“KHI ẤY, HAI MÔN ĐỆ THUẬT LẠI CÁC VIỆC ĐÃ XẢY RA DỌC ĐƯỜNG VÀ HAI ÔNG ĐÃ NHẬN RA NGƯỜI LÚC BẺ BÁNH NHƯ THẾ NÀO”

Hai môn đệ được đề cập ở đây là hai môn đệ đã trở về từ Emmaus. Hai ông đã trở về gặp các tồng đồ và tường thuật lại tất cả những gì Chúa Giêsu hiện ra với họ trong quá trình về Emmaus.

Liên hệ với đoạn Tin mừng đi liền trước cũng của Luca mà Bài Tin mừng hôm nay không đề cập. Luca viết: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.” (Lc 24, 33- 35).

Chúng ta được biết thêm chi tiết: Đang khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus, thì cùng lúc đó Chúa cũng hiện ra với Simôn, Phêrô. Nhưng Luca lại không tường thuật cuộc hiện ra này với Simôn, mà chỉ chú trọng tới sự kiện hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus.

THÂN XÁC CHÚA GIÊSU PHỤC SINH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI TOÀN DIỆN.

Sự kiện này, chứng tỏ cho thấy Thân xác của Chúa Giêsu phục sinh đã được biến đổi toàn diện, Ngài vẫn là con người bình thường như chúng ta, vì Bản tính nhân loại sẽ tồn tại vĩnh viễn ngay cả khi Ngài lên trời. Nhưng Chúa Giêsu đã vượt ra ngoài các định luật: Không gian và thời gian, có thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc, mà trước khi chịu Khổ nạn không hề có sự kiện này. Thân xác Ngài biến đổi thế nào ta cũng không rõ, chỉ biết là: Ngay cả các môn đệ thân tín, như Maria Madalena, hai môn đệ trên đường Emmaus, khi gặp Chúa Giêsu phục sinh mà cũng không nhận ra Ngài, cho đến khi Ngài tỏ cho họ biết.

“HAI ÔNG ĐÃ NHẬN RA NGƯỜI LÚC BẺ BÁNH”

Đây là dấu hiệu hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có Ngài mới có những cử chỉ như vậy và nó đã trở thành thân thuộc đối với hai môn đệ. Trong khi Maria Madalena, theo Gioan, bà nhận ra Chúa khi Ngài gọi bà: “Maria” (Ga 20, 16). Như vậy cách nhận ra Chúa Giêsu phục sinh cũng khác nhau, chứ không phải đồng nhất.

Theo Luca, các cuộc hiện ra của Đức Giêsu với số lượng người chứng kiến càng lúc càng tăng lên. Mới đầu là Phêrô (01 người), tiếp đến là 02 môn đệ trên đường Emmau, và tại căn phòng này, trong bài Tin mừng hôm nay tường thuật, Đức Giêsu sẽ hiện ra với họ. Luca muốn chứng minh cho độc giả thấy, Đức Giêsu đã sống lại thật, điều này không còn gì phải bàn cãi. Mỗi người có sự trải nghiệm khác nhau về Đức Giêsu phục sinh, và trong cuộc gặp mặt này, các ông sẽ kể lại cho nhau nghe sự trải nghiệm của mình.

“MỌI NGƯỜI CÒN ĐỨNG BÀN CHUYỆN THÌ CHÚA GIÊSU HIỆN RA ĐỨNG GIỮA HỌ VÀ PHÁN: “BÌNH AN CHO CÁC CON! NÀY THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ”.

“ĐỨNG BÀN CHUYỆN”.

Luca xác định rõ: Các môn đệ đang đứng bàn chuyện chứ không ngồi, chứng tỏ cuộc bàn chuyện rất sôi nổi, bàn về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh. Mỗi người đang có những trải nghiệm của riêng mình và không ai giống ai. Mỗi người đều muốn nói” Chính Chúa đã hiện ra với tôi, và tôi đã thấy Ngài”.

“CHÚA GIÊSU HIỆN RA ĐỨNG GIỮA HỌ”.

Thật bất ngờ, ngay lúc ấy, Chúa lại hiện ra đứng giữa họ, như để cho mọi người được thấy cùng một lúc để cùng có một trải nghiệm như nhau chứ không còn khác biệt nữa.

Ta cũng cần để ý, sau khi Đức Giêsu chết và được mai táng trong mộ, các môn đệ sống trong sự sợ hãi vì họ là môn đệ của Ngài. Các ông sợ người Do Thái tìm bắt, nên co cụm lại trong một căn phòng kín đáo, sự tụ họp này nhằm nâng đỡ tinh thần cho nhau. Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa, có nghĩa Ngài đã trở thành một cột trụ vững chắc nâng đỡ tinh thần cho các ông, các ông đều nhìn thấy tỏ tường.

