Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY – 18.03.2018 – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ
  • THUỐC BẤT TỬ – Sr. Sao Mai
  • HẠT LÚA MÌ RƠI XUỐNG ĐẤT THỐI ĐI – Lm. Nguyễn Thái
  • VINH QUANG TRONG KHỔ NHỤC – Lm. Đinh Lập Liễm
  • HẠT LÚA MỤC NÁT – TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  • TRAO BAN LÀ NHẬN LÃNH – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
  • Ý THỨC TRƯỚC VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC ĐỨC GIÊSU CHỊU NẠN – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

THUỐC BẤT TỬ (Ga 12:20-33)

Sr. Sao Mai

 

Thời Chiến Quốc, có một người đem dâng cho vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, đi ngang qua một viên quan canh cửa. Viên quan này hỏi:

– Vị thuốc này có ăn được không?

Người kia đáp:

– Ăn được.

Tức thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn. Chuyện đến tai vua. Vua truyền bắt viên quan đem giết.

Viên quan kêu:

– Thần đã hỏi người đem dâng thuốc là có ăn được không. Người ấy bảo: “ăn được”, nên thần mới dám ăn. Như thế là thần vô tội mà lỗi là ở người dâng thuốc. Hơn nữa, người đem dâng thuốc nói là thuốc “bất tử”, nghĩa là thuốc ăn vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới vừa ăn xong, lại sắp phải chết; vậy là thuốc “tử” chứ đâu phải thuốc “bất tử”? Nhà vua giết thần, thực là oan uổng cho một người vô tội; điều đó có nghĩa là thiên hạ dối lừa nhà vua mà nhà vua vẫn tin.

Nghe nói có lý, nhà vua bèn tha chết cho viên quan.

Con người chẳng ai muốn chết, và ai cũng muốn sống lâu, trường thọ. Nhưng oái ăm thay! Có ai lại không phải đi đến kết cuộc ấy?

Sống được trên trăm tuổi đã là tuổi hiếm thấy trên thế gian. Sống lâu trường thọ là một điều khâm phục, một niềm tự hào. Thọ là một trong ba nguyện ước con người thường cầu chúc cho nhau: Phúc – Lộc – Thọ.

Những mỹ phẩm mà người ta rao bán: làm trẻ mãi không già, thực ra chỉ có thể che lấp đi được những nếp nhăn nheo cằn cỗi trên thân xác, nhưng không thể níu kéo hay xoá đi tuổi già của thời gian. Thế mới biết: làm sao cho được “trẻ mãi không già”, được “sống lâu, bất tử” là khát vọng, nhưng đồng thời cũng là tuyệt vọng của con người.

Người đời bảo: chết là hết. Thế mà có một người dám quả quyết rằng muốn sống, phải chết đi để được sống – không phải chỉ sống thời gian hữu hạn mà sống bất tử, sống đời đời: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Người ấy là Chúa Giêsu.

Chúa đã khẳng định: Phải chết đi để được sống. Nhưng chết bằng cách nào? Là tự tử? Là hủy hại thân thể? Không. Chết là “thối đi”, là “ghét sự sống ở đời này”, đó là cái chết cho những tiêu cực nơi tâm hồn.

Như thế, chết là hãm mình trước những cám dỗ của dục vọng, của ý riêng, là vượt thắng 7 mối tội đầu, là hy sinh vì 10 điều răn Chúa dạy, là từ bỏ những gì không thuộc ý muốn của Thiên Chúa; vì “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái nghịch với Thần Khí; còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái nghịch với xác thịt… Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ: đó là dâm bôn, ô uế, phóng đảng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những việc khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. (Gl 5:17.19-20.22-23)

Chết là canh tân đổi mới, là cải thiện tâm hồn, là thay đổi não trạng, thay đổi cách suy nghĩ sao cho hợp với thánh ý của Thiên Chúa: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng các đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm. 12:2)

Chết là chấp nhận hy sinh, chịu “thối đi” nơi con người thể xác để cho hạt giống đức tin và Tin Mừng có điều kiện nảy sinh và mang lại nhiều hoa trái cho người và cho đời.

Người không chịu “thối đi”, không dám “ghét sự sống của mình ờ đời này”, là người gạt bỏ sự siêu nhiên ra khỏi cuộc đời của người Kitô hữu, không còn tìm thánh ý Chúa, không còn hành động cho sáng danh Chúa; là cho rằng hy sinh, khiêm nhường, nhịn nhục là dại dột, chỉ vâng phục khi nào mình thấy hợp lý, có lợi cho bản thân.

Người không chịu “thối đi”, không dám “ghét sự sống của mình ở đời này” là người chỉ xem hạnh phúc trần thế là cứu cánh của cuộc sống; là người vẫn dự lễ, đọc kinh tối sáng, vẫn làm những công việc bác ái, nhưng cuộc sống của họ lại xa lạ với Tin Mừng. Trọng tâm của cuộc đời của họ là quyền hành, lạc thú, tiền của. Bạn hữu của họ là những người giàu sang quyền thế, cả những kẻ bóc lột, tham nhũng… Họ không nghĩ đến đời sau, bình thản như thể họ sẽ sống muôn đời trên cõi đời này và thiên đàng đối với họ là trần gian.

Đó là những hạt giống không chịu “thối đi”, không chịu mục nát, những hạt giống “sống trơ trọi một mình”, nên không “sinh nhiều bông trái” cho đời, cho người, không mang ích lợi gì cho ai và như thế, cuộc sống của họ “sẽ mất”.

Phương thuốc bất tử mà Chúa Giêsu muốn mang đến cho con người là: sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1:15).

Trước tiên, phải sám hối, chịu “thối đi”, chịu “mất mạng sống mình” mới chỉ là những thứ chúng ta phải kiêng khem, phải hy sinh, phải hãm mình như người mắc bệnh tiểu đường phải kiêng ăn ngọt, người cao máu phải kiêng ăn mặn.

Kế tiếp, là tin vào Tin Mừng như lời Chúa đã phán: “Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được từ cõi chết mà qua cõi sống”. (Ga. 5:24); hay “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời”. (Ga. 6:55)

Tóm lại, bài thuốc bất tử mà Chúa muốn ban cho chúng ta là Thập giá. Chúa Giêsu đã chấp nhận chết đi để trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại được nhìn lên Ngài và được sống.

