- TIỆC THÁNH THỂ – Bm. Minh Trân, CRM
- ĐẤNG HẰNG SỐNG – Lm. Nguyễn Thái
- BỮA TIỆC THÁNH THỂ – Lm. Đinh Lập Liễm
- TÔI LÀ TẤM BÁNH – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
- THỊT TA LÀ CỦA ĂN – TGM. Ngô Quang Kiệt
TIỆC THÁNH THỂ (Cn 9:1-6; Ep 5:15-20; Ga 6:51-59)
Bm. Minh Trân, CRM
Anh chị em thân mến,
Hôm nay con xin chia sẻ một vài suy tư về vấn đề ăn uống. Lý do là vì Lời Chúa trong Chúa Nhật tuần này nói đến chuyện ăn uống: bài đọc 1, nói đến rượu, tiệc: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi.” Bài đáp ca, thì kêu gọi: “Các bạn hãy nếm thử…” Và đến bài Phúc Âm, Chúa cũng phán: “Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống… ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời.”
Ngồi dọn bài giảng mà bụng con cứ sôi sùng sụng. Lời Chúa thì hướng về các vấn đề siêu nhiên, mà tâm trí con thì cứ toàn nghĩ lung tung… nào là dê nướng, heo rừng xào lăn, rồi lại thêm mấy đĩa tiết canh vịt thỉnh thoảng bà con mời thưởng thức đó đây… tội lỗi, tội lỗi…
Ăn uống, như chúng ta đều biết, là chuyện bình thường và là nhu cầu cần thiết của hết mọi người. Chúng ta được nghe, “Có thực mới vực được đạo.” Không ăn, thì không thể sống… trừ một vài trường hợp đặc biệt như trong trường hợp của cô Therese Newmann, là người được in 5 dấu thánh. Suốt 36 năm trường, cô chẳng ăn uống gì cả ngoài trừ rước Mình Thánh Chúa.
Therese được sinh ra đúng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 8 tháng 4, 1898, trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh tại Bavaria, miền Bắc nước Ðức. Gia đình của Therese rất nghèo, sống bằng nghề nông. Ngay từ thuở niên thiếu, Therese đã mơ ước trở thành một nữ tu sang Phi Châu truyền giáo. Nhưng Thiên Chúa đã an bài một hướng truyền giáo khác cho cô.
Vào buổi sáng thứ Sáu đầu tiên của Mùa Chay, ngày 5 tháng 3 năm 1926, Therese được lãnh nhận dấu thánh. Khi nằm nghỉ trên giường, cô chợt thấy trong một thị kiến, Ðức Giêsu đang quì cầu nguyện ở vườn cây dầu và thấy các môn đệ đang ngủ. Cô cảm thấy dấy lên nơi tâm hồn niềm thương cảm vô biên đối với Ðấng Cứu Chuộc. Cô cảm thấy đau đớn tột độ ở gần nơi trái tim đến nỗi có thể chết được. Khi tỉnh lại, cô thấy một vết thương ở cạnh sườn bên trái, máu rỉ ra cho đến ngày hôm sau.
Các tuần lễ sau, cũng vào giờ đó Therese lại thấy Ðức Giêsu trong vườn cây dầu, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai. Mỗi lần như thế, vết thương cạnh sườn cô chảy máu chan hoà đến ngày hôm sau. Ngày thứ sáu 26 tháng 3, Therese thấy Chúa vác thánh giá và té ngã dưới sức nặng. Khi tỉnh lại cô thấy một vết thương hiện lên nơi bàn tay trái của cô, không cách chi che giấu được. Khi mẹ cô hỏi tại sao bị thương như thế, Therese trả lời rằng vết thương ấy đã xuất hiện cách tự nhiên. Trong đêm thứ năm tuần thánh, tức ngày 1 tháng 4, lần đầu tiên Therese được mục kích trọn đường thánh giá từ vườn cây dầu tới đỉnh núi Sọ và cái chết của Chúa trên thập giá.
Sau đó những vết thương khác xuất hiện thêm trên tay mặt và hai chân của cô. Cha sở Naber được mời đến. Cha vội đến nói với một linh mục khác và cha đã ghi như sau trong nhật ký của cha: “Therese nằm đó như một vị tử đạo, cặp mắt cô đầy máu và hai giọt máu chảy xuống má cô. Gương mặt cô nhợt nhạt như một người chết. Ðến 3 giờ chiều, giờ chết của Ðấng Cứu Chuộc, cô phải chịu những cơn đau khủng khiếp đến chết đi được. Sau đó, cô ngất đi hoàn toàn. Cha sở bị đánh động mạnh trước biến cố. Các dấu thánh ấy đồng thời khiến cha mẹ và cả gia đình của Therese sầu khổ tột độ.
