• CHÚA KITÔ LÀ AI? – Lm. Louis M. Nhiên, CRM
  • CÁI GIÁ PHẢI TRẢ – Lm. Nguyễn Thái
  • THEO ĐỨC KITÔ BỊ ĐÓNG ĐINH – Lm. Đinh Lập Liễm
  • CÒN ANH EM BẢO THẦY LÀ AI? – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • TƯỞNG LẦM – TGM. Ngô Quang Kiệt

CHÚA KITÔ LÀ AI? (Mc 8:27-35)

Lm. Louis M. Nhiên, CRM

“Đối với bạn, Chúa Kitô là ai?” Khi suy nghĩ về đoạn Kinh Thánh, Chúa mời gọi dân chúng và các tông đồ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”. William Barclay, một nhà chú giải Thánh Kinh nổi tiếng, đã cho rằng Đức Kitô là một vị lãnh đạo thành thật. Không ai có thể tố cáo cho rằng Chúa dụ dỗ người ta theo Chúa qua những lời hứa hão huyền. Chúa đã không hối lộ người ta bằng những con đường dễ dàng. Ngài không trao tặng an bình nhưng trao tặng vinh quang.

Thời thế chiến thứ hai, khi ông Winston Churchill làm thủ tướng nước Anh, tất cả những gì ông có thể trao tặng là “máu, lao nhọc, nước mắt, và mồ hôi.” Garibaldi, một nhà ái quốc người Ý đã kêu gọi tuyển mộ rằng: “Tôi không trao tặng tiền bạc, nhà ở, lương thực, tôi chỉ có sự đói, khát, trận chiến, và sự chết. Ai yêu tổ quốc với tất cả tấm lòng, chứ không phải chỉ ở môi miệng, hãy theo tôi.”

Chỗ khác ông thêm: “Các chiến sĩ thân mến, tất cả những cố gắng chống lại sức mạnh siêu cường đều đã không thể. Tôi không có gì để trao tặng các bạn trừ sự đói, khát, vất vả và sự chết, nhưng tôi kêu gọi tất cả những người yêu quê hương hãy cùng hợp sức với tôi.”

Chúa Giêsu không bao giờ tìm lôi cuốn, hấp dẫn con người đến với Chúa bằng con đường dễ dàng. Ngài thách đố con người bằng cách đưa ra một con đường không gì có thể cao hơn và khó hơn. Ngài đến không để làm cho cuộc sống dễ chịu hơn nhưng để làm cho con người trở nên cao cả.

Một điểm đặc biệt khác nơi Chúa Giêsu là Ngài không bao giờ kêu gọi người ta làm điều gì mà Ngài đã không làm. Đây thực sự là một đức tính của nhà thủ lãnh mà người ta sẽ theo.

Chuyện kể rằng A lịch Sơn Đại Đế trong cuộc viễn chinh chinh phục Darius, trong mười một ngày vua và binh lính của vua đã hành trình vất vả và dường như muốn bỏ cuộc vì khát không có nước uống. Trong lúc họ đang khổ cực, tình cờ có mấy người Macedonia mang ít vò nước đi ngang qua nơi A Lịch Sơn đang ở, thấy vua gần chết khát nên lấy ra một ít nước trao cho vua.  Vua hỏi xem họ lấy nước cho ai, họ trả lời cho các em nhỏ và thêm rằng nếu vua được sống thì đó là điều đáng kể còn họ sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi dầu tất cả đều phải chết. Vua cầm lấy bình nước nhìn chung quanh và thấy các binh lính ai nấy đều giơ tay ra phía trước xin nước uống, vua nói: “Nếu chỉ mình ta được uống nước này thôi, thì thật là không công bằng chút nào.” Nói xong, vua đưa trả lại bình mà không uống một giọt nước nào. Nhìn thấy hành động cao cả của nhà vua, tất cả các binh lính lên tinh thần, quên mệt nhọc đói khát hoàn tất cuộc hành trình. Thật dễ dàng để theo một vị lãnh đạo không bao giờ đòi hỏi thuộc cấp những gì mình không làm nổi.

Một tướng thời danh Rôma, Quintus Fabius Cunctator, một hôm bàn trận chiến với các vị cố vấn. Một vị nêu lên một phương thức hành động: “Điều này có thể làm được vì chỉ phải hy sinh một số nhỏ người thôi.” Fabius nhìn người vừa đề nghị và nói: “Are you willing to be one of the few?” “Ông có sẵn lòng chịu hy sinh là một trong những người đó không?”

