“Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?” (Mt 24,45)

 

BÀI 1

NHỮNG ĐỨC TÍNH NGƯỜI LÃNH ĐẠO

 

  1. UY TÍN

Tín là tin tưởng giữa con người với con người, giữa một cá thể với cộng đoàn, giữa tập đoàn này với tập đoàn khác. Số ít và số nhiều trong hợp đồng công việc hay nhân sự.

Đối tượng và thế giá dựa vào uy thế con người.

Một con người có uy tín phải dựa theo các tiêu chuẩn sau:

  1. Đúng giờ, đúng hẹn: Mình vì mọi người, chứ đừng để mọi người vì mình.

Có người khi hẹn đồng hồ báo thức luôn sớm hơn 5’. Ngược lại, nếu một người lãnh đão mà thường không đến đúng hẹn, là tự làm mất uy tín của mình. Nếu biết chắc mình sẽ không đến kịp thì gọi điện xin lỗi trước, và nếu có muộn thì cũng phải xin lỗi sau.

Người làm đầu một hội đoàn mà hay trễ giờ hoặc quên sót … thì phải tìm giải pháp ghi vào sổlên lịch trước để có thể chuẩn bị, đừng dễ quên.

Đừng làm kiểu phất lờ, đáng tiếc lắm!

Đúng giờ, đúng lúc, đúng nơi, đúng người.

Hãy xem lại, việc đeo đồng hồ có đúng chức năng không? Nhiều khi chỉ là phô bày, trưng diện… vì đôi khi cũng dư thừa, quá sự cần thiết.

Điều này ở vùng dân quê thường dùng đồng hồ “cao su”, vô tình thành luật địa phương, cứ phải tính trước 30’. Người lãnh đạo phải tập sống cho đúng giờ, để khi điều hành cho chuẩn mực và nên gương cho anh chị em thuộc quyền.

  1. Đúng số lượng đã thông báo: phải cẩn thận về của cải của mọi người, đừng vì lòng tham mà thay đổi, tăng giảm, mất cân đối về sự công bằng. Đó là sự tín trung.

Ông bà ta nói “một lần thất tín vạn lần bất tin”.

Việc cân đo, đong đếm, bổng lễ, đồ gửi, giấy tờ, chứng nhận… đều cần đến sự trung tín. Vì mình không phải là chủ của cải đó thì mình không có quyền chi phối, không được thay đổi số liệu về sản phẩm. (báo cáo láo để ăn tiền)

Những mặt hàng kém chất lượng, không bảo đảm… nhưng vì thế giá Ban Phục vụ, đôi khi các thành viên rất ủng hộ, mà sản phẩm của mình không đạt tiêu chuẩn thì cũng khó nghĩ đấy.

Vì chữ tín nó đi theo mình suốt đời, chứ không phải là một hợp đồng kinh doanh có thời hạn.

Ngay như hợp đồng kinh doanh cũng rất cần đến chữ tín, vì dựa vào lòng tin mới hợp đồng bền lâu được.

Trong việc tông đồ, rất cần đến sự đều đặn, để nói lên sự hiện diện trong mối tương quan của người thay mặt Nhà Dòng với các thành viên. Cho nên đừng có những biểu hiện thất thường, thích thì làm không thích thì thôi “Không ăn được thì đạp đổ”

Giả như hội đoàn đó, quá rời rạc, sinh hoạt kém chất lượng, xuống tinh thần, thì chúng ta cũng đừng tự rút lui mà không báo cho các vị hữu trách trực tiếp, một lần gọi điện thoại cho vị hữu trách cũng có thể giải quyết.

  1. Đạt chất lượng đã quy định: là nội dung mình chuyển tải qua lời giảng dạy, qua việc làm, và cách thức tổ chức.

Chúng ta cần tư duy học hỏi kinh nghiệm của nhiều người đi trước. Bởi vì “ai nên khôn không khốn một lần”. Để có chất lượng trong cuộc sống không tự dưng mà thành, nhưng nó được nối kết bằng biết bao gian khó, tôi luyện, học hỏi và rất nhiều lần thử nghiệm.

Một bài cám ơn quá luộm thuộm, dài dòng, ý nghĩa không rõ ràng, điều quan trọng lại không nhấn mạnh, nên người nghe xong chẳng hiểu họ muốn nói điều gì. Buộc phải soạn trước, và cần người góp ý. Khi đã quá quen nói xuôi văn, câu cú, lúc đó mới đủ tự tin để nói buông.

Chất lượng cuộc sống tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Sự uy tín của người lãnh đạo, cần phải có khả năng tự luyện, cần phải trải qua nhiều thất bại, đau thương không nản lòng.

Một người từng thảm bại, khi chia sẻ sẽ rất thực tế, còn người dễ dàng thành công thường hoa ngữ trong lời nói, nên mang tính lý tưởng nhiều hơn.

Người có khả năng về phẩm chất mới dám canh tân hoặc thay đổi nếp sinh hoạt cũ kỹ của các hội đoàn. Nhưng phải nhớ: dù có khả năng cao nhưng thành công không bao giờ chỉ có một mình, mà cần có nhiều nhân lực cộng tác.

Ngược lại, nếu cảm thấy mình hết tài, mất uy tín vì không đủ khả năng dẫn dắt hội đoàn, ta nên khiêm tốn nhờ người cộng tác, chứ đừng tỏ thế uy hiếp người khác, dẫm chân lên nhau, lạm quyền là tự làm mất chính mình.

  1. Đạt giá trị đã giao kèo:có nhiều loại giá trị trong cuộc sống: vật chất, tinh thần, thiêng liêng.

Khi anh em gánh một vài trách nhiệm hội đoàn nào đó, ví dụ trong vai trò đồng hành, trưởng ban, (thỉnh thoảng, ngoại lệ, qua lần thì không đáng kể) thì ta phải xem việc đó có do ý nhà dòng không, hay là việc đạo đức tự phát của cá nhân ai đó mà ta lãnh nhận, thì cũng khó nói khi đổ bể sự việc. Vì khi đã chấp nhận việc gì với người khác, ta cần phải làm việc cho có giá trị, chứ đừng coi nó như một trò đùa, vô trách nhiệm, thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả hội đoàn.

Ví dụ: một hội đoàn kia, cứ đòi xin cha xứ cho hát lễ riêng … đến khi nhận vào rồi, hoạt động chẳng bao lâu nó trở thành gánh nặng cho toàn hội. Hội đoàn không cộng tác gì hoặc quá nhiều việc trong giáo xứ thì cũng khó nghĩ.

Bởi vì, khi ta làm việc, trong ngậm ý đều làm vì vinh danh Chúa và hội dòng, và người ngoài họ cũng chỉ cần biết ta là thành viên thuộc hội dòng đó, thì mọi quy kết đều hiểu là pháp nhân hội dòng chứ không phải là cá nhân.

Vì thế, những công việc hệ trọng, ta phải trình bày trước với bề trên trực tiếp của mình, tùy theo mức độ cần thiết mà ta xin phép trước khi thực hiện.

* Ngược lại: đánh mất uy tín là đánh mất chính mình. Đôi khi người lãnh đạo sẵn sàng thiệt thòi vật chất để giữ cho mình thế giá và danh dự cho cộng đoàn, chứ đừng vì đồng tiền, vì tư lợi mà hạ giá mình và người khác xuống. miếng ăn, hớp rượu cũng thế … đừng quá lè nhè vì 3 hớp rượu mà đánh mất thế giá trưởng xứ, trưởng miền.

* Sự tin tưởng này thuộc niềm tin chứ chưa thuộc phạm trù đức tin, là nhân đức tự nhiên chứ chưa phải là nhân đức siêu nhiên. Nhưng, nhân đức siêu nhiên cũng phải dựa trên nền tảng tự nhiên, vì là người tốt tự nhiên trước khi là vị thánh.

Trong công việc, đôi khi ta không lường trước được những phát sinh do công việc, hoặc tốn kém tiền bạc, lúc này ta phải khôn ngoan ứng xử, khéo léo quyết định, đừng vì thiếu sự tiên liệu mà mất lòng, mất uy tín của mình và của cộng đoàn.

Và nếu có điều gì mất lòng xảy ra ngoài ý muốn (cuộc sống mà không ai biết trước chữ ngờ) thì ta cũng đừng ngại nói lời xin lỗi. Xin lỗi riêng nếu là lỗi riêng, hoặc chung nếu đã công khai. Đừng nghĩ rằng vị lãnh đạo nói lời xin lỗi là làm mất thanh danh, nhưng chính khi vị lãnh đạo dám nhận ra giới hạn của mình thì anh em thuộc quyền rất thán phục hơn là hợm hĩnh, giả dối.

  1. NHẤT QUÁN

Có tính thống nhất từ đầu đến cuối, trước sau không mâu thuẫn, không trái ngược nhau.

Chủ trương nhất quán. Giải quyết nhất quán.

Chúa Giêsu là người ngôn hành đồng nhất. những lời Chúa nói và những việc Ngài làm đều ăn ý với nhau. Còn chúng ta là tội nhân, đầy yếu đuối, giới hạn trong nhiều khả năng, nên luôn phải noi gương của Chúa Giêsu và xin ơn Ngài cho chúng ta có khả năng nhất quán.

Sự nhất quán làm cho vị lãnh đạo rất thế giá, được lòng mọi người. Ngược lại, người nói trước quên sau, nói một đàng, làm một nẻo, thì lời họ nói tự tố cáo chính họ.

Để có sự nhất quán trong công việc ta cần:

* Thống nhất cách tổ chức, được bàn hỏi với các cộng sự viên (ban miền, ban xứ) trước khi thông báo. Dựa theo luật được quy định, nếu không thì những hoạt động ngoài luật trừ bị (dự liệu) sẽ gây nhiều mâu thuẫn bất bình trong hội đoàn.

* Có thời gian chuẩn bị, đừng quá vội vàng, hấp tấp dễ mất lòng và hỏng việc lớn. Nếu cảm thấy không kham nổi khi có một đề xuất mới … khi không đủ thời gian, không đủ sức, không đủ người thực hiện ta phải có khả năng quyết đoán kịp thời: hoặc không thực hiện, hoặc thực hiện nhóm nhỏ. Các cộng tác viên muốn thêm ý kiến, hoặc thay đổi cách thức tổ chức (thực phẩm, phương tiện…) thì người lãnh đạo cũng khôn ngoan nắm bắt cơ hội, đừng quá cứng nhắc, chủ quan, và người góp ý cũng đừng qua ép buộc, nếu không được như ý thì nói xấu, than tách người làm đầu, đó là người thiếu tinh thần trách nhiệm chung.

* Sự tiên liệu từng chi tiết thì phần thành công càng lớn. Đó chính là khả năng tiên liệu trước mọi công việc.

Trong thực tế, vẫn có những ngoại lệ khi hoàn cảnh không như ý, ta nên chữa cháy bằng cách xin sự thông cảm của cộng đoàn, vì cuộc sống không phải lúc nào cũng xảy ra đúng như dự định, hoặc do tình cảm cá nhân chi phối. Bởi vì con mắt khách quan họ thấy hết những hành động và dự đoán của vị lãnh đạo.