Ngày 4 tháng 4 là Chúa Nhật Phục Sinh, Therese được thấy Ðấng Cứu Chuộc Phục Sinh. Cô cảm thấy khoẻ khoắn trong người để có thể ra khỏi giường.
Từ lễ Giáng Sinh 1926, Therese cảm nghiệm một sự thay đổi đột ngột là ngưng hẳn việc ăn uống. Hằng ngày sau khi rước lễ cô chỉ dùng vài giọt nước để giúp cô nuốt trôi Mình Thánh Chúa. Nhưng cha sở Naber chứng thực rằng sau tháng 9, 1927, cô không cần những giọt nước này nữa.
Từ đó trở đi, trong 36 năm liền, Therese sống mà không cần ăn uống gì cả. Mình Thánh Chúa là thức ăn duy nhất của cô. Có lần người ta hỏi cô rằng sao cô lại có thể sống được như vậy? Cô đơn giản trả lời: “Chúa làm được tất cả mọi sự mà.” Và chẳng phải Chúa đã nói: “Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống’ sao?”
Tiến trình phong chân phước và á thánh cho Therese Newmann đã chính thức được mở ngày 13 tháng 2 năm 2005 do Đức Cha Gerhard Mueller tại Regensburg, Germany.
Kính thưa quí ông bà anh chị em,
Ăn uống là nhu cầu cần thiết cho thân xác của chúng ta thế nào, thì việc Rước Mình và Máu Thánh Chúa cũng là nhu cầu cần thiết cho linh hồn và sự sống đời sau của chúng ta như vậy… và còn hơn thế nữa.
Chúng ta cũng biết rằng máu tiêu biểu cho sự sống. Do đó, ở điểm này, chúng ta hiểu thêm khi Chúa Giêsu phán dạy phải ăn thịt và uống máu Ngài, là Ngài dạy chúng ta phải nhận lấy sự sống của Ngài vào trong mình.
Như thế có nghĩa là gì? Con xin chia sẻ bằng một hình ảnh cụ thể. Mấy năm trước đây con có một cha bạn về thăm gia đình bên Việt Nam và khi về lại Mỹ có tặng cho con bộ sách chú giải thánh kinh của William Barclay. Cha nói bộ sách này rất hay. Và suốt mấy tháng trời mặc dù sách hay cỡ nào đi nữa thì nó cũng chẳng bổ ích gì cho con vì nó vẫn nằm trên giá sách, nằm ở ngoài con. Mãi cho đến một hôm con mở ra đọc… và rồi những dòng chữ quan trọng, những tư tưởng xúc tích được ghi khắc vào tâm trí con… thấm nhập vào con… Với Chúa Giêsu cũng thế, bao lâu Ngài chỉ là một nhân vật trong sách, trên kệ sách… và lại thật sự không ở trong ta, thì bấy lâu Ngài vẫn chẳng ích lợi và ý nghĩa gì cho ta.
Xin Chúa ban cho chúng con lòng yêu mến Thánh Thể tha thiết. Biết sốt sắng dọn mình và rước Mình Máu Thánh Chúa để được sống và được sống dồi dào.
ĐẤNG HẰNG SỐNG
Lm. Nguyễn Thái
Tôi còn nhớ một trò chơi khi còn bé có tên là “thiên đàng hỏa ngục”. Trẻ con thường tụ họp nhau lại ở sân trường học. Nhiều trò chơi cần có hai nhóm, hoặc là “oánh tù tì” hay “thiên đàng hỏa ngục”. Một chuỗi trẻ con xếp hàng dài, chui qua một cái cổng do hai đứa đứng nắm tay nhau giơ cao lên làm cổng. Trẻ con vừa đi chui qua cổng vừa đọc: “Thiên đàng hỏa ngục hai bên. Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn. Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha. Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn. Linh hồn phải giữ linh hồn. Đến khi gần chết được lên thiên đàng.” Vừa đọc xong câu này, cổng xập xuống, chặn lại hỏi: “Lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục?” Bọn con trai thường mánh mung với nhau để về một phe, phe đó là phe xuống hỏa ngục. Thường thì phe này bao giờ cũng thắng trừ trò chơi nhẩy dây!