Chúa Giêsu đã có quyền gọi chúng ta vác thập giá theo Chúa, vì chính Người đã vác thập giá trước.

Vác thập giá theo Chúa không dễ, từ bỏ mình không dễ. Tuy nhiên chúng ta có thể dùng tự do của mình để quyết định theo Chúa, từ bỏ mình, và đây là điều tách biệt con người với con vật. Con vật tự nó không thể từ bỏ mình, con vật tự nó không thể kiêng nhịn. Chúng ta có thể huấn luyện con vật tuân theo một số kỷ luật nhưng con vật không thể tự quyết định cho nó được.  Chỉ có con người mới có  tự do, mới có khả năng tự kỷ luật cũng như tự kiềm chế ước muốn của mình.

“Đối với bạn, Chúa Kitô là ai?” Đây là một câu hỏi quan trọng mỗi người chúng ta được mời gọi suy nghĩ và tìm câu trả lời bằng chính cuộc sống của mình. Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng đó là: “Đối với bạn, bạn là ai?” Nhiều người đã sống suốt cuộc đời của họ với nhiều mặt nạ: Mặt nạ này mặt nạ kia, không dám sống thật với lòng mình, và có người bảo một điều chắc chắn đó là họ không thể bước vào cuộc sống đời đời và lại tiếp tục đeo mặt nạ được.

“Đối với bạn, Chúa Kitô là ai?” 

“Đối với bạn, bạn là ai?”

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ

Lm. Nguyễn Thái

Câu chuyện được kể về Sherlock Holmes và bác sĩ Watson. Hai người đi cắm trại và ở trong một cái lều trại. Holmes là một nhà trinh thám đại tài của Anh trong những tiểu thuyết giả tưởng của A. Conan Doyle. Và Dr. Watson là bác sĩ sinh vật học chuyên môn về ngành DNA của Mỹ. Một đêm nọ khi họ nằm ngủ say sưa, bỗng Holmes đánh thức Watson dậy và nói: “Watson, hãy nhìn kìa, anh trông thấy gì không?” Watson dụi mắt trả lời: “Thấy, tôi trông thấy hằng triệu ngôi sao.” Holmes hỏi: “Và cái điều đó nói gì với anh?” Watson trả lời: “Xét về thiên văn học, nó nói với tôi rằng có hằng triệu giải ngân hà và có thể có hằng tỉ các hành tinh. Xét về thần học, nó nói với tôi rằng Thiên Chúa quá vĩ đại, và chúng ta quá ư là nhỏ bé và vô nghĩa. Xét về khí tượng học, nó nói với tôi rằng ngày mai chúng ta sẽ có một ngày đẹp trời. Còn anh? Nó nói với anh cái gì nào?” Holmes trả lời: “Một người nào đó đã ăn cắp hết đồ của chúng ta rồi!”

Có người rất giỏi về kiến thức, nhưng khi gặp những việc thực tế và cụ thể trong đời sống, họ lại chẳng để ý gì. Đó là trường hợp của bác sĩ Watson nằm ngủ nhìn lên trời với những tư tưởng cao siêu, trong khi bị mất hết đồ mà không biết. Và Thánh Phêrô nói được chân lý cao siêu “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8:29), nhưng lại không hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì!

Theo linh mục Eugene LaVerdière câu chuyện tuyên xưng đức tin của Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay là phần chuyển tiếp. Nó đóng vai trò như một kết luận của phần thứ nhất của Phúc Âm Máccô (Mc 1:14 – 8:21): Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi này đã được trả lời “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8:30). Và như một sự giới thiệu cho phần thứ hai (Mc 8:22 – 16:8): Đấng Kitô có nghĩa là gì? Câu hỏi này được trả lời trong phần thứ hai (Mc 8:22 – 16:8) của Phúc Âm Mác-cô. Sau khi thấy Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, viên đại đội trưởng liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39).