“BÌNH AN CHO CÁC CON! NÀY THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ”

Cuộc hiện ra bất ngờ này, chắc chắn sẽ làm các ông hoảng sợ, đó cũng là tâm lý chung của con người, vì có ai được thấy người chết hiện ra với mình mà lại không sợ hãi.

Vì thế, Lời đầu tiên của Đức Giêsu, đó là “Bình an cho các con!”

Sự bình an đích thực của Đức Giêsu rất cần thiết cho các ông trong lúc này. Gioan viết: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27) Bình an của Đức Giêsu không theo kiểu thế gian, đó là thứ bình an đích thực trong tâm hồn.

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu làm cho một số môn đệ, người thì bỏ cuộc ra về (Lc 24,13t), số khác thì sợ hãi ngồi ru rú trong ngôi nhà cửa đóng then cài kín mít, lo âu cho số phận của mình. Giữa lúc ấy thì Chúa hiện đến nói: “Bình an cho các con” (c.38). Và dĩ nhiên khi đã có bình an thì kết quả dẫn tới lời Chúa Giêsu thứ hai là: “Đừng sợ”

Tại sao lại đừng sợ, thưa vì: “Này Thầy đây”

Còn lời nào an ủi cần thiết hơn nữa không? Ai cũng thấy cần sự bình an có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc. Các môn đệ đang cần như thế và Chúa đã ban cho họ sự bình an. Vâng, có Chúa là có bình an, có ngay lập tức như các Tông đồ trong phòng kín vậy.

Nếu chúng ta không có Chúa thì Chúa không ở trong chúng ta. Chúng ta không có được sự bình an của Ngài, chúng ta không được vào số những người Chúa chúc phúc mà cứ mãi lo âu bất ổn. Chúng ta không có bình an của Chúa mà lại cứ đi chúc bình an cho người khác thì quả là vô lý. Không ai cho cái mình không có. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta nghe câu chúc “Anh em hãy chúc bình an cho nhau”. Ước gì lời đó phải được thực hiện trong cuộc sống cho hôm nay.

“NHƯNG MỌI NGƯỜI BỐI RỐI TƯỞNG MÌNH THẤY MA”

Luca viết rất rõ: Tâm trạng của các môn đệ lúc bấy giờ là BỐI RỐI, chứ không phải là HOẢNG SỢ, vì Chúa vừa mới ban cho các ông sự bình an của Ngài. Các ông bối rối vì chưa xác định có phải là Thầy mình không? Hay chỉ là bóng ma người chết hiện về.

ĐỘC GIẢ SẼ THẮC MẮC:

Trong số các môn đệ đang hiện diện, chắc chắn có 2 môn đệ vừa mới từ Emmaus trở về, có cả Simôn mà Chúa mới hiện ra. Tại sao các ông lại không nhận ra Chúa Giêsu phục sinh? Đáng lý những người này phải vui mừng mới phải và nói cho mọi người biết chứ! Nhưng ở đây họ cũng tỏ vẻ bối rối không thua gì những người kia.

Như vậy, đủ chứng tỏ thân xác của Chúa Giêsu phục sinh biến đổi toàn diện rất kỳ lạ, sự trải nghiệm lần này không hề giống với sự trải nghiệm lần kia. Ngài luôn đổi mới.

“CHÚA LẠI PHÁN: “SAO CÁC CON BỐI RỐI VÀ LÒNG CÁC CON LO NGHĨ NHƯ VẬY? HÃY XEM TAY CHÂN THẦY: CHÍNH THẦY ĐÂY! HÃY SỜ MÀ XEM: MA ĐÂU CÓ XƯƠNG THỊT NHƯ CÁC CON THẤY THẦY CÓ ĐÂY”

“SAO CÁC CON BỐI RỐI VÀ LÒNG CÁC CON LO NGHĨ NHƯ VẬY?”

Thấy sự bối rối của các môn đệ, Chúa Giêsu đã trách họ vì được thấy Ngài nhãn tiền như vậy mà trong lòng vẫn còn nghi hoặc, thì làm sao các ông có thể tin Ngài đã sống lại khi được ai báo lại cho biết! Rồi sau này chính các ông loan báo Tin mừng Phục sinh thì còn ai có thể nghe các ông, vì để thuyết phục người khác thì chính bản thân mình phải có sự xác tín về điều mình rao giảng.

Nhưng Chúa Giêsu trách thì trách vậy thôi, về phần Ngài, Ngài sẽ cố gắng chứng minh cho họ thấy Ngài đã phục sinh.

