- CHỊU CÁM DỖ – Lm. Thomas Tuấn Bình CRM
- NHỮNG CON DÃ THÚ – Lm. Nguyễn Thái
- MÙA THANH TẨY TÂM HỒN – Lm. Đinh Lập Liễm
- VÀO HOANG ĐỊA – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
- CHIẾN THẮNG CÁM DỖ VỚI ĐỨC GIÊSU – Lm. Trần Ngà
- CHỈ VÌ THƯƠNG NÊN THIÊN CHÚA ĐƠN PHƯƠNG BAN ƠN CHO LOÀI NGƯỜI - Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
CHỊU CÁM DỖ
Lm. Thomas Tuấn Bình CRM
Trong chuyến viếng thăm Lithuania vào tháng 9 năm 1993, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện tại một ngọn đồi nổi tiếng của nước này, thường được mệnh danh là “Ngọn đồi Thập Giá”. Ngọn đồi này nằm tại một ngôi làng hẻo lánh. Qua suốt dòng lịch sử của dân tộc, cứ mỗi lần có một người dân trong làng ngã gục ngoài mặt trận thì toàn dân trong làng tập trung lại để tưởng niệm và dựng lên một cây thập giá.
Dưới thời Nga Hoàng cũng như dưới thời Liên Xô đã có không biết bao nhiêu người dân làng ngã gục để bảo vệ nền độc lập của xứ sở. Binh lính và công an đã làm mọi cách để triệt hạ thập giá khỏi ngọn đồi. Trong ba thập niên liền, ngọn đồi thập giá đã không ngừng bị san bằng bởi những bàn tay vô thần. Nhưng cứ đêm đến, người dân trong làng lại lẳng lặng dựng lên những cây thập giá khác. Cuộc chiến của thập giá cứ tiếp diễn như thế cho đến khi nước này được tự do năm 1990. Ngày nay khách hành hương tìm đến ngọn đồi thập giá này để nhận ra biểu trưng của một niềm tin sắt đá, của khát vọng tự do, và của chiến thắng.
Thật vậy, anh chị em thân mến, có niềm tin hay không, có sống đạo hay không, dường như ai cũng ý thức được rằng đời là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Do đó, khi mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm chiến đấu của Chúa Giêsu trong hoang địa, Giáo Hội muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng cuộc sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu trường kỳ.
Do đó, mặc dầu sống trong một môi trường khác biệt với xã hội thời Chúa Giêsu, lời mời gọi của Mùa Chay sẽ dẫn chúng ta vào hoang địa của thời đại để chịu những cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu hơn 2000 năm trước.
Ngày xưa Satan cám dỗ Chúa Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa trao cho Ngài để phục vụ bản thân qua việc biến sỏi đá thành cơm bánh như thế nào thì ngày nay nó cũng dụ dỗ con người của thời đại dùng bạo lực và quyền hành để làm giàu cho bản thân bằng cách biến những người xấu số thành những tấm bánh lợi lộc cho riêng mình qua việc cưỡng bức và lạm dụng sức lao động của công nhân như vậy.
Ngày xưa Satan hứa sẽ trao cho Chúa Giêsu mọi quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên trần gian, nếu Ngài chịu thờ lạy nó. Nhưng Satan đã thất bại vì đối với Chúa Giêsu, chỉ có Thiên Chúa mới đáng thờ lạy và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền lực và vinh quang thật để ban cho những ai thờ lạy Người. Do đó, ngày nay Satan không dại gì mà xuất hiện với cái dằm xĩa trên tay và cái đuôi nhọn hoắc để quyến rũ người ta thờ lạy nó nữa, nhưng lại ẩn hiện trong lòng tham của con người đối với tiền bạc và với việc lạm dụng xương máu của giới bần cùng trong xã hội để củng cố địa vị và tìm cầu vinh quang cho riêng mình.
Ngày xưa, Satan xúi Chúa Giêsu thử thách quyền năng Thiên Chúa bằng việc mở một con đường tắt ngoài chương trình của Thiên Chúa để hoàn thành sứ mạng, tức là nếu Chúa Giêsu nhảy từ đỉnh cao của đền thờ Giêrusalem xuống mà an toàn thì tất nhiên mọi người sẽ theo Ngài. Và một lần nữa Satan lại thất bại vì Chúa Giêsu đã nhất quyết không thử thách Thiên Chúa nhưng hoàn toàn tin tưởng và phó thác trọn vẹn khi đi vào con đường tuyệt vọng nhất mà Thiên Chúa vạch ra cho Ngài, đó là con đường thập giá, để rồi sau này, Ngài cũng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình mà đi theo Ngài. Cho nên, ngày nay, thay vì xúi người ta gieo mình xuống vực thẳm để thử quyền phép Chúa thì Satan lại xúi giục con người chạy đua với quyền phép Thiên Chúa qua việc ủng hộ phá thai, hôn nhân đồng phái tính và tìm cách sản sinh người nhân tạo hay còn gọi là human cloning…
Do đó, để có thể chống trả và chiến thắng Satan, cần phải có tinh thần từ bỏ và tấm lòng siêu thoát. Như Chúa Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể chiến thắng mọi cám dỗ và thử thách, nếu chúng ta biết dựa vào Thiên Chúa, biết dùng vũ khí vạn năng mà Chúa Giêsu đã trao cho, tức là khiêm nhường thống hối và đón nhận Tin Mừng.
Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, ước gì hành trình Mùa Chay của mỗi người chúng ta luôn được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện sốt sắng, bởi lòng thống hối thật sự và bởi việc chú tâm giúp đỡ những anh chị em hèn mọn, vì khi ra tay giúp đỡ họ chính là lúc chúng ta khôi phục hình ảnh Thiên Chúa trong con người và chung tay xây đắp tương lai của nhân loại, của Giáo Hội, của cộng đoàn, và của chính mỗi người chúng ta vậy.
