• PHỤC VỤ LÀ VĨ ĐẠI – Lm. Hữu Độ, CRM
  • NGƯỜI CON THỨ – Lm. Nguyễn Thái
  • ĐỨC GIÊSU, MẪU GƯƠNG PHỤC VỤ – Lm. Đinh Lập Liễm
  • NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • NỀN VĂN MINH MỚI – TGM. Ngô Quang Kiệt

PHỤC VỤ LÀ VĨ ĐẠI (Mc 9:30-37)

Lm. Hữu Độ, CRM

Hằng năm giải thưởng Nobel được trao tặng cho những nhân vật nào đã đóng góp một cách trổi vượt trong lãnh vực: Hoà bình, Văn chương, Kinh tế, Vật lý, Hoá học và Y khoa. Ai nhận lãnh giải thưởng Nobel sẽ được người ta kính nể và khen ngợi là nhân vật vĩ đại.

Phúc Âm hôm nay thuật lại các Tông đồ tranh luận với nhau xem ai là người vĩ đại, tức là người lớn nhất. Nhưng vĩ đại theo cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác, ngược với cái nhìn của con người. Theo Thiên Chúa thì vĩ đại hay có vị thế lớn trong Nước Trời là người biết phục vụ, “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải là ngưòi rốt hết và phục vụ mọi người” (Mc. 9:35).

Phục vụ  tức là chấp nhận thiệt thòi và hy sinh để đem ích lợi cho người khác. Hy sinh tiện nghi, sở thích, sự nhàn nhã, ngay cả tiền bạc và thời giờ để cho người khác được hài lòng và hạnh phúc. Người khác có thể là con em chúng ta ở trong gia đình, cũng có thể là giáo dân trong giáo xứ, cũng có thể là đồng sự tại công sở, hay bạn bè tại trường học. Người khác có thể là đồng hương Việt Nam hay bất cứ người ngoại quốc nào. Nói chung là những người cần tới sự giúp đỡ như: già yếu, bệnh tật, trẻ em và những người nghèo khó… Phục vụ luôn có trong tầm tay, trong khu vực chúng ta sống. Đừng mơ tưởng xa xôi hay ước vọng đi truyền giáo ở Phi Châu, Nam Mỹ. Chung quanh chúng ta luôn có những thành phần cần đến sự giúp đỡ.  Thời đại chúng ta đã có gương sống động của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta.

Một bác sĩ giải phẫu hôm đó nhằm ngày nghỉ về miền quê đi dạo. Ông khát nước nên đến gõ cửa một căn nhà xin nước uống. Cô bé trong nhà vui vẻ vắt một ly nước chanh cho ông uống. Uống xong, ông đưa tấm danh thiếp ra trao vào tay cô bé và dặn khi nào có người nhà muốn chữa bệnh thì cầm tấm danh thiếp này đến với ông. Bốn năm sau mẹ cô bé bị bệnh cần được giải phẫu. Họ đưa bà tới nhà thương kèm theo tấm danh thiếp đó. Bà được chữa khỏi bệnh. Lúc trở về, ông bác sĩ giải phẫu trao cho bà một hoá đơn tính tiền rất tốn kém, nhưng bên dưới ông viết chữ: “Đã trả xong bằng một ly nước chanh của con bà.”

Thiên Chúa muốn chúng ta phục vụ tha nhân không mong mỏi được trả ơn ở đời này. Nhưng chắc chắn Thiên chúa đã ghi nhận đầy đủ và ban thưởng cho chúng ta ở đời sau hơn lòng chúng ta ước mơ tới. Vì đó là cách Thiên Chúa đã hứa và thi hành.

NGƯỜI CON THỨ

Lm. Nguyễn Thái

Trong giới sưu tầm tranh ảnh nghệ thuật có một câu chuyện được lưu truyền lại như sau: Có hai cha con nhà giầu kia say mê sưu tầm tranh ảnh nghệ thuật quý giá, từ tranh của Picasso tới tranh của Raphael. Trong cuộc chiến tranh, người con đi động viên, và tử trận đang khi anh tiếp cứu một người lính bạn của mình. Người cha rất đau buồn về cái chết của người con yêu quý duy nhất của ông.

