• BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG – Sr. Sao Mai
  • BÁNH HẰNG SỐNG – Lm. Nguyễn Thái
  • BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG – Lm. Đinh Lập Liễm
  • BÁNH TRƯỜNG SINH – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
  • BÁNH BỞI TRỜI – TGM. Ngô Quang Kiệt

BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG (Ga 6: 41 – 51)

Sr. Sao Mai

Làm người Kitô hữu, chúng ta thường tự hào vì mình là hình ảnh Thiên Chúa, tự hào vì mình vượt lên trên muôn loài muôn vật, là con Thiên Chúa. Nhưng liệu rằng, khi nhìn vào cuộc sống của chúng ta người ta có nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa? Và phải dựa vào dấu hiệu nào để nhận biết điều này? Chúa Giêsu đã từng nói “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con yêu thương nhau”. Quả vậy, cuộc đời chúa Giêsu nơi trần gian là dấu chỉ rõ nhất của hình ảnh con cái Thiên Chúa chính là tình yêu.

Cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Ngài đến để giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương. Ngài đi gieo mầm yêu thương, nối kết tình người, xoa dịu đau thương. Ngài sống một cuộc đời thanh thoát không lệ thuộc của cải danh vọng trần gian. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập, không kết án ai, luôn bao dung tha thứ. Thậm chí Ngài đã từng tha thứ cho kẻ gây nên nhục hình cho Ngài. Và đỉnh cao của dấu hiệu yêu thương ấy là chết cho người mình thương.

Tình yêu thương của Ngài tựa tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Tấm bánh mang lại hạnh phúc cho nhiều người, làm vui lòng trẻ thơ cũng như người già. Tấm bánh hòa tan cho muôn người, kẻ thấp hèn cũng như người giàu sang. Tấm bánh thêm sức mạnh cho mọi người, kẻ no đầy cũng như người đói khát. Tấm bánh nối kết tình mọi người, vì “bánh ngọt bẻ đôi” sẽ là nhịp cầu thân ái cho người với người gần nhau hơn. Tấm bánh đời Ngài ban cho thế gian để cho thế gian được sống và sống dồi dào. “Và ai ăn bánh này sẽ không phải chết bao giờ”. Đó là tấm bánh phục sinh. Bánh cải tử hoàn sinh. Bánh trao ban sự sống đời này và cả đời sau.

Tuy nhiên, khi Đức Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Lời tuyên bố này không dễ để chấp nhận, vì những người Galilê đều biết: Ông này là ông Giêsu, con ông Giuse. Chính cái nhìn thành kiến này đã cản trở khiến cho những người Do Thái đã không tin và không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng từ trời mà đến.

Còn Đức Giêsu, Ngài cũng nói cho họ biết rằng: Để có thể tin vào Ngài, chấp nhận Ngài, đến với Ngài, không phải là do cố gắng cá nhân hoặc do sự hiểu biết của trí khôn, mà là do Thiên Chúa Cha muốn. Ngài lôi kéo và ai đến với Ngài, đón nhận Ngài như là tấm bánh thì Ngài sẽ cho kẻ ấy được sống và sống lại trong ngày sau hết, vì Ngài là Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến và chính Ngài là Thiên Chúa. Tin Ngài là đón nhận Ngài như đón nhận một vị Thiên Chúa, là yêu mến và tôn thờ, là tin tưởng và phó thác, là dám để cho Ngài đi vào trong tâm trí máu huyết chúng ta, giống như bánh hằng ngày trở thành chất dinh dưỡng cho thể xác thế nào thì Chúa Giêsu cũng trở thành tấm bánh bồi bổ nuôi dưỡng linh hồn mỗi người như vậy. Vì Đức Giêsu chính là tấm bánh của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, và đến lượt mình Chúa Giêsu đã dâng tặng máu thịt, thân mình Ngài trở thành tấm bánh, lương thực cho tất cả nhân loại mọi thời: Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi để cho thế gian được sống. Đây là một lời hứa và là một bảo đảm chắc chắn cho những người nào ăn bánh Chúa ban. Nếu như cơm bánh hằng ngày, và kể cả Man-na chỉ có thể kéo dài sự sống của thể xác một thời gian, thì bánh bởi trời mà đến là chính Chúa Giêsu, sẽ bảo đảm cho sự sống đời đời cho những ai lãnh nhận.

Sự sống mới, sự sống đời đời không phải chỉ được ban ở đời sau mà là được bắt đầu ngay từ hôm nay, dành cho những ai đón nhận Chúa, ăn bánh của Chúa. Và khi đã đón nhận Chúa vào tâm hồn, vào cuộc đời thì mỗi người được mời gọi sống theo lối sống của Chúa, đó là điều thánh Phaolô đã mời gọi cộng đoàn Ephêsô: Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa…, đừng chua cay, nóng nảy giận hờn, hãy loại trừ mọi hành vi gian ác, và hãy biết tha thứ cho nhau. Khi sống theo những lời khuyên này tức là sức sống mới đã bắt đầu lan tỏa trong cuộc đời chúng ta, tình yêu của Đức Giêsu đang thấm sâu vào trong chúng ta, vì khi biết sống những lời khuyên ấy là chúng ta đang từng bước nên giống Chúa Giêsu, nên những người con được Thiên Chúa yêu thương.

