Như qúy độc giả đã biết, ngày 5 tháng Mười vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tiến Sĩ Justin Welby, Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo, đã cùng chủ tọa buổi kinh chiều và ký một tuyên bố chung khẳng định cam kết quyết tâm thực hiện tiến bộ đại kết.
Tại buổi kinh chiều này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi giám mục, cả Công Giao lẫn Anh Giáo, “thành dụng cụ của hiệp thông, mọi lúc và mọi nơi”.
Ngài nhấn mạnh: “chúng tôi nhìn nhận mình là anh em thuộc các truyền thống khác nhau, nhưng được thúc đẩy bởi cùng một Tin Mừng để đảm nhiệm cùng một sứ vụ trong thế giới”.
Về phần Tiến Sĩ Welby, trong các nhận định của mình, đã cảnh giác chống lại các tranh chấp giữa các giám mục, những cuộc tranh chấp được ngài ví như “cuộc giác đấu trong đó, người thua không được tỏ một chút thương xót nào”.
Trong buổi cầu nguyện này, hai vị đã ký một bản tuyên bố chung, quả quyết rằng: “Các người Công Giáo và Anh Giáo thừa nhận rằng chúng tôi là những người thừa kế kho tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và ơn gọi chia sẻ kho tàng này với toàn thế giới”.
Tuyên bố chung nhìn nhận các “trở ngại nghiêm trọng” đối với sự hợp nhất giữa người Công Giáo và người Anh Giáo, nổi bật nhất là quyết định của Anh Giáo phong chức cho phụ nữ làm linh mục và giám mục. Tuy nhiên, trích dẫn điển hình được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Tổng Giám Mục Michael Ramsey của Canterbury nêu cao khi khởi đầu cuộc đối thoại đại kết năm 1996, các ngài đoan hứa sẽ tiếp tục cuộc đối thoại “một cách trung thành với lời kinh của Chúa từng cầu xin cho các môn đệ Người được nên một”.
Buổi kinh chiều đại kết được tổ chức tại nhà thờ Thánh Grêgôriô Cả, vị thánh giáo hoàng đã phái Thánh Augustinô thành Canterbury qua Anh rao giảng Tin Mừng.
Và sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố Chung:
Năm mươi năm trước đây, các vị tiền nhiệm của chúng tôi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Michael Ramsey đã gặp nhau tại thành phố này, thành phố đã được thánh hóa bằng thừa tác vụ và máu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Đức Tổng Giám Mục Robert Runcie, và sau đó với Đức Tổng Giám Mục George Carey, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI với Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams, đã cầu nguyện với nhau ở đây trong Nhà Thờ Thánh Grêgôriô trên đồi Chêliô này, nơi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã gửi Thánh Augustinô đi giảng Tin Mừng cho người Anglo-Saxon. Trong cuộc hành hương viếng mộ các tông đồ và tổ tiên thánh thiện này, người Công Giáo và Anh giáo nhận ra rằng chúng tôi là những người thừa kế kho tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và ơn gọi chia sẻ kho tàng này cho cả thế giới. Chúng tôi đã nhận được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô qua đời sống thánh thiện của những người nam nữ biết rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và việc làm và chúng tôi đã được ủy nhiệm và được lên sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để làm chứng cho Chúa Kitô “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 8). Chúng tôi hợp nhất trong xác tín này: ngày nay, “tận cùng trái đất” không phải chỉ là một thuật ngữ địa lý, nhưng là một lời hiệu triệu mang sứ điệp cứu độ của Tin Mừng đặc biệt đến những người sống bên lề và những vùng ngoại vi của các xã hội chúng tôi.
Trong cuộc gặp lịch sử của các ngài vào năm 1966, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Ramsey đã thiết lập ra Ủy ban Quốc tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma để theo đuổi một cuộc đối thoại thần học nghiêm túc, một cuộc đối thoại “vì được xây dựng trên các Tin Mừng và trên các truyền thống chung cổ xưa, nên có thể dẫn đến sự hợp nhất trong sự thật, mà Chúa Kitô đã cầu nguyện cho”. Năm mươi năm sau, chúng tôi tạ ơn vì những thành tựu của Ủy ban Quốc tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma; Ủy Ban đã xem xét, về phương diện lịch sử, các học thuyết gây chia rẽ, theo viễn cảnh tươi mới biết tôn trọng và thương yêu lẫn nhau. Ngày nay, chúng tôi cảm tạ đặc biệt vì các văn kiện của ARCIC II, là các văn kiện sẽ được chúng tôi thẩm định, và chúng tôi chờ đợi kết các khám phá của ARCIC III khi nó khảo sát bối cảnh mới và các thách thức mới đối với sự hợp nhất của chúng tôi.
