- LẮNG NGHE – Lm. Minh Trân, crm
- ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU, HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI – Lm. Nguyễn Thái
- THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG TỪ TABOR ĐẾN GOLGOTHA – Lm. Đinh Lập Liễm
- BIẾN HÌNH – ĐTGM. Ngô quang Kiệt
- HÃY TỎ MÌNH LÀ HÌNH ẢNH CHÚA – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
- CŨNG VÌ THƯƠNG, THIÊN CHÚA BAN ĐỨC GIÊSU CHO LOÀI NGƯỜI – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
LẮNG NGHE
Lm. Minh Trân, crm
Qua phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật tuần thứ hai Mùa Chay này, chúng ta cùng nhau chia sẻ về việc lắng nghe. Trước hết, chúng ta thấy câu chuyện Abraham và Isaac, một câu chuyện làm bất ổn tâm hồn mỗi khi nghe đến. Thường thường, chúng ta hay đặt vấn đề là tại sao Chúa lại đòi hỏi Abraham quá đáng như vậy? Nếu như vậy thì người ta nghĩ gì về Chúa? Tuy nhiên, chúng ta nên tập trung nhìn vào việc làm của Abraham thì hơn. Chúng ta thấy điều quan trọng trong câu chuyện này là Abraham đã TIN, đã xác tín từ tận thâm tâm điều mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi ông. Abraham chắc chắn là ông đã “nghe” tiếng Chúa đúng, mặc dù ông không biết TẠI SAO Chúa lại đòi hỏi nơi ông điều này. Ông đã chuẩn bị sẵn sàng để thực thi ý Chúa cho dù có khó khăn thế nào đi nữa. Cho nên, điều mà chúng ta học hỏi được ở đây không phải là việc làm của Chúa nhưng là việc làm của Abraham, một người cũng như chúng ta.
Sang đến bài Phúc Âm của thánh Marcô chúng ta thấy xem ra tất cả đều qui về phép lạ diễn ra trên núi trước sự hiện diện của Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Chuyện gì đã thực sự xảy ra ngày hôm đó? Các ông đã rõ ràng thấy gì? Tại sao Chúa lại chọn ba ông? Tuy nhiên, cho dù những điều đó có nhan nhãn xảy ra một cách hãi hùng ngay trước mắt các ông hôm đó, cốt lõi của câu chuyện xem ra cũng không phải là những gì các ông đã thấy, nhưng là những gì các ông đã nghe.
“Đây là con yêu dấu của Ta. Hãy nghe lời Người.”
Và đang khi cả ba hầu như ngập tràn ngạc nhiên và bối rối sợ hãi, Chúa đã không muốn các ông cứ dừng lại ở đó. Chúa muốn “dìm” các ông xuống, để các ông nhận ra điều quan trọng nhất chính là điều Chúa đã nói, đã dạy, và đã làm. Nói cách khác, chính Chúa Giêsu này muốn nói, muốn đòi hỏi, và kỳ vọng một vài điều quan trọng nơi các ông. Cũng thế, ngài cũng có những điều quan trọng cho mỗi người chúng ta.
Đó chính là chỗ mà chúng ta thấy cả hai bài đọc được liên kết với nhau, vì cả hai đều nói về việc “lắng nghe.” Abraham đã “lắng nghe” Chúa, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa bảo, sẵn sàng làm những điều không phải dễ dàng, ít đòi hỏi nhiều nơi ông. Không, ông đã dám sẵn sàng làm những điều khó khăn, đau khổ, và mất đi cả điều mà ông yêu mến nhất.
Phêrô, Giacôbê, và Gioan (và cả chúng ta nữa) đã có được những điều mà Abraham không có. Thời của Abraham, ở một nghĩa nào đó, Thiên Chúa không được thấy. Nhưng đối với các môn đệ của Chúa Giêsu thời sơ khai, và đối với chúng ta ngày nay, chúng ta có một người để có thể nhìn lên, có thể học theo và lắng nghe. Con người đó chính là Chúa Giêsu, Thiên Chúa nhập thể làm người. Đôi khi có lẽ chúng ta nghĩ sứ điệp của Chúa Giêsu chỉ là “Sống tốt.” Tuy nhiên từ tận thâm tâm chúng ta biết rằng không chỉ phải thế. Sứ điệp của Chúa còn nhiều hơn thế nữa. Chúa Giêsu, cũng không khác Thiên Chúa của Abraham. Ngài cũng đang nói với chúng ta những điều khá gay go, đầy thách đố, những điều (mà nếu chúng ta để ý thật) đòi hỏi cả con người chúng ta. Chúng ta thử nghĩ xem. Thương xót một cách triệt để. Quảng đại một cách triệt để. Tha thứ một cách triệt để. Cảm thông một cách triệt để. Yêu thương một cách triệt để. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta – qua những điều chúng ta “biết về người,” và cả qua việc “biết người” – sự liên hệ mà chúng ta noi gương bắt chước trong nguyện cầu, chiêm niệm, và lắng nghe từ tận cõi thâm tâm của mình.
Thiên Chúa muốn chúng ta lắng nghe Ngài và làm hết sức mình bất cứ điều gì Ngài bảo – cho dù điều gì đi nữa, cho dù khó khăn thế nào đi nữa, cho dù phải trả giá bao nhiêu đi nữa. Nhưng thử hỏi tại sao chúng ta lại phải làm? Tại sao chúng ta phải lắng nghe Ngài? Tại sao lại không làm những gì chúng ta muốn? Tại sao không chọn cách thức dễ dàng hơn? Có lẽ chúng ta chưa bao giờ đặt ra câu hỏi đó. Nhưng, nghiêm túc mà nói, tại sao chúng ta lại phải chịu mọi sự như thế để lắng nghe tiếng Chúa? Câu trả lời được tìm thấy trong bài đọc thứ hai của Thánh Phaolô gởi cho dân thành Rôma: “Nếu Chúa ở với chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?”
Theo một ý nghĩa thì câu này cho chúng ta cái “lý do,” cái động lực để cố gắng thực thi thánh ý Chúa tốt bao nhiêu có thể. Thiên Chúa mà chúng ta tin – Thiên Chúa đã đến trong thế gian nơi con người Giêsu, Thiên Chúa đã hiến mạng sống mình cho chúng ta, Thiên Chúa vẫn tiếp tục sống trong chúng ta qua Thánh Thần – là Thiên Chúa của Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn cả điều chúng ta có thể nghĩ tưởng. Ngài đã yêu thương dựng nên chúng ta trong hình ảnh của Ngài. Và Ngài chỉ muốn những điều tốt lành nhất cho chúng ta.