Với sức ép của xã hội công nghiệp hôm nay, người ta thấy con số các ca tự tử ngày càng gia tăng. Nhất là ở những nước công nghiệp phát triển như ở Nhật, Trung Quốc, con số những ca tự tử trong giới trẻ mỗi năm đều tăng cao. Lý do chính yếu không phải vì chuyện tình cảm, mà là do sức ép của cuộc sống khiến họ không chịu nổi. Cũng vậy, cuộc sống của chúng ta ngày nay dường như quá mệt mỏi, có những người mệt mỏi về thể xác vì sự vất vả của công việc, của sức ép cơm áo gạo tiền để nuôi sống gia đình, nhưng cũng có nhiều người không phải lo lắng cho cơn áo gạo tiền, họ giàu có tiền của nhưng cũng rất mệt mỏi vì sức ép của công việc làm ăn buôn bán kinh doanh, có nhiều người khác thì lại mệt mỏi trong tâm hồn vì vợ, vì chồng, vì con, vì gia đình, anh em… Hãy can đảm dừng lại, hãy dành thời giờ mỗi ngày để đến đón nhận Bánh Bởi Trời là Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu ban tặng, vì như xưa lương thực của Chúa đã bồi bổ sức khỏe cho Elia thế nào, thì ngày nay, lương thực Thánh Thể sẽ có sức mạnh tăng cường sức lực cho con người còn hơn như thế nữa, chỉ cần chúng ta siêng năng đến với Ngài, hãy để những giây phút thinh lặng trước Thánh Thể Chúa, tâm sự với Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ và ban sức sống của Ngài giúp chúng ta vượt qua hành trình trần thế này một cách tốt đẹp.

Thiên Chúa Cha là Đấng yêu thương đã và đang lôi kéo mời gọi chúng ta đến với Đức Giêsu Con của Ngài, mời gọi chúng ta vững tin vào Con của Ngài, đừng ngại ngần đến với Chúa Giêsu, đừng ngại đón nhận lương thực là Lời Chúa, là Thánh Thể của Chúa làm của ăn và làm người hướng dẫn cho cuộc đời chúng ta, Ngài sẽ chia sẻ với những khổ đau nhọc nhằn của con người, như Ngài đã mời gọi: Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy đến với Ngài, tin vào Ngài, chúng ta sẽ đón nhận được sự bổ sức ấy.

Với các bạn trẻ thanh niên nam nữ, ngày nay người ta đang quảng cáo đủ mọi thức ăn nước uống tăng lực, phục hồi cơ thể, nhưng tất cả những thức ăn, nước uống ấy chỉ là hóa chất đưa vào cơ thể bạn, mà không thể giải quyết được sự mệt mỏi trong tâm trí, trong cuộc đời của các bạn. Những thứ người ta quảng cáo có thể ngon miệng, nhưng không thể thỏa mãn cái đói, cái khao khát trong cuộc đời của các bạn, càng không thể làm giảm stress, không thể làm vơi đi sự mệt mỏi và khắc khoải của tuổi trẻ. Phim ảnh, sách báo xấu, các trò vui chơi giải trí… Tưởng chừng có thể khỏa lấp sự mệt mỏi, nhưng thực chất càng khiến bạn đuối sức hơn khi cố đuổi theo nó. Chỉ có Bánh Đức Giêsu ban tặng mới có thể thỏa mãn được mọi sự đói khát, chỉ có lương thực Thánh Thể mới làm vơi đi sự mệt mỏi trong cuộc đời của các bạn. Chính tình yêu của Chúa sẽ là thứ tạo động lực cho chúng ta.

Hãy đến với Ngài trong cầu nguyện, hãy lắng nghe Ngài, và hãy đón nhận quà tặng là Thánh Thể của Ngài, bạn sẽ cảm nhận được sự nâng đỡ bổ sức từ nơi Ngài. Và hãy chia sẻ tình yêu mình được nhận tới tất cả mọi người xung quanh, đó là những lương thực cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc thật ngày hôm nay và còn bảo đảm cho hạnh phúc mai sau nữa. Amen

