• EPHPHATHA – HÃY MỞ RA! – Lm. Gioan Trần Quốc Toản, CRM
  • ÉP-PHA-TA – Lm. Nguyễn Thái
  • NGƯỜI CHỮA HỌ KHỎI CÂM ĐIẾC – Lm. Đinh Lập Liễm
  • ÉPPHATHA, XIN GIÚP CON – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • HÃY MỞ RA – TGM. Ngô Quang Kiệt

EPHPHATHA – HÃY MỞ RA! (Mc 7:31-37)

Lm. Gioan Trần Quốc Toản, CRM

Khi đọc Tin Mừng thánh Marcô chúng ta thấy đôi lần ngài dùng từ hoặc cụm từ trong chính gốc của tiếng Aramêô. Ví dụ, “Talitha Kumi,” hoặc “Ephphatha!” trong Tin Mừng hôm nay. Một học giả giải nghĩa rằng thánh Marcô dùng từ “Ephphatha” trong chính tiếng gốc của nó vì dân thời đó tin là tất cả “những từ chữa lành” có sức mạnh và hiệu nghiệm hơn nếu để chính nguồn gốc của chúng.

Quả thật, “Ephphatha – Hãy Mở Ra!,” chỉ câu nói đơn giản này mà Chúa Giêsu đã mở tai và tháo gỡ lưỡi của người câm-điếc và lập tức anh ta nghe và nói được. Tôi tin là phần đông chúng ta không điếc đến độ cần đến phép lạ để có thể nghe những âm thanh trong cuộc sống hằng ngày.

Nhưng, hôm nay người câm được giải phóng khỏi những khuyết tật thể lý không chỉ để nghe giọng nói bình thường của Chúa Giêsu, nhưng cũng để nghe cách sâu xa tinh thần và sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo. Chúng ta có thể nói những lời anh nghe từ Chúa Giêsu bắt đầu thấm nhuần vào tim và toàn cơ thể của anh ta.

Có lẽ đây là phép lạ mà mỗi người chúng ta cần, một phép lạ để nghe Tin Mừng với đôi tai rộng mở, với trái tim và tinh thần mới. Chúng ta đã nghe Lời Chúa và nhiều bài giảng, do đó, nhiều lúc ta trở nên dửng dưng và với thái độ, “mặc kệ.” Với thái độ này chúng ta từ từ trở nên điếc hoàn toàn với Tin Mừng và những suy niệm về Tin Mừng. Hoặc chúng ta trở nên điếc “chọn lựa,” nghĩa là chỉ nghe những điều chúng ta muốn nghe và chỉ nghe những người chúng ta muốn nghe; những lúc khác chúng ta trở nên điếc. Có thể chúng ta trở nên điếc với Tin Mừng vì cảm thấy Lời Chúa khó hiểu và không thích hợp với cuộc sống thực tế hoặc nếu chúng ta nghe thì phải áp dụng vào cuộc sống, và nếu sống thì phải hy sinh và bỏ mình… Vì thế, chúng ta thà điếc hơn nghe.

“Ephphatha – Hãy Mở Ra!” Đây là phép lạ mỗi người chúng ta cần – để có thể nghe và cảm nhận được sức mạnh của Tin Mừng; để nghe Lời Chúa và đón nhận những suy niệm về Lời Chúa cách sốt sắng và với thái độ không thành kiến; và mỗi lần chúng ta nghe Lời Chúa, chúng ta đón nhận với tinh thần như nghe lần đầu tiên như anh câm-điếc trong Tin Mừng hôm nay.  Phép lạ này sẽ giúp mỗi người chúng ta đón nhận Tin Mừng với tinh thần và thái độ mới và sống cách thực tế trong đời sống thường nhật.

