Anh chị em thân mến,
Tháng 5 tháng kính Đức Mẹ. Khắp nơi trong tháng này, người tín hữu nô nức trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ bằng những bông hoa xinh tươi và dâng lên Mẹ những lời kinh, những tiếng hát thật dịu dàng và tha thiết.
Ngày 13.5.2017 cũng là ngày mừng kỷ niệm đúng 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong dịp lễ mừng này, chúng ta hãy khiêm tốn dâng lên Mẹ những lời kinh và hy sinh để đền tạ những tội lỗi nhân loại đã xúc phạm đến Chúa và Đức Mẹ, xin Mẹ thương cầu thay nguyện giúp và khẩn nài cho nhân loại ơn tha thứ tội lỗi và ơn hoán cải, cho mọi dân tộc mau quay về để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Dịp kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima ngày 13.5.2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói những lời như sau: “Hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Với lời kêu gọi mãnh liệt mọi người hãy ăn năn đền tội, chắc chắn cuộc hiện ra tại Fatima mang tính tiên tri nhất trong những lần Đức Mẹ hiện ra trong thời gian gần đây. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, là Mẹ của Giáo Hội và là Đấng đã cảm nghiệm được thế nào là đau khổ và hy vọng của nhân loại, phù hộ các gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
Chúng ta đặc biệt phó dâng cho Đức Maria các dân tộc và các quốc gia có những nhu cầu đặc biệt, và chúng ta xác tín rằng Mẹ sẽ không hề bỏ qua mà không nhậm lời cầu xin chúng ta dâng lên Người với tâm tình con thảo” (Bài nói chuyện tại tiền đường Thánh đường Đức Bà Aparecida, Batây ngày 13.5.2007).
* Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 2, 41-52): “Mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng”.
- Ý CHIA SẺ
Nhiều bức hình Đức Mẹ hiện nay minh họa Trái Tim Vô Nhiễm với những vòng gai bao quanh, trên có hình thập giá hoặc những ngọn lửa, và bị một lưỡi gươm đâm thâu. Các minh họa này thường có liên hệ đến những cuộc linh khải, khi Đức Maria tỏ ra hoặc kêu gọi hãy tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Nhờ đó, hiện nay lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, lòng yêu mến này không phải là một trào lưu mới đây, bởi vì Trái Tim Mẹ đã được nói đến trong Thánh Kinh.
Phúc Âm thánh Luca kể lại thái độ của Đức Maria trước sự kiện các mục đồng được nhìn thấy ca đoàn thiên thần: “Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong tâm hồn” (2:19). Sau đó, thánh sử còn nhắc đến những lời cụ Simêon nói tiên tri với Đức Maria: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (2:35) – theo ngôn ngữ Do Thái thời xưa, tâm hồn đồng nghĩa với trái tim. Một lần khác, khi ghi lại biến cố trẻ Giêsu bị lạc mất ba ngày trong Đền Thờ, và sau đó, cùng với cha mẹ trở về làng Nazareth, thánh Luca đã viết: “Mẹ Người ghi nhớ tất cả những sự kiện ấy trong tâm hồn” (2:51). Thường các bậc cha mẹ không biểu lộ ra bên ngoài niềm vui khi được sống bên con cái, và Đức Maria cũng không ngoại lệ, như Phúc Âm đã cho thấy.
Các bậc cha mẹ đôi khi cũng không bộc lộ những nỗi đau họ phải chịu vì con cái. Và một lần nữa, Đức Maria cũng không ngoại lệ, vì Mẹ đã âm thầm đứng lặng dưới chân thập giá.
Từ thời Trung Cổ đã có một số thánh nhân và nhà thần bí có lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria – chẳng hạn thánh Anselmô, thánh Bênađô, thánh nữ Giêtruđê và thánh nữ Brigitta nước Thụy Điển. Là người nổi tiếng về lòng sùng kính đặc biệt này, thánh Bênađinô Siena đã mô tả Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria bừng cháy bảy ngọn lửa, tượng trưng bảy hành vi yêu mến, biểu lộ qua bảy “lưỡi gươm” đã được ghi lại trong Thánh Kinh.
Vào thế kỷ XVII, các tác phẩm của thánh Gioan Eudes đã cổ võ rộng rãi lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, khi ngài liên kết lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria với lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh nhân là người đầu tiên cử hành lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria vào năm 1648. Đến năm 1855, bài kinh Thần Vụ và bài lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã được phê chuẩn cho các địa phương mừng kính.
Năm 1917, trong các bí mật được tiết lộ tại Fatima có hai bí mật liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Bí mật thứ nhất: “Mẹ hứa ơn cứu độ cho những ai có lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Những linh hồn ấy sẽ được Thiên Chúa yêu thương như những bông hoa được Mẹ trưng bày để tô điểm ngai tòa Người. Những linh hồn ấy sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ là nơi nương náu cho họ, là đường đưa họ đến với Thiên Chúa”. Bí mật thứ hai: “Các con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi các tội nhân đáng thương bị trầm đọa. Để cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trên trần gian này. Nếu những điều Mẹ nói với các con được người ta thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu thoát và thế giới sẽ có hòa bình”.
Những cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, đặc biệt là yêu cầu hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Mẹ, đã góp phần rất nhiều vào việc truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Nhận thấy lòng sùng kính Trái Tim Mẹ Maria được lan truyền nhanh chóng, năm 1942, Đức Pius XII đã hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Đến năm 1944, ngài thiết lập lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, và năm 1945, mở rộng lễ ấy ra khắp Giáo Hội.
Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria biểu lộ sự hiến dâng chân thành và tận tuyệt để bước theo con đường của Con Mẹ thế nào, thì lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria cũng bao hàm một tinh thần hoàn toàn suy phục trước sự chăm sóc đầy tình từ mẫu của Mẹ Maria như vậy. Theo lời Mẹ Maria đã hứa, những ai can đảm phó mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ được hưởng một sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, Đấng hiện diện đặc biệt trong Trái Tim của Mẹ Người (100 Danh Hiệu Của Đức Maria, tr. 79-82).
- Ý CẦU NGUYỆN CHUNG
a/ Ý chung: Cầu cho các Kitô hữu Phi Châu, những chứng nhân của hòa bình: Xin cho các Kitô hữu Phi Châu trở nên những người kiến tạo sự hòa giải, công lý và hòa bình, theo gương Đức Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót.
b/ Cầu cho: Anh chị em các Miền: Hiệp Thạnh, Hòa An trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Fatima (13/5); Miền Bình An trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Phù Hộ (24/5) và các Miền: An Bình, An Thạnh, Bà Rịa, Đồng Xoài, Hạnh Thông Tây, Hóc Môn, Mỹ Tho, Phan Rang, Giáo xứ Biệt lập Tùng Nghĩa trong dịp mừng bổn mạng lễ Đức Mẹ Thăm Viếng (31/5).
c/ Một kinh Vực Sâu hợp ý cầu cho 45 linh hồn mới qua đời.
III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG
Luôn nghĩ tốt cho mọi người, luôn nói hay cho mọi người và luôn hành động hay cho mọi người.