Như thế, Ngài là một Thiên Chúa mà chúng ta không cần phải nhút nhát sợ hãi. Ngài không phải là một Thiên Chúa mà chúng ta cần thương lượng. Ngài không phải là một Thiên Chúa mà chúng ta phải làm hài lòng. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa phi lý chỉ làm những gì ngài thích hoặc làm mà chẳng có lý do nào cả. Không, Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách điên dại, và muốn chúng ta được yêu với Ngài để có được một cuộc sống thật tốt đẹp và đầy ý nghĩa. Nếu không lắng nghe Chúa, chúng ta sẽ bị tổn thương cho chính mình và cho cả người khác.
Nói một cách đơn giản đường lối Chúa tuyệt hảo. Phán quyết của Chúa chính trực. Lòng trắc ẩn và vị tha của Chúa thì không bao giờ cùng. Sự quảng đại của Chúa chẳng có giới hạn. Sự khôn ngoan của Chúa là chính sự KHÔN NGOAN. Và quan trọng nhất là – Thiên Chúa là Tình Yêu.
Tiếp tục cuộc hành trình Mùa Chay này, ước mong sao chúng ta cố gắng trở nên những người biết lắng nghe hơn, làm những gì có thể để mở lòng mình ra với những gì Chúa đang đòi hỏi. Và khi nghe tiếng Chúa, khi hiểu phần nào trong tâm hồn, khi cảm thấy Chúa lôi kéo làm một điều gì đó hoặc dẫn đi theo một hướng nào đó — thì chúng ta hãy giống như Abraham, và đừng chần chờ. Hãy giống như Phêrô, Giacôbê, Gioan, và những người môn đệ lúc ban đầu đã bỏ hầu hết mọi sự và theo Chúa Giêsu. Hãy làm tất cả những điều đó chỉ vì Chúa yêu chúng ta, và chúng ta không muốn gì hơn là đáp lại tình yêu ấy. Ước mong sao Mùa Chay thánh này giúp chúng ta thực hiện được điều đó.
Lm. Minh Trân, crm
ĐÂY LÀ CON TA YÊU DẤU, HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI (Mc 9:1-9)
Lm. Nguyễn Thái
Khách du lịch viếng quần đảo Aram Islands của Ái-Nhĩ-Lan đều kinh ngạc và sửng sốt vì có quá nhiều cầu vồng bắt hình vòng cung khắp bầu trời xung quanh những hòn đảo. Ngay khi một cầu vồng này vừa mờ nhạt thì cái khác đã lén lút xuất hiện trên biển khơi ở một phương hướng khác. Có những cái chỉ có một nửa hình vòng cung, những cái khác thì đầy đủ. Có cái mang màu xanh nhạt hòa hợp với màu nước biển. Có những cái xuất hiện với vẻ rực rỡ làm sáng chói cả một vùng trời. Khi có những điều kiện thuận lợi, có rất nhiều cầu vồng cùng xuất hiện một lúc, rực rỡ vô cùng. Không thể nào đếm nổi có bao nhiêu cầu vồng đã xuất hiện trong một ngày. Trong sự kinh ngạc trước vẻ đẹp của những cảnh tượng trước mắt, một người khách du lịch đã hỏi người phụ nữ cư ngụ tại Aram Island nghĩ gì về sự xuất hiện thường xuyên của những cầu vồng như vậy. Người phụ nữ chỉ nhún vai trả lời, “Ôi, chúng tôi không để ý đến chúng.” Đối với người dân cư ngụ tại đây, những cầu vồng đó đã trở nên quá tầm thường rồi!
Mùa Chay là thời gian kêu gọi chúng ta ý thức về tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa được thể hiện trong thế giới chúng ta đang sống. Sự hiện diện rực rỡ của Ngài giữa những khổ đau trần thế. Vẻ đẹp của nhân phẩm con người và giá trị của đời sống tinh thần. Sự rạng rỡ của “sự sống lại từ trong cõi chết.” Giáo hội kêu gọi chúng ta hãy là những du khách chiêm ngắm vẻ đẹp của những cầu vồng này trong cuộc sống với thái độ kinh ngạc và thán phục, đừng có thái độ ỷ lại là Kitô hữu, giống như người dân bản xứ, mà cố ý phớt lờ, không thèm để ý.
Trong Cựu Ước, đỉnh núi cao thường được dùng để diễn tả những cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với con người và mạc khải những điều siêu nhiên. Mô-sê đã đón nhận Mười Điều Răn trên núi Sinai (Ex 19:3-20). Êlia cũng đã trèo lên đỉnh núi Các-men để đón nhận sức mạnh chiến thắng sự dữ (I king 18:20-40). Trong bài Phúc Âm hôm nay, Mác-cô 9:1-9, Chúa Giêsu cũng dẫn ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên đỉnh núi cao. Ngài biến hình trước mặt họ. Họ cũng kinh ngạc và thán phục trước vẻ đẹp “từ cõi chết sống lại” của Chúa Giêsu, nhưng trong chiều hướng khác với điều Chúa Giêsu muốn dạy họ. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, trước khi Chúa Giêsu biến hình trước mặt họ, Ngài đã loan báo cho họ biết rằng Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng Đấng Thiên Sai có nghĩa là phải chịu đau khổ, bị giết chết, và sống lại ngày thứ ba (Mc 9:31). Còn các môn đệ thì cứ nghĩ rằng Đấng Thiên Sai có nghĩa là Đấng sẽ làm vua bá chủ thiên hạ, cai trị muôn dân muôn nước, ngay bây giờ nơi trần thế này, theo như ước nguyện của dân chúng và của họ (Act 1:6; Lc 24:21).
Theo William Barclay, trong tư tưởng của người Do Thái, sự hiện diện của Thiên Chúa cũng thường được liên kết với đám mây nữa (GLCG # 555). Trong đám mây Mô-sê đã gặp gỡ Thiên Chúa, Êlia đón nhận sức mạnh của Thiên Chúa. Và người Do Thái cũng mơ ước khi Đấng Thiên Sai đến, đám mây của sự hiện diện Thiên Chúa sẽ trở lại với Đền Thờ (Xh 16:10; Xh 19:9; Xh 33:9; 1V 8:10; 2Mcb 2:8). Sự ngự xuống của đám mây là một cách nói rằng Đấng Thiên Sai đã đến, và bất cứ người Do Thái nào cũng hiểu như vậy: “Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.'”
Với một chút tưởng tượng chúng ta hãy tạm ví Chúa Giêsu như một cha sở họ đạo với ba ông trùm Phêrô, Giacôbê và Gioan. Bốn thầy trò đưa nhau lên núi để cầu nguyện. Ông trùm Phêrô vốn là người chài lưới đánh cá nhà quê, tính tình bộc trực, chất phác. “Có sao nói vậy, không giấu giếm”. Chuyện gì cũng phải lẹ làng, cấp tốc, làm ngay, ăn liền. Vừa thấy cảnh Chúa Giêsu biến hình sáng láng đẹp đẽ, ông trùm Phêrô xin ngay: “Lạy Thầy, nếu được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm 3 lều, một cho Thầy, một cho Môi-sen, và một cho Êlia.”