* Thống nhất công việc càng dễ dàng thì sẽ có nhiều người cộng tác. Tùy theo công việc, mà ta ra những qui định khác nhau. Cùng một Thủ Bản chung đấy, nhưng hoàn cảnh, nơi chốn, thời gian sẽ áp dụng có sự khác nhau. Nên tạo cho sự liên lạc càng dễ dàng thì đỡ mất thời gian, đỡ mất việc, mất sức, và được lòng mọi người. Nhưng cũng sẽ có những người vẫn không thích nghi với những phương tiện hiện đại, vì tuổi già sức yếu, ta cũng nên thông cảm, đừng quá nguyên tắc mà mất lòng nhau. Không gọi điện thoại thì nhắn tin cũng được, đừng quá bắt bẻ nhau.

 

III. NỀN TẢNG

Là bộ phần vững chắc để cho các bộ phận khác dựa trên đó để đứng vững và phát triển. Cuộc sống có nhiều điểm tựa, nhưng điểm tựa nào chắc chắn, chuẩn mực nhất, phổ thông nhất, đó chính là nền tảng được nhiều người dựa vào nhất.

Hội đoàn tôn giáo đều bao gồm các tín hữu đạo đức, có thiện chí sống tốt, có tấm lòng phục thiện. Vì thế người lãnh đạo buộc phải hướng dẫn họ theo đúng nền tảng của Giáo hội đưa ra. Nếu có thấy sai trái nào, thì luôn phải hiểu theo thiện chí, chứ đừng khăng khăng triệt buộc về đàng xấu.

Ví dụ: bí tích rửa tội là nền tảng của mọi bí tích, lời khấn, tuyên hứa (GĐTH)… thì các hội đoàn cũng phải dựa vào giáo hội chứ không tồn tại riêng một mình được. Tín hữu cần hội thánh hơn hội đoàn, thế mà có những tín hữu “cuồng tín”, chỉ cần hội đoàn mà bỏ luôn hội thánh, không nghe theo cha xứ của mình mà nghe theo vị mục tử ở nơi nào đó… Đấy là một sai lầm lớn.

Khi sinh hoạt, tổ chức cũng luôn dựa vào luật Giáo hội, chứ đừng chỉ theo quy luật riêng mà vô tình nghịch lại luật phổ quát là sai.

Làm việc theo hệ thống có trên, có dưới. Ưu tiên luật chung trước luật riêng, lợi ích chung hơn lợi ích riêng.

Tổ chức không bài bản, chắc chắn sẽ không bền và để lại nhiều tai tiếng.

Nhìn vào việc tâm linh cũng vậy. Lãnh đạo là người dẫn dắt người khác trong vai trò tiên phong, mà tôn chỉ của mọi hội đoàn đạo đức đều nhắm về vinh danh Chúa. Vậy chính người lãnh đạo đã có đời sống nội tâm chưa?

“lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (thành ngữ VN)

Người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tầm rất quý.

Một người có chiều sâu nội tâm sẽ hành động khôn ngoan và cẩn thận hơn, còn người bồng bột nhất thời, thiếu chiều sâu sẽ dễ gây tranh cãi bất bình.

Như vậy, khi hoạt động tông đồ, chúng ta cần phải nhìn đúng sự việc theo mức độ, bản chất, tinh thần của tôn chỉ mỗi hội đoàn, thì ta không dễ bị ảo tưởng, và cũng không quá lo lắng bất an. Đây là điều một số tông đồ giáo dân quá ảo tưởng công việc của mình, cho nên nhiều khi việc phụ thì cho là chính và ngược lại. (so sánh các hội đoàn để thấy sự phong phú trong hoạt động, chứ không phải để phải bắt chước giống nhau)

Nếu muốn canh tân, sửa đổi một việc gì, ta cũng cần phải biết được đâu là việc ta phải làm, đâu là thời gian ta phải thực thiện. Chấp nhật sự thực để bình tâm sửa đổi, canh tân hội đoàn. Đừng quá đánh bóng, chạy theo hình thức, và cũng đừng quá thất vọng vì chất lượng các thành viên không đạt. Hãy lấy Chúa là tác nhân chính, là hồn sống, là sinh lực của mọi việc đạo đức, còn chúng ta chỉ là (thừa tác viên) cộng tác với Chúa, và là cánh tay nối dài của nhà dòng mà thôi.

“Chúa là nền tảng, là núi đá cho tôi nương ẩn” (2Sm 22,3)

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Lỡ lời nói không hay về vị giám mục, cha xứ nào đó. Khi đến tai bề trên, ta phải phản ứng làm sao?
  2. Khi một anh chị nêu 1 câu hỏi, mà ta nghe không rõ ý, ta phải làm sao để không mất lòng, hoặc người hỏi không mặc cảm?
  3. Khi một việc quyên góp, tổ chức nào đó xảy ra trong hội đoàn mình, mà mình không hay biết lý do để thu tiền. Vậy ta sẽ ứng xử làm sao cho được việc và được lòng mọi người?

 

 

 

BÀI 2

LINH ĐẠO HỘI ĐOÀN

VAI TRÒ GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”

(Mt 28,19)

– Linh đạo: là con đường tinh thần giúp kitô hữu sống đạo theo Tin mừng với hướng hoạt động hợp với môi trường để nên thánh giữa đời.

– Các hội đoàn giáo dân thường được thừa hưởng linh đạo của một hội dòng nào đó. Cho nên các tu sĩ thường phụ trách hoặc linh hướng cho họ.

Ví dụ: Huynh Đoàn Đaminh, Mến Thánh Giá Tại Thế, Gia Đình Tận Hiến, Legio Mariae, Hội Mân Côi, Khôi Bình, Phan sinh…

– Phân biệt sự khác nhau giữa các Hội Đoàn và Các Giới trong giáo hội. Hai cơ chế khác nhau nhưng giống nhau về tinh thần.

– Giáo hội Công giáo được hình thành vào ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, “rào rào như thể do cuồng phong thổi đến”, dưới hình “những lưỡi như thể là lửa”, với các tông đồ được tràn đầy Thánh Thần, trên nền tảng của lòng tin mạnh mẽ vào ơn cứu độ Đức Giêsu Kitô đã thực hiện qua cái chết và sống lại của Người.

– Các chủ chăn nhận ra vai trò của người giáo dân, những điểm được và chưa được. “Ơn gọi riêng” của người giáo dân trong việc cùng với các thành phần khác của dân Chúa “làm tỏa sáng hình ảnh Nước Trời” hơn nữa ở Việt Nam và trong thế giới.

– Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), ban hành năm 1987, cũng khẳng định: Nhờ bí tích thánh tẩy, được hiệp thông với Đức Kitô, và do đó, tham dự, theo cách thế riêng, vào chức vụ tư tế, sứ ngôn và vương giả của Người. Cũng do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, theo luật, được gọi là giáo sĩ và các tín hữu khác được gọi là giáo dân. Các tín hữu – giáo sĩ và giáo dân – theo điều kiện và ơn gọi riêng của mỗi người, cùng được kêu gọi thực hành sứ mệnh Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo hội chu toàn trong thế giới, trong sự bình đẳng về phẩm giá và hoạt động.

Bình đẳng vì cùng “được tái sinh trong Đức Kitô”. Ơn gọi riêng vì được Thiên Chúa đặt để trong những hoàn cảnh, điều kiện sống riêng, để khắp nơi trên thế giới đều được nghe Tin mừng cứu rỗi và mọi người, mọi nơi đều có thể lên tiếng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu chuộc.

– Thời kỳ phân chia hai miền Nam Bắc (1954-1975): Hiệp định Genève chia đôi đất nước ngày 20 tháng 7 năm 1954.

  1. Miền Bắc: Vì hoàn cảnh đất nước, khó khăn về tôn giáo, khắc nghiệt khí hậu, tinh thần sống đạo thiếu thốn mục tử và các phương tiện, nên các hội đoàn đa số sinh hoạt theo hình thức, phần ý thức của người giáo dân chưa đề cao.
  2. Miền Nam: Khác với tình hình trên đây của miền Bắc, Giáo hội tại miền Nam gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc công khai sống và cử hành niềm tin của mình: không chỉ tại nhà thờ, tại giáo xứ mà cả trong sinh hoạt xã hội nữa.
  3. Thống Nhất Đất Nước (1975-1986): Các hoạt động tôn giáo dễ dàng hơn, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc qua lại hai miền Bắc Nam.

– Từ 1990 trở đi… Xã hội và Giáo hội cùng mang tinh thần cởi mở hơn, các hoạt động từ thiện phát xuất từ các ban ngành trong giáo xứ, giáo hạt… chính lúc dễ dàng hoạt động thì đời sống vật chất càng lên cao, mà ta biết: khi vật chất càng đề cao thì tinh thần sẽ đi xuống.

– Trong lúc hoàn cảnh khó khăn, cấm cách thì tâm lý người ta lại hay tham gia nhiều hoạt động đạo đức, có những người đã sẵn sàng bỏ công ăn việc làm cả tuần lễ để đi tĩnh tâm. Thế nhưng, khi hoạt động tự do trở lại, thì ai ai cũng lấy đủ lý do từ chối, cho rằng đọc kinh nhiều quá, mất thời gian, phải làm ăn…

– Khi nghe những lời gièm pha, chống đối giáo hội từ hội đoàn của mình phụ trách … ta rất cẩn thận đừng vội lên án họ, mà phải tìm cách đến tận nhà, nói chuyện riêng, xác minh thông tin, có nhiều bằng chứng … thì người trước tiên Ban PV phải trình bày đó là tu sĩ phụ trách, nếu là tu sĩ thì trình cha xứ, để xin ngài cho ý kiến.

– Ngày nay thông tin mở, và giáo dân trí thức cao, nên nhiều ý kiến trái ngược với Giáo hội, với hội dòng, với hội đoàn thì ta nên tìm người có khả năng điều hành nơi đó cho thích hợp.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Có nên tương quan, hợp tác làm việc bác ái chung với các hội đoàn khác không?
  2. Khi nghe nói về một anh chị nào đó làm việc xấu (loan truyền thông tin chống phá nào đó…) Anh trưởng xứ sẽ có phản ứng gì? Dễ nghe theo dự luận hay tìm hiểu ngọn nguồn?
  3. Ban điều hành mới bầu lên mà làm việc không hiệu quả, có khi còn làm gương mù, làm cho tinh thần chung đi xuống … thì cấp trên phải có biện pháp nào?

 

BÀI 3

PHÁP NHÂN VÀ CƠ CHẾ

“Ai nghe anh em là nghe Thầy

và ai khước từ anh em là khước từ Thầy” (Lc 10,16).

– Định nghĩa: Pháp nhân là một định nghĩa trong luật pháp về một thực thể (tập hợp, tập thể lớn nhỏ) mang tính hội đoàn, nó nhưmột chủ thể thực sự (con người có bổn phận và quyền lợi), đưa ra được các sinh hoạt rõ ràng của hội đoàn, có những biểu hiện tương tự như thể nhân (con người).

Ví dụ: Luật nhà nước công nhận một giáo xứ được thành lập, thì giáo xứ đó có bổn phận và quyền lợi đối với nhà nước, và luật nhà nước cũng phải bảo vệ giáo xứ đó. Vì đối với nhà nước, giáo xứ đó làm một pháp nhân, được nhìn nhận như một công dân.

Luật Giáo hội cũng vậy, khi thành lập một tổ chức, hội đoàn nào đó trong giáo xứ, thì hội đoàn đó cũng được đối xử như một thành viên, trong giáo xứ mình.

Ngược lại, một cá nhân hay một tổ chức mà không được (chưa được) pháp luật công nhận, thì cũng không có tư cách pháp nhân, không có quyền ký kết các văn kiện pháp lý về hoạt động công khai, các hoạt động âm thầm đó vẫn sẽ bị coi là vô hiệu lực.