Người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thiếu khả năng thể lý để nghe. Nhưng nhiều người trong chúng ta thiếu khả năng tinh thần để nghe. Chúng ta mang chứng bệnh điếc tinh thần. Nỗi phiền toái của việc không lắng nghe người khác, hay nói cách khác, sự phiền toái của việc lắng nghe người khác cách thể lý, nhưng không hiểu thấu những gì họ đang nói; đây là một cơn bệnh của nhiều người trong Giáo Hội. Vì chúng ta có thể nghe một người, nhưng không thực sự nghe những gì họ nói.

Lắng nghe là một kỹ năng có thể đạt được.  Chúng ta có thể gây ảnh hưởng trên một người cách đặc biệt nếu chúng ta biết thinh lặng và lắng nghe. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể trở nên những người lắng nghe tốt?

Marlee Matlin, một diễn viên đẹp đóng vai cô gái điếc trong phim “Children of a Lesser God.”  Trong phim cô luôn liên lạc bằng sign language – ký hiệu cho dù vai chính nam biết cô có thể nói được. Trong một cảnh quan trọng gần cuối phim, cô nói trước mặt anh ta. Lời nói của từ từ hình thành đủ cho người khác hiểu, nhưng không rõ ràng. Cô ta không thể nói tốt vì cô không nghe được.

Đây cũng chính là tình trạng của anh thanh niên trong Tin Mừng thánh Marcô. Trước khi Chúa Giêsu tháo gỡ lưỡi của anh ta, thì Ngài phải mở đôi tai của anh ấy trước. Chỉ khi anh ta nghe được sứ điệp anh mới có dữ liệu để nói.

Với chúng ta cũng thế. Chúng ta không thể chia sẻ với tha nhân những gì chính chúng ta chưa tìm thấy. Chúng ta không thể dạy điều chúng ta chưa nghe. Chúng ta không thể truyền đạt chân lý cho tha nhân khi chúng ta chưa áp dụng trong cuộc sống của mình.

Xin Chúa Giêsu truyền lời “Ephphatha – Hãy Mở Ra!” với mỗi người chúng ta để mở, không chỉ đôi tai thể lý, nhưng cả đôi tai tâm hồn để chúng ta có thể sẵn sàng nghe Lời của Ngài với tâm hồn rộng mở và thái độ mới mỗi khi Lời Ngài được công bố. Xin Mẹ Maria, người luôn lắng nghe, đón nhận và suy niệm Lời Chúa trong lòng, giúp chúng ta sống sứ điệp Tin Mừng hôm nay, “Ephphata – Hãy Mở Ra!,” để chúng ta có thể nghe tiếng Chúa và lắng nghe được những nhu cầu của tha nhân.

ÉP-PHA-TA

Lm. Nguyễn Thái

Trên một tờ báo ở thành phố Cincinnati, tiểu bang Ohio, có câu chuyện như sau. Tại một tiệm ăn rất nổi tiếng và đông khách, thường phải đợi một lúc lâu mới có bàn trống. Khi khách hàng vừa được dẫn vào bàn ăn, thì chú em lau bàn khoảng 14, hay 15 tuổi liền đến lau dọn những mảnh đồ ăn do những người khách trước làm rơi rớt xuống bàn. Khách hàng thường chào “Hello!” và cám ơn, nhưng chú em cứ cắm cúi lau dọn mà chẳng trả lời. Tiếp sau đó, cô hầu bàn đến lấy “order” và nói với khách hàng: “Xin lỗi Quý Vị! Chú em lau bàn này bị điếc và câm, chứ không phải em bất lịch sự đâu!” Chú em lau bàn cứ lẳng lặng đi làm việc từ bàn này qua bàn khác. Cô hầu bàn cũng đi theo vừa giải thích vừa lấy “order” của khách hàng.

Hình ảnh của hai người trong câu chuyện, một người cắm cúi làm việc, một người tươi cười duyên dáng đi giải thích, gây một ấn tượng mạnh mẽ. Chúng ta tự hỏi phải chăng hình ảnh của hai người này là biểu tượng của Vương Quốc Thiên Chúa?