BÁNH HẰNG SỐNG

Lm. Nguyễn Thái

Sau đây là câu chuyện có thật do Cha Munachi Ezeogu, CSSp – Dòng Thánh Linh và Trái Tim Đức Maria – kể lại trong bài giảng của ngài. Người Công Giáo đạo hạnh trên thế giới không ai muốn bị mất Lễ Chúa Nhật. Nhưng một Chúa Nhật vào mùa hè năm 1990, một cộng đoàn nữ tu Công Giáo ở Paris lại bị mất Lễ Chúa Nhật. Đó là điều không thể nghĩ tới được. Nhà dòng thường có một linh mục tới dâng Thánh Lễ Chúa Nhật vào lúc 4 giờ chiều. Nhưng vào ngày ấy linh mục này bị bệnh, nên ngài nhờ một linh mục người Nigerian đang ghé thăm ngài đến dâng Thánh Lễ giúp. Vị linh mục người Nigerian có mặt ở cổng tu viện vào lúc 3 giờ 55 chiều và ấn chuông. Theo như thói quen của đại đa số các linh mục ở Paris vào thời đó, ngài không mặc áo đen với cổ trắng, mà chỉ mặc áo sơ mi thường. Một nữ tu đã nhanh chóng ra mở cổng. Khi nhìn thấy một người Phi Châu da đen, bà đã không cho ông cơ hội để nói lời nào, nhưng đã nhanh nhẹn mời ông đi mà rằng: “Tôi rất tiếc, chúng tôi không thể giúp ông được. Chúng tôi sắp sửa có Thánh Lễ ngay bây giờ. Xin ông vui lòng trở lại vào lúc khác vậy.” “Cám ơn Sơ!” Vị linh mục nói rồi quay lưng trở về nhà xứ. Vài phút sau, những cú phôn gọi đến nhà xứ vang lên tới tấp: “Đây là các sơ, chúng tôi đang chờ linh mục đến và muốn biết khi nào ngài sẽ đến.” Người trực phôn nhà xứ trả lời: “Ngài đã đến rồi, nhưng các sơ đã nói với ngài đi đi và trở lại vào một ngày khác!”

Tại sao những nữ tu lại bị mất Lễ Chúa Nhật hôm đó? Chắc chắn các nữ tu không phải là những người xấu. Lý do đơn giản là vị linh mục đến gặp họ không giống như hình ảnh của họ đang mong chờ. Cái thực tại xảy ra trước mắt khác với những mong chờ trong tâm trí khiến họ đã không nhận ra ngài. Đây chính là vấn đề của những người xứ Galilêa đang đối chất với Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, Ga 6: 41-52.

Theo William Barclay một trong những lý do người Do Thái đã từ chối Chúa Giêsu vì họ phán đoán theo những giá trị của nhân loại, căn cứ theo những tiêu chuẩn bề ngoài. Họ đang mong chờ Đấng Thiên Sai đến từ trời. Họ trông vào những biến cố lạ thường và những biểu tỏ siêu nhiên trong bầu trời để có thể nhìn thấy Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa ngự xuống trong đám mây. Do đó khi Chúa Giêsu xuất hiện và công bố “Chính là Ta” (Ga 8:24, 28), họ đã không thể nhận ra được thực tại trước mắt so với những sự mong chờ trong tâm tưởng (1Cr 1:21). Họ nghi ngờ phẩm chất của Ngài vì Ngài là con ông Giuse và bà Maria: “Những người Do Thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: ‘Ta là bánh hằng sống bởi trời xuống.’ Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: “Ta bởi trời mà xuống” (Ga 6: 41-42).

Trong cuốn sách “Rabbinic Wisdom and Jewish Values”, Siverman kể câu chuyện về một tu sinh đang theo học Thánh Kinh Cựu Ước để trở thành thầy Rabbi. Một ngày nọ tu sinh đến với thầy dạy và tự bày tỏ rằng mình xứng đáng để trở thành thầy Rabbi rồi. Vị thầy mới hỏi: “Những phẩm hạnh của con là gì?” Môn sinh trả lời: “Con đã đạt đến cao độ của khổ hạnh. Con đã tự kỷ luật thân xác con để có thể nằm ngủ dưới đất, ăn cỏ ngoài đồng, và chịu đánh tội 3 lần một ngày.” Nghe vậy sư phụ trả lời: “Hãy nhìn con lừa trắng đang nằm ngoài sân, hãy lưu tâm rằng nó cũng nằm ngủ trên đất, ăn cỏ ngoài đồng, và bị đánh đòn ít nhất 3 lần một ngày. Cho đến cỡ này, có lẽ con cũng chỉ xứng đáng là một con lừa, chưa xứng đáng là thầy Rabbi được đâu.”

Chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá những phẩm chất tinh thần bên trong là một sai lầm lớn lao (Mt 11:25; Lc 16:15; Jn 7:24). Những người Do Thái đã nói rõ lý do không thể tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai vì nguồn gốc của Ngài: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7: 27).

Người Do Thái trong Cựu Ước đã quen với ý niệm Thiên Chúa phán một lời thì liền có mọi sự trong sách Sáng Thế. Nhưng khi nghe ý niệm “thịt” trở nên “bánh” thì họ lại khó chấp nhận! Tư tưởng “thịt trở nên bánh” là một sự mở rộng của ý niệm “Ngôi lời” trở nên “con người”, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Họ không chấp nhận được vì đã có thành kiến về Chúa Giêsu!

