- BÌNH AN CHO ANH EM – Sr. GM Lệ Tâm
- TÔMA, KẺ HOÀI NGHI – Lm. Nguyễn Thái
- ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT: NÊN TIN HAY CHỐI BỎ? – Lm. Đinh Lập Liễm
- GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH – TGM. Ngô Quang Kiệt
- CON MẮT THỨ BA – Lm. Inhaxiô Trần Ngà
- PHÚC CHO NHỮNG AI KHÔNG THẤY MÀ TIN – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
BÌNH AN CHO ANH EM (Ga 20:19–31)
Sr. GM Lệ Tâm
Qua trình thuật bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy ông Tôma là một người có óc thực tế. Ông có vẻ chậm tin hơn các môn đệ khác. Điều đó cũng đúng và dễ hiểu thôi. Ông có đủ lý do để nghi ngờ, vì ông chưa được thấy Chúa một cách tỏ tường như các môn đệ khác. Và sự kiện ông đòi chính mình phải được kiểm chứng mới tin lại là điều mang ích lợi cho chúng ta hôm nay. Và là dịp khiến Chúa liên tưởng tới những người theo Chúa từ đó cho đến ngày cánh chung sẽ tin vào Ngài. Chúa chúc phúc cho họ, vì họ là những người dù không thấy tận mắt sự kiện phục sinh, nhưng vẫn tin: “Phúc cho những kẻ đã không thấy mà tin”. Lời Chúa Giêsu trên đây được coi là mối phúc thứ chín trong đời sống đức tin người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Chúng ta phải cám ơn ông Tôma, chính vì thái độ thực tế của ông mà chúng ta được thêm một lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra để minh chứng Ngài đã sống lại thật.
Một điểm nhấn và cũng là điều cốt lõi của bài Tin Mừng hôm nay, đó là lời chào và cũng là lời chúc của Chúa Kitô cho các môn đệ sau khi Người từ cõi chết sống lại: “Bình an cho anh em”. Lời chúc này Chúa đã nói tới ba lần. Đối với các môn đệ lúc ấy thật ý nghĩa và cần thiết. Còn gì vui mừng và hạnh phúc hơn khi được gặp lại người Thầy thân yêu nhất của mình vừa mới chết. Họ được thấy tận mắt, được nghe tận tai tiếng nói của Thấy mình. Thấy của họ đã sống lại thật rồi, và còn được Thầy ban cho một món quà mà họ đang khao khát, đang cần thiết nhất, đó là sự “bình an”.
Món qua ấy Chúa cũng dành cho mỗi người chúng ta hôm nay. Bởi vì Chúa biết rõ đời sống con người nhân loại. Chúa quá hiểu cục diện thế giới này, chẳng mấy khi có bình an. Cuộc sống luôn bất an, bất ổn. Đầy rẫy những bất hòa, bất thuận, xô xát, đố kỵ, ích kỷ, nghi ngờ, giả dối, bon chen lật lừa, đổi trắng thay đen, làm cho con người luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, nghi ngại lẫn nhau, nên ai cũng muốn xin được hai chữ “bình an”. Có hiểu như thế chúng ta mới thấy lời chúc bình an của Chúa thật ý nghĩa, và là món quà quý giá Chúa dành cho các môn đệ xưa kia, và mỗi người chúng ta hôm nay.
Chúng ta thử nhìn lại cuộc đời mình xem, có phải chúng ta rất cần sự bình an hay không? Có lần người ta hỏi ông Đantê, một đại thi hào nước Ý: “Điều ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc đời là gì?”. Bậc vĩ nhân đã trả lời: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm một điều mà bất cứ ai cũng luôn tìm kiếm, đó là sự bình an”. Chúng ta cần và luôn tìm kiếm sự bình an, là bởi vì cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng đầy rẫy những lo âu và phức tạp về bản thân, về gia đình mình và xã hội chung quanh… luôn mang đến cho chúng ta những bất an, bất ổn.
Có khi chúng ta muốn có một cuộc sống bình an, yên ổn mà không được, vì cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Có khi chính chúng ta lại là người gây ra những bất an, bất ổn cho người chung quanh. Không cần nói đâu xa, ngay trong gia đình chúng ta cũng đầy những xích mích, ngột ngạt, lườm nguýt, hành tỏi, lừa dối, nghi ngờ nhau… chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh xảy ra hàng ngày trong cuộc sống gia đình. Chính vì thế, mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta cần suy nghĩ và tự hỏi: Tôi có bình an không? Tại sao lại mất sự bình an? Lý do là tại ai? Bởi đâu?
Tất cả chúng ta, ai ai cũng cần sự bình an. Bình an trong tâm hồn, bình an trong cuộc sống. Vì thế, Chúa luôn muốn ban bình an cho chúng ta. Giáo Hội cũng mong sự bình an đến với chúng ta. Cho nên, mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa cũng như Giáo Hội cầu chúc chúng ta: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, rồi quay lại nói: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Vâng, đúng vậy, chỉ khi nào chúng ta có bình an nơi bản thân mình, lúc đó chúng ta mới có thể chia sẻ bình an cho người chung quanh.
Bình an là một hồng ân Chúa tặng ban, và cũng là một trách nhiệm. Chúng ta không chỉ cầu khẩn và tìm kiến bình an cho riêng mình, mà còn phải là: “Khí cụ bình an của Chúa”. Nghĩa là góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn nhân loại.
Lạy Chúa, xin cho con ơn bình an và hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Sr. GM Lệ Tâm
TÔMA, KẺ HOÀI NGHI (GIOAN 20: 19 – 31)
Lm. Nguyễn Thái
“Những Hạt Đậu Biết Nhảy” là tựa đề của một câu chuyện ngắn về Phật Học của Lâm Thanh Tuyền, được Phạm Huê chuyển qua Việt Ngữ. Sát biên giới Tây Tạng, có một bà lão sống rất cô độc, chồng con đều chết cả. Cảm thấy bị nghiệp chướng nặng nề nên bà tìm cách đọc kinh niệm thần chú để giải trừ nghiệp chướng. May thay, một người hành hương tốt bụng đã dạy bà niệm như sau: “Om ma ni bay may hôm.” Nhưng vì già cả lú lẫn bà lại nhớ rằng: “Om ma ni bay may khuya.” Bà đặt một cái chén đổ đầy hạt đậu nành bên cạnh một cái chén không. Niệm xong một câu bà nhặt một hạt đậu bỏ vào chén không. Cứ thế, đến khi cái chén không đã chứa đầy hạt đậu, bà làm ngược lại. Bà lão niệm thần chú như thế đã trên 30 năm.
Một ngày nọ, có một vị sư từ Tây Tạng đi qua nhà, thấy hào quang chiếu tỏa rực rỡ, ngỡ là một vị chân tu đắc đạo đang ở trong nhà. Nhà sư ghé vào thăm. Trông thấy bà lão đang ngồi niệm thần chú, nhưng lại niệm sai, ông mới sửa lại cho bà là: “Om ma ni bay may hôm.” Biết mình đã đọc sai hơn 30 năm nay, bà lão đau buồn tiếc nuối công lao tu luyện. Nhưng từ khi niệm câu thần chú mới, lòng dạ bà trở nên buồn thảm, hỗn độn, hoang mang, và nghi ngờ. Bà không thể tập trung tinh thần được nữa.