Chừng một tháng sau cái chết của con, trước Lễ Giáng Sinh, có một thanh niên trẻ đến gõ cửa nhà ông. Anh ta nói: “Thưa ông, con chính là người lính mà con ông đã hy sinh để cứu mạng sống. Hôm ấy anh đã cứu được rất nhiều người bạn đồng đội. Đang khi anh cõng con trên lưng về nơi an toàn, thì anh bị tử thương. Khi còn sống, anh thường kể cho con nghe về ông. Hôm nay con mang đến cho ông một bức tranh con đã vẽ. Con biết nó không được đẹp lắm, nhưng con tin chắc là con ông rất muốn ông có bức tranh này.”

Người cha mở bức chân dung người con của ông. Ông nhìn chăm chú vào bức tranh. Tất cả cá tính của con ông đã được diễn tả hết nơi đó. Nhạt nhoà nước mắt, ông cám ơn chàng thanh niên và muốn trả tiền cho bức tranh quý này nhưng anh không nhận, vì bức tranh là món quà cho ơn cứu mạng.

Người cha đã treo bức tranh ngay giữa ngôi biệt thự. Tất cả mọi người khách đến thăm ông, việc trước tiên là ông dẫn họ tới chiêm ngắm bức chân dung này, sau đó mới tới những bức vẽ khác. Sau đó, một cuộc bán đấu giá tất cả những bức tranh sưu tầm của ông được tổ chức long trọng. Quan khách giàu sang từ khắp các nơi tụ về với hy vọng mua được một bức nào đó trong bộ tranh sưu tầm quý giá của ông.

Bức tranh người con yêu quý của ông được treo ngay giữa hội trường đấu giá. Ban tổ chức gõ búa tuyên bố: “Trước hết, chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc đấu giá hôm nay bằng bức tranh người con của chủ nhân. Ai sẽ trả bức tranh này 200 đô?” Tất cả im lặng! Một giọng nói từ phía sau la to: “Bỏ qua bức này đi! Chúng tôi đến đây vì những bức nổi tiếng!” Người khác thêm vào: “Chúng tôi đã không đến vì bức này. Chúng tôi muốn những bức tranh của Rembrandts và Van Goghs!” Ban tổ chức lại la to: “Người con! Người con! Ai sẽ trả giá người con?” Đám đông la ó, phản đối ồn ào.

Sau cùng một giọng nói từ phía cuối phòng vang lên: “Tôi trả 10 đô cho bức tranh đó!” Đó là ông già làm vườn của hai cha con. Ông rất nghèo, nhưng đó là tất cả số tiền ông có. Ban tổ chức lên tiếng: “Đã có người trả 10 đô! Ai muốn trả 20 đô?” Đám đông lại la ó giận dữ: “Cho hắn bức đó 10 đô đi! Chúng tôi chờ đợi những tác phẩm nghệ thuật thực sự!” Ban tổ chức lại gõ búa tuyên bố: “Một, hai, bán với giá 10 đô!” Một người ngồi ở hàng ghế đầu tiên la lớn: “Bỏ qua đi! Tới phiên bộ sưu tầm!”

Ban tổ chức hạ búa xuống tuyên bố: “Chúng tôi rất tiếc, buổi đấu giá đã kết thúc. Khi chúng tôi được mời đến tổ chức buổi đấu giá này, chúng tôi được cho biết một bí mật  phải giữ kín đến giờ phút này: “Bức tranh người con được đấu giá và ai mua bức tranh này sẽ được thừa kế toàn bộ tài sản gồm tất cả những bức tranh sưu tầm của chủ nhân. Ông già làm vườn mua bức tranh vẽ người con, sẽ được tất cả.”

Câu chuyện trên là dụ ngôn thời nay cắt nghĩa đoạn Phúc Âm, Mc 9: 30-37, của Chúa Nhật 25 Thường Niên. Ai chọn Chúa Con sẽ được thừa kế tất cả. Khi Chúa Giêsu tiên báo về việc Con Người sẽ chịu đau khổ và hy sinh mạng sống vì sự cứu rỗi của nhân loại, thì các môn đệ lại đang tranh luận với nhau xem ai trong số họ sẽ là người cao trọng nhất trong Vương Quốc mà Ngài sẽ thiết lập. Chúa Giêsu dạy cho họ thấy con đường dẫn tới sự cao trọng là con đường từ bỏ mình, khiêm tốn, và phục vụ người khác. Không có con đường nào khác cho bất ai muốn theo Ngài.