Làm thế nào nhận ra Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta? Chúa Giêsu muốn chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi thái độ sống khác với những người Do Thái. Thiên Chúa có thể đến với chúng ta trong bất cứ hình thức nào, ngay cả là một người thợ mộc nghèo khó (Mt 25:35). Như William Barclay đã nói: “Thiên Chúa có nhiều sứ giả. Thông điệp vĩ đại nhất của Ngài đã đến qua một người thợ mộc xứ Galilêa và vì lý do đó người Do Thái đã khinh thường nó.”

Thiên Chúa thường xuyên đến với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi Ngài hiện diện ngoài sự mong chờ và ước vọng của chúng ta. Nhiều khi Ngài lại đến qua những nghịch cảnh ngoài ý muốn của chúng ta nữa. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta có cởi mở và sẵn sàng đón tiếp Ngài không. Cuộc sống có hạnh phúc hay không cũng tùy thuộc ở thái độ của chúng ta.

Trên nhật báo Chicago Tribune, trong mục Ann Landers, một phụ nữ đã chia sẻ cái nhìn lạc quan và tích cực của bà đối với những công việc nội trợ nặng nề và vất vả hằng ngày như sau: “Tạ ơn Chúa vì đống bát dĩa phải được rửa sạch này. Chúa đã ban cho gia đình chúng con có nhiều lương thực để ăn mỗi ngày! Tạ ơn Chúa vì đống quần áo giơ bẩn này. Chúng con có nhiều quần áo để mặc mỗi ngày! Và con cũng tạ ơn Chúa vì những cái chăn, cái gối, cái khăn giường chưa được dọn dẹp gọn ghẽ này. Nhờ đó mà chúng con có một giấc ngủ ấm áp và thoải mái. Con biết có biết bao nhiêu người hiện không có giường để ngủ, họ đang sống cảnh màn trời chiếu đất! Con tạ ơn Chúa ban cho con cái nhà tắm này với những chiếc gương hoen ố do nước bắn tung tóe, những chiếc khăn tắm sũng nước, và cái lavabô rửa mặt dơ bẩn. Chúng rất tiện nghi! Cám ơn Ngài, lạy Chúa, vì cái lò nướng cần phải được lau sạch ngay ngày hôm nay. Con đã nướng biết bao thịt bánh trong nhiều năm trời! Cám ơn Chúa vì cái tủ lạnh cũ xưa này, nó cần phải được xả hết đá đã đóng băng dày đặc ra. Nó đã phục vụ gia đình con một cách trung thành trong bao nhiêu năm. Nó đã chứa không biết bao nhiêu đồ ăn còn lại, được cất giữ để có thể ăn được mấy ngày nữa! Lạy Chúa! Tất cả những công việc nhà đang chờ đợi con hôm nay đã nói với con rằng Chúa đã ban biết bao ơn lành cho gia đình con. Con sẽ dọn dẹp trong vui vẻ và đầy lòng biết ơn Chúa!” (Ep 5:20; Dt 12:28; 13:15).

Thật là một thái độ đẹp đẽ và tích cực. Đó chính là thái độ của người Kitô hữu, môn đệ Chúa Kitô. Những người Do Thái đã không làm như vậy, họ kêu trách Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu đã bảo với họ: “Các người đừng có xì xầm với nhau!” Tại sao họ than trách Chúa? Vì họ đã thực sự không biết Chúa Giêsu là ai. Nếu họ biết rõ Chúa họ đã không kêu trách Chúa (1Cr 10:10). Không biết Chúa tức là xa Chúa, không cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Nếu chúng ta cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại, Ngài đã ban Ngôi Hai xuống thế làm người và chịu chết cho chúng ta, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được mầu nhiệm Chúa Giêsu trở thành bánh trong Bí tích Thánh Thể như một chứng tích của tình yêu thương đó đối với loài người.

Suy niệm về đoạn Phúc Âm này, trong cuốn “The Song of the Bird”, cha Anthony de Mello, S.J., đã khuyên chúng ta: “Bạn hãy nhìn bóng tối một cách chăm chú. Bạn sẽ mau mắn nhận ra ánh sáng. Bạn hãy nhìn chăm chú mọi sự. Bạn sẽ mau mắn nhận ra Ngôi Lời.”  Cảm nghiệm từ lời khuyên khôn ngoan của cha Anthony de Mello, tôi có thể nói thêm rằng nếu bạn nhìn chăm chú vào tấm bánh trong Bí Tích Thánh Thể, bạn sẽ mau mắn nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu đang hiện diện.

Sách Giáo Lý Công Giáo số 1359 dạy rằng: “Thánh Thể là bí tích cứu độ được Chúa Kitô thực hiện trên Thập giá cũng là một hy tế để ngợi khen và cảm tạ Chúa Cha vì đã sáng tạo vũ trụ vạn vật. Trong hy lễ Thánh Thể, tất cả vạn vật được Thiên Chúa yêu thương sẽ được dâng lên Chúa Cha qua sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô, Giáo Hội có thể dâng lên hy lễ ngợi khen để cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì là tốt lành, tốt đẹp và công chính trong các tạo vật và trong nhân loại.”