Nhà sư đã ra đi được một đỗi rất xa. Ông quay lại nhìn bầu trời phía sau, nhưng không còn thấy hào quang chiếu sáng trên căn nhà của bà lão nữa, mà chỉ là một bóng tối âm u. Giật mình vì biết rằng mình đã làm hại bà lão, nhà sư bèn quay trở lại xin lỗi vì đã đùa nghịch và chỉ muốn thử thách lòng thành kính của bà mà thôi. Câu thần chú của bà mới là đúng. Bà lão lại vui mừng, tiếp tục niệm thần chú với tâm hồn bình an phấn khởi. Đi lên tới đỉnh núi, nhà sư nhìn xuống túp lều tranh của bà lão thấy hào quang chiếu sáng rực cả một góc trời.
Bà lão trong “Những hạt đậu biết nhảy” và Thánh Tôma trong bài Phúc Âm hôm nay, Ga 20: 19-31, đều nói lên vai trò của sự hoài nghi trong đời sống đức tin. Sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, các tông đồ buồn nản thất vọng, tản mát mỗi người một nơi. Trong cái đau và nỗi chán, Tôma chỉ muốn rút lui vào ốc đảo cô đơn và hoài nghi của riêng mình. Vì vậy ông đã vắng mặt khi Chúa hiện ra lần thứ nhất.
Ông nổi tiếng với biệt danh “Tôma Kẻ Hoài Nghi” – “Thomas, The Doubter”. Thật là bất công cho ông khi phải mang biệt danh này. Vì sau khi mấy người phụ nữ ra thăm mộ về, báo tin là đã thấy Chúa Giêsu, những môn đệ khác cũng đã hoài nghi. Ngay khi đã trông thấy Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất rồi, vài môn đệ khác vẫn còn nghi nan: “Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28:17). Xem thấy rồi mà vẫn còn hoài nghi, huống chi Tôma đã không thấy. Ông hoài nghi cũng là điều dễ hiểu. Đó là thái độ rất tự nhiên của con người. Nhưng chính vì vậy mà Tôma đã để lại một kinh nghiệm sống đức tin cho chúng ta. Trước tiên, hoài nghi là điều kiện để trưởng thành. Sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra, và mời gọi ông đưa tay ra đụng vào những thương tích của Người, Tôma liền phủ phục xuống trước mặt Chúa Giêsu và tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” Từ giây phút đó trở đi, Tôma đã trở nên một tông đồ nhiệt thành. Theo truyền thống lưu lại, Tôma đã sang truyền giáo bên Ấn Độ, “nơi Tôma đã được tôn kính như là vị thánh tử đạo và sáng lập giáo hội.” Một người Kitô hữu trưởng thành nhờ qua những nghi ngờ và thắc mắc. Chúng gây hoang mang lúc đầu, nhưng sau đó sẽ củng cố đức tin mạnh mẽ hơn. Một người tín hữu chân chính không sợ sự tra vấn, thắc mắc và tìm hiểu. Vì đã từng trải qua những giai đoạn của sự hoài nghi, nên họ có thể trở thành những nhân chứng đích thực cho niềm tin như thần học gia Hans Kung đã nói: “Người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi.” Hoài nghi giúp cho đức tin trưởng thành. Đức tin dùng sự hoài nghi và thắc mắc để tự nuôi dưỡng mình. Hoài nghi và những thắc mắc thúc đẩy chúng ta cố gắng tìm hiểu điều chúng ta tin, giúp chúng ta luôn phấn đấu, cầu nguyện, nghiên cứu và học hỏi thêm. Do đó, hoài nghi là một dấu hiệu chứng tỏ sự quan tâm sâu xa của chúng ta phải có đối với đức tin. Nhà thần học Paul Tillich đã nói: “Sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh.” Thứ đến, hoài nghi giúp chúng ta khiêm tốn. Ở một mức độ hiểu biết nào đó của kiến thức con người, sự hoài nghi là điều không thể tránh được. Mỗi người chúng ta đã từng có kinh nghiệm những lần lúng túng phân vân. Không biết tin cái gì? Đâu là sự thật? Những nhân vật trong Thánh Kinh như Môsê, bà Sara, Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, Thánh Tôma Tông Đồ trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay và các thánh, đều là những người đã chịu thử thách và trưởng thành qua sự hoài nghi. Họ đã dùng sự hoài nghi để làm cho đức tin lớn mạnh lên. Thành thật mà nói, đôi khi chúng ta cũng có những hoài nghi. Tại sao? Vì chúng ta là con người. Chúng ta bị giới hạn trong sự hiểu biết. Nếu biết hết mọi sự thì đâu phải nghi ngờ điều gì nữa. Không biết nên phải hoài nghi. Hoài nghi chứng tỏ sự giới hạn của con người. Nó thách thức chúng ta phải trưởng thành và tìm hiểu sâu xa hơn trong sự khiêm tốn.
Hơn nữa, hoài nghi là khả năng của sự tự do chọn lựa. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự tự do và khả năng đi tìm kiếm sự thật. Kiếm tìm sự thật ẩn tàng một ước muốn thay đổi hướng đi của cuộc đời, một ước muốn thay đổi thái độ trong những liên hệ với người khác, một ước muốn từ bỏ những sự phải từ bỏ để theo đuổi một lý tưởng. Bác sĩ Scott Peck, tác giả cuốn sách “The Road Less Travelled”, một cuốn sách được gọi là bán chạy nhất – the best selling book. Peck là một nhà tâm lý học đã trải qua hầu hết thời giờ làm việc với những bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần. Bác sĩ nói rằng ông đã khám phá thấy một sự thờ ơ lãnh đạm nơi những người bệnh trong mọi lãnh vực: thiếu sự quan tâm; chẳng muốn hỏi bất cứ nghi vấn nào; không muốn tìm kiếm cái mới để phát triển; “không có sở thích về huyền bí.” Ông cũng khám phá thấy rằng nếu ông có thể đào luyện nơi bệnh nhân một sự ước ao muốn tìm tòi và học hỏi, thì sẽ có hy vọng. Nhưng nếu không, ông nhìn thấy ít hy vọng.”
Qua sự thắc mắc, tìm kiếm sự thật sẽ đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn (Dt 11:6; Gc 4:8). Từ nỗi khổ đau, cô đơn, bất mãn, nghi ngờ, và sợ hãi chúng ta được biến đổi trong sự sống lại của Chúa Kitô. Isidore Robey, nhà vật lý danh tiếng thế giới, đã đến Hoa Kỳ khi còn là một em bé và đã lớn lên trong vùng phía Đông nghèo nàn của thành phố New York. Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã được hỏi làm thế nào một chú bé di dân nghèo lại có thể trở nên một trong những nhà vật lý học hàng đầu của thế giới. Ông trả lời, “Tôi đã chẳng có thể làm gì được. Đó là nhờ mẹ của tôi. Mẹ tôi đã rất quan tâm tới việc đi tìm kiếm sự thật. Và mỗi ngày khi tôi đi học về, mẹ tôi đã hỏi tôi: ‘Hôm nay con có thắc mắc được một câu hỏi xứng đáng nào không?'”
