Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
LỄ CHÚA BA NGÔI – 27.05.2018 – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ
  • TUNG GIEO LỜI PHÚC ÂM  – Hạ Vấn
  • CẢM NGHIỆM CHÚA BA NGÔI – Lm. Nguyễn Thái
  • HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG – Lm. Đinh Lập Liễm
  • HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG –Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
  • HÃY ĐI VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ - Lm. Jude Siciliano, OP
  • THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU – Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

TUNG GIEO LỜI PHÚC ÂM (Mt 28:16-20)

Hạ Vấn

Thầy trò cùng nhau đi lên một ngọn núi. Giờ chia tay ngậm ngùi và quyến luyến khó tả. Sau ba năm được Thầy đào tạo, các môn đệ được sai đi để làm việc Thầy truyền. Lệnh truyền của thầy là đem tin hạnh phúc đến cho muôn người ở mọi nơi. Nhiệm vụ của người tông đồ là rao giảng và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ giống như các ông thông qua phép rửa nhân danh Ba Ngôi chí thánh.

Hình ảnh các môn đệ họp nhau ở Giêrusalem rồi tản đi khắp tứ phương thiên hạ gợi lên hình ảnh của bông hoa bồ công anh. Một bông hoa thật mỏng manh và nhẹ nhàng. Bông hoa ấy sau khi nở hết mình thì nó sinh ra bao là hạt giống với cánh nhẹ tênh. Hoa tàn nhưng hạt trổ sinh. Một làn gió nhẹ làm cho muôn hạt giống tung bay khắp nơi. Hạt nhẹ nhàng tùy vào sức thổi và hướng của gió mà đi. Các môn đệ gắn bó với Chúa Giêsu một thời gian khá dài. Ba năm không phải là ít ỏi. Họ học được những điều tuyệt diệu ẩn chứa trong lời dạy và lối sống của Thầy Giêsu. Thầy dạy họ muốn lên đường rao giảng thì cần sự nhẹ nhàng thanh thoát. Đi không mặc nhiều, tiền tiêu không có, gian khó không ngỡ ngàng, được tiếp đón nồng hậu thì gởi lời chúc phúc trước khi rời đi. Sứ vụ của người môn đệ sẽ thật dễ dàng khi tâm hồn và hành trang nhẹ nhàng.

Sự nhẹ nhàng sẽ chẳng bao giờ có được khi người ta ôm vào mình bao ước muốn tầm thường của sự tích trữ và chiếm giữ của cải thế gian. Hạt bồ công anh sẽ chẳng bay được nếu nó nặng trĩu vì có quá nhiều tinh bột trong mình. Người môn đệ của Chúa sẽ rất khó đi rao giảng nếu lòng họ còn vương vấn củ hành củ tỏi nơi gia đình và người thân. Chính vì vậy Thầy Giêsu mới nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8:34). Có thể nói từ bỏ chính mình là một điều khó. Nhưng đó là điều kiện để đi rao giảng. Thế, từ bỏ để làm gì? Tại sao phải từ bỏ mọi sự thuộc về mình.

Từ bỏ mình hay nói khác đi là làm cho mình hoàn toàn trống rỗng. Mình bỏ đi những gì ích kỷ của bản thân. Để cho Thiên Chúa lấp đầy tâm hồn mình. Mục đích của từ bỏ mình là để sống cho Chúa, sống với Chúa và trong Chúa. Từ bỏ mình để tất cả mọi sự mình làm đều quy về Chúa. Từ bỏ mình để rao truyền về Chúa. Vì nếu mình không từ bỏ cái tôi thì khi rao giảng, người môn đệ sẽ đề cao và ảo tưởng về bản thân. Lúc đó thay vì rao giảng lời Chúa, người môn đệ rao giảng về mình. Thay vì để Chúa lớn lên trong lòng mọi người, họ lại làm cho hình ảnh mình trở thành thần tượng trong lòng người nghe. Điều này liên quan đến nội dung của việc rao giảng. Nội dung của lời rao giảng chính là về Thiên Chúa Tình Yêu. Mọi thông điệp của người môn đệ không gì khác hơn là Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài đã tạo dựng, cứu chuộc và ban cho con người sự sống đời đời thế thôi. Tất cả những điều đó xuất phát từ mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh. Mầu nhiệm Ba Ngôi là nền tảng của mọi lời rao giảng. Người môn đệ chẳng cần nói gì về tình yêu xuất phát từ Ba Ngôi lan tỏa đến với mọi loài. Mầu nhiệm cao siêu ấy được thể hiện cách hữu hình nơi đời sống và lời dạy của Thầy Giêsu. Lời rao giảng của môn đệ là chính lời và về con người Giêsu sống động. Thầy Giêsu đã huấn luyện và truyền dạy cho các môn đệ tâm huyết của mình. Ngài cho các ông ở cùng để các ông thấy những gì Ngài dạy, thấm những gì Ngài làm. Và đến lượt các ông, khi ra đi nhờ sự thức đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ông tung gieo lời ân phúc cho mọi người.

Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động cùng với các môn đệ. Ngài là ngọn gió thổi đi những hạt giống của bông hoa bồ công anh. Ngài đem hạt giống đến đâu Ngài muốn. Có hạt rơi vào nơi khô cằn sỏi đá, có hạt rơi vào vách núi cheo leo, có hạt rơi vào đất đai phì nhiêu tươi tốt. Tất cả đều mọc và trổ sinh nhiều hạt giống khác nữa. Hạt giống trổ sinh hạt giống. Nhờ sức năng động của Thần Khí mà lời ân phúc được tràn lan trên khắp cả địa cầu. Mỗi người Kitô hữu là một hạt giống. Là Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ trổ sinh và ươm mầm cho hạt giống Phúc Âm lan tỏa. Bí quyết được trao lại là từ bỏ để nhẹ nhàng, nương mình theo Thần Khí, hy sinh để tốt tươi, chết đi để sinh muôn vàn bông hạt khác. Lời ân phúc tung bay khắp cả địa cầu này là nhờ những bông hoa như thế đó.

Hạ Vấn

CẢM NGHIỆM CHÚA BA NGÔI (Mt 28:16-20)

Lm. Nguyễn Thái

Một phụ nữ nhà quê chia sẻ về cảm nghiệm Chúa Ba Ngôi của mình như sau: mỗi ngày trước khi đi ngủ con dành ra ba phút cầu nguyện rồi đi ngủ. Chỉ ba phút thôi vì suốt ngày con phải buôn bán cực nhọc, tối về mệt. Phút thứ nhất, con nhìn lại những khuyết điểm: gây lộn với hàng xóm, mua rẻ bán đắt, cân thiếu cho khách hàng… Con dâng lên cho Chúa Cha. Phút thứ hai, con nhìn lại những điều tốt đã làm: giúp đỡ em bé, người già yếu, người hàng xóm…dù chỉ là một miếng bánh hay một cọng hành. Con dâng lên cho Chúa Giêsu để góp phần nhỏ bé vào công cuộc cứu chuộc nhân loại, để đền bù tội lỗi của con và để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Phút thứ ba, con so sánh những việc tốt và xấu đã làm trong ngày. Nhiều khi việc xấu nhiều hơn tốt. Con dâng tất cả cho Chúa Thánh Thần, xin Chúa thánh hóa và biến đổi cuộc sống của con mỗi ngày tốt đẹp hơn. Chỉ làm như vậy thôi, nhưng con đã sống Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Sách Giáo Lý Công Giáo số 237 khẳng định rằng: “Bản tính sâu xa của Ba Ngôi là một mầu nhiệm mà lý trí con người và cả đức tin của Israel trước khi có việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa và sứ mạng của Thánh Thần, không thể nào biết tới được.”