Thánh Lễ là lời tạ ơn của Giáo Hội đối với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Thánh Lễ là hy lễ để cảm tạ Chúa Cha, là lời chúc tụng để Giáo Hội tỏ bày lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả các ơn lành Ngài ban, tất cả những gì Ngài đã thực hiện qua việc sáng tạo, ơn cứu chuộc, ơn thánh hóa. Ý nghĩa trước hết của Thánh Lễ là ‘lễ tạ ơn'” (GLCG #1360).

Trong bài đáp ca, Thánh Vịnh 33 cũng dạy cho chúng ta một thái độ gương mẫu: “Con chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng con hằng liên lỉ ngợi khen Người.” Chúng ta hãy luôn luôn tạ ơn Chúa, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong nghịch cảnh (Ep 5:19-20). Tiên tri Êlia, trong bài đọc thứ nhất, đã đón nhận sức mạnh từ trời cao để tiếp tục cuộc hành trình chu toàn sứ mạng được Chúa sai đi, trong khi ông vô cùng tuyệt vọng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống tôi đi!” (1 V 19:4).

Chúa Giêsu đã phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống” (Ga 3:51). Mỗi khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta nhận thức rằng đây là nguồn sức mạnh từ trời ban xuống. Sức mạnh tinh thần giúp chúng ta thắng vượt những thái độ bi quan trước những sự khó khăn. Nguồn trợ lực nâng đỡ các bậc cha mẹ tiếp tục hy sinh cho con cái và những đôi vợ chồng biết yêu thương và hy sinh cho nhau. Nguồn an ủi và hy vọng cho những người già yếu, ốm đau, bệnh tật chịu đựng những đau khổ thể xác và tinh thần. Nguồn hướng dẫn chỉ đường cho các bạn trẻ sống đức tin giữa cuộc đời.

BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG

Lm. Đinh Lập Liễm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu đưa dần đến mầu nhiệm “Bánh ban sự sống.” Nhưng dân chúng không mở tai ra để nghe, để hiểu. Họ chỉ khư khư xoay quanh những đòi hỏi vật chất. Khi nghe Đức Giêsu nói: ”Ta là bánh từ trời xuống”, người ta kêu ca phản đối: ”Ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Ta từ trời xuống?” (Jn 6:41-42). Họ phản đối Đức Giêsu vì họ thấy theo con mắt xác thịt, theo suy nghĩ của loài người hạ giới. Lối nhìn này gọi là quan sát thực nghiệm, cân đo, đụng chạm được bằng mắt, tai, tay, chân, mũi. Ngoài ra không thấy gì khác nữa.

Họ phản ứng trước lời tự xưng của Đức Giêsu, nêu lên sự kiện Ngài là con bác thợ mộc, họ biết Ngài sinh sống tại Nazareth. Làm sao họ hiểu một người thợ mộc tầm thường nghèo nàn lại có thể trở thành sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa được. Họ chối bỏ Đức Giêsu vì trắc nghiệm Ngài bằng các giá trị của loài người, của xã hội và bằng tiêu chuẩn thế gian (Jn 7:24).

Lawrence là bạn thân của thi sĩ Thomas Hardy. Thời gian ông phục vụ trong Không lực hoàng gia Anh với tư cách thợ máy, ông vẫn thường mặc quân phục thợ máy đến thăm vợ chồng Hardy. Một lần tại nhà thi sĩ, ông gặp bà thị trưởng Dorchester. Không biết anh thợ máy cùng có mặt hôm đó là ai, bà tỏ ra khó chịu quay sang hỏi bà Hardy, nói bằng tiếng Pháp, bà than phiền “từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, tôi chưa bao giờ ngồi uống trà với một tên lính quèn như thế này.” Không ai nói năng gì. Một lúc sau, Lawrence nói với bà bằng tiếng Pháp thật hoàn hảo rằng “Xin lỗi bà, tôi có thể làm thông dịch viên cho bà, vì bà Hardy không biết nói tiếng Pháp.” Một mệnh phụ phu nhân rởm đời và bất nhã đã lầm lẫn tai hại chỉ vì xét người theo bề ngoài, theo tiêu chuẩn xã hội.

Người Do Thái không thấy được Đức Giêsu từ trời xuống vì lòng họ ra chai đá, không còn cảm động theo ân huệ lôi kéo của Đức Chúa Cha, không còn nghe lời Cha dạy dỗ dù hết mọi người được Thiên Chúa dạy dỗ như sách tiên tri đã chép (Jn 6:44-45). Thiên Chúa lôi kéo. Thiên Chúa dạy dỗ. Thiên Chúa đề nghị, nhưng rồi ta không nghe, không đáp lại, không hiệp thông.