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 7:31-37, trên đường đi truyền giáo từ các vùng Tia Siđon và miền Thập Tỉnh, Chúa Giêsu chữa một người dân ngoại vừa điếc vừa câm. Ngài đã dùng những dấu hiệu để chữa lành: “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” (Mc 7:33). Rồi Người ngước mắt lên trời, và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là “Hãy mở ra!” Tức khắc, anh ta bắt đầu nghe và nói được, rồi đi loan báo Tin Mừng cho mọi người biết.

Theo linh mục Eugene LaVerdière những chi tiết của câu chuyện đã bắt nguồn từ việc mục vụ của Chúa Giêsu, và phản ảnh lại qua những hình thức thực hành Bí Tích Rửa Tội của các tín hữu thời sơ khai (Emmanuel, Jesus among the Gentiles, 1990; GLCG # 1504). Hơn nữa, cha LaVerdière còn nhấn mạnh câu chuyện đã được kết hợp với việc Chúa Giêsu thành lập nhóm Mười Hai Tông Đồ (Mc 6:7-13) để sai các ông đi rao giảng, xức dầu và chữa dân chúng khỏi bệnh. Tất cả những biểu tượng này là sự thực hành có tính cách Bí Tích của các tín hữu lúc ban đầu. Như Sách Giáo Lý Công Giáo đã nói: “Trong khi giảng dạy, Chúa Giêsu thường sử dụng những dấu hiệu của vũ trụ vạn vật để giúp người ta hiểu biết những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa” (# 1151).

Phúc Âm hôm nay không quan tâm đến sự câm điếc thể lý của anh, nhưng nhấn mạnh đến sự câm điếc tinh thần. Thực vậy, bằng cách này hay cách khác, chúng ta cũng “điếc” trong việc lắng nghe tiếng Chúa nói với ta, và “câm miệng” trước việc rao giảng và làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa. Phải thành thật thú nhận rằng nhiều khi chúng ta chưa nói lên đầy đủ sự thật của Tin Mừng. Chúng ta mới chỉ công bố một phần nào của Tin Mừng theo khía cạnh rất chủ quan của mình, theo thiên kiến hay ích lợi cá nhân. Vì thiếu sót trong việc lắng nghe tiếng Chúa nên chúng ta cũng khiếm khuyết trong việc rao giảng Tin Mừng cứu độ, và đặc biệt là sống điều đã rao giảng. Để sống điều được rao giảng, chúng ta cần sự giúp đỡ của nhiều người khác, nhất là tiếng nói của Giáo Hội.

Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa và việc loan báo Tin Mừng đến với tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc hay nam nữ. Mọi người được mời gọi tham gia vào Vương Quốc Thiên Chúa, một Vương Quốc của yêu thương, một trời mới và đất mới mà chúng ta hy vọng (Kh 21:1).

Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều văn sĩ nổi tiếng đã mô tả một viễn tượng về một thế giới hoàn hảo nơi mà mọi người đều yêu thương hòa hợp với nhau và với Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã nói về việc sư tử nằm chung với chiên bò (Is 11: 6-9), giống như cảnh trong thơ Bùi Giáng diễn tả: “Hùm thiêng ba cặp từ bi, mười hai con mắt nhu mì mở ra.” Thánh Augustinô đã Kitô giáo hóa thế giới trong cuốn sách có tựa đề là “Thành Phố Của Thiên Chúa – The City of God.” Thánh Thomas More bàn về một nơi lý tưởng, với một hệ thống xã hội và chính trị hoàn hảo, gọi là Utopia, nhưng đã bị coi là không tưởng.

