Anh chị em thân mến,
Bước sang tháng 7, chúng ta dành trọn tháng này để cầu cho Đức Thánh Cha và Giáo Hội. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về Giáo Hội như sau: “Giáo Hội là duy nhất như cộng đoàn trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đang quy tụ “cùng một lòng một ý” (Cv 4:32). Giáo Hội là thánh thiện, không phải do công lao của mình, nhưng bởi vì được sinh động hóa nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội vẫn gắn chặt đôi mắt vào Đức Kitô, để sống theo Người và tình yêu của Người. Giáo Hội là công giáo, bởi vì Tin Mừng được dành cho tất cả mọi dân tộc, và chính vì thế mà ngay từ đầu, Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội nói được nhiều thứ tiếng. Giáo Hội là tông truyền, bởi vì được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ, Giáo Hội vẫn trung thành gìn giữ giáo huấn của các Tông Đồ, qua việc kế vị liên tục của các giám mục. Hơn nữa, tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo, và kể từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thần Khí không ngừng thúc đẩy Giáo Hội rong ruổi trên những con đường trần gian, cho đến tận cùng bờ cõi trái đất và tận cùng thời gian” (Huấn từ Chúa nhật 27.5.2007).
Trong tháng 7 của năm kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima này, chúng ta tích cực cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo Hội, đồng thời thực thi lời Đức Mẹ dạy: Cải thiện đời sống nên tốt hơn, siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày, tôn sùng Trái Tim Mẹ qua việc sống đời tận hiến: tin tưởng, cậy trông, yêu mến, phó thác nơi Mẹ Maria trong hết mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
*Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1:26-38): “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ; trinh nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ”.
- Ý CHIA SẺ
- Lịch sử kinh Mân Côi
Kinh Mân Côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium, tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose là hoa hồng tượng trưng kinh Kính Mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ như cổ thời Hy Lạp, và một số nước hiện nay, người ta làm vòng hoa tươi quàng vào cổ trao tặng nhau.
Thế kỷ XII, 150 Thánh Vịnh Đavit dài quá đối với nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế. Dần dần người ta đọc 150 kinh Kính Mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Do đó thánh Đaminh gọi là “Thánh Vịnh Đức Mẹ”.
Bắt đầu kinh Kính Mừng chỉ gồm có lời chào của thiên sứ Gabrie: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1:28), rồi được thêm lời chào của bà thánh Elisabeth: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Con lòng Bà gồm phúc lạ” (Lc 1:42).Cũng trong thế kỷ XII, Đức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân Côi cho thánh Đaminh để cải hóa bè rối Albigensê đang tung hoành ở phía nam nước Pháp. Sang thế kỷ XIII, đời Đức Urbanô IV, thánh danh “Giêsu” được thêm vào.
Thời đó người ta đọc 150 kinh Kính Mừng cùng với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính Mừng một kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ XIV, thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính Mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha. Thế kỷ XV, cha Đaminh Prussia (1384-1460) cũng dòng Carthusian chia 150 kinh Kính Mừng thành 3 chuỗi 50. Cũng trong thế kỷ này, chân phúc Alanô de la Roche thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân Côi gọi là “Vòng hoa hồng”. Chân phúc Alanô thành lập Hội Mân Côi năm 1480 và được Đức Mẹ hứa ban 15 ơn cho những ai trung thành đọc kinh Mân Côi. Năm 1521, cha Albertô da Castello, OP, sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm. Năm 1569, Đức Thánh Cha Piô V với bửu sắc “Consueverent Romani Pontifices” thêm phần thứ hai kinh Kính Mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời…” với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta đọc ngày nay.
- Vẻ tuyệt diệu của kinh Mân Côi
Vẻ tuyệt diệu kinh Mân Côi gồm hai phần như linh hồn và xác kinh Mân Côi.
a- Suy ngắm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế và cuộc đời Đức Mẹ: Trước kia người ta đọc Thánh Vịnh Đức Mẹ là 150 kinh Kính Mừng và suy ngắm 150 mầu nhiệm. Nhưng rồi 150 mầu nhiệm được rút lại 15 mầu nhiệm cho 15 chục kinh. 15 mầu nhiệm như là bản tóm Phúc Âm nhắc nhớ Đức Mẹ đồng công với Chúa Kitô trong việc cứu chuộc loài người từ biến cố mầu nhiệm nhập thể tới mầu nhiệm cứu chuộc. Do đó kinh Mân Côi bắt nguồn từ Phúc Âm và dẫn ta tới Phúc Âm. Phần suy niệm 20 mầu nhiệm chia làm 4 phần vui, sáng, thương, mừng là linh hồn kinh Mân Côi. (Ngày 16.10.2002, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Tông thư Rosarium Virginis Mariae đã thêm vào các mầu nhiệm kinh Mân Côi 5 sự sáng). Nếu đọc kinh Mân Côi mà không suy niệm mầu nhiệm, kinh Mân Côi sẽ chỉ có xác mà không có hồn. Đức Mẹ Fatima dạy rõ: “Đọc kinh Mân Côi và suy ngắm mầu nhiệm” (Với chị Lucia ngày 10.12.1925).
2- Phần kinh đọc gồm:
- Kinh Lạy Cha là kinh cầu nguyện chính Chúa Giêsu đã dạy.
- Kinh Kính Mừng là lời thiên sứ Gabrie và lời Thánh Elizabeth chào chúc Đức Mẹ (Lc 1:28, 41-42). KinhThánh Maria Đức Mẹ Chúa Trờido Đức Thánh Piô V thêm vào năm 1569.
- Kinh Sáng Danh cũng được ngài thêm vào.
Nói chung kinh Mân Côi tuyệt diệu vì bắt nguồn từ trời cao, chính Đức Mẹ đã phán dạy và các đức giáo hoàng, kể từ Đức Thánh Piô V đã không ngừng khuyến khích và dòng Thánh Đaminh đã nhiệt thành truyền bá sâu rộng (Những Ngày Của Mẹ tr. 410-413).
- Ý CẦU NGUYỆN CHUNG
a/ Ý chung: Cầu cho những người xa lìa đức tin Kitô giáo: Xin cho những người xa lìa đức tin Kitô giáo, biết tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa giàu lòng thương xót và vẻ đẹp của đời sống Kitô giáo, nhờ lời cầu nguyện và chứng tá Tin Mừng của chúng ta.
b/ Một kinh Vực Sâu, hợp ý cầu cho 44 linh hồn mới qua đời.
III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG
Dâng Mẹ Maria những kinh Mân Côi đọc trong ngày với ý cầu cho Đức Thánh Cha và Giáo Hội.