- KHÔNG CHẾT ĐÂU... – Lm. Minh Trân, CRM
- CHẠM TỚI ÁO NGƯỜI – Lm. Nguyễn Thái
- ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN SỐNG – Lm. Đinh Lập Liễm
- ĐỤNG ĐẾN NGÀI – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
- CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA – TGM. Ngô Quang Kiệt
KHÔNG CHẾT ĐÂU… (Mc 4:21-43)
Lm. Minh Trân, CRM
Nếu chúng ta đã từng chứng kiến cái chết của một người thân, chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn là dường nào. Mất mát cha mẹ, vợ chồng, bạn bè… và có thể mất mát đau đớn nhất là mất mát con cái. Và sự đau đớn này nhiều khi cảm thấy hầu như không chịu nổi. Nó có thể làm cho thân xác kiệt quệ, thất đảm tâm hồn, và chẳng còn thiết tha bất cứ niềm vui nào khác nữa. Vâng, nỗi buồn chúng ta cảm nhận khi mất đi một người mà chúng ta yêu thương có thể là một điều vô cùng mãnh liệt không thể diễn tả được.
Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ đó không phải là điều mãnh liệt nhất. Không, đối với nhiều người trong chúng ta, vẫn còn có một cái gì đó mãnh liệt hơn, giúp chúng ta vượt qua những giờ phút tối tăm nhất của cuộc đời, giúp chúng ta giữ vững niềm hy vọng trước nỗi tuyệt vọng, giúp chúng ta có can đảm và sức mạnh để chỗi dậy và đối diện thêm một ngày mới. Đó là, đức tin của chúng ta.
Đối với tất cả các tín hữu, đặc biệt là đối với Kitô hữu, đức tin chính là điều tạo ra sự khác biệt hơn cả – chúng ta tin một Thiên Chúa yêu thương chúng ta trọn vẹn và mãi mãi, tin Thiên Chúa đã tạo dựng nên tất cả mọi loài và ôm ấp chúng ta trong lòng bàn tay của Ngài, tin Thiên Chúa đã thực sự trở thành một người như chúng ta, sẵn sàng đến để chỉ cho chúng ta biết cách sống, và nhất là tin một Thiên Chúa thậm chí đã tiêu diệt sự chết bằng chính việc hy hiến mạng sống mình cho chúng ta, do đó làm cho cái chết hoàn toàn bất lực.
Đó là đức tin của Kitô hữu. Đó là đức tin giúp duy trì con người chúng ta, và cho chúng ta niềm hy vọng khi người thân của chúng ta đã chết. Tin tưởng rằng “chết không phải là hết” có thể là một tia sáng hy vọng ủi an chúng ta lúc đau buồn, một tia sáng có sức mạnh để sưởi ấm tâm hồn, làm dịu đi nỗi đau. Một khi chúng ta chấp nhận chân lý đó là “cái chết của thể xác được thay đổi chứ không tận tuyệt” thì rất nhiều điều khác cũng sẽ được thay đổi và được biến đổi – thái độ, nỗi sợ hãi, sự thất vọng, và thậm chí cả nỗi đau của chúng ta… cũng sẽ được biến đổi. Đó là những gì mà đức tin có thể làm.
Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy rõ nỗi đau khi mất người thân yêu. Ông Giairô, trưởng hội đường, đến với Chúa Giêsu và cầu xin Ngài giúp con gái của ông bị ốm. Nhưng trước khi họ đến nhà thì đứa bé được thông báo là đã chết. Và khi họ đến nơi thì thấy những người hiện diện đang khóc. Có lẽ, ở trong trường hợp đó, chúng ta cũng sẽ như vậy.
Chúa Giêsu cầm lấy tay em bé và nói: “Hỡi em bé, ta truyền cho em, hãy chỗi dậy!”