Ông trùm muốn ở lại đây luôn để hưởng ngay cái vinh quang rực rỡ này. Xuống núi làm gì? Khổ lắm! Lên Giêrusalem làm gì? Bị bắt bớ, bị đóng đinh, chịu đau khổ và chết nhục nhã! Tâm thức của ông trùm Phêrô phản ảnh cái tâm trạng của con người ở mọi thời đại. Khoái lạc thì muốn hưởng thụ ngay. Đau khổ thì tìm cách trốn tránh. Muốn hưởng khoái lạc vinh quang ngay trên đỉnh núi, mà e ngại con đường khổ giá dưới chân (GLCG # 555).
Ở Bangkok có một ngôi chùa rất nổi tiếng, tên là Chùa Tượng Phật bằng vàng. Ngôi chùa nhỏ bé với chiều rộng và ngang khoảng 8 mét. Nhưng khi vào bên trong, người ta sẽ rất ngạc nhiên vì một tượng Phật bằng vàng ròng cao khoảng 2m50, cân nặng 2 tấn rưỡi và trị giá khoảng 196 triệu đô la. Ở bên cạnh tượng, có ghi lịch sử của tượng Phật vĩ đại này: Vào năm 1957, thành phố Bangkok được sửa đổi, mở rộng thành phố, nhiều nhà bị giải tỏa để làm siêu xa lộ. Tu viện của các thầy sư cũng bị giải tỏa và tượng Phật vĩ đại bằng đất sét cũng phải bị dời đi chỗ khác. Vào một buổi chiều, khi chiếc cần cẩu cố gắng nâng bức tượng khổng lồ lên, thì bức tượng đã bị nứt ra vì nặng quá. Đồng thời trời cũng bắt đầu đổ mưa, nên các thầy quyết định lấy vải phủ lên bức tượng tránh mưa. Khi trời tối hẳn, mưa ngừng rơi, vị sư trưởng cầm đèn pin ra kiểm soát xem có hư hại gì không. Thầy rọi đèn vào để quan sát. Khi ánh đèn chiếu vào chỗ nứt, thì một luồng sáng phản chiếu. Tò mò vì ánh sáng lạ, thầy đến gần hơn để xem và phát hiện ra có một lớp kim loại ở dưới lớp đất sét. Thầy đi tìm cái đục và cái búa, rồi bắt đầu đục đẽo. Lớp đất sét càng bị rớt dần xuống, thì tia sáng càng sáng dần và lớn hơn. Sau nhiều giờ đục đẽo, cuối cùng, một tượng Phật bằng vàng ròng sáng chói đã xuất hiện trước mặt thầy sư.
Các nhà lịch sử đã tin rằng vài trăm năm trước đây, quân đội Miến Điện xâm lăng Thái Lan. Các nhà sư biết rằng xứ sở của họ sẽ bị tấn công và xâm chiếm, nên đã dùng một lớp đất sét dầy phủ lên bức tượng để che giấu và bảo vệ tài sản của họ tránh khỏi sự cướp bóc của quân đội Miến Điện. Không may, các nhà sư đã bị giết chết hết, cho nên bí mật về bức tượng cũng bị quên lãng cho đến năm 1957 mới tình cờ được khám phá.
Mỗi người chúng ta là một con người được Thiên Chúa dựng nên có linh hồn và thể xác. Thân xác bề ngoài mang thân phận yếu hèn, tội lỗi, và hư nát (1 Cr 15: 42-49). Còn linh hồn thiêng liêng bất tử, được Chúa mời gọi chia sẻ sự sống đời đời. Nhưng qua cái chết của thân xác, con người sẽ sống lại sáng láng và vinh quang giống như Chúa Giêsu đã biến hình. Hình ảnh tượng bằng vàng bị bao phủ bởi lớp đất sét bên ngoài giúp ta ý thức về con người đích thực của mình. Con người đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1: 27).
Bởi tội lỗi bao trùm, con người đã bị che lấp hình ảnh đẹp đẽ của Thiên Chúa nơi bản thân, rồi dần dần lại ngủ quên trong tình trạng xấu xa bẩn thỉu ấy (Ep 4:17-20; 1Tx 5:6). Giống như những con trâu đen đủi trầm mình nơi vũng bùn sình êm ái, con người cũng muốn tự dìm mình trong hoàn cảnh ngủ yên của tội lỗi. Tuy dơ bẩn nhưng nó lại tạo ra cảm giác mát mẻ nhất thời, vì thế những con trâu thường không muốn đứng dậy bước ra khỏi vũng sình lầy lội. Con người cũng vậy! (Ga 15:22).
Muốn có một sự biến đổi từ bẩn thỉu sang sạch sẽ, từ đất sét sang vàng, từ tội lỗi yếu đuối sang thánh thiện vinh quang, phải có thời gian khám phá, tu luyện và đục đẽo (Rm 8:18). Phải tốn nhiều công sức. Phải có hy sinh, thử thách để nhân phẩm và giá trị thiêng liêng được tỏ lộ sáng ngời (Ep 5:8). “Chúng ta phải qua nhiều nỗi gian truân mới vào được Nước Thiên Chúa” (Cv 14:22; GLCG # 556).
Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi chúng ta phải trở về với hình ảnh vinh quang và thánh thiện đích thực của mình như Chúa đã tạo dựng con người lúc ban đầu (Cl 3:10). Mùa Chay là mùa lắng nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy hoàn hảo như Cha trên trời của các con là Đấng hoàn hảo” (Mt 5:48).
Lm. Nguyễn Thái
THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG TỪ TABOR ĐẾN GOLGOTHA
Lm. Đinh Lập Liễm
Thánh Marcô cho biết: Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ yêu quí là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao. Vì đi đường mệt nhọc các ông lăn ra ngủ và khi thức giấc, các ông nhìn thấy cảnh lạ lùng: Chúa biến hình, “áo Ngài trắng như tuyết, không thể nào giặt được như vậy.” Có ông Maisen và Elia đàm đạo với Ngài để khuyến khích Ngài đi vào cuộc tử nạn và có tiếng phát ra trong đám mây: ”Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Ngài” (Mk 9:2-7). Việc biến hình này có ảnh hưởng sâu đậm đến ba ông.
Maisen là đại diện cho pháp luật và Elia là tiên tri vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Khi hai nhân vật lỗi lạc đó hội kiến với Đức Giêsu, có nghĩa là nhà tuyên bố pháp luật vĩ đại nhất và nhà tiên tri lỗi lạc nhất đã nói với Đức Giêsu rằng “Xin cứ tiến lên.” Nó có nghĩa là hai vị thấy nơi Đức Giêsu sự hoàn thành của tất cả những gì họ từng mơ ước trong quá khứ. Nó có nghĩa là họ thấy nơi Ngài tất cả những gì mà lịch sử vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về đó với hy vọng tràn đầy. Dường như chính lúc đó Đức Giêsu được bảo đảm rằng Ngài đang đi đúng hướng vì cả lịch sử đều dẫn đến thập giá.
