- Sức Mạnh Của Hồng Ân Lời Chúa-Lm Anton Nguyễn Văn Độ
- Ba Cơn Cám Dỗ-AM Trần Bình An
- Chống trả cơn cám dỗ-Lm Đan Vinh
- Xa tan kia, xéo đi-Lm Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
- Lời chúa là một hồng ân-Lm Giuse Nguyễn Hữu An
- Làm sao chiến thắng cám dỗ?-Lm. Jos Tạ duy Tuyền
- Quỷ kế tinh ranh-Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
- Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay-Năm A-Lm Anthony Trung Thành
- Sa mạc tâm hồn-Lm Vũđình Tường
- Cám dỗ: Tổ tông và Chúa-Lm GB Nguyễn Minh Hùng
- Lời Chúa là sức sống của con-Lm Siciliano, OP
- Cám dỗ-Lm. Giuse Trần Việt Hùng
- Thử thách và lựa chọn-Nguyễn Cao Luật
- Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ-Lm Đan Vinh
- Title 3
SỨC MẠNH CỦA HỒNG ÂN LỜI CHÚA
Lm Anton Nguyễn Văn Độ
Suy niệm Chúa nhật I Mùa Chay năm A
(Mt 4, 1-11)
Chủ nhật thứ nhất Mùa Chay đặt chúng ta trước một thảm kịch, mà thảm kịch ấy ảnh hưởng đến sự hiện hữu của chúng ta đó là : tội lỗi và hành động của con người nhằm phá vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Trình thuật chương đầu tiên của sách Sáng thế cho thấy nguyên tổ của chúng ta đã khước từ Thiên Chúa. Nguyên nhân này nảy sinh từ “con rắn “, ma quỷ hay còn gọi là Satan. Con rắn muốn thực hiên ý định dụ dỗ Adam tự sức mình, lập luật cho mình và trở nên Thiên Chúa, mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lời nói dối thuần túy ấy đưa con người đến chỗ diệt vong, bóp nghẹt ý muốn hiệp thông với sự sống thần linh của Ađam và cắt đứt mạch sống với Thiên Chúa khi bóp méo Lời Thiên Chúa.
Tin Mừng Matthêu cho thấy Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Nếu như nguyên tổ Ađam và Evà bị Satan ba lần dùng các chiến thuật cám dỗ với mục đích làm cho ông bà nguyên tổ hiểu lầm rằng nó đã làm những điều việc rất tốt cho Ađam và Evà. Nay nó cũng ba lần tấn công vào tương quan tình cha con giữa Chúa Giêsu với Cha Ngài.
Lần thứ nhất, nó đề nghị Chúa Giêsu tách khỏi Chúa Cha, tự khẳng định mình là Thiên Chúa khi nói : ” Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh.” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại :” ” Có lời chép rằng : Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4 ). Ngài đã vượt qua thử thách và chiến thắng ma quỷ và tuyên xưng rằng sự sống đích thực chỉ có ở nơi Thiên Chúa, cần phải tin tưởng vào lời hứa của Chúa Cha. Nên Ngài hành động và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, vì Ngài biết rằng Chúa Cha là Đấng trung thành. Nơi hoang địa, dân Israel đã chết vì bị cám dỗ sợ thiếu bánh ăn nên tích lũy manna. Dù Thiên Chúa đã yêu cầu không nhặt bánh thừa mỗi ngày. Nhưng họ vẫn nhặt bánh thừa vì nghi ngờ rằng : nếu Thiên không ban cho bánh nữa thì sao? Nếu Thiên Chúa không giữ lời hứa ? Một con chim ở trong tay tốt hơn hai con còn trong bụi rậm. Phần chúng ta, đã bao lần chúng ta bị cám dỗ mất lòng tin vào Thiên Chúa ! Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta rằng Chúa Cha là Đấng luôn trung thành, giữ lời hứa và quyết hối hận vì những gì Người ban tặng cho ta.
Cơn cám dỗ thứ hai, con rắn đẩy Chúa Giêsu vào thế buộc Chúa Cha phải can thiệp cho Ngài : “vì có lời chép rằng : Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông“, điều này ngầm thể hiện sự nghi ngờ mối quan hệ hiệp nhất với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã không làm, Ngài không bắt Chúa Cha thực hiện phép lạ cho Ngài để dạy chúng ta phải khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa. Hậu quả của tội nguyên tổ một lần nữa nghi ngờ rằng Thiên Chúa còn giữ cho mình một cái gì đó mà không ban cho ông bà. Như Thiên Chúa nói với Adam : “Ngươi có thể ăn tất cả các trái cây trong vườn.” Con rắn đã bóp méo lời Thiên Chúa khi nói ngược lại với Evà : “Thiên Chúa nói rằng ngươi không thể ăn tất cả các trái cây trong vườn“. Không, Thiên Chúa không nói thế, vì từ nguyên thủy, Người đã cho chúng ta mọi thứ.
Con rắn đã nói dối, bởi nó phát hiện ra động cơ thực sự, chuyển hướng sang tôn thờ nó thay vì thờ phượng một mình Thiên Chúa như là nguồn gốc mọi điều thiện hảo. Ở đây chúng ta thực sự bị cám dỗ phạm thượng chống lại Thiên Chúa, từ chối Người để theo ma quỷ là kẻ có thể ban sức mạnh cho ta.
Cơn cám dỗ thứ ba : Đỉnh cao của sự cám dỗ này là ngọn núi cao và vương quyền phổ quát của Chúa Kitô. Trên núi này, Chúa Giêsu mạc khải tròn đầy sự từ bỏ trong niềm tin tuyền đối ở tay Cha. Và Chúa Cha đã biểu lộ tình phụ tử viên mãn của mình khi phục sinh Đức Giêsu. Adam mới là Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và tội lỗi nhờ tin tưởng và phó thác trong tay Chúa Cha. Adam đầu tiên tự cao tự đại, quên đi thân phận thụ tạo của chính mình ” là hình ảnh Thiên Chúa ” có nghĩa là không bình đẳng hoặc đồng bản tính trong tương quan với Thiên Chúa, dẫn đến sự sụp đổ của chính mình. Thay vào đó, Chúa Giêsu Kitô, Adam thứ hai , đã vâng lời Thiên Chúa, hạ mình xuống nên được suy tôn khi phục hổi phẩm giá là con của chúng ta với Cha trên trời (x. Pl 2 : 6-11 ) .
Phụng vụ Chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay đưa chúng ta trở lại với căn nguyên của tội lỗi là : ý muốn tự chủ, từ chối Hồng ân Lời của Thiên Chúa là Cha, Đấng là nguồn gốc mọi điều thiện hảo với tình con thảo.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: đâu là vị trí của Thiên Chúa trong tất cả điều ấy?
Vậy chúng ta hãy chọn Chúa, đứng về phía Chúa, đón nhận Lời Chúa như là một hồng ân để chống lại tội lỗi, đương đầu với trận chiến thiêng liêng chống lại thần dữ, ba thù : Ma Quỷ, thế gian và xác thịt.
Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cùng Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, xin giúp sức cho chúng con trong suốt Mùa Chay Thánh này. Amen.
BA CƠN CÁM DỖ
Am Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 1 Mùa Chay NA 2017 (Mt 4, 1-11)
Ba Cơn Cám dỗ
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại cho đến ngày nay, chưa có yến tiệc nào linh đình, trọng thể, vĩ đại bằng tiệc Xuân năm Canh Tý (1874) do Từ Hy Thái Hậu đời nhà Thanh Trung Hoa, tổ chức khoản đãi phái đoàn Sứ Thần, tướng lãnh các quốc gia phương Tây. Trước sức mạnh quân sự hùng hậu của 8 nước phương Tây cùng liên minh đánh Trung Quốc, Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh tự hiểu rằng, con đường tốt nhất là dùng ngoại giao để giải quyết.
Mở đầu cho mối giao hảo này, một yến tiệc linh đình nhất đời Thanh được tổ chức vào Tết Nguyên đán năm 1874 với sự tham gia của các sứ thần nước ngoài tại Duy An Cung. Thực khách gồm 400 người, thực đơn có 140 món, tiệc khai đúng 12 giờ đêm giao thừa năm 1874, kéo dài cho đến giờ Tý đêm mồng 7 tết. Chi phí bữa đại tiệc hết 98 triệu hoa viên Trung Quốc, tương đương 374 ngàn lượng vàng, được chuẩn bị trước 11 tháng 6 ngày, cần đến 1750 người phục dịch. Ngay từ rằm tháng 2 năm Quý Dậu (1873), mỗi tỉnh Trung Quốc được lệnh cử 10 đầu bếp xuất sắc nhất về kinh đô hội ý thảo thực đơn. Sau gần hai tháng hội ý, các đầu bếp đã thống nhất một thực đơn gồm 140 món, trong đó có 7 món cực kỳ đặc biệt. Trong 7 ngày đêm yến tiệc ấy, mỗi ngày chỉ dùng 1 món, gồm chuột sâm, óc khỉ, tinh voi, heo quý, cỏ phương chi, dê núi và trứng công.
Quan khách nhận được thiệp mời từ 23 tháng Chạp năm Quý Dậu (1873), gồm 212 vị trong phái đoàn 8 nước liên minh nước ngoài cùng 188 công thần được tuyển chọn của triều Thanh.
Đêm 30 Tết, tất cả khách mời tề tựu tại Duy An Cung, cùng lúc ấy, Từ Hy Thái Hậu dự lễ trừ tịch ở Tôn Long Miếu. Ba hồi chiêng trống vang lên, thay mặt triều đình nhà Thanh, thái thú Lý Hồng Chương phát biểu ý kiến về ý nghĩa buổi tiệc, nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa nhà Thanh với các nước phương Tây. Thay mặt 8 nước, sứ thần nước Anh đáp từ. Ba tiếng ngọc khánh báo hiệu đại yến bắt đầu.
Cứ ăn hết một món, nhạc lại tấu lên một bản. Dùng đúng 5 món, thực khách được uống một chén rượu thuốc, tác dụng tiêu thực. Rượu đãi khách cũng là rượu đại bổ. (Bữa tiệc Tết của Từ Hy Thái Hậu, Phunutoday)
Từ Hy Thái hậu rất tinh tế về tâm lý, khi dùng tuyệt chiêu đánh vào bao tử, vốn là cám dỗ bản năng muôn thuở của con người. Satan cũng dùng chiêu thức này, cám dỗ Đức Giêsu trong hoang mạc, nhưng đã thất bại! Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay, Đức Giêsu chiến thắng ngoạn mục cả ba thử thách: Bản năng, danh lợi, quyền lực, vốn là những cám dỗ gay gắt, mạnh bạo, trường kỳ, suốt đời người.
Cám dỗ bản năng
Đức Giêsu cảm thấy đói sau 40 đêm ngày chay tịnh, ma quỷ cám dỗ Người chiều theo bản năng sinh tồn, hoá đá ra bánh để ăn. Theo Từ Điển Công Giáo, bản năng là sinh lực được phú bẩm cho từng sinh vật theo mỗi loại, giúp chúng tự động đáp ứng những nhu cầu sinh tồn, tự vệ và phát triển…
Hành vi bản năng, không qua ý thức, luôn tự động hướng về một mục đích được thiết lập trong cấu trúc tự nhiên của loài. Ví dụ: vì mục đích sinh tồn, mọi động vật đều tự động tìm thức ăn khi đói. Tuy nhiên, qua giáo dục, con người có thể kiềm chế, định hướng và thăng hoa bản năng của mình, hướng về mục đích cao cả hơn.
Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Người viện đến Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 8, 3) để hoá giải chước cám dỗ bản năng.
Như vậy, người Kitô hữu được ưu ái, vinh dự, được ban sức mạnh, được nuôi dưỡng và lớn lên, nhờ lắng nghe, học hỏi, cử hành và sống Lời Chúa. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4, 34)
Thánh Phaolô vạch trần những kẻ chỉ biết sống theo bản năng: “Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3, 19)
Cám dỗ danh lợi
Cám dỗ lần thứ hai, ma quỷ chưa chịu thua, đưa Người lên Thành thánh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá.”
Quỷ quyệt, Satan khéo léo viện dẫn Thánh Vịnh (91, 11-12) cám dỗ Đức Giêsu luỵ vào hư danh, vụ lợi. Phản bác lại, Người vẫn tiếp tục dùng Lời Chúa (Đnl 6, 16) để phản bác.
Chính Người đã vâng phục Thiên Chúa Cha, từ bỏ vinh quang, nhập thể làm người nghèo khó, để cứu chuộc nhân loại, nên Người chẳng bận tâm danh lợi cõi trần. “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Pl 2, 6-8)
Công khai từ chối tìm kiếm danh lợi cho mình, vì Người đã hoàn toàn vâng phục, để vinh danh Thiên Chúa Cha. “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Ðấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Ðấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.” (Ga 8, 54)
Cám dỗ quyền lực
Cám dỗ lần thứ ba, ma quỷ đánh vào tánh đam mê quyền lực: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi.” Đức Giêsu không còn nhũn nhặn, mềm mỏng nữa, mà phản bác quyết liệt: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài.”
Một lần nữa, Người trung kiên viện dẫn Lời Chúa trong Đệ Nhị Luật. (Đnl 6, 13) Nếu biết kính sợ và tuân giữ thường ngày các mệnh lệnh của Chúa, thì con cái Chúa sẽ được hạnh phúc mãi mãi. (Đnl 5, 29)
Bất cứ ai giàu nghèo, sang hèn cũng đều dễ mắc vào thói mê quyền lực, khi sống vị kỷ, chỉ sống cho mình. Thực ra họ chỉ cúc cung bái, làm tôi mọi cho bản thân, phục vụ cho cái tôi, vốn mong manh, dễ hư nát! Vậy Chúa ở vị trí nào trong cuộc đời họ?
“Thử thách gian khổ là “giấy phép theo Chúa” để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá…” (Đường Hy Vọng, số 714)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường chịu bao cám dỗ trong từng phút giây cuộc đời về bản năng, háo danh, háo quyền. Xin Chúa luôn giúp chúng con can đảm từ bỏ mình, canh tân, vác thập giá theo Chúa.
Bước vào Mùa Chay, chúng con khấn xin Mẹ Maria cầu bầu, nâng đỡ, dắt dìu chúng con vượt qua những chước cám dỗ, dốc lòng ăn năn, sám hối tội lỗi, để chuẩn bị tâm hồn sốt sắng bước vào Mùa Chay, xứng đáng lãnh nhận hồng ân cứu độ. Amen.
CHỐNG TRẢ CƠN CÁM DỖ
Lm Đan Vinh
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
Chúa NHẬT 1 MÙA CHAY A
St 2,7-9;3,1-7 ; Rm 5,12-19 ; Mt 4,1-11
CHỐNG TRẢ CƠN CÁM DỖ
- HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Mt 4,1-11
(1) Bây giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi !”. (4) Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (7) Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. (10) Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi !” (11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
- Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su như một Mô-sê Mới, lãnh đạo một cuộc Xuất Hành Mới. Người còn là hiện thân của dân Ít-ra-en Mới vào sa mạc sống lại kinh nghiệm của dân Ít-ra-en xưa trên núi Xi-nai (x Đnl 8,2-4). Có điều khác với Ít-ra-en xưa, Người đã qua các cơn cám dỗ thử thách mà vẫn trung thành với ơn gọi của mình. Người muốn nêu gương cho các tín hữu hôm nay về cách chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ.
- CHÚ THÍCH:
– C 1-4: + Được Thần Khí dẫn vào hoang địa: Thần khí đã ngự xuống trên Đức Giê-su, giờ đây lại hướng dẫn Người vào nơi hoang vắng, có lẽ là một hang núi gần thành Giê-ri-cô. + Để chịu quỷ cám dỗ: Cám dỗ đồng nghĩa với sự thử thách do ma quỷ thực hiện. Khi bị cám dỗ mà chiều theo thì mới phạm tội. Còn nếu chống trả còn có công. Đức Giê-su cũng trải qua sự thử thách, nghĩa là phải lựa chọn giữa tốt và xấu. Thần Khí đã đặt Đức Giê-su vào một hoàn cảnh để Người tự khẳng định lập trường và chứng tỏ là Con hiếu thảo luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa. + Bốn mươi đêm ngày: Cũng như Mô-sê trước khi nhận hai bia đá Giao ước, đã lên núi bốn mươi ngày đêm, ăn chay cầu nguyện (x. Đnl 9,9), và sau đó lại ăn chay thêm bốn mươi ngày đêm để sấp mình xin Đức Chúa nguôi giận mà tha tội cho dân Ít-ra-en đã vi phạm Giao ước khi đúc tượng bê vàng để thờ lạy (x. Đnl 9,18). Ngoài ra con số bốn mươi hay được dùng trong Thánh Kinh để ám chỉ một thời gian khá dài như: lụt đại hồng thủy kéo dài suốt bốn mươi ngày đêm, dân Ít-ra-en đi trong hoang địa bốn mươi năm, Vua Đa-vít cai trị bốn mươi năm, bốn mươi ngày giữa lễ Phục Sinh và lễ Thăng Thiên… Sở dĩ Đức Giê-su có thể nhịn đói suốt bốn mươi ngày đêm là nhờ có ơn Chúa nâng đỡ. + Nếu ông là Con Thiên Chúa: Tước hiệu này thuộc nội dung các lời hứa về Đấng Mê-si-a con vua Đa-vít (x. Tv 2,7; 89,27). Ngoài ra tước hiệu này còn có ý nghĩa về Thần tính của Đức Giê-su. + Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi: Ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su biến đá thành bánh, hy vọng có thể do bị đói khát, Người sẽ quên đi tư cách Mê-si-a để làm theo ý riêng hơn là theo ý Thiên Chúa. + Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…”: Đây là lời trong Sách Đệ Nhị Luật (8,3) mà Đức Giê-su đã chọn để vâng Lời Thiên Chúa, nhờ đó đã chiến thắng ma quỷ. Sau này Người cũng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
– C 5-7: + “Hãy gieo mình xuống đi”: Ma quỷ xúi Đức Giê-su thử thách quyền năng Thiên Chúa khi gieo mình từ trên cao rơi xuống để được Thiên Chúa cứu giúp. + Có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn…”: Xa-tan đã nêu ra câu Thánh Vịnh này theo nghĩa đen (Tv 91,11-12). + Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách…”: Đây là câu Kinh Thánh trong sách Đệ nhị luật: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6,16). Trái với dân Ít-ra-en xưa đã đòi Đức Chúa phải làm dấu lạ để chứng minh quyền năng, còn Đức Giê-su hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa mà không cần đòi dấu lạ (x. Ga 6,30-33).
– C 8-11: + Đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian…: Câu này nhắc lại sự kiện xưa kia Mô-sê lên núi Nê-bô và đã được Đức Chúa cho nhìn thấy tất cả Miền Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4). Nay ma quỷ cũng tác động làm cho Đức Giê-su tưởng tượng ra mình đang ở trên núi và nhìn thấy những của cải châu báu để cám dỗ Người hãy thờ lạy nó như chúa tể để được nó ban cho của cải trần gian. + Xa-tan kia, xéo đi !: Xa-tan nghĩa là “tên cám dỗ”. Sau này Đức Giê-su cũng xua đuổi Phê-rô giống như thế khi ông cám dỗ Người đừng đi theo con đường thập giá theo thánh ý Chúa Cha (x. Mt 16,23). + Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi: Đây là câu trích trong sách Đệ nhị luật (6,4.13), cho thấy chỉ duy có một Thiên Chúa độc nhất mà mọi người đều phải phụng sự tôn thờ Ngài.
- HỎI ĐÁP:
1) HỎI: Cám dỗ là gì ? Bị cám dỗ thì đã phạm tội chưa ? Ta cần làm gì để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt mình ?
ĐÁP:
– Cám dỗ là việc ma quỷ xúi giục một người phạm tội chống lại Thiên Chúa khi cố tình không vâng lời Chúa dạy để làm điều vi phạm các giới răn của Ngài.
– Mỗi cơn cám dỗ thường có ba giai đoạn: Một là ma quỷ gợi lên một hình ảnh, một tư tưởng xấu trong tâm trí người ta. Hai là ma quỷ xúi người ta thỏa mãn đam mê dục vọng ấy bằng sự ưng thuận. Ba là sự chọn lựa tự do: nếu chiều theo ma quỷ tức là phạm tội và làm cho Chúa buồn. Còn nếu từ chối không nghe theo ma quỷ, họ sẽ được Chúa chúc phúc và sẽ làm cho Chúa vui lòng.
– Để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su: Năng hãm mình và ăn chay để tập làm chủ bản năng của mình, siêng năng học sống Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi để đương đầu với ma quỷ, năng xin ơn Chúa trợ giúp và luôn vâng theo Thánh Thần hướng dẫn.
2) HỎI: Đức Giê-su bị ma quỷ cám dỗ trong tâm trí hay trong thực tế ?
ĐÁP: Việc quỷ đặt Đức Giê-su lên nóc Đền thờ, đem Người lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người xem tất cả vinh hoa lợi lộc của các nước trên thế gian… cho thấy Đức Giê-su có bị ma quỷ cám dỗ, nhưng chúng chỉ cám dỗ Người ở trong tâm trí, chứ không thực sự đem Người từ nơi này đến nơi kia.
3) HỎI: Đức Giê-su trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ nhằm mục đích gì?
ĐÁP: Sau khi chịu phép Rửa của Gio-an và được Thần Khí hiện xuống xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Ki-tô, Đức Giê-su đã được Thần Khí dẫn vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Sở dĩ Người chịu ma quỷ cám dỗ là nhằm mục đích như sau:
– Một là để trải qua những sự thử thách của nguyên tổ A-đam E-và xưa trong vườn địa đàng (x St 3,1-24), và của dân Ít-ra-en trong cuộc Xuất Hành (Đnl 8,2-4). Vì Người là A-đam Mới và Ít-ra-en Mới thời Tân Ước (x Rm 5,18-19).
– Hai là để nêu gương ăn chay cầu nguyện cho các tín hữu, nhờ đó chúng ta sẽ làm chủ được bản thân và dễ dàng chiến thắng ma quỷ cám dỗ hưởng thụ các lạc thú bất chính (x Mt 17,21; Mc 9,29)..
– Ba là để nêu gương vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí: Nếu chúng ta biết nghe theo sự hướng dẫn của Thần Khí qua việc siêng năng học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ luôn vâng lời Chúa phán hơn nghe theo ma quỷ mà theo ý mình, như Đức Giê-su có lần quở trách Tông đồ Phê-rô (x Mt 16,21-23).
- SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
- CÂU CHUYỆN: TAM THẬP LỤC KẾ: ĐÀO VI THƯỢNG SÁCH
Ở núi Phong Khê đất Thục có một giống đười ươi có bộ mặt giống như người. Chúng biết nói cười và máu của chúng được người ta dùng làm thuốc nhuộm quần áo rất tốt, nên các thợ săn thường săn bắt chúng. Biết được loài đười ươi này thích uống rượu và đi guốc, thợ săn đã đem rượu và guốc bày la liệt trên một đồng trống để nhử chúng, rồi ẩn núp chờ đợi. Dù sống sâu trong rừng, nhưng loài đười ươi lại có khứu giác rất nhậy nên vẫn ngửi thấy mùi rượu thơm liền kéo nhau đến uống. Những con già đời đoán biết đó là bẫy của thợ săn, liền nhắc nhở cả bầy rằng: “Hãy cảnh giác, đừng khờ dại uống rượu đi guốc kẻo bị mắc mưu của bọn người độc ác kia”. Thế là cả bầy buồn bã bỏ đi. Nhưng rồi một con bị mùi rượu thơm hấp dẫn không cưỡng lại được, liền bất chấp lời khuyên khôn ngoan và rủ đồng bọn quay trở lại. Rồi “quen mui thấy mùi ăn mãi”, chúng tranh dành nhau chí choé nốc cạn hết bầu này đến bầu khác. Đến lượt các con già cả khôn ngoan tuy biết là nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng được sự hấp dẫn của rượu, cũng lao vào uống no say. Sau đó chúng xỏ chân vào guốc bên cạnh bước tới bước lui ngả nghiêng trông thật tức cười. Bấy giờ bọn thợ săn liền hò nhau từ chỗ ẩn nấp, nhất tề xông đến vây bắt. Thấy bọn thợ săn đến, bầy đười ươi đáng thương liền bỏ chạy tán loạn. Nhưng chân đi guốc không quen, bị té nhào vào nhau và bị bọn thợ săn bắt gọn không sót một con.
Than ôi! Biết rõ người ta đặt bẫy hại mình, mà vẫn lao vào ăn uống đến nỗi tất cả đều bị mất mạng thì thật ngu dại lắm thay! Đối với các bạn trẻ hôm nay thì rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích sì-ke ma túy… là những thứ làm mất hết nhân tính, trở thành những kẻ bất lương trộm cướp giết người, rồi còn có thể bị lây nhiễm HIV-AIDS. Thế mà vẫn có không ít bạn trẻ nhắm mắt lao mình vào những đam mê chết người đó thì không phải khờ dại lắm sao ?
Đối với các cơn cám dỗ về đam mê sắc dục và ma túy, thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình có đủ bản lãnh để chống trả lại được, và phải làm như cổ nhân dạy: “Tam thập lục kế: Đào vi thượng sách” (Ba mươi sáu phương thế thì chạy trốn là phương thế hay nhất). Đừng bao giờ thử hút chích sì ke ma túy, thử đi bia ôm một lần… Vì thử dù chỉ một lần thôi là đã bắt đầu biến thành con nghiện rồi vậy !
- SUY NIỆM:
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng: Chiến đấu với thiên nhiên để tồn tại, chiến đấu với kẻ thù để khỏi bị tiêu diệt, chiến đấu với xác thịt để trở nên người tốt. Hôm nay Giáo Hội còn dạy chúng ta phải chiến đấu với một loại kẻ thù vô hình nguy hiểm là ma quỷ. Chính Đức Giê-su đã chiến đấu và chiến thắng ma quỷ để nêu gương cho chúng ta. Vậy ngày nay ma quỷ thường cám dỗ chúng ta về những vấn đề gì ? Và chúng ta phải làm gì để chiến thắng nó ?
1) CÁM DỖ XƯA VÀ NAY: Ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su và lòai người chúng ta về ba phương diện sau:
+ Một là về THÚ VUI: Ma quỷ xúi Đức Giê-su biến các viên đá cuội trở thành bánh mì mà ăn, tức là dùng quyền năng Thiên Chúa để thỏa mãn các nhu cầu vật chất thể xác, giống như dân Ít-ra-en trong hoang địa ngày xưa đã kêu trách Đức Chúa và Mô-sê khi họ bị đói khát và thèm thịt thà và các thứ rau thơm mà họ đã từng ăn khi còn ở Ai cập (x. Xh 16,3). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta tìm thỏa mãn các đam mê xác thịt bất chính như ăn chơi sa đọa, rượu chè say xỉn và hút chích ma túy…
+ Hai là về DANH VỌNG: Ma quỷ xúi Đức Giê-su nhảy từ nóc Đền thờ xuống để được người đời khen ngợi là tài giỏi và cũng để thử thách Thiên Chúa, đòi Chúa phải chứng tỏ quyền năng bằng việc làm phép lạ cứu mình thóat chết (x. Lc 23,35). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta thử thách quyền năng Thiên Chúa khi đòi Chúa làm phép lạ trái với định luật do Chúa đã an bài trong thiên nhiên để chiều theo sở thích riêng của chúng ta !
+ Ba là QUYỀN LỢI: Ma quỷ xúi Đức Giê-su sấp mình thờ lạy nó để được nó ban cho quyền hành trên muôn nước và được hưởng lợi lộc giàu sang (x. Xh 32,6). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và tôn thờ sức mạnh của tiền tài, chọn làm những việc bất chính miễn là có nhiều tiền như: buôn bán sì ke ma túy, mở quán bia ôm, cà phê tươi mát, tin theo thầy bói, đồng bóng, cầu cơ, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất hàng nhái…
2) PHƯƠNG THẾ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ:
Đức Giê-su đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ bằng các phương thế như sau:
+ ĂN CHAY CẦU NGUYỆN: Người đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày. Ma quỷ đã đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giê-su là tình trạng bị đói để xúi Người biến đá thành bánh ăn. Nhưng nhờ nội lực mạnh mẽ do ăn chay cầu nguyện, mà Người đã chiến thắng ma quỷ. Sau này Người cũng dạy các môn đệ phải dùng phương thế này như sau: “Giống quỷ ấy chỉ trừ khử được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9,29).
+ HỌC SỐNG LỜI CHÚA: Để đáp lại sự trích dẫn Lời Chúa của ma quỷ, Đức Giê-su cũng dùng Lời Thánh Kinh để bắt chúng câm miệng. Lời Chúa chính là ánh sáng chỉ đường và là nguyên tắc ứng xử của Đức Giê-su như sau: Đáp lại lời xúi biến đá thành bánh, Đức Giê-su nêu cao Lời Chúa dạy: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8,3). Đáp lại cám dỗ thờ lạy ma quỷ để được hưởng quyền hành lợi lộc của nó, Đức Giê-su nêu ra Lời Chúa dạy: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Đnl 6,13). Đáp lại cám dỗ gieo mình từ nóc Đền thờ xuống, Đức Giê-su đưa ra Lời dạy của Chúa: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Đnl 6,16).
3) ÁP DỤNG CỤ THỂ: Ngày nay khi bị cám dỗ, chúng ta cũng cần chống trả bằng những phương cách sau:
+ Chăm chỉ làm việc bổn phận và tránh sự ở không. Vì “Sự lười biếng là cha của mọi thói hư tật xấu”.
+ Làm một việc nào khác phù hợp sở thích như xem sách chuyện, phim truyền hình, thăm bạn bè, đi bơi lội hay tham gia chơi một môn thể thao lành mạnh.
+ Tránh tò mò truy cập vào các trang phim ảnh xấu trên internet.
+ Năng đọc kinh Lạy Cha để cầu xin Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
+ Làm dấu thánh giá và kêu cầu ơn Chúa trợ giúp như thánh Phê-rô xưa khi sắp bị chìm: “Lạy Thầy, xin cứu giúp con !”, hoặc noi gương Đức Giê-su xua đuổi ma quỷ cám dỗ: “Xa-tan, hãy xéo đi !” (Mt 4,10).
- THẢO LUẬN:
1) Bị cám dỗ đã phạm tội chưa ? 2) Bạn có nên thử Thiên Chúa bằng việc xin khỏi bệnh mà không dùng thuốc theo toa bác sĩ, xin thi đậu mà không chăm chỉ học hành, xin được trúng số… hay không ? 3) Trong suy niệm trên, bạn thấy phương thế nào hiệu quả nhất và dễ áp dụng nhất để chiến thắng ma quỷ cám dỗ ?
- NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay con rất cảm phục thái độ cương quyết không khoan nhượng của Chúa Giê-su khi đương đầu với ma quỷ cám dỗ. Chính nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, mà Chúa đã được gia tăng nội lực tinh thần. Chính nhờ luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí, mà Chúa đã chọn làm theo thánh ý Chúa Cha, thi hành mọi lời Chúa Cha phán dạy và cương quyết xua đuổi ma quỷ khi nó cám dỗ bỏ Chúa Cha mà tôn thờ nó bằng câu: “Xa-tan kia, xéo đi!”.
– LẠY CHÚA. xin giúp con biết nghe theo lời khuyên của thánh Phê-rô Tông Đồ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,6-9). Nhờ đó, con sẽ trở nên con ngoan hiếu thảo, luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, noi gương Chúa khi xưa.
- X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
XA TAN KIA, XÉO ĐI
Lm Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
Chúa nhật I mùa Chay, năm A St 2,7-9;3,1-7 Rm 5, 12-19 Mt 4, 1-11
Xa tan kia, xéo đi
Sự dữ, ma quỷ vẫn luôn có đó, vẫn luôn cám dỗ, thúc giục con người phạm tội, sa ngã, lìa xa Thiên Chúa. Bởi vi, ngay từ đầu, Xa-tan đã xúi giục ông bà Adong,Evà phản nghịch lại Thiên Chúa : ăn trái cây biết lành biết dữ. Lời đường mật của ma quỷ đã làm cho bà Evà sa ngã và rồi bà lại xúi giục chồng mình là Adong phạm tội. Cái trớ trêu là ông bà tổ tiên của nhân loại đã nghe theo lời ngọt ngào của Xa-tan mà chối bỏ Thiên Chúa, muốn ngang hàng với Thiên Chúa. Nên, ông bà nguyên tổ đã phạm tội, kéo theo sự chết. Ngày nay, sự dữ, ác thần luôn gây tang tóc, xúi bẩy con người phạm tội, phản nghịch, chối bỏ Thiên Chúa. Con người đang là nô lệ và là tay sai cho thần dữ, cho Xa-tan, cho ma quỷ !
Chúa Nhật I mùa chay, năm A là cơ hội, là dịp thuận tiện để chúng ta thấm nhuần lời Chúa, ăn năn, sám hối hầu như ca nhập lễ viết :” Nó sẽ kêu cầu Ta, và Ta sẽ nhậm lời nó.ta sẽ cứu gỡ và làm cho nó được vinh dự, Ta sẽ cho nó được sống lâu dài “ ( Tv 90, 15-16 ).Thiên Chúa luôn đáp trả lại lời khẩn cầu chân thành, tha thiết của con người. Ngài luôn rộng lòng thương xót và thứ tha.Ông bà tổ tiên vì không nghe lời Thiên Chúa :” Các ngươi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo :” Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết “. Ông bà nguyên tổ đã nghe theo lời rắn, ma quỷ, nên họ đã sa ngã, phản nghịch lại lệnh của Thiên Chúa. Bài đọc trích trong Sách Sáng Thế đưa chúng ta vào đáp ca :” Lạy Chúa nguyện thương con theo lòng nhân hậu của Chúa “ ( Tv 50 ,3-4 tt…) để chúng ta hiểu rõ đoạn thơ của thánh Phaolô gửi tín hữu Roma là Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian theo ý định của Thiên Chúa Cha, sống công chính, gánh tội cho loài người mặc dầu Người hoàn toàn vô tội. Hai bài đọc, đáp ca và câu xướng trước Phúc Âm cho chúng ta thấy rất rõ ý định của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô : “ Chúa Con vâng lời Chúa Cha mà muôn người trở thành công chính “. Đức Giêsu Kitô đã vâng lời Thiên Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và cho Ngài vinh dự được ngồi đồng hàng với Thiên Chúa.Tin Mừng của thánh Matthêu 4, 1-11 cho chúng ta thấy ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu và cách Ngài chống trả những cơn cám dỗ của Xa-tan, ma quỷ như thế nào ! Ma quỷ cứ tưởng Chúa cũng như chúng nó, nên chúng ta dùng nhiều phương thế, nhiều cách thức xảo quyệt để mong cám dỗ được Chúa. Nhưng chúng đã lầm, chúng đã bẽ mặt trước sự cương quyết, dứt khoát của Chúa. Ma quỷ tưởng Chúa đói, Chúa sẽ sa bẫy chúng khi chúng thách thức Chúa biến đá thành bánh. Chúa đã nói với chúng :” Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra “. Ma quỷ lại tưởng rằng Chúa kiêu căng, thích phô bày quyền năng, nên, chúng muốn Ngài gieo mình từ nóc nhà thờ xuống, Ngài đã cho chúng bài học đắt giá :” Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi “. Ma quỷ vẫn không tha, nó lại tưởng Chúa ham danh vọng, của cải phú quý của trần gian, nó dụ dỗ Chúa và muốn Chúa thờ lạy chúng, thì mọi sự trần gian sẽ thuộc về Ngài. Chúa Giêsu đã nêu gương cho nhân loại, cho con người, cho chúng ta về cách chống trả ma quỷ khi Ngài quát nạt chúng :” Xa-tan kia, xéo đi ! “. Chúa đã cho chúng thấy :” Mọi thụ tạo phải thờ lạy Chúa và chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi “.
Thế giới hôm nay, nhân loại ngày nay tưởng rằng mình giỏi, không cần Thiên Chúa, do đó, họ đã cố tình xa lìa Thiên Chúa, không muốn đi theo đường lối thánh thiện của Ngài và tự tách rời Thiên Chúa, đi theo đường lối của ma quỷ, của sự dữ cùng với những điều xấu xa ma quỷ xíu giục như hận thù, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, bạo hành, khủng bố, ma túy, mãi dâm, phá thai vv…
Sự cương quyết, dứt khoát không chút khoan nhượng của Chúa :” Xa-tan kia, xéo đi !” là bằng chứng hùng hồn cho chúng ta hay chính Thiên Chúa mới là Đấng dựng nên ta giống hình ành Ngài, chúng ta phải thờ lạy và chỉ thờ phượng, thờ lạy một mình Ngài. Xác thịt, của cải, danh vọng, tất cả đều mau qua, chỉ mình Chúa, và lời của Ngài còn tồn tại mãi mãi, tồn tại muôn đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con một đức tin sâu xa, một đức tin vững vàng để chúng con chỉ biết thờ lạy và thờ lạy một mình Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết can đảm khước từ mọi cám dỗ của ma quỷ. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu thế nào ? 2.Chúa Giêsu đã quát nạt ma quỷ làm sao khi nó nói Chúa thờ lạy nó ? 3.Ma quỷ có hiện diện ở thế giới này không ? 4.Muốn chống lại ma quỷ chúng ta phải làm sao ?
LỜI CHÚA LÀ MỘT HỒNG ÂN
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa nhật I Mùa Chay năm A.
Lời Chúa là một Hồng Ân
Mùa Chay trải dài 40 ngày.Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất hứa, 40 ngày ngôn sứ Êlia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa.Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện.Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện.Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.
Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
1. Chịu cám dỗ
Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này.Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng nụ hôn giả dối…Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.
Thiên Chúa cho phép ma qủy cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh đức tin của mình.
Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi Ngài cho phép như thế, ma qủy cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta.
Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy. Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ qúa sức mình chịu đựng được. Như vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma qủy với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh.
2. Ma qủy thường cám dỗ như thế nào ?
Ma qủy lừa dối con người.Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và chẳng nên làm. Nhưng ma qủy lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma qủy không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng ăn trái này thì Bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội. Ma qủy khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn bé ăn trộm một qủa trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma qủy cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm những điều nhỏ tới phạm những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên, không ai nghiện rượu ngay khi uống chén đầu tiên. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến chỗ nghiện ngập (x. Buồn vui cùng kiếp người, ĐTGM Ngô Quang Kiệt, trang 33).
Chuyện kể rằng : khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi : – Ông đang trồng cây gì thế ? – Cây nho. – Nó có lợi gì không ? – Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa. – Vậy thì để tôi giúp ông.
Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu. Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống nữa thì… hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp). Ma qủy luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác.
- Phương thế chiến thắng cám dỗ.Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.a. Lời Chúa.
Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.
Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Ngài lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy: – Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5) – Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8) – Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b); “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. “Lời Chúa thì sống động và mạnh mẽ, có khả năng biến đổi những cõi lòng và đưa chúng trở về với Chúa.” (Sứ điệp mùa Chay 2017). “Lời Chúa là một hồng ân”, đọc và suy gẫm Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
b. Ăn chay cầu nguyện.
Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.
Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta !
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.
Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày như lời mời gọi của Đức Thánh Cha “Anh chị em thân mến, Mùa Chay là mùa thuận lợi để đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, Đấng đang sống trong lời của Người, trong các bí tích và nơi người thân cận của chúng ta. Chúa là Đấng đã chiến thắng sự lừa dối của Tên Cám Dỗ trong bốn mươi ngày ở sa mạc, sẽ chỉ cho chúng ta con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, để chúng ta có thể tái khám phá hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi đã làm cho chúng ta ra mù loà, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện trong những anh chị em của chúng ta đang túng thiếu”. (Sứ điệp mùa Chay 2017).
LÀM SAO CHIẾN THẮNG CÁM DỖ ?
Lm. Jos Tạ duy Tuyền
Cuộc sống không thiếu cám dỗ. Cám dỗ chợt đến, chợt đi nhưng nó dũng mãnh như cơn lũ có thể lôi kéo chúng ta lao vào sự dữ. Chỉ một phút mất cảnh giác nó có thể lấy đi nhân phẩm, danh dự của một con người. Nó hiện hữu bên ta như hình với bóng khiến ta lúc nào cũng phải nhớ đến nó. Nó thôi miên chúng ta từng phút giây như nhà văn Tế Xương đã bộc bạch rằng:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà”.
Cám dỗ hiện hữu khắp nơi, và có mặt khắp chốn. Cám dỗ không cần khua chiêng đánh trống nhưng nó rất tinh vi dẫn dắt ta mê say theo chúng và một khi tỉnh ngộ thì đã quá sa vào sự dữ.
Có một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm!
Cuộc đời đôi khi xem ra rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy sự dữ chỉ cần một chút mất cảnh giác sẽ bị ma quỷ cướp mất linh hồn chúng ta.
Vậy đứng trước cám dỗ phạm tội vô luân, chúng ta nên phản ứng thế nào? Kinh Thánh cho biết câu trả lời: “Ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải nên thánh và tránh khỏi sự gian dâm. Mỗi người trong anh em nên biết kiềm giữ thân thể mình thế nào cho thanh sạch và đáng trọng trước mắt Ngài” (1 Thess 4:3, 4).
Khởi đầu mùa chay Giáo Hội cho chúng ta học hỏi cách chiến thắng cám dỗ nơi Chúa Giê-su. Ngài đã chiến thắng cám dỗ nhờ luôn biết chọn vâng phục Chúa Cha hơn là nhu cầu bản thân.
Phúc âm ghi lại ma qủy năm xưa đã cám dỗ Chúa Giê-su bằng những thứ rất hấp dẫn về danh lợi thú. Nó đã mời mọc Chúa ăn đi để quay lưng lại với Chúa Cha như A-đam đã làm năm xưa. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy và còn hứa hẹn cho Chúa nắm gọn trong tay cả và dân thiên hạ. Có kẻ hầu người hạ. Có cơ hội hưởng dùng mọi vinh hoa phú quý trần gian.
Nhưng Chúa Giê-su đã chiến thắng cám dỗ. Ngài luôn chọn theo thánh ý Chúa Cha và vâng phục Chúa Cha. Ngài luôn tìm kiếm thực thi ý Chúa Cha hơn là những phù hoa trần gian. Ngài đến trần gian không phải vì những thứ ấy mà là vì muốn ý Chúa Cha nên trọn. Những cám dỗ ấy dù được bày ra thật hấp dẫn nhưng chỉ là sản phẩm của ma quỷ nên thường là giả tạo và mau qua. Chỉ có Thiên Chúa mới là thật, mới trường tồn qua mọi thời gian nếu con người biết vâng nghe lời Thiên Chúa.
Cuộc đời chúng ta chỉ hạnh phúc khi có tự do. Tự do không bị ràng buộc bởi dục vọng và đam mê. Tự do sống thanh thoát khỏi những tham vọng mù quáng. Tự do không để ma quỷ cám dỗ vào đường tội lỗi. Thế nên, chúng ta cần phải tỉnh thức trước cám dỗ để đừng vì đam mê lầm lạc mà mất tự do trở thành nô lệ ma quỷ.
Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự dữ nâng đỡ và giúp chúng ta chiến thắng những cám dỗ đang đeo đuổi và ràng buộc chúng ta. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết thanh luyện chính mình để mỗi ngày nên hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen
QỦY KẾ TINH RANH
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
QUỶ KẾ TINH RANH
(Chúa Nhật I Mùa Chay A)
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Một lời cầu mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha khiến chúng ta không thể xao lãng và xem thường chước cám dỗ, nhất là khi chước cám dỗ ấy lại do chính thần dữ chủ mưu gây ra. Bước vào Chúa Nhật thứ nhất của mùa Chay thánh, qua ba bài đọc Lời Chúa, Giáo Hội cho chúng ta trực diện với chước cám dỗ để nhận rõ sự thâm độc của thần dữ để rồi bền bỉ chiến đấu đến cùng.
Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế tường thuật câu chuyện tiên tổ loài người thất bại trước chước cám dỗ của Satan. Thế nhưng bài tin mừng cho thấy Satan đã phải chuốc lấy thất bại trước Chúa Giêsu. Thánh Phaolô qua bài đọc thứ hai đã làm một so sánh mang tính đối nghịch giữa sự thất bại của tổ tiên loài người với sự chiến thắng của Chúa Kitô chỉ muốn nhấn mạnh đến tính phổ quát của công trình cứu độ của Đấng làm người.
Xin được mạo muội vạch trần một nét tinh ranh của Satan trong chước cám dỗ của nó và mong sao chúng ta thêm phần cảnh giác. Đã là quỷ thì kế mưu cám dỗ của nó hẳn là tinh ranh và xảo quyệt khó lường. Sự thường nếu lấy điều xấu mà cám dỗ thì rất dễ bị nhận diện. Chính vì thế ma quỷ thường lấy điều tốt để cám dỗ loài người chúng ta. Với tổ tiên loài người thì nó dụ dỗ họ tìm biết sự thiện sự ác. Phân biệt điều lành điều dữ, là điều đáng làm và là việc phải làm cho đúng với phận người. Nỗ lực tìm biết điều lành, điều dữ quả thật là việc làm đáng khen, vì đó là việc rất tốt, việc chính đáng và phải đạo, đạo làm người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu thì ma quỷ cám dỗ Người tìm sự thành công trong công cuộc cứu độ nhân trần. Thực thi công trình cứu độ đạt kết quả là một điều tốt, đáng ước mong, vì đó là mục đích của việc nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Có thể nói rằng quỷ kế của Satan là đề ra một việc tốt, một việc phải làm và đáng làm nhưng rồi lại khôn khéo dẫn dụ chúng ta thực hiện việc ấy bằng những phương thế sai lạc, nghĩa là trái với đuờng lối của Thiên Chúa. Luân lý Công Giáo khẳng định rõ nguyên tắc “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Để đạt một đích tốt phải phải sử dụng những phương tiện tốt hoặc mang tính trung dung nghĩa là tự chúng không xấu. Chủ trương của ngài Đặng Tiểu Bình: “Mèo đen hay mèo trắng cũng được, miễn là bắt được chuột” không phù hợp với luân lý Công Giáo.
Satan đâu có cám dỗ tổ tiên loài người làm điều xấu, nó chỉ xúi giục tiên tổ nỗ lực tìm biết sự lành sự dữ. Cái tinh quái của nó là ở chỗ xúi giục tiên tổ lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình làm tiêu chí để phân biệt điều tốt xấu, lành dữ. Chi tiết này được trình bày qua dữ kiện là sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội thì thấy mình trần truồng. Người ta thấy mình trần truồng là khi hướng cái nhìn vào bản thân mình.
Phải xác định rằng chỉ có nhà sản xuất mới có khả năng và thẩm quyền khẳng định sản phẩm mình làm ra là tốt hay xấu vì chính họ đặt ra tiêu chuẩn kỷ thuật sản phẩm. Chúng ta nhận ra hiện thực này qua những lần thu hồi xe hơi lỗi kỷ thuật của nhiều nhà sản xuất như Honda, Toyota… Như thế, chỉ có mình Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật mới có thẩm quyền xác định các sự vật hiện tượng, các hành vi nào là tốt hay xấu, lành hay dữ. Như thế con người chúng ta chỉ có thể tìm biết điều lành điều dữ cách chuẩn xác dựa vào thánh ý Thiên Chúa, dựa vào chương trình và ý định của Người.
Cái sai lầm của tổ tiên loài người là lấy bản thân mình, lấy lợi ích riêng của mình làm tiêu chí để thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Khi nghiêng chiều theo chước cám dỗ này thì sự lành dữ, tốt xấu không còn mang tính khách quan. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa và được mùa lúa thì úa mùa xoài…là những điều như hiển nhiên. Như thế một dữ kiện có thể tốt với người này và xấu với người kia. Nếu nhân loại cứ theo sự chủ quan để chọn lựa và hành xử thì sẽ sinh ra hỗn độn.
Satan khi cám dỗ Chúa Giêsu cũng thực hiện chiêu trò này. Nó không cám dỗ Người từ bỏ công cuộc cứu độ nhân loại nhưng nó lại cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng của Người chứ không theo thánh ý Cha trên trời. Cám dỗ thứ nhất: Sử dụng của cải vật chất, cơm áo gạo tiền thì dễ thành công lắm chứ, vì có thực mới vực được đạo, có tiền thì mua tiên cũng được mà. Cám dỗ thứ hai: Sử dụng quyền năng phi thường thì dễ lôi cuốn lòng người và nói gì người ta cũng dễ nghe theo. Cám dỗ thứ ba: Thoả hiệp với mãnh lực sự xấu. Chỉ là tận dụng nó hay là lợi dụng nó mà thôi, có gì đâu phải ầm ỉ. Chúng quả thật là tinh vi và xảo quyệt.
Để chiến thắng chước mưu ma quỷ thì Chúa Giêsu đã phải chiến đấu trong sự tỉnh thức và nỗ lực hết mình. Để có được động thái hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trên trời qua lời thân thưa: “…Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, thì Chúa Giêsu đã phải tuôn mồ hôi pha lẫn cả máu đào.
Xây cất nhà thờ là một điều tốt, thành lập một giáo xứ mới cũng có thể là điều tốt, thuyên chuyển nhân sự dễ dàng cũng có thể là điều tốt… tuy nhiên để đạt được những điều tốt ấy thì không thể thoả hiệp với sự dữ, không thể sử dụng những phương thế làm cớ cho những tâm hồn bé mọn vấp phạm… Quỷ kế của Satan luôn tinh quái và chước mưu cám dỗ của nó vẫn còn đó dưới nhiều hình thái tinh vi. Và chúng ta cần phải bền chí khẩn cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Thiên Chúa không hề cám dỗ bất cứ một ai, và Người cũng chẳng thể để mặc chúng ta sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa để nhận biết thánh ý Người. Chắc chắn qua lời cầu xin trên, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta hãy cẩn trọng với chước mưu ma quỷ cám dỗ và hãy biết lánh xa dịp tội. Biết mình yếu thi đừng ra đầu gió. Chuyện đơn giản mà thực ra không mấy dễ dàng.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM A
Lm Anthony Trung Thành
Chúng ta đã bước vào Mùa chay thánh. Mùa chay thánh hay còn được gọi là mùa chiến đấu thiêng liêng. Đối tượng đặc biệt mà chúng ta phải chiến đấu đã được Tin mừng hôm nay nhắc tới, đó là sự cám dỗ. Vậy, cám dỗ do đâu? Ai bị cám dỗ? Cám dỗ về điều gì? Làm thế nào để thắng được sự cám dỗ?
1. Cám dỗ do đâu?
Từ “cám dỗ” thường được hiểu theo nghĩa xấu. Bởi vì, sự cám dỗ thường đến từ Ma quỷ hoặc những hình thức khác do Ma quỷ bày đặt ra. Chẳng hạn, ma quỷ lấy hình con rắn để cám dỗ Adong và Evà phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa; Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu như được ghi chép trong Tin mừng hôm nay; Ma quỷ có thể dùng danh, lợi, thú để cám dỗ con người qua mọi thời đại.
Nhưng chúng ta cũng có thể thay thế từ “cám dỗ” bằng từ “thử thách”. “Thử thách” thường được hiểu theo nghĩa tốt. Thử thách được hiểu như là một cuộc sát hạch, một cuộc thi, ai vượt qua được thử thách ấy là kẻ chiến thắng, được coi như thi đậu. Ai không vượt qua được thử thách đó là kẻ thất bại, hay còn gọi là thi trượt. Kinh Thánh nói : “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Chí sĩ Phan bội Châu cũng nói:
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.
Vì thế, thử thách rất cần thiết trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng. Trong đời sống thiếng liêng, thử thách thường đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa thử thách để biết lòng trung thành của con người. Thiên Chúa đã thử thách ông Abraham khi đòi hỏi ông sát tế Isaac (St 22,1). Thiên Chúa thử thách ông Gióp khi để ma quỷ làm hại con cái, tài sản của ông (x. G 1,1-22; 2, 1-13). Đức Giêsu thử thách lòng tin của người đàn bà Ca-na-an (x. Mt 15, 21-28)…
Như vậy, trong đời sống thiêng liêng: cám dỗ đến từ ma quỷ còn thử thách thì đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa để cám dỗ xẩy ra đối với con người và có những lúc Ngài thử thách con người, nhưng Ngài vẫn luôn muốn con người chiến thắng thử thách, không sa chước cám dỗ. Bằng chứng là trong Kinh Lạy Cha, Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Mt 6,13).
2. Ai bị cám dỗ? Cám dỗ về điều gì?
Đã là con người ai cũng có thể bị cám dỗ. A-dong và E-và đã bị cám dỗ. Các thánh cũng thường xuyên bị cám dỗ. Chính Đức Giêsu bởi mang theo bản tính loài người nên Ngài cũng bị cám dỗ. Ma quỷ có thể cám dỗ con người về mọi phương diện. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu về ba phương diện.
Thứ nhất: Lợi dụng khi Đức Giêsu đang đói, cần của ăn, Ma quỷ đã cám dỗ Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh” (Mt 4,3). Chúng ta biết, Đức Giêsu thừa khả năng để làm phép lạ. Sau này, chính Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no mà còn dư thừa. Nhưng, trong trường hợp này, nếu Đức Giêsu làm phép lạ biến đá thành bánh thì Ngài sẽ mắc âm mưu của Ma quỷ: Thứ nhất, Ngài dùng quyền năng mình sai mục đích; Thứ hai, Ngài không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cho nên, Đức Giêsu không làm phép lạ theo yêu cầu của Ma quỷ, trái lại Ngài đã trích lời Kinh Thánh rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4).
Thứ hai, Ma quỷ muốn cám dỗ Đức Giêsu về tội kiêu ngạo, muốn tôn mình lên, nên mới nói với Ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy gieo mình xuống đi” (Mt 4,6). Ở cơn cám dỗ này, Quỷ muốn Đức Giêsu đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp để làm theo ý mình, nghĩa là áp đặt ý Thiên Chúa trên ý mình để làm phép lạ. Đây là một sự thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu đã biết âm mưu của Ma quỷ, Ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ này bằng lời Kinh Thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”(Mt 4,7).
Thứ ba, Tin mừng kể lại: “Quỷ đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi’” (Mt 4,8-9). Chúng ta thừa biết rằng, thờ lạy Thiên Chúa là bổn phận của con người. Nhưng con người thường bị cám dỗ từ bỏ Thiên Chúa để thờ lạy các thần khác ngoài Thiên Chúa. Ma quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu về phương diện này. Một lần nữa, Đức Giêsu đã chiến thắng Ma quỷ bằng Lời Kinh Thánh: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”(Mt 4,10).
Như vậy, ai cũng bị cám dỗ. Cám dỗ về mọi mặt nhất là về danh, lợi, thú. Đức Giêsu đã bị cám dỗ và Ngài chiến thắng. Nhờ ơn Chúa, có rất nhiều người đã thắng được cơn cám dỗ nhưng cũng không thiếu những người đã sa chước cám dỗ.
3. Làm thế nào để chiến thắng cám dỗ?
Waterstone có viết: “Đầu hàng cám dỗ là hành động của thú tính, chiến thắng nó mới là con người.” Nhưng làm sao để chiến thắng cơn cám dỗ của Ma quỷ?
Thứ nhất, hãy tránh xa chước cám dỗ: Ma quỷ rất tinh ranh, thông thường chúng cám dỗ con người theo cách tiệm tiến. Nghĩa là nó bắt đầu cám dỗ con người phạm các tội nhẹ, đến các tội ít nhẹ hơn, đến các tội nặng và cuối cùng là phạm tội rất nặng. Chẳng hạn, để các trẻ em nghiện geam, ma quỷ dụ dỗ chúng đến các quán nét; để các ông nghiện cờ bạc, ma quỷ dụ dỗ họ thường xuyên lui tới các sòng bạc; để các thanh thiếu niên lỗi đức trong sạch, Ma quỷ cám dỗ con người xem những hình ảnh, những trang mạng xấu (gương vua Đa-vít); để ai đó trở thành kẻ ăn cắp, ma quỷ cám dỗ họ bắt đầu bằng hành động ăn cắp vặt…
Vì vậy, cần đề phòng những nơi nguy hiểm, tránh xa các chước cám dỗ mà ma quỷ bày ra, cố gắng nói không với các chước cám dỗ, cho dù đó chỉ là những lỗi nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vì,“Trẻ trộm gà, già trộm trâu, lâu lâu thành giặc.” Mặt khác, cần biết chọn điều tốt và loại bỏ điều xấu; chọn điều lành và bỏ điều ác; chọn Chúa và bỏ Ma quỷ.
Thứ hai, siêng năng cầu nguyện: Thiên Chúa không bao giờ thử thách hay để cho ma quỷ cám dỗ quá sức chịu đựng của con người. Thánh Phaolô đã từng nói: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). Chính vì thế, con người cần phải cố gắng hết sức mình để chống trả chước cám dỗ. Đồng thời, hãy dùng những phương tiện Chúa ban để lượt thắng những thử thách mà Thiên Chúa có thể gửi đến và chiến thắng các chước cám dỗ do Ma quỷ bày ra. Có nhiều cách thế để xua đuổi Ma quỷ nhưng cách thế hiệu quả nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện để xin Chúa giúp sức cho chúng ta. Đức Giêsu đã cho chúng ta biết, có những thứ quỷ chỉ trừ được bằng “cầu nguyện” (x. Mc 9,29). Chính Ngài mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo phải lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,41). Vì vậy, hãy siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng. Rất nhiều vị thánh đã chiến thắng được cám dỗ nhờ cầu nguyện. Chẳng hạn, thánh Gioan Maria Vianay đã phải bị Ma quỷ quấy phá suốt 35 năm, từ 1824-1858, nhưng Ngài đã chiến thắng nhờ cầu nguyện. Thánh Antôn, một ngày kia, bị Ma quỷ cám dỗ về đàng trái, Ngài đã cầu nguyện sốt sắng và lấy tay ghi hình thánh giá lên nền nhà thờ, Ma quỷ thấy vậy liền bỏ chạy.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiến thắng Ma quỷ cám dỗ, xin giúp chúng con đủ sức để chiến thắng các cơn cám dỗ trong đời sống đức tin của chúng con. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
SA MẠC TÂM HỒN
Lm Vũđình Tường
Sa mạc là hiện thực của khắc nghiệt. Ngày nóng phỏng da chân, đêm lạnh buốt cõi lòng. Sáng gió nóng xém da, chiều gió cõng cát bào da mặt. Bộ mặt sa mạc thay đổi từng phút giây. Mỗi cơn gió đều cuốn nhiều tấn cát và bão cát càng ghê hơn, trong phút chốc núi cát chỗ này biến thành thung lũng và gò lẫm chỗ kia thành núi cát vời vợi. Sinh vật và côn trùng sống trong sa mạc cũng nguy hiểm hơn, chất độc giết mồi nhanh hơn và nếu bị chúng cắn cuộc sống nguy hiểm hơn. Để trốn nắng chúng chui sâu vào trong cát, tránh được nóng nhưng phải chịu sức nặng ngàn cân đè trên người.
Sa mạc tâm hồn cũng chia sẻ chung bản sắc của samạc thiên nhiên. Nơi sa mạc tâm hồn, tình người bị thui chột bởi cơn nóng giận, tình cảm lạnh lẽo bởi lời chua ngoa, chì chiết. Tình người sáng sớm lấp sau mặt buồn rầu, ủ rũ. Trưa đến mặt đỏ, tai tía và chiều ngó bâng quơ người thân quen. Tình người không chết cứng thì cũng héo tàn. Sa mạc thiên nhiên cây hoang gai cuốn đầy thân; sa mạc tâm hồn cũng khá chông gai cho những ai cần phải liên hệ tới. Đầu Mùa Chay Giáo Hội kêu gọi con nguời thay đổi cách sống, bắt đầu từ trong sâu thẳm của cõi lòng. Kiểm điểm lại lối sống, thay cũ đổi mới để trở nên tốt hơn, chân thành hơn và đáng mến hơn. Để có sức mạnh nội tâm thêm sức giúp thay đổi từ thẳm sâu cần làm ba việc chính. Thứ nhất là thực thi bác ái, thứ hai là siêng năng cầu nguyện và thứ ba là ăn chay hãm mình.
Bác ái không phải chỉ trong hành động mà còn bác ái từ lời nói đến cách nhìn. Giúp người nghèo khó là hành động bác ái. Nói lời yêu thương tha thứ là bác ái trong ngôn từ; cái nhìn trìu mến là bác ái trong cách nhìn.
Cầu nguyện là hình thức bác ái rất tốt. Cầu cho nguời thương và người không thương, cho kẻ buồn sầu, lo âu, đói ăn hoặc sợ hãi trong chiến tranh là bác ái khi cầu nguyện. Ngoài việc cầu bình an cho chính mình còn cầu cho mọi nguời nhận biết tình yêu Chúa và nếm hưởng tình Chúa bao la. Thứ ba là chay tịnh bởi chay tịnh chính là hình thức hãm mình, làm chủ bản tính con nguời mình. Làm chủ lối suy nghĩ, cách nói và làm chủ con tim đều đến từ chay tịnh. Mục đích chính là làm cho tâm hồn được yên tịnh, cõi lòng thanh thản.
Bác ái, cầu nguyện và chay tinh đi chung với nhau, hỗ trợ nhau giúp biến đổi samạc tâm hồn thành vùng đất tốt, giúp con tim cằn cỗi thành con tim sống động, con tim nhạy cảm trước ưu tư khó khăn của người đồng loại.
Có một sự thật trong cuộc sống mà con người cần phải luôn lưu tâm. Sự thật đó nghe có vẻ trái nghịch nhưng thực tế cho biết: Quá chú trọng đến mình sẽ đánh mất chính mình. Không rõ mình là ai, muốn gì. Càng cho mình là trung tâm điểm thì nguời khác sẽ là phụ thuộc. Vì phụ thuộc nên người khác không quan trọng. Bởi coi thường người khác nên người khác đối xử bình thường. Vì bị coi thường nên họ không tích cực khi cộng tác, không cởi mở khi giao tiếp và e dè trong tình thân hữu. Tìm kiếm vinh quang cho mình thường bị lạc. Đi tìm có nghĩa là chưa thấy nên tiếp tục tìm kiếm. Nếu không cẩn trọng ma quỉ lợi dụng dẫn đường chúng muốn ta đi. Đường chúng hướng dẫn, thúc dục ta đi vào là con đường ham ăn, thích uống, nghiện ngập, thứ đến là mong tìm vinh quang và để có tiền chi tiêu cho ăn chơi thì phải tìm của cải, vật chất. Đức Kitô đáp lại cám dỗ của ma quỉ là con người quan trọng hơn cơm bánh, vinh quang trần thế sớm muộn gì cũng tàn lụi và làm chủ của cải chính là làm nô lệ cho của cải. Khi ma quỉ đưa ra lời hứa hẹn thưởng của cải, giầu sang cho ai thờ lậy chúng. Đây là lời hứa của quân ăn cướp bởi mọi vinh quang đất, trời đều do Chúa tạo dựng, ma quỉ không thể lấy của Chúa mà cho người khác, chúng lạm ngôn, lừa gạt khi hứa cho vinh quang trần thế vì thế chúng xứng danh là cha kẻ nói dối, quân lừa gạt. Hơn nữa ma quỷ không đủ khả năng ăn cướp của Chúa tạo dựng. Mùa chay chúng ta đi tìm lại con người mình, nhận biết mình bé nhỏ, tầm thường, khiêm nhường sống chung với anh em.
CÁM DỖ: TỔ TÔNG VÀ CHUÁ GIÊSU
Lm GB Nguyễn Minh Hùng
Chúa Nhật Thứ Nhất mùa Chay A
Cám dỗ: Tổ tông và Chúa Giêsu
Trang Tin Mừng hôm nay, Hội Thánh mời gọi mọi người suy niệm sự Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Động từ cám dỗ luôn được hiểu theo nghĩa xấu. Nó hàm ý xúi giục làm điều xấu, điều trái. Cám dỗ, theo nghĩa xấu ấy, luôn luôn dẫn người ta đến phạm tội, cố gắng tuyết phục người khác thực hiện đường tà.
Vì thế, cám dỗ là phương tiện khởi đầu để có thể làm cho một người lập công, chứng tỏ lòng yêu mến Chúa, tạo thêm công đức, và càng ngày càng tiến tới ơn nên thánh hơn, càng hoàn bị mình trong Chúa hơn, nếu ta cương quyết chống lại nó, đạp trên nó và chiến thắng nó theo gương Chúa Giêsu.
Nhưng cám dỗ sẽ là phương tiện đưa ta đến chỗ chống đối lề luật, đứng ngoài ơn và tình yêu của Chúa. Nó làm ta loại trừ Thiên Chúa, đi xa ảnh hưởng của Chúa. Nó cũng là phương tiện khiến ta có thể phản bội anh chị em, ảnh hưởng xấu, thậm chí đe dọa đời sống của anh chị em xung quanh. Nó giết chết sự sống đời đời của ta, nếu ta không nỗ lực chiến đấu với nó, nếu ta a tòng theo nó, nếu ta để cho mình say trong cám dỗ.
Trường hợp của Tổ tông loài người cho thấy những điều tệ hại như vừa nói. Tổ tông đã không cưỡng lại cám dỗ. Tổ tông đã a tòng cùng cám dỗ. Tổ tông đã vứt bỏ mọi điều tốt đẹp nhận được từ Thiên Chúa. Bởi ngã trong cám dỗ, Tổ tông đã không thể giữ lại mọi điều tốt đẹp nguyên khởi cho mình và cho con cháu.
Từ bài đọc I trích sách Sáng thế, nói về sự ngã nhào trong cám dỗ của Tổng tông Ađam – Evà, và từ bài Tin Mừng, nói về sự chiến thắng cám dỗ của Chúa Giêsu, chúng ta thấy gì?
1. Tội có hấp lực?
Tội lỗi có hấp lực riêng của nó. Chính hấp lực này đã làm con người không thể cưỡng lại, nhưng đã nhiều lần ngã nhào trong tội. Cách hai ông bà Ađam – Evà đối diện cám dỗ là bằng chứng cho thấy hấp lực mạnh mẽ của tội.
Bà Evà chưa bao giờ sờ tới trái cây, chỉ nhìn ngắm, lại vẽ ra trong tưởng tượng, rồi sau đó dám khẳng định: “Trái cây ăn thì ngon và thèm ăn để được thông minh” (bài đọc I). Bà và cả ông Ađam tự nộp mình cho cám dỗ, đã chết thật, chết cả một đời sống tâm linh, đó là đời sống mà không thụ tạo nào được hưởng, chỉ con người được Thiên Chúa thông ban mà thôi.
Cũng vậy, chúng ta không mạnh mẽ để có thể tự mình đứng vững trước cám dỗ. Chỉ có ơn Chúa phù trợ, ta mới đủ mạnh mà thôi. Vì thế, suốt đời, ta phải tập và sống khiêm nhường thẳm sâu, để có thể chiến thắng cám dỗ, chiến thắng những hấp lực mà nó gợi ý.
Đừng bao giờ tự phụ vào bản thân. Bởi chính khi cậy sức bản thân và không sợ cám dỗ, là lúc dễ bị cám dỗ đốn ngã nhất. từng người hãy luôn đinh ninh lời thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đứng vững, coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12).
Hãy cậy vào sức Chúa, cậy vào ân sủng và tình yêu của Chúa để tấn công hấp lực của tội. Hãy lắng nghe lời thánh Phaolô dạy để sống khiêm nhường và biết nhìn nhận bản thân hơn: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cr 10, 13).
Thánh Giacôbê cũng nhắc nhở: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1, 2-4).
2. Tội, trước tiên là hướng về bản thân.
Chỉ một cám dỗ hướng về bản thân, Ađam, Evà đã phạm tội.
Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu cũng cùng nội dung như đã từng cám dỗ ông bà Ađam và Evà – dù cho đó là cám dỗ về sự ích kỷ, sống cho riêng mình, quay quắt trên chính bản thân mình; dù cho đó là dùng quyền năng Chúa ban để biến đá thành bánh ăn; hay nhảy từ nóc cao của đền thờ như một thách đố đối với Thiên Chúa; hoặc mua lấy quyền lực và vinh quang, sự giàu sang, dù cho phải tôn thờ ma quỷ – tất cả đều chỉ nhắm một mục đích: lo cho chính đời sống thân xác của mình.
Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ. Cùng một nội dung cám dỗ: ích kỷ cho bản thân, quay quắt trên chính bản thân mình, nhưng cách hành xử của Chúa lại đối nghịch hoàn toàn với ông bà Ađam – Evà. Thái độ của Chúa thật cứng rắn và dứt khoát đối với tội. Ôn bà Ađam – Evà đã không chiến đấu, nhưng ngay từ đầu đã xuôi theo tội.
Chúa Giêsu vững lòng tin vào Thiên Chúa để vượt lên trên những cám dỗ. Ađam, Evà thay vì tin Chúa, đã nghi ngờ tình yêu của Chúa khi chấp nhận lời dụ của kẻ cám dỗ: “Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”.
Chúa Giêsu dựa vào Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ. Ađam, Evà do sự nghi ngờ, đã bất tuân Lời Thiên Chúa ngỏ với mình, đã ngã nhào vào cám dỗ.
Có thể nói cám dỗ là “người bạn” không được mời nhưng cứ bám sát lấy ta cách dai dẳng. Cám dỗ đã nhiều lần đánh gục ta, làm cho bản tính yếu hèn của thân kiếp con người vốn đã yếu hèn, càng dễ đổ vỡ, càng yếu đuối hơn. Nhưng dù đã sa ngã, đó là một tình trạng nguy hiểm vô cùng lớn, vẫn chưa là điều nguy hiểm nhất. Nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất là khi biết mình phạm tội nhưng vẫn ở lỳ trong tội.
Đồng ý rằng, cuộc đời có quá nhiều cám dỗ lôi kéo. Nếu chúng ta đã đủ ý chí để quyết tâm không phạm tội, và đã chiến thắng tội lỗi, đó là điều tốt.
Nhưng giã như vì yếu đuối, ta đã không được như Chúa Giêsu. Ngược lại, nhiều lần ta đã gục ngã, đã sa chước cám dỗ, thì giờ đây, nhờ sống mùa Chay, hãy vùng đứng dậy, hãy vững ý chí, hãy tập trung nghị lực, cùng với sự cầu nguyện, xin ơn Chúa giúp, hy vọng ta sẽ vững tâm trở về với Chúa.
Hãy xây dựng một quyết tâm sống mùa Chay của năm nay theo gương Chúa Giêsu, đó là dùng mọi cách mà Hội Thánh dạy: Tham dự phụng vụ, cầu nguyện, lãnh bí tích, hy sinh hãm mình, bác ái, tiết chế bản thân, luôn lưu ý chiến thắng cám dỗ… để thực sự chiến thắng và đứng trên mọi cám dỗ bằng mọi giá.
Lạy Chúa, chúng con đã phạm tội. Nhiều lần chúng con không chiến đấu chống lại tội lỗi, mà có khi còn hùa theo nó cách dễ dàng. Xin tha thứ cho chúng con. Xin ban sức mạnh để chúng con đủ nghị lực, đủ cương quyến chống trả cám dỗ và tội lỗi. Amen.
LỜI CHÚA LÀ SỨC SỐNG CỦA CON
Lm Jude Siciliano, OP
Chúa Nhật I Mùa Chay – A Sáng Thế 2: 7-9; 3: 1-7; T.vịnh 50; Rôma 5: 12-19; Matthêu 4: 1-11
Lời Chúa là sức sống của con
Tôi không lỏ́n lên trong sa mạc, nhủng tôi ỏ̉ Dallas trong 5 năm gần đây. Ỏ̉ đó mùa hè bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài đến tháng 10. Giủ̃a mùa hè nhiệt độ ban ngày có thể lên đến trên 37 độ C. Nếu chúng ta mỏ̉ củ̉a ra ngoài nhà chúng ta sẽ cảm thấy hỏi nóng tạt vào ngủỏ̀i nhủ khi mỏ̉ củ̉a lò bánh ra vậy. Nhủng, ỏ̉ đây chúng ta không cần than phiền gì đủọ̉c. Vì trong nhà thì có máy điều hoà. Còn trong xe thì độ vài phút sau khi nổ máy, máy lạnh bật lên là xe đủ mát lạnh rồi tốt lắm.
Đối vỏ́i chúng ta, nhủ̃ng ngủỏ̀i có kinh nghiệm sống trong sa mạc nóng, chúng ta có thể hiểu được Chúa Giêsu cảm thấy thế nào trong khi Ngài chay tịnh trong sa mạc. Mà nếu chúng ta không có kinh nghiệm về sủ́c nóng quá cao, các báo chí sách vỏ̉ viết về việc đi du lịch có thể cho chúng ta hiểu sa mạc nóng bủ́c nhủ thế nào. Ỏ̉ sa mạc rộng mênh mông, ban đêm trỏ̀i trong sáng, các vì sao chiếu sáng rõ ràng, và chúng ta cảm thấy một sụ̉ im lặng, tĩnh mịch sâu đậm. Bỏ̉i thế, sa mạc là nỏi có thể giúp chúng ta bắt đầu Mùa Chay.
Hôm nay, bài phúc âm không chú trọng đến chúng ta, nhủng chú trọng đến Chúa Giêsu, vì Mùa Chay là mùa nói về Chúa Giêsu. Mùa Chay bắt đầu vỏ́i Chúa Giêsu trong sa mạc. Ngài ỏ̉ trong sa mạc, chay tịnh trong 40 ngày. Chúng ta có thể tủỏ̉ng tủọ̉ng Ngài đói và yếu nhủ thế nào. Bỏ̉i thế, khi tên cám dỗ đến bảo Ngài làm việc mau lẹ thì thật là một đáp ủ́ng nhạy bén. Tên cám dỗ nói: “sao ông không làm đá hóa ra bánh đễ ăn cho đỏ̉ đói? Sao ông lại chịu cụ̉c khổ nhủ thế? Ông nên ăn vì ông đói. Và nếu ông làm đá hóa ra bánh nhiều ông có thể cho ngủỏ̀i đói ăn. Vì đó chẵng phải là sứ vụ của ông cho ngủỏ̀i đói ăn hay sao? Ông hãy nghĩ biết bao nhiêu ngủỏ̀i sẽ đến vỏ́i ông khi ông cho họ ăn bánh”. Chúa Giêsu phản ứng với sụ̉ cám dỗ này. Bằng cách ngược lại, Ngài chọn thu hút ngủỏ̀i khác đến vỏ́i Ngài qua tin Ngài đem đến: “bánh ăn hằng ngày” là của ăn sâu đậm lâu dài. Hỏn nủ̃a, Chúa Giêsu còn muốn chia sẻ cảnh đói khát, phản bội, không thông cảm… nhủ chúng ta.
Tên cám dỗ lại đề nghị một điều khác: ông hãy gieo mình xuống tủ̀ trên nóc Đền Thỏ̀. Thiên Chúa sẽ ra tay đỏ̃ nâng cho Con Thiên Chúa không để vấp chân vào đá. Ông hãy tủỏ̉ng tủọ̉ng làm nhủ thế thì mọi ngủỏ̀i sẽ khâm phục nhủ thế nào. Chúa Giêsu tủ̀ chối việc làm cho dân chúng khâm phục qua nhủ̃ng việc làm lạ lùng. Chúa Giêsu chọn việc mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta trong tình trạng hiện tại, trong đỏ̀i sống bình thủỏ̀ng, trong việc Ngài sống nhủ chúng ta. Ngài sẽ dụ̉a vào lỏ̀i Ngài dạy và việc Ngài làm để thu hút quần chúng. Ngài không tránh đau khổ. Không nhủ̃ng Ngài muốn chịu đau khổ, mà Ngài còn muốn chia sẻ, thông cảm trong sụ̉ cùng cực đau khổ.
Tên cám dỗ lại đề nghị một điều khác: ông hãy nghĩ nếu ông là một ngủỏ̀i có quyền uy trong thế gian, cai trị một nủỏ́c, và có quân đội dủỏ́i quyền ông vỏ́i bao nhiêu ảnh hủỏ̉ng chính trị, nhủ thế có oai không? Và không ai có thể chống đối lại quyền uy của ông. Họ sẽ vâng lệnh ông và sẽ phục tùng ông.
Chúa Giêsu tủ̀ chối sụ̉ cám dỗ này, và chọn làm một ngủỏ̀i dân quê ỏ̉ làng Galilê. Ngài không muốn khác nhủ̃ng ngủỏ̀i trong đám đông nhủ trong các bủ́c tranh ảnh trình bày Ngài. Ngài không đủ́ng cao khỏi mặt đất, không để chân va vào đá. Tin Ngài đem đến phản ánh lối sống của Ngài. “Thiên Chúa ỏ̉ vỏ́i chúng ta”. Không phải chỉ ỏ̉ vỏ́i chúng ta nhủ̃ng lúc vui, nhủng cả trong chiến đấu, trong do dụ̉, trong cô đỏn, và ngay cả trong các cám dỗ và thất bại.
Chúa Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh nhủ chúng ta. Nhủ chúng ta nghe trong câu chuyện hôm nay bắt đầu Mùa Chay cho chúng ta: Chúa Giêsu cũng ủỏ́c muốn nhủ chúng ta. Ngài cũng ao ủỏ́c đủọ̉c thành quả, cũng bị cám dỗ trong công việc mau lẹ đễ đạt kết quả, đễ chọn an toàn và sụ̉ khâm phục của kẻ khác trên việc Ngài chọn dấn thân theo đủỏ̀ng lối của Thiên Chúa. Ngài tủ̀ chối không muốn lọ̉i dụng quyền uy, Ngài tủ̀ chối không dùng nhủ̃ng gì thay thế Thiên Chúa là chủ chốt đỏ̀i Ngài. Ngài dụ̉a vào sụ̉ liên hệ của Ngài vỏ́i Thiên Chúa, và Ngài muốn chúng ta học hỏi: “ngủỏ̀i ta không sống chỉ nhờ cơm bánh, nhủng còn nhờ mọi lỏ̀i từ miệng Thiên Chúa phán ra “.
Mùa Chay không bắt đầu vỏ́i câu chuyện về chúng ta. Đúng ra chúng ta phải chú trọng đến Chúa Giêsu, dủỏ́i nhủ̃ng sụ̉ cám dỗ nặng nề, để chúng ta đủ́ng vủ̃ng bằng vỏ́i chình năng lụ̉c của mình. Chúa Giêsu đặt mục tiêu và điểm chính trong tâm trí Ngài, và lãnh trách nhiệm làm thế nào để đạt đến thành quả. Mùa Chay mỏ̀i gọi chúng ta cũng làm nhủ thế: Là giủ̃ mục đích chúng ta trủỏ́c hết, là cảm suy đỏ̀i sống chúng ta và các lụ̉a chọn của chúng ta để tự xét chúng ta nhủ thế nào, và chúng ta đang tiến về đâu. Đó là lúc chúng ta nhìn nhận sụ̉ thật của chúng ta, và tìm lại mục đích đỏ̀i sống chúng ta để tránh khỏi đủỏ̀ng lối chống đối và trì hoãn sụ̉ trủỏ̉ng thành trong đức tin. Nói cách khác, Mùa Chay là lúc chúng ta phó thác chúng ta cho Thiên Chúa.
Trong dịp lỏ́n lên này, chúng ta không sống một mình, chúng ta có Chúa Giêsu. Ngài có kinh nghiệm đi qua sa mạc. Ngài cùng đồng hành vỏ́i chúng ta, và Ngài sẽ giúp chúng ta đạt đến thành quả của mục đích. Ngài luôn luôn nhắc nhỏ̉ chúng ta là Thiên Chúa trông thấy hoàn cảnh của chúng ta và Thiên Chúa muốn nuôi nấng dạy dỗ chúng ta là: “chúng ta không sống chỉ nhờ cỏm bánh, nhủng còn nhỏ̀ mọi lỏ̀i từ miệng Thiên Chúa phán ra”.
Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP
1st SUNDAY OF LENT (A) Genesis 2: 7-9; 3: 1-7; Psalm 51; Romans 5: 12-19; Matthew 4: 1-11
I didn’t grow up in the desert, but for the past five years I have been living in Dallas, where summer begins in April and goes through late October. In midsummer the temperatures can be over 100° for days. When we go outdoors it is like opening a hot oven’s door – a blast of very hot air assaults your face and body. But in this first world setting, we can’t complain too much; indoors we have air conditioning and after a few minutes, with our air-conditioning turned on, our car’s interior gets quite cool.
For those of us who have experienced something like desert heat, we get some sense of what Jesus experienced during his desert fast. Even if we haven’t had the experience of the intense heat, magazines, travel brochures and, perhaps some traveling, have given us insight in what the desert is like. Deserts are stark places, the skies at night are clear, the stars bright and there is a deep sense of solitude and silence. Which makes the desert a good place to begin our Lenten journey.
Today the gospel doesn’t focus on us however, it focuses on Jesus because Lent is really about Jesus. Lent begins with Jesus in the desert. He’s been there for 40 days fasting. We can imagine his hunger and vulnerability. So when the tempter suggests to Jesus some shortcuts, they must have sounded rather enticing. The tempter says: Why not satisfy your hunger and turn the stones into bread? Why go through any discomfort? Feed yourself if you’re hungry. And if you change stones into bread, you’ll also be able to feed many hungry people. Isn’t that what your mission is about, feeding the hungry? Just think about how many people will be drawn to you if you provide bread for them. Jesus rejects this suggestion. Instead, he will choose to draw followers by his message – a “daily bread” of deep and lasting satisfaction. What’s more, he will share the condition of the hungry and know thirst, betrayal, misunderstanding… just like us.
The tempter makes another proposal to Jesus: Fly off the parapet of the Temple, God will not let the Son of God get hurt. Think of the following you would get, impressing people by such spectacles. Jesus says no to drawing people by spectacular acts. He chooses instead to reveal God to us in our present, ordinary lives, to live like one of us. He will rely on his words and person to draw people. He will not be spared pain. He not only experienced pain, but he would show deep compassion for those in pain.
The tempter makes another proposal to Jesus: Bow down before the powers of the world, seek worldly powers. Lots of people do and they get a following. Wouldn’t it be more impressive to be a powerful head of a nation with an army behind you and with political influence? With all that no one could resist your power. They would have to take orders from you and follow you.
Jesus resists this temptation too and chooses to remain a peasant from Galilee. He wouldn’t stand out from the crowd. Like some religious paintings depict him, he didn’t float a foot off the ground, never stumbling his toe on a rock. His message would reflect the life he led. “God is with us” – not just in the good times, but in the struggles, doubts, loneliness and yes, even with us in our temptations and failures.
Jesus was born into the same environment we are. As we hear from today’s story which opens Lent for us: he was drawn by the same desires; filled with the same yearnings for fulfillment; tempted to take shortcuts to achieve his end – to choose security and the esteem of others over his commitment to God and God’s ways. He refused to abuse his power; refused to let anything replace God as a priority in his life. He relied on his relationship to God and he wanted us to also learn, “One does not live on bread alone but on every word that comes forth from the mouth of God.”
Lent does not begin with a story about us. It puts our focus on Jesus, as it should. Jesus, under severe temptation, stands out with strength and character. He kept his goals and priorities clearly in mind and made responsible life choices for how to achieve them. Lent invites us to do the same: to also keep our priorities in focus; to look clearly at our lives and the choices we make and to explore what they reveal about who we are and where we are going. It is a time to reclaim our true self, renew our sense of purpose, turn away from the path of least resistance, and stop postponing our own growth towards maturity. In other words, Lent is a time to give ourselves over to God.
We’re not alone in this opportunity for growth. We will have Jesus, the experienced desert traveler, walking with us and helping us reach our goal. He will constantly remind us that God sees our condition and wants to nourish us and to teach us that, “We do not live on bread alone but on every word that comes forth from the mouth of God.”
CÁM DỖ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY. A
(Mt. 4:1-11)
CÁM DỖ.
Chúa vào hoang địa nguyện cầu,
Thánh Thần hướng dẫn, cầu bầu Chúa Cha.
Lâm cơn cám dỗ quỷ ma,
Bốn mươi ngày nhịn, đường tà mở ra.
Xúi lòng khiến bánh mưa sa,
Ăn vào khỏi đói, ngợi ca uy quyền.
Nghe rằng Lời Chúa dủ khuyên,
Chính do Thiên Chúa, đã truyền cho dân.
Đưa lên Thành Thánh trước sân,
Đền thờ đỉnh nóc, thiên thần đỡ chân.
Gieo mình nhảy xuống tay nâng,
Là Con Thiên Chúa, không cần phô trương.
Ngươi đừng thử thách mở đường,
Quỷ ma tấn tới, không nhường nói ngay.
Đưa Người lên núi đẹp thay,
Ngó nhìn thiên hạ, dịp may chiếm phần.
Sấp mình thờ lạy quỷ thần,
Cho ông tất cả, chỉ cần bái tôn.
Sa-tan cút xéo liệu hồn,
Phụng thờ Thiên Chúa, túi khôn cuộc đời.
Chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối là nhận biết lỗi lầm của mình, rồi hối lỗi, xin lỗi và sau cùng là sửa lỗi. Mùa chay đưa dẫn chúng ta trở về với lòng mình và với Chúa. Nếu lòng chúng ta đầy ứ những lo lắng và lo toan trong cuộc sống, vậy còn chỗ đâu cho chính chúng ta.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta không có vấn đề gì cả. Chúng ta vẫn chu toàn mọi công việc hàng ngày. Sống yên vui trong tổ ấm của gia đình. Chúng ta sống trọn vẹn mọi giây phút có được. Hầu như trong mọi lúc chúng ta đều bị cuốn hút vào một cái gì đó. Như khi lái xe hay đi đường, chúng ta nghe nhạc hoặc nói truyện phôn. Khi về nhà, chúng ta lại mở máy vi tính hay truyền hình xem tin tức, thề thao và các mục chúng ta ưa thích.
Mùa chay là thời gian trở về. Chúng ta cần có những giây phút thinh lặng giúp suy tư và xét mình để nhận diện con người thật của mình. Chúng ta đang sống trong thế giới xô bồ và lẫn lộn. Biết rằng hành trình cuộc sống của chúng ta được kết dệt bằng những lựa chọn không ngừng. Đôi khi chúng ta không biết lựa chọn thế nào cho đúng: Giữa thiện và ác, giữa đúng và sai và giữa xấu và tốt. Đôi khi làm chúng ta phải so đo tính toán và rất khó quyết định giữa hai khoảng cách này.
Sự cám dỗ đưa đẩy chúng ta vào những việc sai trái, mà đôi khi chúng ta không hay biết. Cứ thế chúng ta an vui tự tại trong cách suy nghĩ và cách sống của mình. Những cám dỗ thường ngày rất nhẹ nhàng và tinh tế. Rất khó để phân biệt đúng hay sai. Chúng ta làm gì thì cũng chỉ nghĩ là vui chơi tí thôi, đâu có hại chi. Nhớ câu truyện con ếch ngồi trong nồi nước. Nếu chúng ta bỏ một con ếch vào trong một nồi nước lạnh, rồi đem đun xôi từ từ. Nước nóng dần, con ếch vẫn cảm thấy thoải mái nằm yên hưởng phước và rồi từ từ nước nóng xôi lên, chú ếch chết lúc nào không hay biết.
Ma quỉ cám dỗ rất khôn khéo. Từng bước dẫn ta vào đường lầm lạc. Bà Evà đã bị trúng kế của ma qủy về sự cám dỗ. Bà đi từ việc muốn ăn trái cấm tới việc kiêu ngạo muốn được biết mọi sự bằng Thiên Chúa. Chúng ta hãy ăn chay và cầu nguyện luôn, xin Chúa đừng để chúng con xa chước cám dỗ. Chúng ta không thể tránh các cơn cám dỗ trong cuộc sống. Phải phấn đấu và thắng vượt các cơn cám dỗ, chúng ta sẽ được hưởng phước bên Chúa.
THỨ HAI, TUẦN 1 MÙA CHAY
(Mt 25, 31-46).
PHẦN THƯỞNG
Con Người vinh thắng cửu trùng,
Trên ngai Chúa ngự, oai hùng quang vinh.
Phân chia xét xử chúng sinh,
Đoàn chiên bên phải, cung đình thưởng công,
Đàn dê bên trái ngóng trông,
Ước mong chúc phúc, viển vông mong chờ.
Người lành ơn phước vô bờ,
Hy sinh bác ái, hưởng nhờ phúc ân.
Người nghèo tiếp rước ân cần,
Cho ăn cho uống, tinh thần mến yêu.
Vô tâm những kẻ cô liêu,
Tâm hồn keo kiệt, bao điều bỏ qua.
Không màng giúp đỡ người ta,
Ăn chơi thỏa thích, xa hoa cuộc đời.
Nước Trời mở rộng đón mời,
Hưởng phần gia nghiệp, sống đời ái nhân.
THỨ BA, TUẦN 1 MÙA CHAY
(Mt 6, 7-15).
CẦU NGUYỆN
Chúa khuyên cầu nguyện ân cần,
Nhiều lời vô ích, tinh thần thảnh thơi.
Xin Thầy chỉ dậy vài lời,
Danh Cha cả sáng, trên trời thanh cao.
Nước Cha trị đến tuôn trào,
Ý Cha thể hiện, khát khao mong chờ.
Cầu ban lương thực hưởng nhờ,
Xin Cha tha nợ, bây giờ cũng tha,
Chúng con tha thứ người ta,
Những ai mắc mợ, giải hòa bình an.
Cứu con khỏi chước lầm than,
Quỉ ma cám dỗ, dối gian tội tình.
Đừng rơi sự dữ hằng rình,
Giữ lòng trung tín, trọn tình Chúa thương.
Thứ tha tội lỗi vấn vương,
Tâm hồn thanh sạch, ngát hương cuộc đời.
THỨ TƯ, TUẦN 1 MÙA CHAY
(Lc 11, 29-32).
ĐIỀM LẠ
Nhiều đoàn dân chúng vây quanh,
Nghe Lời Chúa dậy, ơn lành Ngài ban.
Lạ thay dòng giống thế gian,
Mong tìm điềm lạ, khấn ban bởi trời.
Chúa rằng phép lạ một thời,
Gio-na bụng cá, gọi mời ăn năn.
Ni-ni-vê hưởng phúc lành,
Thực hành sám hối, cuốn khăn trùm đầu.
Đến ngày phán xét nhiệm mầu,
Nữ hoàng tố cáo, u sầu chúng sinh.
Từ xa bà đến tận tình,
Lắng nghe chỉ dậy, hòa mình canh tân.
Con Người cao trọng hạ thân,
Kêu mời sám hối, toàn dân hững hờ.
Trí lòng cứng cỏi nghi ngờ,
Chối từ ân phúc, dại khờ khổ đau.
THỨ NĂM, TUẦN 1 MÙA CHAY
(Lc 7, 7-12).
GÕ CỬA
Hãy xin sẽ được thỏa lòng,
Thực tình gõ cửa, mở trong tâm hồn.
Ai tìm, đời sẽ nên khôn,
Lắng nghe lời dậy, dụ ngôn Chúa truyền,
Thực hành vâng giữ lời khuyên,
Phú ban điều tốt, cơ duyên sống đời.
Yêu thương con cái mọi thời,
Con mình xin bánh, ai đời không cho.
Mặc dù kẻ xấu so đo,
Thí ban của tốt, thấu dò tâm tư.
Con người xấu tốt thật hư,
Còn cho con cháu, đầy dư hưởng dùng.
Chúa Trời rộng lượng bao dung,
Những ai cầu khẩn, tín trung mong chờ.
Chúa ban ân phúc vô bờ,
Ân thiêng phù trợ, cậy nhờ cõi thiên.
THỨ SÁU, TUẦN 1 MÙA CHAY
(Mt 5, 20-26).
GIẢI HÒA
Hãy nên công chính trong đời,
Các thầy Luật sĩ, gọi mời lắng lo.
Nhóm người Biệt phái theo phò,
Chuộng danh thiếu đức, đắn đo ở đời.
Muốn vào hưởng phúc Nước Trời,
Giết người cấm kỵ, giữ lời tín trung.
Đừng ai phẫn nộ nổi sung,
Bị tòa luận phạt, não nùng sầu bi.
Rủa trù khùng ngốc thị phi,
Ra tòa lãnh phạt, tự ty u sầu.
Khi dâng của lễ tiến chầu,
Bất bình xúc phạm, khẩn cầu thứ tha.
Khôn ngoan mau mắn giải hòa,
Hận thù xá giải, quan tòa chí công.
Công bằng chính trực cảm thông,
Yêu thương tha thứ, hòa đồng sánh vai.
THỨ BẢY, TUẦN 1 MÙA CHAY
(Mt 5, 43-48).
YÊU THƯƠNG
Thực hành giới luật yêu thương,
Mọi loài thụ tạo, tựa nương sống đời.
Con người hình ảnh Chúa Trời,
Cùng chung một Chúa, gọi mời yêu nhau.
Luật điều hoàn hảo trước sau,
Tình yêu rộng mở, hãy mau thực hành.
Luật xưa răn dậy làm lành,
Yêu thương chia sẻ, chỉ dành thân nhân.
Chúa khuyên nhắn nhủ ân cần,
Mến yêu thù địch, chia phần phúc ân.
Dù rằng bắt bớ hại thân,
Dối gian nguyền rủa, thế nhân tội tình.
Nguyện cầu đón lấy cực hình,
Rộng lòng tha thứ, an bình trí tâm.
Mặt trời chiếu tỏa âm thầm,
Kẻ lành người dữ, hương trầm tỏa lan.
THỬ THÁCH VÀ LỰA CHỌN
Nguyễn Cao Luật
Trình thuật về các lần cám đỗ được coi như phần mở đầu giúp người tín hữu hiểu được điều sâu kín nhất trong tâm hồn Đức Giêsu. Đó là một bản Tin Mừng thu gọn, một thứ hướng dẫn. Những ai muốn hiểu rõ về cuộc đời công khai của Đức Giêsu, cần phải để ý điều này: nếu muốn hiểu biết điều gì trong đó, hãy luôn nhớ lại ba lựa chọn căn bản này của Đức Giêsu.
Cuộc thử thách và lòng trung thành
Thời gian 40 đêm ngày Đức Giêsu trải qua trong sa mạc đánh dấu việc khởi đầu một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu của Giao Ước Mới. Cuộc phiêu lưu này tái hiện quãng thời gian 40 năm dân Do-thái đã trải qua trong cuộc Xuất hành, đồng thời nhắc lại 40 ngày đêm ông Mô-sê đã ở trên núi Xi-nai.
Còn hơn thế nữa, khoảng thời gian này không chỉ là một cuộc khởi đầu, nhưng còn là một cuộc sáng tạo với những yếu tố như cuộc sáng tạo vũ trụ: sa mạc (miền đất trống rỗng, hoang vu), và sự thử thách.
Trong cuộc sáng tạo, A-đam đã phải chịu thử thách, đã đứng trước một lựa chọn, trong đó ông phải bày tỏ tự do của mình. Cũng vậy, với biến cố hôm nay, với cuộc thử thách và lựa chọn trong sa mạc, Đức Giêsu đã bày tỏ tự do của mình, đã thể hiện sự gắn bó với Thiên Chúa, và cho thấy bản tính sâu xa của Người: Con Thiên Chúa và Con Loài Người.
Thực vậy, sa mạc và thử thách luôn là những cơ hội để bày tỏ lòng trung thành hay thái độ bất trung (A-đam, sự kiện con bò vàng …). Lần đầu tiên trong suốt lịch sử cứu độ, Đức Giêsu thực hiện điều mà trước đây, cả A-đam lẫn ÍT-RA-EN không thể thực hiện: lòng trung thành với Thiên Chúa.
Nhờ sự trung thành với căn tính Con Người và Con Thiên Chúa, Đức Giêsu mở ra con đường cho Giao ước Mới, con đường đặt nền tảng trên lòng trung thành, một yếu tố mà con người có thể thực hiện được với nỗ lực và tự do của mình. Và lòng trung thành này được biểu hiện qua việc nhìn nhận Lời Chúa là của ăn, nhìn nhận thánh ý Chúa Cha có giá trị ưu tiên tuyệt đối, nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất.
Một cuộc chiến đấu
Con người vẫn thường nghĩ về Đức Giêsu như Đấng có uy quyền, Đấng bày tỏ các mầu nhiệm và thực hiện những điều lạ lùng. Về phần mình, Đức Giêsu lại đề ra một cuộc chiến đấu.
Quả thực, qua các cám dỗ tại sa mạc, Đức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tính cách con người. Mặc dù có thể, Người đã không sử dụng các phép lạ cho riêng mình để loại bỏ đi những yếu tố vẫn gắn liền với thân phận con người.
Đức Giêsu muốn uống lấy chén đắng, Người muốn cứu nhân loại chứ không cứu lấy bản thân mình. Chính ý tưởng này còn đưa đến cho Người nhiều thử thách khác, không kém phần cam go, nhưng Người đã vượt qua. Thử thách cuối cùng là cái chết, Người cũng đã đón nhận, bởi vì Người hiểu rằng, chính trong tâm tình tự hiến vì yêu thương, Người nhận lấy vinh quang của cuộc chiến đấu, đồng thời đem lại vinh quang cho tất cả những ai bền lòng vững chí.
Suốt cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại sự dữ, chống lại quyền lực xấu xa đang đè nặng trên cuộc sống của con người. Người muốn giải phóng họ khỏi những quan niệm, những cách sống đang làm vướng bận mối tương giao của họ với Thiên Chúa, hay làm cho mối tương giao đó không được trong sáng, không đạt tới ý nghĩa thâm sâu. Chẳng hạn như sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tôn Người làm vua, nhưng Người đã lánh đi (Ga 6,15), hoặc khi Phê-rô lên tiếng can ngăn Đức Giêsu, xin Người đừng lên Giê-ru-sa-lem, Người đã không xiêu lòng trước thử thách, nhưng đã quyết liệt khước từ và nặng lời trách móc Phê-rô (x. Mt 16,23).
Như thế, Đức Giêsu không muốn sống an toàn, trái lại, Người lao vào một cuộc đấu tranh, chấp nhận những mất mát thua thiệt về phía mình, kể cả sự sống. Người hiểu rằng, để khai sinh một nhân loại mới, một ý nghĩa mới cho cuộc sống của con người, cần phải chiến đấu, phải hi sinh, phải liều lĩnh. Nếu không có can đảm vượt lên trên cái nhìn bình thường, vượt lên trên sự an toàn cho riêng mình, thì nhân loại không thể nào được cứu vớt, được giao hoà với Thiên Chúa.
Cuối cùng, cuộc chiến đấu này đã dẫn đưa Người tới cái chết trên thập giá, và Người đã chiến thắng nhờ sự Phục sinh. Sự kiện này cho thấy rằng cuộc chiến đấu của Người không phải là vô nghĩa, và con người có thể đạt tới chiến thắng vinh quang nhờ lòng trung thành, nhờ thái độ tuân phục thánh ý Thiên Chúa.
Vì vậy, xét theo cái nhìn bình thường, Đức Giêsu đã hành động như là không yêu mến con người; Người đã mở ra một cuộc chiến và mời gọi họ dấn thân, chứ không đem đến cho họ sự an toàn. Tuy nhiên, chính cuộc chiến do Đức Giêsu khởi đầu lại là con đường duy nhất để đạt tới vinh quang đích thực. Trong cuộc chiến đấu của mình, Đức Giêsu đã liên đới với tất cả những người đau khổ, liên đới với thân phận làm người của nhân loại; Người hành động như thế vì yêu mến họ, yêu mến cách tận tình, muốn đưa họ tới sự sống chân thật. Bình an do Đức Giêsu đem đến là bình an được chiếm đoạt bằng sức mạnh, bằng sự trung tín với Lời Chúa.
Chiến dấu từng ngày và suốt đời
Ba cám dỗ, hay ba chọn lựa, vẫn thường xảy ra trong suốt dòng lịch sử. Mỗi người sẽ gặp phải những thử thách và họ sẽ ngã gục như A-đam và dân It-ra-en, nếu họ không nhìn vào Đức Giêsu, và không noi theo gương của Người.
Cuộc chiến đấu ấy, thử thách ấy vẫn diễn ra cách này cách kia theo nhiều hình thức khác nhau; mỗi thời mang một vẻ khác, mỗi giai đoạn lại có vẻ tế nhị hơn, quyết liệt hơn, nhưng bao giờ cũng vẫn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và trần gian. Đó là một cuộc chiến đấu dài, rất dài, không bao giờ chấm dứt; người ta phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng, mà không được quyền bỏ cuộc, rút lui.
Vậy, đâu là những thử thách vẫn thường xảy ra mà không khi nào Đức Giêsu nhượng bộ?
Thứ nhất: Con người được dựng nên không phải chỉ vì những lương thực trần gian. Họ còn có những lương thực thiêng liêng và chính thứ lương thực này mới cần thiết.
Thứ hai: Con người được dựng nên không phải để cảm nghiệm về Thiên Chúa mà thôi. Họ cần phải hiệp thông với Người, như một đứa con, với lòng tin tưởng tuyệt đối. Đó không phải là mối tương giao đặt nền tảng trên lòng yêu mến. Họ ở trong Người, không một chút nghi ngờ, không một khoảng cách.
Thứ ba: Con người được dựng nên không phải để thống trị anh em mình, không phải để bắt người khác thần phục mình. Trái lại, mọi người đều là con một Cha; tất cả đều quy hướng về Thiên Chúa. Hơn nữa, họ không được dựng nên để phục lạy các ngẫu tượng, nhưng là để thờ phượng Thiên Chúa:
Như vậy, vấn đề được đặt ra chính là căn tính của con người. Họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Chí Thánh không ngừng làm cho họ nên giống hình ảnh của Người. Đó là chương trình đã có từ thời sáng thế, và hôm nay vẫn đang được thực hiện. Chương trình này vẫn đang bị đe doạ vì những ham muốn chống đối của con người, và Thiên chúa không ngừng bày tỏ lòng yêu thương của Người:
Chính trong việc cử hành Thánh Thể,
Đức Kitô ban mình làm lương thực để nuôi sống con người.
Đức Kitô xoá tan mọi khoảng cách và nghi ngờ,
Ngài đến ở với chúng ta qua việc rước lễ.
Đức Kitô quỳ gối trước mặt chúng ta,
rửa chân cho chúng ta,
biến chúng ta thành một dân biết phục vụ,
sắn sàng quỳ gối để rửa chân và giúp đỡ người khác.
Con người không được dựng nên cho riêng mình. Cộng đoàn ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng ta thấy rõ căn tính của mình. Trong cộng đoàn này, chúng ta chia sẻ với nhau những thành quả do cuộc chiến đấu của Đức Kitô, đồng thời trở nên hình ảnh của Thiên Chúa.
Đi vào Mùa Chay
là cùng với Đức Kitô
lao vào cuộc chiến đấu.
để bày tỏ lòng trung thành
đặt nền tảng trên Lời Chúa.
XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Lm Đan Vinh
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY A
St 2,7-9;3,1-7 ; Rm 5,12-19 ; Mt 4,1-11
XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
- HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Mt 4,1-11
(1) Bây giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi !”. (4) Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. (5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (7) Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. (10) Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi !” (11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
- Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su như một Mô-sê Mới, lãnh đạo một cuộc Xuất Hành Mới. Người còn là hiện thân của dân Ít-ra-en Mới vào sa mạc sống lại kinh nghiệm của dân Ít-ra-en xưa trên núi Xi-nai (x Đnl 8,2-4). Có điều khác với Ít-ra-en xưa, Người đã qua các cơn cám dỗ thử thách mà vẫn trung thành với ơn gọi của mình. Người muốn nêu gương cho các tín hữu hôm nay về cách chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ.
- CHÚ THÍCH:
– C 1-4: + Được Thần Khí dẫn vào hoang địa: Thần khí đã ngự xuống trên Đức Giê-su khi chịu phép rửa, giờ đây lại hướng dẫn Người vào nơi hoang vắng, có lẽ là một hang núi gần thành Giê-ri-cô. + Để chịu quỷ cám dỗ: Cám dỗ đồng nghĩa với sự thử thách do ma quỷ thực hiện. Khi bị cám dỗ mà chiều theo thì mới phạm tội. Còn nếu cương quyết chống trả, lại còn có công. Đức Giê-su cũng trải qua sự thử thách, nghĩa là lựa chọn giữa tốt và xấu. Thần Khí đã đặt Đức Giê-su vào một hoàn cảnh để Người tự khẳng định lập trường và chứng tỏ là Con hiếu thảo luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa. + Bốn mươi đêm ngày: Cũng như Mô-sê trước khi nhận hai bia đá Giao ước, đã lên núi bốn mươi ngày đêm, ăn chay cầu nguyện (x. Đnl 9,9), và sau đó lại ăn chay thêm bốn mươi ngày đêm để sấp mình xin Đức Chúa nguôi giận mà tha tội cho dân Ít-ra-en đã vi phạm Giao ước khi đúc tượng bê vàng để thờ lạy (x. Đnl 9,18). Ngoài ra con số bốn mươi thường được dùng trong Thánh Kinh để ám chỉ một thời gian khá dài như: lụt đại hồng thủy kéo dài suốt bốn mươi ngày đêm, dân Ít-ra-en đi trong hoang địa bốn mươi năm, Vua Đa-vít cai trị bốn mươi năm, từ lễ Phục Sinh đến lễ Thăng Thiên kéo dài bốn mươi ngày … Sở dĩ Đức Giê-su có thể nhịn đói suốt bốn mươi ngày đêm là nhờ ơn Chúa nâng đỡ. + Nếu ông là Con Thiên Chúa: Tước hiệu này thuộc nội dung các lời hứa về Đấng Mê-si-a con vua Đa-vít (x. Tv 2,7; 89,27). Ngoài ra tước hiệu này còn có ý nghĩa về Thần tính của Đức Giê-su. + Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi: Ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su biến đá thành bánh, hy vọng có thể do bị đói khát, Người sẽ quên đi tư cách Mê-si-a để làm theo ý mình hơn là làm theo ý Thiên Chúa. + Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…”: Đây là lời trong Sách Đệ Nhị Luật (8,3) mà Đức Giê-su đã chọn để vâng Lời Thiên Chúa, nhờ đó Người đã chiến thắng ma quỷ. Sau này Người cũng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
– C 5-7: + “Hãy gieo mình xuống đi”: Ma quỷ xúi Đức Giê-su thử thách quyền năng Thiên Chúa khi gieo mình từ trên cao rơi xuống để được Thiên Chúa cứu giúp. + Có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn…”: Xa-tan đã nêu ra câu Thánh Vịnh này hiểu theo nghĩa đen (Tv 91,11-12). + Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách…”: Đây là câu Kinh Thánh trong sách Đệ nhị luật: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6,16). Ngược lại với dân Ít-ra-en xưa đã đòi Đức Chúa phải làm dấu lạ để chứng tỏ quyền năng, còn Đức Giê-su ở đây hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa không cần phải nhìn thấy dấu lạ (x. Ga 6,30-33).
– C 8-11: + Đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian…: Câu này nhắc lại sự kiện xưa kia Mô-sê lên núi Nê-bô và đã được Đức Chúa cho nhìn thấy toàn bộ Miền Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4). Nay ma quỷ cũng tác động làm cho Đức Giê-su tưởng tượng ra mình đang ở trên núi và nhìn thấy những của cải châu báu để cám dỗ Người thờ lạy nó như thờ chúa tể để được nó ban cho của cải trần gian. + Xa-tan kia, xéo đi !: Xa-tan nghĩa là “tên cám dỗ”. Sau này Đức Giê-su cũng xua đuổi Phê-rô giống như thế khi ông cám dỗ Người đừng theo con đường thập giá như Chúa Cha muốn (x. Mt 16,23). + Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi: Đây là câu trích trong sách Đệ nhị luật (6,4.13), dạy dân Ít-ra-en chỉ duy có một Đấng mọi người đều phải phụng sự tôn thờ là Thiên Chúa.
- HỎI ĐÁP:
HỎI 1) Cám dỗ là gì ? Bị cám dỗ thì đã phạm tội chưa ? Ta cần làm gì để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt mình ?
ĐÁP:
– Cám dỗ là việc ma quỷ xúi giục một người phạm tội chống lại Thiên Chúa bằng việc cố tình làm điều nghịch lại các lệnh Ngài truyền.
– Mỗi cơn cám dỗ thường có ba giai đoạn: Một là ma quỷ gợi lên một hình ảnh, một tư tưởng xấu trong tâm trí người ta. Hai là ma quỷ xúi người ta thỏa mãn đam mê dục vọng ấy bằng sự ưng thuận. Ba là sự chọn lựa tự do: nếu người ta chiều theo ma quỷ tức là đã phạm tội làm cho Chúa buồn lòng. Còn nếu từ chối không nghe theo ma quỷ cám dỗ, họ sẽ được chúc phúc và làm cho Chúa vui lòng.
– Để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ, chúng ta cần dùng ba phương thế như sau: Một là năng hãm mình và ăn chay noi gương Đức Giê-su ăn chay suốt bốn mười đêm ngày nên đã dễ dàng làm chủ bản năng và chiến thắng ma quỷ cám dỗ; Hai là siêng năng học sống Lời Chúa, vì Lời Chúa là đèn soi dẫn và là thanh gươm hai lưỡi sắc bén đương đầu với ma quỷ, noi gương Đức Giê-su đã dùng Lời Chúa để chiến thắng ma quỷ cám dỗ; Ba là năng xin cầu xin ơn trợ giúp và luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần noi gương Đức Giê-su.
HỎI 2) Đức Giê-su bị ma quỷ cám dỗ trong tâm trí hay trong thực tế ?
ĐÁP: Việc quỷ đặt Đức Giê-su lên nóc Đền thờ, đem Người lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người xem tất cả vinh hoa lợi lộc của các nước trên thế gian… cho thấy Đức Giê-su đã bị ma quỷ cám dỗ nhưng chỉ trong tâm trí, chứ không thực sự đem Người từ nơi này đến nơi kia.
HỎI 3) Đức Giê-su đã trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ để làm gì?
ĐÁP: Sau khi chịu phép Rửa của Gio-an và được xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Đấng Ki-tô, Đức Giê-su đã được Thần Khí dẫn đưa vào hoang địa để ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỷ thử thách cám dỗ. Sở dĩ Người để ma quỷ cám dỗ là nhằm ba mục đích như sau:
– Một là cho chúng ta thấy: Người là A-đam Mới và là dân Ít-ra-en Mới thời Tân Ước, luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa, trái với nguyên tổ A-đam E-và xưa trong vườn địa đàng (x St 3,1-24), và dân Ít-ra-en xưa thời Xuất Hành (Đnl 8,2-4), đã nghe ma quỷ để phạm tội chống lại Thiên Chúa.
– Hai là để chứng minh cho chúng ta thấy: ăn chay cầu nguyện là phương thế hữu hiệu giúp ta làm chủ bản thân và chiến thắng ma quỷ cám dỗ (x Mt 17,21; Mc 9,29).
– Ba là để nêu gương cho chúng ta luôn vâng theo Thần Khí hướng dẫn: Nếu chúng ta năng học sống Lời Chúa, chúng ta sẽ làm theo thánh ý Chúa hơn theo ý riêng mình, như Đức Giê-su có lần đã quở trách tông đồ Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).
- SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
- CÂU CHUYỆN:
1) TAM THẬP LỤC KẾ: ĐÀO VI THƯỢNG SÁCH
Ở núi Phong Khê đất Thục có một giống đười ươi có bộ mặt giống như người. Chúng biết nói cười và máu của chúng được người ta dùng làm thuốc nhuộm quần áo rất tốt, nên các thợ săn thường săn bắt chúng. Biết được loài đười ươi này thích uống rượu và đi guốc, thợ săn đã đem rượu và guốc bày la liệt trên một đồng trống để nhử chúng, rồi ẩn núp chờ đợi. Dù sống sâu trong rừng, nhưng loài đười ươi lại có khứu giác rất nhậy nên vẫn ngửi thấy mùi rượu thơm liền kéo nhau đến uống. Những con già đời đoán biết đó là bẫy của thợ săn, liền nhắc nhở cả bầy rằng: “Hãy cảnh giác, đừng khờ dại uống rượu đi guốc kẻo bị mắc mưu của bọn người độc ác kia”. Thế là cả bầy buồn bã bỏ đi. Nhưng rồi một con bị mùi rượu thơm hấp dẫn không cưỡng lại được, liền bất chấp lời khuyên khôn ngoan và rủ đồng bọn quay trở lại. Rồi “quen mui thấy mùi ăn mãi”, chúng tranh dành nhau chí choé nốc cạn hết bầu này đến bầu khác. Đến lượt các con già cả khôn ngoan tuy biết là nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng được sự hấp dẫn của rượu, cũng lao vào uống no say. Sau đó chúng xỏ chân vào guốc bên cạnh bước tới bước lui ngả nghiêng trông thật tức cười. Bấy giờ bọn thợ săn liền hò nhau từ chỗ ẩn nấp, nhất tề xông đến vây bắt. Thấy bọn thợ săn đến, bầy đười ươi đáng thương liền bỏ chạy tán loạn. Nhưng chân đi guốc không quen, bị té nhào vào nhau và bị bọn thợ săn bắt gọn không sót một con.
Than ôi! Biết rõ người ta đặt bẫy hại mình, mà vẫn lao vào ăn uống đến nỗi tất cả đều bị mất mạng thì thật ngu dại lắm thay! Đối với các bạn trẻ hôm nay thì rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích sì-ke ma túy… là những thứ làm mất hết nhân tính, trở thành những kẻ bất lương trộm cướp giết người, rồi còn có thể bị lây nhiễm HIV-AIDS. Thế mà vẫn có không ít bạn trẻ nhắm mắt lao mình vào những đam mê chết người đó thì không phải khờ dại lắm sao ?
Trước các cơn cám dỗ về đam mê sắc dục và ma túy, thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình có đủ bản lãnh để chống trả lại được, và phải làm như cổ nhân dạy: “Tam thập lục kế: Đào vi thượng sách” (Ba mươi sáu phương thế thì chạy trốn là phương thế hay nhất). Đừng bao giờ thử hút chích sì ke ma túy, thử đi bia ôm một lần xem sao… Vì thử dù chỉ một lần mà thôi là chúng ta đã bắt đầu biến thành con nghiện và khó lòng có thể thoát ra!
2) TỪ ĂN CẮP QUẢ TRỨNG DẪN ĐẾN ĂN TRỘM CON BÒ:
Đức Cha ARTHUR TONE đã thuật lại một câu truyện đau lòng như sau:
Trong ngôi nhà tù nổi tiếng Sing Sing ở New York (Hoa Kỳ), một tù nhân bị đem ra hành hình vì tội đã giết chết một cảnh sát viên. Trước khi chết, người ta cho anh ta được nói những lời cuối cùng. Với một giọng điệu đau đớn anh ta đã thét lớn lên như sau: “Tất cả đã bắt đầu khi tôi ăn cắp đồng năm xu trong túi của Mẹ tôi…..Rồi lần hai tôi ăn cắp hai đông năm xu… Sau đó, tôi ăn cắp đồ vật của người ngoài ở trường học, ở tiệm tạp hóa, ở tiệm thuốc tây. Rồi tôi và hai thằng bạn hợp tác đi cướp giật và chúng tôi kiếm được ngày một nhiều tiền hơn. Sau đó muốn có thật nhiều tiền để khỏi phải đi cướp giật hàng ngày, chúng tôi đã quyết định đi cướp Ngân hàng và lần đó tôi buộc phải bắn gục một viên cảnh sát đang tìm cách bắt tôi. Đó. Tất cả tội phạm lớn lao của tôi bắt đầu chỉ từ một đồng năm xu !”
Từ chỗ ăn cắp năm xu đã tiến đến chỗ ăn cướp nhà băng và phạm tội giết người. Con đường tưởng như thật xa, nhưng trong thực tế lại rất gần ! Cũng vậy, từ một ly rượu cho đến thói xấu say xỉn triền miên… Con đường cũng tương tự như thế. Có ai ngờ được rằng: chỉ một lần hút thử xì ke ma túy mà rồi sau đó nạn nhân đã rơi vào thói nghiện ngập triền miên lúc nào không hay. Con đường tưởng như thật xa, nhưng trong thực tế lại rất gần !
3) NGỌN ĐUỐC VÂN TRƯỜNG :
Đời Tam quốc, Quan Văn Trường sau khi bị thua trận thảm bại ở Hạ Bì. Đơn thương độc mã, ông phải bảo vệ hai người chị dâu (vợ của Lưu Bị) tam thời đến nương tựa nhà của Tào Tháo. Đêm đến, Tào Tháo cố tình sắp xếp cho ba người ở chung trong một căn phòng, dụng ý muốn cho chị em phạm tội loạn luân, và chúa tôi sẽ nghi ngờ thất lễ với nhau.
Quan Vân Trường một dạ thẳng ngay không để tà tâm quyến rũ. Ông tay cầm đuốc, tay cầm sách Xuân Thu đọc từ tối đêm đến sáng. Mọi người thấy vậy khen Vân Trường là người chính trực. Từ đó người ta dùng câu “Ngọn đuốc Vân Trường” để ám chỉ những người có lòng ngay dạ thẳng, quyết không để sự đam mê chiến thắng bản thân mình.
4) TÁC DỤNG CỦA RƯỢU TRÊN LOÀI NGƯỜI :
Một câu chuyện cổ bắt nguồn từ chuyện tổ phụ No-e trong sách Sáng Thế (St 9,20-25) về tác dụng của rượu như sau:
Sau cơn lụt đại hồng thủy kéo dài 40 đêm ngày, tổ phụ No-e cùng con cái đưa các con vật ra khỏi tàu và dựng lều và làm nghề nông trồng cấy nhiều cây trái từ các hạt giống đã mang lên tàu trước cơn lụt. Một hôm No-en đang dựng giàn trồng nho phía sau nhà, Xa-tan lấy làm lạ tiến lại gần hỏi rằng:
– Ông đang trồng cây gì thế?
– Cây nho.
– Nó có lợi ích gì không?
– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể chế thành rượu ngon làm cho lòng người trở nên hưng phấn nữa. No-e trả lời.
– Vậy thì ông hãy để ta giúp ông một tay.
Sau đó Xa-tan liền giết một con dê, một con sư tử, một con lừa và một con heo, lấy máu của bốn con vật hòa chung với nước và dạy No-e hằng ngày tưới lên các gốc nho. Thế là nhờ được tưới bằng nước có pha máu của bốn con vật kia mà các cây nho lớn lên thật nhanh. Khi tới lúc hái nho, ông Nô-e đã thu hoạch được một vụ bội thu. Ngoài việc ăn trái, No-e còn làm bồn ép nho thành ra nước cốt và cho ủ thêm một thời gian lên men thành loại rượu rất ngon và có tác dụng làm say lòng người:
Một hôm nhân khi con cháu ra ngoài đồng làm việc, No-e lấy thùng rượu nho ra uống thử. Sau khi uống hết một ly đầu, ông cảm thấy tâm trí hưng phấn và ca hát vui vẻ giống như một con dê kêu « be, be »; Ông uống tiếp ly thứ hai thì lại thấy mình khỏe mạnh giống như một con sư tử; Khi uống đến ly thứ ba thì ông bị lú lẫn ngu dốt giống như một con lừa; Sau cùng khi uống hết ly thứ tư thì ông không còn biết trời trăng gì nữa, chỉ biết làm theo bản năng như một con heo. Kinh thánh đã thuật lại như sau: No-e đã thoát y nhảy múa rồi nằm ngủ trần truồng ở giữa lều. Kham là cha của Ca-na-an thấy cha mình nằm trần truồng liền kêu Sêm và Gia-phét vào xem cha. Hai người này thấy vậy đã lấy chiếc áo choàng của cha cùng nhau đi giật lùi mà che đậy cho cha. Khi tỉnh rượu, ông No-e nghe biết chuyện Kham đã tỏ thái độ bất hiếu với mình liền chúc dữ cho dòng dõi Kham và Ca-na-an, sẽ phải làm đầy tớ cho các anh em mình.
- SUY NIỆM:
1) CÁM DỖ XƯA VÀ NAY:
Ngày nay, Satan không hiện nguyên hình để dụ dỗ chúng ta, nhưng nó ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi chung quanh chúng ta, nhằm lôi kéo chúng ta khỏi con đường của Chúa, để sống phóng đãng theo ý muốn của mình.
Ngày nay ma quỷ cũng cám dỗ lòai người chúng ta về ba phương diện Danh Lợi Thú như xưa đã từng cám dỗ Đức Giê-su về ba phương diện này như sau:
+ Một là về THÚ VUI: Xưa ma quỷ xúi Đức Giê-su biến các viên đá cuội trở thành bánh mì mà ăn, tức là dùng quyền năng Thiên Chúa để thỏa mãn các nhu cầu vật chất thể xác, giống như dân Ít-ra-en trong hoang địa ngày xưa đã kêu trách Đức Chúa và Mô-sê khi họ bị đói khát và thèm thịt thà và các thứ rau thơm mà họ đã từng ăn khi còn ở Ai cập (x. Xh 16,3). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta tìm thỏa mãn các đam mê xác thịt bất chính như ăn chơi sa đọa, rượu chè say xỉn và hút chích ma túy…
+ Hai là về DANH VỌNG: Xưa ma quỷ xúi Đức Giê-su nhảy từ nóc Đền thờ xuống để được người đời khen ngợi là tài giỏi và cũng để thử thách Thiên Chúa, đòi Chúa phải chứng tỏ quyền năng bằng việc làm phép lạ cứu mình thóat chết (x. Lc 23,35). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta thử thách quyền năng Thiên Chúa khi đòi Chúa làm phép lạ trái với định luật do Chúa đã an bài trong thiên nhiên để chiều theo sở thích riêng của chúng ta !
+ Ba là QUYỀN LỢI: Xưa ma quỷ xúi Đức Giê-su sấp mình thờ lạy nó để được nó ban cho quyền hành trên muôn nước và được hưởng lợi lộc giàu sang (x. Xh 32,6). Ngày nay ma quỷ cũng thường cám dỗ chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và tôn thờ sức mạnh của tiền tài, chọn làm những việc bất chính mang lại nhiều tiền như: buôn bán sì ke ma túy, mở quán bia ôm, cà phê tươi mát, tin theo thầy bói, đồng bóng, cầu cơ, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất hàng nhái…
2) CÁC PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ:
+ Một là ĂN CHAY và CẦU NGUYỆN: Người đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày. Ma quỷ đã đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giê-su là tình trạng bị đói để xúi Người biến đá thành bánh ăn. Nhưng nhờ nội lực mạnh mẽ do ăn chay cầu nguyện, mà Người đã chiến thắng ma quỷ. Sau này Người cũng dạy các môn đệ phải dùng phương thế này như sau: “Giống quỷ ấy chỉ trừ khử được bằng lời cầu nguyện thôi” (Mc 9,29). Người cũng trả lời ma quỷ cám dỗ như sau: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
+ Hai là HỌC SỐNG LỜI CHÚA: Lời Chúa chính là khiên thuẫn của chúng ta chống lại các cơn cám dỗ. Một khi lời Chúa đã thấm nhiễm vào con tim, khối óc, thì đương nhiên sẽ biểu lộ ra trong cách suy nghĩ nói năng và hành động, nhờ đó chúng ta có thể chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ thế gian và xác thịt mình. Do đó chúng ta cần siêng năng học sống Lời Chúa.
Nhờ xác tín Lời Chúa biểu lộ ý Chúa Cha nên Đức Giê-su thay vì chọn theo dục vọng thỏa mãn thú vui xác thịt, tìm kiếm danh vọng trần gian và của cải tiền bạc, thì Người luôn làm theo thánh ý Cha biểu lộ qua lời Sách Thánh. Trong vườn cây dầu, đối diện với cuộc khổ nạn gần kề Đức Giê-su đã chọn theo ý Chúa Cha qua lời cầu nguyện: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39).
Để tránh áp dụng lệch lạc Lời Chúa do ma quỷ đưa ra, Đức Giê-su đã nhấn mạnh về ý nghĩa đích thực của Lời Chúa như sau: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3). Để đáp lại ma quỷ cám dỗ tìm danh vọng tiếng khen bằng việc gieo mình từ nóc Đền thờ xuống đất, Đức Giê-su đã đưa ra Lời Sách Thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Đnl 6,16). Đáp lại cám dỗ thần phục ma quỷ để được quyền cao chức trọng, Đức Giê-su đề cao Lời Chúa: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Đnl 6,13).
3) PHẢI LÀM GÌ CỤ THỂ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ?
Ngày nay chúng ta cũng cần noi gương Đức Giiee-su chống trả cám dỗ bằng những phương cách như sau:
+ Xa lánh dịp tội: bằng cách không gặp bạn bè xấu đã từng cám dỗ ta nghiện hút, rượu chè, trai gái, trộm cướp. Tránh tò mò truy cập vào các trang phim ảnh xấu trên mạng internet vì dễ dẫn đến hành vi thủ dâm và chơi bời trác táng.
+ Chăm chỉ làm việc: Chu toàn các việc bổn phận trong gia đình xã hội và tránh sự lười biếng ở không. Vì “Sự lười biếng là cha của mọi thói hư tật xấu”.
+ Năng đọc kinh Lạy Cha: Nhất là cầu xin Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
+ Cậy nhờ ơn Chúa giúp: Mỗi khi bị cám dỗ hãy làm dấu thánh giá và kêu cầu ơn Chúa trợ giúp như thánh Phê-rô khi sắp bị chìm: “Lạy Thầy, xin cứu giúp con !” Noi gương Đức Giê-su mạnh dạn xua đuổi ma quỷ cám dỗ như sau: “Xa-tan, hãy xéo đi !” (Mt 4,10).
+ Đam mê một thú vui lành mạnh: Chẳng hạn: xem phim truyền hình, chơi một môn thể thao lành mạnh như đá bóng, bơi lội, câu cá…
+ Gia nhập một đoàn thể đạo đức: Chẳng hạn: tập hát ca đoàn, họp legio Mariae, sinh hoạt hiêp sống Tin Mừng trong Hiệp Hội Thánh Mẫu… để hằng tuần họp nhau học Lời Chúa và làm các công tác bác ái phục vụ người nghèo, thăm viếng tha nhân và góp phần truyền giáo…
- THẢO LUẬN:
1) Bị cám dỗ đã phạm tội chưa ? 2) Bạn có nên thử Thiên Chúa bằng việc cầu xin khỏi bệnh mà không chịu uống thuốc theo toa bác sĩ, xin thi đậu mà lười biếng không chịu học hành, xin được trúng số… hay không ? 3) Trong các phương thế nói trên, bạn nghĩ phương thế nào hiệu quả nhất và dễ áp dụng nhất để có thể chiến thắng ma quỷ cám dỗ ?
- NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay con rất cảm phục thái độ cương quyết không khoan nhượng của Chúa Giê-su khi đương đầu với ma quỷ cám dỗ. Chính nhờ ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, mà Chúa đã được gia tăng nội lực tinh thần. Chính nhờ luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thần Khí, mà Chúa đã chọn làm theo thánh ý Chúa Cha, thi hành mọi lời Chúa Cha phán dạy và cương quyết xua đuổi ma quỷ khi nó cám dỗ bỏ Chúa Cha mà tôn thờ nó bằng câu: “Xa-tan kia, xéo đi!”.
– LẠY CHÚA. xin giúp con biết nghe theo lời khuyên của thánh Phê-rô Tông Đồ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5,6-9). Nhờ đó, con sẽ trở nên con ngoan hiếu thảo, luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, noi gương Chúa khi xưa.
- X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]