Thế nhưng, vào giữa thế kỷ thứ 20, do ảnh hưởng của những chế độ độc tài cũng như chiến tranh đã bóp méo đi những hình ảnh lý tưởng của dân chúng, một loại tiểu thuyết mới ra đời gọi là chống không tưởng: Anti-Utopia. Những cuốn tiểu thuyết này trình bày một thế giới mà tất cả mọi sự đều đi sai lạc hết. Hai cuốn nổi tiếng nhất là cuốn “Brave New World” của Adolph Huxley, và cuốn “1984” của George Orwell.

Cuốn “Brave New World” trình bày một xã hội bị thống trị bởi á phiện, xì ke, ma túy và khoái lạc mà không ai có thể thoát khỏi bị chi phối. Vài năm sau đó, cuốn “1984” đã được xuất bản, trình bày một thế giới bị kiểm soát hoàn toàn bởi quân phiệt, loại trừ mọi tự do của con người. “Big Brother is watching you – Mắt nhân dân như mắt khóm” đang theo dõi bạn. Sự sợ hãi ám ảnh con người trong các chế độ độc tài, tân phát- xít và quân phiệt đã phá hủy mọi thứ tự do căn bản của con người.

Sau khi cuốn “1984” ra đời, Orwell đã gửi tặng cho Huxley, tác giả cuốn “Brave New World” cuốn sách của mình. Đọc xong cuốn “1984”, Huxley đã không đồng ý và trả lời lại với một câu nói nổi tiếng rằng: “Không phải là sức mạnh quyền lực phá hủy chúng ta, nhưng là khát vọng khoái lạc khôn cùng phá hủy chúng ta.” Những gì xảy ra ở hậu bán thế kỷ 20 đã chứng minh cho câu nói của Huxley. Dù là một thế giới, một quốc gia, một gia đình, hay một cá nhân, chúng ta đã bị phá hủy bởi cái khát vọng khôn cùng của con người trong việc tìm kiếm khoái lạc, thỏa mãn những nhu cầu, và lòng tham lam ích kỷ không đáy của mình.

Trong Thánh Kinh, tội tổ tông là tội ông Adong và bà Evà muốn tự mình đi tìm kiếm khoái lạc. Đây không phải là vấn đề của trái cấm, nhưng là vấn đề của Adong và Evà muốn tự thỏa mãn lấy khát vọng của mình, không cần Thiên Chúa nữa: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3: 5). Khát vọng khôn cùng trong việc tìm kiếm khoái lạc đã làm cho con người trở nên ích kỷ. Sự ích kỷ làm chúng ta quên mất tình yêu Thiên Chúa và sự yêu mến tha nhân (Pl 2:3-4).

Tại một buổi tiệc chúc mừng Tiger Woods đoạt giải vô địch môn golf, chàng ca sĩ mù Stevie Wonder khoe với Tiger Woods rằng anh cũng là một tay đánh golf siêu hạng. Tiger bán tín bán nghi rằng làm sao một chàng ca sĩ mù lại có thể đánh golf được, nhưng anh cũng tỏ ra rất lịch sự trò chuyện cho vui. Chàng ca sĩ mù mới giải thích thêm: “Khi tôi bắt đầu chơi, “tee off”, tôi sẽ bảo một anh chàng đứng ở trên vùng cỏ xanh – “the green” gần lỗ, gọi tôi thật to. Tai tôi rất thính, tôi có thể điều khiển quả banh đi vào lỗ.” Tiger Woods cảm thấy thích thú với cách chơi golf của chàng ca sĩ mù. Thấy thế Stevie Wonder đề nghị chơi thử một vòng 18 lỗ với Tiger Woods. Khi Tiger Woods đồng ý chơi, chàng ca sĩ mù bèn thách thức: “Chơi đánh độ 100 ngàn đô la một ván?” Tiger Woods bèn lưỡng lự từ chối rằng anh không muốn chơi vì tiền, nhưng anh chàng ca sĩ mù lại cứ làm tới nài nỉ, đòi chơi đánh độ tới nỗi Tiger Woods phải nể nang và nói: “Được rồi, khi nào anh muốn chơi?” Chàng ca sĩ mù Stevie bèn cười xòa và nói: “Tôi sẽ chơi vào bất cứ đêm tối nào anh chọn lựa!”