Sr. Sao Mai

HẠT LÚA MÌ RƠI XUỐNG ĐẤT THỐI ĐI (Gioan 12: 20 – 33)

Lm. Nguyễn Thái

Vào một đêm giông bão, gió thổi tứ phương, mưa như thác lũ, một cặp vợ chồng già dìu nhau vào văn phòng của một cái khách sạn nhỏ ở Philadelphia. Với sự ngập ngừng e ngại, họ hỏi người thư ký: “Ông có thể kiếm cho chúng tôi một phòng ngủ qua đêm được không? Giờ này tất cả các khách sạn lớn đã không còn phòng nữa.” Người thư ký trả lời: “Thưa cụ, mọi phòng đã có người rồi, nhưng tôi không thể để ông bà cụ ra ngoài trời mưa vào lúc 1 giờ sáng như thế này được. Xin hai cụ cho biết hai cụ có thể ngủ trong phòng của tôi được không?” “Nhưng còn ông thì ngủ ở đâu?”, người khách hỏi. “Ồ, không sao, tôi có cách mà,” người thư ký trả lời, “Đừng lo cho tôi.” Sáng hôm sau, khi trả tiền phòng, ông cụ đã nói với người thư ký trẻ, người đã nhường phòng cho cụ: “Ông là người quản lý tốt, ông phải là quản lý của một khách sạn đẹp nhất nước Mỹ. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ xây cho ông một cái.”

Hai năm sau, người thư ký trẻ đó nhận được một lá thư có kèm theo một vé máy bay khứ hồi đi New York, và một lá thư của ông cụ trong đêm mưa bão, yêu cầu người thư ký đến gặp ông tại thành phố New York, lớn nhất nước Mỹ. Ông cụ dẫn người thư ký tới góc đại lộ số 5 và đường 34, khi chỉ tay về một tòa nhà trọc trời mới xây, ông tuyên bố: “Đây là khách sạn tôi vừa mới xây xong dành cho ông điều hành.” Xúc động không nói nên lời, người quản lý trẻ tuổi tên là George C. Boldt, chỉ nói lắp bắp được mấy câu cám ơn. Người đại ân nhân của ông quản lý chính là William Waldorf Astoria. Ngày nay khách sạn đó được xếp vào loại sang trọng bậc nhất, chính gốc của dòng họ Waldorf Astoria.

Một hành động hy sinh nhỏ tạo nên một mối lợi lớn. Người quản lý trẻ phải hy sinh ngủ ngoài phòng ngủ của mình đêm hôm đó để nhường phòng cho ông bà cụ. Anh đã hy sinh bản thân mình đang khi nghĩ đến ích lợi của người khác (1 Cr 10:24). Sự hy sinh của anh như hạt giống được gieo xuống đất, vài năm sau nó đã nẩy mầm, đâm chồi nẩy lộc (Mt 13:23) khi anh trở thành người quản lý của khách sạn sang trọng nhất New York.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Gioan 12: 20-33, Chúa Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.”

Đây là một nguyên tắc căn bản trong đời sống thiêng liêng: chỉ có sự hy sinh bản thân mình -self-denial, tự hủy diệt – dying to himself – con người ích kỷ của mình, mới phát sinh được hoa trái. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài tự nguyện chấp nhận để mình bị đóng đinh trên thập giá (Gl 5:24): Ngài hy sinh bản thân mình để mang lại sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại.

Tự hy sinh bản thân mình là điều cần thiết để chiến thắng tính ích kỷ, kiêu căng, và những dục vọng cá nhân làm cản trở sự phát triển bản tính tốt đẹp bên trong con người chúng ta (Rm 13:13). Một người luôn luôn nghĩ về mình bị rơi vào trong cái lồng cạm bẫy của cái “tôi” đáng ghét (Gl 6:2). Và hậu quả là, người ấy không thể nhận diện ra con người thật sự của mình là ai và sự liên hệ giữa họ với Đấng Tối Cao.

Theo quan điểm của Ấn Độ giáo, từ chối “cái tôi” chính là con đường để đi tìm cái “tôi” siêu việt thực sự, và trở nên một với Thực Tại Tối Cao. Do đấy, chúng ta thường thấy các đạo sĩ Ấn Độ sống một đời khổ hạnh, tập luyện những cách thế chế ngự bản thân rất nghiêm khắc. Có vị luyện tập đứng liên tiếp trong suốt 12 năm trời, đến độ hai bàn chân đều sưng phồng lên.

Phật giáo cũng dạy rằng con đường dẫn tới mục đích của tôn giáo đòi hỏi một người phải từ bỏ chính mình và dục vọng của mình. Tất cả những sự tập luyện như ngồi thiền, suy niệm, đều nhằm đạt đến tình trạng vô vi, vô ngã. Diệt dục để nhằm tới sự hiệp nhất với Đại Ngã, Hữu Thể Tuyệt Đối.

Và theo quan điểm của Kitô giáo, sự từ bỏ chính mình là cách thế để phục hồi lại con người thật sự của mình đã được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (Cl 3:10). Tất cả những quan điểm trên đều khẳng định một sự nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói trong bài Phúc Âm hôm nay: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12: 25).

Cây tre là một loại cây đa dụng, rất có ích lợi cho đời sống ở nông thôn. Để mang lại ích lợi này, cây tre phải biết chấp nhận hy sinh chính bản thân mình. Tác giả William Hoffsuemmer đã diễn tả tâm sự của một cây tre như sau:

Có một bác nông dân nọ, trồng được một bụi tre sau nhà. Ngày ngày bác ra ngắm bụi tre, thấy tre mọc cao hơn, lớn hơn, xanh tươi hơn, bác vui lắm! Một ngày nọ, bác nông dân lượn qua lượn lại, ngắm nghía bụi tre thật kỹ càng, từng cây một. Rồi bác đứng trước một cây tre cao nhất, to nhất, đẹp nhất và nói: “Chà cây tre này có lý lắm nghe, ta cần cháu lắm tre ơi!” Cây tre vui vẻ trả lời: “Thưa bác, cháu luôn sẵn sàng cho bác dùng cháu vào bất cứ việc gì!” Nghe vậy bác nông dân mới thẳng thắn nói: “Nhưng để dùng cháu, ta phải chặt cháu xuống.” Cây tre hoảng quá, phản ứng lại ngay: “Chặt cháu xuống à? Tại sao vậy bác? Cháu là cây tre đẹp nhất trong vườn bác mà! Thôi đi bác! Hãy dùng cháu vào bất cứ việc gì bác muốn, nhưng đừng chặt cháu xuống!” Rồi tre khóc!