Trong các bài đọc hôm nay chúng ta được mời gọi để trở nên khôn ngoan và tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực. Tuy nhiên sự khôn ngoan đích thực không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ nơi chính Thiên Chúa, nơi Lời của Người, nơi chính Mình và Máu Con Thiên Chúa ban sự sống đời đời: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống ” (Ga 6: 51).
Trong bài đọc thứ hai hôm nay (Ep 5:15-20), Thánh Phaolô nói đến một khía cạnh của sự khôn ngoan. Đó là sự chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, giữa sự thật và sự giả dối. Sống vâng theo thánh ý Thiên Chúa là đầu mối của sự khôn ngoan: “Hãy sống như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ… hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa” (Ep 5: 15-17).
Thánh ý Thiên Chúa nằm trong những luật tự nhiên của vũ trụ, trong lương tâm đạo đức của con người, và trong mạc khải của Thánh Kinh và Thánh Truyền. Trong những huyền thoại về “Vua Salomon Khôn Ngoan” đã được truyền tụng qua các thế hệ, có câu chuyện kể sau đây: ngày xưa, có một bà hoàng hậu rất giầu sang đã mời vua Salomon tới cung điện của bà để thử tài khôn ngoan chưa từng có trên đời của vị vua nổi tiếng này xem có đúng không. Bà đem trình vua Salomon hai bó hoa và tuyên bố: “Một bó hoa được chế tạo ra bởi một tay thợ thủ công tài giỏi, và một bó hoa thật cắt từ vườn hoa. Chúng tôi muốn được chứng kiến, qua sự khôn ngoan của ngài, xin ngài cho chúng tôi biết bó hoa nào là bó hoa thực.” Vua Salomon ngồi quan sát kỹ lưỡng mỗi bó hoa. Mầu sắc cũng như cành lá thật giống nhau. Cả hai đều có những giọt sương, và ngay cả những khuyết điểm bất toàn cũng giống nhau. Vua Salomon không thể nói lên sự khác biệt được. Ngay lúc vua sắp sửa chấp nhận thua cuộc thì một con ong đã bay vào cung điện qua cánh cửa sổ mở. Những cận thần trong cung điện cố gắng ra sức bắt đuổi con ong, nhưng vua Salomon ra dấu cho họ cứ để con ong trong phòng. Con ong bay lượn một vòng khắp phòng và sau cùng nó đã đậu lên một trong hai bó hoa. Lập tức, vua Salomon công bố bó hoa đó là hoa thật. Đấng Sáng Tạo đã xếp đặt định luật của Ngài nơi vũ trụ thiên nhiên để dạy ta biết phải học hỏi sự khôn ngoan của Ngài, Nguồn Mạch của thiên nhiên và sự sống trên vũ trụ nầy.
Một trong những tác giả bảo vệ đức tin ở thế kỷ thứ 20 là G.K. Chesterton. Trong cuốn “Orthodoxy” (New York: Image Books, 1959), Chesterton đã viết về sự quan trọng của truyền thống, một nguồn sống khôn ngoan vĩ đại cho các Kitô hữu: “Truyền thống có thể được định nghĩa như một sự mở rộng của quyền bầu cử. Truyền thống có nghĩa là bỏ phiếu cho phần ít người biết đến nhất trong tất cả các giai cấp, tổ tiên của chúng ta. Đó là nền dân chủ của những người đã chết. Truyền thống từ khước chịu phục tùng tập đoàn đầu sỏ nhỏ bé và kiêu căng của những người có vẻ tỏ ra quyền hành. Tất cả những người dân chủ phản đối lại những con người đang bị mất tư cách bởi tình cờ sinh ra. Truyền thống chống lại sự đánh mất tư cách của họ bởi tình cờ chết đi. Dân chủ nói với chúng ta không được chểnh mảng ý kiến của một người tốt, ngay cả nếu người đó là cha của chúng ta. Ở bất cứ cấp độ nào, tôi cũng không thể tách rời hai tư tưởng dân chủ và truyền thống; đối với tôi dường như chúng là một.”
Người khờ dại là một người hay một cộng đoàn tự giới hạn mình vào thời gian hiện tại. Chúng ta có rất nhiều điều phải học hỏi từ các tiên tri, các tư tưởng gia và các nhà hiền triết ở quá khứ. Truyền thống là tiếng nói khôn ngoan của họ.