Một ngày nọ, khi đang đi dạo dọc theo bãi biển để suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, thình lình Thánh Augustinô trông thấy một em bé gái đang chơi loay hoay một mình trên bãi biển. Bé đào một cái lỗ trên bãi cát, rồi chạy xuống múc nước biển bằng một cái ly nhỏ đổ vào cái lỗ. Bé cứ chạy đi chạy lại múc nước biển bằng một cái ly nhỏ rồi đổ vào cái lỗ trên cát. Thánh Augustinô đến gần em và nói: “Này bé, bé đang làm gì vậy?” Cô bé trả lời: “Bé đang cố gắng múc cạn nước biển mà đổ vào trong cái lỗ này!” Thánh nhân mới hỏi bé: “Bé nghĩ thế nào mà bé có thể múc cạn được nước biển bao la vào trong cái lỗ nhỏ xíu bằng cái ly tẻo teo này?” Cô bé ngước mắt lên, trả lời với thánh nhân rằng: “Và ngài, làm thế nào ngài dám nghĩ rằng ngài có thể hiểu được sự bao la vô cùng của Thiên Chúa bằng cái trí khôn bé bỏng của ngài được”. Trả lời xong, em bé biến mất.

Khi phải cắt nghĩa về Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta phải khiêm tốn chấp nhận sự hạn hẹp của tri thức con người. Tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi đã được phát triển vào thời sơ khai của Giáo hội. Qua sự mạc khải trong Thánh Kinh, kết hợp với kinh nghiệm sống về Thiên Chúa, các tín hữu thời sơ khai đã cảm nghiệm về Thiên Chúa như là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ, và Đấng Thánh Hóa bằng từ ngữ Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó từ ngữ Ba Ngôi Thiên Chúa đã xuất hiện trong tín điều và truyền thống lịch sử của Giáo Hội.

Chúng ta đã nghe rất nhiều cách cố gắng cắt nghĩa về Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn như nước ở thể lỏng, thể đá lạnh, thể bốc hơi. Ba hình thể khác nhau, nhưng vẫn là nước H2O. Hoặc hình ảnh của lá cây “shamrock”, ba lá mọc trên một cuống, quốc huy của người Ái Nhĩ Lan. Có người dùng hình tam giác, ba góc đều nhau trong một tam giác. Hoặc một người với ba danh nghĩa: vừa là mẹ, là chị, là con gái, vân vân và vân vân… Nhưng những cách cắt nghĩa này chẳng gây cho tôi một ấn tượng nào. Điều làm cho tôi rung cảm chính là những cảm nghiệm riêng tư qua sự gặp gỡ với Chúa Ba Ngôi trong đời sống. Sự gặp gỡ này vượt ra khỏi những cắt nghĩa trừu tượng.

Trước tiên, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Chúng ta đã có lần đến thăm bệnh nhân ở bệnh viện. Nói đến bệnh nhân thì làm sao mà vui được. Nhưng có một loại “bệnh nhân” phải nằm ở bệnh viện nhưng lại vui. Đó là các bà mẹ sinh em bé tại khu hộ sản. Nơi nào trong bệnh viện cũng phải nghe những tin xấu, chỉ có khu hộ sản là nghe những lời chúc mừng vui vẻ. Thân nhân, bạn hữu đến thăm em bé sơ sinh với hoa, bong bóng và khuôn mặt vui mừng của họ. Và người vui nhất bao giờ cũng chính là người mẹ bồng con thơ trong cánh tay mình. Nhất là những người mẹ lần đầu tiên lên chức làm mẹ!

Đó là nguồn vui được bồng em bé sơ sinh trong cánh tay. Đây là một phép lạ hiển nhiên của Thiên Chúa. Em bé nhỏ xíu với hai bàn tay tròn trịa, đôi bàn chân mũm mĩm, đầy đủ tất cả mọi bộ phận làm thành một con người. Em bé dù rất nhỏ bé nhưng lại là nguồn vui lớn lao của mọi người trong gia đình.

Bé lớn lên từng ngày. Mỗi ngày một lớn hơn, với ánh mắt long lanh sáng ngời, với nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt tròn trịa. Sự hiện diện của em là tất cả yêu thương và niềm vui. Một con người tuy nhỏ bé nhưng được sinh ra đã xác định một sự hiện hữu trọn vẹn trên cuộc đời này. Em đã nối kết với biết bao liên hệ thương mến xung quanh. Em có tên, có tuổi. Em từ từ lớn lên, càng lớn em càng khẳng định sự hiện hữu hoàn hảo hơn qua vóc dáng, khuôn mặt, và tính tình. Tên em và hình ảnh của em trở nên quen thuộc, in vào tâm trí mọi người. Em đã hòa nhập và trở nên một với cuộc sống. Đối với gia đình, cuộc sống không thể vắng bóng em. Sự vắng mặt của em nơi gia đình sẽ tạo nên nhớ nhung, trống vắng. Em từ hư không mà trở nên có, có một cách vô cùng quý giá!

Chỉ một năm trước đây không ai biết em ở đâu, hình ảnh ra sao. Chưa có ai dành cho em một chút mến thương nào, vì em là con số không. Con số không của hiện hữu, của liên hệ tình cảm. Em ra đời như một mầu nhiệm của sự sống, và của Thiên Chúa Sáng Tạo. Em là tuyệt tác phẩm của tình yêu thương giữa cha và mẹ, và của Ba Ngôi Thiên Chúa. Em ra đời cha mẹ sung sướng đến ứa nước mắt!

Quả đúng như lời Thánh Kinh đã diễn tả: “Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! (Is 43:1) Từ đời đời, trước khi tạo thành vũ trụ, Ta đã chọn ngươi (Ep 1:4). Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót (Gr 31:3). Ta đã nâng các ngươi từ trong lòng mẹ, đã hứng các người từ lúc chưa chào đời (Is 46:3). Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta (Is 49:16). Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và thương mến (Is 43:4). Bất cứ ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi (2 Sm 7:9).

Thứ đến, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, Đức Giêsu Kitô: Một linh mục vừa được đổi về làm phó xứ ở một xứ đạo mới. Xứ đạo ở ngay trung tâm của những người đồng tính luyến ái – gay & lesbian. Khi về làm việc nơi đây, linh mục đó mới nhận ra nguy cơ bị lây nhiễm HIV trong những cộng đồng của họ. Và đặc biệt, sau khi xức dầu cho một số bệnh nhân sắp chết vì bị bệnh AIDS, linh mục mới thấy rõ mặt tử thần. Từ đó trở đi, nỗi sợ hãi cứ ám ảnh mãi, ngay cả khi dâng Thánh Lễ, và cách riêng mỗi khi chịu lễ chung một chén thánh với các người khác.

Sau ít ngày, cha được mời đến dâng Thánh Lễ tại St. Bonaventure House, nhà chăm sóc những người bị bệnh AIDS, cha dự trù sẽ dâng lễ bằng chén thánh riêng, nhưng người phụ trách nói họ đã có đầy đủ tất cả đồ lễ trong nhà nguyện rồi. Cha thú nhận rằng cha dâng Thánh Lễ trong sợ hãi. Mồ hôi toát ra, mặc dù đang là mùa thu, nhà nguyện chưa mở máy sưởi. Lần đầu tiên trong cuộc đời linh mục cha dâng lễ và chịu lễ chung một chén thánh với các anh em bị bệnh AIDS. Chính lúc này cha mới thấy đức tin còn yếu quá! Chưa đủ mạnh để tin Chúa Giêsu Kitô hiện diện nơi hình bánh và rượu. Cha rước Chúa mà kinh khiếp, sợ hãi, và âu lo như là rước lấy siêu vi trùng HIV vậy! Sau khi rước lễ, cha nhắm mắt lại cầu nguyện với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho con, con đã đồng hóa Chúa với siêu vi trùng HIV. Ngày con dâng Thánh Lễ mở tay với lòng hân hoan và cảm tạ bao nhiêu, thì giờ đây con âu lo và khiếp hãi bấy nhiêu. Xin gia tăng đức tin cho con, một con người hèn nhát và rất yếu đuối.”