Đức Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem (Lc 18:31), và quyết định ấy có nghĩa là chấp nhận thập giá. Khi nghe Đức Giêsu báo cho họ biết là Ngài sẽ lên Giêrusalem để chịu chết, họ bàng hoàng, bối rối lo sợ vì bao điều mơ tưởng của họ sẽ bị tiêu tan, tương lai của họ trở nên bấp bênh, đen tối. Tuy thế, những gì đã xem thấy trên núi biến hình cho họ có cơ hội bám chặt lấy ngay khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe tiếng của Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con Ngài (Mk 9:7).
Ngoài ra, việc Chúa biến hình trên núi khiến họ trở thành các chứng nhân cho sự vinh hiển của Chúa Cứu thế theo một ý nghĩa đặc biệt. Xác tín rằng mình là chứng nhân trước sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế, sau này khi có dịp, họ đã có sẵn câu chuyện đang giấu kín trong lòng, sẽ kể lại cho mọi người nghe (II Pet 1:16-18).
Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự luôn biến đổi. Thí dụ nhìn vào bản thân: các nhà khoa học nói rằng các tế bào luôn thay đổi, cái này chết cái kia sinh ra, sau 7 năm thì không còn tế bào nào là tế bào của 7 năm trước nữa. Không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết. Đối với cuộc sống thân xác thì như thế. Đối với cuộc sống thiêng liêng thì cũng như vậy; bởi thế trong mùa Chay chúng ta cần biến đổi. Cứ sống y như cũ là chết (Carôlô, Sợi chỉ dỏ, năm B, tr 134-135).
Việc Chúa biến hình nhắc cho các môn đệ và chúng ta phải cởi bỏ tội lỗi để nên tốt lành thánh thiện hơn: ”Hãy lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân tận tâm linh anh em”” (Ep 4,23). Thánh Tông Đồ còn khuyên nhủ chúng ta hãy làm một cuộc canh tân toàn diện để cho con người nội tâm của ta biết nghe theo luật của Chúa mà bỏ đường lối của xác thịt. Vì thế, trong thư gửi tín hữu Êphêsô Ngài đã viết: ”Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần Khí canh tân đổi mới thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật” (Ep 4,22-24).
Bài đọc I hôm nay thuật lại việc Abraham sát tế Isaác con mình (Gen 22:1-19). Việc này cho chúng ta thấy đức tin của ông. Lệnh truyền sát tế Isaác, người con duy nhất sinh ra trong tuổi già, thì vượt quá tầm nhìn cách nghĩ của con người và xem ra là phi lý. Sẽ thực hiện ra sao đây lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, nếu không còn người con trai này? Thiên Chúa đòi hỏi ông hiến tế luôn cái cơ hội sống còn cuối cùng này của ông, đồng thời cũng là cái nền tảng cho niềm tin của ông. Yêu cầu của Thiên Chúa quá đỗi đau thương đoạn trường, nhưng với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, ông vội vã thực hiện ngay lệnh truyền ấy. Cần vâng phục Thiên Chúa bất cứ giá nào. Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông và mạng sống Isaác được dành lại.
Đường lối Thiên Chúa thật lạ lùng. Câu chuyện về hy tế của Abraham khá làm sáng tỏ những phương thức của Thiên Chúa. Quả thật, tất cả chỉ là thử thách trong cuộc đời. Nhưng một khi chân trời mây mù bưng bít, không trông đâu được sự giúp đỡ của loài người, mọi sự dường như mất hết, chúng ta không còn cân nhắc suy tính được nữa, và thất vọng tự hỏi: ”Tại sao Thiên Chúa xử như vậy?”
Nhưng chúng ta phải hiểu rằng Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài đã phó nộp Con Một Ngài trên cây thánh giá vì phần rỗi chúng ta. Như vậy, khi Ngài để cho chúng ta nhờ đau khổ và thử thách kết hợp với sự thương khó của Chúa Kitô, chúng ta chắc chắn rằng, nhờ đó, Ngài cũng muốn liên kết chúng ta vào sự Phục sinh và vinh quang của Chúa Kitô. Do đó, thử thách cũng có ý nghĩa tích cực vủa nó. Không lạ gì khi thấy người ta nói: “Có cứng mới đứng đầu gió” (Tục ngữ)
Chính những đau khổ và gian nan thử thách sẽ làm cho chúng ta thêm giá trị trước mặt Chúa, nó thanh luyện chúng ta, nó làm cho chúng ta thể hiện lòng trung thành đối với Chúa. Lúc đó, đức tin của chúng ta mới có giá trị sau khi đã được thanh luyện như vàng ra khỏi quặng: “Có gió lung, mới biết tùng bá cứng. Có lửa hừng, mới biết thức vàng cao” (Tục ngữ).
Thánh Giacôbê Tông Đồ nói về vấn đề này: ”Phúc cho ai bị thử thách mà vẫn trung thành, bởi vì khi thành công trong cơn thử thách như thế, người đó sẽ được Thiên Chúa ân thưởng bằng sự sống mà Thiên Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài” (Gc 1,12).
Trong gian nan thử thách, hãy giữ vững niềm hy vọng và tin tưởng phó thác. Nhưng làm sao giữ được niềm hy vọng tâm hồn? Hãy noi gương Chúa Kitô! Tất cả cuộc đời Ngài chỉ là một chuỗi phó thác trong tay Chúa Cha. Trong lúc hấp hối Ngài than thở: ”Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha” (lC 22:42). Sự tín thác mến yêu này là nguồn ơn cứu độ cho hết mọi người và là nguyên nhân của Phục sinh khải hoàn. Chính trong việc chiêm niệm về Chúa Kitô tín thác cho Tình Yêu mà chúng ta múc lấy nghị lực để nói như Ngài: ”Lạy Cha, đừng theo ý con, một theo ý Cha.”
Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ còn biết dựa vào đức tin để phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu giúp. Đức tin cũng cần phải được thử thách thì mới có giá trị. Nếu ở trên núi Tabor, ông Phêrô thưa với Chúa: ”Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Elia và một cho Maisen” (Mc 9,5). Các ông muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor, ngủ yên trong hào quang rực rỡ, bỏ lại dưới núi bạn đồng môn, muốn hưởng thụ đầy đủ ánh hào quang của Chúa, thì các ông sẽ nói thế nào ở vườn Cây Dầu và ở đồi Golgotha?
Khi lên tinh thần, đức tin của chúng ta cũng vững mạnh và xán lạn như đức tin của các Tông Đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi đức tin ở đỉnh cao, chúng ta thấy gần gũi Đức Giêsu đến độ chúng ta tưởng rằng có thể đụng rờ được Ngài. Chúng ta cảm thấy gần gũi Thiên Chúa Cha đến độ dường như đôi tay của Ngài đang bao bọc chung quanh ta, và Thánh Thần dường như đang nói với chúng ta. Trái lại, khi xuống điểm thấp, đức tin của chúng ta yếu ớt như muốn mất hẳn, giống như đức tin của các môn đệ ở vườn Cây Dầu (Mark Link).
Áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng ta cảm thấy đức tin mình ở những điểm cao, lúc đó chúng ta yêu thương hết mọi người. Chúng ta thắm thiết với bạn bè, và chúng ta tha thứ cho tất cả mọi thù địch. Vào những ngày như thế, chúng ta không thể hiểu được chúng ta đã từng cho rằng cuộc đời là khó khăn. Nhưng khi ở những điểm thấp, không có gì là trôi chảy cả: “Chúng ta cảm thấy bị đè nén và đáng thương, bị hiểu lầm, chán nản, bị mất mát thiệt thòi” (Anthony Padovano).
Những lúc gặp đau khổ hoặc gian nan thử thách chúng ta chỉ còn biết tin tưởng và phó thác cho Chúa. Ngài có thể làm được tất cả trong những cái loài người cho là không có thể, để quyền năng của Chúa được tỏ hiện nơi ta, như Thánh Phaolô đã nói: ”Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).
Có câu nói diễn đạt kinh nghiệm sống đạo, sống niềm tin trong đau khổ thật sâu xa: ”Khi Thiên Chúa đóng cửa chính thì Ngài mở ra cửa sổ.” Thiên Chúa đóng cửa chính là khi chúng ta gặp thử thách, đau khổ, không còn có thể nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa. Đó là khi Thiên Chúa xem ra như bỏ rơi, mặc chúng ta đương đầu với thử thách, khó khăn. Lúc đó, chúng ta cần nhớ rằng: Thiên Chúa Ngài sẽ mở ra cửa sổ, mở ra một lối thoát, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa mở ra những cửa sổ để hướng chúng ta đến một điều tốt đẹp hơn mà trước đó chúng ta không ngờ. Những kinh nghiệm đau thương, tiêu cực mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời, đôi khi đó là tiếng nói của Thiên Chúa để mời gọi chúng ta bước ra khỏi một hoàn cảnh không tốt đẹp, để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng hơn đón nhận những hồng ân mới (I Cor 10:13).
Du khách đến Roma thường đi thăm ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis. Phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quì trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả lòng thành đều được sức mạnh và an ủi thâm sâu.
Người ta kể rằng tượng cẩm thạch trên thánh giá này đã mất nhiều năm mới hoàn thành được. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, tác giả lại cho kéo xuống và đập bỏ, vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông muốn. Khi ông bắt tay vào công trình lần thứ ba thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tị nên tìm cách hạ uy tín ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương.
Lúc này, người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không còn là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ muốn tháp nhập vào (Thiên Phúc, Chuyện hay đông tây, tập 1, tr 159).
Khi gặp những giây phút đen tối, chúng ta hãy bắt chước gương của Abraham trong bài đọc I hôm nay. Thiên Chúa đòi hỏi ông phải hy tế con trai của ông là Isaác. Điều đó làm cho ông khổ tâm và bối rối. Nhưng Abraham vẫn tin cậy vào Chúa, và Thiên Chúa không để ông thất vọng. Thiên Chúa đã chúc phúc và ban ơn cho ông hơn cả những ước mơ của ông (Hr 11:17-19).
Khi bị thử thách, nếu chúng ta tin cậy vào Thiên Chúa giống như Abraham, thì Thiên Chúa sẽ không để chúng ta thất vọng. Và cuối cùng, Thiên Chúa cũng sẽ chúc phúc và ban ân huệ cho ta nhiều hơn những gì chúng ta mơ ước.
Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một (Hr 13:8); Ngài là Đức Giêsu sáng láng trên núi Tabor, cũng là Đức Giêsu mướt máu trong vườn Cây Dầu, và cũng là Đức Kitô đau khổ trên thập giá ở đồi Golgotha. Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Đường Tình Yêu.
Lm. Đinh Lập Liễm
BIẾN HÌNH
+ ĐTGM. Ngô quang Kiệt
Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi.
Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình.
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi.
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?
- Cầu nguyện có thể làm con người ‘biến hình’. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?
- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?
- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn ‘biến hình’ không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
HÃY TỎ MÌNH LÀ HÌNH ẢNH CHÚA
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Người xưa có câu: “chọn mặt gửi vàng”. Nghĩa là để tin tưởng một ai cũng cần xem mặt, xem hoàn cảnh, gia cảnh người đó để đánh giá về họ có đáng tin hay không? Thế mà, vẫn sai lầm. Vẫn chọn sai người. Vì “Sông sâu còn có kẻ dò – Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Vâng, lòng người nham hiểm hơn núi sông, biết người còn khó hơn dự đoán thời tiết. Thời tiết còn có xuân hạ thu đông và sáng – trưa – chiều – tối, còn con người, giữa mảng tối và sáng thật khó phân biệt. Thời tiết còn có hiện tượng bên ngoài để suy đoán những điều sẽ xảy ra, còn lòng người vẫn cò thể đóng kịch đến mức độ “nói vậy mà không phải vậy”. Có ai đó nói không ngoa rằng: con người là một diễn viên tài ba nhất, vì họ có thể đóng kịch để lừa dối nhau suốt cả đời mà vẫn không bại lộ. Thực vậy, có người bên ngoài ôn hậu hiền lành, trong lòng lại kiêu căng ngạo mạn, không có việc gì lợi mà không dám làm; có người bộ dạng như quân tử, thực ra là tiểu nhân; Có người bên ngoài nhu mì, nhưng nội tâm cương trực; Có người xem có vẻ kiên trinh, thực tế lại nhút nhát. Điều này cho thấy con người thật phức tạp, khó mà biệt được thực hư một người.
Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều nghe biết về Chí Phèo trong truyện của Nam Cao. Chí Phèo là đứa con hoang, được mô tả là một người dị dạng, một tên lưu manh, nát rượu chuyên rạch mặt ăn vạ và sẵn sàng sinh sự với mọi người. Chí Phèo là kẻ trên không sợ Trời, dưới không sợ người. Người ta tránh Chí Phèo hơn tránh ôn dịch. Chí Phèo đem lòng yêu Thị Nở. Thị Nở là một cô gái xuất thân từ một nhà có mả hủi, tuổi đời ngoài 30, dở hơi, nghèo và rất xấu. Xấu ma chê quỷ hờn. Xấu đến nỗi người ta tránh thị như tránh một con vật rất ghê tởm.
Ấy vậy mà cả hai con người ấy vẫn nhận ra bản chất tốt đẹp của nhau. Thị Nở thấy Chí Phèo là một người hiền lành. Hiền như đất. Vẫn thường cho Thị xin lửa và có lần con cho Thị xin rượu về bóp chân. Ngược lại, Chí Phèo cũng thấy Thị Nở là một người có duyên. Thị Nở đã biết nấu cháo hành nóng cho Chí Phèo ăn, giúp cho Chí Phèo tỉnh cơn say và làm sống lại nơi Chí Phèo ý thức về sự lương thiện của bản thân mình.
