Lời Chúa: Ga 1, 29-34
Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: ‘Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi’. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel”.
Và Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người. Từ trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.

Suy niệm:

Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:
“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).
Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,
Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.
Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),
dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),
nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu
lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.
Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,
Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.
Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).
Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.
Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,
mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.
Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy – biết – làm chứng.
Biết một người là chuyện khó.
Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.
Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này,
nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.
Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình.
Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.
Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.
Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường,
qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.
Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.
Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô.
để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,
là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,
là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,
thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống
có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

2. Hướng Lòng Về Mẹ

ẢNH ĐỨC MẸ BAN ƠN

Cuối đệ nhị thế chiến (1939-1945), Ba Lan bị hồng quân Nga chiếm đóng. Sau khi thủ đô Varsava thất thủ, hồng quân Nga tiến chiếm thành phố Plock nằm cạnh dòng sông Wisla. Chỉ trong vòng ba ngày đầu, có không biết bao nhiêu nạn nhân thuộc cả hai phía. Bệnh viện chật ních những người bị thương. Dụng cụ y tế và thuốc men trong thời chiến đã khan hiếm giờ đây càng khan hiếm hơn. Tình cảnh đau thương đặt các bác sĩ và y tá Ba Lan trước một chọn lựa xé lòng: “Trường hợp thiếu thuốc, giữa một người Nga và một người Ba Lan, ai sẽ là kẻ bị hy sinh?” Sau đây là câu chuyện của cô y tá Hania phục vụ hai người cùng bị bệnh phong đòn gánh. Yanek, thanh niên trẻ tuổi Ba Lan và Piotr Ivanovitch, binh sĩ Nga trạc tứ tuần.
Cả hai được đưa vào phòng nhỏ ở cuối hành lang. Cứ mỗi lần lên cơn, trông hai con bệnh vô cùng thảm hại. Buổi chiều hôm trước, bác sĩ trưởng phòng Chmiel dõng dạc tuyên bố với đoàn y tá: “Kho thuốc của nhà thương gần như bị cạn. Các cô hãy tự xoay xở lấy. Đôi khi để nâng cao tinh thần người bệnh, chỉ cần tiêm nước biển cũng đủ!” Cô Hania giật nẩy mình khi nghe bác sĩ nói thế. Cô kéo riêng bác sĩ Chmiel ra và hỏi: “Thưa bác sĩ, còn hai người bệnh phong đòn gánh của tôi thì sao? Tôi chỉ còn duy nhất mũi chích cuối cùng! Vậy tôi phải chọn chích cho ai?” Bác sĩ Chmiel nhìn thẳng vào mắt cô y tá và nói: “Cô là một y tá phải không? Vậy chớ nên hèn nhát trốn tránh trách nhiệm!” Tức giận, cô Hania như muốn hét lớn. Người ta giao cho cô trách nhiệm tuyên án tử sao? Chọn một người để cho họ sống, còn người kia, bỏ cho họ chết! Thông cảm với nổi đau đớn của cô y tá, bác sĩ Chmiel hiền từ nói: “Tôi biết rõ trong thời gian học tập, người ta không giải thích cho cô biết, đứng trước vấn đề luân lý, phải xử sự ra sao. Riêng tôi, tôi không có quyền đưa ra một chỉ thị mơ hồ. Vậy tốt hơn hết là cô phải tự giải quyết khi chạm trán với thực tế. Rồi phó thác mọi sự trong bàn tay của Chúa Quan Phòng.”
Còn lại một mình, cô Hania thầm thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng để con phải giết chết bất cứ ai! Chúa đã dựng nên con làm người nữ, một người nữ để trao ban sự sống chứ không phải để tiêu diệt sự sống!”
Dầu cầu nguyện như thế Hania vẫn đau đớn đắng cay với thực tế phũ phàng – mũi thuốc duy nhất cho hai bệnh nhân – một trẻ, một già – một Ba Lan và một lính Nga ..
Hania nhớ lại câu chuyện của Piotr Ivanovitch, binh sĩ Nga, khi mới được đưa vào nhà thương. Ông đưa cho Hania xem tấm ảnh Đức Mẹ ban ơn và hỏi: “Bà này là Ai mà tôi lượm được dưới đất?” Hania ngạc nhiên mở to mắt. Cô nhủ thầm: “Đúng là dân vô thần!” Nghĩ thế nên Hania dằn mạnh từng tiếng: “Bà này là Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, Mẹ Thiên Chúa. Trong tiếng Nga gọi là Bogomatier!” Người lính Nga lập lại “Bogomatier” với dáng điệu thật ngớ ngẩn. Hania không thèm nói thêm bởi lẽ có giải thích cũng vô ích. Ông ta có hiểu mô tê gì đâu!
… Với tâm thần bấn loạn, với con tim cay đắng, Hania bước vào phòng hai bệnh nhân. Người lính Nga đang ngủ, nhưng Yanek, chàng thanh niên trẻ tuổi Ba Lan đang thức. Chàng đang đợi được chích thuốc theo đúng thời hạn. Thấy cô y tá cứ loay hoay mãi, Yanek như linh tính chuyện chẳng lành. Hay là hết thuốc rồi? Và khi chàng cất tiếng nhắc, Hania bỗng lúng túng nói quanh. Yanek bình tĩnh hỏi:
– Cô hết thuốc rồi phải không?
– Tôi muốn biết sự thật. Xin cô đừng nói dối!
Liếc sang giường bên cạnh, thấy người lính Nga vẫn ngủ say, Hania buột miệng nói:
– Sự thật là chỉ còn một mũi thuốc cho hai người”.
Yanek nói như hốt hoảng:
– Vậy cô sẽ là người quyết định phải không? Và cô quyết định chích cho ai?
Như bị dồn vào chân tường, Hania nói nhanh:
– Tôi sẽ chích cho cậu rồi sau đó sẽ tính.
Yanek chỉ tay sang người lính Nga và hỏi:
– Còn ông kia?
Hania trả lời bâng quơ:
– Ông ta cũng sẽ được chích sau!
Đang còn cầm ống thuốc trên tay và quay sang giường bên cạnh, Hania thấy người lính Nga bỗng mở to mắt và nói lớn tiếng:
– Không. Không cần. Cô chỉ còn một ống thuốc và cô vừa quyết định chọn chích cho anh kia. Anh ta còn trẻ, còn mẹ. Tôi đã già lại không có cha mẹ, một kẻ mồ côi. Vậy hãy chích cho anh ta!
Piotr Ivanovitch cương quyết nhường mũi thuốc cho Yanek. Và anh đã trút hơi thở cuối cùng mấy ngày sau đó, sau khi đã can đảm chống cự với những tàn phá khủng khiếp của vi trùng phong đòn gánh. Cô Hania ngày đêm túc trực bên giường người hấp hối. Trước khi tắt thở, ông Ivanovitch thầm thì với giọng nói gần như reo vui:
– Ôi Bà đẹp! Ôi Bà sáng quá! Ôi Bà thật dịu hiền! Bà đang mĩm cười cùng tôi. Bà gọi tôi. Vâng, tôi đến. “Bogomatier” … “Mẹ Thiên Chúa!”

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn: MeMaria.org

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*