Và trong bài Phúc Âm Chúa Giêsu đã mạc khải chân lý tối hậu của sự khôn ngoan là được nối kết với đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa qua việc đón nhận Mình và Máu của Con Thiên Chúa: “Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính Người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta” (Ga 5:57).
Trong Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Hiệu năng ban ơn cứu độ của hy tế được thực hiện trọn vẹn khi Mình và Máu Chúa được tín hữu lãnh nhận qua việc rước lễ. Tự bản chất, hy tế tạ ơn hướng đến sự kết hiệp nội tâm của người tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ, sự kết hiệp đó mà Người so sánh với sự kết hiệp trong đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi thật sự đã thực hiện” (đoạn 16). Ngài đã trích lời của Thánh Êphrem đã viết như sau: “Người đã gọi tấm bánh là Thân Mình hằng sống của Người và đã lấp đầy tấm bánh đó bằng chính Người và Thánh Khí của Người. Tất cả anh chị em, hãy cấm lấy mà ăn; và cùng với bánh ấy, hãy ăn Chúa Thánh Thần. Vì đó đích thật là Mình Thầy và ai ăn sẽ có được sự sống đời đời” (đoạn 17).
Chúa Giêsu đã biết rằng đời sống con người tuy được Thiên Chúa ban cho mọi ơn lành, nhưng do tội lỗi đã làm cho cuộc sống trở nên đầy những gian nan, thử thách và thù nghịch. Để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn này, Ngài đã trở nên “bánh từ trời”, hiện diện trong Nhà Tạm để thực hiện lời Ngài đã hứa. Ngài đã trở nên nguồn sức mạnh như Lửa và Thánh Khí để nâng đỡ chúng ta trên cuộc hành trình chông gai về thiên quốc.
Một câu chuyện kể về một em bé trai sống trong viện mồ côi. Em luôn ước ao rằng mình có thể bay được như chim. Em luôn thắc mắc tại sao mình không bay được, và lý luận rằng ở sở thú có những con chim còn to lớn hơn em nữa nhưng chúng lại bay được. “Tại sao mình không thể bay? Chắc có gì không ổn!” Em tự nghĩ như vậy.
Một em bé trai khác bị khuyết tật từ khi mới sanh. Em bị què không thể đi và chạy được. Em luôn mơ ước làm sao mình có thể đi lại và chạy nhảy như mọi em khác. Một ngày kia, em bé trai muốn được bay như chim, đi lang thang ngoài công viên, tình cờ gặp em bé bị khuyết tật đang chơi nghịch cát. Em đến làm quen và hỏi xem nó có muốn được bay như chim không. “Không”, em khuyết tật trả lời. “Tôi chỉ muốn được đi lại và chạy nhảy như mọi người thôi!” “Thế hả, tội nghiệp cho bạn!” “Thế chúng mình có thể làm bạn với nhau được không?” em muốn được bay như chim hỏi. “Được chứ!” Rồi hai em cùng chơi với nhau. Chúng đắp những ngôi nhà bằng cát, bắt chước những âm thanh của các loài chim chóc và thú vật, rồi lăn ra cười thích thú. Đang vui đùa thú vị thì cha của em khuyết tật đến với chiếc xe lăn đón con về nhà. Em muốn bay như chim nói: “Bạn là người bạn duy nhất, bạn ước ao đi lại và chạy nhảy như mọi người, nhưng không thể làm được. Tôi có thể làm điều đó cho bạn.” Rồi em trai mồ côi quay lưng lại, nói với em khuyết tật bám chặt lấy cổ nó, cõng trên lưng. Nó lấy đà chạy thật nhanh. Hai tay vòng ra sau ôm chặt lấy em khuyết tật. Nó chạy băng qua vườn cỏ. Ráng sức chạy nhanh hơn nữa băng qua công viên. Gió thổi vù vù trên khuôn mặt rạng rỡ của hai đứa trẻ. Người cha cảm động nhìn thấy đứa con khuyết tật của mình giang hai cánh tay ra đập lên đập xuống như chim bay, rồi nó la thật to: “Con đang bay! Ba ơi! Con đang bay!”