Rồi trong thinh lặng, tự đáy tâm hồn cha, vang lên lời nhắn nhủ: “Ta đã nhập thể, xuống thế làm người, tức là mang lấy sự chết, mang lấy siêu vi trùng HIV. Cái chết của Ta trên Thập Giá có đau đớn hơn là chết vì bệnh AIDS không? Tại sao con lại sợ? Tại sao con lại làm như thể con sẽ không phải chết? Làm người là mang lấy mầm mống của sự chết. Bắt đầu sinh ra là khởi sự cuộc hành trình về cõi chết. Ai mà không phải chết? Sợ gì! Hãy làm nhân chứng tình yêu cho Ta, vì Ta đã đi vào cõi chết và đã toàn thắng. Ta là Thiên Chúa của sự sống chứ không phải của kẻ chết” (Mt 22:32).

Trong một khoảnh khắc cha đã cảm nghiệm được sự gặp gỡ với Đức Kitô ngự trong Mình và Máu Thánh. Tất cả những âu lo tan biến. Bình an trở lại. Sau Thánh Lễ, cha vui vẻ bắt tay mọi người bệnh nhân.

Thứ ba, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Thánh Hóa, Chúa Thánh Thần: Chúng ta đã gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ, Đức Giêsu Kitô, và chúng ta biết rằng Thần Khí của Thiên Chúa cũng đang hiện diện ở trong ta, và hướng dẫn ta trong các việc mục vụ và thờ phượng mỗi ngày. Trước khi từ giã các tông đồ, Chúa Giêsu đã hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-14).

Bà Helen Keller, xưa kia được hỏi là có điều gì tệ hại hơn là bị mù lòa không. Bà đã trả lời rằng “đó là có thể nhìn được mà không thấy gì hết.” Sống mà không có một viễn tượng nào, không cảm thấy gì thì giống như người có mắt nhìn mà chẳng thấy. Điều này giống như sống mà không có Thần Khí của Thiên Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi đã gây ấn tượng và cảm xúc cho tôi. Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ, và Đấng Thánh Hóa qua sự gặp gỡ cá nhân của tôi hằng ngày trong mọi hoàn cảnh. Cuộc đời của tôi sẽ không được như hiện tại nếu tôi không gặp Ngài. Xin hãy ca ngợi Ba Ngôi Thiên Chúa cùng với các thiên thần Xê-ra-phim: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6:3).

Lm. Nguyễn Thái

HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG

Lm. Đinh Lập Liễm

Chúa Ba Ngôi Trong Đời Ta.

Hôm nay chúng ta đi vào mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô Giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người không thể nào có thể hiểu hay hình dung được. Trong Cựu Ước, dân Do Thái chỉ được mạc khải cho biết là chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chỉ được tôn thờ một mình Ngài: ”Hôm nay, các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa chớ không có Chúa nào khác” (Đnl 4,39).

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Theo bài Tin Mừng hôm nay, trước khi về trời, Đức Giêsu đã tập họp các môn đệ lại ở trên núi để dặn dò một điều sau cùng: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).

Đức Giêsu chỉ mạc khải cho chúng ta biết có một Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, còn tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi thế nào thì Ngài dành cho Chúa Thánh Thần, Đấng là hồn sống của Hội Thánh sẽ soi sáng và giữ gìn kho tàng đức tin. Bởi vì Thánh Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha; thời loan báo Tin Mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời hậu Tin Mừng Công Vụ Tông Đồ ghi lại là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

Cựu Ước chưa có mạc khải về Chúa Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nhấn mạnh về một đức tin độc thần: Chỉ duy Đức Chúa mới là Thiên Chúa độc nhất hiện hữu và ban ơn cứu độ (Ex 15:2; Is 12:2). Mười điều răn được ban cho dân Israel thì điều răn quan trọng nhất là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” (x. Xh 20,3).

Tin Mừng Matthêu ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, mạc khải rõ ràng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: ”Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sách Công Vụ Tông Đồ của Luca ghi lại bài giảng của Tông Đồ Phêrô có câu: ”Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33). Tin Mừng Gioan đã nhiều lần đề cập đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: ”Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Còn Thánh Phaolô diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong thư gửi cho tín hữu Côrintô ở phần chào thăm: ”Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13).

Chúng ta chỉ có thể biết được mạc khải về Chúa Ba Ngôi trong những đoạn Kinh Thánh nêu trên. Theo đó, Đức Giêsu cho chúng ta biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha (Jn 3:16). Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài (Jn 17:21-22), nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa, và Ngài với Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến cũng là Thiên Chúa (Jn 14:16,26; 15:26; 16:13). Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất (Jn 13:3) nhưng có Ba Ngôi vị riêng biệt chứ không phải là Ba Thiên Chúa. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng nên Ba Ngôi bằng nhau, không Ngôi nào lớn hơn. Trong các kinh cầu đều có câu: ”Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”: Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

Về công việc của mỗi Ngôi vị, chúng ta được biết khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người, Thiên Chúa xuất hiện như một người Cha. Ngài dùng Lời quyền năng làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3). Ngài còn tiếp tục quan phòng để các tạo vật tồn tại và ngày một tiến hoá. Khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu, để thiết lập Nước Trời. Cuối cùng Ngài đã chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người (I Pet 3:18). Khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Cha lại sai Thánh Thần đến tiếp tục chương trình cứu độ, bằng việc ban ơn thánh hoá để giúp loài người nên con Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ của Đức Giêsu (Lm Đan Vinh).

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Thánh Augustinô là một bậc tài trí cũng không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cầm một vỏ hến mà tát cạn đại dương còn dễ hơn là thấu hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cứ tin, cứ yêu đi rồi sẽ hiểu. Dĩ nhiên chĩ hiểu được một phần rất nhỏ theo kiểu loại suy thôi.

Sau khi chấm dứt buổi diễn thuyết chống lại Chúa và các công trình của Ngài, diễn giả mời cử toạ lên diễn đàn, để đặt câu hỏi.

Một người bước lên. Anh này là một người nghiện rượu, vừa mới được cải hóa. Đứng trước thính giả, anh ta lấy từ trong túi ra một trái cam và chậm rải lột vỏ. Chờ mãi, ông diễn giả bực mình bảo anh ta hãy đặt câu hỏi đi. Nhưng, anh ta cứ từ từ làm tiếp cái công việc lột vỏ cam, và không trả lời. Lột vỏ xong, anh ta từ từ ăn cam. Ăn xong, anh ta mới quay về phía diễn giả và hỏi: “Ông thấy trái cam có ngọt không?” Diễn giả gầm lên: “Đồ khùng! Làm sao tôi biết được là ngọt hay chua, vì tôi có nếm đâu?” Lúc ấy, anh chàng thính giả mới nói: “Thế thì làm sao ông có niềm tin vào Chúa, nếu ông không bao giờ nếm thử Ngài” (Gm Arthur J. Tonne, Stories for Sermons, tập 13).

Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết một phần nào về Chúa Ba Ngôi, các nhà thần học đã dùng những hình ảnh để diễn tả, dĩ nhiên những hình ảnh này chỉ diễn tả được một phần nào về Chúa Ba Ngôi, còn mầu nhiệm thì vẫn còn là mầu nhiệm, không thể hiểu được.

Thánh Patrick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”, tuy chỉ có một lá nhưng do ba lá nhỏ dính vào nhau. Thánh Ignace de Loyola thường dùng hình ảnh ba nốt nhạc trong một hợp âm. Tuy ba nốt nhạc khác nhau nhưng cùng làm nên một hợp âm nghe du dương. Hoặc chúng ta có thể dùng hình ảnh nước để diễn tả: nước có thể ở thể hơi, thể lỏng và thể đặc. Tuy chỉ là nước mà có thể ở được những dạng khác nhau. Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc, ba cạnh đều nhau. Thời gian có thể là quá khứ, hiện tại và tương lai. Và còn rất nhiều hình ảnh khác mà chúng ta không cần kể ra hết.

Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay là một dịp để chúng ta nhắc lại bí tích Rửa Tội. Nhờ phép Rửa, chúng ta được tẩy sạch tội nguyên tổ và tội riêng đã phạm, được ơn thánh hoá, được nhận làm con Chúa, được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và được thừa hưởng Nước Trời nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ngày lễ nhắc nhở chúng ta hãy trung thành với Chúa, thi hành những điều đã hứa khi chịu phép rửa tội là từ bỏ ma quỉ và những việc làm của chúng; đồng thời nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn để ta luôn sống trong tình con thảo đối với Chúa để lúc nào cũng có thể thưa với Ngài: ”Abba, Cha ơi” (Rm 8:15; Gal 4:6).

Năm 500, vua Clovis và rất nhiều binh sĩ xin được rửa tội qua bàn tay của Thánh Rémi tại thành Reims. Trước khi ban phép Rửa Tội, Thánh nhân tuyên bố với nhà vua của bộ lạc Franc: ”Từ đây ông sẽ thờ Đấng mà ông đốt và đốt những cái mà ông thờ.” Và nước phép Rửa Tội đã chảy trên trán của Clovis và ba ngàn binh sĩ, nhờ công ơn và lời cầu nguyện của bà thánh Clotilde, hoàng hậu.

Nhờ phép Rửa và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần chúng ta được nhận làm con Chúa. Đã là con thì chúng ta được thừa hưởng mọi quyền lợi của kẻ làm con Chúa (Rm 8:14-17), nhất là chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Chúa (II Pet 1:4). Đấy là một vinh dự lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người chúng ta vì Đức Chúa Cha bởi yêu thương đã dựng nên loài người và tôn lên làm con Ngài để có quyền thừa kế Nước Trời (Eph 1:3-14).

Ông vua kia nuôi một con chim hót rất hay, ông vua yêu nó lắm, mua những thức ăn nó thích nhất, sắm cái lồng vàng. Một ngày kia nghe nó hót líu lô, ông vua say mê, và vì yêu nó quá, nên nghĩ rằng: thôi, ta nhận nó làm con, để ăn gia tài của ta. Ông vua nghĩ thế; người ta cho là yêu đến phát điên. Thực ra, Chúa đã yêu ta đến thế: Thiên Chúa mà nhận con người làm con! Thật là hạnh phúc quá (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật B, t.2, tr 124).

Khi đã trở thành người con Chúa chúng ta được tham dự vào đời sống của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta có Chúa ngự trong mình vì Chúa đã nói: ”Ai yêu mến Thầy và tuân giữ các lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến nó, Chúng Ta sẽ đến ở trong nó và Chúng Ta sẽ lập cư trong nhà nó” (Ga 14,23). Thánh Phaolô cũng xác quyết: ”Anh em lại không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao?”(1Cr 3,16-17; 6,19).

Các thánh đã sống mầu nhiệm này một cách hết sức ân cần và thân mật. Việc Chúa Ba Ngôi ở trong tâm hồn đã ghi sâu vào tâm trí các ngài và làm cho các ngài không bao giờ cảm thấy cô đơn lẻ loi. Thánh Têrêsa Hài đồng đã nói: ”Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, Chúa trở nên tù nhân bị giam hãm trong hồn con.”

Thánh Gioan nói: ”Thiên Chúa là Tình yêu” (I Jn 4:8,16). Ngài là nguồn gốc mọi tình yêu. Ngài san sẻ cho chúng ta tình yêu của Ngài để chúng ta yêu Ngài và yêu thương nhau. Điều răn mến Chúa yêu người phải được thực hiện song song, mà muốn yêu Chúa thì phải yêu người (I Jn 4:20-21).

Khi nói đến yêu thì phải nói yêu ai chứ không chỉ nói yêu suông. Mà nếu không yêu ai thì chỉ là yêu mình. Yêu thương là phải biết hy sinh, phục vụ người khác. Yêu thương là phải biết cho đi, phải biết trao cái mình có nhất là chính bản thân mình vì cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận (Act 20:35).

Thiên Chúa Ba Ngôi là hình ảnh tuyệt vời của sự hiệp nhất. Chúa Cha yêu thương đã sinh ra Chúa Con và tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đã làm phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Tuy Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, trong sự yêu thương và hiệp nhất. Cuộc sống của cộng đoàn cũng cần phải có sự hiệp nhất theo gương Chúa Ba Ngôi để lúc nào cũng vang lên câu Thánh vịnh: “Anh em xum họp một nhà; Bao là tốt đẹp bao là thú vui” (Ps 133:1).

Để tỏ lòng yêu mến tôn sùng Chúa Ba Ngôi, ta phải có thái độ trân trọng khi xưng danh Chúa Ba Ngôi như khi đọc kinh Sáng Danh hay lúc làm dấu Thánh Giá: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Lm. Đinh Lập Liễm

HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Hiệp nhất trong yêu thương 

Từ ngày cắp sách vào lớp một, mỗi học sinh đều được học bài toán: 1+1+1 = 3 và nếu làm đúng như vậy thì lúc nào cũng được điểm tối đa. Trái lại, nếu có em nào làm phép tính: 1 + 1 + 1 = 1 thì sẽ bị cô giáo cho điểm O và bị phê là ngu xuẩn.

Thế nhưng trong một gia đình đầm ấm yêu thương thì 1 + 1 + 1 không còn là 3, mà chỉ là 1.

 

Hiệp thông trong gia đình

Trước đây, anh Bắc ở Hà-nội, chị Nam ở Sai-gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt. Anh và chị là hai “ngôi vị” hoàn toàn xa lạ.

Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu. Tình yêu của anh chị lớn lên từng ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.

Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân. Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng… Họ không còn là hai mà là một đúng như nhà thơ Tản Đà nhận định: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.”

Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận rằng họ chỉ còn là một mà thôi: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mat-thêu 19, 5-6)

Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!

Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi” (=ba vị), nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một. Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau. Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.

Mặt khác, tình yêu và mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với nhau: khi càng yêu thương nhau hơn thì mức độ hiệp thông càng bền chặt hơn và ngược lại, khi ghét bỏ nhau, người ta cảm thấy hoàn toàn xa cách dù sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, vợ, chồng và con cái trong nhà không còn là một mà là ba.

Như thế tình yêu là phép mầu nối kết nhiều người nên một. Những người yêu thương nhau được liên kết nên một với nhau nhưng vẫn không đánh mất bản ngã của mình.

 

Hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất thường được Giáo Hội sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6)

Khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vì tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần mênh mông như đại dương, trong khi tình yêu của các ngôi vị trong gia đình chỉ bằng giọt nước; và vì mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với mức độ yêu thương, nên sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là vô cùng mật thiết so với sự hiệp thông còn quá mong manh giữa các thành viên trong gia đình.