Lm. Thomas Tuấn Bình CRM
NHỮNG CON DÃ THÚ
Lm. Nguyễn Thái
Một ngày nọ, lạc đà con nói chuyện với lạc đà mẹ như sau, “Mom! Tại sao bàn chân của mẹ con mình lại có 3 ngón chân to tổ chảng vậy?” Lạc đà mẹ trả lời, “Để chúng mình băng qua sa mạc cát mềm mà không bị lún chứ làm sao!” “Và tại sao chúng mình có bộ lông mi dài lượt thượt và nặng nề quá vậy?” “Để cát khỏi rơi vào mắt trên những hành trình dài trong sa mạc đó con!” “Và Mom, tại sao chúng mình lại phải mang những cái bướu quá bự trên lưng vậy?” Bây giờ thì lạc đà mẹ không còn kiên nhẫn nổi để trả lời những câu hỏi vớ vẩn của thằng con nữa, nhưng cũng cố trả lời, “Nó giúp chúng mình dự trữ những chất béo cho những cuộc du hành dài, nhờ đó mà mẹ con mình không cần nước trong một thời gian rất lâu ở sa mạc!” “À! Con biết rồi!” lạc đà con nói, “Chúng mình có ngón chân bự để không bị lún dưới cát sa mạc, lông mi dài để tránh cát bụi khỏi rơi vào mắt, và những cái bướu trên lưng để chứa nước. Vậy thì, Mom! Tại sao chúng ta lại ở đây, trong cái sở thú của Toronto này?”
Đời sống văn minh hiện đại làm cho chúng ta có cảm giác giống như con lạc đà trong sở thú. Chúa ban cho ta khối óc để suy nghĩ, nhưng bây giờ đã có máy computer nghĩ hộ chúng ta rồi! Chúa ban cho ta con tim để yêu thương tha nhân, nhưng đã có những cơ quan từ thiện làm việc bác ái rồi! Đôi khi chúng ta cần đi vào trong “sa mạc” để khám phá lại chúng ta thực sự là ai? Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào trong cái cảm nghiệm của “sa mạc” này.
Sa mạc hay hoang địa là nơi sinh trưởng của dân Thiên Chúa. Dân Do Thái, là những bộ lạc tản mác tha phương đã trốn thoát khỏi đất Ai Cập (Ex 12:37-38) trở về miền Đất Hứa như một quốc gia dưới quyền lực của Thiên Chúa. Chính ở trong sa mạc mà họ đã trở thành dân Thiên Chúa với lời giao ước. Trong dòng lịch sử, khi nào tình yêu và lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa trở nên lạnh nhạt, thì các tiên tri đề nghị họ trở về sa mạc để khám phá lại cái căn tính của mình là ai, giúp họ ý thức về ơn gọi và sứ mệnh của mình, làm thức tỉnh đức tin và củng cố sự liên hệ đã giao ước giữa họ với Thiên Chúa. Những đại tiên tri như Elijah và Gioan Tẩy Giả là những vị tiên tri của sa mạc: họ sống trong sa mạc, ăn thức ăn sa mạc, và chấp nhận một lối sống đơn sơ và khắc nghiệt trong sa mạc. Sa mạc là trường đại học nơi Thiên Chúa dạy dỗ dân Ngài.
Lời Chúa hôm nay trích từ Phúc Âm của Thánh Mác-cô 1:12-15. Sau khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, “Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa, và Ngài ở đó suốt 40 đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú; và các Thiên Thần hầu hạ Ngài.” Phúc Âm của Matthêu và Luca diễn tả quỷ dữ cám dỗ và thách thức Chúa Giêsu dùng quyền lực phục vụ cho nhu cầu riêng tư của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã từ khước và nói, “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4:39; Lc 4:8). Còn Phúc Âm của Mác-cô, thay vì diễn tả những chi tiết của sự cám dỗ, chỉ nói vắn tắt trong câu: “sống chung với dã thú.” Dã thú là những con thú nào? (Ep 6:12).
Theo các nhà tu đức thì những con dã thú đó không phải là những con thú ở bên ngoài chúng ta, nhưng ở trong lòng ta. Chúng là những con dã thú của bẩy mối tội đầu như kiêu ngạo, hà tiện, ghen tuông, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh. Những quyền lực này đè nặng trên chúng ta khi chúng ta quyết định làm bất cứ việc gì. Đời người giống như cuộc sống giữa sa mạc với đầy những “dã thú.” Chúng ta bị vây hãm xung quanh bởi một bên là những hoàn cảnh khó khăn, còn một bên là những cám dỗ mời gọi. Chúng ta cần sức mạnh để chống lại những thù nghịch, những gì đang tạo ra cho chúng ta một cảm giác an bình giả tạo. Hôm nay chúng ta thử đối diện với “những con dã thú” mà chúng ta thường xuyên phải chiến đấu trong đời sống tâm linh.
Trước tiên chúng ta phải chiến đấu sự ngã lòng (Mt 27:3). Nếu ví cuộc đời giống như sa mạc, nơi hoang địa với nhiều dã thú, khó khăn và chông gai, thì chúng ta cảm thấy phải chiến đấu thường xuyên và liên tục. Cuộc đời chất đầy những gánh nặng và đòi hỏi. Không bao giờ giải quyết hết các chuyện rắc rối. Lúc nào cũng có vấn đề. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng trong khi Chúa Giêsu sống với các dã thú thì Thánh Kinh nói rằng “các thiên thần hầu hạ Ngài.” Nói cách khác, Chúa Giêsu không cô đơn, một mình (Jn 16:32). Ngài đã chiến đấu với dã thú bằng sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài có sức mạnh, tràn đầy sức mạnh. Sức mạnh của Thiên Chúa hướng dẫn: “Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa.” Chính Chúa Thánh Thần và các lực lượng thiên thần cũng sẽ hướng dẫn và gia tăng sức mạnh cho chúng ta chiến đấu kiên trì với những khó khăn và cám dỗ trong cuộc đời.
Selma Lagerloeff trong huyền thoại “The Flame”, đã kể câu chuyện về chàng hiệp sĩ, sau cuộc thánh chiến thành công vào Thánh Địa, anh đã làm một lời thề hứa. Anh thắp lên một cây nến lấy từ ngọn lửa thánh tại ngôi mộ của Chúa Giêsu, và mang nó trở về quê quán của anh ở tỉnh Florence, nước Ý Đại Lợi mà vẫn còn cháy sáng. Quyết định này đã biến đổi anh trở thành một con người mới. Nó biến đổi anh từ một người lính hiếu chiến thích đánh nhau trở thành một con người yêu chuộng hòa bình. Trên đường trở về nhà chàng hiệp sĩ đã bị bọn cướp bóc lột, anh đã không rút gươm ra chống cự. Anh đã hứa cho chúng bất cứ những gì anh có miễn là chúng không dập tắt ngọn nến cháy của anh. Bọn cướp đã tước đoạt áo giáp, thanh gươm, con ngựa yêu quý và tiền bạc của anh. Chúng chỉ để lại cho anh một con ngựa già. Sau khi đã trải qua tất cả các kinh nghiệm của sự nguy khốn, anh đã cưỡi con ngựa già về đến Florence. Để bảo vệ ngọn lửa không bị tắt bởi những cơn gió trong sa mạc, anh đã phải ngồi quay lưng lại với con ngựa, và dùng thân mình để che chở cho ngọn lửa. Khi những người không đàng hoàng trong thị xã trông thấy anh cưỡi ngựa ngược như vậy, chúng nghĩ anh là một tên điên khùng, và ra sức đùa nghịch để dập tắt ngọn lửa. Nhưng anh đã làm tất cả sức mình để có thể giữ ngọn lửa cháy sáng. Và sau cùng, anh đã mang nó về đến nhà thờ chính tòa, và dùng nó để thắp lên tất cả những cây nến trên bàn thờ của nhà thờ chính tòa Florence. Khi người đốt đèn ở nhà thờ hỏi anh đã phải làm gì để giữ ngọn lửa khỏi tắt, anh trả lời, “Ngọn lửa nhỏ bé này sẽ đòi hỏi tất cả sự chú tâm của anh; nó sẽ không cho phép anh nghĩ về bất cứ điều gì khác. Và anh sẽ không có thể cảm thấy an toàn một giây phút nào cả. Anh phải luôn luôn chiến đấu. Bất kể là ngọn lửa có thể đã bảo vệ anh tránh khỏi biết bao nhiêu nguy hiểm, anh phải luôn tỉnh thức để ngăn ngừa ngọn lửa không bị đánh cắp mất khỏi anh” (William Hoffsuemmer. 1000 Stories, Volume 1, trang 73).
