Anh chị em thân mến!
Trong tháng 4 này, Giáo Hội mừng trọng thể lễ Chúa Phục Sinh. Đây là lễ được mừng đặc biệt vì có lễ vọng trong đêm vọng Phục Sinh và ngày Chúa nhật Phục Sinh, cũng như trong suốt cả Mùa Phục Sinh và trong lễ nghi phụng vụ Kitô giáo. Tất cả mọi Chúa nhật hàng tuần đều được dành để mừng lễ Phục Sinh, lễ mừng đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo (x. Từ Điển Phụng Vụ).
Chúa nhật thứ hai sau lễ Chúa Phục Sinh, Giáo Hội mừng lễ Chúa Tình Thương (Chúa nhật về Lòng Thương Xót Chúa). Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hóa trước khi quay về với lòng thương xót Cha trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha” (Nhật ký Lòng Thương Xót Chúa, số 570). Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn cho các linh hồn tội lỗi để họ quay về với Chúa. Xin cho chúng ta luôn có niềm tin tưởng vững vàng vào tình yêu thương xót của Chúa trong tất cả mọi hoàn cảnh, cho dù có gặp sóng gió đau khổ cách nào. Các Đức Giám Mục Việt Nam cũng kêu mời chúng ta sống tinh thần lòng thương xót như sau: “Chúng tôi vui mừng trước những thành quả mà Năm Thánh Lòng Thương Xót mang lại cho rất nhiều người cũng như các cộng đoàn qua việc học hỏi giáo lý, cử hành phụng vụ, những cuộc hành hương, các việc đạo đức và những việc lành thực thi lòng thương xót. Lòng thương xót là chủ đề được nêu cao trong Năm Thánh 2016, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ sống lòng thương xót trong Năm Thánh mà thôi. Ước mong anh chị em tiếp tục sống tinh thần đó trong suốt cuộc đời, để xứng đáng là con cái của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót” (Thư chung 7.10.2016).
* Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 2: 41 – 52): “Mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng”.
- Ý CHIA SẺ
Ngày 13 tháng 6 năm 1917, khi hiện ra lần thứ hai ở Fatima với ba em là Luxia, Phanxicô và Giaxinta, Luxia đã xin Đức Mẹ rằng: – Xin bà đưa chúng con về trời. Đức Mẹ trả lời một cách âu yếm: – Được, Mẹ sẽ đem Giaxinta và Phanxicô về trời. Còn con cần ở lại thế gian lâu hơn. Chúa Giêsu muốn dùng con để người ta biết đến Mẹ. Chúa muốn thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên khắp thế giới. Mẹ hứa phần rỗi cho những ai yêu mến sự sùng kính Trái Tim này. Các linh hồn đó được Chúa yêu thương sẽ như những bông hoa chính Mẹ đặt tô điểm ngai tòa Thiên Chúa. Luxia nghe vậy, buồn rầu hỏi lại Đức Mẹ: – Con ở lại một mình sao? Đức Mẹ trả lời ngay: – Không đâu con ơi! Con buồn rầu lắm sao? Đừng thất vọng, Mẹ sẽ không bỏ rơi con. Trái Tim Mẹ sẽ là nơi con ẩn náu và là đường dẫn con tới Chúa (Hồi Ký Chị Luxia, tr. 200).
- Nguồn gốc việc tôn sùng Trái Tim Mẹ
Khi đề cập đến Trái Tim Mẹ, trước tiên chúng ta phải kể đến Thánh Kinh, rõ ràng nhất là Tân Ước. Thánh sử Luca đã hai lần nhắc đến Trái Tim Mẹ, tức là lòng Mẹ. Khi các mục đồng đến hang đá thờ lạy Chúa Hài Đồng, thánh Luca viết: “Tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2: 18-19). Sau khi Đức Mẹ lạc mất Con và đã tìm thấy, thánh Luca viết: “Mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng” (Lc 2:51).
Tiếp theo Thánh Kinh, Thánh Truyền đã đề cập đến Trái Tim Mẹ. Hầu hết các thánh giáo phụ đã dựa vào các lời Thánh Kinh trên đây để nói về Trái Tim Đức Mẹ. Thánh Augustinô đã quả quyết: “Đức Mẹ Maria thụ thai và cưu mang Con Chúa trong trái tim, trước khi thụ thai và cưu mang Ngài trong dạ” (PL 40:398). Thánh Bênađô đã than lên: “Ôi Mẹ Maria, tại đồi Calvariô, lưỡi gươm của lý hình đã đâm thấu Trái Tim Mẹ trước khi đâm thấu Trái Tim Con Mẹ. Khi Con Mẹ đã chết, lưỡi gươm của lý hình xuyên qua cạnh sườn Ngài không làm cho Ngài đau, nhưng Trái Tim Mẹ đã bị đau, và còn đau hơn nữa, vì cái đau của lòng thì nhức nhối hơn cái đau của xác”.