Năm mươi năm trước đây, các vị tiền nhiệm của chúng tôi đã nhìn nhận “các trở ngại nghiêm trọng” vốn án ngữ việc phục hồi đức tin và đời sống bí tích hoàn toàn giữa chúng tôi. Tuy nhiên, các ngài đã không hề nao núng lên đường, dù không biết phải tiến những bước tiến nào trên con đường này, nhưng luôn trung thành với lời cầu nguyện của Chúa xin cho các môn đệ được nên một. Nhiều tiến bộ đã đạt được liên quan đến nhiều lĩnh vực từng khiến chúng tôi xa cách nhau. Ấy thế nhưng, các hoàn cảnh mới đã đem tới các bất đồng mới giữa chúng tôi, đặc biệt là liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ và nhiều vấn đề gần đây hơn liên quan đến tính dục con người. Đằng sau các khác biệt này là vấn đề lâu năm về việc phải thể hiện quyền bính ra sao trong cộng đồng Kitô Giáo. Ngày nay, đó là một số quan ngại đang tạo trở ngại nghiêm trọng cho sự hợp nhất hoàn toàn của chúng tôi. Giống như các vị tiền nhiệm của chúng tôi, dù chính chúng tôi chưa tìm được giải pháp cho các trở ngại trước mắt chúng tôi, nhưng chúng tôi không nao núng. Trong sự tín thác và hân hoan của chúng tôi trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi tự tin rằng đối thoại và tương tác với nhau sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng tôi và giúp chúng tôi biện phân được tâm trí của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Chúng tôi tín thác vào ân sủng và sự quan phòng của Thiên Chúa, vì biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới và dẫn chúng tôi vào mọi sự thật (xem Ga 16: 13).
Những khác biệt trên mà chúng tôi vừa nêu ra không thể ngăn cản chúng tôi nhận ra nhau như anh chị em trong Chúa Kitô do phép rửa chung của chúng tôi. Chúng không bao giờ nên giữ chúng tôi lại, không cho chúng tôi khám phá và vui mừng trong đức tin Kitô giáo sâu sắc và sự thánh thiện mà chúng tôi tìm thấy trong các truyền thống của nhau. Những khác biệt này không được dẫn đến việc suy giảm các nỗ lực đại kết của chúng tôi. Lời cầu nguyện của Chúa Kitô tại Bữa tiệc cuối cùng xin cho tất cả có thể nên một (x Jn 17: 20-23) là một mệnh lệnh đối với các môn đệ của Người ngày hôm nay cũng như nó đã là một mệnh lệnh vào thời điểm Người sắp phải chịu khổ nạn, chịu chết và được phục sinh, và sau đó, hạ sinh ra Giáo Hội. Các khác biệt của chúng tôi cũng không nên án ngữ việc cầu nguyện chung của chúng tôi: không những chúng tôi có thể cầu nguyện với nhau, mà chúng tôi còn phải cầu nguyện với nhau, lên tiếng cho đức tin và niềm vui chung của chúng tôi vào Tin Mừng của Chúa Kitô, vào các Kinh Tin Kính xưa, và vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, một sức mạnh trở nên hiện diện trong Chúa Thánh Thần, để vượt qua mọi tội lỗi và phân chia. Và như thế, cùng với các vị tiền nhiệm của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi các giáo sĩ và tín hữu đừng sao lãng hay đánh giá thấp sự hiệp thông chắc chắn tuy chưa hoàn hảo mà chúng ta đã đang chia sẻ.
Rộng hơn và sâu sắc hơn các khác biệt của chúng tôi là niềm tin mà chúng tôi đang chia sẻ và niềm vui chung của chúng tôi trong Tin Mừng. Chúa Kitô đã cầu nguyện để các môn đệ của Người có thể tất cả là một “nhờ vậy, thế giới có thể tin” (Ga 17: 21). Niềm khao khát hợp nhất mà chúng tôi phát biểu trong Tuyên bố chung này có liên hệ mật thiết với ý nguyện chung của chúng tôi là mọi người nam nữ tiến đến chỗ tin rằng Thiên Chúa đã sai Con của Người, là Chúa Giêsu, vào thế giới để cứu thế giới khỏi sự ác đang đàn áp và làm giảm toàn bộ sáng thế. Chúa Giêsu đã hiến sự sống của Người trong tình yêu, và khi sống lại từ cõi chết, đã vượt thắng cả cái chết. Kitô hữu, những người đã đến với đức tin này, đã gặp gỡ Chúa Giêsu và sự chiến thắng của tình yêu Người trong đời sống họ, đều được thúc giục phải chia sẻ niềm vui của Tin Mừng này với người khác. Khả năng của chúng tôi đến với nhau để khen ngợi và cầu nguyện với Thiên Chúa và làm chứng cho thế giới dựa trên niềm tin rằng chúng tôi cùng chia sẻ một đức tin chung và một mức độ thỏa thuận đáng kể về đức tin.