Dưới một góc cạnh nào đó, câu chuyện này giúp chúng ta hiểu về sức mạnh của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài sẽ giúp vượt qua nhưng gian nan thử thách mà tự sức chúng ta không làm được. Chúng ta phải lấy Bí Tích Thánh Thể làm trung tâm điểm của đời sống thiêng liêng.
Trong cuốn “The Song of the Bird”, cha Anthony de Mello, S.J., đã kể câu chuyện ngụ ngôn “Thượng Đế Là Lương Thực” như sau: Ngày kia Thượng Đế quyết định thăm viếng trái đất. Do đó Ngài đã sai một thiên thần đi dò thám trước khi đích thân Ngài xuống thăm viếng. Thiên thần trở lên và làm tờ tường trình như sau: “Phần đông loài người thiếu ăn và nhiều người không có công việc làm.” Thượng Đế phán: “Vậy chính Ta đích thân làm của ăn cho những ai đói khát và trở nên việc làm cho những ai thất nghiệp.”
Ngay những tháng đầu tiên bước chân vào tiểu chủng viện, chúng tôi đã được các cha giáo dạy bảo và thực hành việc tham dự Thánh Lễ mỗi ngày. Sau mỗi giờ học, trong thời gian giải lao 15 phút, tất cả các chủng sinh có thói quen vào nhà nguyện viếng Thánh Thể. Chính sự thực hành này đã là nguồn sức mạnh thúc đẩy và hỗ trợ tôi trong bước đường theo đuổi ơn kêu gọi.
Nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có: Mình Máu Ngài, tình yêu, sức mạnh, niềm vui, sự bình an và khôn ngoan. Ngài không còn gì quý hơn để cho chúng ta nữa. Chính sự hiện diện thực sự của Ngài sẽ thay đổi cuộc đời của ta.
BỮA TIỆC THÁNH THỂ
Lm. Đinh Lập Liễm
Đức Giêsu phân biệt hai thứ bánh: bánh vật chất nuôi xác tức Manna trong Cựu Ước và bánh thiêng liêng nuôi hồn tức là Thánh Thể Chúa Kitô trong Tân Ước. Tiếp đến Ngài nói đến việc Ngài ban mình làm Bánh hằng sống từ trời xuống và kêu gọi người ta ăn bánh đó. Hôm nay Ngài khẳng định Bánh Hằng Sống đó chính là Thịt và Máu Ngài và hứa Bánh hằng sống ấy trong phép Thánh Thể.
Đức Giêsu phán: ”Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55). Phép Thánh Thể là một bữa tiệc hy lễ trong đó chúng ta thực sự “ăn thịt và uống máu Chúa.” Lời tuyên bố vừa được nói ra thì nhiều người phản đối, ngờ vực, bỏ đi. Nhưng Đức Giêsu chẳng những không làm nhẹ bớt ý nghĩa mà lại nói cách rõ ràng hơn, không có thể hiểu một cách khác được: ”Thật, Ta bảo thật các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,53-54).
Nghe lời đó, người Do Thái đã phản ứng: ”Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?”(Ga 6,52)? Trước phản ứng dữ dội của họ, Đức Giêsu vẫn không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm: ”Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.” Hơn nữa con người còn đi vào sự kết hiệp mật thiết với Ngài: ”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ nói: ”Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6,60). Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui không còn đi với Ngài nữa.
Nếu ngày xưa, manna như một thứ nhựa cây, ngày nay bánh Thánh Thể chính là Mình Máu Đấng là Thiên Chúa làm người. Nếu ngày xưa ăn manna chỉ là ăn bánh, ngày này lãnh bí tích Thánh Thể là ăn chính Chúa Kitô. Ngày xưa manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, thì hôm nay lòng thương xót của Thiên Chúa đã trao tặng cho con người chính Người Con Một yêu dấu. Ngày xưa manna chỉ là của ăn mang lại sự no nê cho thể xác, ngày nay mình máu Chúa Kitô trở thành thần lương không chỉ nuôi sống linh hồn mà còn củng cố khả năng hướng thiện của người rước lấy. Ngày xưa manna chỉ là phương tiện cứu đói tạm thời, ngày nay Mình Máu Chúa Kitô không chỉ là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức mạnh, đủ nghị lực tiếp bước hành trình về quê trời, mà lại còn đưa họ vào vĩnh cửu và sống vĩnh cửu. Ngày xưa manna cho thấy Chúa không bỏ dân của Ngài, ngày nay Chúa hiện diện giữa Hội Thánh và hiện diện giữa thế giới này bằng chính Con của Ngài trong bí tích Thánh Thể (Vũ xuân Hạnh).