Sau thánh Bênađô, nhiều vị thánh khác cũng đã đề cập đến Trái Tim Mẹ như: Thánh Bonaventura, thánh Antôniô, thánh Bênađinô Siêna, v.v…
Việc tôn sùng và cổ võ tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ trước tiên trong Giáo Hội là do sáng kiến và công lao của thánh Gioan Êuđê và hội dòng của ngài. Theo tài liệu “Mệnh lệnh nhỏ của Trái Tim Đức Mẹ” (Petit Messager du Coeur de Marie), thì năm 1647, thánh Gioan Êuđê và 20 tu sĩ thuộc dòng ngài, sau kỳ đại phúc tại Autun nước Pháp, trong ba tháng rao giảng, cổ võ việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ, ngài đã được đức giám mục giáo phận ban phép dâng thánh lễ đầu tiên kính Trái Tim Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 2. Bài lễ do chính thánh nhân soạn. Ngài còn soạn nhiều kinh cầu cùng Trái Tim Đức Mẹ và soạn một bộ sách trình bày rất tỉ mỉ về lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ, nhan đề là Trái Tim Huyền Diệu Mẹ Rất Thánh Của Thiên Chúa (Le Coeur Admirable de la Très Sacrée Mère de Dieu). Năm 1680 thánh nhân hoàn tất bộ sách này gồm 12 quyển. Có thể nói, thánh Gioan Êuđê đã đưa việc sùng kính Trái Tim Đức Mẹ ra công cộng và được Giáo Hội thừa nhận.
- Những áp dụng thực hành
Trái tim tượng trưng cho tình yêu. Chúng ta muốn yêu mến tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ, tất nhiên chúng ta phải dâng trọn con tim, tức là dâng trọn tình yêu cho Đức Mẹ, để nhờ Mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa. Đức Mẹ phải chiếm ngự con tim chúng ta và gia đình chúng ta, để Mẹ cải hóa và dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Đức Mẹ không ích kỷ, chỉ chiếm cho mình mà thôi, nhưng Mẹ là đường dẫn chúng ta tới Thiên Chúa.
Muốn yêu mến và tôn sùng Trái Tim Mẹ, điều kiện cần thiết nữa là chúng ta hãy hết sức tránh xa mọi tội trọng và tội nhẹ cố tình. Vì tội làm cực lòng Chúa Giêsu và Đức Mẹ lắm lắm.
Hằng ngày, chúng ta tập năng tưởng nhớ đến Đức Mẹ. Khi chúng ta yêu ai tha thiết, thì lòng trí chúng ta luôn tưởng nhớ người ấy, xa họ, chúng ta cảm thấy như thiếu vắng một cái gì cần thiết, khó tả, rồi ngày nhớ, đêm mơ. Đối với Đức Mẹ cũng vậy, hãy tập luôn hướng lòng lên Mẹ, một cái nhìn, một tư tưởng hoặc một câu than thở vắn tắt cũng có thể giúp chúng ta nhớ đến người mẹ hiền Maria yêu quí.
Mỗi ngày nên làm việc gì nhỏ mọn lâu bền để dâng kính Đức Mẹ, thí dụ: Đọc ba kinh Kính Mừng sáng tối, hoặc đọc 50 kinh Mân Côi, tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ vào các thứ Bảy… Nhất là chúng ta cố gắng bắt chước các nhân đức của Mẹ, những nhân đức nào cần thiết và thích hợp cho mình hơn cả, đặc biệt là đức bác ái và đức khiêm nhường.
Cuối cùng, chúng ta cố gắng làm tông đồ Trái Tim Mẹ, cổ động và thúc giục nhiều người hiểu biết, yêu mến và tôn sùng Trái Tim Mẹ (Tình Mẹ Yêu Con tr. 359-368).
- Ý CẦU NGUYỆN
- Cầu cho giới trẻ: Xin cho những người trẻ biết quảng đại đáp lại ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, để có thể tận hiến cho Chúa trong đời sống linh mục hoặc đời sống thánh hiến.
- Một kinh Vực Sâu hợp ý cầu cho 46 linh hồn mới qua đời.
III. Ý THỰC HÀNH RIÊNG
– Loan báo Tin mừng Phục Sinh bằng thái độ phục vụ quảng đại vui tươi.
– Mỗi ngày đọc 33 lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” để cầu cho các tội nhân được ơn trở lại.