Đức Giêsu quả quyết Ngài là bánh từ trời xuống. Đây Ngài quả quyết thêm một điều nữa: ”Ngài là bánh ban sự sống”, khác với manna (Jn 6:48-50). So sánh manna được ban cho dân Do Thái làm lương thực đi đường trong sa mạc với Bánh Hằng Sống được Đức Giêsu ban cho các tín hữu trong bí tích Thánh Thể, chúng ta thấy manna là lương thực được Đức Chúa ban cho dân Do Thái trong thời xuất hành, là thứ đồ ăn mau bị hư nát (x.Xh 16,19-21). Dù dân Do Thái đã ăn manna, nhưng họ vẫn bị giết chết do tội họ đã phạm (x.Tv 78, 29-31) và vẫn không sống đời đời (x.Ga 6,58). Còn Đức Giêsu mới là Bánh Hằng Sống đích thực, để ăn thịt và uống máu Ngài thì sẽ không phải chết (x.Ga 6,50) nhưng được sống đời đời (Ga 6,51.54), được ở trong Ngài (Ga 6,56), được sống nhờ Chúa Cha (x.Ga 6,57), được sống và được sống dồi dào (x.Ga 10,10).

Đức Giêsu nói tiếp: ”Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Jn 6:51). Với câu này, Đức Giêsu đã đưa vào một ý tưởng mới. Bánh này Đức Giêsu hứa sẽ ban, nhưng chưa ban. Đã rõ, đây Đức Giêsu muốn nói về Thánh Thể Ngài sẽ thành lập sau này. Từ lương thực nuôi sống thể xác, được Ngài biến thành Bánh Hằng sống (x.Ga 6,48), thành thân mình sẽ bị khổ nạn và phục sinh của Ngài (x.Ga 6,51), thành của ăn thần thiêng nuôi dưỡng đức tin, giúp các tín hữu đủ sức tiến về Đất Hứa là quê trời đời sau và sẽ được sống muôn đời.

Năm 700, tại tu viện Thánh Longino ở Lanciano (Ý) một linh mục Basiliô, đã dâng Thánh Lễ nhưng lại hoài nghi về mầu nhiệm Chúa biến bánh rượu nên Mình Máu Thánh Chúa. Chúa đã làm một phép lạ cả thể còn được lưu niệm đến ngày nay như một tang chứng vĩ đại về phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano. Sau khi vị Linh mục ấy truyền phép, Bánh đã trở nên Thịt và Rượu đã trở nên Máu, còn được cô đọng đến ngày nay. Theo một cuộc phân tích, thịt là một thớ thịt từ trái tim, máu là máu một người với công thức AB (vết máu trên chiếc khăn liệm Turin cũng là công thức AB). Ngày nay, Thịt và Máu Chúa được lưu giữ trong hào quang gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano, có từ năm 1713. Cuộc khảo sát khoa học chứng minh, được thực hiện năm 1971. Thánh đường Thánh Phanxicô, nơi lưu giữ, trở nên một trung tâm hành hương lớn của thế giới (Đọc Eucharistic Miracles của Carroll Cruz).

Người đời ai cũng muốn sống lâu, sống trường sinh bất tử, cho nên mỗi độ xuân về người ta nhộn nhịp chúc tuổi nhau như thi sĩ Trần Tế Xương đã diễn tả: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau; Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.” Người ta ai cũng sợ chết. Tham sinh úy tử là lẽ tất nhiên. Người ta nhận xét rằng không bao giờ người đời cảm thấy mình sống lâu cả. Dầu đã tóc bạc da mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy như mới bước chân vào đời ngày hôm qua vậy. Cụ Tam nguyên Yên Đổ đã diễn tả tâm trạng ấy như sau: “Nhớ từ năm trước vẫn thơ ngây; Thoát chốc mà già đã tới ngay.”

Càng sống lâu, người ta càng muốn sống, càng thích sống, thèm sống, khát sống… Cụ già tám chín mươi tuổi thấy còn ham sống, như trang thanh niên mười chín đôi mươi vậy. Vì vậy, người ta mới tìm ra đủ cách, đủ mọi phương pháp để được cải lão hoàn đồng, được sống lâu, nhất là được trường sinh bất tử.

Thời Chiến quốc, có người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, có viên canh cửa hỏi rằng: “Vị thuốc này có ăn được không?” Người ấy đáp: “Ăn được.” Tức thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn.

Chuyện nói đến tai vua. Vua phán bắt viên quan đem giết. Viên quan kêu rằng: “Thần đã hỏi người đem dâng thuốc. Người ấy nói rằng: ‘Ăn được’ nên thần mới ăn. Thế là thần vô tội mà lỗi người dâng thuốc. Vả chăng, người đem dâng thuốc nói là ‘bất tử’, nghĩa là ăn vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới ăn, đã sắp phải chết; vậy là thuốc tử, chớ sao gọi là bất tử được? Nhà vua giết thần, thực là bắt tội một người vô tội mà tỏ rằng thiên hạ dối được nhà vua mà nhà vua vẫn tin. Vua nghe nói có lý, bèn tha cho viên quan ấy, không giết nữa. (Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 170).