Chúng ta phải chiến đấu với sự sợ hãi (Mc 4:38; Ga 20:19). Nỗi sợ hãi lớn nhất cho người bộ hành trong sa mạc là mất phương hướng, không biết đường đi. Cái nhìn của họ trở nên mờ ảo. Họ nhìn ánh nắng chói chan trước mắt như là những ao hồ mông mênh ngập nước. Ảo giác làm cho con người trở nên nghi ngờ, mất niềm tin, và sau cùng dẫn đến hoang mang sợ hãi. Chỉ có đức tin và lòng trông cậy phó thác mới chiến thắng được sợ hãi. Tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và muốn điều tốt đẹp nhất cho ta. Tin vào một Thiên Chúa luôn ở bên ta, đi với ta cho dù bao gian nguy. Tin rằng quỷ dữ không có quyền lực gì trên ta; nó chỉ có quyền vì ta ban cho nó mà thôi. Nó không thể bắt chúng ta làm điều gì được, ngoài sự cám dỗ cho chính chúng ta phạm tội. Chúng ta có tự do để từ chối, có sức mạnh để chống trả.
“Đừng sợ!” là sứ điệp được nhắc đến trên 300 lần trong Phúc Âm. Khi Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước đến với các môn đệ, các ông hoảng sợ (Mc 6:49), Ngài nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6: 20). Thiên Thần Gáp-ri-en đã nói với Đức Maria: “Hỡi Maria, xin đừng sợ!” (Lc 1: 30) Thiên thần cũng đã nói với Giuse: “Đừng sợ đón Maria vợ ông về” (Mt 1: 20). Vào Ngày Sống Lại, Chúa Giêsu cũng đã hiện ra với các Tông đồ và nói: “Sao anh em lại hoảng sợ… Chính Thầy đây mà!” (Lc 24: 37).
Chúng ta phải chiến đấu với sự tiêu cực (Mt 12:30; Dt 12:15). Đây chính là thái độ khiến chúng ta không thể thành công khi làm bất cứ việc gì, hay bất cứ việc gì chúng ta đang làm cũng sẽ đi sai lệch. Điều ngăn cản chúng ta hy vọng và sống tích cực là chính thái độ của chúng ta. Thái độ tiêu cực có tính cách truyền nhiễm giống như cơn bệnh nhiễm trùng. Chúng ta càng tiêu cực bao nhiêu thì tình huống càng trở nên thống khổ và hỗn loạn bấy nhiêu. Thái độ tích cực lúc khởi sự của một ngày, hay của bất cứ công việc gì sẽ định hình cho tất cả phần còn lại của trọn cả một ngày hay sự thành công của công việc sẽ kéo dài về sau.
Frederick Ebright đã chia sẻ kinh nghiệm đối với thái độ tâm lý của mình như sau: “Khi tôi cảm thấy thật buồn, tôi viết một lá thư cho người bạn nói với người ấy tất cả những chuyện rắc rối của tôi. Tôi không gửi lá thư đó đi. Nhưng tôi bắt đầu viết lá thư thứ hai gửi cho cùng một người, trong đó tôi cẩn thận bỏ đi bất cứ điều nào đã đề cập đến những điều không may, và thay vào mỗi rủi ro đó một chút tin vui. Vào lúc lá thư này được viết ra, một phép lạ đã xảy ra: tôi thực sự cảm thấy tốt hơn. Và vì một lá thư vui tươi luôn luôn phát sinh ra một sự đáp trả phấn khởi, tôi đã hoàn tất một mục đích lưỡng tiện.”
Mùa Chay là thời gian để cảm nghiệm về sa mạc hay hoang địa. Chúng ta không cần phải có lạc đà đi vào sa mạc, nhưng chúng ta có thể tạo ra một khoảng không gian hoang địa cho chúng ta ngay giữa những xô bồ ồn ào của cuộc sống. Hằng ngày chúng ta có thể tìm ra một chỗ, dành ra một chút thời gian một mình với Thiên Chúa (Mt 6:6). Nơi yên tĩnh chúng ta sẽ biết mình là ai, biết những điểm mạnh và điểm yếu, biết “thiên thần” chung quanh cùng “những con dã thú”, lắng nghe tiếng Chúa gọi và lời cám dỗ của Satan, khám phá lại chúng ta là ai trước mặt Thiên Chúa.
Lm. Nguyễn Thái
MÙA THANH TẨY TÂM HỒN
Lm. Đinh Lập Liễm
Chiến Thắng Cám Dỗ Của Ma Quỉ.
Sau khi đã chịu phép rửa của ông Gioan và được tuyên dương là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu được đẩy vào sa mạc để sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Chính tình yêu đó đẩy bước chân Ngài vào sa mạc để sống thân mật với Thiên Chúa, để sống trọn vẹn 40 năm trời Dân Chúa xưa đã sống trong sa mạc, nhưng không được tốt lành hoàn toàn.
Vào trong hoang địa để sống với Cha Ngài. Nói Ngài ăn chay 40 đêm ngày là có ý nói Ngài ăn chay một thời gian đáng kể chứ không hiểu theo nghĩa đen như chúng ta hiểu ngày nay. Chúng ta cũng thấy trong Cựu Ước hay dùng con số 40: Maisen được cho biết đã lên đỉnh núi với Chúa 40 ngày (Xh 24:18); sau khi được bữa ăn của thiên sứ, Elia đã đủ sức đi trong 40 ngày lên núi Horeb (1 V 19:8).