Các học giả đã nhận xét thấy rằng trong những câu chuyện của Thánh Kinh đã có một loại kiểu mẫu được ưa thích mà người ta gọi là “khuôn mẫu bé nhỏ hơn” – “the younger child motif”. Họ thấy rằng trong những câu chuyện phải giải quyết giữa hai anh em hay hai chị em, thì hầu như người em nhỏ hơn bao giờ cũng trổi vượt lên như một người anh hùng, một người tốt và được chúc phúc. Chẳng hạn khởi đầu Thánh Kinh với câu chuyện của Ca-in và A-ben, Ít-ma-ên và I-xa-ác, Ê-xau và Gia-cóp, Giu-se và các anh, Đa-vít và các anh, A-đô-ni-gia và Sa-lô-môn, người con hoang đàng và người con trưởng, câu chuyện của Mác-ta và Maria. Thật khó cắt nghĩa tại sao khuôn mẫu Thánh Kinh “bé nhỏ hơn” này lại trở nên có ý nghĩa.

Theo Carl Jung, nhân cách của con người được thành hình bởi hai nguồn năng lực mà ông gọi bằng tiếng Latinh là “senex” và “puer eternis”. “Senex” có nghĩa là người lớn, con cả, anh hai. “Puer eternis” có nghĩa là con bé nhỏ, con trẻ, con út. Xin tạm dịch là năng lực con cả và năng lực con trẻ. Nguồn năng lực con cả, anh hai, thì khôn ngoan, thận trọng và tính toán hơn. Vì có khuynh hướng nhìn xa, thấy trước, nên anh hai thường thận trọng và kỹ lưỡng, nhưng sau cùng chẳng dám hành động gì. Trái lại, người con trẻ, hay con út lại thích mạo hiểm và liều lĩnh hơn. Vì có khuynh hướng thích hoạt động, nên dễ phạm lỗi lầm, nhưng lại có nhiều cơ hội. Người con lớn hay bảo thủ và ý thức về sự an toàn hơn. Người con trẻ lại dễ dãi, dễ sống và sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Người con cả có khuynh hướng tranh giành quyền lực và sự thành công hơn. Còn người con trẻ lại có khuynh hướng cộng tác, cởi mở, thích bầu bạn hơn. Người con cả sớm trưởng thành và chịu trách nhiệm hơn, trong khi người con trẻ vẫn vô tư. Trong những đại gia đình, cha mẹ thường di truyền những sinh lực con cả cho người con đầu lòng của họ, và những người con kế sẽ kết thúc bằng việc duy trì thêm những năng lực của người con trẻ.

Từ lý thuyết này Carl Jung tiếp tục suy diễn ra rằng khi một trong hai nguồn năng lực này bá chủ hoàn toàn nhân cách của một con người, sẽ gây hậu quả là nhân cách đó dễ bị chết. Để trở thành một con người là con người thực sự, đầy sinh động, cả hai nguồn sinh lực này phải được cân bằng và hài hòa trong một nhân cách.

Nhìn vào hành động của các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy rằng hành động của họ quá nghiêng về nguồn năng lực của con cả. Đây là lần thứ hai, Chúa Giêsu cố gắng nói rõ cho họ biết về sự đau khổ, sự chết và sống lại đang chờ đợi Ngài ở Giê-ru-sa-lem. Họ không hiểu, mà cũng chẳng chịu hỏi lại: “Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người” (Mc 9:32). Đây chính là đặc tính của con cả. Người con cả luôn tỏ ra tự tin nơi chính mình, không muốn bàn hỏi với ai!

Một yếu tố rõ ràng khác của năng lực con cả nơi họ là: “dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9:34). Điều này chứng tỏ rằng họ liên hệ và làm việc với nhau dựa trên sự cạnh tranh quyền hành hơn là sự cộng tác. Do đó, chúng ta mới hiểu được rằng tại sao Chúa Giêsu đem một em bé đặt giữa các ông, ôm lấy em và nói rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9:37).