Các môn đệ là những người đã được Chúa Giêsu mời gọi bước theo Ngài ở phần thứ nhất, nhưng theo Chúa Giêsu sẽ đòi hỏi họ điều gì ở phần thứ hai của Phúc Âm. Phêrô đã trả lời đúng khi Chúa hỏi ông: “Các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Theo Phúc Âm của Mátthêu, sau câu trả lời này, Chúa đã thưởng ông bằng cách đổi tên là Phêrô, nghĩa là Đá, thay vì Simon (Mt 16: 27). Nhưng khi hiểu về ý nghĩa của Đấng Thiên Sai thì Phêrô bất đồng quan điểm với Chúa Giêsu, và bị quở trách rằng: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8: 33). Chính ở điểm này, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy sự khác biệt về cách đánh giá trị theo quan điểm của Thiên Chúa và loài người. Bởi chỉ có người sống theo Thần Khí thì mới xét đoán được mọi sự (1 Cr 2:15).

Tháng 10 năm 1999, Regis Philbin khai trương một show mới trên đài truyền hình ABC của Mỹ với tên là “Who Wants to Be a Millionaire – Ai Muốn Thành Triệu Phú”. Sau hai tuần thử nghiệm để thăm dò, chương trình bắt đầu lại vào tháng 11, và đã thu hút số khán giả kỷ lục là 26 triệu người xem TV vào ngay đêm đầu tiên đó. Từ đấy Regis nổi tiếng với câu hỏi: “Final answer?”

Mới chỉ có 1 triệu đô la thôi mà đã thu hút số người ham muốn đông đảo nhiều đến như vậy, huống chi là 10 triệu đô la? Năm 1991 có vài anh chàng cũng đã nghĩ ra một câu nghi vấn tương tự. Họ muốn biết xem là người Mỹ sẽ dự tính làm gì, không phải với 1 triệu đô la, nhưng là với 10 triệu đô la. Họ thực hiện một cuộc thăm dò và đã xuất bản kết quả của cuộc thăm dò đó trong một cuốn sách mang tên “The Day America Told the Truth – Cái Ngày Người Mỹ Nói Lên Sự Thật”. Bạn có bao giờ tự hỏi sẽ làm gì với số tiền to lớn đó không? Con người ngày nay đang bị lôi cuốn, quyến rũ bởi sức mạnh của tiền bạc. Họ nghĩ rằng với tiền bạc và của cải vật chất, họ sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Và có lẽ họ cũng chẳng cần để ý tới Thiên Chúa nữa!

Hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta về ý nghĩa sứ mạng của Ngài, và cái giá phải trả dành cho những người môn đệ muốn theo Ngài: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế, và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8:31). Lời tiên báo này thật khó nghe và khó chấp nhận. Nó hoàn toàn ngược lại với những giá trị của xã hội hiện đại. Một xã hội đề cao tiền bạc vật chất, lợi ích cá nhân, thúc dục lòng ham muốn, tạo tiện nghi hưởng thụ thoải mái. Đối nghịch với những giá trị của người đời, hẳn nhiên người môn đệ của Chúa Kitô cũng phải trả bằng một giá rất đắt giống như Ngài.

Chúng ta đã nghe nói về cuộc đời của Dietrich Bonhoeffer, một thần học gia và triết gia Tin Lành. Những tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của Kitô giáo hiện đại. Ông đã viết một cuốn sách mang tựa đề “The Cost of Discipleship – Cái Giá Phải Trả Để Làm Môn Đệ Chúa Kitô”. Bonhoeffer không những nói, và bàn về cái giá phải trả cho ơn gọi làm môn đệ của Chúa Kitô, nhưng còn sống nó một cách anh dũng và trả bằng chính mạng sống của mình.

Theo Bonhoeffer có hai loại ân sủng: Ân sủng giá rẻ, cheap grace, và ân sủng giá đắt, costly grace. Ân sủng giá rẻ là việc xin Chúa tha thứ tội lỗi cho ta mà không chịu có lòng thống hối. Ta muốn chịu phép rửa tội, mà không muốn giữ kỷ luật của Giáo Hội. Ta muốn rước Mình Máu Thánh Chúa mà không muốn đi xưng tội, muốn được tha tội nhưng không muốn thành thật sám hối và chừa bỏ tội lỗi. Ân sủng giá rẻ là ân sủng không có kỷ luật, ân sủng không có Thánh Giá, ân sủng không có Chúa Giêsu Kitô hiện diện và nhập thể.