Chúa Giê-su mời gọi sống hiệp thông theo mô hình Ba Ngôi

Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Người chung chia hạnh phúc ấy. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Người thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23)

Và hôm nay, Chúa Giê-su hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”

Rồi Người cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội Thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.

Xin cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

HÃY ĐI VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ

Lm. Jude Siciliano, OP / Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

 

Đnl 4: 32-34, 39-40; Tv 33; Rôma 8: 14-17;  Matthêu 28: 16-20

Sách Đệ nhị luật hôm nay mở đầu bằng cặp câu hỏi: “có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế? hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?” Có lẽ chúng ta nên đổi dấu câu sau hai câu này; không phải dấu hỏi nhưng đúng hơn là một khẳng định về sự kiện và phân vân. Chúng nên được chấm vài dấu chấm cảm, vì chúng bày tỏ sự kinh ngạc, sửng sốt. “Có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế!!! Hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng!!!” Những dấu chấm cảm còn tiếp theo, “có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc!!!” Không phải là những câu hỏi, nhưng là một lời tuyên xưng vui tươi về đức tin.

Thiên Chúa của chúng ta như thế nào? Đó là Đấng khơi lên biết bao dấu chấm cảm trong ký ức và cảm xúc của chúng ta. Ôi chao! Làm sao một kết luận như thế có thể định nghĩa về Thiên Chúa được? “Chao ôi!”

Mười Điều Răn và cách mà dân đáp trả lại những đòi hỏi ấy, mãi tới chương sau của Đệ nhị luật mới xuất hiện. Dân cần được nhắc nhớ rằng Thiên Chúa khoan dung độ lượng với họ và vẫn luôn trung tín. “Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa”. Chỉ một từ “Chao ôi!” Nay chúng ta biết phải làm sao để đáp lại Thiên Chúa khoan dung rộng lượng của chúng ta. Do đó, Điều Răn không chỉ là một bản liệt kê những điều không được làm, nhưng còn là sự đáp lại với Thiên Chúa, Đấng hằng quan tâm đến chúng ta, Đấng là sự che chở, hướng dẫn và sức mạnh của Chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta không phải là người lặng lẽ đứng ngoài quan sát, nhưng là Đấng lên tiếng “giữa ngọn lửa” và chúng ta đã nghe thấy và sẵn lòng đáp lại.

Trong thư Rôma, chúng ta được khích lệ tự tin quay lại với Thiên Chúa vì Thánh Thần đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta là con cái dấu yêu của Thiên Chúa. Hôm nay là đại lễ của sự tương quan – tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa với chúng ta. Đó là mối tương quan duy nhất. Thánh Phaolô nói cho tín hữu Rôma biết họ không phải là những nô lệ khom lưng cầu xin lòng thương xót hay được để được nhận lời, nhưng họ là con. Đế quốc Hylạp và Rôma được xây dựng trên cơ cấu chủ-nô. Thử tưởng tượng xem tin này vui biết chừng nào đối với dân chúng, những người quá quen với việc làm nô lệ và sống giữa những người nô lệ, nay được nghe thánh Phaolô nói rằng chúng ta không phải là những người nô lệ, nhưng là dưỡng tử của Thiên Chúa. Làm sao chúng ta dám chắc điều này, nhất là khi chúng ta chưa cảm nhận được một tương quan khắng khít như thế với Thiên Chúa? Khẳng định đó là công trình của Thánh Thần. “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa…” Lắng nghe tiếng của Thánh Thần trong chúng ta, đảm bảo với chúng ta rằng: “Ngươi là con yêu dấu của Thiên Chúa”.

Hôm nay, chúng ta không cử hành mừng một tín điều của đức tin, nhưng mừng vì; từ trong Đức Kitô; chúng ta có  một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa; chúng ta là  con Thiên Chúa và “đồng thừa tự với Đức Kitô”. Chúng ta không cần phải sợ một Thiên Chúa chung chung và xa xôi, vì Thiên Chúa là “Cha” của chúng ta, người cha đã đến cứu và nhận chúng ta làm con. Thư Phaolô nhắc chúng ta biết rằng trong mắt Thiên Chúa, chúng ta được xem như một  nhân vị khác, “Chao ôi!”

Trong thế giới của chúng ta, việc chúng ta là ai phụ thuộc rất nơi quốc gia và nguồn gốc gia đình, những thành tích kinh tế và giáo dục. Những người nào đứng nhất sẽ được biết đến và kính trọng; những người chẳng có gì sẽ chỉ là  thành phần của đại đa số thường dân. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, được thực hiện bởi Thiên Chúa nơi Đức Kitô, trong sức mạnh của Thánh Thần. Là con Thiên Chúa, chúng ta được Thánh Thần tác động để sống căn tính của chúng ta: để nhìn người khác qua đôi mắt của Thiên Chúa, là anh chị em của ta.

Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta lưu tâm đến anh chị em chúng ta trong cộng đoàn Kitô hữu. Chung ta thuộc về  gia đình của Thiên Chúa và cảm thương chăm sóc lẫn nhau, không phải như những nô lệ khúm lúm làm theo mệnh lệnh, nhưng như “dưỡng tử”. Vì thế, chúng ta phục vụ không phải vì sợ hãi, hay bị ép buộc nhưng như con cái Thiên Chúa được đảm bảo chắc chắn về phận vị của mình trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô đảm bảo rằng là con cái Thiên Chúa, chúng ta “được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô”. Là người thừa kế, chúng ta mong chờ gia sản mà chúng ta chưa có. Niềm hy vọng đó kiện cường chúng ta để chúng ta có thể chịu đựng và vượt qua những khốn khó hiện nay.

Thời các môn  đệ, các ngài cảm nghiệm được những xung đột giữa họ khi sứ vụ vượt ra khỏi khuôn khổ  của những người Dothái để đi ra với thế  giới Dân Ngoại. Chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự khi vươn ra với những nền văn hóa đa dạng và những kiểu giải thích đức tin cũng như thực hành tôn giáo của họ. tại sao chúng ta vượt qua những khó khăn và phải đón nhận những yêu cầu quá sức như thế? Vì lời Đức Giêsu trong Tin mừng Mátthêu là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Không có một nhóm nào trên thồ gian được gọi là “môn đệ hạng nhất”. Không nên có những phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác hay giàu nghèo. Tất cả chúng ta đều lãnh nhận Phép Rửa của các môn đệ và được kêu gọi để thông dự trọn vẹn vào cộng đoàn Kitô hữu.

Làm sao các môn  đệ biết được khi nào thì lời dạy của họ  được những người nghe đón nhận? điều kiện tiên quyết  ở giai đoạn này không phải là vấn đề giáo lý nhưng là thái độ luân lý. Những người được rửa tội và được nghe các môn đệ rao giảng thực hành những gì Đức Giêsu dạy các môn đệ: yêu mến Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu đó qua việc yêu mến người thân cận. Những gì chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính hôm nay không chỉ là tuyên xưng mang tính giáo lý, nhưng là sự xác quyết về Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch và tất cả cuộc sống của chúng ta được quy hướng về Ngài.

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu đưa chúng ta trở lại Galilê nơi các môn đệ đầu tiên được mời gọi. Khung cảnh diễn ra trên núi, cũng như những biến cố quan trọng khác trong sách thánh. Trong Tin mừng của Mátthêu, núi cao là nơi Đức Giêsu rao giảng, nơi Người biến hình và nay là lần hiện ra cuối cùng của Người.

