Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta biết rằng những lời được nói ra và những việc làm lúc người ta sắp xa nhau là những gì quan trọng và thiêng liêng nhất.
Cái gì “cuối cùng” thì càng mang một ý nghĩa thật lớn lao : cuộc gặp gỡ cuối cùng, bức thư cuối cùng, lời nói cuối cùng. Tiệc ly là bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn và về cùng Chúa Cha. Và chính trong giờ phút linh thiêng này, Người đã trao ban cho nhân loại ba món quà quý giá nhất :
- Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng nhân loại.
- Thiên chức Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục chăm sóc nhân loại.
- Giới răn yêu thương để con người được hạnh phúc.
Này là Mình Thầy … Này là chén Máu Thầy … Chúa Giêsu trao ban Mình Máu Người, có nghĩa là Người trao ban chính mạng sống của bản thân Người một cách cụ thể nhất. Người hoàn toàn thuộc về chúng ta, Người phục vụ chúng ta. Người đặt sự sống của chúng ta lên trên bản thân Người.
Đã trao ban đến cả sự sống của mình thì cũng đồng nghĩa với việc không còn giữ lại gì cho mình nữa. Đó là sự hiến dâng trọn vẹn và quyết liệt của Thiên Chúa Tình Yêu. Và việc trao ban này Chúa không chỉ muốn dừng lại nơi các môn đệ của Người mà còn được kéo dài mãi cho đến tận thế. Vì vậy Chúa Giêsu đã thiết lập Thiên Chức Linh mục, khi Người nói : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Qua các Linh mục Chúa Giêsu muốn ở lại với chúng ta luôn mãi, để trao ban cho chúng ta sự sống, để chúng ta sống bằng chính sự sống của Người và sống thật dồi dào.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người. Dù vậy sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta còn non nớt như một mầm cây cần được chăm sóc dưỡng nuôi. Và nếu không được tiếp tục bảo vệ, che chở để tránh sự đe dọa của sự dữ, của lời mời gọi cám dỗ giữa chợ đời thì nó có nguy cơ bị chết ngạt lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu cần dùng Mình Máu Người để tiếp sức và hồi sinh chúng ta. Người gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng sự sống thần linh trong chúng ta. Và Người luôn ước mong sự sống đó tăng trưởng, lớn mạnh và sinh những hoa trái tốt tươi cho đời. Cho nên Thánh Thể Chúa còn có một tên gọi nôm na nhưng rất ý nghĩa là : “của ăn đàng”.
Xưa kia khi người ta phải vượt qua một quãng đường dài, nhất là qua những miền hoang vu khô cằn không có người ở thì chỉ có thể trông chờ vào lượng nước và lương khô mà họ mang theo làm “của ăn đường”. Ngoài ra không thể tìm được của ăn nào khác. Sống chết tùy thuộc vào lương thực mang theo mà thôi.
Cũng vậy, trên đường về quê hương vĩnh cửu, một con đường xa diệu vợi và đầy gian nan, Chúa Giêsu cùng trao cho ta một thứ “của ăn đường” là chính Mình Máu Người. Ai biết tiếp nhận thì sẽ đủ sức vượt qua mọi trở ngại khó khăn đủ sức đi cho trọn con đường, cho tới nơi phải đến.
Nói tắt một lời, vì yêu thương nhân loại, và muốn mỗi người chúng ta được sống và sống dồi dào để đi cho trọn con đường trần thế mà Chúa Giêsu đã trao ban chính Mình và Máu thánh Người cho chúng ta.
Chúa Giêsu làm tất cả những điều đó cũng chỉ vì yêu và yêu cho đến cùng mà thôi. Và sự yêu thương này, ngày hôm nay Chúa muốn diễn tả thật rõ ràng qua cử chỉ thật ấn tượng là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ khi họ đang tham dự Tiệc Ly. Các ông đã sững sờ trước hành động quá bất ngờ của Thầy Giêsu. Đến nỗi tông đồ Phêrô phải thốt lên rằng : “Không đời nào Thầy phải rửa chân cho con”. Vì sao ông lại phản ứng một cách quyết liệt như vậy?. Bởi vì đối với người Do Thái đây là công việc của một người nô lệ. Vậy mà Thầy Giêsu đã làm điều đó sao? Chúa Giêsu cũng hiểu được nỗi băn khoăn thắc mắc của họ. Cho nên khi rửa chân cho họ xong. Người mới giải thích : “Anh em gọi Ta là Thầy và là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Ta là Thầy, là Chúa. Vì nếu Ta là Thầy là Chúa phải rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng là như Thầy đã làm cho anh em.
Qua hành động của Chúa Giêsu chúng ta rút ra được điều gì ? Bài học thật quá rõ ràng và cụ thể : “Yêu thương và khiêm tốn phục vụ”. Chúng ta làm được điều đó không ? Quả thật giữa một xã hội chủ trương hưởng thụ như ngày nay, yêu thương và phục vụ không phải là chuyện dễ dàng.
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vụ một nữ sinh ở trường THPT Trần Nhân Tông – Hà Nội bị bạn học đánh đập và lột áo giữa thanh thiên bạch nhật mà không một ai đoái hoài. Tất cả những ai còn có chút lương tâm đều tự nghĩ: Sự vô cảm của người Việt đã đến mức báo động. Ai cũng chỉ còn nghĩ đến bản thân mình mà thôi, còn người khác sống chết mặc họ.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những tấm lòng rộng như biển, cao như núi. Trong vụ án xét xử người tài xế cố tình cán chết chị Nguyễn Thị Hội 20 tuổi những ngày qua, có một việc, làm cho tất cả mọi người phải ngõ ngàng đó là khi tòa án hỏi ý kiến người bà của chị Hội – 80 tuổi bà nghĩ sao?. Bà trả lời : “Thôi đằng nào cháu tôi cũng chết rồi, xin tòa giảm nhẹ án cho anh ta”. Cả khán phòng im lặng hướng về cụ bà trong ngỡ ngàng và thán phục. Họ không ngờ rằng giữa nỗi đau mất mát đến tột cùng do sự tàn ác của người khác gây nên vậy mà bà cụ 80 tuổi vẫn nói lên được lời tha thứ đến lạ lùng.
Vâng,
Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh đẩy lùi bóng tối của sự dữ.
Chỉ có tình yêu mới làm tan cõi lòng băng giá của con người.
Chỉ có tình yêu mới làn cho mọi sự trở nên tốt đẹp trong cuộc đời này.
Và đó là điều mà Thầy Giêsu muốn nhắn gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Xin mượn những dòng thơ sau để khép lại bài chia sẻ hôm nay như một gợi mở cho những ngày sống sắp tới :
Tôi xin mọi điều để tận hưởng cuộc sống
Người lại ban cuộc sống để tôi tận hưởng mọi điều
Vậy:
Nếu đã từng tổn thương
Hãy can đảm hàn gắn
Nếu đã từng gục ngã
Hãy can đảm đứng lên
Nếu đã từng phải khóc
Hãy trải hết lòng mình
Nếu đã từng được cười
Hãy trân trọng niềm vui
Nếu đã từng yêu thương
Hãy từ bỏ hận thù
Nếu đã từng ân oán
Hãy rộng lòng tha thứ
Nếu đã từng được nhận
Hãy tìm cách sẻ chia
Nếu đã từng được sống
Hãy trân trọng cuộc đời.
Lm. Phanxicô Savie Nguyễn Xuân Huy