Người ta hoàn toàn bất lực trước cái chết. Bao nhiêu phương pháp làm cho con người trường sinh bất tử đều thất bại. Người ta chỉ còn có cách quay về với Chúa thôi. Một trong những câu nói quan trọng nhất của Đức Giêsu về đời sống vĩnh cửu là những gì Ngài nói trong bài Tin Mừng hôm nay: ”Ta là Bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh của Ta sẽ ban cho ấy là Thịt Ta, Ta ban Thịt Ta để thế gian được sống.” Đức Giêsu mạc khải cho biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Còn có cuộc sống trong tương lai không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu (Jn 6:40).

Khi Đức Giêsu nói: ”Ta là Bánh từ trời xuống”, dân Do Thái xầm xì phản đối. Đức Giêsu phán tiếp: ”Các ông đừng có xầm xì với nhau, chẳng ai đến với Ta được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy” (Jn 6:44). Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã đứng trên một bình diện khác với lý trí của con người. Đó là điều mà chúng ta thường gọi là “Ân sủng”, hay nói cách khác, đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói cần phải có sự soi sáng ở bên trong của Thiên Chúa là Đức tin, để thấu hiểu được những việc của Thiên Chúa, để “đến với Đức Giêsu.” Chỉ có Chúa mới có thể nói về Chúa (Jn 6:45-46). Đấng siêu việt không phải là một thực tại nhỏ bé nằm trong tầm hiểu biết của bộ óc con người hay của máy móc khoa học: Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, vượt cao hơn tất cả (Is 55:9). Hãy để cho Chúa dạy bảo chúng ta. Phải đón nhận “Lời Chúa”, lời từ một nơi khác đến với chúng ta.

Hồng Y Newman trước kia đã từng giữ chức vụ cao trong Anh Giáo. Dù thuộc tầng lớp quí tộc và hàng chức sắc cao cấp như vậy, nhưng ngài vẫn luôn có sự áy náy lương tâm về một số vấn đề liên quan đến đức tin tôn giáo khó lòng lý giải được. Thế rồi một ngày kia, sau khi đã dành nhiều thời giờ suy nghĩ tìm hiểu và so sánh giữa Anh Giáo và Công Giáo, cuối cùng ngài quyết định từ bỏ mọi chức vụ và các đặc quyền đặc lợi để xin cải giáo theo Công Giáo. Biết được ý định của Newman, nhiều người thân là bà con và bạn bè đã đến thăm và đề nghị ngài suy nghĩ lại. Có người còn nêu cụ thể vấn đề bổng lộc như sau: ”Trước khi quyết định, xin ngài hãy cân nhắc cẩn thận. Vì nếu ngài cải giáo thì không những bị mất tất cả các chức danh và địa vị tinh thần, mà ngay cả lương bổng vật chất hàng năm không còn được hưởng nữa.” Nhưng Newman đã thẳng thắn trả lời họ rằng: ”Tiếc thì tôi cũng có tiếc thật. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Chức vụ, quyền hành và bổng lộc vật chất tuy đáng quý, nhưng có đáng là gì nếu đem so sánh với những cái tôi nhận được khi tôi trở nên thành viên của Hội Thánh Công Giáo và tông truyền. Tôi sẽ được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua việc lãnh các bí tích, nhất là được ăn bữa tiệc Thánh Thể. Đó mới thực là bánh đem lại phúc trường sinh.”

Sở dĩ Newman có được suy nghĩ sáng suốt và quyết tâm cao như vậy, là do Ngài được Chúa Thánh Thần soi dẫn và đã thuận theo sự hướng dẫn ấy. Thực vậy, nếu không có ơn Thánh Thần, thì người ta chẳng những sẽ không hiểu nổi các chân lý nói trên, mà sẽ còn tỏ ra khó chấp nhận những lời giảng dạy về mầu nhiệm Thánh Thể, như đám đông dân Do Thái tại thành Capharnaum mà Tin Mừng hôm nay đã thuật lại.

Để có thể tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, người ta phải mở rộng tâm hồn trước những mạc khải và quyền lực siêu nhiên. Văn sĩ Charles Péguy đã nói: ”Bí tích Thánh Thể, Bánh Hằng sống, không phải là những chuyện tầm thường ngang tầm tay chúng ta. Phải tìm kiếm vượt trên những gì hữu hình. Không ai đã thấy bao giờ! Vậy để thấy rõ hơn, có lẽ chúng ta sẽ nhắm hẳn mắt lại, tránh mọi sự chia trí trong thế giới hữu hình, để tập trung vào cái “vô hình.”

Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời với bao gian nan trở ngại. Chúng ta cũng cần được Chúa nuôi dưỡng để đủ sức đi trọn cuộc hành trình về quê trời đời sau. Vậy chúng ta cần phải ăn thứ lương thực nào? Chúa Cha đã ban cho ta bánh bởi trời là Đức Giêsu (x.Ga 6, 32-33). Đó là Bánh Thánh Thể, được ban để đem lại sự sống đời đời như Ngài đã nói: ”Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống. Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống (x.Ga 6, 48.51).