Trong thời gian ăn chay đó, Đức Giêsu bị Satan cám dỗ. Từ ngữ Satan trong Hi văn chỉ có nghĩa đơn giản là kẻ chống đối, kẻ thù, và sau cùng là thế lực chống lại Thiên Chúa. Thánh Marcô không nói rõ diễn tiến cơn cám dỗ như Thánh Matthêu, nhưng cơn cám dỗ đều qui về một điểm là chúng muốn làm cho Ngài bỏ ý tưởng cứu chuộc để đi vào quan điểm của người Do Thái, vật chất và trần tục. Đức Giêsu đã cương quyết chống lại cơn cám dỗ ấy và Satan đã thất bại nặng nề trong cơn cám dỗ.
Một nông dân kia giầu có nhất huyện nhưng lại rất keo kiệt. Một biến cố xẩy đến trong đời ông khiến ông kịp thời hối cải. Ông ý thức rằng mình chỉ là người quản lý: quản lý đất đai và tiền bạc.
Không lâu sau đó, một người láng giềng nghèo bị cháy hết nhà cửa. Người này đến cửa nhà ông xin ăn. Người nông dân giầu, có ý định cho người nông dân nghèo kia nguyên cả cái đùi heo trong bếp nhà ông. Ông nghe quỉ thì thầm bên tai: ”Cho hắn cái đùi heo nhỏ nhất ấy.” Ông nhà giầu cố gắng chiến đấu với tính keo kiệt cố hữu của mình. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng lòng quảng đại đã thắng tính keo kiệt ấy. Ông lựa lấy cái đùi heo lớn nhất để biếu người nông dân nghèo. Ngay tức khắc, ma quỉ liền cười nhạo ông: ”Mày khùng quá!” Nhưng người nông dân đã biết cách bịt miệng tên quỉ. Ông bảo nó: ”Nếu mày không im, tao sẽ cho hết mọi cái đùi heo tao có bây giờ.”
Cám dỗ không thể làm hại được người ta khi người ta không theo cám dỗ ấy, và điều đó lại càng hiệu nghiệm hơn khi có sự trợ lực từ nhiều phía, nhất là của Thiên Chúa.
Cám dỗ chỉ có nghĩa là xúi giục người ta bỏ điều lành mà làm điều xấu. Chính Satan đã cám dỗ Đức Giêsu bỏ ý hướng tốt lành của Cha Ngài để theo đường lối của thế gian. Nhưng cần phải phân biệt 3 giai đoạn của cám dỗ: – Gợi lên một hình ảnh. – Làm cho thích thú hoặc hướng chiều về sự ác. – Sau cùng là ưng thuận.
Satan chỉ có thể làm được nơi Đức Giêsu ở giai đoạn thứ nhất: gợi hình ảnh hoặc một sự vật ở giác quan hoặc ở trí tưởng tượng.
Một phạm nhân vượt ngục một cách rất khác thường. Người này bị nhốt trong một tháp cao, cao đến nỗi không ai có thể trèo xuống được. Để vượt ngục, người này nhổ hai sợi tóc mỗi ngày và xe lại với nhau. Sau một thời gian, người ấy đã có thể làm được một sợi dây bằng tóc. Người ấy thả sợi dây tóc đó xuống dưới cửa sổ của nhà tù và một người bạn đợi sẵn ở dưới buộc một sợi lụa vào đầu sợi dây tóc và ở cuối sợi chỉ lụa lại buộc một sợi dây dài và cuối sợi dây dài đó lại buộc một sợi dây thừng nhỏ, đầu sợi dây thừng nhỏ lại buộc một sợi dây thừng lớn. Người tù đã dùng sợi dây thừng lớn này để vượt ngục.
Đó chính là đường lối ma quỉ cám dỗ bản tính yếu hèn của ta. Chúng ta giam tù các dục vọng của ta, nhưng ma quỉ giúp chúng vượt ngục dần dần. Rất ít khi ma quỉ cám dỗ ta phạm tội trọng ngay từ đầu, vì thế sẽ khiến ta sợ. Nhưng chúng cám dỗ ta phạm một lỗi nhỏ để rồi dẫn chúng ta đến chỗ phạm tội trọng. Không bao giờ chúng cám dỗ ta làm hai điều một trật, dù còn đủ thời giờ để cám dỗ chúng ta phạm tội kia. Nhưng chúng cám dỗ ta thế nào để cơn cám dỗ này đưa đến một cám dỗ khác, rồi một cơn cám dỗ khác nữa và cứ thế tiếp tục cho đến khi chúng ta phạm tội trọng (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 51).
Trong cuộc sống, không ai tránh được cuộc tấn công của cám dỗ, nhưng điều chắc chắn là những cuộc cám dỗ không nhằm mục đích khiến chúng ta phải sa ngã, nhưng làm cho linh hồn chúng ta được trưởng thành, được trung kiên thi hành ý Chúa. Cơn cám dỗ có lợi cho ta vì chúng ta: – Lập công phúc khi chiến thắng cám dỗ. – Sống khiêm nhường và nhận ra sự bất lực của mình để trông cậy vào Chúa. – Thúc đẩy cầu nguyện, vì Chúa phán: ”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ” (Lc 22:46) – Sau cơn cám dỗ ta được vui mừng an ủi vì “Gieo trong đau thương, gặt trong vui mừng” (Ps 126:5).
Sống giữa trần gian này là phải chiến đấu và lấy quyết định. Đức Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người và Ngài đã không đi ra ngoài qui luật ấy. Ngài cũng đã chịu thử thách như Adong trong vườn địa đàng và như dân Do Thái suốt 40 năm trong hoang địa. Nhưng khác với Adong và dân Do Thái suốt 40 năm trong hoang địa: Ngài đã chiến thắng Satan, và sự chiến thắng này là nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều người cho rằng cám dỗ của ma quỉ liên quan đến ba đối tượng là danh, lợi, thú. Ham danh, ham lợi, ham phú quí là bản tính của con người. Ai cũng muốn địa vị cao sang, ai cũng muốn giầu có, ai cũng ham thích thú vui. Hoặc như quan niệm của Tây phương thì cám dỗ xoay quanh Avoir (cái có), Savoir (cái biết) và Pouvoir (quyền lực). Đây là những cám dỗ triền miên mà con người ở mọi thời đại luôn gặp phải. Điều quan trọng là phải tỉnh thức, ”phải sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15b) thì mới có thể vượt qua được cơn cám dỗ ấy.