Lời tuyên bố có tính cách quyết định nầy quan trọng ở chỗ: để đón tiếp trẻ thơ phải chấp nhận một cái gì khác hơn là sự đơn thuần của một trẻ thơ. Đó là, theo như sự phân tích của Carl Jung, đón tiếp phần năng lực của con trẻ, cái nhân cách của trẻ thơ. Với năng lực con trẻ, chúng ta trở nên ít tính toán, ít quan tâm tới sự tủi nhục hay phẩm giá cá nhân của mình, ít sợ thất bại, đau khổ và sự chết. Và nhất là ít bám víu lấy quyền hành và sự thành công xét dưới con mắt của người đời. Với năng lực của con trẻ, chúng ta dám từ bỏ, ra đi, không bám víu, dám mạo hiểm, chấp nhận bấp bênh và thử thách. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể phó thác, tin tưởng và bước theo Chúa Giêsu được.

Văn hóa ngày nay làm cho chúng ta quá nghiêng về năng lực của người anh cả. Chúng ta giống như các môn đệ chỉ muốn thành công, quyền hành, vinh quang, chiến thắng, và những cảm giác an toàn bảo đảm cho cuộc sống trần gian. Ai muốn mang lấy những năng lực của con trẻ như sự vô tư, tin tưởng, cộng tác, và vui tươi? Ai muốn mạo hiểm ôm lấy những thử thách, đau khổ và khó khăn trong đời mình? Ai muốn đi tìm con đường khiêm tốn và phục vụ người bị lãng quên? Ai muốn đi với những người bé nhỏ, kẻ nghèo hèn, người bệnh tật?

Các tông đồ ở thời điểm này trong cuộc đời của họ, giống như những người đến dự cuộc đấu giá tranh trong câu chuyện ở trên. Họ chú ý đến quyền lực, địa vị, và danh vọng. Họ đã thất bại, vì không hiểu được cái nghịch lý của con đường Chúa Giêsu đi. Con đường khiêm tốn, phục vụ, và từ bỏ bản thân là con đường dẫn đến sự cao trọng.

Thông điệp của câu chuyện đấu giá tranh và câu chuyện của Phúc Âm hôm nay rất giống nhau: Thiên Chúa cho chúng ta Người Con duy nhất của Ngài. Người Con ấy đã hy sinh mạng sống mình để cứu vớt nhân loại. Và ai chọn Người Con, bước theo tinh thần và năng lực của Người Con, cùng con đường phục vụ khiêm tốn của Ngài, sẽ hưởng di chúc của Chúa Cha, thừa kế tất cả mọi sự. “Người Con! Người Con!” Ai bước theo Người Con sẽ thừa kế mọi sự!

ĐỨC GIÊSU, MẪU GƯƠNG PHỤC VỤ   

Lm. Đinh Lập Liễm

Khi Đức Giêsu loan báo lần nhất cuộc Thương khó và Phục sinh: ”Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” (Mc 8,31), Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người đến nỗi Đức Giêsu nặng lời quở trách ông: ”Satan, lui lại đàng sau Thầy! vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, tư tưởng của Phêrô và của Nhóm Mười Hai hướng tới một nhân vật nổi nang nào đó trong xã hội. Chẳng hạn một chính trị gia có khả năng giải phóng dân tộc khỏi bị lệ thuộc vào đế quốc Rôma.

Đức Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó và phục sinh: ”Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Nhưng các ông không hiểu lời đó và còn sợ không dám hỏi Người. Tại sao lời loan báo không lọt vào tai môn đệ? Điều xẩy ra liền sau đó giúp cắt nghĩa sự kiện. Marcô cho ta thấy các môn đệ bận tâm về điều ngược hẳn lại với cuộc Thương khó của Thầy các ông. Vì thế, trên đường đi Capharnaum, các ông đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả trong Nước mà Đức Giêsu sắp thành lập (Mk 89:34).

Marcô kể tiếp: ”Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ”Dọc đường, anh em đã tranh luận với nhau về chuyện gì vậy? Các ông làm thinh vì khi đi dọc đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,33-34).

