhập thể làm người: thăm viếng người bệnh, cho kẻ đói ăn, chăm sóc những người bị bỏ rơi…. Nhưng tại sao phải là những công việc bác ái? Bởi vì mỗi người anh chị em mà chúng ta phải yêu thương chính là thân thể của Đức Kitô. Thiên Chúa đã trở nên người phàm để hòa đồng với chúng ta. Người đau khổ chính là Chúa Kitô chịu đau khổ.”

Thần khí đến từ Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta phục vụ tha nhân

“Đừng cứ thần khí nào cũng tin. Hãy cẩn thận! Hãy cân nhắc xem thần khí nào mới xuất phát từ Thiên Chúa. Giúp đỡ những anh chị em đang khó khăn thiếu thốn, đang cần một lời khuyên, đang cần một sự động viên an ủi hay đang cần chúng ta lắng nghe là những dấu chỉ cho thấy rằng chúng ta đang bước đi trên con đường của thần lành, và đó cũng chính là con đường của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người.

Ngày hôm nay chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nhận biết cách chính xác điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta thực sự muốn gì? Chúng ta muốn thần khí Thiên Chúa thôi thúc chúng ta vươn tay ra phục vụ tha nhân hay muốn tinh thần thế gian chỉ nghĩ đến bản thân mình, khóa chặt mình với những toan tính ích kỷ và bao nhiêu điều khác? Chúng ta xin ơn để biết điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

January 14, 2016