Bác nông dân tội nghiệp cây tre mới nhỏ nhẹ khuyên lơn: “Này cháu, nghe bác này, nếu bác không chặt cháu xuống, thì bác không thể nào dùng cháu được!” Tre im lặng một lúc không nói. Ngay cả gió cũng im hơi lặng tiếng, nín thở. Bầu không khí hoàn toàn im bặt. Thế rồi cây tre từ từ cúi đầu xuống thì thầm: “Thưa bác, nếu cái cách duy nhất bác dùng cháu là phải chặt cháu xuống thì thôi bác cứ làm theo ý bác đi!”

Bác nông dân thở phào nhẹ nhõm, rồi lại ngậm ngùi nói: “Cháu à! Nhưng đấy mới chỉ là một phần thôi, ta sẽ còn phải tỉa tất cả cành lá trên mình cháu đi nữa!” Cây tre sợ hãi kêu lên: “Chúa ơi! Xin cứu con với! Thế là kết thúc tất cả vẻ đẹp mỹ miều của đời con rồi! Còn đâu màu xanh tươi nõn nà, còn đâu thân hình mềm mại thon thả, còn đâu những chiếc lá hình móng tay cong vút! Xin cho con giữ lại chỉ một cành thôi, một chiếc lá nhỏ kỷ niệm thôi! Please! Please! Bác nông dân lại thương hại trả lời: “Nếu ta không cắt tỉa các cành lá thì ta cũng không thể dùng cháu được!”

Hoàng hôn đã buông rơi. Mặt trời ngại ngùng giấu mặt sau bụi tre. Những cánh bướm cũng phân vân bối rối chập chờn qua lại. Cây tre cảm thấy đau buốt từ trong lòng, nhỏ nhẹ thưa với bác nông dân: “Thưa bác, xin hãy làm theo như ý bác muốn!” Bác nông dân xúc động nói: “Cháu yêu quý, bác đau đớn còn hơn cháu nữa. Bác còn phải chẻ cháu ra làm hai, róc tất cả ruột gan bên trong của cháu ra nữa. Nếu không, bác cũng không thể dùng cháu được.”

Cây tre lại im lặng một hồi, rồi cong người cúi xuống thật thấp sát đất, khiêm tốn nói: “Thưa bác, xin bác hãy chặt cháu xuống, tỉa hết các cành lá, chẻ cháu ra làm hai, và róc tất cả những mắt mấu trong ruột cháu như bác muốn!” Thế là bác nông dân lấy dao ra, chặt cây tre xuống, róc tất cả cành lá xum xuê đi, chẻ tre ra làm đôi, moi móc cẩn thận những mắt mấu bên trong. Rồi bác vác cây tre ra đi, băng ngang qua những cánh đồng khô cạn, tới một con suối gần đó. Bác nối cây tre với dòng suối nước để tre trở thành máng dẫn nước vào cánh đồng khô cằn. Có nước, đồng lúa mọc tươi tốt, trổ bông, phát sinh lúa gạo nuôi sống bác nông dân và gia đình. Và như thế, chỉ khi cây tre biết chấp nhận hy sinh, bị chặt xuống, bị tỉa cành lá, bị chẻ đôi ra, róc hết ruột gan đi, nó đã trở thành một cái ống máng dẫn nước từ nguồn suối chảy vào cánh đồng, nuôi dưỡng mùa màng.

Giống như cây tre, muốn mang lại ích lợi, chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh, tự hủy mình đi, tự hư vô hóa chính mình, để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa, như thư gửi tín hữu Do Thái đã diễn tả về Chúa Giêsu trong bài đọc thứ hai: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu, và khi hoàn tất, Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài” (Dt 5:8-9).

Sách Giáo Lý Công Giáo khuyên chúng ta bước theo gương mẫu của Chúa Giêsu Kitô như sau: “Dân Thiên Chúa dự phần vào chức năng vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô hành sử vương quyền của mình khi thu hút mọi người lại với Ngài bằng cái chết và sự Phục Sinh của Ngài (Ga 12:32). Đức Kitô, Vua và Chúa vũ trụ, đã hạ mình làm đầy tớ của mọi người, vì Ngài “đến”, không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28). Đối với các Kitô hữu, “cai trị là phục vụ Ngài” (Lumen Gentium 36), nhất là phục vụ “những người nghèo và những người đau khổ, vì nơi những người này, Giáo Hội nhận ra hình ảnh nghèo khó và đau khổ của Đấng Sáng lập của mình” (Lumen Gentium 8). Dân Thiên Chúa thực hiện “phẩm chức vương giả” của mình bằng cách sống phù hợp với ơn gọi của mình là phục vụ cùng với Chúa Kitô” (số 786).

Chúng ta sắp sửa bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm sự thương khó và cuộc tử nạn Chúa Giêsu đã chịu để mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá đang kêu lên thảm thiết: Lạy Cha, sao Cha bỏ con? Người đang bị treo lên cao, đang bất động hoàn toàn trong cái chết sống động. Chính lúc đó, khi trở nên cóng lạnh, Chúa đã ném lửa xuống trần gian; và khi bất động không cùng, Chúa đã trút sự sống vô biên của Chúa xuống trên chúng con. Giờ đây chúng con sống trong viên mãn và hoan say; dù chỉ nên giống Chúa một phần nhỏ thôi, và kết hợp đau khổ của con với đau khổ của Chúa để dâng lên Chúa Cha; như thế cũng đủ cho con rồi. Con tin chắc rằng hơn bao giờ hết trong những giờ phút này, bao ánh sáng và lửa đang ùa vào trần gian.

Lm. Nguyễn Thái

VINH QUANG TRONG KHỔ NHỤC

Lm. Đinh Lập Liễm

Đức Giêsu nói: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Ngài được tôn vinh như thế nào? Đức Giêsu được tôn vinh không phải bằng sự giầu sang, danh vọng, quyền thế, vinh quang thế gian; Ngài được tôn vinh chính lúc bị treo trên thập giá vì Ngài đã vâng theo thánh ý Cha Ngài; Ngài chiến thắng vẻ vang trong khổ nhục.

Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Cha: ”Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đến” (Jn 12:27). Giờ này là giờ nào? Phải chăng là lúc ký giao ước mới trong máu của Ngài đổ ra trên thập giá? Đúng như vậy!

Lịch sử cứu độ qua các mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, ta thấy có nhiều giao ước đã được thay đổi: Từ giao ước Adong (St 3,15), đến Noe (St 9,1-17), với Abraham (St 17,1-27) đến lời hứa giao ước mới mà Thiên Chúa dùng tiên tri Giêrêmia loan báo (Gr 31,31-34): tất cả những lời giao ước đó đều thấy thực hiện viên mãn trong GIỜ của Đức Giêsu. Giao ước mới quả đã thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ (St 315) đem lại chiến thắng cho con người, và tái lập tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người.