Các ông chưa học được những bài học của Thầy. Chúa thì nghĩ đến cái chết của mình, còn các ông thì chỉ nghĩ đến “địa vị cao.” Các ông vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Messia. Các ông vẫn tiếp tục mong chờ một “biến cố vẻ vang”, chứng tỏ quyền năng của Đấng Messia, một vương quốc trần gian mà các ông đã tranh luận xem ai là người đứng đầu khi Chúa và các ông thắng thế.

Bị Chúa hỏi bất ngờ, các ông hổ thẹn không dám nói sự thật, các ông ngậm miệng làm thinh. Sau đó Người ngồi xuống với tư cách là một vị tôn sư, Người ôn tồn dạy bảo: ”Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người” (Mc 9,35).

Trong xã hội và tập thể con người, người ta thường tìm kiếm sức mạnh, sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Đức Giêsu lật đổ nhào tận gốc rễ thứ tự này: người “thứ nhất” trở thành “người sau rốt”, “ông chủ” trở nên “đầy tớ.” Chắc chắn Đức Giêsu đã nói một cách có vẻ khiêu khích và cách mạng.

Nhưng một lần nữa, đó không phải là làm một cuộc “cách mạng” nghĩa là thay đổi “chủ” mà thôi! Ở đây, nhằm đưa ra giải pháp thực sự cho nội tâm con người.

Hervieux giải thích thêm: ”Chúa lấy người rốt hết để đối chọi với người đứng đầu, lấy người đầy tớ mọi người đối chọi với người cai quản. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người (Lc 22:27).

Trong xã hội ai cũng muốn cho thân mình được đề cao, được khen ngợi, được kính trọng. Ai lại không muốn ăn trên ngồi trước, không muốn cai trị người khác, không muốn được người ta hầu hạ? Nói chung, ai cũng muốn tranh dành quyền bính trong tay để bắt mọi người phục vụ mình.

Các màn kịch tranh giành quyền bính đã diễn ra từ xưa. Lúc mới dựng nên loài thiên thần, Luxiphe đã tranh ngôi bá chủ với Thiên Chúa. Thiên Chúa buộc lòng phải tống cổ hắn xuống làm bá chủ hoả ngục. Adong Evà cũng đòi đồng hàng với Thiên Chúa và cũng bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng, đến làm vua trái đất khô cằn và chết chóc.

Đến đây chúng ta phải giải đáp một thắc mắc: Người ta có được phép có CAO VỌNG không? Thực ra cao vọng không là gì sai trái cả. Người Anh có một câu tục ngữ: ”My place is at the top”: chỗ của tôi phải ở trên cao. Đấy là câu tâm niệm giúp kích thích mọi người phải biết sống vươn lên, không được sống tà tà trên ngọn cỏ. Thực vậy, sống là phải biết đặt mục tiêu cho đời mình, làm việc thì phải muốn thành công. Tuy nhiên, cao vọng có thể vượt qua tầm kiểm soát của mình, khiến mình quên hết tất cả mọi sự khác để chỉ còn biết đeo đuổi điều mình mong ước. Bởi đó, chúng ta phải cẩn thận để ý xem những gì mình hy sinh khi theo đuổi cao vọng. Chúng ta có thể hy sinh đời sống gia đình, sự công bình, sự khả ái và thậm chỉ cả cuộc sống của mình nữa. Cao vọng có thể khiến người ta đối xử với người khác một cách bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, dù được lời lãi cả thế gian mà phải đánh mất chính mình thì nào có ích gì? (Lc 9:25).

Các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Các ông chưa học được bao nhiêu từ những giáo huấn của Đức Giêsu. Bởi đó, Đức Giêsu gọi các ông lại và dạy cho họ biết ý nghĩa của việc làm lớn. Đức Giêsu không huỷ bỏ cao vọng, nhưng Ngài định nghĩa nó lại cho đúng. Thay vị cao vọng thống trị người khác, Ngài dạy họ phục vụ người khác. Thay vì cao vọng muốn người khác hầu hạ mình, Ngài dạy họ biết hầu hạ người khác. Như thế điều Ngài lên án không phải là cao vọng mà là cao vọng sai.