Ví dụ: một hội đoàn đạo đức nào đó cá nhân thành lập hay một linh mục thành lập, mà chưa được quyền cha xứ công bố, thì người điều hành hội đoàn đó chưa đủ tư cách đi họp chung trong giáo xứ hay đi đại diện. Đến khi người thành lập hội đoàn đó (dù là linh mục) qua đời thì tập thể đó có nguy cơ tan rã, vì hội đoàn đó không có pháp nhân.

Khi thành một pháp nhân, nó sẽ độc lập sinh hoạt và được luật bảo vệ.

Ví dụ: pháp nhân hội đoàn, pháp nhân hội dòng, pháp nhân giáo xứ, giáo họ … vậy có pháp nhân mẹ và pháp nhân con, có pháp nhân thuộc giáo quyền và thuộc chính quyền. Có khi một cơ sở mà có nhiều pháp nhân: một giáo xứ (pháp nhân mẹ) có nhiều hội đoàn (pháp nhân con). Một cộng đoàn dòng tu: có sinh hoạt riêng cho nhà thờ, riêng cho huấn luyện, riêng cho giáo dân… (nhà thờ Kỳ Đồng, Xuân Hiệp…)

– Tiến trình hình thành các hội đoàn: được thành lập do nhiều tác nhân, có thể từ hàng giáo sĩ, từ giáo dân … trong thời gian chưa được giáo hội công nhận, các hoạt động đó được mang tính đạo đức cá nhân với hình thức âm thầm. Khi đủ điều kiện theo luật giáo hội hoặc được hỗ trợ từ cha xứ, thường được công khai hoạt động trong giáo xứ, khi đủ mạnh thì lan ra các giáo xứ, khi mạnh nữa sẽ được cha hạt trưởng chấp nhận, rồi lên cấp Giáo phận, rồi toàn giáo hội địa phương.

– Cơ chế quản trị – Linh hướng – Đặc trách. Đây là một hệ thống được đan xen giữa tu sĩ phụ trách và linh mục tuyên úy theo giáo hội địa phương.

Cơ chế là phần nền phải có, vì một tổ chức nào lâu năm cũng không được coi thường phần quản lý này. Nền chắc chắn qua mưa gió, hoàn cảnh thì hội đoàn mới thăng tiến, nền mà lỏng lẻo thì mau tan rã. Vậy cơ chế có nhiệm kỳ, có kỷ luật, có trên có dưới, phân việc chức năng và đúng vai trò từng người. Nói chung phần này rất nguyên tắc (Ban Phục vụ).

Linh hướng hay còn gọi là đặc trách, là phần phụ, phần mềm thuộc tinh thần, được đặt ở trên. Nhưng quyền quyết định vẫn là ban quản trị. Còn tu sĩ phụ trách thuộc phần cơ chế chỉ huy, chứ không thuộc phần mềm này.

– Quản trị theo chiều ngang phân đều công việc, chứ không tự trị trên xuống dưới, độc quyền (ngày nay theo phân quyền chứ không độc quyền)

– Khi lạm dụng quyền bính hoặc gây gương mù, thì mới dùng đến Thủ bản để áp dụng kỷ luật tùy theo từng trường hợp.

– Tôn trọng quyền biện minh cho mọi thành viên, và đối thoại. Hãy để cho nạn nhân có cơ hội sửa lỗi, đừng trù dập họ. Nếu sau này thấy họ nhiệt thành phục vụ thì có thể cho họ làm lại (có những trường hợp luật không cho làm lại).

– Khi bầu chọn ai đó vào ban điều hành sao cho quang minh công khai, sẽ mang tính thuyết phục hơn.

– Cơ chế là phần nền, còn tinh thần là phần mềm cần linh động. Đừng quá cứng nhắc mà hành xử mất lòng nhau, vì hội đoàn là tổ chức nâng đỡ đời sống đạo đức, chứ không phải là phần rỗi đời đời, mà có người lầm tưởng “Bỏ hội đoàn con biết theo ai?”

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Khi một người tham dự không đủ điều kiện kết nạp, vì thiếu thời gian tìm hiểu. Ta phải ứng xử làm sao? Cho họ về không được tĩnh tâm hay là cứ dự bị bình thường?

  1. Khi đã quyết định chương trình hành hương, mà anh chị quên không thông tin cho cha xứ mình biết. Ban Phục vụ phải ứng xử làm sao? Nhất nữa là khi anh chị đi về bị cha xứ trách mắng.

  1. Khi đã lên lịch chung cho giáo hạt, hay miền… mà trùng với lễ trọng của giáo xứ mình. Không thể bỏ tổ chức cho họ được, thì số nhân sự dự định ban đầu sẽ không như ý, thì ta phải làm sao?

BÀI 4

MỤC ĐÍCH VÀ PHƯƠNG THẾ

“Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,

thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”. (Mt 7,24)

Hội đoàn nào cũng được chỉ rõ mục đích ngay ban đầu và đưa ra các phương thế để đạt đến mục tiêu. Nhưng cũng có đôi ba hội, nhóm nhỏ, ban đầu chưa định hướng rõ ràng, nhưng với thời gian hoạt động có hiệu quả, được nâng đỡ nhiều mặt, họ lại tiến triển thành hội đoàn có luật pháp bảo vệ.

Như vậy, hội đoàn trong giáo hội luôn có sự canh tân, đổi mới, từ hình thức đến nội dung, phải có sức sống và hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Thành lập thì dễ, mà nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển luôn đòi hỏi nhiều công sức đầu tư, mà đầu tư cũng nhằm ý đạt tới giá trị nào? Vật chất hay tinh thần, kinh tế hay kinh doanh? ảnh hưởng hay tranh giành?

  1. Mục đích hội đoàn:

Ta cần phân biệt mục tiêu và mục đích.

Mục đích là điểm đích cuối cùng nhắm tới, còn mục tiêu là những điểm đến gần nhất, khả thi trong thời gian, về số lượng, mức độ. Như vậy, để đạt được múc đích, người ta phải thực hiện được những chuỗi mục tiêu được đề ra. Chúng ta cũng tạm gọi là mục đích gần và mục đích xa. Sự khác nhau giữa mục tiêu và mục đích là tầm nhìn xa gần.

Mục đích của hội đoàn là Nên Thánh, hay Truyền giáo, hay Từ Thiện, hay Giáo dục … nhưng mục tiêu là những việc làm cụ thể cho sáng danh Chúa, thăng tiến gia đình…

Các mục đích và hoạt động của mỗi hội đoàn khác nhau, không gom chung được.

Ví dụ: Hội Caritas khác với Legio Mariae, Hội Mân Côi khác với Gia Đình Tận Hiến …

Khi giúp hội đoàn nào, ta phải nắm rõ mục đích chung và riêng. Vì ông cha chúng ta thường nói “Phi nguyên nhân bất thành hiệu quả”. Không nắm rõ mục đích thì không có kết quả mong chờ.

– Có nhiều người tham gia một cách phong trào không rõ mục tiêu, nên đã gây ra nhiều đổ vỡ, tranh dành, lấn sân, đụng độ. Cũng có người tham gia để mưu đồ phá đổ, tranh giành, nhiều vai trò chỉ huy trong các hội đoàn.

– Nhẫn nại với những thành phần sống sai tinh thần, theo lối bè phái, đả kích. Người điều hành được hội đoàn có những rắc rối đó mới là nhân tài, đắc chí nhân tâm. Cảm hóa tha nhân bằng Tin mừng của Chúa Giêsu. “Khi điều hành cộng đoàn, anh em đừng sợ những con người chống đối” (Th. GH Gioan Phaolo II).

– Cần thanh lọc những thành viên gây gương mù quá nặng, chỉnh sửa lại những sai lầm, nhiễu nhương trong các việc làm. Việc cá nhân khác với việc tập thể, cá nhân đừng nhân danh tập thể mà làm những việc chung dể gây hiểu làm cho tập thể (đánh lận con đen).

– Phương thế chính và phụ. Đâu là những điều căn bản, chính cốt trong hội đoàn của mình, nếu không, lắm kẻ mơ hồ “theo đóm ăn tàn”. Kinh nguyện nào là bổn phận, hoạt động nào chính cốt.

Trong Gia Đình Tận Hiến: Kinh Mân côi là kinh bổn phận. Huynh đoàn Đaminh là kinh phụng vụ Sáng và Chiều, họ được thay thế bằng 50 kinh Mân côi. Đó là những phương thế siêu nhiêu.

– Những điều khác nhau và giống nhau giữa các hội đoàn.

  1. Phương thế để hoạt động:

Mục đích bao giờ cũng cao đẹp, đẹp như lý tưởng, nhưng nếu không đưa ra được những phương thế thực tế thì chẳng khác nào xây một thiên đường đẹp mà không có lối dẫn vào.

Phương thế là các phương tiện trong tầm tay, giúp các thành viên sinh hoạt bảo tồn và phát triển cộng đoàn của mình.

Dựa theo các phương tiện của Giáo hội có sẵn: các kinh nguyện, Thánh Lễ, tĩnh tâm, sinh hoạt, chia sẻ Lời Chúa … làm việc từ thiện theo định kỳ, hoặc trước lễ bổn mạng.

Việc làm chung hoặc riêng cá nhân, nhằm để củng cố tinh thần, hoặc linh đạo của đoàn thể đề cao.

Bao gồm phương thế tự nhiên và siêu nhiên. Các biện pháp hỗ trợ, đồng hành, và hướng dẫn cho đoàn thể của mình, như sách vở, thánh ca, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Tại sao vẫn có những lạm dụng trong các hội đoàn giáo dân? Lạm dụng về vật chất, nhân sự, trục lợi… do bởi đâu? Anh chị hãy nêu lên lạm dụng nào từng được nghe nói.
  2. Tổ chức nào cũng đòi hỏi đến sự đóng góp vật chất và tinh thần dấn thân. Thế nhưng, vẫn có những thành viên không chịu đóng góp như mọi người. Ta phải xử sự như thế nào cho có tinh thần Tin mừng?

  1. Những việc làm sau đây thuộc loại nào:

Stt Công việc Bổn phận Bác ái
       1 Hành hương    
       2 Đọc kinh nhà hiếu của thành viên    
       3 Đọc kinh nhà hiếu không thành viên    
       4 Dự tĩnh tâm tháng    
       5 Đóng góp quỹ hằng năm    
       6 Gửi quỹ lên cấp miền    
       7 Đóng góp tiền xây dựng nhà thờ mình    
       8 Đóng góp tiền xây dựng nhà thờ do GĐTH kêu gọi    
       9 Đeo huy hiệu của hội    
     10 Đi từ thiện xa xứ    
     11 Dự thánh lễ Misa    

 

BÀI 5

HUẤN LUYỆN VÀ TỰ HUẤN

Dành cho người lãnh đạo

“Khi nào Thần Khí sự thật đến,

Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13)

Khả năng điều hành không phải tự nhiên mà có theo đức tính thủ lĩnh, nhưng ai cũng đều có thể làm được nhiều việc, nếu biết triển khai đúng mức. Một khi đã được đề cử vào Ban Phục vụ, ta phải biết được tâm nguyện của anh chị đó sẵn có một khả năng đứng trước một nhóm, một đoàn thể.

Nhưng nếu chúng ta chỉ ý nại vào việc nhà dòng huấn luyện cho mình, mà tự mình không cải thiện hoặc không tự luyện thì cũng chẳng có thêm cho mình khả năng lãnh đạo tốt. Nên một số anh chị vẫn thường hay cho mình kém khả năng, bi quan, mặc cảm trước hoạt động tông đồ của mình.