Và tất nhiên, em bé và mọi người hiện diện ở đó đều kinh ngạc… đều cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng và biết ơn. Cái chết của em bé không phải là kết thúc của câu chuyện. Và chúng ta, hai ngàn năm sau, cũng tin y như vậy. Khi chúng ta phải chịu đau khổ về sự mất mát của người thân, thì chính niềm tin có thể tạo ra sự khác biệt trên thế giới – cái không chịu nổi trở nên dễ chịu hơn một chút, điều thất vọng trở nên tràn đầy hy vọng, sự giận dữ và nỗi buồn bắt đầu biến đổi thành một loại an bình chỉ có thể đến từ một Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng những cách thức và với chiều sâu mà chúng ta không thể tưởng tượng được.
Tuy nhiên, phép lạ mà chúng ta vừa nghe, đặc biệt là sự phục sinh của chính Chúa Giêsu, có ý nghĩa rất nhiều. Đó là, “khi chúng ta chết là chúng ta sẽ tiếp tục sống.” Và “chết” ở đây không chỉ hiểu trong ý nghĩa chết thể xác mà thôi. Không, khi chúng ta nói rằng sức mạnh của sự phục sinh đã tiêu diệt cái chết mãi mãi, chúng ta không có ý nói nó trong một nghĩa hẹp. Chúng ta muốn nói nó theo một nghĩa rộng.
Như chúng ta thấy, công cuộc cứu rỗi của Chúa có thể mang lại sự sống cho “cái chết” duy nhất mà chúng ta trải nghiệm. Và chắc chắn Chúa sẽ ban một cuộc sống mới khi cuộc sống trần thế của chúng ta chấm dứt. Tuy nhiên, ngài cũng làm điều tương tự như vậy mỗi lần chúng ta bị “chết” dưới bất cứ hình thức nào – thất vọng, buồn phiền, bi thương, hoặc đau khổ dưới bất kỳ hình thức nào. Chúa có quyền năng và hằng muốn nắm lấy bàn tay của chúng ta nâng lên khỏi tất cả những điều này, nâng chúng ta lên một con đường mới để sống – sống hy vọng, sống vui, sống tin tưởng, và sống an bình.
“Ta truyền cho em, hãy chỗi dậy!”
Ước mong sao mỗi người chúng ta nghe Chúa nói những lời đó trực tiếp với chúng ta. Và ước mong sao đức tin của chúng ta sẽ giúp những lời đó trở thành hiện thực.
CHẠM TỚI ÁO NGƯỜI
Lm. Nguyễn Thái
“Không có thừa tác viên nào có thể gần gũi được với một người mà chính thừa tác viên đó không muốn đụng chạm vào họ. Nếu bạn không muốn đụng đến một người vô gia cư, nghiện rượu, hay một người ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu, xét về khía cạnh tâm lý thì chính bạn cũng không muốn phục vụ và chăm sóc cho họ.” Đây là những lời khuyên của bác sĩ tâm lý gia nổi tiếng Charles Gerkin. Năm 1988, mục sư được mời đến bệnh viện để thăm viếng và hỗ trợ tinh thần cho một thành viên trong cộng đoàn của ông. Khi đến bệnh viện, trước khi vào phòng bệnh nhân, cô y tá khuyên ông nên mang bao tay vào. Ông đã làm theo lời đề nghị của y tá. Thoạt tiên bệnh nhân rất sung sướng được gặp gỡ vị chủ chăn. Nhưng ngay sau khi chủ chăn đưa đôi tay được bao bọc ra, thì lập tức những cảm giác vui mừng, an ủi đã tan biến mất. Thay vào đó, một cảm giác thật ngượng ngùng, lúng túng và bối rối cho cả hai người, bệnh nhân và mục sư. Vị mục sư đã xin lỗi. Và từ đó trở đi, khi vào thăm bệnh nhân ở bệnh viện, ông đã không bao giờ dám mang những đôi bao tay nữa. Sau này, ông chia sẻ: “Tôi đã cảm thấy rằng tôi không thể nào là đại diện của Chúa Kitô được trong hoàn cảnh như thế, trừ khi có một sự đụng chạm trực tiếp với bệnh nhân.”