Những con người danh tiếng được gọi là vĩ nhân đều có một lý tưởng là phục vụ xã hội. Những nhân vật thực sự vĩ đại, những con người luôn luôn được người đời nhớ ơn vì đã thực sự đóng góp cho đời, là những người đã tự hỏi “Ta phải dùng tài năng mình để phục vụ quốc gia dân tộc mình như thế nào?” Sự vĩ đại của một người không phải là việc người ấy leo được đến tột đỉnh các nấc thang của quốc gia, xã hội, nhưng ở trong sự kiện người ấy sẵn sàng phục vụ quốc gia dân tộc, xã hội, đồng bào mình bất cứ lúc nào và ở đâu. Nhà văn hào R. Tagore cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế khi ông nói: ”Khi tôi ngủ, tôi mơ rằng cuộc đời là niềm vui. Lúc thức dậy, tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ. Khi phục vụ, tôi thấy rằng phục vụ là niềm vui.”

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô đã làm một bài thánh ca để ca tụng tinh thần phục của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Đức Giêsu đã có một tinh thần khác hẳn với tinh thần bình thường của loài người. Bởi vì con người tự nhiên thích ngồi chỗ cao, thích được khen ngợi, thích làm lớn và ưa địa vị quan trọng. Đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phải chỉ là tật xấu của các môn đệ Đức Giêsu. Tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng. Tin Mừng chủ trương sống khiêm nhường, quên mình, quảng đại, coi mình không là gì hết, bởi vì hễ ai trở nên bé nhỏ trước mặt loài người, kẻ ấy sẽ được đề cao trước Thiên Chúa (Mt 18:4). Lòng khiêm nhượng ở đời này là điều kiện và là mức đo sự cao trọng trong Nước Trời.

Cha Charles de Foucauld, biệt danh là người hùng sa mạc Sahara, trước đây là một viên thượng tá trong quân đội Pháp. Đã từng chỉ huy các đoàn kỵ binh anh dũng rong ruổi ngược xuôi trên lưng ngựa để phục vụ hoàng triều nước Pháp. Foucauld tưởng như vậy là thành công và oai hùng. Nhưng nắm trong tay những tấm huy chương chói lọi, và tai nghe tiếng vó ngựa vang trời, Foucauld vẫn cảm thấy sự trống vắng, vô nghĩa của cuộc đời! Để cho đời mình có ý nghĩa tròn đầy, ông rời quân ngũ, xin vào phục vụ trong một tu viện ở làng Nazareth. Tại đây, Foucauld gánh nước cho từng nhà, nhất là những người già yếu bệnh tật. Rồi Chúa lại dẫn lối cho Foucauld đi tĩnh huấn trong sa mạc để đem Tin Mừng cho người Phi châu. Trong đời quân ngũ, Foucauld không chinh phục được ai, nhưng trong đời tu sĩ, ông đã đem nhiều linh hồn về với Chúa.

Chúng ta sống sau những biến cố đau thương của Đức Giêsu, chúng ta suy niệm, học hỏi những biến cố đó. Thế nhưng sau đó chúng ta vẫn còn tranh giành địa vị lớn nhỏ; tranh giành ngôi thứ trong các giáo xứ còn phản ảnh nơi chúng ta cái tâm trạng của các môn đệ xưa kia. Chung qui cũng tại bản năng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị người khác mà thời đại nào cũng thế.

Đức Giêsu đã dạy chúng ta: ”Hãy làm tôi tớ cho mọi người” (Mc 9,35). Đã là tôi tớ thì phải hầu hạ, phục vụ, giúp đỡ. Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Đức Giêsu: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20,35). Bởi vì, cho tức là trao tặng cho chính mình.

Người Anh có một câu ngạn ngữ tương tự: “Điều tôi tiêu đi thì tôi có. Điều tôi giữ lại thì tôi mất. Điều tôi cho đi thì tôi được.” Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban. Có biết yêu thương con người mới thực sự triển nở và gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới tìm được hạnh phúc đích thật và một sự bình an trong cuộc sống: “Thành quả của sự thinh lặng là cầu nguyện. Thành quả của sự cầu nguyện là yêu thương. Thành quả của yêu thương là phục vụ. Thành quả của phục vụ là bình an (Mẹ Têrêsa Calcutta).