Cuộc sống con người luôn phức tạp. Phức tạp đến nỗi khó lòng đánh giá nhau từ bên ngoài. Thực tế, vẫn có những người thân phận chẳng ra gì như Chí Phèo và Thị Nở, bị coi là cặn bã và thậm chí là quái thai của xã hội. Thế nhưng, ngay cả nơi những con người ấy bản chất tốt đẹp mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ vẫn không hư đi, khả năng nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác của họ cũng không mất đi. Vì thế, không gì có thể khiến chúng ta tuyệt vọng về con người. Con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Là tinh hoa của trời đất. Là chóp đỉnh của quá trình sáng tạo vũ trụ và vạn vật. Con người dù tội lỗi mấy đi chăng nữa, cũng không thể xoá nhoà hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình. Con người dù tha hoá mấy đi chăng nữa, cũng không thể huỷ hoại bản chất tốt đẹp của mình. Con người dù có bị dục vọng thống trị mấy đi chăng nữa, cũng vẫn không ngừng toả sáng bản chất của mình là “nhân linh ư vạn vật”.
Vâng, con ngừơi chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Không ai xấu, vì khi tạo dựng, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Bản tính giống hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn nơi con người đó. Họ làm việc xấu chứ con người họ vẫn cao qúy, vẫn mang phẩm giá làm người, thế nên ta vẫn phải yêu thương và tôn trọng. Hãy yêu thương để giúp họ phục hồi phẩm gia cao đẹp của con người mà bấy lâu nay họ bị phủ lấp bằng tội lỗi và đam mê. Bên cạnh đó, có những người có thể rất xấu về diện mạo nhưng tâm hồn họ lại thanh cao. Họ có thể là những con người có “duyện lặn vào trong” dầu rằng bên ngoài chẳng có gì hay ho.
Như thế điều quan yếu là hãy biết nhận ra điều tốt nơi nhau. Cho dù họ có xấu đến đâu, mình vẫn có thể tìm ra điều tốt nơi họ. Hơn nữa, nhân vô thập toàn. Ai trong chúng ta mà không bị tội lỗi, tật xấu, đam mê mù quáng làm mất đi hình ảnh đẹp trong lòng anh em hay trước mắt mọi người. Mỗi người chúng ta đều cần người khác đánh giá tốt về mình thì chính chúng ta cũng hãy nói tốt và nghĩ tốt với tha nhân.
Khi Chúa hiển dung trong bản tính Thiên Chúa để củng cố niềm tin nơi các tông đồ. Ngài cũng nhắc nhở chúng ta cũng phải biết tỏ ra phẩm giá cao quý nơi mỗi người chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa qua cách đối như con cái sự sáng để tạo niềm tin nơi nhau. Đồng thời cũng phải biết tôn trọng nhau vì đều được tạo dựng giống hình ảnh Người. Chúa Giê-su Ngài hoà nhập vào đời nhưng Ngài không đồng hoá mình như bao tội nhân. Ngài đã trở nên giống như con người ngoại trừ tội lỗi. Con người chúng ta không thể đồng hoá mình với con vật như thuyết Duy Vật đã nói, để rồi sống theo bản năng, chiều theo tính xác thịt nhưng luôn biết chế ngự tính xác thịt nơi bản năng con người. Chúa hiển dung là lời mời gọi chúng ta hãy toả sáng hình ảnh của Chúa trong đời sống của mình khi thống trị tật xấu và đam mê. Hãy chế ngự tính hư nết xấu trong con người cùa mình. Hãy để hình ảnh Chúa tỏ hiện nơi chúng ta qua đời sống thanh sạch, công bằng, bác ái và yêu thương. Con người không thể là con vật thuần tuý vì con người không chỉ có thể xác mà còn có hồn thiêng bất tử, nên không thể chiều theo thể xác mà đánh mất linh hồn, hay tự huỷ trong những đam mê tội lỗi. Con người phải hơn con vật khi biết chế ngự tính hư nết xấu, làm theo lẽ phải và hướng về sự thiện.
Ước gì hình ảnh Chúa đừng đánh mất nơi chúng ta. Ước gì hình ảnh Chúa luôn tỏ hiện qua đời sống thanh cao, luôn biết sống theo công lý và tình thương. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết gìn giữ phẩm giá cao đẹp của mình là hình ảnh Thiên Chúa. Xin đừng để những đam mê mù quáng làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp ấy nơi mỗi người chúng ta.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
CŨNG VÌ THƯƠNG, THIÊN CHÚA BAN ĐỨC GIÊSU CHO LOÀI NGƯỜI (Mc 9:7)
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
I. Dẫn vào Thánh lễ
Trong Mùa Chay, Hội Thánh nhắc chúng ta nhớ những điều rất quan trọng. Chúa nhật vừa qua, Hội Thánh nhắc ta nhớ đến những ơn ban của Chúa. Hôm nay Hội Thánh nhắc ta nhớ đến một ơn quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đó là Ðức Giêsu, Người Con Một yêu quý của Ngài.
Thiên Chúa ban Ðức Giêsu cho chúng ta để Ðức Giêsu sống với chúng ta và chúng ta sống với Ngài, sống theo Ngài và sống như Ngài.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy chú ý lắng nghe Lời Ðức Giêsu và kết hợp thân thiết với Ngài.
II. Gợi ý sám hối
- Chúa nhật vừa qua, Ðức Giêsu đã kêu gọi chúng ta sám hối, nghĩa là bỏ con được cũ lầm lạc để quay về với Chúa. Chúng ta đã thực sự quay về chưa?
- Ðức Giêsu còn kêu gọi chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta đã làm việc này chưa?
- Ðã qua một tuần Mùa Chay rồi, mỗi người chúng ta có dự định cụ thể nào chưa?
III. Lời Chúa
- Bài đọc 1: St 22:1-2,9a,10-13,15-18
Tường thuật chuyện Abraham tế sát Isaac.
Tế sát Isaac là một hy sinh rất lớn của Abraham, vì: a/ Isaac là đứa con duy nhất mà vợ chồng ông sinh được trong lúc tuổi già; b/ đứa con ấy lại là tất cả niềm hy vọng của ông về lới Chúa hứa sẽ cho ông một dòng dõi đông đúc; b/ bởi thế, Isaac là “đứa con một yêu dấu” của Abraham. Vậy mà ông đành giết nó để dâng cho Chúa.
Tuy nhiên tấm lòng của Abraham đối với Thiên Chúa còn to lớn hơn: a/ Chúa vừa gọi “Abraham” thì ông đáp lại ngay “Dạ, tôi đây” ; b/ Chúa muốn ông làm một việc vừa ngược với tình cảm của ông, vừa xem ra cũng ngược với lời Ngài đã hứa (cho ông một dòng dõi đông đúc), ông cũng sẵn sàng làm.