Chàng ca sĩ mù đánh golf cần đến một người nào đó gọi thật lớn để anh biết đâu là đích điểm điều khiển trái banh vào lỗ. Cũng giống như thế, để cuộc sống luôn hướng về tình yêu Thiên Chúa và lòng yêu thương tha nhân, chúng ta cũng cần đến một người nào đó giúp đỡ, chúng ta không thể làm một mình! Nếu chúng ta muốn đôi tai và tâm trí mở ra, chúng ta phải làm việc chung với nhau, vì Thiên Chúa hoạt động qua những người xung quanh chúng ta (Cv 2:44).

Câu chuyện được kể về Thánh Phanxicô Assisi và những thầy dòng của ngài đi xuống làng để rao giảng Tin Mừng của Lời Chúa. Khi tới làng, họ đã nhanh chóng hòa đồng với dân làng trong những câu chuyện của cuộc sống và dành thời giờ để giúp đỡ họ trong công tác lao động. Các ngài đã đi vào cuộc sống của dân làng. Sau cùng, khi mặt trời sắp lặn, thánh Phanxicô nói với các thầy chuẩn bị trở về tu viện. Khi họ sắp sửa lên đường ra về, có một thầy thắc mắc hỏi: “Chúng ta đến đây chẳng phải để rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sao? Khi nào chúng ta sẽ làm điều đó?” Thánh Phanxicô quay sang người anh em tu sĩ của mình và nói: “Nếu dân chúng làng này đã chưa nghe được Tin Mừng ngày hôm nay, thì việc rao giảng Thánh Kinh sẽ không giúp gì khác cho họ được!” Mọi người bèn lên đường quay trở về tu viện.

Tin Mừng được rao giảng bằng chính cuộc sống phục vụ và yêu thương của Thánh Phanxicô và các tu sĩ của ngài, không phải bằng lời nói mà bằng cuộc sống, không phải bằng trí não mà bằng con tim. Cái thế giới đại đồng hòa bình và yêu thương Thánh Phanxicô đề xướng ra vẫn là hình ảnh lý tưởng cho chúng ta mơ ước. Sự an bình ngay trong nội tâm của một người lan tỏa tới tha nhân, đến với thiên nhiên, và với Thiên Chúa. Đó chính là “Vương Quốc Thiên Chúa đã đến gần” mà Thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng (Mc 1: 15).

Vương Quốc Thiên Chúa giống như chú em câm điếc siêng năng lau bàn và cô hầu bàn lịch sự cùng làm việc chung với nhau. Không ai có thể nghe được tiếng Chúa hoàn toàn. Không ai có thể nói lên được tình yêu Thiên Chúa một cách hoàn hảo. Chúng ta cần đến nhau, cùng nhau lắng nghe, cùng nhau nói lên tình yêu Thiên Chúa, và cùng nhau phục vụ Thiên Chúa (Cv 6:2-4). Đó là phương cách xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa ngay từ bây giờ và trên trần gian này.

NGƯỜI CHỮA HỌ KHỎI CÂM ĐIẾC

Lm. Đinh Lập Liễm

Những Ai Bị Câm Điếc?

Nghe và nói là khả năng giúp con người giao tiếp và là phương tiện chủ yếu được dùng trong giao tiếp hằng ngày. Người kém khả năng này cũng dễ thành trò cười cho thiên hạ. Vì vậy nghe được và nói được là hồng ân rất lớn Chúa ban cho con người. Chúng ta phải sử dụng hai khả năng ấy cho phù hợp với thánh ý Chúa.