Trong cuốn Mark’s Gospel, linh mục Eugene LaVerdiere đã viết: “Trong thế giới văn hóa của Thánh Kinh, như nhiều văn hóa ngày nay, quần áo của một người là một sự diễn tả quan trọng để nhận dạng cũng như là một phương tiện để che chở khỏi những thành phần khác. Quần áo là một biểu tượng cá thể của một người, cũng như tên để gọi một người. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã có thể nói về Phép Rửa tội và việc trở nên một người Kitô hữu như mặc lấy Chúa Kitô (Gl 3:27). Trong Phúc Âm của Máccô, chúng ta đã nhìn thấy việc mặc quần áo được sử dụng để nhận dạng Gioan Tẩy Giả như một Elijah mới (Mc 1:6), để nhấn mạnh đến sự mới mẻ của cách sống và sứ điệp của Chúa Giêsu (Mc 2:21), và để nói về một sự nhận dạng mới của kẻ bị thần ô uế ám sống trần truồng trong mồ mả (Mc 5:15). Áo của Chúa Giêsu là một sự diễn tả biểu tượng tuyệt vời về con người của Ngài. Bằng việc chạm đến áo Ngài, một người có thể tiếp xúc với chính con người của Ngài.”
Theo luật lệ Do Thái, người phụ nữ bị băng huyết ở trong một tình trạng không trong sạch. Người đàn bà đó không được phép đụng đến ai, và không có ai được đụng đến bà. Người đó mất quyền tiếp xúc với xã hội vì bị coi là ô uế, dơ bẩn! Cũng thế, các thầy tư tế không được phép đụng đến xác chết (Lv 21: 1-12). Trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 5: 21-43, Chúa Giêsu đã vi phạm cả hai trường hợp. Ngài chữa lành người phụ nữ bị băng huyết đã đụng đến áo của Ngài. Ngài cầm tay đứa bé gái 12 tuổi đã chết và làm cho sống lại. Chúa biết cả hai điều cấm kỵ đó. Nhưng Thiên Chúa là Chúa của sự sống (Ga 11:25). Ngài không những chữa lành bệnh tật cho con người, mà còn nối kết sự sống của con người với sự sống đời đời của Thiên Chúa.
Trước hết, Thiên Chúa là Chúa của sự sống (Ga 1:4). “Sự sống” là bản tính của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa hiện ra với Môsê từ bụi gai đang cháy, Môsê đã không biết chắc chắn ông đang nói chuyện với ai. Do đó ông đã hỏi tên của Ngài. Đối với người Do Thái, họ không hỏi nghề nghiệp hay nơi sinh, mà hỏi tên; vì tên nói lên một cách chính xác người đó là ai. Câu trả lời của Thiên Chúa là: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3: 14). Một điều ý nghĩa nhất Thiên Chúa mặc khải cho Môsê là Ngài hằng sống, Ngài hiện hữu. Ngài đã, đang và sẽ sống. Chính Ngài là sự sống. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25).
Tiếp đến, Thiên Chúa ban sự sống (Ga 5:26). Bài đọc thứ nhất trích từ sách Khôn Ngoan: “Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1: 14). “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2: 7). Sự sống của con người là món quà đầu tiên và quý giá nhất trong tất cả mọi sự Thiên Chúa đã ban. Đá, đất, cát đều hiện hữu, nhưng chúng không có sự sống. Chỉ có con người mới có sự sống. Vì thế chúng ta phải bảo vệ sự sống của con người bằng mọi giá, trong mọi giai đoạn. Đó là lý do tại sao Giáo Hội lên tiếng bảo vệ các thai nhi, người già lão, ốm đau, bệnh nhân AIDS, và chống lại án tử hình, hay vấn đề an tử. Hãy chú ý tới những điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm sau khi Ngài sống lại, và hiện ra với các tông đồ: “Bình an cho các con…. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20: 22). Giống như Thiên Chúa Cha đã thổi hơi ban sự sống trên nhân loại, Chúa Giêsu cũng thổi hơi ban sự sống mới cho Giáo Hội.
Và Thiên Chúa ban sự sống đời đời (Ga 6:40; 58; 68). Cũng trích từ sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết… Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn” (Kn 1: 3 ; 2: 23). Ngài không muốn con người phải chết. Sự chết đến là do ma quỷ và tội lỗi (Kn 2: 25). Kẻ thù của chúng ta là sự chết. Chúa Giêsu đến để chiến thắng sự chết. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Ngài đã làm cho con gái của ông trưởng hội đường tên là Gia-ia sống lại từ cõi chết: “Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy” (Mc 5: 41).
Thiên Chúa chia sẻ sự sống đời đời cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta là con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (Cl 3:10; Ep 4:24), một Thiên Chúa Hằng Sống và Yêu Thương. Không thể nói đến yêu thương nếu chúng ta bị người khác loại trừ. Sống là sống với. Cho nên, các nhà xã hội học đã dịnh nghĩa con người là con vật xã hội. Người phụ nữ được chữa lành bệnh qua sự đụng chạm, đối thoại với Thiên Chúa và được đưa trở về với các tương quan yêu thương của một con người sống trong xã hội.
Cha LaVerdiere đã giải thích như sau trong bài Women in The New Israel: “Những người Kitô sơ khai đã đối diện với nhiều thứ vấn đề xã hội có liên quan sâu xa dựa trên bản chất của Kitô Giáo và đức tin của họ vào Thiên Chúa đã sống lại. Một trong những vấn đề đó là việc cho phép đầy đủ những người phụ nữ tham gia vào đời sống và sự thờ phượng của người Kitô hữu. Phúc Âm của Máccô đã bắt đầu đối chất với vấn đề này trong 5: 21-43.”
Sức khỏe, tính tình, và sự phát triển của một em bé tùy thuộc vào xã hội tính. Một em bé được người mẹ ôm ấp, yêu thương, vỗ về sẽ khác với một em bị bỏ rơi và nuôi ở viện mồ côi. Leo Buscaglia đã nhận xét rằng sự ôm ấp yêu thương giúp cho con người sống lâu hơn, bảo vệ khỏi bệnh tật, củng cố những liên hệ gia đình, và giúp giải tỏa sự buồn bực, căng thẳng.
Trong Anh ngữ chữ “touch” vừa có nghĩa là “đụng, chạm, sờ, mó” về thể lý, lại vừa có nghĩa “làm cho xúc động, cảm động, thương tâm” xét về tình cảm và tinh thần. “Your music touched me”,”Bản nhạc của bạn đã làm cho tôi xúc động.”
Trong các môn thể thao, ở Mỹ có môn Football rất phổ thông và hấp dẫn. Mỗi khi cầu thủ ôm banh chạy vào được vùng cuối sân, “end zone”, ghi điểm thì gọi là “touch-down”. Khi đội banh nhà “touch-down” thì toàn thể cầu trường, sáu bẩy chục ngàn người nhẩy nhỏm lên reo hò mừng rỡ. Ban nhạc sẽ trổi kèn. Các cô “cheer-leaders” nhẩy nhót ca múa. Một cái “touch-down” về thể lý gây nên một sự xúc động tình cảm vô cùng lớn lao cho các cổ động viên không những trong cầu trường mà còn hàng triệu khán giả ủng hộ xem TV trên toàn thể nước Mỹ. Phải tốn kém hàng triệu đô la mới mua được cầu thủ đó, và giây phút đó. Những người thắng cuộc mừng rỡ reo hò, còn kẻ thua có thể mất tiền, thua độ, có khi thiệt cả mạng sống không chừng! “Touch-down” có ảnh hưởng lớn lao đến thế!
Theo Helen Colton, tác giả cuốn The Gift of Touch, thì số lượng của chất hemoglobin trong máu của một người sẽ gia tăng một cách đáng kể khi người đó được tiếp xúc, đụng chạm, hay được ôm ấp yêu thương. Chất hemoglobin giúp cho sức khỏe được gia tăng, ngăn ngừa bệnh tật, và làm cho mau phục hồi, chữa lành bệnh tật.
Tháng 6 năm 1997, trên tờ báo The Dayton Daily News, có một bài nói về bệnh cảm lạnh. Qua những cuộc nghiên cứu, người ta đã chứng tỏ rằng những người có sự tiếp xúc xã hội mật thiết với bạn bè và gia đình một cách rộng rãi và cởi mở thì ít bị cảm lạnh hơn là những người sống ẩn dật một mình, cách biệt với xã hội. Bác sĩ Ronald Glaser, một chuyên viên về vi khuẩn học ở tiểu bang Ohio, cũng đã tường thuật lại rằng phản ứng về tính miễn nhiễm của một người gia tăng theo sức mạnh của người đó trong những sinh hoạt xã hội.
Trong quá trình đấu tranh cho dân chủ, tự do, hay xây dựng một quốc gia, cộng đoàn, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về sự tiếp xúc, gặp gỡ, và nối kết giữa những người cùng chí hướng lại với nhau. Sự tiếp xúc tạo nên tình đoàn kết liên đới. Đoàn kết gây sức mạnh và gia tăng lòng ái quốc, yêu thương dân tộc, bảo vệ giống nòi, và duy trì sự sống của con người trên trái đất, đồng thời cùng đưa nhau về với Chân Thiện Mỹ, với Thượng Đế.
Cuộc đấu tranh của cộng đoàn “Đoàn Kết” do Lech Walesa hướng dẫn thành công vào tháng 6 năm 1989. Sau đó hàng triệu người biểu tình nắm tay nhau dành lại tự do dân chủ khắp các nước Đông Âu. Sau cùng đã kết thúc ngay tại Liên Sô vào ngày 19-21/8/1991.
Sự gặp gỡ tiếp xúc giữa con người với nhau cũng đã tạo nên những hiệu quả và lợi ích như vậy, huống chi là sự tiếp xúc và đụng chạm giữa con người với Thiên Chúa. Phúc Âm diễn tả sức mạnh của Thiên Chúa đã đến qua sự tiếp xúc đụng chạm với Đức Giêsu Kitô: “Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã phát xuất tự mình” (Mc 5: 30).
Lạy Chúa, mỗi lần con rước Chúa thì không chỉ là đụng chạm đến Chúa, mà là kết hợp nên một với Chúa, trở nên một xương thịt với Chúa như Thánh Phaolô đã nói: “Không phải con sống mà là Chúa sống trong con” (Gl 2:20). Xin Chúa chữa lành tâm hồn thương tích của con và ban cho con sự sống đời đời. Xin giúp con biết chia sẻ tình yêu và sức mạnh của Chúa với các anh chị em mà con sẽ gặp gỡ và tiếp xúc trong đời sống hằng ngày.
ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN SỐNG
Lm. Đinh Lập Liễm
Sống Trong Niềm Tin Và Hy Vọng.
Bài đọc 1 hôm nay (Wis 1:13-15; 2:23-24) nhắc cho chúng ta tư tưởng lạc quan về cuộc sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, được hạnh phúc đời đời, nhưng con người đã phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa vì phạm tội. Tuy nhiên, Thiên Chúa giầu lòng thương xót sẽ nhận lời những ai thành khẩn kêu xin Ngài (Đáp ca:Tv 29). Tư tưởng này được minh chứng bằng hai phép lạ dưới đây:
Ông Giairô, trưởng hội đường có đứa con gái bệnh nặng gần chết. Ông đến xin Ngài đến chữa cho con ông. Ngài nhận lời đi ngay. Đang trên đường đi đến nhà ông Giairô thì dọc đường có một người đàn bà bị bệnh băng huyết đã 12 năm, bà đã sờ vào được gấu áo Chúa nên bà cảm thấy lập tức trong mình đã được khỏi bệnh. Đức Giêsu đã yên ủi và khích lệ bà: ”Hỡi con, đức tin của con đã chữa con” (Mk 5:34).
Đức Giêsu đi tới nhà ông Giairô, người nhà ông đến báo tin con ông đã chết rồi, đừng phiền đến Thầy nữa. Nhưng Đức Giêsu khích lệ ông: ”Đừng sợ, hãy cứ tin” (Mk 5:36).
Quang cảnh nhà đứa bé thật nhộn nhịp: tiếng khóc của thân nhân cũng như của những người khóc mướn, tiếng trống tiếng kèn, cùng với lời báo tin của người nhà cũng như thái độ cười nhạo của những người chung quanh không tin vào quyền năng của Đức Giêsu cho thấy cô bé đã chết thật. Nhưng ở đây Đức Giêsu lại bảo: ”Cô bé không chết đâu, nó ngủ đấy” (Mk 5:39). Ngài nói thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng Ngài làm cho kẻ chết sống lại dễ dàng như người ngủ thức dậy, để người khó tin được dễ hiểu. Đức Giêsu cầm lấy tay cô bé và nói: ”Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy” (Mk 5:41). Và em bé chỗi dậy mạnh khỏe. Ở đây Đức Giêsu tỏ ra có quyền trên sự chết và sự sống. Ngài làm chủ của kẻ sống và kẻ chết (Jn 5:21, 25).
Người đàn bà bị băng huyết tự nhủ: ”Tôi chỉ cần sờ vào gấu áo Ngài thì tôi sẽ được khỏi” (Mk 5:28). Nghĩ thế và bà đã dám làm, bất chấp luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe. Điều đó chứng tỏ bà đã có đức tin vững mạnh, và thúc đẩy Chúa làm phép lạ. Kết quả là bà đã được như ý.
Trường hợp ông trưởng hội đường Giairô cũng thế. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Đức Giêsu diễn tả niềm tin sâu xa của ông, ông đã quì xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: ”Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống” (Mk 5:21). Như vậy ông này phải tin Đức Giêsu là ai, có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.
Đứng trước những dữ kiện “phép lạ” Chúa làm mà Tin Mừng kể lại, chúng ta thấy ngày nay có hai khuynh hướng trái ngược nhau. Một số khoa học gia cho rằng phép lạ chỉ gây rắc rối cho đức tin, dần dần khoa học sẽ giải quyết nhiều bệnh lý. Trái lại, ngày nay, phong trào Thánh Linh đang phát triển mạnh làm cho người ta tin tưởng rằng trong một cộng đoàn có Chúa Thánh Thần hoạt động, phép lạ không còn là một sự phi thường. Kinh nghiệm bản thân và sự quan sát khách quan đã minh chứng điều đó (Theo Sr Briege Mckenna, O.S.C, Des Miracles d’Aujourd’hui).
Sống trong không khí thực nghiệm và duy vật, người ngày nay có khuynh hướng muốn phủ nhận phép lạ và chối bỏ các điều mầu nhiệm của đạo. Họ cho phép lạ là nghịch công lệ tự nhiên, trái với sự bất di dịch của Thiên Chúa. Không nghịch, không trái gì hết. Tin phép lạ là tin Thiên Chúa có thể làm được những việc mà không loài thọ tạo nào tự sức mình có thể làm được (Mk 10:27). Ta hãy nghe nhà văn hào J. J. Rousseau nói: ”Thiên Chúa có làm được phép lạ không? Nghĩa là Ngài có thể làm khác với các định luật Ngài lập không? Câu hỏi ấy mà có ý đặt ra thực, thì quả là ngạo mạn, nếu không là vô lý. Đối với kẻ trả lời rằng không, thì phạt nó còn là quá hân hạnh cho nó, hạng ấy cứ giam vào ngục là xong.”
Họ bảo người tin có mầu nhiệm nghĩa là tin cái không hiểu được, là mê tín. Không phải là mê tín. Tin mầu nhiệm chỉ là công nhận rằng sự thông minh của Thiên Chúa vượt hẳn trí khôn ta (I Cor 1:25). Ông Charles Nicolle, một bác học có hạng, khi trở lại Công Giáo nói: ”May mà còn có những mầu nhiệm của tôn giáo! Nếu không, thì thật là khả nghi, vì tôi sợ rằng đó chỉ là sản phẩm giả tạo của trí óc loài người. Mầu nhiệm của tôn giáo làm tôi an tâm. Nó là biểu hiệu của Thiên Chúa” (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật năm B, tr 151-152).
Trong chương trình “The Extraordinary” có kể câu chuyện lạ, xẩy ra tại Melbourne, Australia vào năm 1987. Buổi sáng đẹp trời, một bà bẹ chở đứa con gái 7 tuổi đến trường. Đang lúc mẹ con trò chuyện vui vẻ, bất chợt một chiếc xe trọng tải đâm thẳng vào hông xe, nơi em bé ngồi. Em bé bị ngất xỉu. Sau khi cứu sống, hội đồng bác sĩ cho biết là em sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa! Em sống, nhưng mất nhiều khả năng tri giác và cảm xúc. Thật là tin buồn cho người mẹ. Tuy nhiên bà ngoại vẫn điềm tĩnh và có linh cảm rằng cháu của bà sẽ được ơn đặc biệt. Bà thường đến bệnh viện thăm và giúp cháu đọc kinh và cầu nguyện. Những ai thấy bệnh trạng của em bé đều thương hại cho em. Nhiều người ngạc nhiên là trên khuôn mặt của em luôn hiện lên sự bình an từ trong tâm hồn và niềm vui siêu nhiên. Sau khi rời bệnh viện, dần dần em đi học lại và theo kịp các bạn cùng lớp (Hà ngọc Đoài).
Câu chuyện em bé hôm nay và con gái ông trưởng hội đường hôm xưa cũng tương tự. Xưa và nay cũng chỉ là một Thiên Chúa (Hr 13:8). Ngài luôn tươi trẻ với thời gian và luôn gần gũi trong không gian để an ủi và nâng đỡ những ai tìm đến Ngài.
Thánh Giacôbê đã khẳng định về sự cần thiết của việc làm song song với đức tin: ”Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,17-18).
Tin là cộng tác với ơn Chúa. Người đàn bà băng huyết nghĩ mình phải làm cái gì đó chứ không chỉ tin suông, nên bà đã đến với Chúa chớ không chờ Chúa đến với mình. Ông Giairô cũng vậy, ông tin Đức Giêsu có thể cứu sống con ông, ông vội vã đến với Chúa. Cả hai đều tin tưởng vào Chúa và nỗ lực cộng tác với Ngài. Vì thế, chúng ta không thể cứ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy xử dụng hết những phương tiện Chúa ban, còn phần kia tùy Chúa định liệu.
Câu chuyện xẩy ra vào mùa xuân, có một vùng quê bị một trận lụt dữ dội tàn phá, khiến cho một bà già bị kẹt trong căn nhà bà. Đang khi bà ta đứng tựa cửa sổ nhà bếp nhìn ra thì một chiếc thuyền xuất hiện, người lái thuyền bảo bà: ”Hãy leo lên thuyền để thoát nạn.” Bà lão đáp lại: ”Không, cám ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi.” Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.
Ngày hôm sau, cơn lụt dâng cao đến tầng hai của căn nhà. Đang lúc bà lão đứng tựa cửa sổ tầng hai ngắm nhìn con nước thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà: ”Hãy lên thuyền để thoát nạn.” Bà già đáp lại: ”Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa. Ngài sẽ cứu tôi.” Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.
Ngày kế tiếp cơn nước dâng lên tận nóc nhà. Đang khi bà lão ngồi trên nóc nhà nhìn con nước dâng, một chiếc trực thăng lại hiện ra. Viên phi công dùng loa gọi vọng xuống: ”Tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên và bà sẽ thoát nạn.” Bà già lại nói: ”Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu thoát tôi.” Viên phi công nhìn bà lắc đầu, rồi bỏ đi.
Ngày sau đó, cơn lụt nhận chìm ngôi nhà và bà lão bị chết đuối. Khi được đưa về trời, bà ta nói với Thánh Phêrô: ”Trước khi vào đây, tôi xin được phàn nàn một điều. Tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát khỏi trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi bị chết chìm.” Thánh Phêrô bối rối nhìn bà lão đoạn lên tiếng: ”Tôi chả hiểu Chúa có thể làm thêm điều gì được cho bà nữa, vì Ngài đã gửi tới cho bà những hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi còn gì” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 254-255)?
Bà lão trong trận lụt này quá lầm lẫn. Bà quên rằng Chúa thường hoạt động trong đời sống chúng ta xuyên qua những phương tiện bình thường. Bà quên rằng chúng ta phải làm hết phận vụ mình và hợp tác với Chúa bằng cách xử dụng những phương tiện bình thường Ngài ban cho ta. Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi thụ động chờ Chúa làm phép lạ, mà phải dùng tất cả mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp mình trước đã.
Tục ngữ Việt nam đã nói lên chân lý này: ”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”: Con người phải bắt đầu làm đã, còn thành bại thế nào thì sẽ do Trời định liệu. Nhưng về phía Trời thì chắc chắn sẽ giúp cho những ai biết cố gắng dùng mọi phương tiện Chúa đã ban cho. Đúng như tục ngữ Pháp nói: Aide-toi, le Ciel t’aidera: Anh hãy giúp mình trước, Trời sẽ giúp mình sau.
Tin khi đời sống bình an, thuận buồm xuôi gió thì chưa hẳn là đức tin thật, nó phải được tôi luyện trong đau khổ, trong khó khăn, trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên phép lạ. Hay nói đúng hơn, lúc ấy Thiên Chúa mới trợ giúp, mới cứu chữa, vì khi đó chúng ta không tin vào sức riêng mình mà tin vào Chúa, thì Chúa phải thực hiện thôi.
Cuộc đời của chúng ta không bao giờ hết đau khổ. Chúng ta có thể cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa cả trong đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không nhất thiết lấy đi đau khổ, nhưng cho chúng ta năng lực chuyển hoá đau khổ. Thấu hiểu chân lý này, ông Francois Mauriac đã phát biểu: ”Ngài đến không phải để cất sự đau khổ mà để hiện diện với đau khổ.” Như vậy nghĩa là Ngài đến ban đức tin cho chúng ta để chúng ta biết chịu đựng đau khổ, biết chuyển hoá đau khổ, biến nó thành phương tiện để đạt tới ơn cứu độ. Bằng không thì chúng ta chịu đau khổ một cách vô ích và những đau khổ trở nên vô nghĩa.
Những ai không có đức tin thì gặp nhiều bất lợi trước đau khổ. Họ chịu đựng đau khổ gấp ba lần: họ chịu đựng bệnh tật; họ chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật vì đối với họ, bệnh tật chỉ là kết quả của một số phận mù quáng, và họ chịu đựng đau khổ vì cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Họ coi bệnh tật của họ như một việc phải chịu đựng thay vì một việc phải sống. Đời sống của họ như bị giữ chặt lại vì họ chờ đợi thụ động cho đến khi mọi việc trở lại bình thường để họ có thể bắt đầu cuộc sống trở lại.
Mặt khác, các bệnh nhân có đức tin ở trong một tình thế tốt hơn. Dù đức tin không giải thoát họ khỏi bệnh tật, hoặc làm giảm bớt đau khổ do bệnh tật gây ra, người có đức tin tiếp tục sống một cách mãnh liệt như trước đây, có khi còn mãnh liệt hơn. Họ có thể tìm thấy Thiên Chúa trong bệnh tật cũng như trong lúc khỏe mạnh, và bệnh tật của họ có thể sinh ra kinh nghiệm có lợi là họ sẽ xin Chúa chữa lành cho bệnh tật ấy (Flor McCarthy).
ĐỤNG ĐẾN NGÀI
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu,
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi”.
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu,
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy trỗi dậy”.
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giairô:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA
TGM. Ngô Quang Kiệt
Hai người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.
- Người đàn bà bị bệnh băng huyếtlén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.
- Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em.Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.
Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người. Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.
Người phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.
- Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ.Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.
- Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.
Hằng ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa. Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Có khi nào bạn được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang lâu dài trong đời bạn?
- Việc rước lễ có giúp bạn sống vui tươi và can đảm không?
- Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?
- Có lần nào bạn đã cảm nghiệm được Chúa đụng chạm vào bạn chưa?