Câu chuyện nghe giống như một trong những lần hiện ra sau phục sinh. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ; họ nhận ra Người va họ thờ lạy Người – “nhưng họ  hoài nghi”. Rồi Đức Giêsu tuyên bố quyền năng của Người và lệnhcho các môn đệ: “…hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

Phép rửa là cách mà những ai không được kinh nghiệm trực tiếp về Đức Giêsu nay có thể gặp gỡ Đức Kitô và được đưa vào trong cộng đoàn tín hữu. Tuyên tín trong phép rửa nhấn mạnh niềm tin Chúa Ba Ngôi của Giáo hội sơ khai. Sau khi rửa tội, các môn đệ còn phải giảng dạy. Hoán cải và thánh tẩy là quan trọng, nhưng không phải là những bước duy nhất trong tiến trình. Việc giảng dạy cũng cần thiết sau đó để những thành viên mới được hiểu sâu hơn về những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong đời họ. Tin mừng Mátthêu kết thúc với lời hứa của Đức Giêsu ở lại với các môn đệ, “cho đến tận thế”.

Lm. Jude Siciliano, OP Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.

Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.

II. Gợi ý sám hối

  • Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.
  • Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.
  • Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (Ðnl 4: 32-34. 39-40)

Ðây là phần kết diễn từ thứ nhất “của Môsê” nói với dân Do Thái trước khi họ vào Ðất Hứa.

Trước tiên Môsê lưu ý dân về sự uy quyền và lòng yêu thương của Thiên Chúa mà họ đã chọn tôn thờ: “Có dân nào đã nghe tiếng Thiên Chúa phán bảo từ giữa hỏa hào như các ngươi được nghe?… Có Thiên Chúa nào tìm lấy cho mình một nước giữa các nước khác bằng những dấu lạ, điềm thiêng… như mọi sự Yavê Thiên Chúa các ngươi đã làm cho các ngươi?…

Rồi Môsê khuyên dân hãy trung thành tuân giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền vừa yêu thương ấy.

  1. Ðáp ca (Tv 32)

Tv này được soạn sau thời lưu đày, ca tụng Thiên Chúa là Ðấng chủ tể của vũ trụ và lịch sử loài người, hằng yêu thương những kẻ kính sợ Ngài.

  1. Tin Mừng (Mt 28:16-20)

Ðoạn Tin Mừng này được chọn đọc trong thánh lễ hôm nay vì câu 19 “Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Trong lần gặp gỡ cuối cùng với các môn đệ trước khi về trời, Ðức Giêsu đã long trọng sai họ đi truyền giáo khắp nơi:

  • Kẻ sai họ đi là Ðức Giêsu phục sinh, Ðấng đã “được trao toàn quyền trên trời dưới đất”
  • Ngài còn hứa sẽ “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
  • Mục tiêu truyền giáo là làm phép rửa cho muôn dân “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” và dạy người ta tuân giữ những lệnh truyền của Ðức Giêsu.
  1. Bài đọc II (Rm 8:14-17)

Ðoạn thư này cho thấy vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống kitô hữu:

  • Kitô hữu là người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn
  • Nhờ đó họ có thể sống thân phận làm Con như Ðức Giêsu
  • Họ có thể gọi Thiên Chúa là Cha “Abba”

IV. Gợi ý giảng

  1. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”

Ðôi khi ta không thể làm gì hơn cho một người đang đau khổ ngoài việc ở bên cạnh họ. Nhưng việc này thật quý giá, vì người đau khổ ấy cảm thấy được an ủi rất nhiều bởi tình bằng hữu của ta. Nếu biết có ai đang ở với mình để an ủi mình thì cuộc đời sẽ khác đi rất nhiều do không còn cảm thấy cô đơn nữa.

Ðức Giêsu bảo các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và Ngài hứa sẽ ở cùng họ luôn mãi. Ngài chỉ hứa có bấy nhiêu, không có sự bảo đảm nào khác. Nhưng đó chính là sự bảo đảm quan trọng nhất Ngài có thể ban cho họ. Mặc dù Ngài không bảo đảm cho họ có một cuộc sống khỏi mọi ưu phiền, thậm chí Ngài cũng không bảo đảm là họ sẽ thành công, tuy nhiên họ ý thức rằng bao lâu Ngài còn ở với họ thì họ sẽ có can đảm và sức mạnh để có thể đương đầu với bất cứ khó khăn nào trước mặt.

Ý thức có Chúa ở cùng chúng ta không thay đổi được thế giới của chúng ta nhưng có thể cho chúng ta can đảm để đối diện thế giới ấy. Chúng ta không xin Chúa thay đổi thế giới hầu làm cho thế giới dễ chịu hơn. Chúng ta chỉ xin Ngài bảo đảm rằng Ngài sẽ luôn ở với chúng ta khi chúng ta phải đương đầu với những khó khăn. Việc Ngài luôn ở với chúng ta sẽ che chở chúng ta khỏi cảm giác cô đơn và thất vọng.

Chúa luôn ờ cùng chúng ta, nhưng chúng ta không luôn ở cùng Chúa. Những bận rộn trong cuộc sống đã cắt đứt liên hệ của chúng ta với Ngài, và khi liên hệ của chúng ta với Ngài bị cắt thì chúng ta phải mất mát thiệt thòi rất nhiều.

Vì thế, chúng ta cần bồi dưỡng ý thức có Chúa luôn ở cùng chúng ta, bồi dưỡng bằng cầu nguyện. (Viết theo Flor McCarthy)

  1. Tin tưởng vào Chúa

Lời cầu nguyện dưới đây ghi trên một mảnh giấy được tìm thấy trong thi thể một người lính trẻ tử trận trong thế chiến thứ I:

“Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ từng nói với con rằng Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua, con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau. Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây còn đã làm gì? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc! Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa.”

Tiếc là người lính trẻ này biết Chúa quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Khi chúng ta tự cho phép mình tách lìa khỏi Chúa thì chúng ta phải chịu nhiều mất mát to lớn. Mà việc chúng ta tách lìa khỏi Thiên Chúa không phải là do lỗi của Ngài. Bài đọc I hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã chủ động đến với con người để được gần gũi với con người như thế nào. Còn bài đọc II thì cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người thân thiết đến mức nào. Chúng ta không chỉ là thành viên của dân Chúa mà còn là con cái Ngài. Nếu chúng ta liên kết với Ngài thì chúng ta trở nên những kẻ đồng thừa tự với Chúa Con trong Nước Trời. (Viết theo Flor McCarthy)

  1. “Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”

Những số liệu về kết quả truyền giáo khiến chúng ta rất bi quan. Với tất cả mọi cố gắng và mọi phương tiện, mỗi năm có được khoảng nửa triệu người lớn gia nhập đạo Công giáo; nếu cộng thêm vào đó số trẻ em rửa tội nhờ cha mẹ là người công giáo khoảng 3 triệu rưỡi nữa, thì tổng cộng mỗi năm có thêm chừng 4 triệu người rửa tội. Trong khi đó chỉ ở nước Trung Hoa thôi mỗi năm có thêm 12 triệu dân, nghĩa là số dân Trung Hoa sinh ra trong một năm đã gấp 3 lần số người công giáo tăng thêm trên toàn thế giới. Năm 1960 số người công giáo toàn thế giới là 500 triệu, dân số Trung Hoa khoảng một tỉ rưởi, nghĩa là gấp 3 lần người công giáo trên toàn thế giới, năm 2000, số giáo dân hoàn cầu khoảng 600 triệu, còn dân Trung Hoa khoảng 2 tỉ rưỡi, nghĩa là giáo dân toàn cầu chỉ còn bằng 1/5 số dân của chỉ riêng một nước Trung Hoa. Ðó là ta đem tổng số giáo dân của toàn thế giới so sánh với dân số của chỉ một nước Trung Hoa thôi, chứ nếu so với tổng số nhân loại thì còn thể thảm hơn nữa. Cứ cái đà này thì giáo dân hiện này đã là một thiểu số trong nhân loại, mà càng về sau thì cái thiểu số đó càng nhỏ đi, tỉ lệ càng nhỏ đi hơn nữa. Như thế, có thể nói việc truyền giáo là một thất bại!