“HÃY XEM TAY CHÂN THẦY”

Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18, 31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…” (c.39). Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn vang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Cho nên để chắc chắn, Chúa bảo họ cứ sờ vào đó đi để khỏi còn phải nghi ngờ về ma quái hay thần linh nào khác. Và để họ biết chắc chắn mình đang đối diện với thân xác thực của Đấng cứu thế vừa phục sinh. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem, ma đâu có xương thịt như Thầy có đây”: Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống và hiện diện bên cạnh chúng ta. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Ta phải sống với niềm tin xác tín ấy.

“MA ĐÂU CÓ XƯƠNG THỊT NHƯ CÁC CON THẤY THẦY CÓ ĐÂY”

Vâng Chúa Giêsu nói rất chính xác, vì qua mọi thời đại, ai cũng tin: Ma chỉ là một cái bóng, chứ không thể có xương có thịt như người còn sống. Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ biết: Ngài là một người hoàn toàn, cho dù thân xác Ngài có biến đổi, Ngài vẫn là một con người, vì Bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu là bản tính vĩnh viễn, không bao giờ bị mất cho dù Ngài có lên trời. Khi Chúa Giêsu về trời, thì đó là con người đầu tiên được về trời, như lời thánh Phaolô trong thư thứ nhất Corintô đã viết: Ngài là hoa quả đầu mùa, sau đó là những kẻ thuộc về Chúa Giêsu và cả chúng ta nữa (1 Cr 15,20).

NÓI XONG, NGƯỜI ĐƯA TAY CHÂN CHO HỌ XEM. THẤY HỌ CÒN CHƯA TIN, VÀ VÌ VUI MỪNG MÀ BỠ NGỠ, CHÚA HỎI: “Ở ĐÂY CÁC CON CÓ GÌ ĂN KHÔNG?” HỌ DÂNG CHO NGƯỜI MỘT MẨU CÁ NƯỚNG VÀ MỘT TẢNG MẬT ONG. NGƯỜI ĂN TRƯỚC MẶT CÁC ÔNG VÀ ĐƯA PHẦN CÒN LẠI CHO HỌ”

Sau khi cho các môn đệ xem chân tay Ngài để chứng minh Ngài không phải là cái bóng, là ma mà là người thật. Luca viết: “Thấy họ chưa tin”. Như vậy, niềm tin vào Chúa Phục sinh nó khó khăn đến dường nào. Ở đây đã hội đủ các yếu tố của niềm tin: thấy chính Chúa Phục sinh là đối tượng của niềm tin, và được sờ vào chân tay Ngài, thế mà chưa đủ thuyết phục các môn đệ.

“NGƯỜI ĂN TRƯỚC MẶT CÁC ÔNG VÀ ĐƯA PHẦN CÒN LẠI CHO HỌ”

Chúa Giêsu sẽ tiến thêm một bước nữa để thuyết phục các môn đệ, đó là Ngài sẽ ăn trước mặt các ông.

ĐỘC GIẢ SẼ THẮC MẮC:

Tại sao Chúa Giêsu phải dùng phương pháp kiểm tra này?

Thưa, vì khi nói đến ăn, thì phải nói đến toàn bộ con người, nó liên quan đến rất nhiều bộ phận: Răng, miệng, lưỡi, ống dẫn quản, đường ruột, bộ phận tiêu hoá,…. Với các bộ phận như trên đủ chứng minh đó là một người thật, chứ không phải ma, vì ma chỉ là cái bóng mà thôi.

Ngày nay người ta cũng dùng phương pháp ăn để kiểm tra chắc chắc một người còn sống hay đã chết, là ma hay không.

Chúa Giêsu không cần phải ăn hết mẩu cá nướng đó, chỉ cần ăn một hai miếng là đủ sáng tỏ rồi.

Đến đây, Bài Tin mừng bắt đầu chuyển sang phần hai: Đó là những lời chỉ bảo sau hết của Đức Giêsu dành cho các môn đệ.

“ĐOẠN NGƯỜI PHÁN: “ĐÚNG NHƯ LỜI THẦY ĐÃ NÓI VỚI CÁC CON KHI THẦY CÒN Ở VỚI CÁC CON, LÀ: CẦN PHẢI ỨNG NGHIỆM HẾT MỌI LỜI ĐÃ GHI CHÉP VỀ THẦY TRONG LUẬT MÔSÊ, TRONG SÁCH TIÊN TRI VÀ THÁNH VỊNH”. RỒI NGƯỜI MỞ TRÍ CHO CÁC ÔNG AM HIỂU KINH THÁNH.