Người Do Thái nghe Đức Giêsu nói thế thì lẩm bẩm rằng: ”Ông Ta lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn sao được” (Ga 6,52)? Họ hiểu đúng như ý Ngài muốn nói. Cho nên, Đức Giêsu không chữa lại (nghĩa là không bảo rằng: các người lẩm bẩm làm chi, Ta nói bóng đấy mà), mà còn nói hăng hơn: ”Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người, và uống máu Ngài, thì các ngươi không có sự sống trong mình… Vì thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống” (Ga 6,53.55).
Nhiều người trong môn đệ cũng bỏ đi. Đức Giêsu quay lại hỏi các Tông Đồ rằng: ”Còn các con, các con có muốn bỏ mà đi không?” (Jn 6:67). Nghĩa là Ngài muốn nói: nếu các con không tin mà bỏ Ta, thì Ta cũng cứ nói thế, chứ không rút lại lời đã nói.
Ngày nay cũng có nhiều người không muốn hiểu và muốn coi đó chỉ là một cách nói. Còn chúng ta, chúng ta tin rằng lời Chúa là sự thật. Khi chúng ta “ăn thịt và uống máu Chúa”, không phải chỉ là một sự hiện diện, mà là sự thông phần thực sự vào Thánh Thể vinh quang của Ngài (ICor 10:16-18). Sự sống của Ngài tuôn chảy trong mạch quản của chúng ta. Ngài ở trong Ta và Ta ở trong Ngài (Jn 6:56).
Thánh Cyrillô nói: ”Đừng nghi ngờ đó là sự thật, nhưng tốt hơn nên đón nhận Lời của Đấng Cứu thế trong đức tin, vì Ngài không thể nói dối.”
Daniel Connell, người đã giải phóng dân tộc Ái Nhĩ Lan, là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi có một số bạn bè theo đạo Tin Lành chế nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Bấy giờ Daniel đã trả lời như sau: ”Sao các ông lại hỏi tôi? Lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giêsu mới đúng. Phần tôi, tôi chỉ tin vào lời Chúa nói. Nếu Lời Chúa khẳng định rằng: ”Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” mà thực sự không đúng, thì người nói là Đức Giêsu mới đáng trách chứ không phải là tôi! Nhưng tôi luôn tin rằng: Lời Chúa là sự thật, là Lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời.”
Câu nói của Daniel Connell cho ta thấy: niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường (Ps 119:105), là sức sống của ta, là căn bản đức tin của ta, là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, ta cần phải có thái độ tôn trọng Lời Chúa, yêu mến và thực hành Lời Chúa, là đều kiện để ta được ơn cứu độ (Vietcatholic).
Đức tin của người Công Giáo về bánh hằng sống khác hẳn với người Tin Lành. Người Công Giáo tin có Chúa hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể, và tin việc Rước Lễ là rước Mình Thánh Chúa. Vì nếu ta tin Chúa có quyền phép, ta cũng tin Chúa có thể biến đổi bánh rượu thành Mình Thánh Người, mặc dù hình thái bên ngoài vẫn giống bánh rượu. Nếu ta tin Chúa có quyền thế, ta cũng tin Chúa trao quyền cho linh mục, để truyền cho bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Người (ICor 11:23-25).
Thánh Thể là bữa tiệc mà Đức Giêsu đáp ứng cho các môn đệ Ngài. Tất cả chúng ta đều đến dự bữa tiệc ấy với cái đói, chúng ta đều cần bánh ăn mà chỉ có Đức Giêsu có thể ban cho, bánh của sự sống đời đời. Và tất cả chúng ta đều được nuôi sống và được vinh dự, bởi vì ở đây mỗi người cho là một vinh dự. Ở đây mọi người trở nên bình đẳng, vì tất cả chúng ta là những người nghèo về mặt thiêng liêng nên tất cả đều được ăn uống no nê. Ngoài ra, tất cả những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia sẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã tự hiến mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến ăn.