Nếu hoài nghi là điều không thể tránh được, thì đức tin cũng không thể tránh được trong cuộc sống. Phải có đức tin để sống. Ngay cả những nhà khoa học, họ phải tin vào những phương pháp của họ và vào một thế giới có trật tự đến nỗi những phương pháp của họ có thể phát sinh ra được những sự kiện đáng tin tưởng. Thế giới trật tự đó phải được một Đấng Thượng Trí tối cao dựng nên. Đó là Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc mọi sự qua Đức Giêsu Kitô. Qua sự Phục Sinh của Đức Kitô vũ trụ và con người tìm thấy ý nghĩa và mục đích của mình.
Hơn một thế kỷ vừa qua, một ông già đang ngồi một mình trên chuyến xe lửa ở Pháp. Chàng thanh niên ngồi bên cạnh, nhìn ông già đang với tay vào chiếc cặp lấy ra một cuốn Thánh Kinh, và bắt đầu đọc. “Cụ đang đọc cái gì đấy?” Chàng thanh niên hỏi. “Tôi đang đọc chương thứ sáu của Phúc Âm Mác-cô trong Tân Ước,” ông cụ già trả lời. “Chương ấy nói gì vậy cụ?” chàng thanh niên hỏi. “Đó là câu chuyện về phép lạ của năm chiếc bánh và hai con cá.” Với một chút diễu cợt chàng thanh niên hỏi, “Cụ có thực sự tin điều đó không?” “Có, tôi tin chứ,” cụ trả lời. Chàng thanh niên kích bác, “Cháu có thể nhìn thấy rằng cụ đã bị tẩy não bởi những sự mê tín dị đoan xa xưa rồi. Điều này không bao giờ có thể xẩy ra với cháu. Cụ xem, cháu là một nhà khoa học. Mọi sự xảy ra trong thế giới này cuối cùng đều có thể được giải thích một cách khoa học. Câu chuyện cụ vừa đọc coi rẻ những luật lệ của khoa học, do đó hoàn toàn là ảo tưởng. Hãy cho cháu những dữ kiện, những dữ kiện có thể chứng minh được. Như một nhà khoa học, cháu không tin vào những phép lạ. Cháu cũng chẳng mong gì cụ hiểu điều đó.” Xe lửa bắt đầu chậm lại. “Trạm của cháu đây rồi,” chàng thanh niên nói và đứng lên rời khỏi chỗ ngồi, “Thật là tốt được nói chuyện với cụ. Cháu xin lỗi đã không hỏi tên cụ.” Ngay lúc đó, ông cụ trao cho chàng thanh niên tấm danh thiếp của mình mang tên, Louis Pasteur, một trong những khoa học gia vĩ đại nhất của thế giới.
Đối với các nhà khoa học, sự hoài nghi thắc mắc là khởi điểm cho những khám phá mới lạ. Nhưng nếu sự hoài nghi trở thành một nguyên tắc triết lý để sống, dùng nó để phủ nhận những chân lý và giá trị siêu nhiên của tôn giáo, nó biến chúng ta trở thành những con người vô thần theo chủ thuyết bi quan, yếm thế – cyniscism, agnosticism.
Hoài nghi thường bị lẫn lộn với vô tín ngưỡng. Hoài nghi là thái độ chưa chắc chắn về một sự thật hay một thực tại nào đó: một niềm tin hay một ý kiến chưa được quyết định. Còn vô tín ngưỡng là thái độ cương quyết, phủ nhận sự tin tưởng nơi thần quyền. Vô tín ngưỡng là chọn lựa không tin tưởng gì hết. Còn hoài nghi là đang chọn lựa cái để mà tin. Như vậy, chúng ta không sợ, hay tránh né sự hoài nghi và thắc mắc, nhưng đối diện với chúng, sử dụng chúng, và làm cho chúng phục vụ đức tin của chúng ta. Sự hoài nghi cũng là một hình thức của lòng khát khao khôn cùng của con người đi tìm kiếm Thiên Chúa. Kẻ thù của nguy hiểm nhất của đức tin không phải là sự hoài nghi mà là sự dốt nát.
Thánh Gioan Phaolô II đã khuyên chúng ta như sau: “Mỗi người cần phải được đào tạo trọn vẹn và hoàn chỉnh – về văn hóa, nghề nghiệp, giáo lý, thiêng liêng và tông đồ – để giúp mình sống trong một mối thống nhất nội tâm và cho mình có thể trình bày cho bất cứ ai thắc mắc về lý do hy vọng của mình. Căn tính Kitô hữu đòi ta phải cố gắng và bền bỉ học hỏi mỗi ngày mỗi sâu rộng hơn, vì dốt nát là kẻ thù nguy hiểm nhất của Đức Tin. Ai có thể nói rằng mình thực sự yêu mến Chúa Kitô, mà lại không dấn thân học biết Ngài hơn nữa?” (TVNNTB, Chương I, Đức Tin, trang 35).
Lm. Nguyễn Thái
ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT: NÊN TIN HAY CHỐI BỎ?
Lm. Đinh Lập Liễm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông Đồ hai lần cách nhau một tuần. Một lần hiện ra ngay chính chiều ngày sống lại, mà không có mặt ông Tôma, còn lần sau thì có mặt ông Tôma (Jn 20:19-29). Mục đích Ngài hiện ra là làm cho các môn đệ tin rằng Ngài đã sống lại thật và chính các ông là những chứng nhân, để sau này củng cố đức tin cho những người khác (Lc 22:32; Jn 20:30-31; 21:24). Ngài hiện ra với toàn thể con người phục sinh của Ngài, cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, ăn uống trước mặt các ông.
Rất tiếc trong khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các ông thuật lại cho Tôma việc Chúa đã hiện ra và quả quyết rằng: ”Chúng tôi đã xem thấy Chúa rồi.” Nhưng Tôma, con người đa nghi và thực nghiệm, trả lời: ”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin” (Jn 20:25).
Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, có mặt ông Tôma, để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói: ”Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin.” Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận: ”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con.” Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục sinh, củng cố niềm tin cho chúng ta.
Tôma là con người rất yêu Đức Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng để chết với Ngài (Jn 11:16) trong khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Nhưng khi Đức Giêsu chịu chết rồi, ông tỏ ra bi quan, rơi vào tình trạng cô đơn. Ông đã rút lui khỏi các cuộc họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau lại.
Vì thế, khi Đức Giêsu trở lại với các môn đệ thì ông không có mặt. Mặc dầu các tông đồ nói với ông là đã xem thấy Chúa. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu đã hiểu rõ tâm trạng của ông nên đã hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông. Lúc đó, Tôma chỉ biết dào dạt tình thương mến trong lời nghẹn ngào: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Jn 20:28).
Tôma là con người có đầu óc cụ thể, thích tìm hiểu, thích kiểm nghiệm, giống như những nhà khoa học thực nghiệm hôm nay: những gì thấy và hiểu được thì mới tin. Chủ trương của ông hoàn toàn giống thuyết Tân sinh lý. Ông chỉ tin ở tai nghe mắt thấy, chân tay sờ mó được. Nói cách khác, điều làm cho ông tin phải có bằng chứng. Việc Chúa sống lại chưa có bằng chứng đối với ông, chỉ khi nào mắt thấy tai nghe Chúa sống lại thì ông mới tin. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông, xét theo phương diện tự nhiên, thì không sai. Nhưng trong lãnh vực siêu nhiên thì không đúng.
Khi Đức Giêsu hiện ra và giải quyết những thách thức và đòi hỏi của ông, ông đã lấy lại được niềm tin và là một niềm tin sâu sắc bù lại những nghi ngờ trước kia. Lúc này thực sự ông muốn đi Giêrusalem để cùng chết với Chúa (Jn 11:16). Theo truyền thuyết, Ông Tôma đã đi truyền giáo ở Ấn độ, gặp nhiều gian nan thử thách, nhưng vẫn trung kiên rao giảng Đấng Phục sinh mà chính mắt ông đã thấy.
Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi dễ dàng, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần có sự hiểu biết về nhiều vấn đề. Sự hiểu biết của chúng ta có thể do kinh nghiệm, do suy luận và do sự chỉ bảo của người khác. Kinh nghiệm là sự hiểu biết cá nhân do đã trừng trải, đã cảm nghiệm nhiều sự việc do tai nghe mắt thấy, nhưng kinh nghiệm bản thân thì quá ít ỏi trước sự hiểu biết bao la của muôn sự vật và con người.
Hầu hết chúng ta biết được điều này điều kia là do chúng ta tin vào những gì người khác nói với chúng ta. Có nhà chuyên môn ước lượng rằng 80% những kiến thức của chúng ta là do tin tưởng vào người khác mà có. Chẳng hạn, trong chúng ta ít có ai được may mắn du hành quanh thế giới. Cách duy nhất để chúng ta biết về phần lớn các quốc gia trên thế giới là do người khác nói cho chúng ta biết. Nói cách khác, chúng ta tin vào những người đã từng đến những nơi ấy. Nếu họ kể cho chúng ta rằng có một xứ sở nọ tên là Trung hoa, và dân chúng ở đó thế này thế kia, chúng ta sẽ tin họ.
Phương cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn chân thực như thế, thì cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thực hơn nữa. Phần lớn tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào những gì Kinh Thánh kể lại cho chúng ta. Nói cách khác, phần lớn tri thức tôn giáo của chúng ta là do niềm tin (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 118).
Chúng ta đều không được đặt tay vào cạnh sườn Đức Giêsu như Thánh Tôma, để trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục sinh từ cõi chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin vào chứng cớ của Thánh Kinh. Chúng ta cũng có thể làm hơn thế nữa. Chúng ta có thể xử dụng tặng phẩm Chúa ban là lý trí để xác quyết thêm điều Kinh Thánh đã truyền cho chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể quì gối xuống như Thánh Tôma đã làm và thưa với Đức Giêsu: ”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con.” Đáp lại, Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta: ”Hạnh phúc biết bao cho kẻ chẳng thấy mà vẫn tin” (Jn 20:29).
Có nhiều người tỏ ra là những người hiểu biết, những người học thức, làm gì cũng phải hợp lý, không sống theo dư luận hay vào hùa với người khác. Họ chủ trương rằng: chỉ những gì họ THẤY và HIỂU được thì mới tin, nếu không thì sự tin đó là thái độ của con trẻ hay của những người còn non kém về tri thức.
Chúng ta hãy tạm đồng ý với chủ trương của họ, và sẽ xem cái chủ trương “thấy và hiểu” của họ có áp dụng vào thực tế hay không. Bạn hãy cầm lấy ly nước. Ly nước ấy chẳng là gì khác mà chỉ là oxy và hytrô thôi. Mắt ta không trông thấy oxy và hytrô nhưng ta vẫn tin rằng ly nước ấy chứa toàn hai chất ấy thôi nếu ta đem nó ra điện giải. Như vậy, nguyên tắc THẤY mới tin không còn đúng nữa, vì không thấy oxy và hytrô mà vẫn tin nó có đấy.
Ta chưa bao giờ được thấy tận mắt một phi thuyền không gian, ta cũng chẳng hiểu nổi những nguyên tắc cũng như các kỹ thuật tân kỳ của các nhà bác học, nhưng ta vẫn tin là các nhà bác học đã sáng chế ra các phi thuyền không gian, và phi thuyền Apollô 11 đã lên nguyệt cầu. Trong chúng ta, ai dám nói là mình đã hiểu các nguyên tắc chế tạo phi thuyền của các nhà khoa học, tại sao ta lại vẫn tin? Phải chăng chúng ta đã tự mâu thẫn với nguyên tắc của chúng ta.
Thực sự trong đời sống hằng ngày, ta dùng đến lòng tin rất nhiều, vì nếu không thế, đời sống sẽ không có thể được. Ở gia đình, cha mẹ dạy ta nhiều điều mà ta vẫn tin. Ở trường học, thầy cô truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức, ta chưa hề biết, có khi không hiểu nữa, thế mà ta vẫn tin, không thắc mắc gì. Nếu ta không tin vào những sự kiện lịch sử thì làm sao ta có thể học được môn đó. Dĩ nhiên lòng tin của ta chỉ có tính cách tương đối thôi bởi vì những cái đó có thể sai lầm được.
Đứng trong phương diện thiêng liêng, lòng tin của chúng ta không phải là cái gì phi lý hay là thái độ của những người thiếu hiểu biết, nhưng trái lại, ta phải nói rằng: tin là thái độ của con người hiểu biết, là thái độ của con người biết dấn thân, biết quyết tiến. Chúng ta không tin viển vông nhưng tin vào sự chân thật của Chúa qua sự mạc khải của Ngài. Chúng ta sẽ tin những điều chúng ta không thấy và không hiểu, nhưng những điều ấy không bao giờ mâu thuẫn với lý trí con người, vì những cái ấy vượt trên tầm hiểu biết của trí khôn con người. Vì thế người ta mới có chữ SUPERNATUREL: vượt lên trên cái tự nhiên, đó là siêu nhiên.
Chúng ta hãy xem cách hành động của tổ phụ Abraham để làm gương. Khi nghe tiếng Thiên Chúa, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi còn trẻ tuổi, chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp. Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12,4), lại đã lập gia thất (St 11,29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít. Lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho tổ phụ…
Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi: nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Hâran, một thị xã miền Mésopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Hâran đã chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn? Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến, rồi làm ăn có nổi không? Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu Abraham(St 12,1-2): nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế (St 18,11-12)?
Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi xướng một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cảnh khói lửa chiến tranh (St 12,10; 14,13-14). Abraham đã gỡ mọi dây luyến ái để gia nhập đất khách quê người: mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABRAHAM ĐÃ TIN.
Đức tin bao giờ cũng là một cuộc vĩnh biệt, chia ly; vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên. Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác: trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa (Nguyễn huy Lịch, báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7).
Đức tin bao giờ cũng là sự gặp gỡ, một cuộc đối thoại trực tiếp cá nhân với Đức Giêsu, chứ không phải là sự chấp nhận một giáo lý trên bình diện một học thuyết, như kiểu người ta nhìn nhận một chân lý khoa học hay toán học (Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 202).
Đức cha Matagrin, tổng giám mục Grenoble, đã đưa ra nhận xét này: “Trong Giáo Hội Việt Nam, còn nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Đức Kitô trong mình, là gắn bó với Đức Kitô, là gắn bó với giáo lý của Ngài. Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình; nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Đó là sự sơ suất đáng buồn và đã gây tai hại trong việc truyền giáo và sống đạo” (Đc Bùi Tuần, Nói với giáo dân, 1991, tr 9).
Bên Nhật Bản, tại một học đường ở Nagasaki, có tất cả chừng 150 học sinh, nhưng duy có một em là người Công Giáo. Em ở nội trú, nhưng mỗi bữa ăn, em vẫn thản nhiên hiên ngang chắp tay cầu nguyện trước và sau bữa ăn. Nhiều trò khác chế diễu và thưa với thầy giáo. Ngày kia thầy kêu trò lại hỏi: “Tại sao trò lại làm như thế?” “Thưa thầy, con là Kitô hữu nên phải cầu nguyện Chúa luôn; con không được vô phép lãnh thực phẩm của Chúa ban mà không cảm tạ Chúa.” Liền đó, thầy úp mặt xuống bàn viết khóc và nói một cách hổ thẹn: “Trò ơi, ta đây là người tin Chúa song ta chẳng dám tỏ ra cho ai biết. Từ đây sắp tới, nhờ ơn Chúa, ta sẽ rán làm phận sự một tín đồ.”
Ta phải hiên ngang xưng Chúa ra mọi nơi, trong lời nói cũng như hành động. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 nói: ”Ta phải truyền giảng Phúc âm bằng lối mới. Lối cũ là chú trọng vào việc thành lập các ủy ban, cơ quan, hội đoàn rồi sinh hoạt. Lối ấy nay không thích hợp. Ngày nay phải truyền giảng Phúc âm bằng đường lối mới. Điều đó không có nghĩa là có Phúc âm mới: Phúc âm luôn thế, nhưng lối truyền giảng phải mới nghĩa là sống đời chứng tá, diễn tả Phúc âm bằng lối sống hiện tại của mình.”
Lm. Đinh Lập Liễm
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
+ TGM. Ngô Quang Kiệt
Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:
- Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường. Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.
- Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng. Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.
- Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.
- Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh. Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.
Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.
Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
CỘNG ĐOÀN PHỤC SINH – TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
CỘNG ĐOÀN PHỤC SINH
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
- TẤM BÁNH LỜI CHÚA
Ga 20, 19-31: Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin“.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
- TẤM BÁNH CHIA SẺ
Các bài đọc hôm nay cho ta biết đôi nét về sinh hoạt của cộng đoàn thời Hội Thánh sơ khai. Căn cứ vào các sách Tin mừng và nhất là sách Công vụ Tông đồ, ta thấy cộng đoàn Hội Thánh sơ khai có mấy đặc điểm sau:
Đó là cộng đoàn cầu nguyện.
Hoàn cảnh ban đầu với những cộng đoàn bé nhỏ, những con người yếu đuối. Kỷ niệm về Đức Kitô, người Thày thân thương còn quá tươi mới, quá đậm nét. Đó là lý do khiến các tín hữu sơ khai tha thiết họp nhau cầu nguyện. Những buổi cầu nguyện là những buổi ôn lại kỷ niệm của Thày Chí Thánh. Các ngài bẻ bánh để tái diễn cử chỉ thân thương của Thày. Các ngài kể cho nhau nghe những lời nói và những việc làm của Thày để ghi tâm khắc cốt. Khao khát sự hiện diện của Thày đã làm cho lời cầu nguyện của các ngài trở nên sống động. Và Đức Kitô phục sinh vẫn thường đến an ủi các ngài trong các buổi cầu nguyện ấy.
Đó là cộng đoàn đức tin.
Các ngài quây quần sống bên nhau vì cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Niềm tin ấy rất mãnh liệt vì các ngài đã được tận mắt nhìn thấy Ngài. Niềm tin ấy không chỉ là lý trí mà còn ảnh hưởng tới cả cuộc sống. Niềm tin ấy không chỉ biểu lộ trong những giờ cầu nguyện mà còn đi sâu và thực hiện cụ thể trong những chọn lựa, trong những sinh hoạt đời thường.
Cộng đoàn đóng vai trò gìn giữ, bồi dưỡng và phục hồi đức tin. Như trường hợp của Tông đồ Tôma. Ông tìm lại được đức tin nhờ sự giúp đỡ của cộng đoàn. Chúa ban lại đức tin cho ông khi ông ở giữa cộng đoàn.
Đó là cộng đoàn đức ái.
Đức tin chân thật sẽ dẫn đến đức ái. Thật sự tin Chúa sẽ dẫn đến yêu mến Chúa. Thật sự yêu mến Chúa sẽ biểu lộ trong tình yêu mến tha nhân. Nên các tín hữu sơ khai tự nhiên đồng tâm nhất trí với nhau. Sự đồng tâm nhất trí không chỉ trong tư tưởng lời nói mà nhất là cả trong việc chia sẻ của cải vật chất. “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung…Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu”. Thật đẹp và đáng mơ ước. Ai mà không mong muốn được sống với những con người như thế. Ai mà không mong muốn được chia sẻ đời sống của một cộng đoàn như thế.
Đó là cộng đoàn chứng nhân.
Các ngài làm chứng cho nhau. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô phục sinh quá mãnh liệt làm cho các ngài sung sướng hạnh phúc, không thể kìm giữ, nên đã trào dâng trong việc chia sẻ với bạn bè. Câu nói “Chúng tôi đã thấy Ngài” là câu nói cửa miệng của các Tông đồ. Ta được nghe các chứng từ dồn dập của Maria Mácđala, của Phêrô và Gioan, của các môn đệ đi làng Emmau, và muộn màng nhưng mãnh liệt trong tiếng kêu của Tôma.