Đức Giêsu nói: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Jn 12:23). “Giờ” ở đây không phải là giờ vinh quang cho bằng là “Giờ hiến tế” đem lại vinh quang cho Ngài: Giờ vinh quang của Con Người là giờ tử nạn và phục sinh của Ngài.

Khi chấp nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự hy sinh bản thân mình. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập Thể và kéo dài trong suốt cuộc sống của Ngài. Sự tự hủy này trước hết, hệ tại ở sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu trước thánh ý của Chúa Cha. Tâm tình tuân phục đó của Đức Giêsu cũng được tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin làm vinh danh Cha” (Jn 12:23, 27-28).

Mặc dù luôn đặt ý Cha trên hết mọi sự, nhưng trong bản tính của một con người, đứng trước con đường thập giá, Đức Giêsu cũng không khỏi sợ hãi, xao xuyến, ngần ngại. Ngài sợ hãi vì trước mắt, thập giá chính là “một điều điên rồ đối với dân ngoại, là cớ vấp phạm cho người Do Thái” (1 Cr 1,23). Vì thế, khi biết rằng sắp đến “giờ” của Ngài, Đức Giêsu đã phải thốt lên: ”Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Jn 12:27).

Lắng nghe lời tâm sự tha thiết tự đáy lòng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng: sống vâng phục không phải là một điều dễ dàng. Sự vâng phục này đòi hỏi Đức Giêsu một sự cố gắng, kiên trì để vượt qua bản thân, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn Thiên Chúa gửi đến từng ngày trong cuộc sống; hay nói cách khác, Đức Giêsu cũng đã phải học để có thể sống vâng phục, như lời tác giả thư Do Thái viết: ”Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài (Đức Giêsu) đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu.” Thế nhưng, chính nhờ sự vâng phục trọn vẹn đó mà Đức Giêsu khi hoàn tất ”Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Hr 5:7-9).

Với tư cách là con người như chúng ta, Đức Giêsu cũng cảm thấy sợ hãi trước đau khổ. Trong vuờn Cây Dầu Ngài cũng đã xao xuyến (x. Mt 26,38) và phải kêu xin cùng Cha: ”Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26.39). Theo tính tự nhiên, Đức Giêsu muốn trốn tránh sự đau khổ, nhưng Ngài lại muốn tuân theo thánh ý Cha để cho Cha định liệu. Và ý của Chúa Cha là muốn cho Con Ngài chịu chết trên thập gia để cứu chuộc nhân loại (Rm 8:32).

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ quan niệm của Chúa đối với đau khổ, đối với mọi thánh giá trên đời. Đức Giêsu dùng cây thánh giá như bậc thang tới vinh quang “Per Crucem ad lucem.” Quan niệm đó mới nhìn qua là một nghịch lý, song Ngài đã giải thích bằng một dụ ngôn vắn tắt và đầy ý nghĩa: dụ ngôn hạt giống: ”Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thôi đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất và ai ghét mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,24).

Cây thánh giá còn là phương tiện chinh phục. Ngài cho biết, Ngài được giương lên cao thì cũng sẽ có nhiều người cùng được lên cao với Ngài: ”Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32). Lịch sử đã chứng minh cho lời Chúa. Biết bao người đã tin theo Ngài vì cái chết đau thương đầy tình thương xót của Ngài. Biết bao người đã bỏ tất cả và cảm mến tấm lòng thương xót của Ngài. Thập giá Chúa đã in sâu vào trong lòng người ta.

Những người theo Đức Kitô sẽ được tôn vinh, nhưng muốn được tôn vinh thì cũng phải có điều kiện, phải nói được như Thánh Phaolô: vinh quang của ta là thánh giá Đức Kitô (Gal 6:14). Chúng ta sẽ tìm được vinh quang trong sự từ bỏ, trong việc cho đi và chấp nhận thánh giá trong đời.

Thánh Phaolô đã vinh tụng Đức Giêsu trong bài thánh ca: ”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Đức Giêsu đã tự chọn lấy cái chết để chiếm lấy sự sống. Mới nghe thì ai cũng cho là phi lý vì chết và sống trái ngược nhau, làm sao có thể dung hòa được; nhưng chết và sống không hẳn là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống có thể sống được là nhờ sự chết. Ta có thể đưa ra vài ví dụ: – Nơi thực vật: những thứ được dùng làm phân bón phải chết đi thì mới trở thành chất bổ dưỡng cho cây. – Nơi sinh vật: các thức ăn phải “tiêu” mới “hoá” thành lương thực. – Trong cõi nhân sinh: những người già chết đi để nhường đất và hoa mầu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống. Đức Giêsu chết để cho con người sống. Sự chết của Ngài là nguồn sự sống cho chúng ta (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 165)

Theo như Flor McCarthy thì “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn.” Thực vậy, mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần tính kiêu ngạo chết đi; mỗi một hành vi can đảm là một phần tính hèn nhát chết đi; mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung hăng chết đi; mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa dần dần sống mạnh.

Với con đường hy sinh, Đức Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý: ”Cho là nhận” và “Chết là con đường đưa tới sự sống.” Thật vậy, với kinh nghiệm thường ngày, chúng ta cũng có thể nhận ra điều này. Mỗi khi chúng ta mở bàn tay để cho là lúc chúng ta có thể nhận được, và sẽ trở nên phong phú. Còn nếu chúng ta cứ nắm bàn tay lại để giữ cho chính mình, thì cũng đồng thời, chúng ta không có thể đón nhận được bất cứ điều gì. Như thế chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn và cô đơn.

Cảm nghiệm sâu sắc chân lý từ mầu nhiệm tự hủy của Đức Giêsu, Thánh Phanxicô Assisi, trong lời kinh Hoà bình, đã ca lên: ”Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa: Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên “Ôi vợ và các con tôi.”

Hàng trăm dẫy tù nhân xếp hàng dài im lặng, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dẫy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trại trưởng. Mọi người nín thở: chuyện chưa từng có! Viên trưởng trại đặt tay lên súng: “Anh muốn gì?” Kolbe nói: “Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.”

Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó chính là Maximilien Kolbe, một Linh mục Công Giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1982.

Đau khổ và hạnh phúc luôn gắn liền và đi đôi với nhau. Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta áp dụng định luật ấy vào đời sống, vào cuộc hành trình đi đến hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của ta. Đức Giêsu cho biết: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Jn 12:23). Và Ngài cho biết lý do nào khiến Ngài được tôn vinh. Hay nói cách khác, Ngài phải sống hay làm thế nào mới được tôn vinh: ”Thầy bảo thật anh em, nếu hạt giống gieo xuống đất…” Ngài còn diễn tả chân lý ấy theo kiểu khác: ”Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Mk 8:35).