Đức Giêsu bị cám dỗ trước cái thế giằng co giữa lời kêu gọi của Thiên Chúa Cha và lời kêu gọi của Satan: Thiên Chúa nói với Đức Giêsu “Hãy thiết lập vương quyền bằng tình thương”, còn Satan lại bảo Đức Giêsu: ”Hãy thiết lập một chế độ độc tài bằng bạo lực.” Hôm đó, Đức Giêsu đã phải chọn giữa phương pháp của Thiên Chúa và đường lối của kẻ thù địch với Thiên Chúa.
Trong con người chúng ta có hai khuynh hướng trái ngược nhau: Một khuynh hướng kéo con người đi lên, khuynh hướng kia kéo con người đi xuống. Đời người đúng là một đấu trường giữa thiện và ác. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi Ngài nói: ”Tôi không hiểu nổi việc tôi làm: điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15). Vì thế, muốn đi lên, con người phải cố gắng, phải dùng chính sức mạnh của mình, phải hao tổn năng lực của mình.
“Cải thiện” hay “cải tà qui chính” là nhìn nhận những gì xấu, không tốt đẹp trong đời sống chúng ta, và từ đó là từ bỏ chúng, quay lưng lại với chúng. Nói khác đi là thẳng thắn đối diện với tội lỗi trong đời sống của ta, rồi cương quyết không bao giờ tái phạm nữa. “Cải thiện” là đối diện với những khuynh hướng xấu trong đời sống chúng ta và làm một cái gì để sửa đổi những khuynh hướng đó.
Léon Tolstoi đã nói không sai: ”Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình.”
Mùa Chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa Chay cũng là lúc dừng lại để nhận ra những cám dỗ, những cạm bẫy đang bủa vây. Nguyên tắc bất di bất dịch là: cẩn thận đề phòng thì không sợ sa ngã, khỏi phải buồn phiền. Trong thư gửi cho tín hữu Corintô, Thánh Phaolô đã nhắc đến nguyên tắc này khi Ngài nói: ”Ai tưởng đứng vững, coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10:12).
Người Eskimô bắc cực có một cái bẫy chó sói rất độc đáo, để lấy bộ lông làm áo da thú. Thợ săn mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho mau đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.
Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi được mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không biết mình đang liếm máu của chính mình. Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm B, tr 143).
Trong kinh Lạy Cha chúng ta đọc: ”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6:13), có nghĩa là Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta khỏi thua chước cám dỗ. Ma quỉ luôn rình rập làm hại chúng ta, chúng ta phải nhớ lời Thánh Phêrô nhắc nhở: ”Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5:8-9a). Chúng ta cũng phải nhớ đến thân phận yếu hèn của mình mà tin cậy vào ơn Chúa vì chính Chúa đã nói: ”Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15:5).
Những gương chiến đấu tốt đẹp chống lại ma quỉ còn để lại cho chúng ta nơi các thánh. Một vị thánh kia có lần được thấy ma quỉ khi đi qua một tu viện và thấy nhiều quỉ ngồi ở mỗi góc, cả ở nhà nguyện nữa. Vị thánh đó đi ra phố và thấy rằng chỉ có một thằng quỉ đi cám dỗ mà thôi. Vị thánh đó hỏi tại sao thì quỉ trả lời: ”Chỉ một thằng quỉ cũng đủ cám dỗ các linh hồn ở ngoài phố, vì họ không cố gắng chống lại, chứ còn để bắt được một linh hồn lành thánh thì cần cả một đạo binh quỉ kia.”
Nếu chúng ta bị cám dỗ thì có nghĩa là linh hồn chúng ta đang lớn mạnh đó. Nếu Chúa để cho chúng ta bị cám dỗ, thì Ngài cũng ban cho chúng ta đủ sức mạnh để nói, như Chúa chúng ta đã phán: ”Hỡi Satan, hãy xéo đi” (Mt 16:23). Và chúng ta sẽ thấy dễ chịu khi nghe câu cuối cùng của bài Tin Mừng: ”Bấy giờ ma quỉ bỏ Ngài và có các thiên thần đến hầu cận Ngài” (Mt 4:11).
Lm. Đinh Lập Liễm
VÀO HOANG ĐỊA
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Mc 1:12- 15) Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, 12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
14 Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỉ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Chúa Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.
Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỉ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giê su phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Xưa, dân Do thái được Chúa đưa vào hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Mô-sê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ áp-ra-ham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới được Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên chúa. Và hôm nay, Chúa Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói, cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.
Cuộc chiến đấu thứ hai mà Chúa Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỉ. Thiên chúa cho phép ma quỉ thử thách con người. Từ tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỉ cám dỗ và đã thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỉ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỉ. Chúa Giêsu đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ ma quỉ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên chúa. Những cơn cám dỗ của ma quỉ thường là cám dỗ về đức tin. Adong Evà không vững lòng tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách. Chúa Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm độc nhất của ma quỉ.
Cuộc chiến đấu thứ ba mà Chúa Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha. Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa, nên đã đi trệch đường. Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường kiêu căng để đi vào con đường khiêm nhường, từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường khó, từ bỏ con đường vinh quang để đi vào con đường thập giá, từ bỏ con đường giàu sang để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.
Hoang địa không phải chỉ là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân Do thái không dám nhìn thẳng vào. Tiên tri Elia, sau khi đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Chúa Giêsu đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người. Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người. Người sẽ hi sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn. Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
Trong Mùa Chay, Giáo hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giê su để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỉ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở nên “Con yêu dấu” của Chúa.
Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỉ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của Chúa.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
- Bạn có quen chấp nhận những điều khó chịu không?
- Bạn đã bị cám dỗ bao giờ chưa ? Bạn đã chống trả thế nào?
- Mùa Chay này, bạn sẽ sống thế nào để thêm lòng mến Chúa yêu người ?
- Bạn có thường từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa không?
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
CHIẾN THẮNG CÁM DỖ VỚI ĐỨC GIÊSU
Lm. Trần Ngà
Người Eskimo nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy da chúng làm y phục. Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem phơi ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ làm lại việc này nhiều lần cho đến khi con dao được bao bọc xung quanh bằng khối máu lớn như quả xoài.
Đợi đến khi trời tối, người ta đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói sẽ phát hiện rất nhanh mùi máu tươi và sẽ chạy đến liếm vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của mình mà chúng không hay biết. Càng liếm, lưỡi càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng kết thúc cuộc đời của lũ sói tham ăn.
Cám dỗ trong con người: Có thể nói: con người là con vật phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.