Đừng nên nghĩ rằng: tính khí hoạt động dành cho người lãnh đạo, còn các tính khí khác thì bất khả thi. Con người chúng ta có tính xã hội và thích nghi, vậy chúng ta cần tận dụng những cơ hội, đừng nhút nhát, e dè. Trước lạ sau quen, không biết làm rồi cũng sẽ biết làm. Cứ tập đối diện với mọi công việc sẽ giúp ta phát huy khả năng làm việc.

– Thời gian thụ huấn, tĩnh tâm, học hỏi, đồng hành … tập nói, chia sẻ, biết triển khai vấn đề chính phụ.

– Biết làm chủ bầu khí, tùy theo đối tượng: người cao niên khác với người trẻ, thiếu nhi khác với các đoàn thể khác. Cách chia sẻ với thiếu nhi khác với người cao niên và ngược lại.

– Thời gian tự luyện, họ cần nắm rõ tinh thần, quy luật, hoạt động chung riêng … thì họ mới tự ý thức thăng tiến.

Chịu khó đọc sách, tìm hiểu trên nhiều phương tiện để tự luyện cho mình nhiều khả năng. Qua cách thức tự luyện đủ nói lên con người trưởng thành, có lập trưởng, có trách nhiệm và làm chủ được con người của mình.

– Sống dựa người khác thì đông, còn tự ý thức luôn là điều hiếm thấy.

Theo từng giai đoạn phát triển, bao giờ cũng phải dựa vào những người đi trước gọi là tiền bối, nhưng cũng cần phải biết sáng chế, sáng tạo, tư duy, để biết cách tự điều chỉnh công việc.

Người lãnh đạo đừng quá lo sợ người thuộc quyền làm sai, nếu cứ vậy thì anh em dưới quyền không bao giờ “lớn lên” và có trách nhiệm, vì họ luôn dựa vào mình.

Ví dụ: hội đoàn nào mới thành lập chưa quen thì ta phải điều hành, chỉ dẫn từng vai trò trong ban lãnh đạo, từng nhiệm vụ, và nhất là thường xuyên hội họp để rút kinh nghiệm. Ban Phục vụ nào ít khi hội họp thì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề, rắc rối.

Rồi dần dần sẽ để họ tự điều hành, tự quyết trong những phạm vi vừa sức, khi quen rồi ta nên thêm người cộng tác để kế thừa. Ta cũng cần đề cao vai trò anh chị phục vụ cho đúng mức, chứ đừng dùng họ như một nô lệ, chỉ biết chấp hành mà không biết đề xuất. Khi họ được đề cao đúng mức thì họ tự thấy mình có trách nhiệm với công việc được giao.

Trong thực tế vẫn có những người làm rất đúng vai trò, nhưng cũng chẳng thiếu những người làm sai, lạm quyền, thì ta cứ nhẫn nại sửa sai trong tinh thần xây dựng. Có những điều sửa sai rất khó, phải chờ nhiều thời gian thấm sâu trong tư tưởng.

– Tập sự cho những người có khả năng phục vụ.

– Lưu ý việc kế thừa cho ban quản trị (tìm kiếm, thân quen, tiếp cận, chia sẻ… với người mình lưu tâm).

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Văn phòng GĐTH chưa kịp gửi đề tài tháng thì Ban PV xoay sở cách nào thay thế?
  2. Trong các sinh hoạt của GĐTH (đọc kinh, chia sẻ đề tài tháng, bắt hát, thu tiền, đi từ thiện, sắp xếp chỗ ngồi…) sinh hoạt nào giúp anh trưởng xứ có tư cách đứng trước đám đông?
  3. Anh chị đã từng được góp ý về việc nào? Có dễ dàng đón nhận ý kiến không?

BÀI 6

HOẠT ĐỘNG MỞ RỘNG – ĐA DẠNG

“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn,

đây là người Ta yêu dấu : Ta hài lòng về Người.

Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người.

Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân”.

(Mt 12,18)

– Đa số các hội đoàn ngày nay theo tinh thần Vatican II là mở rộng lãnh vực hoạt động. Giáo dân ngày nay không chỉ ngồi đó mà đọc kinh nữa, họ cần có một “cây gậy” để được sai đi phục vụ trong nhiều lĩnh vực.

Không nhận thức đúng, người ta dễ ảo tưởng về việc tông đồ: một là ù lì hai là quá độ công việc mà quên bổn phận mình.

Thái độ ù lì là chỉ cần có tên trong hội đoàn, mà không chịu cộng tác, không sinh hoạt, để khi chết có nhiều người đến đọc kinh.

Thái độ hoạt động quá mức là tự gây sự chú ý vào mình, làm đôi ba việc đạo đức thì cứ tưởng như vậy là nên thánh, là tốt hơn mọi người, rồi hợm hĩnh coi thường người khác, tệ nhất là quên bổn phận mình.

Có những người thích làm từ thiện, thích hành hương, nhưng thực chất là thích đề cao mình, tìm tư lợi, háo danh, nên hay gây ra xung đột, nhất là những người có cá tính trội.

Vì thế, hội đoàn cần phải có nhiều hoạt động đa dạng, để cho hợp với nhiều tính cách khác nhau trong các thành viên.

Đa số hoạt động của GĐTH là đạo đức, đọc kinh là chủ yếu. Vậy anh chị phải làm gì cho sinh hoạt của mình trẻ trung hơn? (thăm bệnh nhân thành viên, ngoài hội đoàn, không kể lương giáo… trước lễ bổn mạng, lễ Giáng sinh, tết…).

– Ai đủ thẩm quyền trao cho họ cây gậy đó? Cây gậy muốn nói ở đây là người tông đồ giáo dân được hoạt động tới mức độ nào, tương quan với những ai? Nếu các hoạt động muốn đưa vào các giáo xứ thì chúng ta cần phải trình bày cho cha xứ biết trước, nhất là việc quyên góp rất tế nhị …

Rồi các thông tin, truyền đơn, tài liệu nhạy cảm … có vẻ đạo đức nhưng anh chị cần phải kiểm duyệt và có trách nhiệm, nếu ai hoạt động ngoài tầm kiểm soát của mình thì buộc phải nhắc nhở, kỷ luật để tránh hậu quả đáng tiếc về sau. Nếu nhắc nhở họ nhiều lần, mà không thay đổi, anh chị buộc phải trình lên vị hữu trách.

– Hoạt động theo đúng tôn chỉ của hội đoàn mình, đừng quá bắt chước mà vô tình đánh mất tính năng của mình. Ví dụ: tinh thần bác ái thì bất kể hội đoàn nào cũng phải có, vì đó là giới răn Chúa dạy. Nhưng hình thức hoạt động bác ái như thế nào? Cấp độ nào? Theo chủ trương của ai? Nếu không thì hội nào cũng lo đi từ thiện thì lại lấn sân bên Caritas.

– Hoạt động quan trọng nhất là chu toàn bổn phận của mình. Đôi khi người kitô hữu hiểu sai về việc bác ái mà vô tình bỏ quên bổn phần của mình nơi gia đình và giáo xứ. Có khi năng tham dự các giờ liên gia mà bỏ quên giờ kinh gia đình.

– Giúp họ hiểu được bệnh tật, già yếu là một phương thế thánh hóa chính mình, hi sinh âm thầm và cầu nguyện cho tha nhân, truyền giáo bằng tinh thần thơ ấu thiêng liêng.

– Hoạt động thời @: những thông tin một chiều xem cho biết chứ đừng vội tin. Trao đổi thẳng thắn không nặc danh. Biết đón nhận những suy nghĩ trái chiều của mọi người. Tận dụng những phương thế hiện đại để làm việc tông đồ, trao thông tin, hẹn giờ sinh hoạt, thông báo …

Nên cho thành viên tự tiện nhắn tin, để đỡ mất giờ, hoặc khi tiện thì ta gọi lại (trừ khi cao tuổi không biết nhắn tin). Đừng quá cầu kỳ vào cách thức làm việc, ta phải linh động và hợp thời một chút.

– Biết nhận định, phân tích, đánh giá mọi hoạt động trong và ngoài Giáo hội (tuyệt đối trung thành với Giáo hội).

Cẩn phòng với những mặc khải tư, nhất là những mặc khải tư đã bị Giáo hội ra thông báo cấm. Nếu người trong ban quản trị tiếp tay loan truyền với những thông tin khả nghi này, anh chị cần nhắc nhở ngay, và nếu không nghe thì ta nên nói cho cha xứ biết (hoặc vị hữu trách).

Khi so sánh các hoạt động của các hội đoàn trong giáo xứ, ta nên khiêm tốn, đừng tỏ vẻ cậy thế, vô tình gây chia rẽ. Ngược lại, ban PV nên tạo cơ hội cho thành viên biết làm việc chung.

Nhất là trong việc làm tự thiện, ngày nay hầu như hội nào cũng góp phần vào việc này, ta nên tham khảo ý kiến của cha xứ. Vì xứ nào cũng có ban Caritas, nếu không thì sẽ gây sự hiểu lầm với nhau hoặc không thống nhất trong việc từ thiện.

– Tinh thần cởi mở rất cần trong hoạt động.

Người làm việc với tinh thần cởi mở dễ thành công, cho dù ban đầu có thể hiểu lầm, do dư luận không tốt, nhưng đừng vì đó mà ta khép lòng mình lại. Dữ nhiên theo sự khôn ngoan ta phải biết những hạn chế, những mức độ cởi mở cho đúng, kẻo lại quá dễ dàng đến vô tình ôm đồm nhiều việc làm mất điều chính cốt.

Những ai chưa biết làm việc theo đúng chức năng, chưa dám thể hiện chính vai trò của mình thì ta nên động viên, và thúc đẩy họ làm việc, đừng quá bẳn gắt mà mất tình huynh đệ.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Khi kêu gọi đóng góp làm tự thiện, ta nên tổ chức như thế nào cho hợp hoàn cảnh? Đổ đồng đầu người hay tùy ý, hay từng trường hợp?

  1. Trong trường hợp quỹ bị thiếu hụt thì giải quyết cách nào? Để tổ chức lễ bổn mạng.

  1. Những hình thức hoạt động theo lứa tuổi rất cần thiết. Vì tuổi trẻ thích năng nổ, tuổi già thích an vị. Vậy anh hãy chọn ra một bài hát theo tuổi trẻ và bài hát theo tuổi già.

BÀI 7

ĐIỀU HÀNH THEO

 GƯƠNG CHÚA GIÊSU

“Đức Giêsu đổ nước vào chậu,

bắt đầu rửa chân cho các môn đệ

và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,5)

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)

– Tôn trọng người cộng tác, đề cao đức tính và tài năng người khác.

Tìm được một người vừa có tài vừa có đức để làm việc rất khó. Thông thường mỗi người thiếu hụt một chút, được cái này thì thiếu cái kia.

Cho nên ai có tài nào đó, thì cũng cần tự tin một chút mà làm việc, mà cũng đừng chủ quan đến hống hách, tự mãn thì cũng không xong, vì dễ mất lòng người khác.

Theo lẽ thường, người lãnh đạo thường chọn những người hợp tính để làm việc chung dễ xuôi thuận hơn.

Khi cần thiết cũng phải ra oai một chút bản lãnh để các thành viên làm việc có kỷ luật, nhưng đừng dễ quát tháo, coi thường người thuộc quyền.

Và trên hết vẫn là cần thể hiện tinh thần phục vụ như gương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã phục vụ như thế nào ta cần suy niệm trong Tin mừng.

Người lãnh đạo đừng quá khó khăn khi anh em thuộc quyền nhờ vả đến mình, vì một khi anh em nhờ vả đến vị lãnh đạo thì hiểu rằng họ quá bế tắc rồi.

Cho nên, người lãnh đạo đừng “chỉ tay năm ngón”, đừng ngại sắn tay áo rửa dọn các việc chân tay.

– Biết nhìn người, và dùng người. Đây là một khả năng không dễ, vì con người chúng ta thường dễ bị thành kiến do tình cảm chi phối, do dư luận không tốt về người khác. Cuộc sống vẫn cho ta thấy có những trường hợp đặt để người này làm việc không đạt hiệu quả, đôi khi còn rách việc. Nhưng chúng ta cần luôn có cái nhìn hy vọng về mọi người. Nếu không được như ý thì ta cũng nên cám ơn họ đã cộng tác, chứ đừng phụ bạc tấm lòng nhiệt thành của họ mà cách chức đột ngột, trừ khi họ làm gương mù công khai đã bị nhắc nhở nhiều lần.

– Phục vụ vì Chúa chứ không vì con người khen hay chê. Bài học này đòi Ban PV phải có tinh thần dấn thân cao.

Không dễ có người đứng vững trước những lời khen chê của tha nhân, cũng không dễ có người phục vụ hoàn toàn vì Chúa Kitô. Cái tôi con người ta dễ pha vào nhiều việc, cho dù là những việc rất đạo đức.

Khi buổi sinh hoạt định kỳ nào đó mà anh chị đến quá ít thì sao? hẹn mà không đến, hứa mà không làm, lúc đó con người dễ có thái độ nổi cáu, bực bội. Người lãnh đạo có bản lãnh sẽ bình tĩnh trước tình huống đó, vì tức giận cũng đâu giải quyết được gì, nhiều khi làm to chuyện. Chính lúc đó chúng ta mới thấy thiện chí của mình vì Chúa hay không.

– Phục vụ Chúa là phục vụ tha nhân: Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?” (Mt 25,44)

Khi Ban PV gặp cú xốc vì ai đó ở ngoài hoặc trong hội đoàn của mình, lúc đó chúng ta khó mà phục vụ tinh tuyền như Chúa muốn. Lúc đó, người nào thấm đẫm tình yêu Chúa mới dám hy sinh thanh danh, bôi nhọ, mất tiếng tốt.

– Phục vụ trong tinh thần khiêm nhường: Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35)

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Người tông đồ cần quan tâm nhất trong khi phục vụ GĐTH? Đó là bước theo Chúa Kitô, nghĩa là hành động giống Chúa Kitô.
  2. Hãy kể ra những thành phần nào mà Chúa Kitô quan tâm trong việc rao giảng Tin mừng? và quan tâm nhất là thành phần nào?
  3. Có những khi đi hoạt động tông đồ được cha xứ khen ngợi anh chị em trong GĐTH, đối với anh, anh phải ứng xử như thế nào?

 

 

BÀI 8

VĂN HÓA VÀ ĐẠO ĐỨC

“Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón,

thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em” (Lc 10,8)

– Cần biết những tính cách khác nhau của vùng miền để tôn trọng, chứ không phân biệt đối xử.

Theo quan niệm chung của từng miền:

Người miền Bắc: làm việc đạo đức có tính hình thức hơn là chiều sâu. Họ không thích chung tay làm việc giữa các giáo xứ, mà chỉ thích đánh riêng một mình “trống làng tao, tao đánh”, làng mình cái gì cũng phải hơn làng bên, chơi trội hơn hàng xóm mới oai.

Người miền Trung: Chí khí mãnh liệt, vì môi trường khắc nghiệt, nên cách nói chuyện gần như cãi nhau, to tiếng. Lòng sùng kính Đức Mẹ được nổi bật, còn việc sống đạo cần phải đào sâu hơn.

Người miền Nam: tính xuề xòa, an bình hơn, nên dễ tính, nói năng nhẹ nhàng, khoan dung và dễ chia sẻ. Lòng đạo ở môi trường thuận lợi nên có chiều sâu hơn. Nhưng cũng dễ mắc tật chủ nghĩa cá nhân, không thích hình thức rộn ràng nhiều.

Từ đó, các việc sinh hoạt trong các hội đoàn cũng bị ảnh hưởng nhiều. Rõ nhất là gia đình xứ nào có pha nhiều anh chị em khác miền nhau, khác dân tộc.

Nói về tôn trọng vùng miền thì gián tiếp cũng là tôn trọng cục bộ của mỗi địa phương.

Khi cuộc họp đa tạp gồm nhiều giọng nói, trong những buổi họp cấp toàn giáo phận, toàn quốc, ta nên nói chung một giọng phổ thông (giọng Hà nội pha Sài gòn).

Nếu anh chị nào không chịu chỉnh sửa giọng nói cho phổ thông, thì công tác thay đổi chỗ ở, hoặc đi công tác xa quê rất khó chấp nhận môi trường mới. Ngược lại, cũng cần tập cho quen nghe, quen nhìn nhận và đánh giá theo lối nhìn địa phương nữa, để người tông đồ có cái nhìn thông cảm với mọi miền đất nước.

– Hiểu đúng tinh thần Hội nhập văn hóa của Giáo hội.

 Là đưa sứ điệp Tin mừng vào trong nền văn hóa của dân tộc bằng cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa đó, đồng thời hoàn chỉnh nền văn hóa đó theo tinh thần Kitô giáo. Như vậy hội nhập văn hóa là một cuộc hội thoại giữa đức tin  văn hóa, nó có hai chiều:

  1. Một đằng làthích ứng sứ điệp Kitô giáo với văn hóa của dân tộc lãnh nhận sứ điệp, vận dụng những yếu tố phù hợp với tinh thần Kitô giáo trong văn hóa của dân tộc ấy để diễn tả sứ điệp, hầu đưa sứ điệp vào lòng dân tộc ấy một cách thuận lợi và dễ dàng. Chẳng hạn khi diễn tả sứ điệp Kitô giáo cho người Việt Nam, ta nên dùng những ý niệm, hình ảnh, câu nói quen thuộc đối với người Việt như ca dao tục ngữ, hay những quan niệm triết lý Đông Phương để giải thích, truyền đạt. Không nên lạm dụng triết lý Tây Phương hay những hình ảnh tuy quen thuộc với người Tây Phương, nhưng lại rất xa lạ với người Việt để diễn đạt sứ điệp. Nhờ sự thích ứng đó, Kitô giáo trở nên dễ hiểu, thân thuộc và dễ chấp nhận với người Việt. Nếu không, Kitô giáo sẽ trở thành xa lạ, ngoại lai, khó hiểu và khó chấp nhận.
  2. Đằng khác hội nhập văn hóa còn làbiến đổi nền văn hóa đó hoàn thiện hơn. Nói khác đi là làm cho nền văn hóa ấy mang nhiều tinh thần Tin Mừng hơn. Đây chính là mục đích phải đạt được của việc hội nhập văn hóa: đó là phúc âm hóa nền văn hóa đó, tức làm cho sứ điệp Tin Mừng ảnh hưởng trên quan niệm, cách suy nghĩ, cách hành xử của dân chúng, làm cho tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần vào lòng dân tộc ấy. Nếu sự thích ứng trên mà không nhằm mục đích này, hay không đạt được mục đích này, thì đó không phải là hội nhập văn hóa đúng nghĩa. Đó mới chỉ là hội nhập văn hóa nửa vời, hời hợt.

Từ tinh thần tận hiến cho Mẹ, cũng như mọi sinh hoạt của GĐTH, cũng phải tùy theo địa phương nơi đó, về giờ giấc, nghi thức địa phương, rước sách… tổ chức sự kiện.

– Ban Phục vụ cần tìm cách viết các bài cám ơn, những bản đúc kết, thưa gửi cho đúng, mà cũng đừng quá cầu kỳ. Nhất là trong những lễ đại trào trong hạt, mọi việc tổ chức phải chu đáo hết sức có thể.

Nếu có sai sót trong khi tổ chức, người lãnh đạo  luôn bình tĩnh, đừng quá vì thể diện, mà nhăn nhó, gắt gỏng. Dĩ nhiên cảm xúc bực bội thì ai cũng có khi gặp trái ý, nhưng chính lúc này anh chị cần thể hiện những gì mình rao giảng theo Tin mừng.

– Khi hoạt động ở cấp độ hạt trở lên, người đại diện cần chuẩn mực hơn. Từ nhân cách mặc, ăn, nói, đọc sách, đi lại cho đến tổ chức ngày lễ. Nhớ luôn có sổ ghi chú, để nhớ ngày lễ mà chuẩn bị xa, chuẩn bị gần. Sau ngày tổ chức nên có một dịp ngồi lại với nhau để góp ý, rút kinh nghiệm cho lần sau. Lúc này đừng quá bắt bẻ nhau, mà phải chấp nhận những giới hạn của nhau để thăng tiến.

– Cần phân biệt giữa việc đạo đức và sự thánh thiện. Đạo đức là việc làm mang tính hình thức bên ngoài, dễ làm dễ thấy. Chính vì nó mang tính hình thức nên lòng đạo đức mà thiếu thánh thiện bên trong sẽ dễ gây tranh đua, ghen tị. Còn thánh thiện là chiều sâu nội tâm, việc dấn thân vì lòng mến Chúa và các linh hồn. Các nhân đức đều từ bên trong tâm hồn chứ không chỉ dựa bên ngoài.

– Đừng tỏ vẻ hình thức quá kẻo ra Pharisiêu.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Hiểu thế nào câu nói: hòa nhập chứ không hòa tan?
  2. Anh hãy viết một bài cám ơn sau một thánh lễ có các cha quản hạt, cha đại diện Bề trên dòng, cha phụ trách, quý tu sĩ … và nhiều thành phần dân Chúa đang tham dự.
  3. Khi vào bàn tiệc, người lãnh đạo có nên uống rượu đỏ mặt, say xỉn, nói năng linh tinh không? Vậy anh phải làm sao cho vui với các thực khách bằng việc nâng ly?

 

 

BÀI 9

TƯ DUY SÁNG KIẾN THEO TIN MỪNG

“Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến,

phát cho họ mười nén bạc và nói với họ

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (Lc 19,13)

– Vâng lời có sáng kiến, chứ không thụ động, không luồn cúi. Thông thường người giáo dân rất dễ vâng lời, đôi khi vâng một cách câu nệ, không có sáng kiến.

Ví dụ: Người hướng dẫn cầu nguyện chung, tập cầu nguyện tự phát, nêu lên những ý chính trước giờ kinh.

Tư duy là gì?

Là phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động bên ngoài để diễn tả tinh thần bên trong, rút tỉa những thành quả của người khác rồi sửa lại sao cho hoạt động có tính toán mang lại kết quả cao hơn, làm cho người ta hiểu đúng về công việc và ứng xử cách tích cực với nó.

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 4 (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa. Hà Nội2005); Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt. Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận v. v…

Vậy, tư duy cao hơn suy nghĩ, không hành xử theo bản năng nhưng còn biết hệ thống các hoạt động theo nhận thức, khả năng này giúp ta biết làm việc hiệu quả hơn. Có nhiều loại tự duy: tư duy kinh nghiệm, tư duy hệ thống, tư duy logic, tư duy sáng kiến … Nhưng là người tông đồ, chúng ta cần tư duy theo Tin mừng, nghĩa là ta tìm cách đưa Tin mừng vào cuộc sống có hiệu quả thích thuận với thời đại, với hoàn cảnh, với từng con người khác nhau.

Ví dụ: nhìn vào hàng rước kiệu, có những nơi rất lộn xộn hàng lối, ồn ào cười nói … bởi vì ban tổ chức không biết rút kinh nghiệm, hoặc không lắng nghe góp ý của người khác trong việc tổ chức các lần trước. Ban tổ chức biết tư duy thì sẽ đọc trình tự đoàn rước, lúc nào hát, lúc nào đọc, lúc nào trống đánh…

– Biết chấp nhận sự khác biệt để hiệp nhất.

Bá nhân bá tánh, trăm người trăm ý. Tông đồ là người tạo cho mỗi người biết cộng tác với nhau theo khả năng riêng, nhưng vẫn có sự hiệp nhất, điều đó cần phải học hỏi và tham khảo ý kiến nhiều người.

Có những công việc rất  hợp với Ban điều hành trước, như vậy là đủ (đi sinh hoạt đọc 50 kinh là được rồi), thế nhưng, Giáo hội muốn chúng ta đưa vào giờ kinh phần Lời Chúa. Vậy những ai đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, dựa theo sách vở nào, hoặc áp dụng thời gian đúng mức, cách đọc làm sao? Tất cả những điều đó cần phải tư duy, chứ không phải ai làm cũng được, nếu không sẽ nhàm chán vì khô khan, đọc Lời Chúa mà không có hiệu quả.

“Nước chảy tới chân” lúc đó đùn đẩy cho người này, người khác, thiếu chuẩn bị sẽ không những không có hiệu quả mà còn gây gương mù.

Ngay cả sự chuẩn bị nghe Lời Chúa, chúng ta cũng phải có tư duy một chút, hát bài nào? Ngắn hay dài? Solo 1 hay 2 câu?

Người lãnh đạo phải có tính dứt khoát, đừng tùy tiện sẽ lôi thôi và lủng củng.

– Lời Chúa đến với hết mọi người, mọi thành phần. Ban Phục vụ muốn chia sẻ Lời Chúa thì phải học qua khóa Kinh Thánh cơ bản. Còn không thì nên áp dụng những sách do các Linh mục đã soạn sẵn đang phát hành trong các giáo phận. Không nên tự do cắt nghĩa khi chưa được đào tạo, sẽ gây sai lầm và trái với ý của Giáo hội.

– Linh động chứ không vị luật.

Khi đi sau một người, ta cần phải biết để ý đến những bước chân của họ, mặc dù họ muốn ta đi sát bên họ, nhưng ta cũng cần phải biết có những bước chân ta không giống họ được, vì khả năng của ta khác với họ. Có những đoạn đường họ đi 10 bước là xong, nhưng ta bước đúng 10 bước như họ kẻo sẽ có sự cố xảy ra, vì đôi chân ngắn dài của mỗi người cũng khác nhau. Điều này dạy ta phải biết tư duy, chứ không phải rập khuôn, cứng nhắc như kỷ luật sắt. Đó chính là sự linh động, thích ứng hợp cảnh. Có những hoạt động của giáo xứ khác rất hiệu quả, nhưng lại không hợp với địa phương nhà.

Ví dụ: hằng năm vẫn có tổ chức lễ bổn mạng … nhưng năm nay có một sự kiện khác … ta có thể tổ chức kiểu khác, bớt phần này, tăng phần kia, hoặc có khi bỏ luôn việc tổ chức bên ngoài, cũng có sao đâu. Cho nên đừng quá câu nệ mà làm nặng tình hình chung của hội đoàn. Vì thế, có nhiều hội đoàn ngày nay coi nặng hình thức, coi nặng đồng tiền, coi nặng sự giầu nghèo, vô tình làm chia rẽ nội bộ. Thâm thủng quỹ nên cắn cấu nhau, mất hết tinh thần của người tông đồ. Hậu quả, nhiều người đã rời bỏ hội đoàn cũng từ đó, có khi mất cả đức tin.

– Chúa Thánh Thần làm việc nơi mọi người, mọi dân tộc.

Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong mọi việc đạo đức, nhưng cũng cần phải khôn ngoan mà định lượng, định tính mọi việc. Trong tâm linh, khả năng này gọi là ơn biện phân mọi thần khí.

Có những người được ơn trở lại, được nhiều ơn Chúa trợ giúp, nhưng vì nhận thức kém, nền tảng giáo lý chưa đủ vững, nên vô tình họ là những người cực đoan, hoặc cuồng tín, họ dám sống chết với những điều họ xác tín, chống đối đến cùng những gì ngược lại với họ, và công kích mọi người. Họ chỉ nhận mình là đúng, nhóm mình đúng, còn mọi người đều là sai, và họ kết án luôn cả giáo hội. Đa số những người này, quá khứ của họ bị rơi vào tình trạng cùng đường, thần kinh họ quá căng thẳng, hoặc những cú xốc quá lớn trong đời họ, cho nên khi gặp được bàn tay nào nâng đỡ, họ dám ngông cồng một cách liều mạng.

Có những người được ơn trở lại trong trạng thái bình an, hiền hòa, nối kết mọi người, biết nhìn ra ý Chúa trong mọi biến cố, khiêm nhượng lắng nghe, và vâng phục các bề trên, đó chính là những người được ơn Thần khí của Chúa hướng dẫn.

Người tông đồ cần xác tín rằng: mọi tiến triển trong đời sống tâm linh đều là những hoạt động của Chúa Thánh Thần, và tổ chức nào được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì những thành viên có sự nhẫn nại chấp nhận những sự khó khăn, và biết đùm bọc trong sự hiệp thông với nhau.

Ngược lại, nếu gặp những thành viên ngang ngược, cố tình phá đổ những hoạt động của hội đoàn… ta cũng phải khôn ngoan, cố gắng làm theo ý Chúa, khi đến thời, đến buổi Chúa sẽ ra tay, vì việc chúng ta đang làm là việc của Thiên Chúa chứ không phải của người phàm.

Giáo Hội là của Chúa, Hội Đoàn cũng là của Chúa chứ không là của riêng ai hay của nhóm nào.

Việc tông đồ luôn có sự chống đối, ngăn cản nhiều phía, thậm chí có khi ngay trong nội bộ cũng gây nhiều khó khăn. Vì ma quỷ luôn tìm cách triệt phá các hội đạo đức.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Anh hãy làm một thông báo, để thống kê những người đóng góp công ích:

Ông Đức góp 50.000, bà Lan góp 20.000 thuộc gx. Tân an, chị Hải góp 100.000 thuộc gx. Đức tin.

Cô Lý góp 150.000, cô Yến góp 40.000, anh Hùng góp 120.000 thuộc gx. Giang sơn…

  1. Khi gặp một thành viên khi chia sẻ muốn đưa mình lên, nói về mình quá nhiều, thì anh phải có những biện pháp nào? Lời khuyên ra sao để họ được nhắc nhở mà vẫn chấp nhận được?
  2. Tại sao người đọc suy niệm Lời Chúa hay vấp váp? Hãy tìm ra những lý do.

BÀI 10

UY TÍN – CHÂN THÀNH – XIN LỖI

“Bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm,

trị giá một phần tư đồng xu Rôma” (Mc 12,42)

Bài này bổ sung cho bài 1, nên phần uy tín phục vụ chúng ta không nói nữa, mà chỉ cần đào sâu về hai khía cạnh Chân thành và Xin lỗi.

– Chỉ có Chúa là chân lý. Cuộc sống biết thế nào chân thành là vừa? có cần đến mức ngây ngô không? Nếu chân thành hiểu theo là sự thật, thì sự thật cũng không dễ gì khi chúng ta diễn tả cho chính xác, vì sự thật không phải lúc nào cũng cần phải phơi bày, lúc nào cũng phải nói lên tất tần tật. Như vậy, chân thành ở đây cần phải có thêm sự khôn ngoan nữa, để biết sự thành thật không quá đau thương, mà cũng không buộc phải nói hết.

Người tông đồ chân thành dễ dàng thể hiện trong nếp sống, nó bàn bạc trong lời nói, trong hành động và cả con người hiện diện của họ. Họ cũng không quá cầu kỳ và khách sáo, không làm mầu và nặng hình thức. Luôn thể hiện sự bình thản và đơn giản trong cách sống.

– Chân lý không thuộc về một ai. Khi dẫn dắt người ta đến chân lý, sống trong sự thật của Tin mừng, thì trước hết, người tông đồ phải thấm được phần nào chân lý của Lời Chúa. Chúng ta chỉ có chân lý chứ không phải là chân lý, vì con người là tội nhân, đầy giới hạn, khiếm khuyết, nên mắc nhiều sai lầm, dễ ảo tưởng. Có những điều thật với chủ quan nhưng chưa hẳn là chân lý, nó đúng với suy nghĩ của mình lại chưa đúng với khách quan.

Vì quan niệm khác nhau thì có những lối nhìn khác nhau cho dù cùng chung một đối tượng, một vấn đề. Ví dụ: đứng góc này ta nhìn thấy sự vật là số 6, nhưng ở góc khác lại là số 9.

Cho nên trong việc tông đồ, việc lương tâm, chúng ta tôn trọng tiếng nói lương tâm của người khác, đừng vội vàng kết luận người khác là sai. Người tông đồ cần có tấm lòng độ lượng, bao dung và tha thứ khi gặp sai lỗi của người khác.

Khi gặp tranh cãi giữa các thành viên về chuyện nội bộ, chúng ta đừng hành xử bên đúng, bên sai rõ ràng, như thế sẽ dễ làm mất lòng nhau. Đôi khi cũng chẳng cần trắng đen rõ ràng, mà cần thông cảm lẫn nhau. Đôi khi (nếu cần thiết) người sai phạm phải nói lời xin lỗi, nhưng cũng có khi chẳng cần họ phải nói công khai, chỉ cần họ nhận ra cái sai và tự điều chỉnh là được.

– Uy tín ở sự chân thành và tôn trọng chứ không ở khả năng tài giỏi. Đa số thế giá của một con người được xây dựng từ những thành công do khả năng mang lại, nhưng vẫn có những uy thế do con người biết khắc phục và chân thành sửa đổi. Dù khả năng không bằng người khác, nhưng họ vẫn nhẫn nại với thiện chí dấn thân, họ vẫn thành công điều hành được công việc, vì họ biết lắng nghe và khắc phục để rút kinh nghiệm.

– Chấp nhận giới hạn của mỗi người.

Khi nhận ra giới hạn của mình, thì mình cũng sẽ thấy thông cảm với những giới hạn của các anh em khác, tức là sẽ thấy cần có nhiều trợ lực từ nhiều người khác tương trợ nhau.

Có những khi ban đầu quyết định chung đã được thông báo, nhưng khi áp dụng lại không thuận lợi, phải thay đổi một chút trong ban tổ chức, mà không kịp báo lại, mà người lãnh đạo đành phải mang tiếng là “trống một đàng, làm một nẻo”. Sau khi thay đổi như thế, chắc chắn sẽ nổi lên những dư luận không tốt, mang bầu khí ồn ào, nghe những thông tin trái ý đến ban tổ chức. Lúc này người phục vụ cần khiêm nhượng nhận lỗi, và khắc phục để rút kinh nghiệm.