Thường thường những người mới sinh ra đã bị câm thì cũng bị điếc. Người bị câm và điếc thiệt thòi rất nhiều và mất nhiều hạnh phúc trong cuộc đời. Ngoài trường hợp câm điếc bẩm sinh, người ta có thể bị câm điếc vì một bệnh tật hay một tai nạn nào đó.

Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông khi có người tức tối hét vào tai, cố nói cho người ấy nghe, người ấy càng cảm thấy thất vọng hơn. Vì thế mới có lời kinh của người điếc: “Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người làm phiền người khác. Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc. Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín” (William Barclay).

Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bầy hay diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm. Không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy. Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội; họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn.

Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh: Ta muốn ngươi được khỏi bệnh! Đức Giêsu lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi nước bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên: ”Epphata”: Hãy mở ra! (Mk 7:33-34).

Về cử chỉ xỏ ngón tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ ngón tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng: đó là những kết quả anh mong đợi.

Phép lạ không chú trọng chữa lành thể chất của anh chàng vừa câm vừa điếc. Đúng hơn phép lạ chú trọng đến việc mở tai cho người ấy để anh ta có thể nghe Lời Chúa, và cởi trói cái lưỡi của anh để anh có thể tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Một người có thể nghe tốt, nhưng lại không nghe lời Chúa. Một người có thể nói sõi nhưng không thể tuyên xưng đức tin.

Khi chữa bệnh cho người câm điếc, Đức Giêsu nhằm đem lại cho người ấy khả năng nghe và nói được; nhưng Ngài còn muốn đi xa hơn, nghĩa là chữa bệnh câm điếc tinh thần hay thiêng liêng của con người. Câm và điếc thể chất thì ai cũng biết, còn bệnh câm điếc thiêng liêng thì chỉ có Chúa biết, và đôi khi đương sự cũng biết. Chúng ta cần bàn tới bệnh câm điếc thiêng liêng mà ai trong chúng ta cũng mắc phải không nhiều thì ít.

Nhiều người rất thính tai thể chất, nhưng lại điếc về tinh thần hay tâm linh. Họ rất thính tai khi nghe những gì liên quan tới danh vọng, tiền tài, sắc dục… nhưng lại trở nên giống như điếc khi nghe những điều hay lẽ phải, những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần hay tâm linh, giúp họ sống yêu thương nhiều hơn. Nhiều người nói năng rất hoạt bát về đủ mọi đề tài… nhưng lại hành xử như người câm, hoặc cảm thấy rất ngượng nghịu, mắc cỡ khi phải nói lên lời hay lẽ phải, những lời chân thành yêu thương, những lời làm mát lòng người khác, những lời đem lại bình an, hòa thuận, những lời giúp mọi người hiểu ra đường ngay lẽ thật.

Đức Giêsu làm phép lạ này như đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi và phán: ”Epphata” nghĩa là hãy mở ra tức thì tai anh mở ra, lưỡi anh được tháo gỡ và nói được, cũng là bài học cho các môn đệ và chúng ta. Người môn đệ Chúa phải là người cởi mở, vừa đón nhận, vừa thông truyền Lời Chúa. Phải mở tai để nghe Lời Chúa và mở miệng để tuyên xưng đức tin, như lời tiên tri Isaia từng nói: ”Đức Chúa đã cho tôi lưỡi của môn sinh, để tôi biết nâng đỡ người cùng khổ. Và sáng sáng, Người lay tỉnh tai tôi cho tôi biết nghe như những môn sinh” (Is 50,4).

Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Đức Giêsu đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.

Ngày 13/08/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người: cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau; nước Đức được thống nhất; thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 175).

Chúa ban cho người câm điếc có thể nghe được và nói được để anh có thể dùng hai khả năng ấy để chia sẻ với mọi người. Đây là hai ân ban của Chúa. Chúng ta cũng phải dùng ân ban ấy cho đúng; bởi vì trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có cái lưỡi tốt nhưng không biết nói những lời đáng nói. Cho nên chúng ta cần phải được Chúa chữa trị để biết chia sẻ cho nhau.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta lại cố tình tạo ra sự câm điếc khi chúng ta không bao giờ biết đến anh em, chỉ biết sống ích kỷ, chú tâm vào bản thân mình, không để ý đến ai. Do đó, chúng ta trở nên cố chấp trước những lời khuyên bảo của người khác để làm những điều xằng bậy mà không biết hổ thẹn.

Chúa cũng ban cho chúng ta cái lưỡi tốt để nói năng; chúng ta cũng phải biết dùng nó để chia sẻ với nhau vì lời nói là phương tiện chia sẻ với nhau hữu hiệu, có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Dùng lưỡi mà chia sẻ với nhau là một điều tốt, nhưng phải chia sẻ với nhau một cách thành thực chứ không dối trá; bởi vì người ta nói: ”Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, (Tục ngữ) có nghĩa là lưỡi không có xương nên uốn lắt léo thế nào cũng được. Nghĩa bóng của câu này thường được dùng để chỉ người ăn nói trước sau bất nhất, lúc thế này, lúc thế khác.

Ngoài ra, những người ác độc có những lời lẽ rất ngon lành, tốt đẹp nhưng lại hàm ý nghĩa xấu trong đó. Vì thế người ta nói: ”Lưỡi mềm độc quá đuôi ong” (Tục ngữ), có nghĩa là lưỡi mềm là lưỡi không cứng rắn như đá, không sắc nhọn như dao; lưỡi không có gì đáng sợ vì không làm đau đớn thương tổn được người ta. Ấy vậy mà lưỡi độc quá đuôi ong, châm vào thịt đau buốt và sưng vù lên. Lưỡi nói xấu ai thì người ấy mất bạn bè, mất danh giá; lưỡi vu khống ai thì người ấy bị tù tội, mất cơ nghiệp, có thể mất cả tính mạng (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 152).

Khi Đức Giêsu chữa anh điếc, Ngài khêu gợi đức tin nơi anh. Chắc chắn là anh ta kém đức tin vì Đức Giêsu phải đem anh riêng ra làm những cử chỉ khêu gợi lên trong lòng anh đức tin cần thiết để ban ơn khỏi bệnh cho anh. Khi đức tin đã nhóm lên trong lòng, Ngài mới làm phép lạ cho anh khỏi bệnh. Điểm chúng ta muốn nói là sở dĩ anh kém đức tin vì anh điếc, không nghe được Lời Chúa. Ngày nay nhiều thanh thiếu niên kém đức tin hoặc đã mất đức tin vì anh điếc hay giả điếc, không nghe Lời Chúa.

Tin Mừng hôm nay khuyên chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho Chúa Giêsu để Ngài mở miệng lưỡi chúng ta về mặt thiêng liêng, để Ngài đặt ngón tay của Ngài khai mở đôi tai điếc của chúng ta. Nói cụ thể hơn, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm lại những gì chúng ta có thói quen hay làm, tức là bỏ ra ít phút mỗi ngày để cầu nguyện, để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta điều Ngài đã làm cho người câm điếc là chữa lành bệnh câm điếc của chúng ta.

Hồi ấy, Giêrônimô (342-420) là một văn hào lỗi lạc về văn chương cổ điển và không biết gì về Thiên Chúa. Ngài say mê đọc các tác phẩm của Cicéron. Một hôm, ngài nghe tiếng Chúa hỏi: “Giêrônimô, con là môn đệ của ai?” Ông thưa: “Con là môn đệ của Chúa.” Chúa đáp: “Không phải, con là môn đệ của Cicéron.” Từ đó, Giêrônimô giác ngộ và quyết chí học hỏi Lời Chúa. Ngài được ơn Epphata. Ngài qua thánh địa vào ẩn tu trong hang đá Belem để phiên dịch Thánh Kinh, để suy niệm Lời Chúa, sống trong khung cảnh Chúa đã sống. Ngài đã nói: ”Ai không hiểu biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu.” Bản dịch Vulgata (Phổ thông) của Ngài đã được công đồng Triđentinô (thế kỷ 16) nhìn nhận là phù hợp với đức tin và được coi là bản dịch chính thức của Hội Thánh.

Lạy Chúa, xin chữa lành bệnh câm điếc của chúng con, phần xác hay phần thiêng liêng.

ÉPPHATHA, XIN GIÚP CON

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,

ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,

hơn các em bị câm điếc.

Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,

và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.

Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.

Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,

khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.

Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.

Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,

và sợi dây đó được tháo cởi.

Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.

Nói sao để người khác hiểu được mình,

đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.

Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình

khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh…

Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm

vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:

kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ…

Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.

Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.

Épphatha, xin hãy mở miệng con

để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,

hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.

Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,

thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.

Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình

mà máy đột nhiên mất tiếng.

Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.

Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,

nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,

nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.

Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,

hay lắm khi nghe điều người khác nói

nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.

như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.

Nghe bằng tai, không đủ.

Cần lắng nghe bằng cả trái tim.

Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,

hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.

Épphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,

ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,

để nghe được cái tôi của anh em.

Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,

vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.

Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,

chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,

để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.

Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,

đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,

làm chân tay cho những người què cụt,

làm đôi mắt cho ai phải đui mù,

làm lỗ tai cho những người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,

làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,

để đem cơm cho người đói đang chờ,

và đem nước cho người họng đang khô,

đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

đem áo quần cho người đang trần trụi,

đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,

thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,

đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,

truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,

nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,

đem tự do cho những kiếp đọa đày.

HÃY MỞ RA

TGM. Ngô Quang Kiệt

  1. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Chúa Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Chúa Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Epphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Chúa Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó ới ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sự kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

2. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Khi ở nước ngoài, có dịp gặp những người Việt sinh sống xa quê hương xứ sở, tôi hỏi họ: “Sống ở nước ngoài, điều gì khiến ông bà buồn khổ nhất”. Họ trả lời: “Khổ nhất là chúng con sống như những người điếc và ngọng. Không biết tiếng nên ngọng nghiụ, nói chẳng nên lời, thành ra không làm cho người ta hiểu được mình. Người ta nói gì mình cũng chẳng hiểu, thật y như người điếc”.

Nghe và nói là hai cánh cửa. Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng, phải nói ra thì người khác mới hiểu. Nghe là cánh cửa mở ra đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.

Nếu điếc và ngọng thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì điếc và ngọng tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.

Có nhiều thứ điếc.

Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu.

Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.

Có thứ điếc vì định kiến. Đã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu, ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chỉ vào những phần xấu. Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Đây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Đoạn tuyệt với mọi người.

Sau cùng, có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng, còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những Lời của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, có nhiều thứ ngọng.

Có thứ ngọng do khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Ta không hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta.

Có thứ ngọng do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngọng nghịu, anh em nghe mà không hiểu.

Có thứ ngọng do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Có thứ ngọng do lười biếng. Vì lười biếng, ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng, ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng, ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng, ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.

Những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm cho lưỡi ta ngọng.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến nói với ta: “Ephata”. Hãy mở ra. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.

3. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

  1. Hãy kể ra những thứ ngọng và nói lý do của những thứ ngọng đó
  2. Hãy kể ra những thứ điếc và nói lý do của những thứ điếc đó.
  3. Khi gặp người khác bạn thích nói hay thích nghe. Hoặc bạn không muốn nói cũng chẳng muốn nghe?
  4. Lắng nghe có dễ không. Bạn có để ý lắng nghe Chúa và nghe nhau không?
  5. Nói những điều tốt đẹp rất có ích lợi. Bạn đã có kinh nghiệm gì về điều này chưa?

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*