Qua những lời ấy, Đức Giêsu cho thấy sự song đối tất yếu của một cặp yếu tố trái ngược nhau: chết đi và sinh ra, hạnh phúc và đau khổ. Hạt lúa có thể chết đi mới sinh ra những hạt khác. Con người có đau khổ mới làm cho mình và người khác hạnh phúc. Thật vậy, nếu người ta cứ sống mãi không chết, làm sao thế giới có đủ chỗ và tài nguyên cho các thế hệ con cháu sinh ra sau? Do đó, chết là điều kiện tất yếu của sống, và đau khổ là điều kiện tối yếu của hạnh phúc. Thật vậy, trên đời, có hạnh phúc nào mà không được xây dựng trên đau khổ, hoặc của chính mình, hoặc của người khác? Người ta nói không sai: “Có khó mới có miếng ăn, Không dưng ai bỗng đem phần chia cho (Ca dao).

Trong Kinh Thánh có rất nhiều câu nói lên sự đi đôi giữa sống và chết, giữa đau khổ và hạnh phúc; trong đó có vài câu chúng ta thường nghe như: “Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên ruộng đồng, Người về miệng vui ca, tay ôm bó lúa ngào ngạt hương” (Tv 126,6). Hoặc: “Nếu ta cùng chết với Ngài, nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài” (2Tm 2,11-12; x. Rm 6,8; 8,17).

Phi trường quốc tế Pensylvania là một trong những sân bay lớn nhất, hiện đại nhất trong các sân bay của Hoa kỳ. Cách sân bay chỉ khoảng cây số có một ngôi thánh đường nằm đúng vào hướng bay cuối một trong những phi đạo nhộn nhịp đón nhiều chuyến bay nhất.

Sợ tháp chuông có thể gây nguy hiểm cho các máy bay mỗi lần đáp xuống phi đạo, toàn thể giáo dân ở đây đã đồng lòng quyết định sẽ đặt trên đỉnh tháp chuông một bóng đèn nê-ông lớn bằng hình cây thánh giá. Từ đó, mỗi lần chuẩn bị đáp xuống phi đạo vào ban đêm, các phi công đều dựa vào ánh sáng tỏa ra từ cây thánh giá như thể đó là một ngọn hải đăng chỉ đường cho các con tầu cập bến an toàn.

Lạy Chúa Giêsu, Thánh giá Chúa là một mầu nhiệm mà lý trí chúng con khó hiểu. Xin Chúa ban ánh sáng soi dẫn ý nghĩa cho chúng con. Xin ban cho chúng con nghị lực chấp nhận nó với tất cả những đòi hỏi của nó. Xin ban cho chúng con vui sống mầu nhiệm ấy với Chúa. Amen.

Lm. Đinh Lập Liễm

HẠT LÚA MỤC NÁT

+ TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt. Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn. 

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.
  2. Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?
  3. Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?
  4. Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?

+ TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

TRAO BAN LÀ NHẬN LÃNH

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Người đời thường nghĩ rằng: cho đi là mất. Họ tưởng rằng cho người khác một số tiền, một tài sản nào đó… thì họ sẽ bị mất mát, thiệt thòi. Thế nên lắm kẻ chủ trương rằng tốt nhất là đừng dại dột đem cho mà hãy khư khư giữ lấy cho mình. Tư duy nầy sẽ hình thành nơi ta một con người ích kỷ, chỉ chăm lo cho bản thân mà không quan tâm trợ giúp người khác.

Đây là một tư duy sai lầm, tai hại. Trái với chủ trương vị kỷ nầy, Chúa Giê-su dạy sống vị tha, biết xả thân cho người khác.

Cho đi thì còn, giữ lại là mất; chính lúc trao ban là lúc nhận lãnh.

Để làm rõ sự thật nầy, Chúa Giê-su dạy: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Quả vậy. Hạt lúa nào cố tự bảo vệ sự nguyên vẹn của mình thì hạt lúa đó sẽ dần dần bị hư mốc, rốt cuộc chẳng còn gì; còn hạt lúa nào chấp nhận bị phân huỷ dưới bùn đất thì sẽ đâm mầm, mọc thành cây, nở thành bụi và sẽ trổ hoa kết hạt dồi dào: từ một hạt sẽ biến thành trăm hạt khác.

Từ đó, Chúa Giê-su dạy rằng cuộc sống của con người ở đời nầy cũng như thế: “Ai yêu quý mạng sống mình (tự bảo toàn mình như hạt lúa trong kho) thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này (sống xả thân như hạt lúa chịu phân huỷ trong lòng đất) thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”

Khi nói: “coi thường mạng sống mình ở đời nầy”, Chúa Giê-su không có ý dạy chúng ta coi rẻ mạng sống, nhưng là mời gọi chúng ta sẵn lòng chấp nhận xả thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Làm như thế không phải là thiệt thòi mất mát nhưng là cách để triển nở dồi dào phong phú.

Minh hoạ sau đây chứng tỏ sự thật nầy:

Tôi có hai cánh tay, hai cánh tay cùng thuộc về thân mình tôi nhưng mỗi cánh tay lại có một nếp sống khác nhau, một chủ trương khác nhau. Cánh tay trái của tôi theo chủ nghĩa vị kỷ, còn cánh tay phải theo chủ nghĩa vị tha.

Vì theo chủ nghĩa vị kỷ, luôn luôn quy về mình, nên tay trái của tôi rất ít tham gia vào công việc chung mà cứ để cho tay phải đảm đương mọi việc. Khi ăn cơm, tay trái dành cho tay phải cầm đũa. Khi viết bài, tay trái dành cho tay phải cầm bút. Khi cầm búa đóng đinh hay cầm cây kim may áo, nó chẳng chịu tham gia mà nhường cho tay phải làm hết.

Hậu quả của thói ích kỷ nầy là nó trở nên yếu đuối và thua kém tay phải trong mọi việc. Nếu tổ chức một cuộc thi giữa hai cánh tay thì khi thi viết, tay phải viết nhanh, viết đẹp, viết rõ ràng nên được điểm 10, còn tay trái viết chậm, nguệch ngoạc như mèo cào, như gà bới, nên không được điểm nào.