– Mạnh dạn xin lỗi đó là người chân thành.

Cũng có khi cần xin lỗi chung hoặc riêng, tùy theo trường hợp, đừng nghĩ rằng lời xin lỗi làm mất mặt người lãnh đạo. Nhất nữa là các hội đoàn nào mang tính gia đình, thì lời xin lỗi càng dễ dàng hơn. Nhưng quan trọng phải xin lỗi cách chân thành, đừng quá môi mép khách sáo!

Nhận mình sai lỗi là một bài học từ bỏ rất lớn, mà Chúa Giêsu đã thực hiện, người tông đồ thành công  cũng cố gắng thực hiện được.

– Công chính là nhận ra mình sai lỗi, thánh thiện là biết sửa lại lỗi lầm. Vì thánh thiện nơi nhân loại là sự thánh thiện thông phần mà thôi.

Khi tiếp nhận một thành viên mới, ta luôn dựa theo tiêu chuẩn của mỗi thủ bản, quy luật của hội đoàn. Nhưng phải luôn ghi nhớ: sự ràng buộc của các hội đoàn giáo dân mang tính đạo đức, chứ không phải là bậc sống tu trì, nên cũng có những trường hợp ngoại lệ, và những trường hợp này luôn phải được dự liệu theo luật căn bản của Giáo hội.

Ví dụ:

* Những người rối luật vợ chồng có được tham gia vào Hội Mân Côi không? Legio Mariae? Gia đình Tận Hiến?

* Những đôi vợ chồng đang dùng biện pháp ngừa thai trái luật Giáo hội có được tham gia…

* Những người mắc vạ tuyệt thông có được tham gia hội Lòng Chúa Thương Xót không?

Điều quan trọng là:

Họ nhận ra cái sai của mình đó là họ đang sống trong sự thật. Sống trong sự thật không phải là họ không mắc những sai lầm, nhưng khi họ nhận ra điều sai đó, tức là họ có chân lý trong lòng.

Họ sửa được lỗi lầm đó chính là sự công chính. Sự công chính của con người thánh Phaolo gọi là công chính hóa bởi đức tin, nghĩa là: vì lòng tin vào Thiên Chúa mà chúng ta sửa sai, đền tội, từ đó chúng ta nên tốt hơn. Vậy, sự thánh thiện của con người không phải do bản tính mà do được thông phần với Thiên Chúa.

Kết luận: sự công chính của con người khác với sự công chính của Thiên Chúa ở bản tính và mức độ,  nhưng luôn hòa hợp với nhau, nghĩa là người công chính luôn vâng theo Thánh Ý Chúa.

– Đừng tham quyền cố vị.

Khi làm việc sẽ thấy có những người rất tham quyền, tỏ uy thế một cách hống hách, miệng nói xin nghỉ việc, nhưng trong lòng lại không muốn nghỉ. Đôi khi họ nghĩ không có mình thì không có người làm việc. Tất cả những tình huống đó cũng có thể xảy ra nơi con người tông đồ, cho dù là tu sĩ hay giáo dân.

Cho nên có những sự chân thành lại làm mất lòng nhau, vì chân thành được việc nhưng lại có khi mất tương quan tốt. Vì thế mà chẳng thiếu những trường hợp khi họ nghỉ việc là nghỉ chơi luôn, không cộng tác điều gì hết, thậm chí ra khỏi hội đoàn luôn, và đau lòng phải nói đến câu “không ăn thì đạp đổ”.

Tất cả những phiền não đó đều do cái tôi ích kỷ mà ra, cộng với nhận thức chưa đủ, lòng đạo đức chưa sâu, cho nên người tông đồ đó chạy theo sĩ diện hơn là việc của Chúa.

– Tái hoạt động nơi nào, nên luôn nghĩ tích cực.

Khi đón nhận việc mới, người mới, bao giờ ta cũng nghe nhiều thông tin trái chiều: phe này, nhóm kia … ta đừng vội tin, cần tham khảo nhiều người, nghe nhiều hướng và khi chia sẻ cố tránh đề cao hoặc hạ thấp người này hay người khác, luôn theo tiêu chuẩn của Lời Chúa.

Khi nhận thấy những hành động, lời nói, dư luận đúng như mình nghĩ thì cũng nên suy nghĩ thêm, chứ đừng vội kết luận, vì lòng người khó dò.

Quan trọng nhất là người tông đồ luôn có cái nhìn tích cực, nói và hành động tích cực. Cho dù có nghe thấy người này, người nọ tiêu cực, thì ta phải xác tín về vai trò của Chúa Thánh Thần.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Những người rối vợ chồng có được vào Ban điều hành không? Giải quyết chứ không chỉ trả lời có / không.
  2. Khi được đề nghị một người vào danh sách đề cử để bầu ban quản trị mới, mà khóa trước người đó có bất bình nặng với tu sĩ, thì ta có nên nhận lại không? Giải quyết vấn đề.
  3. Khi tu sĩ mắc phải sai lầm lớn trong việc điều hành hành hội đoàn và ảnh hưởng xấu đến nhà dòng. Ban PV phải có thái độ nào, và cần biện minh ra sao với bề trên?

BÀI 11

TRUYỀN THỐNG VÀ CANH TÂN

“Thần khí Ta đi trước mặt ngươi,

để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu,

để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại

hướng về nẻo chính đường ngay” (Lc 1,17)

“Rượu mới và bầu da mới” (Lc 5,38)

– Thăng tiến luôn biết canh tân.

Thời gian luôn thay đổi, thì những điều kiện cuộc sống cũng đổi thay, cho nên hình thức hoạt động của các hội đoàn cũng cần phải thích ứng với cuộc sống mới.

Giá trị trần gian mang tính tương đối, luật lệ con người thiết lập cũng mang giá trị tương đối, nên vẫn có thể đổi thay cho thích nghi. Chỉ có luật của Thiên Chúa thiết lập mới vĩnh viễn.

Giá trị tinh thần nó nằm bên trong sự vật, muốn diễn tả tinh thần đó, thì nó phải thể hiện qua hành động bên ngoài. Như vậy, khi canh tân sửa đổi hình thức thì tinh thần bên trong không ảnh hưởng gì.

Ví dụ: tinh thần bác ái. Không ai nhìn thẳng vào lòng yêu người của ai đó được, nhưng người ta nhận biết nó là dựa vào hành động của họ, khi họ giúp đỡ tha nhân, qua những dịp từ thiện chẳng hạn, hay đi thăm nom các bệnh nhân. Như vậy, khi canh tân thay đổi cách áp dụng việc từ thiện ở vùng sâu, vùng xa phải khác với ở vùng thành phố.

– Thăng tiến không đánh mất bản chất.

Khi lên lịch thực hoạt động, tĩnh tâm, sinh hoạt cho hội đoàn của mình, ai có đầu óc canh tân thì sẽ luôn thao thức tìm phương thế mới để đưa tinh thần của hội mình đi lên.

Điều đầu tiên họ phải tìm ra được nguyên nhân nào làm cho hội đoàn mình đi xuống: ban điều hành chưa tích cực dấn thân? cá nhân nào đó? Hoàn cảnh không thích hợp? cách sinh hoạt không hợp nên tạo cho thời gian nặng nề? ai ai cũng phải chịu đựng vài người nào đó? Việc đóng góp mang tính áp đặt quá? Mùa màng địa phương? Sau khi nhìn ra được các nguyên nhân, chúng ta thấy có những điều mình phải chấp nhận vì nó tạm thời sẽ qua theo thời gian, một số khác cần phải sửa đổi theo cách thức kỷ luật hoặc nhắc nhở… và cũng có khi phải dùng biện pháp mạnh, kỷ luật vì gương mù quá lớn. Trước khi áp dụng biện pháp mạnh này, ta nên nhắc nhở trước đôi ba lần và có đủ thời gian cho họ suy nghĩ và sửa đổi.

“Cây nho phải chịu cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15).

Dĩ nhiên những điều canh tân đụng đến nghi thức, bản chất của lời cam kết những điều thuộc luật chung, ảnh hưởng đến tinh thần của hội đoàn, Ban PV không tự quyền thay đổi, mà phải có chấp thuận của cấp trên rõ ràng cho từng phần. Vì thay đổi hình thức nhưng không được làm thay đổi tinh thần bên trong. Thay đổi nếp sinh hoạt nhưng không đánh mất bản chất của hội đoàn.

Ví dụ: bắt chước một số hoạt động của hội đoàn khác về các kinh đọc, các tài liệu, tổ chức viếng xác, kinh liên gia… mà theo bài bản của hội đoàn khác. Nếu Ban PV chỉ tìm hiểu để tham khảo thì được, còn đưa vào sinh hoạt thường xuyên cho đoàn thể của mình thì sẽ gây nhiều mâu thuẫn. Nếu tham gia tổ chức chung với các hội đoàn khác trong việc từ thiện, bác ái, viếng xác thì tốt, nhưng đừng thường xuyên.

Trường hợp, vì hoàn cảnh nhà hiếu, nên 2 hội đoàn cùng viếng xác chung. Vậy anh chị nên đọc kinh theo chương trình của hội nào? Giải quyết cho ồn hòa và nhường nhịn đó mới là người sống theo Tin mừng.

– Lời Chúa luôn phù hợp với mọi thời đại.

Sự canh tân của Giáo hội luôn dựa theo Lời Chúa, các hội đoàn cũng phải lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi” (Ga 8, 12). “Chúa là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).

Các hội đoàn phải cập nhật những cách thức mới để áp dụng Lời Chúa, chứ không phải Lời Chúa phải cập nhật theo thời đại. Vì qua mọi thời, Lời Chúa luôn là chân lý, là ánh sáng và hợp với mọi thời đại. Các tông đồ cần phải thích ứng với nhiều phương pháp hiện đại làm sao chuyển tải Lời Chúa đến cho mọi người. Cho nên trong các buổi hội họp, chúng ta luôn đọc một đoạn Lời Chúa để làm nền tảng và soi dẫn cho mọi tâm tình đạo đức.

– Khi thay đổi cách sinh hoạt, chúng ta luôn dò xem ý muốn của mọi người về một việc nặng hình thức nào đó, và thấy nhu cầu phải canh tân. Mọi người đồng thuận, thì khi áp dụng sẽ bớt dư luận và hiệu quả cao hơn. Đừng bao giờ tự thay đổi những sinh hoạt, những tiêu chuẩn, những điều kiện, những phương tiện mà chưa hội họp chung trong Ban PV. Đôi khi có những thay đổi phải chuẩn bị cả năm, cả mấy năm.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Một người vì bận rộn cho nên không chu toàn lần hạt kinh mân côi đã qui định, nay họ xin bớt số lượng, hoặc đọc kinh Lòng Thương Xót thay thế, anh chị phải giải quyết làm sao?
  2. Một anh phó ngoại trong hội đoàn của mình phải gánh thêm vai trò của ban thường vụ giáo họ, hoặc giáo xứ, hoặc ban ngành của hội đoàn khác, nay xin bớt thời gian sinh hoạt cho cá nhân, thì anh chị nên giải quyết cách nào?
  3. Vì địa bàn quá rộng, các giờ kinh liên gia không tiện tập trung, nhất là tháng mưa. Anh chị có thể xử lý thế nào cho yêu cầu của thành viên đó?

 

BÀI 12

NHỮNG NGUY CƠ VƯỚNG PHẢI

 

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)

  1. Óc thành kiến: là ý nghĩ cố định về người nào đó, xuất phát từ cách nhìn không đúng hoặc dựa trên cảm tính và luôn mang giá trị tiêu cực.

Chúng ta khó hiểu hết được tâm tính mỗi người, đa số chúng ta hay khoác lên trên mọi người cái nhìn không chuẩn vì cảm tính ta chi phối, vì những dư luận có sẵn về ai đó, cho nên chúng ta không dễ gì tin tưởng người đó ngay được.

Vì thế, thành kiến xấu nó làm ảnh hưởng không tốt hoặc có khi đánh mất tương quan lành mạnh anh chị em mình. Cho nên khi dùng người mà không đúng người, đúng việc rất dễ tạo phe nhóm, và chỉ tìm quyền lợi phe nhóm là sai hoàn toàn, không đúng tinh thần Tin mừng.

Người lãnh đạo tốt và giỏi phải luôn tạo cho các thành viên của mình nhiều cơ hội để họ tự chứng minh năng lực của mình. Nếu dư luận có xấu về họ, hoặc họ có khuyết điểm nào đó mà ta kỷ luật họ, thì ít ra cũng cho họ một cơ hội để họ sửa lỗi lầm.

Để bớt thành kiến xấu về ai đó ta nên làm theo các điều sau:

* Nghe thông tin hai chiều, đừng nghe một ai đó (cho dù người thân tín nhất nói với ta) mà ta đã quyết định là chưa đúng.

* Đừng bắt người khác phải đồng quan điểm với mình trong hết mọi việc. Suy nghĩ như thế, khi thấy họ khác mình một chút là mình không tin nữa là sai.

* Muốn sửa phạt một ai đó, ta nên đối thoại trong tình huynh đệ, đừng mắng sửa họ một chiều, cần phải mở ngỏ cho họ nói lên điều họ suy nghĩ. Bằng những câu hỏi: tại sao anh làm như thế? Lý do gì chị bỏ việc về ngay lúc đang … như vậy? anh có thể cho em biết lý do nào vậy?

* Phải tìm hiểu qua văn hóa, sách vở, trao đổi nhiều thì ta mới có nhận thức đúng về vùng miền địa phương. Nếu không tìm hiểu đủ, sẽ làm ta cứng nhắc trong suy nghĩ và hành động cục bộ, hành xử này nó cũng thuộc về thành kiến xấu.

* Đừng chỉ nhận xét về ai đó chỉ dựa qua một vài hành động bên ngoài, hay lời nói… vì những dữ kiện đó chưa nói lên tất cả.

  1. Suy nghĩ chủ quan. Cần tránh những suy nghĩ sau:
  2. Đừng coi thường việc học tập, học hỏi kinh nghiệm người khác, thiếu tư duy thì tư tưởng không thông, nên bất tài, hoặc dễ lạc hướng khác. Cần có cái nhìn quân bình về giá trị: giữa con người và công việc.
  3. Đừng nghĩ rằng có thể làm việc một cách qua loa, như vậy quả thực có lỗi với bề trên, có lỗi với lương tâm, dễ thất tín. Có chức vị mà không có uy tín sẽ bị chê cười.
  4. Quyền bính trong Giáo hội là để phục vụ chứ không phải thể hiện uy quyền, áp đặt trên kẻ khác, sẽ mắc tật kiêu ngạo.
  5. Đời sống đừng chỉ nghĩ đến tiền, vì giá trị con người không phải ở sự giầu có, mà ở lòng nhân nữa.
  6. Đừng nghĩ rằng có thể che giấu khuyết điểm. Vì một thời gian làm việc họ sẽ biết được tính xấu của mình, mặc dù họ không nói ra.
  7. Nhân cách sẽ mất dần khi bạn không biết tiết chế ăn nhậu.
  8. Không luyện nhân đức thì mọi hoạt động đạo đức mang tính ganh đua, vô hồn.
  9. Đừng nghĩ rằng tham lam một chút của công sẽ không sao, nên biết rằng: mình không có sự công bằng thì làm sao làm việc có uy tín.

  1. Độc tài, độc đoán.
Người độc đoán là người dùng quyền của mình mà định đoạt công việc theo ý riêng, bất chấp ý kiến của những người khác.

Vị lãnh đạo nên tập cho anh em thuộc quyền có cơ hội điều hành, tổ chức, lãnh đạo cho quen, để sau này còn có người kế thừa. Đừng quá ôm đồm như không có mình thì không ai làm được. Chỉ mình có khả năng lãnh đạo được thôi, đó là người độc tài. Những người độc tài thường hay kỳ thị người khác, mà không chịu bình tâm quan sát và tìm hiểu rõ sự thể. Chính vì không có thói quen tách rời kinh nghiệm cũ khi quan sát thực tế, nên họ thường rơi vào nhận thức sai lầm, nên khó tin tưởng ai.

Khi đã trao nhiệm vụ cho ai thì phải tin tưởng người đó, nếu có nghe nói chuyện gì không hay, ta phải hỏi han trực tiếp, để biết được những lời thị phi có thực không.

Cách giải quyết xung đột: trước tiên phải nghe theo người của mình (trong Ban PV), còn chuyện đúng hay sai thì sẽ chứng minh sau, vì họ chính là cánh tay cộng tác của mình. Chúa Giêsu đã từng nói “Ai nghe các con là nghe ta”. Tiếp theo sẽ phân minh đúng sai cho hợp tình hợp lý.

Nếu cần thiết, người lãnh đạo lên tiếng nói công khai để bênh người quản trị đã, rồi mới xét xử minh bạch. Ngược lại, nếu vị lãnh đạo nghiêng về dư luận nhiều thì ít có người cộng tác.

Khi quyết định một công việc quan trọng nào, vị đó nên bàn bạc với anh em thuộc ban điều hành của mình trước. Khi đã có quyết định chung, mà vị lãnh đạo muốn đặc cách cho một người nào đó ngoại lệ, thì cũng phải nói qua (mặc dù không phải trình bày) ban tổ chức, nếu lấy quyền mà áp đặt không báo trước cho họ, thì chắc chắn sẽ có nhiều điều lộn xộn, mất lòng nhau.

Chỉ vì thiên tư, theo tình cảm, nên vị lãnh đạo độc tài không trưng dụng tài năng những người mình không ưa. Qua hành động như thế người ta sẽ hiểu được ý nghĩ của vị độc tài là họ vô dụng… hành xử như thế, sẽ vô tình tạo cho những người lo tìm ích lợi theo nhóm sẽ có nhiều cơ hội nói xấu người khác, hạ giá, dìm hàng lẫn nhau. Từ đó sẽ gây ra mất đoàn kết, và nhiều mâu thuẫn nội bộ.

Muốn tránh được tính độc tài, chúng ta phải biết tôn trọng nhau, đừng nói xấu, dèm pha, hay vu khống cho anh em mình. Điều cần nói thì nói, chứ đừng dễ nói những bí mật nội bộ cho người ngoài ban PV. Nói như thế sẽ là nguyên nhân chia rẽ.

Cần biết ơn nhau, nhất là những người đã cộng tác với mình, cho dù họ không đủ khả năng chu toàn, nhưng cần biết ơn họ thực sự, chứ đừng vì một điều sai sót của họ, mà chê bỏ hết công sức của họ đã cộng tác với mình.

Nhất là những người thẳng tính góp ý với mình, đừng trù dập họ, mà chính họ là người có tâm tốt mới dám góp ý mình như thế, tuy họ không khéo nói nhưng họ là người thiện chí.

  1. Thiên vị.

Người thiên vị là người làm việc không công bằng, chỉ coi trọng một phía nào đó, thường là do tình cảm chi phối. Khi trình bày với vị cấp trên, ta nên trong sáng mọi vấn đề, nhất là đừng lái ý bề trên, tự mình cắt bỏ người này, người kia, rồi dựa vào thế bề trên phán một lời là xong, thì cũng không ổn.

Đây là khả năng nhận định và đánh giá về một con người tương đối phải chuẩn, việc đánh giá này chắc chắn mỗi người khác nhau, vì tài phán đoán khác nhau.

Hãy chân thành sửa dạy chứ đừng thiên vị người này, quan tâm hơn người kia, nhất nữa là đừng vì đồng quà tấm bánh mà ta làm lơ, lấp liếm nhiều vấn đề, làm ảnh hưởng xấu đến hội đoàn. Ở xã hội họ khai thác điểm này rất mạnh, họ lạm dụng quyền lợi đến mức trở thành tham nhũng hợp pháp. Trong các hội đoàn đạo đức thì không bao giờ được như thế, vì nó sẽ đi trái với Tin mừng.

  1. Tâm lý.

Yếu tố này khá quan trọng, lâu nay dân gian không để ý, cho nên khi phân chia công việc người ta đối xử với nhau như máy móc. Nhất nữa là cứ lấy giá trị đức tin làm chuẩn, để áp đặt mọi vấn đề, điều này cũng không sai, nhưng lạm dụng đức tin để rồi làm khổ các thành viên những gánh nặng không cần thiết.

Yếu tố tâm lý giúp chúng ta quan tâm đến thời gian, thư giãn, hội hè, bác ái, hợp tình, hợp lý, hợp với mọi lứa tuổi, hợp người. Nhất là biết sử dụng tình tương thân tương ái đúng mức, sẽ tạo cho hội đoàn sức sống mới và hấp dẫn hơn.

Người lãnh đạo phải biết tâm lý để có nhiều người cộng tác bền lâu, thì không ngại: nói lời cám ơn, lời xin lỗi, tạo niềm vui, hài hước một chút, quan tâm mọi thành viên, biết sửa lỗi người khác mà không mất lòng, nói thẳng nhưng pha một chút hài trên nét mặt, cắt tỉa và kỷ luật những gương mù nhưng lại bao dung.

Ban PV nào hay nói đùa với nhau một cách tự nhiên, đó là anh chị đã hiểu nhau và dễ thống nhất trong công việc. Ước gì các Ban PV cũng tạo cho bầu khi làm việc với nhau được như thế.

Những câu hỏi và tình huống cần giải quyết.

  1. Những thành phần ngang bướng, có chủ mưu  chia rẽ hội đoàn. Anh quan sát họ như thế nào?
  2. Khi cuộc họp quá ồn ào, họ nói chuyện riêng nhiều, hoặc đọc sách chẳng ai nghe, không tập trung được. Anh xứ trí làm sao ngay lúc đó?
  3. Khi có kẻ lèo lái ban điều hành đi theo hướng khác, thường họ hay dèm pha, chê trách những người không theo họ. Anh xứ trí làm sao trong thời gian dài?
  4. Một người hay nhắn tin nặc danh, làm xấu cá nhân hoặc hội đoàn mình, thì anh phải làm sao?
  5. Làm việc không đúng vai trò “lấn sân chơi”. Anh tính sao với họ?
  6. Người lãnh đạo đôi khi vì khôn ngoan phải nghi ngờ theo khả năng phán đoàn những thành viên có thủ đoạn, để ngăn chặn sự xấu có thể xảy ra tai hại cho cộng đoàn. Vậy suy đoán như thế có được không?

Người lãnh đạo cũng cần phải có chút mưu lược, khéo léo thì mới thành công. (Cha Đaminh M. Sáng Lập dòng)

Nghĩa là phải có mưu tính, chiến lược, chiến thuật.

Đừng quá thật thà, mà đừng quá khôn:

“Hiền lành như chim bồ câu

  Khôn ngoan như con rắn” (Mt 10, 16)

Lễ Mẹ Thiên Chúa 2018

Văn Phòng GĐTH

Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*