Vào cuối thế kỷ trước, bên Anh có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc Châu. Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ goá chồng, mang theo một đứa con thơ. Sau khi đi được một tuần, thì một cơn bão bất ngờ ập tới làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm bị gẫy. Từ đó, con thuyền phải lênh đênh trên mặt biển trong nhiều ngày. Lương thực trên tầu hầu như cạn kiệt. Nhiều người trên thuyền bị chết đói và bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ kia đã bị chết đói, đang khi đứa con bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà mẹ này trước khi chết đã dùng dao cắt đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu mình thay cho dòng sữa. Bà đã hy sinh chết để cho con bà được sống!
Về sau đứa bé lớn lên đã trở thành một dân biểu nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ và biết ơn người mẹ thân thương; và một ngày kia, ông đã đứng trên diễn đàn quốc hội, kể lại câu chuyện đời mình, và đề nghị quốc hội chọn một ngày trong năm làm ngày để nhắc nhở con cái tỏ lòng biết ơn đối với mẹ mình. Đó là nguồn gốc của Ngày Quốc tế các Bà Mẹ hiện nay.
Khi chúng ta rước mình và máu Thánh Chúa thì chúng ta được kết hợp với Ngài như Ngài ở trong chúng ta vậy. Một cuộc kết hợp giao thân như cành nho với thân nho (Ga 15,4-7), một cuộc trao đổi tình thương có một không hai, chỉ có trong phép Thánh Thể. Để minh hoạ cho sự kết hợp này, tôi xin đưa ra hình ảnh cụ thể: Trong tủ sách của tôi có một quyển sách mà tôi chưa hề đọc. Dù cho quyển sách đó có quí và bổ ích đến bao nhiêu, nhưng nếu tôi không đọc đến thì nó vẫn ở ngoài tôi. Nhưng một ngày kia, tôi lấy nó ra đọc; tôi cảm thấy hồi hộp, lôi cuốn và rung cảm. Câu truyện đó thôi thúc tôi, những dòng chữ quan trọng được ghi khắc vào tâm trí tôi. Bây giờ lúc nào cần, tôi có thể lấy những điều kỳ diệu đó từ bên trong, hồi tưởng lại, suy gẫm nó bồi dưỡng tâm trí mình. Trước kia cuốn sách đó vốn ở ngoài tôi, nằm trên kệ sách. Bây giờ, nó đã thâm nhập vào tôi; tôi có thể lấy nó để nuôi mình. Những kinh nghiệm và từng trải trọng đại trong đời cũng vậy, chúng vẫn ở ngoài ta cho đến khi chúng ta nhận lấy cho riêng mình.
Với Chúa Giêsu cũng vậy. Bao lâu Ngài còn là một nhân vật trong sách, thì Ngài vẫn ở ngoài ta, nhưng một khi Ngài đã vào lòng chúng ta, thì Ngài ở trong chúng ta; chúng ta có thể nuôi dưỡng bằng sự sống, sức mạnh và sinh động mà Ngài ban cho. Đức Giêsu dạy chúng ta phải uống máu Ngài, điều ấy Ngài muốn nói “Các ngươi phải tiếp thu sự sống của ta, đưa vào bên trong các ngươi. Phải thôi nghĩ về Ta như một nhân vật trong sách hay một đề tài thảo luận thần học, mà phải nhận lấy Ta vào bên trong các ngươi, và các ngươi vào trong Ta; lúc ấy, các ngươi sẽ có sự sống, và đó là sự thật.” (Trần văn Hàm, Tin Mừng Chúa nhật, năm B, tr 185).
Muốn gặp Chúa kết hiệp nên một với Ngài thì phải có một sự đồng cảm hay một sự giống nhau nào đó với Ngài. Hai chất phải có những hoá tính căn bản giống nhau mới hoà tan với nhau được. Cũng vậy, “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8.16), nên muốn gặp Ngài hay kết hiệp với Ngài thì chính mình cũng phải có tình yêu, có lòng vị tha, có thiện chí muốn gặp gỡ Ngài bằng bất cứ giá nào. Một người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước Lễ cả chục lần một ngày. Thánh Gioan xác định: ”Ai không yêu thương, thì không biết, không kinh nghiệm về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1Ga 4,12); “Nếu ai có của cải thế gian mà thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao Thiên Chúa ở trong người ấy được?” (IJn 3:17).