Người ta bị thu hút, bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên mềm yếu, bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn vào giữa dòng nước lũ.
Không rõ con sói một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông, nó có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú có ẩn dấu lưỡi dao của thần chết, thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó, rồi tự biện minh rằng: “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu)
Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta: “Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. (Philip 2, 6-7). Vì trở nên người phàm như chúng ta, “Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta’ (Do-thái 4,15).
Qua bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh sử Mác-cô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Người đã thực sự bị Xa-tan cám dỗ. (Mác-cô 1, 12-13). Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Người đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ, và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.
Cùng chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu: Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị “xỏ mũi” bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, sa xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng xấu xa đen tối.
Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là lỗ miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng…
Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những miếng mồi phù hợp với “khẩu vị” của từng người, và tấn công vào đúng tử huyệt của ta.
Trong mùa chay, Chúa Giêsu kêu mời ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất, đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn. Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.
Nguyện xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với con trong mặt trận nguy khó nầy và ban ơn giúp sức để con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa. Amen
Lm. Trần Ngà
CHỈ VÌ THƯƠNG NÊN THIÊN CHÚA ĐƠN PHƯƠNG BAN ƠN CHO LOÀI NGƯỜI
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
I. Dẫn vào Thánh lễ
Mùa Chay là “lúc thuận tiện” để lãnh nhận ơn Chúa, là “thời cứu độ”. Nhưng để có thể lãnh nhận ơn Chúa, chúng ta phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa và xin Ngài giúp chúng ta thực hiện lời Ngài.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta cứ sa đi ngã lại mãi trong tội. Phải chăng vì chúng ta chưa thực lòng sám hối?
- Chúng ta có biết rằng phạm tội là để mình bị trói buộc trong xiềng xích của Satan không?
- Chúng ta có ý thức rằng phạm tội là phụ bạc với tình yêu của Ðức Giêsu, Ðấng đã chịu chết vì tội chúng ta không?
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I: St 9:8-15
Sau cơn hồng thuỷ (theo St 7:12 thì kéo dài 40 ngày), Thiên Chúa lập giao ước với Nôê.
- Nội dung giao ước: sẽ không còn xảy ra một tai họa nào tương tự như thế nữa cho loài người.
- Kẻ được hưởng giao ước: “mọi xác phàm”, tức tất cả các sinh vật.
- Ðiều kiện: đây là một giao ước đơn phương. Chỉ một mình Thiên Chúa cam kết với loài người; loài người không bị buộc điều gì cả.
Dấu chỉ giao ước này: cầu vòng trên trời.
2. Ðáp ca: Tv 24
Tv 24 là lời cầu nguyện của một người công chính: ông bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa; ông xin Chúa cho biết đường lối của Ngài.
Tv này áp dụng rất đúng cho Nôê: Ông là người công chính được Chúa cứu khỏi nạn hồng thuỷ và dẫn đưa ông tới một thế giới mới.
Tv này cũng có thể dùng làm lời cầu nguyện cho các tín hữu bước vào Mùa Chay: cũng như Nôê, họ bước vào thời gian thử thách 40 ngày; nếu họ theo đường lối Chúa thì họ sẽ tới được một thế giới mới và lập giao ước mới với Chúa.
3. Tin Mừng: Mc 1:12-15
Ðoạn Tin Mừng này có 2 ý lớn:
a/ Ðức Giêsu ăn chay: Ngài ăn chay 40 ngày (như thời gian xảy ra cơn lụt). Trong thời gian đó Ngài tìm hiểu đường lối Thiên Chúa (như Tv 24), và sau đó Ngài bắt đầu sứ vụ công khai.
b/ Ðức Giêsu loan báo Tin Mừng: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
4. Bài đọc II: 1 Pr 3:18-22
Thánh Phêrô nhắc lại chuyện Hồng thuỷ xưa và coi đó là hình bóng của phép rửa tội: Ngày xưa Thiên Chúa nhân từ đã cứu sống Nôê và gia đình; ngày nay phép rửa cũng cứu thoát con người như vậy nhờ sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô.
IV. Gợi ý giảng
1. Quà và ơn
Sứ điệp thứ nhất mà Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay gởi đến chúng ta là: Thiên Chúa tặng quà cho chúng ta, Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta.
Người ta thường tặng quà vào những dịp nào? Những dịp tặng quà là Tết, đám cưới, sinh nhật v.v. Thường thì ai tặng quà cho ai? Người tặng quà thường là người có liên hệ tình nghĩa thế nào đó với người được tặng, chẳng hạn cấp dưới đối với cấp trên, học trò đối với thầy cô, người chịu ơn đền đáp cho người thi ơn. Vì thế có thể nói “quà” thường là thứ “có qua có lại”.
Khi “có qua” mà không “có lại” thì gọi là “ơn” (Tiếng hy lạp Charis luôn bao hàm tính cách miễn phí). Các bài đọc hôm nay kể đến 2 ơn mà Thiên Chúa ban cho loài người:
- Ơn ban sự sống (xem phần giải thích bài đọc I): vì loài người tội lỗi nên bị phạt phải chịu nạn hồng thuỷ. Nhưng Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Nôe. Sau khi cơn hồng thuỷ kết thúc, Thiên Chúa lập giao ước rằng từ nay sẽ không bao giờ Ngài cho xảy ra một đại họa như thế nữa. Ðây là một giao ước đơn phương: Thiên Chúa không buộc loài người làm gì cả, chỉ một mình Ngài hứa và cam kết giữ lời hứa ấy. Sau này loài người lại tiếp tục phạm tội nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với lới cam kết đơn phương ấy.
- Ơn ban sự sống mới qua bí tích Rửa tội (Xem phần giải thích Bài đọc 2): chúng ta đâu có công gì để được ơn này, nhưng Thiên Chúa đã ban chỉ vì yêu thương chúng ta.
Khi nhận quà thì ta mừng, khi nhận ơn thì ta cảm động. Vậy, Thiên Chúa tặng quà cho chúng ta, chúng ta có mừng không? Và còn hơn quà nữa, Thiên Chúa luôn ban ơn cho chúng ta, chúng ta có cảm động không?
2. Ý nghĩa Mùa Chay
a/ Một thời gian cầu nguyện: Ngày xưa, Môsê đã ở trên núi Sinai 40 ngày, ngôn sứ Êlia cũng ở trên núi Horép 40 ngày. Trong thời gian đó, các ngài đã cầu nguyện và đã gặp được Thiên Chúa. Trong thời gian 40 ngày Mùa Chay, việc đầu tiên chúng ta phải để ý làm là cầu nguyện như các ngài.
b/ Một thời gian chiến đấu: Ngày xưa ông Nôê ở trong tàu 40 ngày chiến đấu với phong ba bão táp của cơn hồng thuỷ; Ðức Giêsu sống trong sa mạc 40 ngày chiến đấu với những cơn cám dỗ của Satan. Noi gương các Ngài, chúng ta cũng hãy chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những thói quen tội lỗi và những cám dỗ trong Mùa Chay này.
c/ Một thời gian sám hối và đón nhận Tin Mừng: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối là từ bỏ con đường sai lạc cũ để quay về con đường chính. Trong Mùa Chay, chúng ta cũng quan tâm hơn đến việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa.
3. Chiếc cầu vồng
Hình ảnh chiếc cầu vồng của bài đọc I vừa đẹp vừa gợi rất nhiều ý cho chúng ta suy gẫm trong Mùa Chay:
- Chiếc cầu vồng là một đường cong bắt đầu từ đất, vươn lên trời cao, rồi lại trở xuống mặt đất. Chính vì thế mà Thiên Chúa dùng nó làm dấu chỉ giao ước giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa với loài người.
- Sau cơn mưa, trời lại sáng và chiếc cầu vồng xuất hiện rực rỡ. Như thế, chiếc cầu vồng còn là dấu chỉ giao ước được tái lập, trở lại tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu.
- Cầu vồng mang 7 sắc rất đẹp. Nó còn là dấu chỉ tương giao tốt đẹp giữa Thiên Chúa với con người.
- Phải chăng mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng rất tốt đẹp hồi thuở ban đầu, nhưng rồi do tội lỗi, chúng ta như rơi vào cơn bão lụt. Nhưng Thiên Chúa muốn cứu thoát chúng ta. Ngài kêu mời chúng ta tái lập liên hệ thân thương với Ngài trong Mùa Chay này, để rồi tình nghĩa giữa chúng ta với Ngài lại tươi đẹp như trước?
4. Thiên đàng đánh mất và thiên đàng gặp lại
Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào sa mạc.
Trong phòng triển lãm tưởng tượng của chúng ta hôm nay, có bày bức tranh tứ bình, gồm hai cặp tranh đôi một đối xứng. Hai bức đầu, một bên vẽ cảnh sa mạc hoang vắng, Chúa đang bị Satan thử thách. Một bên vẽ cảnh bình yên thanh thản. Chúa đang ngồi giữa bầy dã thú đã trở nên hiền như chiên cừu. Hai bức sau, bên phải vẽ cảnh vườn địa đàng tươi đẹp. Ađam Eva trẻ trung đầy sức sống vui hưởng những ngày hạnh phúc giữa một thiên nhiên hài hòa hoa thơm quả ngọt. Bên trái, vẫn là Ađam, Eva, nhưng khuôn mặt hốc hác, trán nhăn nheo ướt đẫm mồ hôi, dáng hao gầy mòn mỏi vì mệt nhọc và già yếu, giữa một thiên nhiên khô cằn gai góc.
Ðó là thân phận con người sau khi sa ngã. Con người không còn thể sống hài hòa với Thiên Chúa, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình.
Nhưng Ðức Giêsu đã đến để đảo ngược tình thế. Ngài sống giữa sa mạc, một thiên nhiên thù nghịch. Ngài bị thử thách gay go. Nhưng rồi Ngài đã thắng nghịch cảnh và quỉ dữ: Ngài sống yên bình hài hòa giữa một vũ tụ đã được cảm hóa.
Chỉ bằng một câu ngắn, Marcô đã vẽ nên bức tranh tứ bình đó: “Ngài ở trong hoang địa bốn mươi này, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và các Thiên sứ hầu hạ Ngài”.
Công trình tạo dựng thứ nhất của Thiên Chúa đã bị loài người phá hỏng. Chúa đến để tái tạo lại, làm công trình tạo dựng thứ hai. “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng”.
Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa, bắt đầu sứ vụ, Thần Khí Chúa đã ngự trên Ngài. Thần Khí ấy, cũng như trong ngày đầu cuộc tạo dựng, đang bay là là trên những vùng đất khô cằn khắc nghiệt, và hoang mạc đang dần dần trở nên xanh tươi, trổ hoa thơm quả ngọt.
Vậy ra thiên đàng mà Ađam và Eva đã đánh mất vẫn còn đó, phía trước mỗi người. Nếu chúng ta biết “sám hối” và tin vào Tin mừng Ðức Kitô” chúng ta sẽ gặp lại thiên đường đã mất.
Mùa Chay 40 ngày thinh lặng sa mạc, hãy để lòng chúng ta lắng xuống để bị cám dỗ, bị lôi cuốn bởi lòng cậy trông hy vọng tìm lại thiên đường đã mất, nhờ Ðức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng ta.
5. Dã thú và thiên thần
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay là một hình ảnh rất lạ: “Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”. Câu này gồm 2 phần mang hai sắc thái khác hẳn nhau nhưng có liên hệ nhân quả với nhau:
- Phần đầu là một cảnh khó khăn “Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ”: Ðức Giêsu bị Satan cám dỗ, như ngày xưa hai nguyên tổ Ađam Evà trong vườn Ðịa Ðàng, và như dân Do Thái trong sa mạc. Nhưng Ngài chiến đấu với những cám dỗ đó và đã chiến thắng.
- Phần sau là một cảnh thoải mái “sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”: (1) Trước khi hai nguyên tổ phạm tội, các ngài đã sống an hòa giữa các dã thú (xem St 2,19-20); Sau này khi mơ tới ngày tìm lại địa đàng đã mất, ngôn sứ Isaia cũng tưởng tượng cảnh con người và dã thú sống chung hòa thuận với nhau (xem Is 11,6-8: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng… Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang…”; (2) Còn về hình ảnh các thiên sứ hầu hạ, Tv 91,9-12 hiểu rằng đó là ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho người nào biết nương tựa nơi Ngài (“Vì ngươi đã chọn Giavê làm nơi ẩn náu, Ðấng Tối cao làm chốn dung thân… nên Người ra lệnh cho các thiên thần gìn giữ ngươi trên mọi lối ngươi đi…”
Vì Ðức Giêsu đã chịu cám dỗ và chiến thắng chúng nên Ngài được hưởng sự an vui như đang sống trong vườn địa đàng và được Thiên Chúa đặc biệt che chở giữ gìn. Phần thưởng của Ðức Giêsu khuyến khích chúng ta can đảm chiến đấu với các cám dỗ.
6. Cạm bẫy
Người Eskimo bắc cực có một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy bộ lông làm áo da thú.
Thợ săn cáo mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.
Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không hề biết mình đang liếm máu của chính mình.
Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết.
Mùa chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa chay cũng là lúc dừng lại, để nhận những cám dỗ đang rình rập, những cạm bẫy đang bủa vây. Con cáo vì ham liếm máu tươi, mất cảnh giác nên đã không nhận ra được cạm bẫy chết người. Nếu cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.
Xã hội càng văn minh tiến bộ, con người càng gặp nhiều cám dỗ. Cám dỗ của thân xác đòi hỏi, hưởng thụ và chiếm đoạt. Cám dỗ của con tim mù quáng, đam mê và phóng túng. Cám dỗ của đầu óc cao ngạo, hám danh và trục lợi. Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu với những cám dỗ khêu gợi, mời mọc, kích thích giác quan. Bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cánh cửa mở ra trước cạm bẫy.
Sự bất ổn của nền văn minh hiện đại, và ảo ảnh của tương lai vẫy gọi, khiến chúng ta cứ trượt dài trên con dốc tội lỗi. Người tín hữu khôn ngoan luôn cảnh giác những cạm bẫy như thủy lôi trên giòng đời.
Chính Ðức Kitô đã phải liên tục đối phó với các cơn cám dỗ: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc.1,13). Ðây không phải là cám dỗ một lần thay cho một đời, nhưng là cuộc cám dỗ triền miên trọn cả kiếp người. Wendell Philips viết: “Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là một giấc mơ”.
Nếu đời người như cây sậy trước gió, dễ ngả nghiêng trước bao cuốn hút, chúng ta càng phải biết nương tựa vào một mình Chúa.
Nếu người đời tôn thờ khoái lạc, xa hoa hưởng thụ, chúng ta càng phải biết chay tịnh cõi lòng.
Nếu thế giới đầy hình ảnh vẫn đục, phô bày thân xác, chúng ta càng phải biết giữ gìn con mắt.
Có biết bao người mơ ước hy sinh cuộc đời nhưng lại không biết hy sinh những tật xấu của mình. Leon Tolstoi viết: “Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”. Vì chưng có một sự thật nhức nhối này, là canh tân người khác luôn luôn dễ hơn hoán cải chính mình.
Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan, xin giúp chúng con can đảm lướt thắng những cạm bẫy trong cuộc đời.
Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ có Chúa mới là niềm vui và là hạnh phúc đích thực của đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
7. Ðổi mới
Một hôm nhà vua đang đi dạo trên đường phố thì gặp một người ăn mày ngửa tay xin tiền. Nhà vua không cho tiền nhưng mời anh đến thăm hoàng cung. Khi vào tới hoàng cung rồi, người ăn mày vô cùng bối rối vì thấy quần áo rách rưới của mình quá tương phản với những y phục lộng lẫy của những người trong triều. Biết thế, nhà vua tặng cho anh một bộ quần áo mới.
Ít lâu sau nhà vua lại dạo phố, lại gặp người ăn mày này và ngạc nhiên khi thấy anh lại mặc bộ quần áo rách rưới trước kia. Tìm hiểu lý do thì nhà vua biết được rằng sở dĩ anh không mặc quần áo mới vì nếu như thế thì anh không thể tiếp tục sống bằng nghề cũ là ăn xin được nữa. Anh đã quá quen sinh sống bằng nghề ăn xin rồi, đến nỗi nay không biết phải làm gì nếu không tiếp tục ăn xin.
Câu chuyện trên muốn nói rằng thay đổi áo quần thì dễ nhưng thay đổi cách sống rất khó; thay đổi bên ngoài thì nhanh nhưng thay đổi bên trong rất chậm; và nhất là rất khó thay đổi thói quen.
Mùa Chay kêu mời chúng ta đổi mới, không chỉ đổi mới bên ngoài mà phải đổi mới tận bên trong con người mình, đặc biệt là thay đổi những thói quen xấu đã ăn rễ rất sâu trong con người chúng ta.
8. Mùa Chay và Mùa Xuân
Mùa Xuân là mùa đổi mới: cỏ cây hoa lá đâm chồi, nẩy lộc và ra hoa. Nhưng muốn có thế thì trước đó chúng phải chịu đựng một mùa thu ảm đạm, lá rụng, cành xơ xác… rồi một mùa đông trơ trụi, lạnh giá.
Mùa Chay đến đúng vào Mùa Xuân và cũng chính là Mùa Xuân của tâm hồn, có thể biến chúng ta thành những con người mới.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng sợ hãi chấp nhận để cho những chiếc lá thói quen cũ phải rụng đi.
Xin giúp con đừng sợ hãi phải đối diện với cảnh nghèo nàn trơ trụi của tâm hồn
Bởi vì có như thế thì Chúa mới có thể đổi mới con thành con người mới, xứng đáng là môn đệ tốt của Chúa.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, trong suốt mùa chay, Hội thánh mời gọi chúng ta cùng với Ðức Giêsu trải qua hai kinh nghiệm là: gặp gỡ Thiên Chúa và đấu tranh với sự dữ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta:
- Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh / nhờ Mùa Chay này biết sám hối thành thật / mạnh dạn đổi mới suy nghĩ và hành động / để việc truyền giáo cho thế giới được kết quả tốt đẹp hơn.
- Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền trên thế giới / biết thành thật sám hối và sửa sai những lỗi lầm / để có thể sớm đem lại cho người dân ám no, tự do, và hạnh phúc thật.
- Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang ngụp lặn trong những đam mê tiền của, xác thịt, danh vọng / được nghe lời kêu gọi sám hối để quay về với đời sống công chính và lương thiện.
- Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em trong cộng đồng xứ đạo chúng ta, nhất là những người còn đang rối rắm, bỏ mùa Phục Sinh / biết mau mắn trở về để sống xứng đáng với công ơn cứu chuộc của Chúa.
Chủ tế : Lạy Chúa xin giúp chúng con trong Mùa Chay này, biết cố gắng siêng năng cầu nguyện và đi dự lễ, để được nhiều ơn Chúa mà vượt qua mọi cơn cám dỗ. Chúng con nguyện xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Hôm nay khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt chú ý tới lời cầu xin cuối cùng, thể hiện ước muốn của chúng ta trong Mùa Chay này: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
- Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giúp chúng con chiến đấu và chiến thắng mọi cám dỗ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…
VII. Giải tán
Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay. Ðây là lúc thuận tiện để chúng ta sám hối và sống theo Tin Mừng. Và cũng vì thế cho nên đây cũng là thời gian cứu độ. Chúng ta hãy sống thời gian này một cách hết sức quảng đại. Chúc anh chị em được bình an.
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái