Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
CHÚA NHẬT THỨ 14 THƯỜNG NIÊN, NĂM B – 08.07.2018 – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ

  • CHỐI TỪ – Lm. Louis Minh Nhiên, CRM
  • QUÊ HƯƠNG MÌNH – Lm. Nguyễn Thái
  • SỨ MẠNG CỦA TIÊN TRI – Lm. Đinh Lập Liễm
  • ÔNG TA KHÔNG PHẢI LÀ BÁC THỢ SAO? – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI – TGM. Ngô Quang Kiệt

CHỐI TỪ (Mc 6:1-6)

Lm. Louis Minh Nhiên, CRM      

Cách đây khá lâu, trong mục Tuổi Biết Buồn ở tờ Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có đăng tâm sự của hai chàng thanh niên bị chối từ tình yêu. Anh thứ nhất viết: Lệ Vũ mến, em rơi vào vùng cấm địa này đã 2 năm tròn. Em có thương một người, chẳng may cho em vì người ta chỉ thương hại em trong cơn sầu khổ. Khi em hỏi: “Có thương anh không?” Cô ấy thành thật trả lời: “Không và trăm ngàn lần không”. Một tháng qua hồn em như chết đi và ngớ ngẩn như gà nuốt dây thun. Đi ra cũng nhớ, trốn xa để khỏi gặp thì “nàng” cũng hiện hình; đêm về cũng nhớ. Có cách nào quên đi hình bóng “nàng” đã đến với mình. Ký tên: Hàn Băng Giá, Lincoln, Nebraska.

Anh thứ hai tâm sự: Em năm nay 30 tuổi và quen T được 5 năm thì chúng em tính đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên T nói là chờ ba mẹ qua để làm đám cưới cho lớn. Ngờ đâu, khi cha mẹ T qua thì nhất quyết không chấp nhận và chê nào là em chân què rồi học không cao. Thế là chúng em đành chia tay. Theo Lệ Vũ, em đã học lấy Ph. D rồi mà còn bị chê là học không cao, nghĩa là làm sao? Cuộc đời em khổ nhiều hơn vui: Một tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, về sống với ông bà nội được mười mấy năm thì cho em đi vượt biên. Qua đến Mỹ, không có người thân, em phải một mình tranh đấu để học hành. Thế mà sau khi “thành tài”, không hiểu tại sao Chúa lại trao thánh giá cho em như vậy. Ký tên: Người em phiền não, TX.

Xin nhắc nhỏ với các cô là cố gắng thương yêu các anh, đừng nỡ tâm phụ lòng các anh kẻo các anh phải phiền não, phải là hàn băng giá thì quả thật là tội nghiệp cho các anh nhiều lắm đó.

Điều chúng ta cần để ý là không phải chỉ có các anh trên mới bị chối từ tình yêu. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại Chúa về quê thăm nhà bị dân chúng khinh thường, coi rẻ vì biết rõ thân phận quá khứ của Chúa.

Nếu hai anh thanh niên đau khổ vì bị chối từ, thì có lẽ Chúa cũng vậy.  Không thể hoài nghi đây là một trong những kinh nghiệm đau đớn trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối diện với việc bị chối từ, chúng ta nên làm gì và phải làm gì? Các anh thanh niên đã viết thư cho Lệ Vũ xin nhờ giúp đỡ tìm phương thức giải quyết. Nếu là Lệ Vũ, xin đề nghị với các anh là theo gương Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trước hết thành thật. Chúng ta nên kiểm điểm lại cuộc sống một cách thành thật với lòng mình để tìm hiểu nguyên do tại sao mình bị chối từ, phải chăng vì lỗi của mình hay vì một vài lý do nào đó khiến mình không được chấp nhận.  Có thể có người nêu lên thắc mắc: Phải chăng Chúa Giêsu cũng kiểm điểm lại cuộc sống?  Chúng ta không thể minh chứng bằng việc trích dẫn những câu Kinh Thánh, nhưng theo thiển ý, Chúa đã làm vì chúng ta đang nói với nhau về sự thành thật, và không ai có thể thành thật với Thiên Chúa và tha nhân nếu trước hết họ không thành thật với chính mình. Chúa Giêsu đã từng xác quyết Ngài là đường, là sự thật, và là sự sống, chắc hẳn Ngài không ngại đối diện với sự thật, ngay cả sự thật về chính mình.

Tuy nhiên, tự kiểm điểm không phải là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi sự khôn ngoan. Nếu tự kiểm điểm thái quá, chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng tự chỉ trích mình quá đáng. Còn nếu không kiểm điểm, chúng ta lại dễ mắc vào lầm lỗi là khiển trách người khác những lỗi lầm mà thực sự của chính chúng ta. Nếu người ta chối từ chúng ta vì chúng ta nóng nảy, kiêu ngạo, ăn nói cộc cằn hay thường xuyên phàn nàn kêu ca…, thì chúng ta cần nhận diện và thay đổi.  Nếu không, chúng ta đã không đối diện với việc bị chối từ một cách thành thật.

Thứ đến, Chúa bình tĩnh chấp nhận. Không thể hoài nghi là Ngài muốn được dân làng của Ngài tiếp nhận Ngài. Đây là quê làng, nhà của Ngài, là những người thân quen mà Ngài sống chung gần như cả cuộc đời Ngài. Cũng là con người nên bị chối từ chắc hẳn làm Ngài đau khổ nhiều. Nhưng Ngài chấp nhận sự kiện bị chối từ và tiếp tục sống. Phải chăng đó là điều chúng ta cần học khi cảm nghiệm sự chối từ? Bị chối từ chưa chắc có nghĩa chúng ta là người xấu, người không xứng đáng. Mỗi người đã từng sống đều từng bị một số người chối từ. Vì thế nên bình tĩnh và tiếp tục sống.

Sau cùng, điều Chúa làm là tránh nơi bị chối từ và kiếm tìm chỗ được chấp nhận. Tin Mừng ghi lại: “Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.” Bị chối từ bởi một người hay một số người không có nghĩa là bị cả thế giới chối từ. Do đó chúng ta không được phép thất vọng và trùm chăn, không tiếp tục dấn thân đến với những người khác, bởi vì rất có thể ở một nơi nào đó có người cũng đang cần những người như chúng ta.

Xin mượn lời của Lệ Vũ như lời kết cho bài chia sẻ Tin Mừng hôm nay: “Không nên trách Chúa về những khó khăn, thử thách mình phải trải qua trong cuộc đời. Chính Con Một Chúa khi xuống thế làm người còn phải uống chén đắng, trải qua khó khăn, thử thách vì tội loài người. Chỉ khác nhau ở điểm, có người tìm đủ mọi cách để khuất phục mọi khó khăn tiến lên, trong khi đó có người xuôi tay đầu hàng vô điều kiện, tự biến mình thành nạn nhân đáng thương trong nhiều chuyện nhiều khi không đáng. Trong đời sống, con người chỉ biết giá trị thực của nụ cười khi đã biết giá trị của nước mắt. Sông có khúc, người có lúc. Mong sớm qua được cơn phiền não và tìm lại niềm vui trong đời sống.”

QUÊ HƯƠNG MÌNH

Lm. Nguyễn Thái

Trưng hoa hồng trên bàn thờ vừa đẹp, lại vừa có hương thơm. Nhưng việc trồng tỉa nó lại là việc không mấy dễ dàng, nhất là bị những chiếc gai nhọn cào xước trên phần da thịt non nớt, để lại những vết trầy trụa xót xa!

Ở tiểu chủng viện, tôi trong ban phụng vụ, đã phải chăm sóc vườn hoa hồng của nhà trường. Khi loay hoay làm việc, đào xới, tỉa cành, vun gốc, bón phân thì chẳng thấy chuyện gì xảy ra. Nhưng sau đó vài ngày, tự nhiên thấy nhói đau ở một điểm nào đó nơi tay chân, thường thì ngay những ngón tay và cánh tay. Khi xem xét kỹ lại, thì ra là một cái gai nhọn của cây hồng đã nằm sâu bên dưới da thịt. Phải lấy nó ra cho bằng được mới hết đau!

Chỉ vài ngày sau khi làm công tác vun xới vườn hồng, cánh tay của tôi trông giống như đã vật lộn với một con mèo hoang hung dữ và bị cào cấu thê thảm. Không những gai nhọn đâm vào da thịt, gây thương tích trên người, mà ngay cả những chiếc lá hồng cũng có khả năng xước da xẻ thịt nữa. Đó là vũ khí phòng vệ của cây hoa hồng mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng. Những vết trầy trụa thường rất đau đớn và dễ gây nhiễm độc vì những cành lá đã được xịt thuốc diệt trừ sâu rầy pesticide.

Những bông hoa hồng sẽ không đẹp nếu thân cây không được chăm sóc bằng cách bón phân, vun xới xung quanh gốc, và cắt tỉa những cành lá mọc rối trật tự. Người ta phải tỉa những cành yếu để gia tăng sức mạnh vào những nhánh lớn hơn; do đấy, những nụ hoa đẫy đà mới nẩy sinh và trổ ra những bông hoa đẹp đẽ. Người ta phải chịu đau đớn làm một công việc gây thương tích dưới những bụi gai hồng; nhưng chỉ có cách này, mới có một vườn hồng đầy hoa thơm.

Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 6:1-6) diễn tả một nghịch cảnh tương tự khi Chúa Giêsu và các môn đệ trở về quê quán của Ngài và giảng dạy trong hội đường vào ngày Sabbát. Chúa Giêsu là bông hoa hồng thơm ngát. Còn những người đồng hương của Ngài là những chiếc gai nhọn với những lời phê bình, chỉ trích, và gièm pha thật xót xa: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giuđa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6:3).

Những người đồng hương đã nhìn vào nghề nghiệp, gia đình, bà con họ hàng của Chúa Giêsu để đánh giá về Con Người của Ngài. Họ đã nhận ra giá trị nơi những lời Ngài rao giảng: “Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Bởi đâu ông ta được như thế?” (Mc 6:2). Nhưng họ lại không thể tin vào Con Người của Ngài được!

Có một vị giáo sĩ đi du hành khắp nơi để rao giảng đạo lý. Một ngày nọ ngài đi vào một thị xã xa lạ, và hỏi thăm cậu bé con đường đi tới bưu điện. Sau khi cậu bé đã cho ngài những hướng dẫn cần thiết, vị giảng thuyết đã cám ơn cậu và nói, “Con có vẻ là một cậu bé sáng sủa và thông minh đấy. Con có muốn đến nghe bài giảng thuyết của ta tối nay để ta chỉ cho con con đường đi lên trời không?” Cậu bé sững sờ hỏi lại, “Ngài chỉ cho con đường đi lên trời, thế tại sao con đường đi đến bưu điện ngài lại không biết!”

Thánh Mác-cô đã phải nói lên một câu rất nặng nề đối với những người đồng hương của Chúa Giêsu: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin” (Mc 6:5).

“Mọi sự đều có thể cho người tin” (Mc 9:23). Đối với Chúa Giêsu, Ngài đã không làm một phép lạ nào khi không có niềm tin. Ngài muốn làm tất cả mọi sự cho dân chúng của Ngài, nhất là những người đồng hương, nhưng Ngài cần đức tin của họ để xuất phát ra sức mạnh của Ngài. Hãy nhớ đến câu chuyện Phúc Âm tuần vừa qua (Mc 5: 21-43) nói về người phụ nữ bị loạn huyết. Nhiều người đã xô đẩy, đụng chạm vào người Chúa, nhưng không có gì xảy ra, vì họ đã không đụng chạm bằng lòng tin. Khi người phụ nữ có đức tin chạm vào Ngài (Hr 11:6), sức mạnh chữa lành liền phát xuất ra. Chúa Giêsu đầy quyền năng, nhưng chúng ta có thể làm tê liệt quyền năng của Chúa bằng sự “cứng lòng tin” hay thiếu lòng tin của chúng ta. Tại sao những người đồng hương đã không tin vào Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Tục ngữ ca dao Việt Nam cũng có những câu tương tự, “Bụt nhà không thiêng!” hay “Gần chùa gọi Bụt bằng anh. Thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi.” Và người Tây Phương cũng nói: “Familiarity breeds contempt, Sự quen thuộc sinh ra khinh bỉ.” Dân chúng trong vùng Ca-phác-na-um đã nghĩ rằng họ biết mọi sự về Chúa Giêsu rồi: tên tuổi, gia đình, nghề nghiệp, học vấn, Ngài đâu còn xa lạ gì đối với họ nữa!

Một vấn đề dễ gây ngộ nhận qua bài Phúc Âm hôm nay, khi đề cập đến anh em của Chúa Giêsu. Đối với người Công Giáo và những Kitô hữu tin tưởng vào sự đồng trinh của Đức Maria trước và sau khi sanh Chúa Giêsu đã lập luận rằng, trong ngôn ngữ cổ Aramaic, chữ “anh em” được sử dụng với một nghĩa rất rộng. Nó được dùng không những để chỉ anh em ruột, nhưng còn anh em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh em bà con, hay những liên hệ máu mủ họ hàng khác nữa. Trong Phúc Âm, không có chỗ nào nói đến những người anh em của Chúa Giêsu như là những người con của Đức Maria cả. Nếu Đức Maria có những người con khác nữa thì tại sao khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá lại phải trao phó Bà cho Gioan, môn đệ yêu quý của Ngài? (Ga 19: 26-27).

Một số người đã đề cập đến những người anh em của Chúa Giêsu là Giacôbê và Giuse (Mc 3:31-35; 6:3; 1 Cr 9:5; Gl 1:19). Về vấn đề này, sách Giáo Lý Công Giáo số 500 nói rằng: “Giáo Hội luôn hiểu các đoạn sách này không nói đến những người con khác nữa của Mẹ Maria: đúng thế, Giacôbê và Giuse ‘những người anh em của Chúa Giêsu’ (Mt 13:55) là con của một bà Maria khác, môn đệ của Chúa Kitô (Mt 27:56), và Thánh Kinh nói rõ đó là ‘một Maria khác’ (Mt 28:1). Đó là những anh em gần của Chúa Giêsu, theo kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước (St 13:8; 14:16; 29:15)”.

Qua chính vấn đề đang tranh luận này, Thánh Sử Mác-cô đã cố gắng chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng dân chúng Ca-phác-na-um đã tự nghĩ là họ biết mọi sự về Chúa Giêsu, nhưng thật ra họ đã không biết gì về Ngài cả, hoặc là biết mà biết sai!

Một vị truyền giáo ở Ấn Độ đang giảng đạo cho một nhóm người thợ lặn đi tìm ngọc trai. Ngài nói cho họ nghe về việc Chúa Giêsu đã so sánh Vương Quốc Thiên Chúa như là một hạt giống được gieo xuống ruộng, một kho tàng ẩn dấu trong cánh đồng, một mẻ cá gồm đủ mọi thứ cá, và như một viên ngọc quý mà một người đã phải bán tất cả mọi của cải để mua lấy viên ngọc quý đó. Nghe vậy, một trong những người thợ lặn tìm ngọc trai đã quen biết rất thân tình với vị truyền giáo từ lâu, tỏ vẻ rất xúc động. Ông đã mời ngài về nhà. Khi ngài đến nhà, nguời thợ lặn đưa ra một cái hộp to lớn vững chắc. “Con đã có cái hộp này nhiều năm rồi,” ông nói. Rồi ông cẩn thận mở các lớp vải nhung bao bọc ra. Sau cùng còn lại một viên ngọc trai óng ánh, ông đặt nó vào tay vị truyền giáo. Viên ngọc sáng chói! Rõ ràng, nó đáng giá một món tiền rất lớn trên thị trường.

“Thưa cha,” ông thợ lặn tìm ngọc trai nói, “xưa kia, con đã có một người con trai. Nó là người thợ lặn ngọc trai giỏi nhất vùng bờ biển Ấn Độ này. Nó là nguồn vui của con. Và nó luôn mơ ước tìm được một viên ngọc trai nổi tiếng như thế này. Một ngày kia, nó đã tìm thấy. Nhưng viên ngọc trai đang nằm trong bàn tay ngài đây đã lấy đi mạng sống của nó. Nó đã chết vì viên ngọc trai này. Bao nhiêu năm qua, con đã giữ viên ngọc trai này, và bây giờ có một sự thúc đẩy nào nó nói với con rằng con phải trao nó cho ngài.”

“Không được!” vị truyền giáo phản đối, “ông không thể cho đi được.” “Làm thế nào tôi có thể đón nhận món quà vô giá này được?” Ông thợ lặn có vẻ kinh ngạc. “Ngài nói gì?” ông hỏi. “Thưa cha, cha không hiểu rằng người con trai của con đã phải hy sinh mạng sống vì viên ngọc trai này, nên con không thể nào bán nó được. Nhưng con muốn trao lại cho ngài bởi vì tình yêu của con dành cho ngài!” Sau đó, với những giọt nước mắt chảy xuống trên mặt, người thợ lặn đã nói với tất cả sự xúc động, “Thưa cha, đây không phải là những điều cha đã nói với con và những người khác về món quà vô giá của Thiên Chúa ban cho nhân loại, là chính Người Con Trai duy nhất của Ngài sao?”

Tin Mừng hôm nay không phải là câu chuyện buồn của những người đồng hương đã gặp Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa mà không nhận ra. Họ đã bỏ ra đi mà không lãnh nhận được một ơn lành nào vì sự cứng lòng tin của họ!

Tin Mừng hôm nay là sự bắt đầu rao giảng trong hội đường của Chúa Giêsu, Thánh Mác-cô nói với chúng ta rằng, “Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người” (Mc 6:2). Hôm nay chúng ta đến đây để cử hành sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Món quà vô giá là Người Con yêu quý của Thiên Chúa đã hiệp nhất chúng ta lại trong tình yêu thương của Người. Có bao giờ chúng ta kinh ngạc và sửng sốt về thực tại này chưa? Chúng ta có phải là những thính giả sửng sốt và ngạc nhiên về sự khôn ngoan và giáo lý của Người không?

SỨ MẠNG CỦA TIÊN TRI

Lm. Đinh Lập Liễm

Bụt Nhà Không Thiêng.

Đức Giêsu rời bỏ quê hương Nazareth đi rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ như dẹp yên bão tố, chữa người bị quỉ ám, chữa lành các chứng bệnh nan y, làm cho kẻ chết sống lại… Danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi. Hôm nay, Ngài trở về thăm quê hương Nazareth. Đây là lần thứ hai Ngài trở về Nazareth (Mk 6:1). Lần thứ nhất trong Lc 4,16-30.

Theo thông lệ, ngày sabbat dân làng đến hội đường nghe đọc Sách Thánh và hát Thánh Vịnh từ 9 đến 12 giờ trưa. Đức Giêsu và các môn đệ cũng đến hội đường cầu nguyện với dân làng. Đọc Sách Luật và Thánh Vịnh xong, ông trưởng hội đường mời một vị có thế giá và hiểu biết về Thánh Kinh lên giải nghĩa bài đọc (Act 13:14-15). Đức Giêsu cũng được mời lên đăng đàn (Lc 4:16-21). Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt của Ngài luôn tỏ ra nét dịu hiền mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bầy đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Ngài trình bầy một cách khôn ngoan và giọng nói như của Đấng có uy quyền, làm cho họ ngạc nhiên, thì thầm với nhau: ”Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế” (Mc 6,2). Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu ở đâu? Họ muốn tìm về nguồn gốc của Ngài.

Từ Nazareth người ta đã nghe đồn thổi về Ngài rất nhiều, nghe đồn về những phép lạ Ngài đã làm khắp đó đây. Hôm nay, tại hội đường, họ đã trực tiếp được nghe Ngài giảng. Trước đây nghe lời đồn thổi họ đã ngạc nhiên, bây giờ họ càng ngạc nhiên hơn: ”Mọi người làm chứng cho Ngài và họ thán phục về ân sủng xuất bởi miệng Ngài” (Lc 4,22).

Mọi người đều biết mẹ ông là bà Maria; anh em họ hàng là Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simon. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nazareth này, một thôn ấp nhỏ bé có độ 150 gia đình nghèo nàn, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc (Mk 6:3), con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đóng bàn sửa ghế, đóng giường tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ ông ấy nói năng, làm được việc gì lạ đâu? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi chóng thế?

Đáng lẽ những phép lạ Đức Giêsu đã làm ở những nơi khác cộng với sự rao giảng đầy thuyết phục của Ngài khiến cho dân làng Nazareth phải tin nhận Ngài, nhưng đàng này họ chỉ dựa vào nguồn gốc của Ngài, một nguồn gốc có vẻ tầm thường như họ thấy, nên họ nhìn sai lệch về con người của Ngài. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo cái dáng vẻ bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Vì thế,”họ bị vấp phạm vì Ngài” (Mc 6,3). Còn Ngài, Ngài âm thầm kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: ”Không ai là tiên tri cho xứ sở mình” (Mk 6:4) vì người ta thường nói: ”Gần chùa gọi bụt bằng anh.”

Trước sự cứng lòng tin kèm theo sự ghen tương với thành kiến cố hữu của họ, Đức Giêsu không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa lành vài bệnh nhân (Mk 6:5). Phép lạ đòi hỏi phải có lòng tin, mà phép lạ chỉ là phần thưởng cho lòng tin ấy. Sự cứng lòng của họ, Thánh Matthêu đã nói rõ trong chương 13 (Mt 13:58).

Theo Đào duy Anh, thành kiến là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi đã có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính đỏ thì vật gì cũng đỏ.

Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: ”Yêu nên tốt, ghét nên xấu.” Khi yêu thì coi mọi cái đều đẹp đều tốt, khi ghét thì thấy mọi cái là xấu: ”Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng.”

  1. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông Phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu. Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê: “Thơ mày là thơ thẩn!” Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận. Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, khen: ”Tuyệt! Tuyệt!” Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói: “Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này. Người con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông. Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đưa cuốn thơ cổ kia ra đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng. Đến đây câu truyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 333-335).

Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài nguời, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ.

Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: ”Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình (Ga 4,44).

Thành kiến làm cho bụt nhà không thiêng, thích những cái lạ; thích gì thì phóng đại tô mầu, ghét thì cũng thế. Nhiều khi lý luận một chiều sai lệch, cái vô lý ngớ ngẩn cũng cho là hay là đẹp, hoặc không hiểu gì cũng cho là hay. Sống hoàn toàn theo dư luận, theo cách của người đời, không dám vượt trên dư luận sai lạc, vượt trên những phán đoán thiên lệch. Ví dụ các bà tin theo thầy bói thì cái gì thầy nói ra cũng đúng, cũng hay, coi như lời sấm, như thánh phán: “Số cô không giầu thì nghèo, Ba mươi Tết có thịt heo trong nhà. Số cô có mẹ có cha, Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông. Số cô có vợ có chồng, Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.”           Các bà các cô sẽ phải thốt lên: ”Thánh phán. Tuyệt! Tuyệt!”

Dân làng Nazareth không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là vị Cứu Tinh, là Đấng Cứu Thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác (Lc 4:23).

Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân Nazareth, Đức Giêsu chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: ”Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu Thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu Thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian; họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu Thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

Trong Tin Mừng Thánh Luca, Đức Giêsu nhắc đến hai vị tiên tri đã không làm phép lạ ở quê nhà được mà lại làm phép lạ ở dân ngoại: ”Và Ta bảo thật các ngươi: có nhiều bà goá tại Israel thời tiên tri Êlia, khi trời khoá lại ba năm sáu tháng, và xẩy ra nạn đói lớn trong toàn xứ, song Êlia không được sai đến với một bà nào trong họ, mà lại đến với bà góa tại Sarepta thuộc hạt Sidon. Cũng có nhiều người phong hủi đời tiên tri Êlisê, song không người nào trong họ được lành sạch cả, trừ phi là Naaman người Syri” (Lc 4, 26-27). Tiên tri Êlisê đã làm nhiều sự lạ ở Guilgal mà không làm được ở quê nhà (2V 4,1-29t). Sự thật và thường tình, tiên tri không được tôn trọng nơi quê nhà.

Thành kiến đã làm cho dân làng Nazareth phán đoán sai về Đức Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người khác. Mc Kenzie nói: ”Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tị thì nhìn bằng kính hiển vi.”

Cho dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Ngài đã trở nên bất lực trước những kẻ thiếu niềm tin. Và quả thật, “Ngài đã không làm được phép lạ nào” tại quê hương mình (Mk 6:5). Thế mới biết con người có khả năng ngăn cản Thiên Chúa; con người có toàn quyền từ chối quà tặng của Thiên Chúa.

Trên con đường truyền giáo, Đức Giêsu vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng. Người ta có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng.” Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Đức Giêsu đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy.

Tóm lại, các bài đọc hôm nay dạy chúng ta hai điều: Trước hết, chúng có thể tin chắc rằng chúng ta sẽ nhiều lần bị người khác khước từ phản đối giống như Đức Giêsu đã từng bị trong đời Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cứ tiếp tục yêu thương giống như Đức Giêsu. Dù bị khước từ Ngài vẫn không ngừng ban phát tình yêu của Ngài cho nhân loại.

“ÔNG TA KHÔNG PHẢI LÀ BÁC THỢ SAO?”

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM:

Ðức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà.

Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên

trước sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng.

Nếu họ chân thành tìm kiếm

họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người họ quá quen.

Tiếc thay người làng Nazareth đã không đủ vô tư.

Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài,

và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có.

“Ông ta không phải là bác thợ sao?”

Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người.

Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn,

sống bao năm ở đây không một chút hào quang.

Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt:

Bà Maria và các anh em, chị em của ông,

tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường,

như những người láng giềng gần gũi.

Một quá khứ và hiện tại như thế

đã khiến họ vấp phạm.

Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ,

lại càng không thể tin Ngài là Mêsia,

và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng

mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Không chắc chúng ta đã khá hơn người làng Nazareth.

Hôm nay chúng ta vẫn có thể bị đóng khung

trong một cái nhìn nào đó về Ðức Kitô,

khiến chúng ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài.

Có những người chúng ta rất quen, sống sát bên ta,

nhưng chúng ta chẳng hiểu mấy về họ.

Những gì tôi biết về họ là đúng,

nhưng không đủ.

Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời.

Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng

để gặp được mầu nhiệm tha nhân,

để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.

Chúng ta thường nói đến một Thiên Chúa toàn năng,

nghĩa là Ðấng làm được mọi sự.

Nhưng Ðức Giêsu tại Nazareth lại cho ta thấy

hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối và bất lực.

Ngài bó tay trước sự cứng lòng của con người.

Ðức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào ở đó.

Thế mới hay con người có khả năng cản trở Thiên Chúa,

có thể dùng chính tự do Ngài ban để khước từ Ngài.

Phép lạ là quà tặng cần được đón nhận với lòng tin.

Phép lạ không phải là phù phép áp đặt trên người nhận.

Có bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta,

mà Ngài không làm được, vì không được làm.

Nên thánh là để cho Ngài yêu thương ta,

để cho Ngài tự do hoạt động trong đời ta.

Lúc đó đời ta sẽ trở nên một kỳ công của Thiên Chúa,

và nhờ Ngài, ta có thể làm được những kỳ công.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối

trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. 

ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI

TGM. Ngô Quang Kiệt

Kính thưa anh chị em !

Truyện cổ tích Trung Quốc kể về sự tích “Con Thỏ Ngọc” trên mặt trăng như sau: Thuở ấy, Ngọc Hoàng Thượng Đế, muốn biết dân cư dưới trần gian sinh sống ra sao, sai một ông tiên xuống để quan sát. Ông tiên giả dạng làm một người ăn mày già yếu, ăn mặc rách rưới, đi lang thang vào một buổi chiều mùa đông mưa lạnh. Ông lão đi ăn xin và xin chỗ trọ. Nhà đầu tiên mà ông gõ cửa là nhà con chó sói. Hé cửa nhìn ra, thấy ông lão già nua rách rưới, chó sói nhe nanh đe dọa để xua đuổi. Ông lão sợ hãi vội chạy đi. Nhà thứ hai mà ông gõ cửa là nhà con cáo. Con cáo chửi mắng ông thậm tệ nhưng chẳng cho gì. Buồn tủi, ông lại tiếp tục đi dưới trời mưa lạnh. Sau cùng ông gõ cửa một căn nhà bé nhỏ. Đó là nhà con thỏ trắng. Thấy ông lão run rẩy dưới trời mưa, Thỏ trắng vội vàng mở cửa mời ông vào. Thỏ đưa ông đến ngồi gần bên đống lửa, đem quần áo ướt hong bên đống lửa cho khô. Ông lão rên rỉ: “Cậu thỏ ơi, tôi đói quá, cậu có gì cho tôi ăn không? Nếu không tôi chết mất”. Thỏ vội vàng thưa: “Thưa ông, mùa đông năm nay kéo dài quá, nên rau cỏ dự trữ cháu đã ăn hết cả rồi. Nhưng cụ yên trí, thế nào cháu cũng tìm được thức ăn đãi cụ”. Thỏ chất thêm củi cho lửa cháy to hơn. Giữa lúc ông lão còn ngạc nhiên chưa biết thỏ định làm gì thì thỏ đã nhảy vào giữa đống lửa ngùn ngụt cháy. Chẳng mấy chốc, một mùi thơm tỏa lan cả căn nhà bé nhỏ. Thì ra thỏ đã tự nguyện hy sinh thân mình, làm một món ăn cho ông lão ăn mày. Ông lão về trời tường trình mọi sự với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hoàng Thượng Đế liền cho triệu sói, cáo và thỏ tới. Sói và cáo bị trừng phạt nặng nề. Còn thỏ thì được khen thưởng cho ở trên Cung Trăng như một vị thần. Nên người Trung Quốc cũng gọi mặt trăng là Ngọc Thố.

Đây chỉ là một câu chuyện cổ tích, không có thực. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện đáng cho ta suy nghĩ. Sói và cáo rất ân hận vì đã bỏ lỡ cơ hội. Phải chi chúng biết đó là ông tiên thì chúng đã tiếp đãi ân cần rồi. Nhưng bây giờ thì đã muộn. Chúng chẳng hy vọng gì chuộc lại được lỗi lầm để trở thành thần tiên. Cơ hội chẳng bao giờ trở lại nữa.

Tương tự như thế, những người ở làng quê Nagiarét hôm nay cũng đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa giả dạng làm một người thường đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Người rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Người. Họ không tin Người. Họ hất hủi Người. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Người bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Người sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta.

Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.     Có khi nào bạn đã để lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?

2.     Bạn đánh giá một người theo giá trị thực sự của họ hay theo cảm nghĩ của bạn dựa trên những hiểu biết về gia cảnh, về lý lịch của họ?

3.     Bạn cần chuẩn bị những gì để khỏi lỡ cơ hội đón tiếp Chúa?

[/fruitful_tab]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*