Truyện cổ tích Việt Nam có câu chuyện ly kỳ. Thời vua Hùng Vương có một bà sinh đứa con tên là Gióng. Đứa bé lên ba rồi vẫn không biết lật, không biết ngồi, cũng không biết cười nói gì. Thời ấy giặc Ân kéo đến xâm chiếm, quân ta nhiều lần bại trận. Vua lo sợ, sai sứ đi khắp nước tìm kiếm tướng tài cứu nước. Nghe báo cứu nước, tự nhiên bé Gióng nhìn mẹ bật lên tiếng nói: “Mẹ gọi sứ giả vào đây cho con.” Bé dõng dạc nói với sứ giả: “Về bảo vua đúc một con ngựa sắt, một mũ sắt đưa đến cho ta đi đánh giặc Ân.” Rồi bé bảo mẹ thổi nhiều cơm cho con ăn. Mẹ thổi bao nhiêu, bé ăn hết bấy nhiêu. Hết gạo, mẹ kêu làng xóm mang gạo, bánh cho bé ăn, bao nhiêu cũng hết. Ăn xong, Gióng vươn vai thành người khổng lồ, mặc áo giáp, cầm gươm. Gióng nhảy lên ngựa sắt, phi như bay đến phá tan giặc Ân. Dẹp xong giặc. Gióng chạy lên núi Sóc Sơn, cởi áo bỏ lại, biến lên trời. Vua phong Thánh Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thở kỷ niệm ở làng quê (Vũ khắc Nghiêm). Câu chuyện có vẻ thần thoại, nhưng cũng có ý nghĩa. Thánh Gióng đã nhờ của ăn dân làng góp vào, trở thành người có sức đánh giặc.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp Mysterium Fidei nói về việc tôn sùng phép Thánh Thể: ”Trong khi nhớ đến sự cao cả và lòng thương lạ lùng của Chúa Giêsu, Đấng đã ban sự sồng rất quí giá của mình để làm giá cứu chuộc chúng ta và là Đấng đã ban thịt mình cho chúng ta ăn, các tín hữu hãy tin vững chắc và kính thờ sốt sắng mầu nhiệm Mình Máu Thánh Người với một niềm kính trọng và đạo đức khả dĩ cho phép họ được năng rước lấy bánh siêu thể đó. Ước chi Người thực là đời sống của linh hồn họ, và là sức khoẻ vĩnh viễn của tinh thần họ; ước chi, sau khi được tăng cường bởi nghị lực của Người, từ cuộc hành trình gian khổ đời này dần dà họ tới nơi quê trời; để được ăn ở đó, bánh không còn che phủ của các thiên thần: bánh mà bây giờ họ được ăn dưới những tấm màn thánh che phủ.”
TÔI LÀ TẤM BÁNH
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Cả các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng trước bí tích Thánh Thể.
Ăn thịt và uống máu người mình yêu
là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới.
Nhưng Ðức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại
bằng Thịt và Máu Ngài.
Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá –
ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình.
Ðúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài:
sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện,
và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.
Ðức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (c.51).
Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (cc.48.51):
Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống.
Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Ðức Giêsu về mình.
Ðịnh nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không?
Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống.
Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác.
Chấp nhận là bánh có nghĩa là chấp nhận mất mình,
mà chỉ khi mất mình như thế,
bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình.
Thật ra bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn.
Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt.
Khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài.
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56).
Rước lễ là đón lấy dòng sự sống, chấp nhận sống nhờ.
Ðức Giêsu sống nhờ Cha
và chúng ta sống nhờ Ðức Giêsu (c.57).
Như cành nho sống nhờ thân cây nho,
chúng ta cũng sống nhờ,
nghĩa là sống trong và sống cho Chúa.
Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã từng có thái độ
nhìn và thờ lạy Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn.
Ðộng từ ăn được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng này,
như một lời mời gọi tha thiết của Ðức Giêsu.
Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước.
Tiếc thay lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã,
thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình.
Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên.
Phút thinh lặng sau rước lễ cũng bị cắt ngắn.
Tôi phải về ngay vì phải lấy xe, vì nhà thờ đóng cửa…
Chính vì thế rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi.
Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần tuý.
Tôi lên ăn một vật thánh, thay vì đón một người.
Ít khi có vị khách quý nào
bị thường xuyên tiếp đón lạnh nhạt như thế!
Rốt cuộc chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra,
nên tôi vẫn cứ là tôi như trước.
Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa.
Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm,
người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.
Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay:
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà Tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. Amen.
THỊT TA LÀ CỦA ĂN
TGM. Ngô Quang Kiệt
Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.
Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu:. Khi ban cho ta Máu
Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.
Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.
Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.
Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
- Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?
- Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?
- Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?
- Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?