Thiên Chúa coi trọng tấm lòng hơn lễ vật, coi trọng sự hy sinh trong tâm hồn Abraham hơn đứa con mà ông sắp dâng. Cho nên Chúa bảo ông dừng tay. Dù Abraham chưa giết con, nhưng Chúa kể ông đã dâng con cho Ngài.
- Ðáp ca: Tv. 115
Tác giả đang ở trong một hoàn cảnh bi đát “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực”, hơn nữa đang chứng kiến “cái chết của những bậc thánh nhân”, thế mà tác giả vẫn tin vào Thiên Chúa.
Ðáp lại đức tin kiên vững ấy, Thiên Chúa đã “bẻ gãy xiềng xích” và cứu thoát tác giả. Ông vui mừng ca tụng Chúa và dâng lễ vật tạ ơn. Những tâm tình này rất đúng với Abraham.
- Tin Mừng: Mc 9:2-10
Bài tường thuật Ðức Giêsu biến hình. Ðiểm đáng chúng ta lưu ý nhất là tiếng từ trời “Ðây là con yêu dấu của Ta”. Câu này là vang vọng của lời Thiên Chúa nói với Abraham về Isaac “Hãy đem Isaac đứa con rất yêu dấu của ngươi… dâng nó làm lễ toàn thiêu” (Bài đọc I)
Như thế, Isaac là hình bóng của Ðức Giêsu. Cũng như Abraham đã hy sinh đứa con một yêu dấu của mình, thì Thiên Chúa cũng không tiếc khi ban Ðức Giêsu, Người Con Một yêu dấu của Ngài, cho nhân loại để chịu chết cứu chuộc nhân loại.
- Bài đọc II: Rm 8:31-34
Thánh Phaolô suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời Ðức Giêsu và hiểu rằng tất cả đều vì lợi ích cho loài người chúng ta: Khi Ðức Giêsu chịu chết là chịu chết “vì tất cả chúng ta”; và khi Ngài sống lại lên ngự bên hữu Chúa Cha thì cũng là để “biện hộ cho chúng ta”. Ðức Giêsu chính là ơn ban tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người.
IV. Gợi ý giảng
- Món quà ngoài sức tưởng tượng
Các bài đọc hôm nay nói về những món quà vượt sức tưởng tượng. Abraham là một người sẵn lòng với Thiên Chúa. Ngài bảo ông bỏ quê hương xứ sở mà ra đi đến một nơi vô định. Ông mau mắn làm theo. Thiên Chúa thấy lòng quảng đại của ông, Ngài bảo ông dâng Isaac cho Ngài. Món quà này chắc chắn Abraham không ngờ tới, vì đó không phải là một đồ vật hoặc một con vật mà là một con người. Con người ấy lại là đứa con duy nhất của ông. Hơn nữa nó còn là tất cả hy vọng của ông vì ông sinh ra nó trong lúc tuổi đã già, và ông nghĩ chỉ có nó mới thực hiện được mong ước của ông là có một dòng dõi. Dâng nó đi là dâng tất cả. Thế mà Abraham đã dâng. Một món quà ngoài sức tưởng tượng (bài đọc I).
Nhưng món quà mà Thiên Chúa ban cho loài người còn ngoài sức tưởng tượng hơn nữa. Ðó là ban Ðức Giêsu, Người Con độc nhất, Người Con thân yêu vô cùng. Hơn nữa, Thiên Chúa ban Người Con ấy để Người Con ấy chịu chết vì tội lỗi loài người, chết thay cho loài người (bài Tin Mừng). Thật chẳng có tấm lòng nào bằng như thế. Chẳng có tình yêu nào cao cả như thế (bài đọc II).
- “Hãy vâng nghe lời Người”
Một hôm nhà vua triệu tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi: – Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu? – Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở. – Ông hãy đập vỡ nó ra! – Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ!
Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.
Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, cũng hỏi: – Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu? – Bằng nửa vương quốc. – Hãy đập vỡ nó ra! – Ðập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.
Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho Abdul: – Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không? – Muôn tâu, đẹp không thể nói được. – Hãy đập nát nó đi.
Lập tức Abdul lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của Abdul. Họ hỏi: – Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ?
Abdul bình tỉnh đáp: – Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.
Nhà vua khen ngợi thái độ của Abdul và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.
Câu chuyện giúp chúng ta hiểu tại sao khi Ðức Giêsu biến hình, tiếng Chúa Cha từ trời đã phán: “Ðây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng lời Ngài”.
- Con yêu dấu
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay về việc Ðức Giêsu biến hình, tôi chẳng có chút cảm xúc nào cả. Ðọc thêm bài đọc I về chuyện Abraham tế sát Isaac, tôi khám phá rằng Isaac là hình bóng của Ðức Giêsu, và người cha già Abraham là hình bóng của Thiên Chúa. Và tôi rất xúc động vì tiếng gọi “Con yêu dấu”.
Abraham yêu dấu Isaac biết chừng nào vì đó là đứa con duy nhất ông sinh ra được trong lúc tuổi đã già. Chúa Cha cũng yêu dấu Ðức Giêsu biết chừng nào vì đó chẳng những là Người Con duy nhất mà còn là Người Con tuyệt hảo của Ngài.
Có người cha nào không tan nát cõi lòng khi đứa con yêu dấu duy nhất của mình phải chết? Chúa Cha hiểu được tâm trạng này nên Ngài chỉ thử lòng Abraham thôi chứ không nỡ để Isaac phải chết. Thế mà Chúa Cha lại cho Ðức Giêsu Con Yếu Dấu của Ngài phải chết thật! Ôi tình Chúa Cha thương loài người chúng ta bao la và vĩ đại biết chừng nào!
Chúa Cha chỉ mong nơi loài người chúng ta một điều duy nhất là “Hãy vâng nghe Lời Ðức Giêsu” thôi. Nếu điều duy nhất ấy mà chúng ta cũng không đáp ứng thì thật là phụ bạc biết chừng nào!
- Thử thách và biến hình
Bài đọc I nói về thử thách (Thiên Chúa bảo Abraham tế sát Isaac), còn bài Tin Mừng nói về biến hình. Hai khía cạnh này liên kết với nhau và bổ sung cho nhau như hai mặt của một đồng tiền.
- Khi Thiên Chúa mới gọi Abraham, Ngài đã thử thách ông: Ông phải từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi vô định. Vì Abraham trung thành trong thử thách nên Thiên Chúa đã cho ông có con. Trước khi dẫn đời ông sang một biến đổi nữa, Thiên Chúa lại thử thách ông: đứa con duy nhất ấy, Ngài muốn ông giết đi để làm lễ tế cho Ngài. Một lần nữa Abraham đã vâng lời và một lần nữa ông được biến đổi: Isaac vẫn sống và sinh con cháu, nhờ đó Abraham thực sự có một dòng dõi.