Bác sĩ Miki trong phim “Vận mệnh” thấy đời mình thất bại nhiều, chồng chết, muốn tự tử. Tình cờ đỡ đẻ cứu sống được cả mẹ con, lúc ấy Miki bừng tỉnh và thấy đời mình còn có ích cho người khác. Miki quyết định đến một hòn đảo xa phục vụ đồng bào với số ngày còn lại. Và Miki đã thực sự thấy mình được hạnh phúc trong phục vụ.

Để kết thúc, chúng ta hãy lắng nghe trong tinh thần cầu nguyện những lời của bác sĩ Albert Schweitzer, một Kitô hữu vĩ đại thời nay, người đã từ giã những phòng hoà nhạc Âu Châu để trở thành một bác sĩ thừa sai phục vụ cho người nghèo khổ ở Phi Châu: “Tôi không biết số phận bạn ra sao, chỉ biết một điều duy nhất là: Trong các bạn, chỉ những ai biết tìm và tìm thấy cách thức phục vụ tha nhân thì mới thực sự được hạnh phúc.”

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU   

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Các kỷ lục thế giới cứ được nâng cao hoài,

vì ai cũng muốn phá kỷ lục để được đứng nhất:

chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất, ném xa nhất…

Các đĩa nhạc chỉ muốn nằm mãi trong top-ten,

Các cuốn sách chỉ muốn là sách bán chạy nhất.

Ðẹp nhất, giỏi nhất, giàu nhất, thế lực nhất…

Cuộc sống quả là một cuộc tranh đua không ngừng.

Các nhà tâm lý học coi những tranh đua đó

là cần thiết để hình thành nhân cách.

Các nhà xã hội học coi những tranh đua đó

là cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội.

Tiếc thay, lắm khi người ta đã dùng bao mưu mô

để đạt được và giữ được vị trí hàng đầu.

Ðôping trong thể thao chỉ là một thí dụ nhỏ.

Ngay trong Nhóm Mười Hai cũng có tranh chấp.

Sau khi Ðức Giêsu loan báo con đường hẹp của khổ đau,

các môn đệ vẫn chưa ra khỏi được con đường của mình.

Ðang lúc đi đường mà các ông cũng cãi nhau

xem ai là người lớn nhất trong nhóm.

Ðức Giêsu tế nhị đợi về tới nhà mới hỏi

như thể Ngài không biết rõ đầu đuôi.

Các môn đệ làm thinh không trả lời.

Ðức Giêsu tôn trọng khoảnh khắc lặng lẽ cần thiết ấy

để mỗi người trở về với bao thèm khát của lòng mình,

đối diện với bao tham vọng đang sôi sục.

Ðức Giêsu ngồi xuống thư thái như một vị thầy.

Ngài chẳng nặng lời với các nhà lãnh đạo Hội Thánh tương lai.

Ngài dạy cho họ con đường trở nên lớn lao thực sự:

“Nếu ai muốn làm người đứng đầu,

thì phải làm người đứng cuối mọi người

và phục vụ mọi người.”

Ðức Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng về quan điểm.

Người lớn nhất, người đứng đầu

không phải là người dùng quyền

để lãnh đạo chỉ huy từ trên cao,

nhưng là người đến trước mọi người

và về sau mọi người, để phục vụ.

Khi phục vụ vô vị lợi, tôi được thực sự lớn lên

trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh em.

Người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất.

Chức vụ, chức vị, chức tước, chức quyền

đều không phải là điều xấu,

nếu chúng được dùng như phương tiện để phục vụ.

Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng cuối,

thì còn ai muốn đứng đầu nữa không?

Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu

theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ.

Ai trong chúng ta cũng có chút ít quyền hành,

cũng là người đứng đầu một tập thể nho nhỏ.

Ước gì chúng ta không để mình bị hư hỏng vì quyền hành,

nhưng biết dùng quyền hành

để đem lại hạnh phúc cho tha nhân.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Ðiều mà ngươi làm

cho người bé mọn nhất trong anh em

là làm cho chính Ta.”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

NỀN VĂN MINH MỚI

TGM. Ngô Quang Kiệt

Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.

Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.

Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

 

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Ngày nay, trẻ em phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không?
  2. Tại sao Chúa Giêsu sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn?
  3. Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau?

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*