Còn ân sủng giá đắt là kho tàng giấu ẩn trong cánh đồng; vì ích lợi của nó sinh ra mà một người phải bán tất cả tài sản mình có để mua lấy nó. Đó là viên ngọc quý mà người thương gia đi tìm. Tìm được rồi anh về bán tất cả những gì mình có để mua viên ngọc ấy (Mt 13:44-45). Đó là lời kêu gọi của Chúa Giêsu mà các môn đệ đã bỏ chài lưới để đi theo ngài. Ân sủng giá đắt chính là Tin Mừng phải được tìm kiếm liên lỉ mới thấy; là món quà phải được năn nỉ xin xỏ mãi mới cho; là cánh cửa mà một người gõ mãi mới được mở. Ân sủng giá đắt như vậy là vì nó mời gọi chúng ta theo Chúa Kitô, và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nó là ân sủng thực sự vì nó cho ta sự sống đời đời. Ân sủng giá đắt chính là sự đau khổ và cái chết của Chúa Kitô để mang lại sự cứu rỗi cho nhân loại. Đó là sứ điệp của bài Phúc Âm hôm nay.

Ngày 5/4/1943, quân Đức quốc xã đã bắt Bonhoeffer tại nhà của cha mẹ ông. Bonhoeffer đã trải qua nhiều nhà tù và trại tập trung, và ngay cả cái chết luôn luôn đe dọa vì tinh thần môn đệ theo Chúa Kitô một cách trung kiên và anh dũng của ông. Người môn đệ này đã có thể chọn ở lại chủng viện ở Mỹ thay vì trở về Đức để chiến đấu cho công lý bằng chính mạng sống của mình. Chỉ vài ngày trước khi Quân Đội Đồng Minh giải phóng trại tập trung ở Flossenburg, ngày 9/4/1945, Bonoeffer đã bị hành quyết vì đức tin của mình. Ông đã sống trọn vẹn là một môn đệ Chúa Kitô.

Nhờ “Cái Ngày Người Mỹ Nói Lên Sự Thật” mà chúng ta biết được những điều họ ước muốn khi có 10 triệu đô la. Nhưng trước khi có những anh chàng làm cuộc thăm dò dân Mỹ muốn gì khi có 10 triệu đô la, thì Chúa Giêsu đã nói lên sự thật đó cho Phêrô và các môn đệ của Ngài biết rồi: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8:35-36).

Theo truyền thống kể lại, Hoàng Hậu Helen, mẹ của Hoàng Đế Constantine, thế kỷ thứ tư, đã tìm thấy được Cây Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh ở Giêrusalem. Sau đó quân Persian đã bao vây và chiếm đóng thành Giêrusalem. Chúng phá hủy các giáo đường và ăn trộm các di tích thiêng thánh trong các nhà thờ đó, gồm cả Cây Thánh Giá được tin là của Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh. Vài năm sau, Hoàng Đế Heraclius đã lấy lại được Cây Thánh Giá quý báu đó.

Cũng theo truyền thống kể lại, sau khi Cây Thánh Giá được phục hồi rồi phải mang trở lại Giêrusalem. Đích thân Hoàng Đế, trong xiêm y sang trọng và lộng lẫy, đã cố gắng vác Cây Thánh Giá theo đoàn rước từ Giêrusalem đến Núi Calvary. Hoàng Đế lấy hết sức mình nâng Cây Thánh Giá lên, nhưng quá nặng, ông không thể nhấc lên nổi. Thấy vậy, Đức Giám Mục của thành Giêrusalem mới nói với Hoàng Đế rằng cái cách duy nhất để vác được Cây Thánh Giá là phải hành động như Chúa Giêsu đã làm. Cách ăn mặc sang trọng của Hoàng Đế đã không thích hợp. Do đó, ông phải cởi bỏ xiêm y, giầy dép sang trọng ra và mặc vào quần áo đơn giản, đi chân không và vác Thánh Giá như Chúa Giêsu xưa kia đã làm. Sau đó ông đã vác được Cây Thánh Giá lên đỉnh núi Calvary.

Ngày nay, chúng ta cũng giống như Hoàng Đế Heraclius, muốn vác được Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta, chúng ta phải cởi bỏ tất cả mọi của cải vật chất, lạc thú trần gian xuống. Ngài đã dạy chúng ta rằng để theo Ngài, phải từ bỏ mọi sự, ngay cả chính mạng sống của mình. Lúc đầu Phêrô phản đối, nhưng sau cùng, Phêrô và các môn đệ đã hiểu. Họ đã từ bỏ mọi sự và trả bằng mọi giá, ngay cả việc dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho Tin Mừng.

Điều phải trả bằng mọi giá này cũng áp dụng cho chúng ta nếu chúng ta muốn theo Chúa. Nhưng hãy nhớ rằng giá phải trả để theo Ngài không rẻ đâu! Cho dù có đắt cũng không bằng cái giá mà Đức Giêsu đã trả để chuộc lấy chúng ta (1 Cr 6:20; 7:23).

THEO ĐỨC KITÔ BỊ ĐÓNG ĐINH

Lm. Đinh Lập Liễm

Đức Giêsu là ai? Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời. Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giêsu Kitô, ông là ai? Trên bàn viết của Lênin, ông tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách nói về Chúa Giêsu.

Thánh Marcô kể: bấy giờ Đức Giêsu đang đi với các môn đệ ở vùng Cêsarêa của Philip, tức miền cực bắc nước Do Thái, nơi bắt nguồn của dòng sông Giorđan. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: ”Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp liền: ”Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28),

Ngày xưa, nhiều người Do Thái cho rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri: họ lùng bắt Êlia (I King 19:10), họ đã bỏ tù Giêrêmia (Jer 26:8), họ đã chém đầu Gioan Tẩy giả… Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.

Chúa Giêsu lại hỏi các ông: ”Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô tức khắc trả ời: ”Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Các ông chưa kịp trả lời thì ông Phêrô đã thay cho Nhóm 12 mà tuyên xưng Đức Giêsu với danh hiệu là Kitô hay Messia. Câu trả lời của ông Phêrô vượt xa những câu trả lời thông thường của quần chúng.

Tước vị “Christos – Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (Act 10:38). Đó là Đấng được mọi ngươi mong đợi đến để “hoàn tất lịch sử.” Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho đời sống con người có ý nghĩa.

Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do Thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do Thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do Thái trở nên hùng cường, cai trị khắp địa cầu, thịnh vượng hơn thời Salômôn. Cho nên, Đức Kitô mới được tôn vinh là Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa hùng mạnh, Cha muôn thuở, Hoàng tử hoà bình, danh Người siêu việt, sự việc Ngài đã lừng vang trên toàn cõi đất. Người là Đấng Thánh của Israel và Nước Người tồn tại đến vô cùng tận (Is 9:5-6).

Đức Giêsu đồng ý với lời tuyên xưng của ông Phêrô và cấm ngặt các ông đừng nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu tiết lộ cho các ông biết: ”Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Đó là sứ mạng cốt yếu của Đức Kitô, hy sinh hiến mạng sống mình chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Người đến không phải để thiết lập nước vinh quang trần gian mà thiết lập Nước Trời vinh phúc vĩnh cửu. Người đến trần gian không dạy đường lối vào trần gian hư nát, nhưng dạy đường lối vào Nước Trời muôn thưở. Người đến trần gian chỉ để hy sinh phục vụ như một tôi tớ hiền lành, khiêm tốn để chứng tỏ tận cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, để con người nhận biết “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống và được sống dồi dào” (Ga 3,16).

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34-35).

Trở lại bài đọc 1 (Is 50:4-9), ta thấy tiên tri Isaia có một bài ca nói về Người Tôi Tớ đau khổ, mà người Tôi Tớ đau khổ ấy chính là Đức Kitô. Và mọi Kitô hữu cũng một phần nào là người tôi tớ ấy. Chúng ta không hiểu vì sao lại là người tôi tớ đau khổ! Nhưng rõ ràng đó là ý muốn của Thiên Chúa và là kế hoạch cứu thế của Người. Người muốn cứu độ bằng đường thánh giá: ai muốn được ơn cứu độ của Ngài, phải bằng lòng đi vào con đường ấy. Nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày là tự hỏi Thiên Chúa muốn cho tôi ngày hôm nay, trong giờ phút này vác thập giá nào đây để tôi được cứu độ và góp phần vào việc cứu thế.

Lavallière Lepaux là một nhân viên thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công Giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.      Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras: “Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông?” Barras trả lời: “Nếu ông muốn thiên hạ theo đạo mình, thì ông hãy để cho người ta đóng đinh ông ngày thứ sáu, rồi sáng ngày Chúa Nhật, ông cố sống lại đi.”

Muốn theo Chúa thì phải thi hành hai điều kiện là phải từ bỏ mình và vác thập giá mình. Từ bỏ chính mình để nhận lấy thập giá mà bước theo Chúa. Từ bỏ để khỏi bận tâm tính toán, so sánh hơn thiệt trong việc theo Chúa. Không từ bỏ, con người vướng bận nhiều thứ, nào là cái tôi kềnh càng, tự ái, ích kỷ; nào là vật chất, đẳng cấp, vị thế xã hội. Muốn thong dong trong việc đi theo Chúa phải từ bỏ những thứ phụ thuộc đó, đặt niềm tin vào Chúa mới mong theo trọn con đường Chúa mời gọi.

Lý tưởng mà Thánh Phaolô muốn nhắm tới là được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu (Rm 6:5). Hơn nữa đây thực sự không phải là “tha hoá” mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người “giống hình ảnh” Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi nên con người bị “tha hoá.” Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 653).

Thập giá, theo Tin Mừng, chính là chấp nhận và làm ngược lại mọi sở thích và khuynh hướng tự nhiên của con người. Thập giá là tự chủ, tự chế, là vượt lên những đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Thập giá là nỗ lực hoàn thiện, gột bỏ con người thú tính, để mặc lấy nhân phẩm, nhân cách của thụ tạo duy nhất được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và có khả năng đối thoại với Thiên Chúa.

Như vậy, kiểu nói “vác thập giá mình” có ý nói con người phải nhận những khổ cực của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài. Ngoài ra, theo luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của mình ra pháp trường (Jn 19:17). Như thế, “vác thập giá mình” cũng đồng nghĩa với mình đã bị án tử rồi.

Từ xưa đến nay, có một vấn đề gai góc, một vấn đề nan giải, một vấn đề làm cho nhiều người thắc mắc và thất vọng. Đó là vấn đề đau khổ. Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống trong tiếng khóc chân thật hay giả dối của người khác. Phải chăng đời là bể khổ như Phật Giáo chủ trương? Vấn đề đau khổ này cũng đã được đề cập đến trong sách Gióp, nhưng chưa tìm được câu giải đáp thoả đáng, phải chờ Đức Giêsu đến để giải thích và cho nó một ý nghĩa.

Chúng ta có thể ví những đau khổ, phiền muộn như cơn bão táp, lụt lội xẩy đến. Chúng là một phần cuộc sống mà chúng ta không thể nào tránh né được. Tuy nhiên, đối với Chúa, điều quan trọng trong cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đau khổ xẩy đến trên chúng ta, mà chính là thái độ chúng ta đáp ứng chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Có lẽ chúng ta không thể nào tránh né được đau khổ phiền muộn, nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc; nhờ đó, chúng trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.

Khi còn là một thiếu nữ, Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình. Cô viết: “Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một cái may mắn ẩn chìm, bởi vì điều ấy buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó mang lại ích lợi cho mình hơn. Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thập giá của mình. Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn. Cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên Nữ Thủ Tướng đầu tiên của Israel (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật B, tr 327).

Chúng ta thấy dòng Mến Thánh Giá có một khẩu hiệu để làm câu tâm niệm hằng ngày rất có ý nghĩa: ”Per crucem ad lucem”: qua thập giá tới vinh quang (Lc 24:26). Đúng vậy, Chúa Kitô phải trải qua ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới tiến tới ngày Chúa Nhật Phục Sinh được. Thực sự, đạo của chúng ta không phải là đạo tử nạn, nhưng là đạo phục sinh. Chết chỉ là điều kiện để tiến tới sự sống lại.

Thập giá không còn là cái gì ghê rợn mà là vinh quang (Gal 6:14). Chúng ta thường hát: ”Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát.”

Ngày nay, có quá nhiều tiện nghi, có nhiều phương cách thoả mãn các nhu cầu thể chất của con người, nên ngươi ta “sợ” thập giá, người ta “ngại” hy sinh, người ta “tránh” từ bỏ. Nhưng không thể khác được, nếu con người muốn vươn lên, muốn thành đạt, muốn có một cuộc sống có ý nghĩa với những hoa trái thơm tho cho cuộc đời thì phải chấp nhận thập giá, chấp nhận gian nan thử thách vì như người xưa đã nói: “Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con?”

Hiểu được ý nghĩa cao quí của thập giá, chúng ta phải hãnh diện về cây thập giá. Hãy nói một cách tự hào như Thánh Phaolô nói với tín hữu Galata: ”Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14). Hãy mang lấy trọn vẹn thập giá mà Chúa trao cho hằng ngày, không thêm, không bớt. Chính thập giá là chiếc cầu dẫn ta vào Thiên đàng.

