- Nỗi lòng-Trầm Thiên Thu
- Đừng Sợ!-Ts Trần Quang Huy Khanh
- Biết sợ-Tgm Ngô Quang Kiệt
- Đừng sợ... ngay cả cái chết-Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
- Title 2
- Title 3
NỖI LÒNG
Trầm Thiên Thu
(Chúa Nhật XII TN, năm A)
“Đừng sợ chi cả!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18). Đó là một mệnh lệnh của Thiên Chúa – đơn giản và ngắn gọn, nhưng không dễ thể hiện, đồng thời là lời Ngài động viên mỗi chúng ta. Và đó cũng là nỗi lòng không của riêng ai!
Trong ca khúc “Hát Nữa Đi Em” (Thanh Sơn – Phố Thu) có một thực tế đơn giản mà thâm thúy: “Đời ai không có những tâm sự buồn?”. Dạng câu “phủ định nghi vấn” được sử dụng để làm mạnh nghĩa cách nói xác định, nghĩa là ai cũng có những nỗi lòng thầm kín “không biết tỏ cùng ai”. Chắc chắn nhứ thế! Chỉ có Thiên Chúa biết, bởi vì Ngài thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6), và vì vậy, chúng ta đừng ngần ngại tâm sự với Ngài về khúc nhôi của riêng mình.
Trình thuật Gr 20:10-13 nói về tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia. Ông bộc bạch: “Con nghe biết bao người vu cáo: ‘Kìa, lão Tứ-Phía-Kinh-Hoàng!, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!’. Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!”. Ông Giêrêmia bị người ta ghét và đặt cho một nickname là “Tứ Phía Kinh Hoàng”. Cái lên nghe rất “kêu”, và nó cho thấy rằng thiên hạ ghét ông đữ lắm!
Tuy vậy, ông vẫn tin tưởng: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên”. Cây ngay không sợ chết đứng. Có ít xít ra nhiều, thậm chí người ta còn đặt điều, bịa chuyện để hại người khác. Có những người không ngại miệng “dựng đứng” câu chuyện gì đó, đúng là giết người không cần dao, cái lưỡi thật đáng sợ!
Với bản tính nhân loại, thấy mình bị người ta xa lánh thì ai cũng cảm thấy buồn, nhưng phải cố gắng vượt qua tất cả để có thể vẫn mãi là chính mình, và không thù hận kẻ đã ghét bỏ mình. Ông Giêrêmia cũng có cảm giác như vậy, nhưng ông đã chiến thắng và thành tín cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo”. Giữ được niềm tin khi mọi người ủng hộ mình là điều không khó, nhưng giữ được niềm tin khi người khác ghen ghét mình là điều không dễ chút nào.
Với tâm trạng đau khổ, Thánh Vịnh gia đã phải thốt lên: “Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu” (Tv 69:8-10). Độc ác bị hành, hiền lành bị ghét. Chẳng làm sao vừa lòng hết mọi người. Đời là thế! Chấp nhận thực tế đó để lòng mình thanh thản.
Hãy noi gương Thánh Vịnh gia tâm sự với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ” (Tv 69:14). Đừng lo sợ chi, bởi vì tất cả không ngoài ý Chúa: “Chính Người đánh phạt rồi lại xót thương, đẩy xuống tận âm ty trong lòng đất sâu thẳm, rồi kéo ra khỏi đại họa tiêu vong, chẳng có chi thoát khỏi tay Người” (Tb 13:2).
Thánh Vịnh gia tiếp tục cầu xin: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến” (Tv 69:17). Ai cũng là tội nhân nên luôn cần được tha thứ. Cứ kiên tâm cầu nguyện, Chúa vẫn lắng nghe, vẫn biết nỗi lòng của chúng ta, Ngài chưa ra tay vì “giờ Ngài chưa đến” đó thôi. Sự thật mãi mãi là sự thật, không thể khác hơn, bởi vì Thiên Chúa là chân lý, là nguồn sự thật: “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm. Ca tụng Chúa đi, hỡi trời cao đất thấp, hỡi biển sâu cùng hải vật muôn vàn!” (Tv 69:33-35).
Thánh Phaolô đưa ra hai hình ảnh tương phản: Ông Ađam và Đức Kitô Giêsu – một vị gieo mầm tội, một vị diệt gốc tội. Hai hình ảnh tương phản nhưng vẫn cùng một tổng thể, như đầu mở và đầu khép của vòng tròn. Thật kỳ lạ, Tội Nguyên Tổ được Giáo Hội gọi là “Tội Hồng Phúc” (Felix Culpa – Happy Fault) khi công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exultet).
Thánh Phaolô giải thích: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới” (Rm 5:12-14). Vì sai lầm mà sinh ra luật. Luật như dây cương cần thiết để kiềm chế con ngựa chứng. Tất cả chúng ta đều là những con ngựa bất kham đối với Thiên Chúa, cần phải được đóng hàm thiếc và cột dây cương trên đường đua về đích là Nước Trời.
Thánh Phaolô giải thích thêm: “Sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5:15). Vẫn là hai hình ảnh tương phản – một bên sa ngã và phải chết, một bên giải thoát và cứu sinh.
Kiếp phàm nhân là những chuỗi giằng co giữa thiện và ác, lành và dữ, yêu và ghét, tội và phúc,… Sự giằng co đó liên tục xảy ra mọi nơi và mọi lúc, phải can đảm và mạnh mẽ mới khả dĩ vượt qua chính mình. Đó là nỗi niềm chung của chúng ta, những người mặc xác phàm trong cuộc lữ hành trần gian này. Không hề đơn giản, nghĩa là vô cùng nhiêu khê, vì thế mà chúng ta luôn phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn để chúng ta chiến thắng mọi mưu ma chước quỷ – trước tiên là phải chiến thắng chính mình, vì chính mình là nội gián nguy hiểm nhất. Đúng như tiền nhân dạy: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Mọi thứ phải bắt đầu từ chính mình.
Cả trình thuật Mt 10:26-33 (tương đương Lc 12:2-9) là lời động viên của Chúa Giêsu, Ngài khuyến khích chúng ta can đảm nói sự thật và nói công khai, nghĩa là không sợ chi cả. Trong đó, Ngài đưa ra ba cái “đừng” và muốn chúng ta phải cố gắng thực hiện.
Cái “đừng” thứ nhất: “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”.
Cây kim để trong bọc lâu ngày còn bị lòi ra kia mà. Thế thì chắc chắn chẳng có gì giấu nổi, mọi bí mật sẽ được bật mí – bằng cách này hay cách nọ. Thẳng thắn thì chẳng làm gì phải sợ ai, chỉ những ai “cong queo” thì mới lén lút vì sợ người khác biết. Không sợ người ta nên mới dám ăn to nói lớn, nói công khai, nói rõ ràng, nói huỵch toẹt. Có sao nói vậy là thượng sách, bởi vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32).
Cái “đừng” thứ nhì: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.
Chúa Giêsu bảo “đừng sợ” những kẻ không đáng sợ, mà hãy sợ Đấng đáng sợ. Ngài giải thích rõ ràng, dẫn chứng cụ thể, so sánh thú vị. Con chim bé nhỏ có đáng chi mà Ngài còn lo cho nó sống thoải mái thì lẽ nào Ngài lại làm ngơ chúng ta, những người được tạo dựng giống hình ảnh Ngài (x. St 1:26-27) chứ? Sợi tóc mong manh còn được Ngài đếm rạch ròi trên đầu mỗi người kia mà! Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta tin tưởng và phó thác, bởi vì Thiên Chúa là Đấng quan phòng và tiền định mọi sự.
Cái “đừng” thứ ba: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Gọi là cái “đừng” thứ ba nhưng không thấy chữ “đừng”. Theo ý thì chúng ta thấy Chúa Giêsu bảo “đừng” chối Ngài. Ai không sợ thì mới không chối Ngài – tức là tuyên xưng Ngài, còn ai sợ thì chối ngay. Không hẳn là nói thẳng rằng “tôi không tin”, nhưng qua động thái có thể chứng tỏ sự chối bỏ Ngài.
Ai hèn nhát mà chối bỏ Thiên Chúa sẽ bị chết thêm lần thứ hai: “Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Kh 21:8). Đó là hồ lửa được mệnh danh là “cái chết thứ hai”, nơi dành cho Tử thần và những người không có tên trong Sổ Trường Sinh (x. Kh 20:14-15).
Nỗi lòng của tín nhân luôn được Thiên Chúa lắng nghe và thấu hiểu, còn nỗi lòng của kẻ bất tín thì bị lãng quên mãi mãi!
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài thấu suốt nỗi lòng của con, dẫu con ngồi hay đứng, con cười hay khóc. Xin thương cứu con thoát khỏi mọi mưu ma chước quỷ, dù đêm hay ngày. Xin hướng lòng con lên tới Ngài, mọi nơi và mọi lúc. Ngài tri thức siêu phàm, con không thể hiểu nổi, nhưng xin Ngài giúp con biết đón nhận mọi thứ theo Thánh Ý Ngài. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
ĐỪNG SỢ !
Ts Trần Quang Huy Khanh
Chúa nhật 12 thường niên, năm A
Đức Gioan Phaolô II đã mở đầu triều đại Giáo Hoàng của Ngài bằng việc nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ: “Đừng sợ” (Mt 10:28). Nhưng ai dám bảo là ngài không sợ! Làm người, dù là giáo hoàng cũng vẫn sợ. Mà không phải là giáo hoàng, ngay cả các Tông Đồ, những người sống cùng thời với Chúa. Ăn uống, ngủ nghỉ, và sinh hoạt chung với Ngài, chứng kiến bao phép lạ Ngài làm, thấy rõ quyền năng Ngài trong lời nói và hành động, thế mà cũng sợ. Vì nếu các ông không sợ, con người ta không sợ, tại sao Chúa lại phải trấn an. Tại sao Chúa lại phải giải thích và cắt nghĩa. Và tại sao Chúa Giêsu lại phải trách cứ các ông: “Đức tin để đâu”.
Trước hiện tượng khủng bố. Trước nguy cơ của chiến tranh diệt chủng và chiến tranh nguyên tử. Trước căn bệnh không thuốc chữa của thời đại là bệnh AIDS. Hoặc trước những băng hoại của xã hội đang bị ảnh hưởng trầm trọng do những quan niệm và lối sống buông thả, phi nhân bản, và phi đạo đức. Coi thường những hậu quả này, và không mảy may sợ hãi hoặc quan tâm đến chúng không được coi là thái độ vô tư hoặc phó thác, mà là quan niệm và lối sống của những người người liều mạng, những người có đầu óc bệnh hoạn.
Nhưng nếu cái gì cũng sợ. Sợ bệnh tật lâu ngày không ai săn sóc. Sợ thất nghiệp và mất hết gia tài. Sợ tương lai đen tối. Sợ bị kẻ xấu hãm hại. Sợ tai nạn dọc đường. Sợ tai bay, vạ gió. Những sợ hãi hão huyền ấy cũng là những thứ đến từ tâm lý bệnh hoạn. Không những thế, chúng còn ảnh hưởng đến niềm tin của con người nơi Thiên Chúa.
Vậy khi Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ và cũng là nói với tôi “đừng sợ”, là Ngài đã biết các ông cũng như chính tôi có sợ, và đôi khi những sợ hãi ấy có lúc đã làm cho các ông và tôi hoài nghi và không dám tin vào Ngài, hoang mang và bất định. Ngược lại, Ngài muốn cho các ông và tôi ra khỏi tâm lý hoang mang, sợ hãi. Ra khỏi tâm lý bệnh tật là những gì có thể làm cho một người không còn tự tin để sống một cuộc sống lành mạnh. Không còn niềm tin để có thể đến với Ngài, và sống hạnh phúc với ơn gọi làm con Ngài.
Sống ở vào thời đại mà sự dữ và sự lành, dối trá và thành thật, gian ác và hiền lành đạo đức đã trở nên lẫn lộn, rất khó phân biệt như cỏ lùng mọc chung với lúa miến. Một thời đại mà “con người đã đánh mất ý thức tội lỗi”, thì sợ hãi càng là lý do làm cho con người trở nên tuyệt vọng. Và những lúc như vậy, con người đã mở rộng lòng mình không phải là cho Chúa, mà là cho sự dữ, cho quyền lực của Satan chế ngự. Như Đức Gioan Phaolô II đã nhận xét về sinh hoạt tâm linh con người ngày nay là đang phải hít thở một bầu khí của “nền văn hóa sự chết”.
Như vậy, Đức Gioan Phaolô II, khi nhắc lại lời Chúa Giêsu “đừng sợ”, Ngài không nói đến sự sợ hãi tự nhiên, và ngài cũng không phủ nhận con người có sợ hãi, nhưng là đề cập đến một hình thức sợ hãi tâm linh. Một sự sợ hãi mà ngài đã cảm nhận được từ nguy cơ chia rẽ bên trong và bên ngoài Giáo Hội. Từ những trào lưu tục hóa và băng hoại thế giới. Những trào lưu tư tưởng, xã hội và chính trị đang làm đảo lộn thế giới. Và để khống chế sự sợ hãi này, nhân loại chỉ có một con đường duy nhất là “mở rộng cửa cho Chúa Giêsu”. Đấng đến không phải để cướp đi những gì chúng ta đang có, nhưng là ban cho dư thừa, và làm cho nó thêm phong phú như lời Đức Bênêđíctô XVI đã quảng diễn trong bài giảng khai mạc mục vụ mục tử thế giới của Ngài, theo sau Đức Gioan Phaolô II.
Thánh Mátthêu vừa sau khi nói về lòng nhân lành của Chúa Giêsu, tình thương Ngài dành cho những tội nhân, cho bọn thuê thế, ngoại tình, nghèo khổ, và bần cùng trong xã hội. Và sau khi Ngài đã để lộ lòng xót thương họ vì bơ vơ, vất vưởng đã ghi lại lời Ngài trấn an các Tông Đồ cũng là lời trấn an tôi sau này “đừng sợ”.
Những người tin theo Chúa vẫn có thể sống nghèo khổ, và bị ruồng bỏ. Đọc kinh, dự thánh lễ nhiều vẫn không châm chước cho tôi khỏi bệnh tật, và đau yếu. Tham gia sinh hoạt tông đồ cũng không phải là lý do để tôi có thể giầu có, và được người đời biết đến. Siêng năng xưng tội, rước lễ cũng không giữ tôi khỏi buồn sầu và nghĩ ngợi. Bởi vì tôi vẫn là tôi. Tôi chỉ là một con người. Như Thánh Phaolô “tôi phải làm trọn những gì còn thiếu sót nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong tôi”. Và đó là những gì thuộc về thân phận của một con người.
Xã hội có những biến đổi. Trộm cướp, bạo loạn, khủng bố, chiến tranh và chém giết. Nhưng xã hội và văn minh nhân loại vẫn là những hoa trái tốt đẹp của nhiều bàn tay và khối óc, và là nơi con người có thể chung sống hòa bình, hạnh phúc.
Cuộc sống tuy có vất vả, lầm than, đau khổ và nước mắt, nhưng được sinh làm người, được nuôi dưỡng bởi tình thương cha mẹ và mọi người vẫn là một ân huệ lớn lao của một con người.
Tóm lại, được sinh ra làm người, được nhận biết Chúa, được bao bọc bởi tình thương, được hưởng kho tàng vô giá của thiên nhiên, và được sống trong xã hội của văn minh con người vẫn là một điều mà con người phải lấy làm hạnh phúc, và phải cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa.
“Đừng sợ những kẻ có thể giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28). Cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng hôm nay là ở chỗ không sợ những cái đến từ ngoại cảnh bên ngoài, ngay cả ác tâm con người đối với nhau, nhưng chỉ nên sợ Đấng có thể bỏ cả hồn lẫn xác ta vào hỏa ngục. Nhưng làm sao tôi có thể sợ được Đấng ấy, khi mà tình thương và quan phòng Ngài không những để ý đến tôi, mà còn cả đến những chi tiết nhỏ về cuộc đời tôi đến nỗi chính tôi cũng không tự mình làm nổi cho mình. Ngài nói: “Hai con sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10:29-30). Và Ngài đã bảo tôi: “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10:31). Như vậy, tôi không còn phải sợ, mà chỉ còn yêu mến và biết ơn.
BIẾT SỢ
Tgm Ngô Quang Kiệt
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN – A
Lời Chúa: Gr. 20, 10-13; Rm. 5, 12-15; Mt. 10, 26-33
Biết sợ
- TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 10, 26-33
- TẤM BÁNH CHIA SẺ
Có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.
Trước hết, Người dạy ta biết phân định giá trị. Sự sống là quí giá ta phải trân trọng. Mất sự sống là mất tất cả. Tuy nhiên sự sống có nhiều cấp độ. Có sự sống thân xác nhưng cũng có sự sống linh hồn. Có sự sống đời này nhưng không có sự sống đời sau. Sự sống đời này là chóng qua. Sự sống đời sau vĩnh cửu. Sự sống thân xác mau tàn. Sự sống linh hồn bất diệt. Ta phải yêu quí cả hai sự sống. Nhưng khi không thể giữ gìn vẹn toàn cả hai thì phải biết chọn sự sống cao quí, vĩnh cửu, đó là linh hồn, là sự sống đời sau.
Người cũng dạy ta phân định thời cơ. Thời cơ chỉ đến một lần. Lỡ thời sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Lỡ thời có thể hỏng cả cuộc đời. Có thời cơ để rao giảng Lời Chúa. Hiện nay, Lời Chúabị che giấu, chỉ thì thầm bên tai, còn nhiều người chưa biết. Ta được cơ hội đóng góp phần mình vào việc rao truyền Lời Chúa. Nhưng sẽ đến ngày mọi sự kín đáo sẽ tỏ lộ. Lời Chúa sẽ được mọi người nhận biết. Bấy giờ cơ hội sẽ hết. Có thời cơ tuyên xưng danh Chúa. Khi còn ở trần gian, giữa những người chưa biết Chúa, giữa những thế lực thù địch, trong cơn gian nan, chính là cơ hội cho ta tuyên xưng danh Chúa. Khi cuộc đời trần gian chấm dứt, cơ hội đó sẽ không còn.
Và sau cùng là phân định nguyên lý. Thiên Chúa là chủ mọi loài. Thiên Chúa nắm quyền sinh tử. Thiên Chúa an bài mọi sự. Con người chỉ là quản lý của Chúa trong một thời gian, trong một vài lĩnh vực. Khi thời gian chấm dứt, chính Thiên Chúa xét xử và thưởng công, trừng phạt.
Khi đã có những phân định rõ ràng ta sẽ biết sợ và biết không sợ.
Biết sợ Chúa là Chủ tể mọi loài, mọi sự. Không những làm chủ thân xác mà còn làm chủ cả linh hồn. Không những làm chủ đời này mà còn làm chủ cả cuộc đời sau.
Biết sợ mất linh hồn. Linh hồn là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng cho con người. Sự sống của linh hồn là sự sống Thiên Chúa ban, hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Mất linh hồn là mất tất cả. Như Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn thì nào được ích gì?”.
Biết sợ lỡ thời cơ. Hãy biết làm việc khi còn ban ngày, khi trời còn sáng, khi ta còn sống. Thời cơ chỉ đến một lần, nếu ta không tận dụng sẽ lỡ cả một đời. Như những cô trinh nữ khờ dại chỉ còn đứng ngoài cửa Thiên đàng mà than khóc. Như người đầy tớ lười biếng chôn giấu nén bạc phải khóc lóc nghiến răng.
Khi đã biết sợ như thế, ta sẽ không sợ người đời, vì người đời chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ta sẽ không sợ mất mạng sống, vì sự sống thân xác nay còn mai mất, chẳng tồn tại lâu dài. Ta sẽ không sợ hình khổ hạ thân xác, vì khổ hình rồi cũng sẽ qua.
Nói không sợ cũng không đúng hẳn. Đau đớn khổ cực ai mà không sợ. Nhưng như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1) Bạn đã từng bị những nỗi sợ nào đè nặng. Những nỗi sợ đó có chính đáng không?
2) Sống đạo là chấp nhận thiệt thòi. Bạn có dám chấp nhận thiệt thòi vì Chúa không?
3) Muốn trung thành với Chúa, bạn làm cách nào để tránh được những nỗi sợ do người đời đem đến?
ĐỪNG SỢ… NGAY CẢ CÁI CHẾT
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 10,23-33
Tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu óc, ngày đăng quang của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Ngài đã lơn tiếng nói với toàn thế giới:” Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô “.Lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gợi lại tiếng nói đanh thép của Đức Kitô trong Tân Ước: ” Vậy anh em đừng sợ người ta…Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” ( Mt 10, 26 và 28 ).
Sợ hãi là điều làm con người nhụt chí không dám làm gì cả. Sợ hãi có thể làm tê liệt cuộc sống, hành động, suy nghĩ của con người. Đặc biệt sự sợ hãy đến từ những lời hăm dọa của kẻ khác như hăm dọa giết chết, hăm dọa bêu xấu, hăm dọa đánh bất ngờ vv…Người ta sợ ma, trẻ con sợ ông Ba Bị, sợ ông Kẹ…Tất cả những sự sợ hãi ấy đều có thể làm cho người lớn, cũng như trẻ em quên cả Thiên Chúa là Đấng đang cầm quyền sinh tử của con người.
SỢ HÃI CỦA CON NGƯỜI:
Sống trên thế gian, con người gặp đủ mọi chuyện nào thiên tai, chiến tranh, đói kém, giặc giã. Đọc báo, xem truyền hình chúng ta không khỏi sợ hãi trước những cơn sóng thần giết chết hằng vài trăm ngàn người, những trận động đất vùi dập biết bao nhiêu người và sản nghiệp của họ. Chiến tranh, giặc giã, khủng bố vẫn còn lan tràn ở nhiều nước. Sự hăm dọa cướp tài sản, bắt bớ người khác làm con tin, dọa tù đầy làm biết bao người sợ hãi. Đây là một loạt những sự sợ hãi mà Chúa Giêsu đã gián tiếp nói trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 10, 23-33 hôm nay. Chúa Giêsu nói:” Hãy coi chừng người đời…”( Mt 10, 17) Chúa Giêsu muốn con người nhớ tới vị ngôn sứ Giêrêmia. Vị ngôn sứ cao cả của Thiên Chúa đã không hề sợ gì trước những lời hăm dọa của kẻ thù. Ngài hiên ngang nói lời Thiên Chúa và anh dũng phát ngôn nhân danh Thiên Chúa. Dù bị dọa nạt giết chết, Giêrêmia đã không hề sợ hãi, Ngài đã tố cáo tội lỗi của dân tộc ông: tội chống lại, phản bội Thiên Chúa, giết chết lẫn nhau, tội dựa vào sức mạnh con người mà không dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Chính Giêrêmia đã bị dân bắt đầy qua Ai Cập, nhưng Ngài vẫn không hề sợ sệt, không hề nao núng, Ngài luôn tin vào sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa. Giêrêmia đã một mực trung thành với Thiên Chúa, Đấng ông tuyệt đối tin tưởng. Nhiều vị ngôn sứ khác cũng một lòng sắt son và trung tín như Giêrêmia. Họ đã luôn trung thành với sứ mạng làm phát ngôn viên cho Thiên Chúa. Trải qua cuộc hành trình đức tin, nhiều Kitô hữu đã hiên ngang tuyên xưng niềm tin, trung tin với lời Chúa và sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh.
CHÚA NÓI ĐỪNG SỢ:
Lời Chúa luôn vang lên giữa mọi người, giữa thế giới có nhiều hận thù, tranh chấp, khó khăn. Các môn đệ theo chân Chúa trong suốt hành trình truyền giáo và hành trình đức tin đã làm gương cho nhân loại về lời của Chúa:” Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn”( Mt 10, 28 ). Các môn đệ, các tông đồ của Chúa Giêsu khi Chúa còn sống vẫn mập mờ về lời Chúa nói, họ vẫn tranh dành quyền hành, vẫn sợ kẻ thù, ngày Chúa chết, họ chạy tán loạn như gà con mất mẹ, họ đóng cửa kín vì sợ người Do Thái bắt và giết họ, nhưng khi Chúa Thánh Thần xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần đã biến đổi họ tất cả. Họ đã hiên ngang đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng, làm chứng cho Chúa phục sinh. Họ đã nhớ lời Chúa dậy:” …Anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”(Mt 10, 28 ). Các môn đệ và các tông đồ đã minh chứng cho nhân loại thấy sự can đảm, trung tín và không sợ chết của các Ngài cho lời của Chúa được tồn tại. Gần chúng ta trong những thập kỷ vừa qua ngay tại đất nước Việt Nam bao nhiêu vị anh hùng tử đạo đã kiên cường, hiến dâng mạng sống, hiến dâng cuộc đời mình để làm chứng cho Chúa tình yêu. Một Đức Tổng Giám Mục ở El Salvador, Đức Cha Oscar Romero đã ngã gục trước mũi súng của kẻ sát nhân vì Ngài bênh vực người nghèo, bênh vực cho sự công bình xã hội. Một Maximilien Maria Kolbe, một linh mục Balan đã chết thay cho một người tù có vợ và nhiều con. Một Maria Goretti đã hiên ngang chết để bảo vệ đức trinh khiết của mình để làm vinh quang Chúa. Một Mahatma Gandhi dù không phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo lời Chúa dậy hôm nay, sống kiên cường, không sơ bạo lực miễn giải phóng được dân tộc ông khỏi bàn tay của ngoại xâm. Mahatma Gandhi đã chết dưới nhát gươm của một kẻ quá khích ngày 30/01/1948. Lời của Chúa vẫn luôn hướng dẫn cho biết bao nhiêu người trên thế giới này can đảm, quảng đại và vững tin sống trọn con đường tình yêu của Chúa, để làm chứng cho Chúa: ” là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống “.
ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU:
Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay và đặc biệt bài Tin Mừng mời gọi mỗi người Kitô hữu nhìn vào thực tế cuộc sống và phù hợp, can đảm, trung thành với ơn gọi của người môn đệ Chúa. Sống ở trần gian, mỗi người chúng ta phải đương đầu với cuộc sống, vất vả kiếm ăn, kiếm của mặc. Chúng ta phải đương đầu với trăm ngàn nghịch cảnh, với những thử thách, với những vất vả gian lao trong đời sống giữ đạo và thực hành đạo. Chúng ta được mời gọi sống theo lời của Chúa để có đủ can đảm, có đủ lòng tin để vượt thắng tất cả những điều không phù hợp với giáo lý, với đức tin, với lẽ đạo. Chúng ta những người có lòng tin phải sống thế nào để của cải vật chất quí thật nhưng không cản ngăn chúng ta tìm kiếm Nước Trời. Người môn đệ Chúa không thể hơn Thầy mình. Chúng ta luôn nhớ rằng kết hiệp với Chúa: ” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “, chúng ta sẽ vượt thắng được mọi thử thách, khó khăn và không hề sợ hãi để mở lòng ra đón Đức Kitô.
Lạy Chúa xin củng cố lòng tin cho chúng con để chúng con luôn can đảm vượt thắng mọi sự mà hăng say làm chứng nhân cho Chúa. Amen.
[/fruitful_tabs]