Khi thi đóng đinh thì tay phải đóng đinh nhanh gọn, chính xác; còn tay trái đóng trật lất. Khi thi may vá thêu thùa thì tay phải may nhanh, thêu đẹp; còn tay trái thì lóng ngóng chẳng làm được việc gì. Nói tóm lại, dù thi bất cứ môn gì, tay phải cũng dành được điểm mười còn tay trái chỉ được số không!

Cả hai cánh tay phải và trái đều thuộc về thân mình tôi, cùng được chăm sóc, nuôi dưỡng như nhau, thế mà tay trái vì theo thói ích kỷ, chẳng bao giờ muốn hi sinh phục vụ toàn thân, chẳng dấn thân chăm lo cho người khác, nên nó trở nên yếu đuối và thua kém trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, vì tay phải theo chủ nghĩa vị tha, luôn chấp nhận đảm đương mọi công việc nặng nề khó nhọc, lúc nào cũng sẵn sàng hi sinh phục vụ toàn thân và phục vụ nhiều người … nên nó mạnh mẽ hơn, khéo léo hơn, tài giỏi hơn, vượt xa tay trái về mọi mặt.

Nhờ tự huỷ mình đi như hạt lúa, Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha tôn vinh.

Cuộc đời của Đức Giê-su là một minh chứng cho chân lý nầy. Người là Một Hạt Lúa chấp nhận tự huỷ đi. Dù là Thiên Chúa thật đồng hàng với Chúa Cha nhưng Người đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa Cha, trái lại Người đã hủy mình ra không, mang lấy thân phận giòn mỏng của kiếp người, chấp nhận chết ô nhục trên thập giá, chịu mai táng trong lòng đất, để phục vụ và cứu rỗi muôn dân. Nhờ đó, Người được phục sinh vinh quang, được lên trời vinh hiển, được tôn vinh làm vua trên trời dưới đất (Philip 2, 6-8).

Thánh Phao-lô tóm lược cuộc đời tự huỷ của Chúa Giê-su như sau: Vì chấp nhận tự huỷ như thế, “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ và …tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”. (Phi-líp-phê 2, 9-11)

Đón nhận bài học của Chúa Giê-su

Một ngọn nến phải chấp nhận tiêu hao thì mới có thể toả sáng. Một máy bay phải tiêu hao nhiên liệu mới có thể cất cánh. Một vệ tinh, một tàu vũ trụ phải tiêu hao một số năng lượng khổng lồ mới có thể được phóng lên không gian…

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết khôn ngoan chấp nhận hi sinh, sẵn sàng tiêu hao thời giờ, sức khoẻ, trí tuệ, nghị lực để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, nhờ đó cuộc đời chúng con sẽ phát triển vạn lần tươi đẹp.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Ý THỨC TRƯỚC VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC ĐỨC GIÊSU CHỊU NẠN

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay, tuần sau sẽ là Tuần Thánh. Ðể giúp chúng ta vào Tuần Thánh một cách sốt sắng, hôm nay Phụng vụ Lời Chúa giúp chúng ta thấy được ý nghĩa và giá trị việc chịu nạn sắp tới của Ðức Giêsu.

II. Gợi ý sám hối

Chính vì tội lỗi chúng ta mà Ðức Giêsu đã phải chịu chết cách đau đớn và nhục nhã trên Thánh Giá.

Ðức Giêsu đã lấy chính máu mình để thiết lập Giao ước mới giữa Thiên Chúa với loài người. Thế mà chúng ta thường xuyên vi phạm Giao ước ấy.

Ðức Giêsu đã dùng Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Thế mà chúng ta không yêu mến những thánh giá hằng ngày của chúng ta.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I: Gr 31:31-34

Ngày xưa ở Sinai, Thiên Chúa đã thiết lập Giao ước với dân Israel, theo đó Ngài hứa là Thiên Chúa của họ và sẽ bảo vệ họ, phần họ thì phải phụng sự Ngài như là Chúa tể duy nhất. Các điều khoản của giao ước ấy được khắc lên hai bia đá.

Nhưng dân Israel đã thường xuyên vi phạm giao ước ấy, dẫn đến hậu quả là họ phải bị mất nước và bị lưu đày.

Ngôn sứ Giêrêmia loan báo Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới: Giao ước mới này không ghi trên đá mà ghi tận đáy lòng con người ; tinh thần của Giao ước này là tình thương và tha thứ: “Mọi người từ lớn chí nhỏ đều nhìn biết Ta” và “Ta sẽ tha tội ác của chúng và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðức Giêsu là Ðấng thực hiện lời tiên báo đó.

  1. Ðáp ca: Tv 50

Trong tâm tình chân thành sám hối, tác giả Tv 50 nài xin Chúa một mặt tẩy sạch các tội lỗi của mình, và mặt khác tạo cho mình một quả tim mới.

Một quả tim mới để khắc ghi Giao ước mới. Ðó cũng là tâm tình hợp với lời tiên báo của Giêrêmia.

  1. Tin Mừng: Ga 12:20-33

Ðức Giêsu đang nghĩ tới việc Ngài sẽ chịu nạn chịu chết để cứu độ loài người. Việc một số người Hy Lạp – tức là người ngoại – xin gặp Ngài khiến Ngài ý thức rằng giờ cứu độ ấy đã điểm. vì thế mặc dù tâm hồn Ngài xao xuyến nhưng Ngài cũng hân hoan tuyên bố “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh… Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Nghĩa là Ðức Giêsu coi cái chết của Ngài là vinh quang cho Ngài và nguồn cứu độ cho mọi người.

  1. Bài đọc II: Dt 5:7-9

Tác giả thư Do thái hiểu rằng cuộc chịu nạn của Ðức Giêsu là “căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài”.

IV. Gợi ý giảng

  1. Biện chứng giữa chết và sống

Chết và sống không hẳn là 2 điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Vài thí dụ:

Nơi thực vật: những thứ được dùng làm phân bón phải chết đi thì mới thành chất bổ dưỡng cho cây.

Nơi sinh vật: các thức ăn phải “tiêu” mới “hóa” thành lương thực.

Trong cõi nhân sinh: những người già chết đi để nhường đất và hoa màu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống.

Ngọn nến: sáp nến phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên.

Trong bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu nói: hạt lúa có thối đi thì cây lúa mới nẩy mầm.

Ðức Giêsu chết để cho con người sống. Sự chết của Ngài là nguồn sự sống cho chúng ta.

  1. “Ðã đến Giờ Con Người được tôn vinh”

“Giờ” này không phải là một khoảnh khắc chiếm một chỗ xác định rõ trong dòng thời gian, không đo bằng đồng hồ, không tính theo toán học gồm 60 phút, mà là một thời điểm vô cùng quan trọng đánh dấu bắt đầu một thời đại mới sẽ kéo dài đến mãi mãi.