Bánh ban Sự Sống còn là Lời Chúa như Đức Giêsu đã nói khi đương đầu với ma quỉ cám dỗ: ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3; Mt 4,4). Ngài chính là Ngôi Lời hay lời nói của Thiên Chúa đã nhập thể làm người (Ga 1,14) và chỉ mình Ngài mới có những lời mang lại sự sống đời đời (x.Ga 6,68).

Tóm lại, Mình Máu Chúa là của ăn không những nuôi dưỡng linh hồn mà còn tăng thêm niềm tin, lòng yêu mến và hy vọng, giúp chúng ta sống hào hùng, sống tốt đẹp ở đời này và bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc trường cửu đời sau. Vậy chúng ta hãy quý mến phép Thánh Thể và siêng năng rước lễ để lãnh nhận những ơn ích và những hiệu quả cao quý ấy.

BÁNH TRƯỜNG SINH

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Một ngôn sứ dũng cảm như Êlia trên núi Cácmen

cũng có lúc chán nản, thất vọng, chỉ muốn xin được chết.

Giữa sa mạc, Êlia nằm ngủ dưới gốc cây.

Ông không còn đủ sức tiếp tục cuộc hành trình.

Một thiên thần đã đem đến cho ông bánh và nước,

nhờ đó ông có sức đi đến núi của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời,

với bao thách đố, ngờ vực, hiểm nguy…

Chúng ta cần được dưỡng nuôi, nâng đỡ,

để có sức đi hết cuộc hành trình về quê thật.

Có thiên thần nào hiện ra đem bánh cho ta không?

Có thứ manna nào từ trời rơi xuống?

Thiên Chúa Cha muốn ban cho ta tấm bánh từ trời,

đó là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa (Ga 6,32-33).

Ðức Giêsu là Tấm Bánh Cha ban cho nhân loại,

và chính Ngài cũng muốn tặng bản thân mình cho ta:

“Tôi là Bánh trường sinh” (c.48).

“Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống” (c.51).

Khi nói đến Bánh hằng sống, Bánh trường sinh,

chúng ta thường nghĩ ngay đến bí tích Thánh Thể

và ít khi nghĩ đến Tấm Bánh Lời Chúa.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc.

Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa

trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể.

Cả hai đều là lương thực cần thiết cho tín hữu.

Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng

khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ

thì Chúa Giêsu “hiện diện trong Lời của Người,

vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội.”

Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng

trong từng thánh lễ (PV 33).

Ngài vẫn trao cho ta Tấm Bánh là Lời của Ngài.

Con người sống đâu chỉ nhờ cơm bánh vật chất,

mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Ðức Giêsu là Lời viết hoa của Thiên Chúa.

“Thầy có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Lời Chúa là thức ăn khó nuốt.

Cuốn Tân Ước tôi cầm trên tay là một bản văn cổ,

thuộc nền văn hóa xứ Palestin cách đây hơn 2000 năm.

Phải học hỏi, đào sâu mới hiểu đúng và hiểu đủ.

Lời Chúa cũng là thức ăn khó nuốt,

vì là một lời mời gọi tôi ra khỏi mình,

bỏ lại những tính toán khôn ngoan và hợp lý.

Tiếng Chúa đụng đến con người tôi, ở đây, bây giờ,

và mời tôi dấn thân vào một cuộc mạo hiểm.

Nhưng Lời Chúa sẽ là tấm bánh thơm ngon

nếu tôi biết lắng nghe và đem ra thực hành.

Càng sống Lời Chúa,

tôi càng gặp được ánh sáng và sức mạnh,

nhất là được hiệp thông với con người Ðức Giêsu.

Hãy hưởng dùng Tấm Bánh Chúa trao cho bạn,

và hãy chia sẻ cho nhau kho tàng Lời Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa

dưới muôn ngàn dáng vẻ.

Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm,

nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,

những người sống không ra người.

Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,

nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người

gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.

Chúa hiện diện nơi Giáo Hội

gồm những con người yếu đuối, bất toàn,

và Chúa cũng ở rất sâu

trong lòng từng Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vũ trụ

và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.

Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người

vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.

Xin cho con khám phá ra

Chúa đang hẹn gặp con

nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.

Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,

thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.

Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa

trên bước đường đời của con. Amen.

BÁNH BỞI TRỜI (Gioan 6:41-51)

TGM. Ngô Quang Kiệt

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”. (Ga 6,68).

Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời.

Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Có câu kinh thánh nào đã soi sáng bạn trong lúc khó khăn và đã trở thành kim chỉ nam cho đời bạn ?
  2. Có khi nào bạn cảm thấy Chúa muốn dạy dỗ bạn qua những bài Sách Thánh không?
  3. Bạn cảm thấy thế nào mỗi khi rước lễ ? Bạn có cảm thấy Đức Giêsu gần gũi bạn không ?
  4. Hãy tóm tắt những tác dụng của Lời Chúa và của Thánh Thể Chúa

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*