Anh kia được Chúa ban cho một cây thập giá và được căn dặn rằng khi nào về thiên đàng nhất thiết phải vác theo. Suốt ngày anh ca thán, phân bua vì thập giá của mình quá dài và nặng hơn thập giá của những người khác. Thế rồi, sẵn cưa, anh cưa bớt đi mười phân. Và anh cảm thấy ưng ý với thập giá mới.

Ngày về thiên đàng đã đến, anh cùng mọi người vác thập giá ra đi. Đường vào thiên đàng buộc phải vượt qua một con suối nước chảy xiết. Những người khác có sáng kiến đặt thập giá của mình xuống làm cầu để có thể bước qua bên kia. Anh này cũng bắt chước đặt thập giá xuống để làm cầu. Tiếc rằng thập giá của anh lại thiếu mất mười phân khiến vĩnh viễn anh không thể vào thiên đàng được.

CÒN ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Ðức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ

sau khi họ đã ở với Ngài và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14),

sau khi họ đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng.

Hôm nay Ðức Giêsu cũng đặt câu hỏi này cho tôi

sau khi tôi đã theo đạo một thời gian dài,

đã cầu nguyện và tham dự các bí tích…

“Còn anh, anh bảo Thầy là ai?”

Câu hỏi này nhắm thẳng vào tôi, đòi tôi phải trả lời.

Tôi không được trả lời qua loa hay máy móc.

Câu trả lời của tôi phải bắt nguồn từ một kinh nghiệm,

kinh nghiệm gặp gỡ và quen biết Ðức Giêsu.

Chẳng nên theo một người mà mình không quen và tin tưởng.

Ðời tín hữu là một hành trình tìm kiếm không ngừng

để khám phá ra khuôn mặt luôn mới mẻ của Ðức Giêsu.

Ngài thật là một mầu nhiệm khôn dò và quá phong phú.

Chúng ta chỉ mon men đến gần,

nhưng không sao múc cạn được mầu nhiệm ấy.

Phải thanh lọc những hình ảnh ta vốn có về Ngài.

Người làng Nadarét cứ nghĩ Ðức Giêsu chỉ là bác thợ.

Gioan Tẩy Giả nghĩ Ngài là một Mêsia vinh quang toàn thắng.

Phải gột bỏ cái biết cũ về Ngài

để đón nhận một Ðức Kitô khác, vượt xa điều mình nghĩ.

“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.”

Cần trở nên trẻ thơ để nhận ra khuôn mặt thật của Giêsu.

Hôm nay, chúng ta dễ dàng trả lời như Phêrô:

“Thầy là Ðức Kitô”,

và hơn Phêrô: “Thầy là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa.”

Nhưng vấn đề không phải chỉ là trả lời đúng câu hỏi

mà còn là sống tận căn thân phận của Thầy.

Ngay sau khi loan báo con đường khổ nạn mình sắp đi,

Ðức Giêsu loan báo con đường dành cho người môn đệ.

Môn đệ chỉ có một con đường, con đường của Thầy.

Thầy đã sống phận người với tất cả bấp bênh tăm tối,

tôi có dám sống phận người của tôi trong niềm vui không?

Thầy đã chịu chết vì làm chứng cho sự thật,

tôi có dám hiến mạng tôi vì Thầy và vì Tin Mừng không?

Thầy đã vượt qua đau khổ để vào vinh quang bất diệt,

tôi có dám chọn con đường khiêm hạ và nghèo khó không?

“Người ta bảo Thầy là ai?”

Ta cần biết cái nhìn của con người hôm nay về Ðức Giêsu.

Nhiều cái nhìn đúng nhưng chưa đủ.

Truyền giáo là giúp người ta biết đúng và đủ về Ngài.

Không phải là cái biết lý thuyết trong sách vở,

nhưng là cái biết thân tình của người môn đệ.

Cuộc sống của ta vén mở căn tính của Ðức Giêsu.

Dung mạo của ta phải mang nét đặc trưng của Ngài.

Ðức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).

Chúng ta ao ước nói: “Ai thấy tôi là thấy Ðức Giêsu.”

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng chiến thắng

thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

TƯỞNG LẦM

TGM. Ngô Quang Kiệt

Trong đời sống có rất nhiều điều hiểu lầm. Chẳng hạn xưa kia khi thấy mặt trời cứ sáng mọc tối lặn, người ta tưởng rằng trái đất đứng yên và mặt trời di chuyển chung quanh trái đất. Nhưng khoa học tiến bộ đã minh chứng mặt trời đứng yên, chính trái đất mới xoay chung quanh mình và chung quanh mặt trời. Trong đời sống đạo cũng đã có những hiểu lầm như thế. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế sẽ uy nghi từ trên mây trời hiện đến. Không ngờ Người lại do một thôn nữ dưới đất sinh. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải ngự trong lâu đài sang trọng của vua chúa. Nhưng không ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải uy quyền lẫm liệt. Nhưng không ngờ Người lại quá hiền lành khiêm nhường. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải đánh đông dẹp bắc, đập tan quân thù, đưa nước Do Thái lên địa vị bá chủ. Nhưng không ngờ Người chịu thua hết mọi người, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, chịu chết như một kẻ tội lỗi. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế là một ông vua có kẻ hầu người hạ. Nhưng không ngờ chính Người lại quỳ xuống hầu hạ, rửa chân cho các môn đệ.

Có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, người ta cũng sai lầm về người môn đệ. Người ta cứ tưởng theo Chúa thì sẽ được chức cao quyền trọng trong Nước Chúa. Nên bà Giêbêđê mới xin Chúa cho hai người con là Gioan và Giacôbê được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong Nước Chúa. Nhưng không ngờ Chúa không hứa cho chức quyền mà chỉ hứa cho uống chén Người sẽ uống, nghĩa là phải chết. Người ta cứ tưởng người làm lớn trong Nước Chúa sẽ được trọng vọng, được phục dịch. Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai trong anh em muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em”. Người ta cứ tưởng theo Chúa thì Chúa sẽ cho mọi sự may mắn ở đời, được thành công. Được giàu sang. Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo”.

Hôm nay, sau khi nghe các môn đệ báo cáo về dư luận quần chúng, Đức Giêsu thấy họ quá sai lầm về Người, về vai trò Cứu thế của Người, về con đường cứu chuộc. Nên Người đã dậy rõ ràng cho các môn đệ biết Đấng Cứu thế thực là Con Thiên Chúa. Nhưng con đường Người đi là con đường thập giá. Người phải chịu đau khổ, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, và phải chịu chết.

Người cũng cho các môn đệ biết ai muốn theo Người cũng sẽ phải đi vào con đường của Người. Phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người.

Phải chăng Thiên Chúa muốn hành hạ con người, muốn con người tàn lụi chứ không muốn con người phát triển, muốn con người phải chịu đau khổ chứ không muốn con người được hạnh phúc? Tại sao trên trần gian, người ta thường hứa hẹn cho những người theo mình hạnh phúc sung sướng mà Chúa thì làm ngược lại, chỉ hứa cho những người theo mình thánh giá và đau khổ? Thưa, chắc chắn Chúa muốn cho con người được hạnh phúc. Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người. Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng và mau qua. Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa. Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn. Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình. Những vất vả đau đớn không phải là vì Chúa độc ác muốn hành hạ con người. Những đau đớn từ bỏ mình không phải là vì Chúa muốn con người đi vào tàn lụi diệt vong. Nhưng đó là qui luật, là điều kiện để được sự sống, được hạnh phúc đích thật. Chính Đức Giêsu cũng phải đi qua con đường thập giá khổ nhục mới đến hạnh phúc. Chính Người phải kinh qua cái chết đau đớn mới tới ngày phục sinh vinh quang. Nên Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Thành ra, đau khổ Chúa hứa không phải để hành hạ con người, nhưng là con đường dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. Thập giá và cái chết không phải để đưa con người vào tàn lụi, nhưng chính là điều kiện để con người được tái sinh và triển nở trong đời sống mới, đời sống vĩnh cửu với hạnh phúc không bao giờ tàn.

Những lời Chúa nói hôm nay, tuy khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng đó là sự thật và là con đường đưa ta đến hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu. Chúa đã không lừa mị ta, không hứa hẹn cho ta những gì dễ dãi, chóng qua. Chúa chỉ cho ta đường ngay nẻo chính. Chúa mời gọi ta phải dũng mạnh, can đảm và quyết liệt trong cuộc chạy đua dành lấy hạnh phúc nước trời.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước theo Chúa. Amen.

 

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Đâu là những hiểu sai lầm về Chúa?
  2. Đâu là những hiểu sai lầm về người môn đệ của Chúa?
  3. Có phải Chúa muốn ta khổ sở khi bảo ta phải từ bỏ mình không?
  4. Tại sao Chúa phải chịu đau khổ?

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*