Nhưng đó là chúng ta tính trên những con số người được rửa tội, những con số rất bi quan. Còn nếu chúng ta nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác thì lại lạc quan. Chẳng hạn như mỗi khi một nơi nào đó trên thế giới gặp thiên tai như động đất, lũ lụt v. v. thì rất nhiều nước trên thế giới không phân biệt lập trường chính trị hay ý thức hệ lập tức gởi tiền bạc, lương thực, thuốc men, quần áo và nhân viên đến cứu trợ. Tinh thần bác ái xã hội của nhân loại càng ngày càng lớn thêm. Nhân loại cũng càng ngày càng biết tôn trọng phẩm giá con người hơn, càng ngày càng tôn trọng nhân phẩm của người phụ nữ hơn, càng ngày càng tôn trọng trẻ con hơn, càng ngày tôn trọng nhân quyền hơn… Do đâu mà có những sự tiến bộ đó? Chắc hẳn là do ảnh hưởng của tinh thần Tin mừng Kitô giáo. Nói như vậy không phải là dành công cho Kitô giáo một cách hồ đồ, mà có bằng chứng rõ ràng: trước khi Kitô giáo được truyền bá loài người đã sống như thế nào? Khi đó, đa thê là tình trạng đương nhiên: Một người đàn ông có quyền có nhiều vợ và muốn bỏ vợ lúc nào tuỳ ý. Khi đó người cha cũng có toàn quyền sinh sát trên con cái: sinh con ra nếu nó không phải là con trai, hay nếu nó tàn tật thì người cha có quyền giết chết nó đi không ai coi là tội. Khi đó chế độ nô lệ cũng là tình trạng đương nhiên: Người giàu có quyền mua những người nghèo về làm nô lệ phục dịch mình, người nô lệ ấy nếu còn mạnh khoẻ thì còn được nuôi dưỡng, còn nếu đã già yếu hay bệnh tật thì chủ có quyền giết đi hay đem bán cho người khác, người nô lệ được xem cũng như con trân con bò… Thế rồi Kitô giáo xuất hiện, giáo hội mở trường dạy học cho giới bình dân, Giáo Hội rao giảng vợ chồng nhất phu nhất phụ, GH lên án tục giết trẻ con, Giáo Hội vận động huỷ bỏ chế độ nô lệ, GH dạy những người chủ phải yêu thương các tôi tớ, GH dạy người giàu phải kính trọng những người nghèo… Vì tất cả đều là người, tất cả đều là con của Chúa và là anh em bình đẳng với nhau. Và dần dần, chế độ đa thê, chế độ nô lệ, tục lệ giết trẻ em biến mất… Dần dần người ta đề cao hơn tình huynh đệ, tình liên đới xã hội v. v… Những giá trị tinh thần của Kitô giáo ấy, ngày nay người ta coi là đương nhiên, kể cả những người không phải là Kitô giáo cũng đương nhiên sống theo những giá trị tinh thần ấy. Người hữu thần và người vô thần đều coi sống như thế là đúng, là phải, là đạo đức.

Những điều kể ra nảy giờ có ý nghĩa gì đối với ngay lời Ðức Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ“? Những điều trình bày phía trên muốn cho thấy rằng: nếu quan niệm truyền giáo chỉ là rửa tội cho người ta gia nhập cơ cấu hữu hình của GH thì truyền giáo quả là một thất bại lớn. Nhưng nếu quan niệm truyền giáo chính là truyền bá và làm thấm nhuần những giá trị Tin mừng vào môi trường mình sống thì truyền giáo vẫn còn là một thành công. Cả hai cách truyền giáo đều cần và bổ sung cho nhau. Nghĩa là GH ngày nay vẫn còn phải tiếp tục đón nhận những ai đến xin lãnh nhận bí tích Rửa tội và gia nhập vào cơ cấu hữu hình của GH, nhưng GH không nên tự mãn với việc Rửa tội, mà quan trọng hơn là làm cho tinh thần Tin mừng thấm nhiễm vào thế giới. Thiết nghĩ, ngày nay phải nhấn mạnh hơn vào cách thứ 2 này, bởi vì:

  • Việc dạy giáo lý, việc Rửa tội hầu như chỉ thích hợp hơn cho các linh mục tu sĩ. Vậy thì giáo dân khỏi phải truyền giáo ư? Không, giáo dân vẫn truyền giáo được bằng nếp sống tỏa chiếu tinh thần Tin mừng cho mọi người chung quanh mình.
  • Rồi có những hoàn cảnh không tiện nói về đạo, về Chúa, về Giáo Hội. Dù không tiện như thế nhưng ta vẫn có thể truyền giáo được bằng nếp sống của ta.
  • Và cũng có thể có những người không chịu Phép Rửa tôi được, không đi đến nhà thờ được, nhưng họ vẫn sống theo những giá trị tinh thần tốt đẹp của Tin mừng. Làm sao cho có được những người như thế cũng là một điều đáng mừng rồi. Thần học gia Karl Rahner đã gọi những người đó là những “Kitô hữu ẩn danh”, nghĩa là tuy họ không có danh hiệu là Kitô hữu, nhưng thực chất họ sống y như một người Kitô hữu.

Có lẽ ngay từ ngày xưa Ðức Giêsu đã nghĩ tới cách truyền giáo đó và đề cao các đó khi Ngài giảng những dụ ngôn về Nước Trời: Nước Trời giống như men vùi trong thúng bột. Tuy men âm thầm không ai thấy nhưng nó dần dần làm cho cả thúng bột dậy men. Nước Trời giống như một cái hạt gieo xuống lòng đất, cho dù chủ có biết hay không, cho dù chủ đất thức hay ngủ, hạt giống ấy cứ ngày đêm đâm chồi mọc lên và cuối cùng thành một cây to lớn.

Công đồng Vaticanô để kêu gọi “Truyền giáo là bổn phận của mọi Kitô hữu”. Với hoàn cảnh, khả năng và phương tiện của một người giáo dân, chúng ta có thể đáp lời kêu gọi của công đồng để truyền giáo bằng cách sống như một hạt men như một hạt giống giữa những người khác, nghĩa là bằng cuộc sống của mình, Chúng ta cho người ta thấy được sự tốt đẹp của tinh thần Tin mừng và người ta ham thích sống theo đó, dù ý thức hay vô ý thức cũng tốt. Cụ thể, chúng ta hãy sống như những lời kinh Hoà Bình mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc:

Ðem yêu thương vào nơi oán thù.

Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục.

Ðem an hoà vào nơi tranh chấp.

Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Ðem niềm tin vào nơi nghi ngờ.

Ðem cậy trông vào nơi tuyệt vọng.

Ðem ánh sáng vào chốn tối tăm.

Ðem niềm vui vào nơi sầu thảm.

  1. Thiên Chúa là Tình yêu

Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Thiên Chúa là Tình yêu nghĩa là Thiên Chúa chính là nguồn gốc của mọi tình yêu, Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi Tình yêu.

Thiên Chúa là Tình yêu có nghĩa là không có nơi nào Tình yêu được trọn vẹn hoàn hảo cho bằng Tình yêu nơi Thiên Chúa. Vì thế suy gẫm về Tình yêu Thiên Chúa có thể giúp ta rút ra được những gương mẫu cho Tình yêu loài người.