Chúa Giêsu muốn nói cho các môn đệ biết: Cái chết của Ngài trên thập giá không phải là sự thất bại nhục nhã, mà là Ngài thực hiện Thánh ý Chúa Cha, mà thánh ý đó đã được loan báo trong sách Luật Môsê, trong sách Tiên tri và cả thánh vịnh nữa. Như vậy Ngài đã ứng nghiệm hết mọi lời đã chép về Ngài, chứng tỏ Ngài là Đấng Thiên Sai, được Thiên Chúa sai đến.

Như vậy, ta đừng hiểu: Chỉ có Tân Ước mới nói về Chúa Giêsu mà cả Cựu ước cũng nói về Ngài, nói chung toàn bộ Kinh thánh đều nói về Chúa Giêsu, tiên báo xa hay gần.

“RỒI NGƯỜI MỞ TRÍ CHO CÁC ÔNG AM HIỂU KINH THÁNH”

Như vậy, ta chỉ có thể biết Chúa Giêsu khi ta biết siêng năng đọc và suy niệm Kinh thánh. Nhưng cần hiểu được Kinh thánh, ta cần xin Chúa mở lòng mở trí cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa không soi sáng, hướng dẫn, thì ta đọc Kinh thánh chẳng qua chỉ là đọc một cuốn truyện.

“NGƯỜI LẠI NÓI: “CÓ LỜI CHÉP RẰNG: ĐẤNG KITÔ SẼ PHẢI CHỊU THƯƠNG KHÓ VÀ NGÀY THỨ BA NGƯỜI SẼ TỪ CÕI CHẾT SỐNG LẠI. RỒI PHẢI NHÂN DANH NGƯỜI RAO GIẢNG SỰ THỐNG HỐI VÀ SỰ ĂN NĂN ĐỂ LÃNH ƠN THA TỘI CHO MUÔN DÂN, BẮT ĐẦU TỪ THÀNH GIÊRUSALEM. CÒN CÁC CON, CÁC CON SẼ LÀM CHỨNG NHÂN VỀ NHỮNG ĐIỀU ẤY”.

“CÓ LỜI CHÉP RẰNG: ĐẤNG KITÔ SẼ PHẢI CHỊU THƯƠNG KHÓ VÀ NGÀY THỨ BA NGƯỜI SẼ TỪ CÕI CHẾT SỐNG LẠI”

Trong toàn bộ Kinh thánh Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ đoạn Kinh thánh nói về Ngài để các ông xác tín rằng: NGÀI ĐÃ PHỤC SINH THEO LỜI KINH THÁNH ĐÃ TIÊN BÁO.

Như vậy, hôm nay không những Chúa Giêsu tự chứng minh cho các môn đệ thấy Ngài đã phục sinh, mà Chúa Giêsu còn dùng Kinh thánh để chứng minh cho họ thấy.

“BẮT ĐẦU TỪ THÀNH GIÊRUSALEM”

Rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội, bắt đầu tử Giêrusalem, vì chính tại kinh đô Do Thái giáo này từng giết chết các tiên tri và cả Con Thiên Chúa, nên họ cần được tha thứ trước nhất.

“CÒN CÁC CON, CÁC CON SẼ LÀM CHỨNG NHÂN VỀ NHỮNG ĐIỀU ẤY”

Đây là chỉ thị cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: Các ông phải là những chứng nhân cho Ngài, vì các ông đã được Ngài tuyển chọn, dạy dỗ và được chứng kiến Ngài sống lại. Các ông thấy sẽ có ích gì nếu chỉ giữ bo bo cho mình. Các ông phải là CHỨNG NHÂN.

“Các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”: không những ta phải sống với niềm tin xác tín rằng ta đang sống với Chúa Phục sinh đang hiện diện bên cạnh, mà còn phải làm sao cho cách sống của ta khiến người khác nhìn vào và cũng tin như thế.

Lạy Chúa, xin cho chúng con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay quan phòng của Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con còn ngại ngùng, sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi chúng con bước đi. Vì con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Con đường ấy đòi phải hy vinh, phải vác thập giá, phải chịu nhiều thua thiệt, có khi mất cả mạng sống.

Xin cho chúng con hiểu rằng, bên trên gai nhọn là đoá hồng rực rỡ. Bên trên những thử thách gian nan là triều thiên chiến thắng vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho những ai trung tín theo Ngài. Xin Chúa cũng ban bình an cho chúng con như xưa Chúa đã ban cho các Tông đồ trong những lần Chúa hiện ra với các ngài sau khi Chúa sống lại. Amen.

 

Giuse Nguyễn Viết Tâm

 

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*