GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Nói đến hôn nhân là nói đến gia đình. Khi Thiên Chúa muốn đến với con người, muốn kết hôn với con người, Thiên Chúa cũng đã sinh ra trong một gia đình. Gia đình chính là nền tảng của Giáo Hội. Vậy gia đình là gì?

Gia đình là một cái gì sâu xa hơn là tổng số những cá nhân cộng lại. Đó là một hệ thống khác biệt với những hệ thống xã hội khác. Đối với những tổ chức xã hội, khi cần thiết, chúng ta có thể xin gia nhập hoặc ra đi một cách dễ dàng, và một khi chúng ta ra đi, những người khác có thể đến thay thế chỗ chúng ta.

Nhưng trong hệ thống gia đình, chúng ta không thể gia nhập một cách dễ dàng ngoại trừ con đường được sinh ra, kết hôn, hay được nhận làm con nuôi. Vì thế, những phần tử trong gia đình không thể được người khác thay thế, bỡi lẽ các phần tử của gia đình được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương đặt biệt mà người nầy được liên kết với người khác một cách chặt chẽ và mật thiết với nhau. Vì thế, dẫu khi chúng ta phải xa cách gia đình như vì công việc hay vì hoàn cảnh nào đó, chúng ta vẫn có mối liên hệ đặc biệt sâu xa với gia đình.

Ngay khi có người trong gia đình ra đi vĩnh viễn như chết chẳng hạn, giữa người sống và người chết vẫn còn một cái gì đậm tình thắm thiết được nối kết qua những nén hương, những đóa hoa,… mà dẫu có người được thêm vào như một đứa bé khác được sinh ra chẳng hạn, cũng không thể nào có thể thay thế đứa trước đã chết đi. Thật vậy, gia đình là một cái gì thiêng liêng cao quí mà chúng ta có bổn phận phải bảo vệ và vun trồng dẫu chúng ta còn ở hay đi xa.

Riêng đối với người Việt Nam, gia đình còn mang một mầu sắc đa diện đáng yêu và đáng quí hơn nữa.

Gia đình Việt nam có thể nói là một tiểu cộng đồng, nơi đó các phần tử trong đại gia đình cùng về chung sống với nhau và nương tựa vào nhau:

Là nhà giữ trẻ, nơi đó tất cả mọi con cái, cháu chắt đều được trông coi, nuôi dưỡng, và chăm sóc một cách tận tình như một người mẹ trong gia đình.

Là học đường, ở đó mọi đứa trẻ trong gia tộc được hướng dẫn và giáo hóa một cách chu đáo và lễ độ.

Là toà án, ở đó mọi xung đột giữa những người thân yêu trong gia đình đều được giải quyết và giải hòa để có thể bảo vệ được hòa khí của gia đình.

Là hội đồng cố vấn, nơi đó tất cả mọi quyết định quan trọng có liên quan đến những người trong gia đình như vấn đề hôn nhân, làm ăn, buôn bán, dời chỗ… đều được bàn hỏi trước khi đi đến quyết định để cùng giúp nhau thực hiện.

Là cơ quan trợ cấp xã hội, nơi đó họ có thể tìm được những nguồn trợ giúp cho đời sống an sinh xã hội của họ từ những người thân yêu trong gia đình.

Là ngân hàng, ở đó trong những trường hợp cần thiết họ có thể mượn tiền từ những thân nhân họ một cách dễ dàng để đầu tư vào những công việc làm ăn lớn mà mọi người trong gia đình thấy có hy vọng.

Là bệnh xá, ở đó khi ốm đau họ có thể tìm được sự chăm nom, săn sóc một cách tận tình bởi những phần tử của đại gia đình.

Là viện an dưỡng, nơi đó bố mẹ khi về già có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi trong sự an bình và hạnh phúc bên đàn con cháu trong bầu không khí ấm cúng gia đình.

Là nơi an nghỉ cuối cùng, ở đó khi họ được Chúa gọi về, họ được mọi phần tử trong đại gia đình từ các nơi tuốn về quây quần chung quanh để cùng nhau cầu nguyện và nhìn mặt họ lần cuối trước khi tiễn đưa họ đến phần mộ cuối cùng.

Sau hết, gia đình Việt nam cũng chính là nơi thờ tự, ở đó bàn thờ tổ tiên được dựng lên để tôn kính ông bà cha mẹ, những người đã về bên kia thế giới nhưng hương hồn của họ vẫn còn ở lại để hộ phù những người còn đang sống. Vì thế, gia đình chính là một báu vật cao quí mà tất cả chúng ta có bổn phận phải giữ gìn nếu chúng ta muốn có một đời sống an vui và hạnh phúc.

 

Lm. Lê Văn Quảng Ph. D.

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*