- Chúa nhật tuần trước, chúng ta thấy Ðức Giêsu chịu thử thách trong sa mạc. Hôm nay chúng ta chứng kiến Ngài biến hình trên núi.
- Học sinh cũng phải thường xuyên trải qua thử thách là các kỳ thi. Nhưng có như thế thì học sinh mới được chuyển cấp, càng ngày càng cao hơn, giỏi hơn…
- Biến đổi là Quy luật
Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự luôn biến đổi. Thí dụ nhìn một cái cây. Tuy nó vẫn là cái cây đó nhưng bên trong nó có biết bao biến đổi: có những chiếc lá tháng trước nay không còn; nhiều chiếc lá mới mọc ra; và nhiều chiếc lá hiện nay tháng sau sẽ không còn. Nếu cái cây vẫn y như thế từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác thì đó không còn là một cái cây sống nữa mà là một khúc gỗ.
Hãy nhìn lên trời, chúng ta cũng thấy quy luật biến đổi ấy: bầu trời hôm qua với bầu trời hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau mặc dù cũng vẫn là một bầu trời.
Hãy nhìn xuống nước. Một triết gia đã nói “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. Và nhìn vào bản thân: các nhà khoa học nói rằng các tế bào luôn thay đổi, cái này chết, cái kia sinh ra. Sau 7 năm thì không còn tế bào nào là tế bào cũ của 7 năm trước nữa.
Không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết. Ðối với cuộc sống thân xác thì như thế. Ðối với cuộc sống thiêng liêng cũng như thế. Bởi thế trong Mùa Chay chúng ta cần biến đổi. Cứ sống y như cũ có nghĩa là chết.
- Từ Tabor đến Golgotha
Một Linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng rất sâu sắc như sau:
Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo. Ðúng là một cặp “trai tài gái sắc”. Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.
Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia. Người chồng vui vẻ đón nhận:
– Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh!
Hai mươi năm sau. Cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian. Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lại. Nhưng người chồng nhăn mặt:
– Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?
Tất cả nguyên trạng chỉ khác có nhan sắc. Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay “người đẹp” là trái táo ân tình. Hai mươi năm sau từ tay “nàng già” là trái táo ăn thừa. Nên chỉ dựa vào nhan sắc người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.
Cuộc biến hình trên núi Tabor được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn. Nếu người ta làm cho an toàn những viên thuốc đắng bằng một lớp vỏ bọc đường, thì Ðức Giêsu cũng hóa giải tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ. Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ. Hoá giải chứ không gây mê.
Nhưng có lẽ cuộc biến hình đã phản tác dụng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Elia” (Mc.9:5). Vậy là Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor. Họ đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa.
Các ông đâu biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên đồi Canvê. Theo Thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp và leo lên thập giá với Thầy.
Cũng như ba môn đệ, đôi vợ chồng trong câu chuyện kể trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp. Nhưng vẻ đẹp đâu tồn tại mãi. Chúa chỉ mặc “tấm áo trắng như tuyết” trong chốc lát vì niềm hy vọng Phục sinh. Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ đẹp. Vẻ đẹp là một ân huệ của trời, nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh phúc.
Giá trị đích thực chính là tình yêu, chính do tình yêu mà đôi vợ chồng mới giữ được lòng thủy chung, chính do tình yêu mà các Kitô hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp rực rỡ của Chúa. Chính do tình yêu mà chúng ta phải biến hình đổi dạng mỗi ngày để phản ánh vinh quang ngời sáng của Người.
Ðức Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Ðức Kitô rong ruỗi trên các đường phố Palestina rao giảng chữa bệnh và làm các phép lạ.
Ðức Kitô sáng láng của Tabor cũng chính là Ðức Kitô thấm đẫm mồ hôi trong vườn Giêtsêmani.
Ðức Kitô rực rỡ của Tabor cũng chính là Ðức Kitô treo trên thập giá đỉnh Golgotha.
Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Ðường tình yêu. Theo Thánh Têrêxa thành Lisieux: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê”. Thánh Bernadette cầu nguyện: “Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn can đảm tiến bước trên đường đời chông gai vạn nẻo, với niềm hy vọng biến cố Phục sinh sẽ bừng sáng. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Ðức Giêsu đã biến hình cho các môn đệ thấy vinh quang của Người, để củng cố đức tin cho các ông, và chuẩn bị các ông đón nhận cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:
- Trung thành với Ðức Giêsu trong mọi hoàn cảnh là nguồn thách đố cho Hội thánh / chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh luôn tin tưởng bước theo đường lối Ðức Giêsu / dù khi được vinh quang hay khi phải trải qua gian nan tử nạn.
- Trung thành để phục vụ công lý và công ích cho xã hội là nguồn thách đố cho các nhà cầm quyền / Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người có trách nhiệm lãnh đạo trên thế giới luôn can đảm cương quyết / không nhượng bộ những gì vi phạm đến nhân phẩm và nhân quyền của người dân.
- Nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp, chậm tiến… là những thách đố cho người Việt Nam hôm nay. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người Việt Nam biết can đảm kiên nhẫn / để đoàn kết với nhau và từng bước vượt qua mọi khó khăn.
- Những khó khăn bên ngoài và bên trong mà Hội thánh ở Việt Nam đang trải qua cũng là những thách đố cho mỗi Kitô hữu Việt Nam /. Chúng ta hãy cầu xin cho các Kitô hữu Việt Nam luôn vững lòng tin cậy / và luôn tích cực phục vụ đồng bào nhất là những người nghèo khổ.
Chủ tế : Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang để củng cố đức tin cho các môn đệ khi họ gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn hôm nay thì cũng chắc chắn được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa mai sau. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Ðức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Cha rất yêu thương Ngài và vừa lòng về Ngài. Chúng ta được hạnh phúc thông chia quyền làm con của Ðức Giêsu. Vậy chúng ta hãy cùng với Ngài dâng lên Chúa Cha những tâm tình hiếu thảo của chúng ta.
- Lúc chúc bình an: Chúng ta hãy chúc bình an cho nhau trong tâm tình mến yêu nhau thực sự ; và cũng hãy nghĩ đến những người xích mích với chúng ta mà hiện không có mặt trong Thánh lễ này, với quyết tâm cũng muốn hòa giải với họ nữa.
VII. Giải tán
Chúa Cha đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Người Con Yêu Dấu duy nhất của Ngài là Ðức Giêsu cho chúng ta và chịu chết vì chúng ta. Chúa Cha chỉ mong mỏi mỗi một điều là chúng ta vâng nghe Lời Ðức Giêsu thôi. Trong tuần này, chúng ta hãy luôn tâm niệm lời Chúa Cha nói: “Ðây là Con Yêu Dấu của Ta. Hãy vâng nghe lời Người”.
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái