- HÃY CHẶT TAY, NẾU… – Thế Không
- GƯƠNG XẤU – Lm. Nguyễn Thái
- GƯƠNG XẤU VÀ DỊP TỘI – Lm. Đinh Lập Liễm
- GƯƠNG XẤU – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
- QUYẾT LIỆT DỨT KHOÁT VỚI TỘI LỖI – TGM. Ngô Quang Kiệt
HÃY CHẶT TAY, NẾU… (Mc 9:38-48)
Thế Không
Tại Mỹ, mỗi mùa hè, có nhiều miền bị cháy rừng. Lính cứu hỏa giỏi lắm là giữ cho khỏi cháy các khu rừng khác. Có cháy là có gió bão nên lửa bốc cao và lan rộng không gì cản nổi. Cháy rừng là hình ảnh của gương xấu. Gương xấu lây lan nhanh bùng phát mạnh như thế. Nguy cơ lây nhiễm cao đến nỗi người ta thường nói: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Một ông bố nghiện rượu, bao thế hệ tiếp theo điêu đứng.
Chúa Giêsu ví tác động của gương xấu ảnh hưởng lên những người chung quanh y như men trong bột. Chỉ cần một chút men cũng đủ sức làm dậy lên cả một thùng bột. Một con sâu làm rầu nồi canh là vậy. Một trái cam ủng làm cả thùng cam chóng rữa…
Chúa muốn diệt trừ các duyên cớ gây ra tội lỗi cách rất quyết liệt: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa, nó không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 43-48).
Dạy như thế, Chúa không có ý dạy theo nghĩa đen bởi vì dù có chặt hai tay, hai chân thì dịp tội vẫn còn. Nếu thế, trên thiên đàng mọi người trừ Chúa Giêsu và Đức Mẹ ra, còn lại không mù cũng chột mắt hết. Nhưng dù có chột mắt nhưng dịp tội vẫn còn đó, nó đâu chịu buông tha vì chỉ có một mắt!
Khi phán dạy như thế, Chúa Giêsu không có ý nói là chúng ta phải huỷ hoại thân mình để loại trừ thói xấu, nhưng Người có ý nói phải diệt trừ thói xấu cách quyết liệt, bằng bất cứ giá nào. Nhiều cách còn đau đớn hơn là móc mắt, chặt tay chân. Thật thế, với một số người, việc bỏ một dịp tham nhũng cũng đau đớn như là chặt đứt một cánh tay. Hy sinh trợ giúp người nghèo đói, hy sinh cho những hoạt động truyền giáo, để làm đẹp lòng Chúa có thể cũng đớn đau không kém như chặt đứt một ống chân. Ai mê nghiện bài bạc, thì bỏ một cuối tuần không ghé casino mà thôi, cũng thật là khổ sở, nhưng vì Chúa, ta phải bỏ. Chúng ta thường thích nằm ngủ nướng hơn là đi lễ sáng Chúa Nhật. Cố gắng để vượt thắng tính lười biếng có thể gây phiền phức và khó chịu ở một mức độ nào đó, nhưng lại là phương cách để chiếm lấy Nước Trời. Thưa chuyện với Chúa là một ân huệ lớn, là một niềm vui tuyệt vời, nhưng nó lại đòi hỏi chúng ta phải cố gắng cắt bỏ một khoảnh khắc tán gẫu.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhổ bỏ tội lỗi và thói xấu là điều thật khó khăn, vì việc xấu ta vừa dứt bỏ hôm nay, ngày mai lại quay về.
Tẩy trừ thói xấu cũng y như nhổ cỏ trên mảnh đất tốt. Hôm nay nhổ sạch cỏ rồi, mai mốt gặp mưa, cỏ lại mọc lên phơi phới. Nhưng không lẽ con người đành bó tay trước thói hư tật xấu? Chúng ta không chỉ diệt trừ nết xấu nhưng còn phải tập thêm nhân đức. Chính nhân đức sẽ giúp cho thói xấu không trở lại. Như mảnh đất tốt, người ta không chỉ nhổ sạch cỏ mà phải trồng thứ gì vào đó.
Đó là kinh nghiệm của nông dân. Chẳng hạn người ta tát nước vào đám đất có nhiều cỏ, ngâm nước một thời gian cho cỏ thối đi, rồi cày và trục chôn cỏ mục xuống bùn. Sau đó, người ta sạ lúa xuống. Chờ lúa mọc lên chừng mươi phân, người nông dân lại cho nước vào phủ hết mặt ruộng, rồi phân bón cho lúa bộc nhanh; lúa tốt che phủ mặt ruộng khiến cỏ dại không thể nào mọc lên được.
Có người diệt cỏ bằng cách trồng mía, trồng sắn, trồng gôm, đậu bắp. Mía, sắn, đậu bắp vừa mới lên liền được bón phân thật sớm khiến bụi mía, sắn, đậu bắp phát triển sum suê. Thế là cỏ dại dưới đất bị chết ngộp vì thiếu ánh sáng. Nhà nông thắng lớn vì không cần tốn công làm cỏ mà lại thu hoạch được lúa hoặc mía, sắn, đậu bắp dồi dào.
Vậy thì một trong những phương pháp kiến hiệu để loại trừ tật xấu, thói hư là áp dụng phương thức lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu: quyết tâm tạo cho mình những việc làm tốt để thay thế việc xấu; tập thói đạo đức, tốt lành để đẩy xa thói xấu; lấy sách báo lành mạnh thay thế cho sách báo đồi truỵ
Loại bỏ thói hư, tật xấu bằng cách tập tành cái tốt, nhờ đó chúng ta được cải thiện; tâm hồn chúng ta ngày thêm trong sáng; bản thân chúng ta ngày càng trở nên người có phẩm chất cao.
GƯƠNG XẤU
Lm. Nguyễn Thái
Có hai nhà doanh thương nọ thường hay ganh tị nhau trong việc buôn bán. Khi một người bán được một thứ hàng này thì người kia phải cố bán được gấp đôi. Người này mở một cửa tiệm, thì người kia phải mở hai cửa tiệm. Một ngày kia thiên thần hiện ra với một trong hai người và ban cho họ một đặc ân: “Con có thể xin bất cứ điều gì con muốn, sẽ được ta ban cho. Tuy nhiên, người đối thủ của con sẽ được gấp đôi bất cứ điều gì con xin.” Ông thương gia thắc mắc: “Thưa ngài, nếu con xin 1 triệu đô la, con cũng sẽ được phải không?” Thiên thần trả lời: “Đúng vậy! Nhưng người đối thủ của con sẽ được 2 triệu đô la.” Ông thương gia hỏi lại: “Vậy thì bao giờ con phải trả lời cho ngài?” Thiên thần đáp: “Ngay sáng sớm ngày mai ta sẽ trở lại và nhà ngươi phải có sẵn câu trả lời!”
Đêm hôm đó ông thương gia không có cách gì ngủ được. Ông suy nghĩ mãi cho đến sáng thì thiên thần xuất hiện. Vì trong lòng đầy ganh tị và căm tức đối thủ của mình, ông không còn muốn nghĩ đến điều lợi mà chỉ muốn làm sao hạ được đối thủ xuống, ông liền thưa với thiên thần rằng: “Xin mặc cả với ngài, con sẵn lòng chịu đui mù một con mắt!” Điều này có nghĩa là đối thủ của ông sẽ bị mù cả hai con mắt. Ông thỏa mãn vì cảm thấy mình vẫn còn hơn được hắn!
Tội lỗi gây ra thảm họa cho nhân loại. Ghen tương là một trong Bẩy Mối Tội Đầu. Tội lỗi làm cho những hoạt động tốt của con người trở nên xấu, và những hành động xấu trở nên gương mù lan truyền sự dữ đến khắp nơi. Điểm chính trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 9:38-43, 45, 47-48, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải xa tránh tội lỗi, nhất là làm gương xấu, và phải gia tăng thực hành những việc đạo đức, bác ái.
Để giúp chúng ta xa tránh tội lỗi, Chúa Giêsu đã dùng một lối văn phóng đại để nhấn mạnh đến giá trị của hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Nếu cứ mỗi lần chúng ta phạm tội, đều chặt tay chân đi, hay móc mắt ra thì thế giới của những người Kitô giáo sẽ chỉ còn là những con người tàn tật mà thôi!
Phạm tội đã là điều xấu, nhưng chỉ dạy cho người khác phạm tội lại còn ghê gớm hơn nhiều (Kh 22:15). Thánh Phaolô gọi những kẻ ấy là quân chó má (Pl 3:2). Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta chống lại gương xấu bằng một lời lẽ mạnh mẽ nhất chưa từng thấy trong Phúc Âm với hình phạt thật nặng nề: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9:42).
Theo William Barclay cối đá được đề cập ở đây là cối đá lớn. Có 2 loại cối đá xay ở Palestine. Cối đá xay bằng tay dành cho các bà nội trợ dùng trong nhà. Và cối đá xay thật lớn, chỉ những con vật khỏe mạnh mới kéo nổi. Cối đá Chúa Giêsu đề cập đến trong Phúc Âm hôm nay là cối đá lớn. Bị cột vào cổ mà kéo xuống biển thì vô phương cứu chữa. Đó là một hình phạt, một cách hành quyết ở Roma và Palestine ngày xưa. Sử gia Josephus ghi rằng khi những người Galilaean làm cuộc cách mạng thành công, “họ đã cột những người theo đảng của Hêrôđê vào đá và ném xuống cho chết chìm dưới hồ nước.”
William Barclay trích lại câu chuyện của ông Henry đã kể như sau: “Câu chuyện kể về một em bé gái chết mẹ khi còn nhỏ. Người cha của em khi đi làm về thường ngồi xuống ghế, cởi áo khoác ra, đốt thuốc ống điếu lên, và gác chân lên kệ đọc báo cho đến khi đi ngủ. Em bé gái muốn đến xin cha chơi với bé một chút, đọc chuyện cho bé nghe để bé bớt nỗi cô đơn. Nhưng người cha đã nói với con rằng: ” Ba mệt mỏi lắm rồi! Ba phải làm việc suốt ngày, để ba nghỉ ngơi đi con!” Rồi người cha bảo con hãy ra ngoài đường mà chơi. Con bé đã chơi suốt ngày ngoài đường phố, làm bất cứ điều gì nó muốn.
Thế rồi, điều không thể tránh được đã xảy ra. Khi con bé lớn lên, nó bắt đầu đón nhận tất cả những tình cảm từ bất cứ ai dành cho nó. Và từ chỗ chơi la cà ngoài đường phố, cô bé đã trở thành gái điếm đứng đường. Đến một ngày cô gái đó mang bệnh và chết. Khi cô đến trước tòa phán xét, Thánh Phêrô trông thấy cô đi vào bèn nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, cô con gái này xấu lắm. Cô gái điếm đấy! Con đề nghị cho cô ấy xuống thẳng hỏa ngục được không?” “Không được,” Chúa Giêsu nhẹ nhàng trả lời, “Hãy để cô ấy vào.” Thế rồi con mắt của Ngài bỗng trở nên nghiêm khắc: “Nhưng này Phêrô, con hãy đợi người đàn ông sắp bước vào đây. Ông đã nhẫn tâm từ chối chơi với con bé gái của mình, lại còn xua đuổi nó ra chơi ngoài đường. Hãy tống cổ hắn xuống hỏa ngục ngay lập tức!”
Thiên Chúa không khó khăn với người tội lỗi, nhưng Ngài sẽ nghiêm khắc với những kẻ làm gương xấu, và chỉ dạy kẻ khác phạm tội, nhất là đối với trẻ thơ. Những hãng sản xuất phim và những mạng lưới truyền hình lớn cùng nhau hoạch định những phim có tính cách bạo lực hơn, khiêu dâm hơn. Họ quảng cáo rầm rộ, rộng rãi qua các phương tiện truyền thông. Những con người làm thương mại dự trù những kế hoặch này vì họ muốn hái được nhiều tiền. Chúa Giêsu nói rằng Ngài sẽ dành một hình phạt nặng nề cho những người làm hư hỏng đức hạnh của giới trẻ, gây nguy hại đến đời sống tinh thần, và có thể hủy diệt cuộc đời của họ bằng sự tuyệt vọng và xa tránh Thiên Chúa!
Nhưng chúng ta cũng nên thức tỉnh khi thi hành việc đạo đức và bác ái (1 Cr 13:4). Đừng làm với lòng ghen tương và thái độ độc tài như của Gioan trong bài Phúc Âm hôm nay (Mc 9:38). Tất cả mọi sự tốt lành đến từ Thiên Chúa (Jn 1:16; Jc 1:17). Ngài tự do ban phát theo thánh ý của Ngài. Chúng ta chỉ là những môn đệ của Chúa Giêsu khi chúng ta biết yêu thương và phục vụ tha nhân.
Chúng ta không nên dùng chiêu bài “làm sáng danh Chúa” để che giấu “cái tôi đáng ghét”. Chúng ta cũng không nên mượn danh Đức Kitô để làm sáng danh cái tôi Kitô hữu như cha Anthony De Mello đã nói trong câu chuyện ngụ ngôn “Thiền Sư và Kitô Hữu”: Một Kitô hữu đến thăm một vị Thiền Sư và nói: “Xin thầy cho phép tôi đọc thầy nghe Bài Giảng Trên Núi.” Thiền Sư đáp: “Tôi rất thích nghe.” Người Kitô hữu đọc một câu rồi ngước mắt lên nhìn. Thiền Sư mỉm cười nói: “Đấng đã phán những lời đó chắc chắn phải là một vị Giác Ngộ.”
Người Kitô hữu cảm thấy khoái trá. Ông tiếp tục đọc. Thiền Sư xin ông ngừng lại rồi nói: “Những lời nói đó phải phát xuất từ Đấng Cứu Thế của nhân loại.” Người Kitô hữu cảm thấy thích thú. Ông tiếp tục đọc cho đến hết. Lúc bấy giờ Thiền Sư tuyên bố: “Người đã rao giảng như thế phải là Thiên Chúa.” Nỗi vui mừng của người Kitô hữu thật vô bờ bến. Ông ra về, cương quyết sẽ trở lại một ngày khác để thuyết phục Thiền Sư trở thành Kitô hữu. Trên đường trở về nhà, ông gặp Chúa Giêsu đứng bên vệ đường. Ông đã thưa với Chúa một cách khoái trá: “Lạy Chúa, con đã làm cho người đó xưng ra Chúa là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu mỉm cười và nói: “Con đã làm gì hay đâu, ngoại trừ việc con thổi phồng cái tôi Kitô hữu của con mà thôi!” (“Như Tiếng Chim Ca” bản dịch của Đỗ Tân Hưng và Trần Duy Nhiên, tr. 107).
William Barclay kể lại câu chuyện sau đây khi chú giải đoạn Phúc Âm, Mc 9: 39-48: “Một nhà truyền giáo kể lại câu chuyện thật thú vị. Bà dạy giáo lý trong một lớp mẫu giáo ở Phi châu, nói về hành động cho một ly nước mát nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bà đang ngồi trước hiên nhà thì thấy một nhóm người đàn ông bản xứ vai mang hành lý nặng nề tiến vào khoảng đất trống giữa làng. Họ mang những gói hành lý rất nặng. Họ rất mệt và khát nước nên ngồi xuống nghỉ ngơi. Họ là những người thuộc bộ lạc khác đến, và vì có sự ngăn cách giữa các bộ lạc nên họ đã bị những người bản xứ từ chối cho nước uống. Trông thấy họ ngồi mệt lả giữa sân, nhà truyền giáo động lòng thương xót. Thình lình, từ phía trường học xuất hiện một toán các em gái nhỏ bé Phi châu, đầu đội bình nước, đang bẽn lẽn và rụt rè tiến đến những người mệt mỏi. Các em quỳ xuống và đưa cho họ những bình nước. Trong sự ngạc nhiên, họ nhận lấy những bình nước và uống vội vàng cho đã cơn khát, rồi trao lại cho các em. Sau khi rời gót, các em gái đã chạy tới nhà truyền giáo. “Chúng con đã cho người khát nước uống,” các em nói, “nhân danh Chúa Giêsu.” Rồi chính các em bé đã viết ra câu chuyện này.
Đó là lòng nhân ái rất đơn sơ, các em mẫu giáo áp dụng đúng Lời Chúa dạy. Xưa kia Mahomet cũng đã nói: “Dẫn người lạc lối trở lại đúng đường, cho người khát một ly nước uống, nở một nụ cười khi gặp anh em, đó cũng là bác ái.”
Ca dao Việt Nam có câu: “Hoa thơm thơm lạ thơm lùng, thơm cây thơm rễ người trồng cũng thơm”. Ở Romania có một thung lũng tràn ngập hoa hồng. Nếu bạn đi trong thung lũng vài giờ đồng hồ trong mùa hoa nở, bạn sẽ có cảm giác mùi hương thơm ngào ngạt theo bạn suốt ngày, dù bạn đi đến bất cứ nơi đâu. Những người tiếp xúc với bạn đều nhận biết là bạn đã đến thung lũng hoa hồng đó.
Việc bác ái và lòng đạo đức cũng giống như hương thơm, sẽ lan tỏa, gây ảnh hưởng tốt và thu hút người khác. Gương tốt là hương vị của Kitô giáo. Nó làm cho người Kitô hữu trở nên giống Đức Kitô. Gương tốt thực sự làm cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Theo lời cầu Đức Hồng Y John Henry Newman, chúng ta cùng nguyện xin: “Lạy Chúa, xin hãy chiếu soi qua con và hiện diện trong con để mỗi linh hồn con gặp gỡ cảm thấy sự hiện diện của Ngài trong con. Amen.”
GƯƠNG XẤU VÀ DỊP TỘI
Lm. Đinh Lập Liễm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: ”Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển thì hơn” (Mc 9,42). Vậy “những kẻ bé mọn” đây là ai? Chúa muốn ám chỉ những người hèn kém, khờ dại, dốt nát, không được học hỏi những vấn đề luật pháp: Hạng ngươi này, trong Do Thái Giáo, họ có khuynh hướng bị khinh bỉ. Những kẻ bé mọn có lòng tin này là những người thuộc giai cấp bình dân có thiện chí muốn học hỏi Kinh Thánh, luật pháp, thường được các thầy thông luật giải thích Thánh Kinh, luật pháp, nhưng lại bị giải thích sai lạc vì những gương xấu.
Vì thế, việc cảnh giác đề phòng làm gương xấu cho những “kẻ bé mọn” này, Chúa Giêsu muốn nhắm tới các thủ lãnh tôn giáo mà Ngài đã có lần tố cáo họ đã độc quyền chiếm đoạt sự giải thích Thánh Kinh và đóng cửa không cho kẻ muốn vào (Mt 23:2-3,13).
Chúa Giêsu đã răn đe rất nghiêm ngặt những ai gây gương mù gương xấu: ”Thà buộc cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn” (Mk 9:42). Lời răn đe rất thẳng thắn và quyết liệt. Thớt cối xay nặng như thế mà kéo dìm một tội nhân dưới nước thì không thể nào ngóc đầu lên được: ý nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.
Trong bức thư của Lentulô, tổng trấn Do Thái gửi cho hoàng đế Tiberiô, để diễn tả chân dung Chúa Kitô, có câu này: ”Khi ông (Đức Kitô) quở trách sửa phạt, thật cả là một sự ghê sợ; nhưng khi khuyên bảo dạy dỗ ông lại rất hoà nhã đằm thắm, làm cho thiên hạ tin phục say mê.” Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy lộ ra hai tính cách đó: nửa trước Chúa khuyên bảo nhân từ dịu dàng; nửa sau Chúa rất nghiêm thẳng đối với hai vấn đề gương xấu và dịp tội.
Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-na Vo-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vo-gan thò đâu ra cửa xe gọi theo: ”Này ông, ông còn quên cái gì đây này.” Người đó vội lên toa, nhìn quanh và hỏi: ”Quên cái gì đâu?” Cha Vo-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: ”Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa.” Người ấy xấu hổ đi xuống ngay.
Đối với dịp tội Chúa Giêsu nói tiếp: ”Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục” (Mc 9, 43).
Chúng ta thấy Đức Giêsu nói một cách quyết liệt như thế, ta phải hiểu thế nào? Thực ra, Ngài dùng lối nói cường điệu của những nhà hùng biện như thế là muốn cho chúng ta thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mọi người.
Thực ra, những lời nói của Chúa Giêsu không thể được hiểu theo nghĩa đen. Đường hướng mà Đức Giêsu muốn đưa ra là người ta phải tránh xa tội nặng bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để loại trừ điều ác ra khỏi đời sống chúng ta. Mục đích của Ngài là in sâu vào tâm trí chúng ta không thể nào tẩy xóa được, rằng Nước Thiên Chúa đáng cho chúng ta hy sinh mọi thứ khác.
Không ai có thể phủ nhận được sự hiện hữu của dịp tội, của cám dỗ (Lc 17:1). Chính ma quỉ đã cám dỗ để làm hư hoại loài người, dĩ nhiên là Thiên Chúa cho phép cám dỗ để thử thách lòng trung thành của con người. Chúng đã cám dỗ ông Adong và bà Evà, và ông bà đã sa ngã, đã bất trung với Chúa. Ngay Chúa Giêsu cũng bị ma quỉ cám dỗ trong hoang địa nhưng đã chiến thắng một cách vẻ vang. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã dạy: ”Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,41; Mc 14,38; Lc 22,40). Nếu nói rằng Chúa cám dỗ chúng ta thì không đúng, không bao giờ Chúa cám dỗ chúng ta (Jc 1:13-15) mà Ngài chỉ cho phép ma quỉ cám dỗ chúng ta trong mức độ chúng ta có thể chịu đựng được để thử thách chúng ta thôi (ICor 10:13), vì ”lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức” (IPet 1:6-7). Như vậy, cám dỗ tự nó không xấu, nó chỉ là một sự thử thách và nó có lợi cho những ai cố gắng chiến thắng nó để vượt qua thử thách vì như người ta nói: ”Vô hoạn nạn, bất anh hùng.”
Con người sống trong xã hội có tương quan với nhau, do đó có ảnh hưởng tương tác, hoặc là ảnh hưởng tốt hoặc là ảnh hưởng xấu. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói: ”Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Mt 18,7). Và Chúa còn lên án mạnh mẽ hơn: ”Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42; Mt 18,6).
Ngày nay người ta sống gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Người ta có thể đi từ châu lục này đến châu lục kia trong vòng mấy giờ đồng hồ, cho nên ảnh hưởng giữa con người càng nhanh chóng và càng mạnh. Dù chúng ta có biết điều đó hay không, chúng ta vẫn là tảng đá gây vấp phạm hay tảng đá giúp cho người khác vượt qua trên con đường đến ơn cứu độ (x. Mt 21,42-44).
Chúng ta có thể trở thành tảng đá vấp ngã hay tảng đá giúp cho người khác vượt qua là tùy ở cách sống của chúng ta: nếu chúng ta gây gương mù gương xấu thì chắc chắn đã trở thành tảng đá vấp ngã. Ngược lại, nếu chúng ta nêu gương sáng giúp người khác sống tốt hơn thì chúng ta trở thành tảng đá giúp người ta vượt qua.
Cám dỗ hiện diện khắp nơi mà không ai có thể thoát được. Chúa đã nhắc bảo các Tông đồ: ”Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Như vậy công việc của chúng ta là chỉ việc chống lại chước cám dỗ. Cuộc chiến chống ba thù là một cuộc trường kỳ kháng chiến, không bao giờ kết thúc. Và trong cuộc chiến này phải phân thắng bại, không được thoả hiệp: một là thắng, hai là bại. Adong Evà đã để lại gương thất bại, còn Đức Giêsu đã nêu gương chiến thắng rực rỡ (Mt 4:11).
Dĩ nhiên trong cuộc chiến một mất một còn này đòi phải gian khổ, hy sinh, từ bỏ có khi ngay cả đến bản thân mình, không có từ bỏ không chiến thắng được. Thế giới chung quanh ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội khiến chúng ta lỗi luật Chúa. Chúa Giêsu nói hơi mạnh: ”Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi” (Mc 9,43).
Nói tới cắt tỉa, chặt bỏ, từ bỏ là những động từ gợi lên cho chúng ta sự đau đớn, nhưng như người ta nói: ”Thuốc đắng đã tật” (Tục ngữ). Đau đớn lại là một điều cần thiết cho sự lành mạnh; nó là một điều kiện ”bất khả thiếu.” Chính vì vậy, Ludovic Giraud đã viết: ”Nỗi đau đớn với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cầy xới nhưng để làm cho đất mầu mỡ; cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khoẻ và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao.”
Xét ra Lời của Chúa cũng không xa thực tế lắm. Có người dám hy sinh cái nhỏ để chiếm được cái lớn. Đó là ông O Neil, nhà thám hiểm đã tìm ra đất Ái Nhĩ Lan. Khi nhóm thám hiểm đến gần phần đất mới, vị thuyền trưởng tuyên bố: ”Hễ ai chạm tay trước hết vào phần đất trên bờ thì người ấy làm chủ phần đất ấy.” Ông O’Neil quyết tâm chiếm cho bằng được. Ông chèo chiếc thuyền nhỏ vào bờ. Nhận thấy có kẻ khác vượt lên trên mình, ông quyết định lấy rìu chặt đứt cánh tay trái và liệng vào bờ, chạm đất trước hết, ông thắng cuộc. Nhà thám hiểm cụt một tay để được một nước thế gian, thì trong việc chiếm lấy Nước Trời, Chúa dạy chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh tất cả những gì thân thiết và quí mến.
Người ta thường nói: ”Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Ở trong một môi trường tốt thì người ta dễ nên tốt, người ở trong một môi trường xấu thì dễ trở nên xấu. Đó là định luật tâm lý vì người ta hay bắt chước một cách vô ý thức.
Kinh Thánh nói: ”Đụng nhựa, nhựa dính tay, ai cặp kè với quân nhạo báng sẽ học theo đường nó” (Sir 13:1): chơi với lửa có ngày sẽ bỏng, chơi với dao có ngày đứt tay, chơi với bùn có ngày lấm áo… Đó là kinh nghiệm ngàn đời của dân gian. Nên người ta khuyên: “Chim khôn tránh lưới tránh dò. Người khôn tránh chốn xô đồ mới khôn (ca dao). Tại sao không cố mà tránh cơ hội gây ra cám dỗ để khỏi bị mắc bẫy? “Chim ham mồi sa lưới. Cá ham thính mắc câu. Con người phải nghĩ cho sâu. Đừng ham danh lợi, sắc hầu sa cơ. Tài danh là cạm giữa trời, hồng nhan là bả những người tài hoa (ca dao).
Người xưa cũng còn dạy: “Cẩn thận thì khỏi phải lo.” Không ai dám nói được mình khôn ngoan, không bị sa vào cạm bẫy. Chúa Giêsu đã từng khuyên: ”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41; Mc 14,38). Cẩn thận đề phòng là phương pháp tốt nhất để khỏi bị rơi vào cạm bẫy của ma quỉ đang giăng ra khắp nơi, như lời Thánh Phêrô khuyên: ”Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).
Có một người giầu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê một người tài xế chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó. Người giầu nói: ”Tôi không muốn có một tai nạn nào xẩy ra trong khi các ông mang mẹ tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông, xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống.”
Người tài xế thứ nhất tự nhủ: ”Cái đó thì dễ ợt.” Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống đường, cách cái hào một tấc. Người thứ hai thầm bảo: ”Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc.” Ông này cũng lái vèo xuống đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc. Trong khi đó, người thứ ba suy nghĩ cẩn thận. Ông lái cách hào những một mét.
Hai người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giầu lại bảo bác tài xế thứ ba rằng: ”Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá” (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 19-20).
Hôm nay Chúa nói với chúng ta tránh xa dịp tội, đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội. Ngoài ra, chúng ta còn phải nỗ lực hy sinh nhiều để giữ lòng trong sạch và trung thành với Chúa. Thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.
Chúng ta hãy kết thúc với những lời rút ra từ bài hát cổ xưa mà Giáo Hội thường sử dụng trong Giờ Kinh Chiều của một số ngày Chúa Nhật trong năm phụng vu: “Nghe danh hiệu Giêsu, mọi gối phải quì xuống, mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ngài là vua vinh quang” (Phil 2:9-11). Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang của Ngài. Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Ngài là Đấng Kitô Chủ Tể chúng ta.
GƯƠNG XẤU
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn.”
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.
Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã,
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!).
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.
Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.
Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
QUYẾT LIỆT DỨT KHOÁT VỚI TỘI LỖI
TGM. Ngô Quang Kiệt
Nếu mỗi chi thể phạm tội đều phải bị cắt bỏ, chắc chắn không một ai lành lặn. Không thể hiểu theo nghĩa đen những lời Đức Giêsu nói hôm nay. Tuy nhiên cũng không được loại trừ tính chất quyết liệt của những lời đó. Đức Giêsu bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt khi những chi thể này phạm tội, có nghĩa là phải quyết liệt với sự xấu.
Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như căn bệnh hay lây. Đã nhiễm vào một phần thân thể, sẽ nhanh chóng lây lan tới cả cơ thể. Lây lan đến đâu làm độc đến đấy. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.
Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như nọc độc loài thú dữ. Đã vào mạch máu sẽ mau chóng tràn vào tim. Khi chất độc đã ngấm đến tim, sẽ làm tê liệt mọi hoạt động của cơ thể, sẽ cướp đi mạng sống con người.
Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như loại thuốc mê. Một khi để sự xấu nhiễm vào, người ta sẽ mất khả năng chống cự. Sự xấu làm cho con người ra nhu nhược yếu hèn, làm tê liệt ý chí phấn đấu. Để cho sự xấu xâm nhập, nó sẽ thống trị ta, sẽ bắt ta làm nô lệ. Một khi đã rơi vào ách nô lệ sự xấu, con người khó lòng thoát ra.
Quyết liệt dứt khoát với sự xấu cũng giống như chặt tay, chặt chân, móc mắt, nghĩa là phải sẵn sàng chịu đau khổ, Dứt khoát với tội lỗi không dễ. Tội lỗi khi đã thấm vào người, nó trở nên như một phần bản thân, gắn bó với bản thân. Dứt bỏ cũng đau đớn như chính cơ thể bị chặt bỏ, xé lìa. Ta hãy xem người cai nghiện. Cơn nghiện vật vã dày vò tưởng chết đi được. Vì đối với người nghiện, ma túy trở thành một phần thiết thân của đời sống đến nỗi khi phải dứt lìa họ đau đớn khổ sở như phải tách lìa một phần thân thể, như đánh mất chính sự sống.
Chặt tay, chặt chân, móc mắt cũng có nghĩa là dứt lìa với những người, những nơi, những đồ vật khiến ta phạm tội. Những con người, những đồ vật, những nơi chốn đó trở thành một phần đời của ta. Để dứt bỏ, trái tim ta đau đớn đến rướm máu. Cuộc dứt bỏ làm tâm hồn ta như bị thương tích đau đớn vô cùng.
Cũng như người bệnh phải chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo ta phải quyết liệt với tội lỗi, phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải vì muốn hành hạ ta, muốn ta phải đau khổ. Trái lại chính vì yêu thương ta, muốn ta được hạnh phúc mà Chúa dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi.
Dứt bỏ tội lỗi là dứt bỏ những phần hư hỏng xấu xa, nhiễm bệnh trong cơ thể. Dứt bỏ tội lỗi là ngăn ngừa không cho sự xấu xâm nhập vào linh hồn. Dứt bỏ sự xấu là ngăn chặn sự độc hại tàn phá linh hồn. Dứt bỏ tội lỗi là giúp linh hồn có cơ hội được lớn mạnh, được phát triển.
Ham vui một chốc lát để rồi chịu kết án suốt đời khổ sở. Hay là chịu đau khổ một chốc lát để suốt đời được tự do hạnh phúc. Ta chọn đàng nào? Chắc chắn ta phải chọn con đường hạnh phúc lâu dài. Chính Chúa muốn hạnh phúc cho ta, nên đã truyền cho ta phải dứt khoát với tội lỗi để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết nghe lời Chúa dạy, biết dứt khoát với tội lỗi, để được sống đời đời với Chúa. Amen.