Vậy hôm nay, dịp lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy suy gẫm về Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa có những đặc điểm gì?

1/ Ðặc điểm thứ nhất là Tình yêu của Thiên Chúa không cô độc.

  • TC không phải chỉ có một Ngôi tự yêu thương mình, nhưng TC có Ba Ngôi yêu thương nhau.
  • Ðiều đó cho thấy Yêu thương phải có đối tượng. Yêu thương thì là phải yêu thương ai khác mình, ngoài mình. Yêu thương không có đối tượng là yêu thương chính mình, đó là ích kỷ, nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Ngày xưa có một anh chàng tên là Narcisse không yêu thương ai hết ngoài chính bản thân anh ta, anh yêu mình đến nỗi một hôm nhìn thấy bóng dáng mình phản chiếu trên mặt nước một cái giếng, anh xúc động quá nhảy tùm xuống giếng để ôm lấy hình ảnh của mình và phải chết đuối. Về sau người ta đặt tên chứng bệnh tự yêu thương mình là chứng bệnh Narcisse.
  • Nhưng tại sao yêu thương cần phải có đối tượng? Thưa cần có đối tượng để mà chăm sóc, phục vụ, âu yếm, ban phát… nói tóm lại để mà cho đi. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó hoặc cái này hoặc cái nọ: khi thì cho một món quà, khi thì cho một sự chăm sóc, khi thì cho một cử chỉ âu yếm, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Vì thế ai yêu thương thật thì thích cho đi, trái lại kẻ nào thích lãnh nhận hơn thì là dấu kẻ đó còn ích kỷ chưa yêu thương thật.

2/ Ðặc điểm thứ hai của Tình yêu Thiên Chúa là vừa có sự khác biệt vừa có sự hợp nhất.

  • Chỉ có một TC nhưng lại có Ba Ngôi. Tuy có 3 Ngôi nhưng chỉ là một TC.
  • Có câu thơ “Mình với ta tuy 2 mà 1, ta với mình tuy 1 mà 2″. Áp dụng vào Tình yêu Thiên Chúa thì câu này có thể đổi lại là: Mình với ta tuy 3 mà một”, hơi gượng ép một chút nhưng cũng đồng một ý nghĩa.
  • Ý nghĩa đó là: TC có Ba Ngôi hoàn toàn riêng biệt nhau: Ngôi Cha là đấng tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con là Ðấng cứu chuộc loài người và Ngôi Thánh Thần là Ðấng Thánh hóa loài người. Nhưng dù khác biệt nhau mà 3 Ngôi không đối nghịch nhau, trái lại hoàn toàn hợp nhất với nhau đến nỗi cả 3 chỉ là một TC.
  • Ðiều đó có ý nghĩa là: Yêu thương thì phải chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau. Tuy nhiên những kẻ yêu thương nhau thì cho dù khác biệt nhưng không được đối nghịch xung khắc với nhau, mà phải hoà hợp với nhau.

Xin tóm lại những gì đã phân tích được từ Tình yêu của TC Ba Ngôi:

  • Yêu thương là cho đi.
  • Yêu thương là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau.
  • Yêu thương là dù có khác biệt nhưng vẫn hoà hợp với nhau.
  1. Tình yêu hiệp nhất

Trong cuộc đời của nghị viên Rémaud có một giai thoại lý thú sau đây: Lần đầu tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là nghị viên, ông Rémaud thuê phòng trong một khách sạn và trả tiền trước một tháng: 150 quan Pháp. Chủ khách sạn hỏi: – Ông có cần biên nhận không? – Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết chúng ta. – Ngài tin vào Thiên Chúa ư? – Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ? – Tôi thì không, thưa ngài. – A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!

Người ta thường nói: “Tin đạo chứ đừng tin người có đạo”. Quả thật, khi gặp người có đạo chúng ta thấy tin tưởng hơn, yên tâm hơn. Nhưng thực tế, không hẳn là như vậy! Ở đây, chúng ta muốn nói đến niềm tin vào Thiên Chúa, tin các mầu nhiệm trong đạo. Ðã tin là có liều lĩnh, mạo hiểm. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn con người khó mà hiểu thấu.

Chúng ta thường dùng một vài hình ảnh loại suy để hiểu một phần nào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ðó là hình ảnh của nước. Nước có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn, và thể lỏng. Hoặc ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất. Tuy nhiên tất cả những so sánh ấy không tránh khỏi thiếu sót, vụng về khi nói về Thiên Chúa. Chỉ có Ðấng ở trong cung lòng Thiên Chúa, Ðức Giêsu Kitô đã vén mở cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng cùng một Thiên Chúa.

Câu Kinh Thánh nổi tiếng về Ba Ngôi chính là “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt. 28:19). Và hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi được mạc khải khi Ðức Giêsu chịu phép rửa: Một hình chim bồ câu bay lượn trên mình Người, và một tiếng từ trời phán: “Con là Con Ta yêu dấu” (Mc. 1:11). Ðó là hình ảnh sống động về chân dung của Chúa Ba Ngôi. Theo thánh Tôma Aquinô thì trong cuộc Hiển Dung, tất cả Ba Ngôi đã xuất hiện: “Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong Con người, Chúa Thánh Thần trong ánh mây sáng chói”.

Thánh Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời loan báo Tin mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời hậu Tin mừng mà Công vụ Tông đồ ghi lại là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần. Kinh Tin Kính duy trì mẫu tuyên xưng này: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần ban nguồn sống.

Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta dựa vào thế giá của Ðức Giêsu, Người là sự thật (x. Ga. 8:32) nên Người chẳng lừa dối ai.

Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương. Vì “Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga. 4:16).

Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta làm dấu thánh giá trên thân xác, là in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời mình, là họa lại hình ảnh Ba Ngôi trong tâm hồn tha nhân.

Lạy Ba Ngôi chí thánh, Thiên Chúa là một cộng đồng Tình yêu Hiệp nhất. Xin cho Giáo hội tìm thấy bản tính của mình trong bản tính của Chúa Ba Ngôi. Xin cho chúng con hiệp nhất trong tình yêu, để minh chứng cho Tình yêu Hiệp nhất của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu, một tình yêu sáng tạo cứu độ và thánh hóa chúng ta; một tình yêu muốn hiệp thông với tất cả mọi người. Chúng ta hãy dâng lên Ba Ngôi lời cầu xin của chúng ta:

  1. Hiệp thông được phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, và Hội thánh phải qui hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội thánh luôn là dấu chỉ và dụng cụ của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.
  2. Thế giới và vũ trụ cũng phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà cầm quyền cũng như mọi dân tộc / biết nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích của mọi người mọi vật.
  3. Trong xã hội còn đầy dẫy những chia rẽ, bè phái, kỳ thị, hận thù, giết hại nhau / Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người sớm nhận biết rằng / người trong bốn bể đều là anh em con Một Chúa trên trời.
  4. Hội thánh có sứ vụ đem mọi người về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu xin cho cộng đồng xứ đạo chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa và với nhau / để có thể đem mọi người chung quanh về hiệp thông trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chủ tế: Lạy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần Ba Ngôi chí thánh luôn hiệp thông với nhau; xin cho mỗi người chúng con biết dẹp bỏ mọi chia sẻ, kỳ thị, hận thù; để chúng con luôn sống hiệp thông với nhau, như anh em trong một gia đình Thiên Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ

  • Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi.
  • Trước kinh Lạy Cha: Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Ðức Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta.

VII. Giải tán

Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. “Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*