Thế giới phải nhìn thấy chúng tôi làm chứng cho đức tin chung vào Chúa Giêsu này bằng cách hành động với nhau. Chúng tôi có thể, và phải, làm việc với nhau để bảo vệ và giữ gìn căn nhà chung của chúng tôi: sống, giảng dạy và hành động theo hướng có lợi cho việc kết thúc nhanh chóng sự hủy diệt môi trường, một việc xúc phạm Đấng Tạo Hóa và hạ giá các tạo vật của Người, và xây dựng các khuôn mẫu tác phong cá nhân và tập thể có thể cổ vũ việc phát triển bền vững và tòan diện vì lợi ích của mọi người. Chúng tôi có thể, và phải, hợp nhất trong một chính nghĩa chung để duy trì và bảo vệ phẩm giá của mọi người. Con người nhân bản bị hạ giá vì tội lỗi cá nhân và xã hội. Trong một nền văn hóa dửng dưng, các bức tường ghẻ lạnh cô lập chúng ta khỏi người khác, khỏi các đấu tranh và đau khổ của họ, những đấu tranh và đau khổ mà nhiều anh chị em chúng tôi trong Chúa Kitô ngày nay vẫn đang phải chịu. Trong một nền văn hóa vứt bỏ, cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội thường bị thiệt thòi và bị loại bỏ. Trong một nền văn hóa kỳ thị, chúng tôi thấy nhiều hành vi bạo lực không thể nào tả xiết, thường được biện minh bằng một sự hiểu biết méo mó về tín ngưỡng tôn giáo. Đức tin Kitô giáo của chúng tôi dẫn chúng tôi tới việc nhìn nhận các giá trị vô giá của mọi sự sống con người, và vinh danh nó trong các hành vi thương xót bằng cách đem lại giáo dục, chăm sóc y tế, thực phẩm, nước sạch và nơi trú ẩn và luôn luôn tìm cách giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình. Là các môn đệ của Chúa Kitô, chúng tôi coi các con người nhân bản là thánh thiêng, và như các tông đồ của Chúa Kitô, chúng tôi phải là những người bênh vực họ.
Năm mươi năm trước đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Ramsey đã lấy làm nguồn cảm hứng cho các ngài những lời của thánh tông đồ: “quên đi những điều ở phía sau, và vươn tới những điều ở phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu”(Pl 3: 13-14). Hôm nay, “những điều ở phía sau” – các thế kỷ đau đớn của chia rẽ – đang được chữa lành một phần nhờ năm mươi năm tình bạn. Chúng tôi cảm tạ vì năm mươi năm của Trung tâm Anh giáo ở Rôma dành riêng làm nơi gặp gỡ và tình bạn. Chúng tôi đã trở thành các đối tác và bạn đồng hành trên hành trình hành hương của chúng tôi, đối diện với cùng những khó khăn, và tăng cường lẫn nhau nhờ việc học được cách đánh giá các hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban cho người khác, và đón nhận chúng như là của riêng chúng tôi trong sự khiêm nhường và biết ơn.
Chúng tôi không kiên nhẫn đối với sự tiến bộ đáng lẽ đã có thể hoàn toàn hợp nhất trong việc công bố, bằng lời nói và hành động, tin mừng cứu vớt và chữa lành của Chúa Kitô cho mọi người. Vì lý do này, chúng tôi thấy mình được khích lệ lớn lao bởi cuộc gặp mặt trong những ngày này của rất nhiều giám mục Công Giáo và Anh giáo trong Ủy ban Quốc tế Anh giáo và Công Giáo Rôma về Thống nhất và Sứ vụ (IARCCUM), những vị, dựa vào tất cả những gì các ngài có chung, mà các thế hệ học giả ARCIC đã cẩn thận khám phá ra, sẵn sàng tiến lên phía trước trong sứ vụ hợp tác và làm chứng cho “đến tận cùng trái đất”. Hôm nay chúng tôi hân hoan ủy nhiệm các ngài và phái các ngài đi từng đôi như Chúa sai bảy mươi hai môn đệ ra đi. Hãy để sứ mệnh đại kết của các ngài nơi những người sống bên lề xã hội thành nhân chứng cho mọi người chúng ta, và từ nơi thánh này, hãy để sứ điệp được gửi đi, như Tin Mừng đã được gửi đi từ nhiều thế kỷ trước, rằng người Công Giáo và Anh giáo sẽ làm việc với nhau để nói lên đức tin chung của chúng tôi vào Chúa Giêsu Kitô, để mang sự cứu giúp đến những người đau khổ, để mang hòa bình đến những nơi có xung đột, để mang nhân phẩm đến những nơi nó bị bác bỏ và chà đạp.
Tại Nhà Thờ Thánh Grêgôriô Cả này, chúng tôi tha thiết khẩn cầu các phước lành của Ba Ngôi Chí Thánh xuống trên công trình liên tiếp của ARCIC và IARCCUM, và xuống trên tất cả những người cầu nguyện cho và đóng góp vào việc phục hồi sự hợp nhất giữa chúng tôi.
Rôma, ngày 5 tháng 10 năm 2016
Đức Tổng Giám Mục Justin Welby
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An/vietcatholic