Ðó là lúc Ðức Giêsu bước lên Thập giá. Khi đó mọi trục trặc vướng víu trong liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa được tháo gỡ hết, tương giao giữa loài người với Thiên Chúa được thông suốt, nhờ thế tình thương và sức sống dồi dào của Thiên Chúa được chuyển thông dào dạt cho loài người.

Chính vì thế, Ðức Giêsu nói “Ðã đến giờ con người được tôn vinh”. “Con người” đây vừa là Ðức Giêsu mà cũng vừa là loài người, vì mọi người đều là “con người”. Chẳng những Ðức Giêsu được tôn vinh mà mọi người cũng được tôn vinh nhờ cái chết của Ðức Giêsu trên thập giá.

  1. Các vai trong vỡ tuồng thập giá

Ðoạn Tin Mừng hôm nay giúp ta thấy rõ những người có liên hệ trong cái chết của Ðức Giêsu.

Hai vai chính là Chúa Cha và Ðức Giêsu: Ðức Giêsu thưa “Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”; và tiếng từ trời vọng xuống “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Cuộc đối thoại bằng những lời lẽ cao siêu này vượt quá tầm hiểu biết của những người có mặt ở đấy hôm đó. Vì thế có người cho là tiếng sấm và có người cho là tiếng thiên thần. Cái chết của Ðức Giêsu là kết quả của một sự đối thoại và thỏa thuận giữa Chúa Cha và Ðức Giêsu để thực hiện chương trình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người.

Nhưng loài người cũng có liên quan: Ðức Giêsu nói “Tiếng đó phát ra không phải vì Ta mà vì các ngươi” — Cuộc đối thoại trên là một mặc khải cho loài người: Tuy họ không hiểu tại sao Ðức Giêsu chết, cũng chẳng hiểu tại sao chết mà là tôn vinh, nhưng họ được nói cho biết cái chết ấy là vì họ và cho họ.

Do đó, đương nhiên mỗi người cũng có liên hệ: “Hãy theo Ta. Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó” à Thập giá là con đường dẫn đến tôn vinh. Mỗi người chúng ta có đi theo Ðức Giêsu trên con đường thập giá thì mới đến được chỗ Ðức Giêsu ở và mới được tôn vinh như Ngài.

  1. Hạt lúa mì mục nát

Cha Dieudonné Bourgignon, người Bỉ, đã từng bị Ðức Quốc Xã bắt giam trong trại tập trung Dachau thời Ðệ Nhị Thế Chiến kể lại:

Vào một đêm cuối tháng bảy, một tù nhân khu trại 4 thuộc trại giam Auschwitz đã trốn thoát. Phòng hơi ngạt của trại này đã từng thủ tiêu 6 triệu người Do thái; 1/3 dân Do thái trước Thế Chiến. Sáng hôm sau, viên sĩ quan hằn học tuyên bố: “Tất cả những người có mặt phải đứng nghiêm trong hàng ngũ”. Ðoàn tù nhân phải chôn chân không mủ nón đứng dưới ánh nắng đổ lửa của mùa hạ miền nam Ba Lan. Buổi chiều khi các tù nhân khu giam khác đi làm về. Viên sĩ quan nói: “Mười trong số những người này phải trả nợ”. Lập tức tên sĩ quan duyệt qua hàng tù nhân chỉ ra mười người, trong đó có một đàn ông kêu rên thảm thiết vì thương người vợ trẻ và đàn con thơ dại.

Maximilien Kolbe nghe lời ai oán của bạn tù đã thốt lên: “Tôi xin chết thay cho người này”. Ðoàn người sững sờ. Tên sĩ quan không ngờ diễn tiến của biến cố. Hắn tò mò muốn hiểu rõ: “Tại sao muốn chết?” Maximilien Kolbe điềm tỉnh trả lời: “Tôi là linh mục Công giáo”.

Mười tử tội tiến chầm chậm vào cõi địa ngục. Người ta bỏ rơi họ trong phòng tối không ăn uống cho đến chết. Những giờ phút tăm tối lê thê. Ngày 18-8-1941, mười người còn lại bốn, đang thoi thóp hấp hối. Một người trong đó là Kolbe. Tất cả được nhận mũi thuốc độc ân huệ.

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt’ (Ga.12,24) Ðể có một quyết định anh hùng như cha Maximilien Kolbe quả không dễ dàng chút nào. Tại sao tôi phải chết đi để người khác được sống? Ðành rằng chết để sinh nhiều bông hạt, nhưng có ích gì khi chính tôi bị tan rã? Vì thế, chúng ta không muốn chết như hạt lúa, chúng ta chấp nhận trơ trọi một mình.

Vậy sức mạnh nào thúc đẩy chúng ta dám chết cho anh em? Ðộng lực nào thúc giục chúng ta hiến thân cho đồng loại? Chính Ðức Giêsu đã cho ta giải đáp: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga.15,12). Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Ðức Giêsu đã nên lời yêu thương con người. Chính vì Người đã không xuống khỏi thập giá nên không ai có thể nghi ngờ tình yêu của Người. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Người trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.

Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Ðức Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: “Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này” (Ga.12,27).

Cái chết của cha Kolbe và tất cả những cái chết hiến thân cho tha nhân đều nói lên lời yêu thương con người và tôn vinh Thiên Chúa. Tác giả Anthony Padovano viết: “Chúng ta được cứu rỗi không chỉ vì cái chết thể xác của Ðức Giêsu, nhưng vì tình yêu vô biên của Người sẵn sàng chấp nhận cái chết”.

Ðiểm quan trọng là ở giây phút định mệnh, đối mặt với cái chết, Ðức Giêsu luôn tha thiết cầu nguyện với Cha và Người dạy chúng ta hãy học kinh nghiệm nơi Người: “Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc.22,40). Cầu nguyện không là liều thuốc giảm đau, ngăn chặn nao núng sợ hãi, nhưng cầu nguyện là thái độ sống thực, sống tin yêu, phó thác. Khi cầu nguyện chúng ta không mong Chúa đổi ý, cứu ta thoát chết, cũng không xin Người ru ngủ để ta chết êm ái.

Ở giây phút quyết liệt, cầu nguyện chính là gặp gỡ Chúa với nỗi xao xuyến, giằng co của cái chết nhưng trọn vẹn tâm tình hiến dâng. Chết không phải là nhảy vào khoảng không vô tận, nhưng ta gieo mình vào cánh tay Thiên Chúa Tình yêu.

Chúng ta không thể thuyết phục cái chết dời xa cánh cửa đời ta, nhưng chúng ta có thể đón tiếp cái chết như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng.

Chính lúc Ðức Giêsu gục đầu tắt thở thì cây thập tự trổ nụ đơm bông mùa cứu rỗi. Và khi người tín hữu hiến dâng cái chết như lời tạ ơn cao đẹp cuối cùng thì mùa hoa nhân ái tỏa hương thiên đường.

Lạy chúa, chúng con sợ nói về cái chết và tất cả những gì dính líu tới cái chết, nhưng chúng con cũng hiểu rằng sẽ có một ngày chúng con giáp mặt Chúa trong phút định mệnh. Xin giúp chúng con sống can đảm từng ngày, để chúng con dầy dạn với thử thách quyết liệt sau cùng của cuộc đời. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

  1. Chết đang khi sống

Nhiều người coi sống và chết là hai sự việc nối tiếp nhau: khi không còn sống nữa thì chết. Nghĩ như thế là vì người ta chỉ biết có mỗi một sự sống, là sự sống của thể xác, và cũng chỉ biết có mỗi một sự chết, cũng là sự chết của thể xác.

Thực ra, sống và chết là hai việc đi song song với nhau trong cùng một đời người. Bởi vì có tới hai sự sống và hai sự chết: sự sống chết của con người thể xác và sự sống chết của con người đích thực. Câu nói của Ðức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này hàm chứa hai sự sống chết đó: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn: ai cố bám víu vào sự sống của con người thể xác thì sẽ đánh mất sự sống của con người đích thực ; còn ai dám để cho sự sống của con người thể xác chết đi thì đồng thời bồi dưỡng cho sự sống của con người đích thực.

Bởi đó, có người dám nói: “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”. Thực vậy,

mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần tính kiêu ngạo chết đi.

mỗi một hành vi can đảm là một phần tính hèn nhát chết đi.

mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung bạo chết đi.

mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi.

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa dần dần sống mạnh. (Viết theo Flor McCarthy)

  1. Tâm sự của Ðức Giêsu 

Tôi cảm động vì lời Ðức Giêsu thổ lộ tâm sự: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến”.

Ðức Giêsu đã tâm sự rất thật thà. Ngài nói thật với các môn đệ rằng Ngài xao xuyến trước cái chết sắp tới. Không phải vì Ngài đã từng khuyến khích họ mạnh dạn hy sinh mà nay Ngài phải che dấu cảm xúc xao xuyến của mình. Ngài cũng không muốn làm bộ anh hùng bất khuất. Cảm thấy thế nào, Ngài nói thế đó.

Tôi cũng muốn tìm hiểu xem vì sao mà Ngài xao xuyến.

Chắc hẳn Ngài xao xuyến vì không cam tâm chịu chết. Một con người mới 30 tuổi đang tràn đầy sức sống mà phải chết ư?

Ngài còn xao xuyến hơn vì phải chết cách đau đớn. Chết đóng đinh trên thập giá là khổ hình tàn bạo nhất trong các hình thức xử tử.

Nhưng Ngài xao xuyến sâu xa hơn nữa là vì sự nhục nhã khi phải chịu xử tử như thế. Gần giống như một võ sĩ vô địch mà phải nhận chỉ thị phải thua một võ sĩ hạng thấp hơn mình, không chỉ phải thua bằng tính điểm mà còn phải thua bằng “knock out” nhục nhã. Ngài chết như thế thì những kẻ thù ghét Ngài sẽ hả hê như thế nào? Và những môn đệ thân yêu của Ngài sẽ hoang mang như thế nào?

Bởi vậy, Ðức Giêsu đã thốt lên lời van xin: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Tuy thế, Ngài mau mắn thưa tiếp: “Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”.

Ðức Giêsu thật tội nghiệp! mà cũng rất đáng phục!

V. Lời nguyện cho mọi người 

Chủ tế: Anh chị em thân mến, trước ngưỡng cửa cuộc tử nạn và tôn vinh của Ðức Giêsu, Hội thánh muốn giúp chúng ta hiểu rằng Ðức Giêsu đã trở nên như hạt lúa mì bị chết đi để sinh nhiều hạt khác. Chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu sau đây:

  1. Ðức Giêsu đã dạy: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình / Chúng ta cầu xin Chúa cho Hội thánh trong lòng thế giới / không khép kín để tự vệ / nhưng sẵn sàng dấn thân phục vụ mọi người.
  2. Ðức Giêsu đã dạy: “Khi Tôi được treo lên, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. Chúng ta cầu xin Chúa cho các thủ lãnh trên thế giới đừng ai từ chối hoặc chống lại công trình cứu độ do tình thương của Chúa.
  3. Ðức Giêsu đã dạy: “Hạt lúa có chết đi, thì mới sinh được nhiều hạt khác” / Chúng ta cầu xin Chúa cho những người tàn tật ốm đau, già yếu, bị tù đày / biết dùng đau khổ mình đang chịu để sinh ích lợi cho nhiều người khác.
  4. Ðức Giêsu đã dạy: “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ được ở đó” / Chúng ta cầu xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta biết noi gương phục vụ của Chúa / để luôn quan tâm chu toàn mọi trách nhiệm của mình trong gia đình, trong họ đạo và trong xã hội.

Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã hy sinh mạng sống để chúng con được sống thật. Xin Chúa đánh tan thói ích kỷ, sợ khó, và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, để chúng con trở thành môn đệ thực sự của Chúa, biết sẵn sàng hy sinh phục vụ mọi người chung quanh chúng con. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ

Trước kinh Lạy Cha: Qua kinh Lạy Cha, chúng ta sắp cầu xin cho “Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện”. Nước Thiên Chúa đến nhờ thập giá Ðức Giêsu ; Ý Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nhất nơi Ðức Giêsu và khi Ngài chịu chết trên thập giá. Chúng ta hãy hợp một lòng một ý với Ðức Giêsu trên Thập giá để dâng lên Chúa Cha những lời cầu xin trên.

Chúc bình an: Ðức Giêsu đã chịu chết để hòa giải con người với nhau. Vậy lẽ nào chúng ta vẫn giữ mãi hận thù? Qua việc chúc bình an, anh chị em hãy thực lòng làm hòa với nhau.

VII. Giải tán

Trong Thánh lễ hôm nay Ðức Giêsu đã dạy “Ai phụng sự Ta hãy theo Ta, và Ta ở đâu kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó”. Tuần này, anh chị em hãy phụng sự Chúa, hãy đi theo Chúa, để có thể ở nơi Chúa ở.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*