Hữu xạ tự nhiên hương. Chứng từ của các ngài lan toả ra cả những người chung quanh. Trước hết là do đời sống của các ngài. Đời sống đức tin mạnh mẽ. Đời sống cầu nguyện sống động. Đời sống bác ái chan hoà. Tất cả trở thành một lời chứng hùng hồn, có sức thuyết phục hơn biết bao lời hay ý đẹp. Hơn thế nữa, các ngài còn hăng hái ra đi làm chứng cho Chúa. Bất chấp khó khăn thử thách. Bất chấp mất danh vọng chức quyền. Bất chấp cả mất mạng sống.
Cộng đoàn Hội Thánh sơ khai có những nét đẹp như thế là nhờ các ngài đã gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, đã đón nhận được ơn phục sinh nên đã hoàn toàn thay da đổi thịt, trở thành những con người mới. Đó không còn là một cộng đoàn bình thường nữa. Đó là một cộng đoàn phục sinh. Cộng đoàn phục sinh đã vượt qua trần gian. Cộng đoàn phục sinh tiên báo cuộc sống hạnh phúc trên Nước Trời.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
- Giáo xứ của bạn, khu xóm của bạn, gia đình của bạn đã được ơn phục sinh chưa?
- Bạn phải làm gì để góp phần đem ơn phục sinh đến cho gia đình, khu xóm, giáo xứ của bạn?
- Trong những nét đẹp của cộng đoàn phục sinh, theo bạn nét đẹp nào có sức hấp dẫn nhất?
+ TGM Giuse Ngô quang Kiệt
CON MẮT THỨ BA (Gioan 20:19-31)
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Cách xử sự của Tôma cũng là cách xử sự thông thường của nhiều người. Người ta chỉ chấp nhận là có thật những gì người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay. Còn những gì người ta không thấy, bị xem như là không có. Vì thế, khi một số người được hỏi tại sao không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau… họ trả lời thật đơn giản: “Có thấy đâu mà tin!”
Thế nhưng, có vô số điều chúng ta không thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học … nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có.
Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “cóc ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.
Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi. Còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy, quả đúng như Antoine de Saint Exupéry nhận định: “L’essentiel est invisible pour les yeux” [những thực tại thiết yếu thì mắt trần không thấy được]
Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, những con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý…
Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi. Nhờ nó mà mới đây, nhà vi trùng học người Mỹ, tiến sĩ M. Blaser phát hiện có đến hơn 250 loài vi khuẩn vui sống ngay trên lớp da của mỗi người chúng ta và ông gọi đùa làn da của chúng ta là một vườn thú lớn! (nguồn: http://vietbao.vn)
Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến mười tỉ năm ánh sáng…
Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát… Chúng giúp các nhà quân sự phát hiện máy bay địch từ xa, giúp nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.
Trong Phật giáo, con mắt thứ ba của nhà tu hành đạt đạo là ‘huệ nhãn’, giúp người ta thấy được những thực tại tâm linh siêu hình.
Đối với Đức Giêsu, con mắt thứ ba mà Người mong muốn các môn đệ phải có là Đức Tin. Nhờ Đức Tin, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng, hoả ngục…
***
Tông đồ Tôma chưa có con mắt thứ ba. Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương rằng chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay… mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo: “Nầy Tôma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi”, Tôma cho là chuyện đùa.
Cho dù Tôma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giêsu hiện về. Vì thế, anh đòi kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa mới được.
Chúa Giêsu không hài lòng với quan điểm đó. Người nói: “Tôma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin.” Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin để nhận ra Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tuyên dương những ai có Đức Tin vì đó là con mắt tối cần giúp thấy được những thực tại siêu nhiên và đạt tới ơn cứu độ. Chúa khiển trách các môn đệ khi các ông yếu lòng tin. Chúa buồn phiền vì dân Do Thái thiếu lòng tin. Chúa sửa dạy Tôma là kẻ cứng lòng tin. Xin khai mở cho chúng con con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin, để nhận biết Thiên Chúa Cha là Cha yêu thương, nhận biết Chúa là Đấng cứu độ nhân loại và nhận biết Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá và nhận biết những người chung quanh là thân mình của Chúa. Amen. Lm. Inhaxiô Trần Ngà
PHÚC CHO NHỮNG AI KHÔNG THẤY MÀ TIN (Gioan 20:29)
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
I. Dẫn vào Thánh lễ
Mặc dù đã được tái sinh thành con Chúa qua bí tích Rửa tội, chúng ta vẫn còn rất yếu như một đưa trẻ sơ sinh. Chúng ta cần được nuôi dưỡng thêm bằng Lời Chúa và bánh Thánh thể. Chúng ta cần được nâng đỡ bởi một cộng đoàn. Nhất là chúng ta cần được tác động bởi Chúa Thánh Thần. Ngày xưa Ðức Giêsu phục sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ, thì hôm nay chúng ta cũng xin Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta và nói với chúng ta “Bình an cho chúng con”.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta còn ích kỷ, cần được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta tình bác ái huynh đệ.
- Chúng ta còn hoài nghi, cần được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng tin tưởng cậy trông.
- Chúng ta còn yếu tin, cần được Chúa Thánh Thần giúp cho đức tin chúng ta vững mạnh thêm.
III. Lời Chúa
- Bài đọc I: Cv 4:32-35
Trong hai tác phẩm của mình là sách Tin Mừng và sách Công vụ, Thánh Luca thường viết những bảng toát yếu để thỉnh thoảng tóm lược lại những điểm chính của những đoạn mà Ngài đang viết. Trong phần thứ nhất của sách Công vụ (1:12-5:42) mô tả cách sống của các tín hữu trong giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi, có 3 bảng toát yếu tóm lại những nét chính của cuộc sống này (2:42-47; 4:32-35; 5:12-16). Ðoạn được chọn hôm nay là bảng toát yếu thứ hai. Ngoài những nét chung với 2 bảng toát yếu kia, nét riêng biệt của bảng này là việc để của riêng thành của chung.
Ðây không phải là một quy định có tính bó buộc (xem Cv 5:3-4 lời Phêrô nói với Khanania: “Khi đất còn đó, nó chẳng là của anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao?”), nhưng là việc làm tự nguyện để thực thi cách cụ thể giới luật yêu thương, vì yêu thương không phải chỉ bằng tình cảm hay bằng lời mà còn phải bằng hành động cụ thể.
Thể thức: các tín hữu bán những bất động sản như ruộng đất, nhà cửa rồi đem tiền giao cho Hội Thánh giữ. Hội thánh phân phối lại cho các tín hữu theo nhu cầu từng người. Như thế, có kẻ góp ít (hoặc không góp gì) mà được hưởng nhiều và có kẻ góp nhiều mà được hưởng ít. Nhưng không ai phân bì, vì họ đã ý thức việc chia xẻ cho nhau. Kết quả là trong giáo đoàn không có ai phải túng thiếu.
- Ðáp ca: Tv 117 (như Chúa Nhật I Phục Sinh)
Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
- Bài Tin Mừng: Ga 20:19-30
Ðoạn này tường thuật hai cuộc hiện ra của Ðức Giêsu phục sinh với các tông đồ cách nhau 8 ngày:
Trong lần hiện ra thứ nhất, Ðức Giêsu cho các ông thấy tay và cạnh sườn Ngài (tức là thấy những vết thương Ngài đã chịu trong cuộc chịu nạn). Khi thấy những dấu chứng đó, các tông đồ đã tin rằng người đang ở trước mặt họ là Thầy họ nên họ vui mừng. Sau đó, Ðức Giêsu ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông đi (nhưng chưa nói là đi đâu và đi để làm gì). Nhưng lần đó không có mặt Tôma. Khi Tôma trở về và được các tông đồ kia thuật lại thì ông không tin. Ông đòi điều kiện là phải thấy (chẳng những thấy mà còn sờ) những thương tích của Ðức Giêsu thì mới tin.
8 ngày sau, Ðức Giêsu hiện ra lần thứ hai. Lần này có mặt Tôma. Ðức Giêsu bảo riêng Tôma hãy đưa tay ông ra chạm trực tiếp vào các vết thương của Ngài. Nhưng khi đó Tôma không còn bảo lưu yêu cầu thấy của mình nữa. Ông tuyên xưng đức tin ngay. Ông gọi Ðức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa”. Tôma đã vươn tới mức độ cao của đức tin: tin mà không cần thấy.
Như thế đoạn Tin Mừng này trình bày hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy, nghĩa là tin dựa vào bằng chứng ; mức độ cao là tin mà không cần thấy, nghĩa là tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.
Ðức Giêsu đánh giá mức độ thứ hai là cao hơn, và kêu gọi chúng ta – qua lời nói với Tôma – hãy cố vươn lên mức độ cao ấy: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con tin. Nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.
- Bài đọc II: 1 Ga 5:1-6
Lý do khiến thánh Gioan viết bức thư này là để giúp tín hữu khỏi bị lây nhiễm những tư tưởng sai lệch của thuyết ngộ đạo.
Nói một cách rất tóm lược, thuyết ngộ đạo chủ trương rằng chỉ cần biết (“ngộ”) thì được cứu độ. Ðành rằng “biết” là một điều rất quan trọng (trong quyển Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan cũng rất nhấn mạnh vào sự “biết” này), nhưng sai lầm của thuyết này là do quá đề cao sự “biết” nên bỏ đi hai điều khác cũng quan trọng không kém, đó là tin và yêu. Trong đoạn thư này, thánh Gioan lưu ý tín hữu về hai điều ấy:
Tín hữu là người đã tin rằng Ðức Giêsu là Kitô. Mà tin vào Ðức Giêsu Kitô thì cũng phải yêu mến Ðấng đã sinh ra Ðức Giêsu Kitô, tức là Thiên Chúa.
Mà làm sao để biết mình yêu mến Thiên Chúa? Thưa là qua cách sống cụ thể là thực hành các giới răn của Ngài.
IV. Gợi ý giảng
- Hành trình của Tôma
Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn: vắng mặt – hồ nghi – và tuyên xưng đức tin. Ðó cũng là hành trình đức tin của kitô hữu chúng ta.
Khi Ðức Giêsu hiện ra lần thứ nhất, Tôma không có mặt, cho nên ông không tin. Ông đòi thấy bằng chứng rồi mới tin. Thế nhưng nếu có bằng chứng rồi thì đã là chuyện hiển nhiên, đâu còn phải là đức tin nữa. Ðức tin không thuộc phạm vi khoa học hay lý luận, nên không dựa trên bằng chứng.
Nhưng đức tin không phải là mù quáng. Tuy không đòi bằng chứng nhưng phải có lý do. Lý do để tin là lời làm chứng của những người có uy tín. Tôma chưa tin khi nghe lời thuật của các bạn, nhưng khi nghe lời của Ðức Giêsu thì ông tin ngay. Sau này ông còn trở thành nhân chứng để cho nhiều người khác cùng tin nữa. Tin theo lời làm chứng của ai đó bao hàm một tình cảm với người đó: vì mình có tình cảm với người đó nên khi người ấy nói thì mình tin. Ðiều này làm nên giá trị của sự tin vào lời chứng, cho nên Ðức Giêsu nói “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”.
Lý do để tin còn là những dấu chỉ. Dấu chỉ Ðức Giêsu cho Tôma là những thương tích của Ngài. Chỉ cần thấy những dấu chỉ ấy, ông không đòi đụng chạm và sờ mó nữa, ông tin ngay. Ngày nay chúng ta không thấy Chúa, nhưng chúng ta có những dấu chỉ Ngài ban, đó là các bí tích, các biến cố và gương sống quảng đại của các tín hữu nhiệt thành. Chính chúng ta cũng phải là những dấu chỉ cho người khác nhận biết Chúa.
- Hạnh phúc của tín hữu Giêrusalem
Các tín hữu Giêrusalem đã thể hiện đức tin bằng việc chia xẻ, không phải chia xẻ những cái mình dư thừa mà chia xẻ chính tiền bạc và tài sản của mình. “Ðồng tiền liền khúc ruột”, chia xẻ tất cả tiền bạc của mình là chia xẻ chính sự sống của mình. Kết quả của chia xẻ như thế là trong Hội Thánh không có ai bị túng thiếu và mọi người đều hạnh phúc.
Gương của các tín hữu Giêrusalem cho chúng ta hiểu được rằng: một đức tin sống động sẽ biến thành tình yêu. Và khi sống đức tin và tình yêu như thế thì người ta sẽ hạnh phúc, vì khi đó người ta sống sự sống của chính Thiên Chúa, Ðấng luôn yêu thương và chia xẻ.
- Dấu chỉ của yêu thương
Làm sao biết được người đó thực sự yêu thương ta?
Có phải vì người đó luôn quấn quít bên ta? Chưa chắc.
Có phải vì người đó thường tặng quà cho ta? Chưa chắc.
Có phải vì người đó đề nghị sống chung với ta? Chưa chắc.
Người thương ta thật là người tế nhị biết ý của ta và luôn làm theo ý ta.
Ðó là điều Thánh Gioan nói: “Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa, là chúng ta thực hành các giới răn của Ngài”.
- Phúc cho ai không thấy mà tin
Bài Tin Mừng này khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Ðiều thứ nhất khiến tôi suy nghĩ là điều kiện mà Tôma đặt ra: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Mặc dù xem ra Ðức Giêsu không tán thành thái độ của Tôma, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn tán thành, bởi vì đó là thái độ của người chín chắn, cẩn thận, không nhẹ dạ. Trong những giao tế xã hội, tôi vẫn giữ thái độ cẩn thận ấy. Chẳng hạn khi tôi đi mua hàng, tôi không thể chỉ dựa vào những lời quảng cáo của người bán hàng để rồi mau chóng tin theo mà bỏ tiền ra mua ngay một món hàng mà tôi chưa thử. Huống chi câu chuyện mà Tôma nghe các bạn thuật lại là một chuyện “động trời” chưa bao giờ xảy ra: một người chết sống lại! Ðòi hỏi phải kiểm nghiệm xong rồi mới tin là một đòi hỏi hợp lý.
Nhưng khi tôi tán thành với Tôma, phải chăng là tôi không tán thành với Ðức Giêsu? Ngài đòi tôi “không thấy mà tin”. Phải chăng Ngài đòi hỏi một điều không hợp lý?
Suy nghĩ thêm, tôi mới hiểu rằng Ðức Giêsu không coi nhẹ sự hợp lý, nhưng Ngài đề cao sự hợp tình. Trong tương quan giữa những người yêu thương nhau, không nên cái gì cũng đối xử với nhau bằng lý, mà phải đối xử với nhau bằng tình. Thí dụ cha mẹ nói với đứa con rằng “Con đừng thọc tay vào ổ điện nhé, điện giật chết đấy!” Nếu đứa con không tin, đòi thử nghiệm xong rồi mới tin thì nó sẽ ra sao? Nó phải tin cha mẹ chứ, vì nó biết cha mẹ yêu thương nó. Vì Ðức Giêsu yêu tôi nên Ngài có quyền đòi hỏi cao hơn sự hợp lý, Ngài có quyền đòi hỏi sự hợp tình.
Tôi cũng suy nghĩ về chữ “Phúc” trong câu Ðức Giêsu nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Ðọc Tin Mừng theo Thánh Matthêu, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. Tại sao không thấy mà tin thì có phúc? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin thể hiện Yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Ðến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa ba điều: Yêu – Tin – và Hạnh phúc.
Và kết luận tôi rút ra được từ bài Tin Mừng này là:
Trong tương quan với những người không thân thiết lắm, tôi có thể cẩn thận đòi hỏi sự hợp lý.
Nhưng trong tương quan với những người thân yêu, tôi phải cư xử sao cho hợp tình.
Nhất là trong tương quan với Chúa, tôi phải tin Ngài để chứng tỏ là tôi yêu Ngài. Và nếu tôi tin yêu Ngài như thế thì tôi là người hạnh phúc.
- Thấy bằng trái tim (Ga 20:19-31)
Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện về vị tu sĩ Hồi Giáo Nasruddin như sau:
Một ngày nọ, nhà của thầy bốc cháy. Ðể được an toàn, thầy vội trèo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng, vì mạng sống thầy chỉ còn “ngàn cân treo sợi tóc”. Họ liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn:
– Nhảy đi, Thầy nhảy xuống đi!
Thầy Nasruddin nói:
– Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành một trò hề!
– Ôi, Thầy ơi! Không phải trò đùa đâu, Thầy nhảy mau đi!
Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố:
– Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.
Tin là chấp nhận bấp bênh, là chấp nhận có thể bị lừa dối. Nhưng không thể sống mà không tin. Người ta không thể nói: “Có thấy mới tin”. Trên đời này có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin. Chẳng ai thấy rõ lòng dạ con người, nhưng họ vẫn tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn, tình làng xóm… Người ta cũng không thể nói: “Tôi chỉ tin vào Chúa nếu có bằng chứng”. Paul Misraki nói: “Nếu bạn chỉ đợi có bằng chứng mới tin, thì đức tin đã trở thành khoa học rồi”.
Khủng hoảng lớn nhất của thế giới ngày nay là khủng hoảng niềm tin. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi hãy giữ vững niềm tin.
Tin vào Thiên Chúa và tin vào con người.
Tin vào thế giới do Người tạo nên.
Tin vào cuộc đời mà Người gởi ta đến.
Tin vào vẻ đẹp và hạnh phúc Người tặng ban.
“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga. 20:28). Người tín hữu Kitô là những người không thấy mà tin. Họ không thấy Chúa bằng con mắt thường, nhưng họ thấy Người bằng con mắt đức tin. Họ không thấy Chúa bằng giác quan, nhưng họ thấy Người với cả trái tim. Thiên Chúa muốn cho giác quan chúng ta ra tăm tối, để niềm tin được ăn rễ sâu trong Người.
Miguel de Unamuno viết: “Tôi tin vào Thiên Chúa như tin vào một người bạn, vì tôi cảm nhận được hơi thở tình yêu của Người, cảm nhận được bàn tay vô hình và khả giác của Người tác động đến tôi”.
Nhà sinh vật học Jean Henry Fabre sau 87 năm khảo sát và suy tư đã phải thốt lên: “Tôi không thể nói rằng tôi tin vào Thiên Chúa, mà là tôi trông thấy Người”. Thấy Chúa là Cha rất nhân từ hằng yêu thương chăm sóc con người, và thấy mọi người là anh em với nhau. Cha Michel Quoist có viết: “Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Người để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Ðức Kitô”. Lạy Chúa, xin cho chúng con được thấy Chúa đi ngang qua cuộc đời chúng con, để chúng con tin Chúa đang sống động, hiện diện, thật gần, ngay bên cạnh chúng con, trong cuộc sống và trong người anh em. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
- Mảnh suy tư
Ðiều cốt yếu thường không nhìn thấy được.
Thế giới hữu hình chỉ là một phần của thế giới rộng lớn hơn bao gồm nhiều điều vô hình.
Nhiều khi thị giác, thính giác và xúc giác lại là trở ngại cho cảm xúc và suy nghĩ.
Ðôi khi cần phải tin thì mới thấy được.
Tối quá người ta không thấy, nhưng sáng quá người ta cũng chẳng thấy.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, thánh Tôma đã đòi đụng chạm đến Ðức Giêsu Phục sinh để có dấu hiệu chắc chắn nâng đỡ niêm tin của mình. Niềm tin của chúng ta cũng còn yếu kém lắm, chúng ta hãy sốt sắng nguyện xin:
- Xin cho Hội thánh Chúa ngày nay / là những người chỉ gặp Ðức Giêsu trong đức tin / luôn vững tin vào Chúa Phục sinh / để nâng đỡ niềm tin cho nhiều người khác.
- Xin cho những người còn “cứng lòng tin” trên khắc thế giới / có được cơ hội gặp gỡ Ðức Giêsu để dẹp bỏ thành kiến và mặc cảm / mà đón nhận tình thương cứu độ của Người.
- Xin cho những người đang gặp khủng hoảng về đức tin / hoặc đánh mất niềm tin vì gặp nhiều gian nan thử thách / tìm được những người biết cảm thông và chia sẻ niềm tin cho họ.
- Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta biết nêu gương sáng về đức tin cho nhau / bằng việc sống đức tin và truyền bá đức tin cho người khác.
Chủ tế : Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã phán rằng: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con là những người không được thấy Chúa, cũng luôn vững vàng tin rằng Chúa đã sống lại và ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa là đáng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Nhờ Ðức Kitô, với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, chúng ta đã trở thành con Thiên Chúa. Vậy chúng ta cũng hãy cùng với Ngài và trong Ngài dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha.
- Chúc bình an: Sau khi sống lại, Ðức Giêsu đã ban bình an cho các môn đệ. Giờ đây chúng ta cũng hãy chúc cho nhau được bình an.
VII. Giải tán
Anh chị em hãy nhớ lời Ðức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Chúa sai anh chị em đi, anh chị em hãy đi bình an.
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái