Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the gd-system-plugin domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114

Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the google-document-embedder domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /var/www/wp-includes/functions.php on line 6114
Chúa nhật 19 thường niên, năm A – TỈNH DÒNG ĐỒNG CÔNG HOA KỲ

  • Sự hiện diện của Chúa Giêsu-Sao Mai
  • “Có thầy đây, đừng sợ”-Ns/Đmhcg
  • an tâm vì luôn có Chúa-Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
  • Tín thác vào quyền năng Thiên Chúa-Lm Đan Vinh
  • Liên Kết-Lm Vũđình Tường
  • Điểm Tựa Giê-su-Lm Tạ Duy Tuyền
  • Yếu bóng vía hay yếu đức tin?-JM Lam Thy ĐVD
  • Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ-P.Trần Đình Phan Tiến
  •  “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt. 14, 27)-Pio X Lê Hồng Bảo

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA GIÊSU- NGUỒN BÌNH AN (Mt 14:22 – 33)

Sao Mai

Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm A -13-8-2017

Hình ảnh Chúa Giêsu đi trên mặt nước cho chúng ta thấy tình thương của Chúa dành cho các môn đệ thật cao sâu. Dù đêm tối, dù giông bão, cũng không cản bước để Ngài tiến đến với các môn đệ. Ngài đã đến thật đúng lúc, thật kịp thời. Ngài đến để phá tan giông bão. Ngài đến trả lại sự bình yên cho biển cả và cho cả các tông đồ đang hú hồn bạt vía!

Đoạn Tin Mừng này cũng mời gọi chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu hiện giờ chúng ta không cảm nhận được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã lìa xa Chúa. Nếu như lúc này chúng ta đang chao đảo và như muốn chìm xuống đáy nước, thì chắc hẳn đó là vì chúng ta đã không còn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Hãy quay trở về cùng Chúa và hãy kêu lên như thánh Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, bởi vì Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, mà hơn thế nữa, Ngài còn là một người cha đầy lòng thương xót, luôn sẵn sàng cứu vớt và nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Có Chúa cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước những phong ba và bão táp, chúng ta sẽ không còn lo lắng trước những gian nan và thử thách như lời Thánh Vịnh đã viết:

Ví như CHÚA chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công.

Thành kia mà CHÚA không phòng giữ,

uổng công người trấn thủ canh đêm. (Tv.127:1)

Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh Thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ.

Nhiều người Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần ma quỉ, mê tín dị đoan. Hãy tin tưởng rằng: quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta. Nếu biết lắng nghe, trong giông bão cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa hứa thì sự hiện diện của Chúa sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).

Xưa có một ông vua tổ chức một cuộc thi tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải.

Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Đó là một bức tranh mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào thét, chim mẹ ngồi yên bình trong tổ.

Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai và giải thích: “Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự”

Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bão của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách.

Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta biết đến với Người qua việc lắng nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.

Lạy Chúa, đứng trước phong ba bão táp của thần dữ, chúng con cảm thấy lao đao vất vả, xin Chúa luôn giúp sức và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, để chúng con vững tâm tiến bước trong niềm tin tưởng.

Sao Mai

“CÓ THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ”

-Ns/Đmhcg

Chúa nhật 19 thường niên, năm A

Sau khi dân chúng ăn no nên bởi phép lạ hóa bánh ra nhiều trong đoạn Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước (14:13-21). “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia trước, trong lúc người giải tán dân chúng’. Đức Giêsu thúc giục, thậm chịà ép buộc, các môn đệ xuống thuyền. Người muốn các ông mau chóng rời xa khung cảnh choáng ngợp trong huy hoàng của một phép lạ lớn lao, và rời xa đám đông đang phấn khích vì phép lạ đó.

“Giải tán xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện.  Tối đến, người vẫn ở đó một mình”. Việc người vội vã bắt buộc các môn đệ rời xa đám đông sau phép lạ hóa bánh ra nhiều để được họ tôn vinh, và liền sau đó là Chúa đi vào cầu nguyện. Con đường của Đấng Cứu Thế đã đi không phải theo cách của người đời, nhưng đó là con đường vâng phục thánh ý Thiên Chúa, con đường hủy mình và từ khước vinh quang.  Hay có thể nói, việc Chúa Giêsu xa rời việc tôn vinh của dân chúng, không bị sa vào chước cám dỗ về một Đấng Mesia quyền năng, hiển hách, là con đường khiêm nhường và khổ nạn và đón đợi thánh ý Chúa đến trong đời.

Nhiều lần trong Tin Mừng Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ hãy rời xa lý tưởng về một vương quốc Mêsia theo kiểu thế gian. Trong Tin Mừng hôm nay, Người bắt các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước, tránh xa cám dỗ tận dụng phép lạ hóa bánh ra nhiều đở mơ tưởng về một cách mạng Mêsia vinh quang trần thế. Ngày nay, Người vẫn thường phải yêu cầu các môn đệ của Người cũng phải bỏ lại phía sau nhữnghoà nhoáng, xuống thuyền ngay và sang bờ bên kia.  Như thế người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không được để mình ở lại trong mong ước về một Hội Thánh hung tráng, buộc mọi người phải cúi đầu quy phục, hay một Hội Thánh với hàng loạt lễ hội rình rang, cờ xí ngợp trời mà không có chất men của niềm vui Tin Mừng. Mong ước của Chúa Giêsu là một Giáo hội biết bỏ đi quyền thế mà thế gian đang kiếm tìm, và Giáo Hội ấy cũng lánh riêng ra để sống thân tình hơn với Chúa Giêsu trong nguyện cầu.

Khi Đức Giêsu đang cầu nguyện một mình trên núi, thì chiếc thuyền của các môn đệ “đã ra xa bờ cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió” và con thuyền ấy đang lênh đênh giữa biển mà không có Chúa Giêsu. Theo nghĩa của Thánh kinh “biển” là nơi trú ngụ của Thần Dữ.  Lúc này con thuyền đã xa bờ và đang bị thế lực ma quỷ, sự dữ tấn công. Các môn đệ của Chúa đang ở trong tình trạng bị đe dọa bởi các mãnh lực của bóng tối và quyền lực tà thần.

“Vào khoảng canh tư, Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.  Việc Chúa Giêsu “đi trên mặt biển”, tức là Người có quyền năng trên các tà thần và mãnh lực của chúng. Nhưng các môn đệ lúc này không tin vào quyền năng đó. “Thấy Người đi trên mặt biển, các môn đệ hoảng hốt bảo nhau: ‘Ma đấy!’ và sợ hãi la lên”.

“Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Trước sự hãi của các môn đệ, Chúa Giêsu trấn an các ông “cứ yên tâm” và giới thiệu về Người : “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

Giáo hội của Chúa Kitô qua mọi thời luôn phải đối phó với thế lực ba thù luôn tấn công đó là: tinh thần thế tục, xác thịt và ma quỷ.  Giáo Hội là hình ảnh của một con thuyền lênh đênh trên biển. Luôn có sóng to gió lớn đánh vào thuyền và muốn nhấn chìm con thuyền ấy.  Điều này sẽ xảy đến khi Giáo Hội không có Chúa Kitô đồng hành, khi Giáo hội mơ vè một kiểu bách chiến bách thắng trước mặt thế gian.

Giáo hội vẫn như một chuyến hải hành lướt về phía trước trong đêm tối âm u.  Nhưng hãy vững tin vì biết rằng Đức Kitô đã “đạp trên biển” mà tiến về phía chiếc thuyền Giáo Hội của Người.  Người vẫn đang đạp trên thần dữ và đến với người môn đệ Chúa Kitô. “Hãy an tâm có Thầy đây đừng sợ!”, luôn là lời nhắc nhở cho chúng ta về sự bảo đảm có sự trợ giúp của quyền năng Thiên Chúa ở cùng.  Và Người đang đến với con thuyền Giáo Hội trong quyền năng tuyệt đối ấy.  Thế lực thần dữ và quỷ ma sekhoong làm gì nổi con thuyền của Giáo Hội.  Vấn đề là hãy trao phó tất cả cho Người, tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Người.  Như điều mà Phêrô đã chứng nghiệm trong Tin Mừng hôm nay, khi ông buông đời mình ra mà bám vào tay Chúa, ông sẽ được an toàn.  Ông đã không chìm vì ông đã tin vào Chúa. Amen.

AN TÂM VÌ LUÔN CÓ CHÚA

Lm Anton Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Chúa nhật XIX thường niên năm – A

(Mt 14, 22 – 33)

Chúa nhật vừa qua, chúng ta nghe thánh Matthêu thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 13-21), tiếp theo là biến cố Chúa biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9) và hôm nay chúng ta nghe tiếp Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (x. Mt 14, 22-33).

Êlia và Phêrô là hai nhân vật nổi bật của tuần này. Êlia chứng kiến ba sự kiện trên trái đất là gió bão, động đất và lửa, Thiên Chúa đều không hiện diện ở đó. Giữa sức mạnh của vũ trụ với tiếng gió hui hui, Êlia phải học phân định để nghe thấy lời trong thinh lặng, hay trong chính bản thân mình (x.1 V 19, 9a. 11-13a).

Trước khi đề cập đến Phêrô, chúng ta không thể không nói đến các môn đệ được Chúa Giêsu ” giục xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước ” (14, 22), còn dân chúng, những người Do thái được giải tán, theo một nghĩa nào đó, họ là ” những người ở bên này “. Việc các môn đệ phải “sang bờ bên kia“, nghĩa là các ông phải vượt qua những thực tại hữu hình, tạm thời của thân xác, bước sang sự vĩnh cửu vô hình. Dĩ nhiên, các ông không thể cập bờ bên kia trước Chúa Giêsu ; các ông phải trải qua kinh nghiệm không có Thầy, họ không thể tới bến bình an.

Có chuyện gì mà Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải xuống thuyền ? Phải chăng là để chống lại cơn cám dỗ và các tình huống khó khăn ? Chắc chắn có một cơn giống tố trong lòng các ông và ở biển hồ Galilêa. Vì chưa hiểu dấu chỉ phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên các ông đã theo dân chúng muốn tung hô Chúa làm vua ! Giờ đây họ cảm thấy thế gian sợ hãi và xao xuyến biết bao !

Người lên núi cầu nguyện một mình ” (Mt 14, 23). Người cầu nguyện cho ai ? Chắc chắn là cho dân chúng vừa giải tán, sau khi đã được ăn bánh no nê, họ không biết phải làm gì. Chúa Giêsu cũng cầu cho các môn đệ, ở giữa biển khơi đang bị kiệt sức bởi sóng đánh vì ngược gió khỏi mọi sự dữ. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha mà các môn đệ không bị chìm vì sóng to gió lớn.

Còn Phêrô, được Chúa Giêsu mời gọi bằng kinh nghiệm đức tin. Ông xin Thầy cho được đi trên mặt nước (x. Mt 14, 28). Chúa Giêsu đã ban cho ông quyền đi trên biển. Biển, tượng trưng cho mãnh lực của sự dữ và sự chết ; Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là đi trên sự chết, thể hiện sự chiến thắng của Người trên sự dữ và sự chết. Toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh là ở chỗ Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và biển cả. Theo quan niệm của người Do thái, biển là sào huyệt của sự chết. Đi trên biển là liều chết. Chính sự rủi ro này mà khi Phêrô đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu, “xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước“(Mt 14, 29), là ông giẫm chân trên sự chết. Nên không có lạ, khi ông nghi ngờ.

Chỉ khi Phêrô tin và phó thác vào Thầy, ông mới có thể đi trên mặt nước. Ông bị chìm xuống lúc ông nghi ngờ. Thấy gió mạnh, ông sợ, sự sợ hãi trước tai ương của thế gian này lại giúp cho ông tin vào quyền năng của Thầy. Chính lúc ông thôi tin vào Chúa, ông mất quyền đi trên biển, và chìm xuống. Khi đi được trên mặt nước chứng tỏ Phêrô tin, lúc chìm xuống cho thấy ông không tin. Thật là đức tin ngược đời, vì chính lúc ông không cậy dựa vào Chúa, ông bị chìm, ông lại kêu Chúa cứu.

Với lời kêu cứu của Phêrô : ” Lạy Thầy, xin cứu con! ” (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách : “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” (Mt 14, 31) Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trên biển : “Thầy đây, đừng sợ. Ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây“, cũng là lời Chúa nói với các ông sau khi Chúa phục sinh ” Tại sao các con run sợ, tại sao các con nghi ngờchính Thầy đây, hãy xem tay chân Thầy đây“. Hai khung cảnh khác nhau về thời gian nhưng đều có một điểm chung là run sợ, kém lòng tin và nghi ngờ, cả hai lần Chúa Giêsu đều khẳng định ” chính Thầy đây mà ” (x. Lc 24 ; Mt 14).

Ở cuối trình thuật, các môn đệ được mô tả là những người tin khi sấp mình xuống thờ lạy Chúa. Còn Phêrô, mỏng giòn, yếu đuối, Chúa Giêsu lại trao Giáo hội cho ông. Chúa Giêsu sẽ đồng hành cùng Giáo hội. Như Phêrô, người yếu tin, chúng ta cần có bàn tay của Chúa kéo chúng ta lên, bước vào con thuyền Giáo hội để sang bờ bên kia.

Phần chúng ta, nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền ; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con giao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ : “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ! ” ( Mt 14, 27) Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

TÍN THÁC VÀO QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

Lm Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN A

1 V 19,9a.11-13a ; Rm 9,1-5 ; Mt 14, 22-33

TÍN THÁC VÀO QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

  1. HỌC LỜI CHÚA
  2. TIN MỪNG: Mt 14, 22-33

(22) Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình. (24) Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. (25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên. (27) Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. (28) Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. (29) Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. (30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !”. (31) Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”. (32) Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”.

  1. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU KHỐNG CHẾ BIỂN CẢ ĐỂ BÀY TỎ THIÊN TÍNH:

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14,13-21), Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và thuyền các môn đệ thì đã ra khơi và gặp khó khăn vì ngược gió. Khoảng 3 giờ sáng, Người đã đi trên mặt biển mà đến với thuyền các ông. Người đã trấn an khi các môn đệ sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Người cũng cho phép Phê-rô được đi trên mặt nước và lập tức cứu ông khỏi bị chìm và đưa ông lên thuyền bình an khi ông biết cậy trông kêu cầu Người. Chứng kiến phép lạ này, các môn đệ đã tin người là Con Thiên Chúa.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 22-24: + Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền: Sau phép lạ hóa bánh, dân chúng phấn khởi đoi tôn Đức Giê-su lên làm Vua Thiên Sai trần thế và các môn đệ cũng phấn khích không kém. Đức Giê-su đã giục các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia để tránh cho các ông ảo tưởng về sứ mệnh của Người (x. Ga 6,14-15). + Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện: Đức Giê-su thường dành thời gian yên tĩnh ban đêm để cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 6,12), nhất là trước khi phải giải quyết những việc trọng đại (x. Mt 26,36; Lc 9,27). + Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình: Ở một mình là không có người khác bên cạnh, trừ một mình Chúa Cha hằng ở với người (x. Ga 8,29). + Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm: Bờ hồ đây là Biển hồ Giê-nê-sa-rét hay cũng gọi là Ti-bê-ri-a hoặc Ga-li-lê (x. Ga 6,1). Biển Hồ này có hình bầu dục dài 21 km, rộng 12 km, mực nước thấp hơn Địa Trung hải 208 mét. Vì quá lớn, nên Biển Hồ thường có sóng to gió lớn (x. Mt 8,23). + bị sóng đánh vì ngược gió: Bấy giờ thuyền các môn đệ đã ra giữa biển và đang bị sóng đánh chập chờn không tiến xa được vì ngược gió. Con thuyền tượng trưng cho Hội thánh ở trần gian phải đương đầu với nhiều trở lực.

– C 25-27: + Khoảng canh tư: Vào thời Đức Giê-su, dân Do Thái cũng theo người Rô-ma, chia ngày thành 12 giờ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, và chia đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo dài 3 giờ. Canh tư tức là vào khoảng từ 3 đến 6 giờ sáng. + Người đi trên mặt biển: Cựu Ước nhiều lần nói tới Thiên Chúa đi trên biển (x. G 9,8; Tv 77,20). Người đã từng tỏ uy quyền trên sự hỗn mang khi tạo dựng trời đất, và khống chế Biển Đỏ để giải thoát dân Người. Ở đây Đức Giê-su muốn ám chỉ Thiên Chúa có quyền trên sức mạnh của biển khơi. + Các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên: Các môn đệ thấy bóng Đức Giê-su đi trên mặt nước đến gần thuyền thì sợ hãi la lên vì tưởng mình thấy ma. + “Cứ yên tâm, đừng sợ !”: Đức Giê-su đã trấn an các ông. + Chính Thầy đây: Trong Cựu Ước Thiên Chúa hay tự xưng với các tổ phụ Do Thái: “Chính là Ta”, “Ta là Gia-vê”, “Ta là Đấng Hiện Hữu” (x. St 46,3 ; Xh 3,14). Ở đây, khi xưng mình: “Chính Thầy đây”, Đức Giê-su ngầm mạc khải Người là Thiên Chúa.

– C 28-31: + “Nếu quả là Ngài”: Phê-rô vẫn còn nghi ngờ không biết có phải Thầy hay không. + “Thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Câu này cho thấy Phê-rô là một người tính khí bốc đồng thiếu chín chắn vì “Mau nói mau lỗi!”. + “Cứ đến !”: Phê-rô được chia sẻ quyền năng siêu nhiên là đi trên mặt nước giống như Thầy. Tuy nhiên ông làm được là nhờ đặt trọn niềm tin và Đức Giê-su. + Thấy có gió thổi thì ông đâm sợ: Đức Giê-su có lần đã ban quyền chiến thắng sự dữ cho Phê-rô (x. Mt 16,18b), nhưng ông có nhận được quyền năng ấy hay không tuỳ vào lòng tin mạnh hay yếu. Bao lâu Phê-rô tập trung vào Đức Giê-su, thì ông còn khống chế được sức mạnh của biển cả. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi, thì ông sợ hãi và bị chìm xuống. + “Thưa Ngài, xin cứu con với”: Câu này tương tự như lời các Tông đồ cầu cứu khi thuyền các ông sắp bị gió bão nhấn chìm (x. Mt 8,25). Trong Thánh Vịnh cũng có nhiều lời cầu nguyện của dân Do thái xin Chúa giúp họ vượt qua sức mạnh của nước biển đe dọa (Tv 69,15-16; 144,7). + Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông: Trước lời cầu xin thiết tha của Phê-rô, Đức Giê-su đã mau mắn đáp lại bằng việc đưa tay nắm lấy ông. + “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”: Lời Người vừa trách yêu đức tin yếu kém của ông, lại vừa khích lệ ông hãy kiên vững đức tin vào Người.

– C 32-33: + Gió lặng ngay: Sự hiện diện của Đức Giê-su đủ đánh tan cơn sóng gió và đem lại bình yên cho con thuyền của các môn đệ. + Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !: Lời tuyên xưng này mới chỉ nhìn nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, đồng nghĩa với Đấng Cứu thế. Tuy nhiên, Tin Mừng Mát-thêu lại muốn mượn lời tuyên xưng này để trình bày đức tin của Hội thánh thời sơ khai: “Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha !”.

  1. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia ngay ? 2) Đức Giê-su lên núi làm gì ? 3) Bạn biết gì về Biển hồ được đề cập trong Tin Mừng hôm nay ? 4) Tại sao con thuyền các môn đệ bị chập chờn không tiến xa được ? 5) Canh tư tức là mấy giờ sáng ? 6) Ý nghĩa của việc Đức Giê-su đi trên mặt biển là gì ? 7) Thái độ của các Tông đồ ra sao khi thấy có bóng người đi trên mặt biển đến gần và Đức Giê-su đã làm gì để trấn an các ông ? 8) Qua câu nói: “Chính Thầy đây”, Đức Giê-su đã ngầm mạc khải Người là ai ? 9) Khi xin được đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy, Phê-rô đã biểu lộ tính khí thế nào ? 10) Tại sao Phê-rô đang đi trên mặt biển lại bị chìm đắm và ông làm gì để được Chúa cứu giúp ?

  1. SỐNG LỜI CHÚA
  2. LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. Phê-rô thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14,30).
  3. CÂU CHUYỆN:

1) CHÚA CHỈ BÁN HẠT GIỐNG CỦA NHỮNG ƯỚC MƠ MÀ THÔI:

Cha Antony de Mello kể lại giấc mơ  của Paquita như sau : Nàng rảo quanh các quầy hàng của một trong những cửa tiệm lớn nhất hành tinh. Bỗng nhiên nàng nhận ra  Thiên Chúa sau một quầy hàng :

– Lạy Chúa, Ngài bán gì vậy ?

– Tất cả những gì mà lòng con mong ước.

– Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, tình yêu, sự khôn ngoan, những liều thuốc chữa trị mọi thứ sợ hãi.

– Tốt lắm, nhưng ở đây không bán trái mà chỉ bán hạt giống thôi.

(André Sève, Sương mai)

2) HÃY TÍN THÁC VÀO QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA:

Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tĩnh trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

3) GIÁ TRỊ CỦA ƠN CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI NGƯỜI TÍN HỮU:

Hôm ấy, tại công trường thành phố lớn kia, dân chúng tụ họp đông đảo để xem cuộc đấu giá một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ, mặt đàn bị méo mó và trầy trụa. Người bán đấu giá thầm nghĩ là chẳng bõ công để tiêu phí nhiều thì giờ về cây đàn violon, tức là cây đàn vĩ cầm cũ kỹ này. Vừa giơ cây đàn vĩ cầm cũ lên ông vừa nói:

– Tôi phải ra giá cho người bạn thân yêu của tôi bao nhiêu đây?

Ông ta lớn tiếng hơn:

-Ai sẽ bắt đầu ra giá giùm tôi? Một đôla, một đôla thôi. Ai sẽ trả hai đôla nào? Hai đôla, ba đôla. Ai sẽ trả ba đôla? Ba đôla lần thứ nhất, ba đôla lần thứ hai… Tiếp tục vẫn chỉ được ba đô mà thôi.

Kế đó, từ cái phòng ở phía sau, một người đàn ông có bộ tóc bạc tiến tới và cầm cây đàn vĩ cầm lên tay. Sau khi phủi bụi bám đầy trên cây đàn và so lại những sợi dây đàn, ông chơi một giai điệu thanh trong và ngọt ngào. Tiếng đàn ngưng lại và người bán đấu giá lên tiếng với giọng nói nhẹ nhàng, trầm trầm:

– Tôi sẽ ra giá cho cây đàn cũ kia bao nhiêu đây?

Vừa nói ông vừa giơ cây đàn vĩ cầm lên cao:

Một ngàn đô, một ngàn đô. Ai sẽ trả hai? Hai ngàn đô. Ai sẽ trả ba? Ba ngàn đô lần thứ nhất, ba ngàn đô lần thứ hai.

Rồi nhất quyết ông nói:

– Thôi !

Đám đông hò reo, nhưng cũng giữa đám đông có mấy người la lên,

– Chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Cái gì đã thay đổi giá trị cây đàn vĩ cầm cũ kỹ kia?

Người bán đấu giá đáp:

– Đó là ngón đàn của người bậc thầy.

Thật vậy, họ đã không nhận ra rằng trong đám đông cuộc bán đấu giá ấy có một ông già là tay chơi đàn vĩ cầm rất lão luyện. Cây đàn vĩ cầm vẫn là cây đàn cũ kỹ không thay đổi, nhưng chính năng khiếu của đôi tay người nhạc công bậc thầy đã làm phát sinh những âm thanh tuyệt vời và làm cho cây đàn có giá trị hơn trước cả ngàn lần.

Mỗi người chúng ta có thể ví như cây đàn vĩ cầm trong câu chuyện trên. Chúng ta sẽ chẳng có giá trị bao nhiêu, nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Nhưng nếu chúng ta biết mở lòng ra để thưa chuyện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao vượt quá sức của chúng ta như lời Chúa Giê-su: “Vì không có Thầy, anh em không làm được gì”.

4) HÃY LUÔN NGƯỚC MẮT LÊN TRỜI CAO:

Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời.  Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.

Thấy thế, một thủy thủ già la to lên với cậu: “Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi ! Nhìn lên lại bầu trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.

Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phê-rô trong bài Tin mừng.  Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giông tố giống như Phê-rô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố.

5) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI CỦA LỜI CẦU NGUYỆN:

Câu chuyện sau đây chứng minh sức mạnh linh thiêng của lời cầu nguyện; Khi thánh Gioan Maria Vianey tới làng Ars nhỏ bé không mấy ai biết tới, một vài người mỉa mai nói với Ngài: “Ở đây không có việc gì làm cả.” Thánh nhân trả lời: “Như vậy là có mọi chuyện để làm rồi đó.” Và Ngài làm ngay. Vậy ngài đã làm gì?

Thức dậy từ 2 giờ sáng. Ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong ngôi thánh đường tối tăm nhiều giờ. Tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà Tạm. Với sự miệt mài cầu nguyện của thánh nhân, Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Ðồng Trinh dần dần lôi kéo các tâm hồn đền giáo xứ nghèo nàn này, và ngôi nhà thờ nhỏ bé đã trở nên chật chội không đủ chứa đám đông. Nơi tòa giải tội của Cha Sở thánh chen chúc những hàng dài hối nhân không dứt. Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội từ 10, 15 đến 18 giờ một ngày.

Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ từ lâu không dùng đến, một nhà Tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực, giờ đây, bộ mặt sinh hoạt của giáo xứ cũng như tâm hồn của các tín hữu đã hoàn toàn thay đổi.

Nguyên nhân nào đưa đến sự thay đổi xứ Ars, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm những biến đổi như thế: “Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1 Cor.1:28).

Ta phải hoàn toàn quy hướng về Ngài, qua sức mạnh của lời cầu nguyện, qua sức mạnh thần linh vô biên của phép Thánh Thể và chuỗi Mân Côi.

6) PHẢI KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN:

Ông Paden Powell kể : Có hai con ếch té nhào vào trong một lu sữa to lớn. Cả hai dẫy dụa và mệt lử. Một con nản lòng và chết đuối. Con kia cũng thất vọng, nhưng mà điều đó càng khiến nó vùng vẫy đến nỗi nó trèo được lên đỉnh một khối bơ, vì nhờ vậy mà nó thoát chết.

7) LỜI CẦU NGUYỆN ĐEM LẠI BÌNH AN CHO TÂM HỒN

KÉT MIU-LƠ ( Keith Miller) tác giả cuốn sách tựa đề “Hương rượu mới” (The taste of new Wine), đã thuật lại một biến cố xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời của ông như sau:

Vào một đêm nọ, trên đường về nhà, Két bị một chiếc xe từ sau tông làm anh té nằm bất tỉnh bên lề đường suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, chờ xe cứu thương đến mang đi. Khi tỉnh dậy và ý thức tình trạng của mình, anh bắt đầu cầu nguyện với Chúa. Sau khi cầu nguyện xong, tự nhiên anh cảm thấy tâm hồn mình được bình an lạ lùng. Két viết: “Tôi nghĩ thật đáng xấu hổ biết bao khi mà mãi đến bây giờ tôi mới khám phá ra giá trị của lời cầu nguyện. Từ khi ấy, dù đang phải đối diện với cái chết, nhưng tôi không cảm thấy sợ hãi chút nào. Tôi có cảm giác Chúa luôn hiện diện bên tôi và sẵn sàng ra tay cứu giúp tôi”. Sau đó, Két đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống và mau chóng bình phục. Anh trở lại đại học và được bầu làm chủ tịch lớp sinh viên năm thứ hai. Nhưng về sau, bị các hoạt động xã hội lôi cuốn, anh đã thôi không đến nhà thờ nữa và lại tiếp tục lún sâu vào các đam mê tội lỗi như trước.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh lập gia đình và làm việc cho một hãng xăng dầu ở tiểu bang Texas. Nhưng cuộc sống gia đình và công việc đã không suông sẻ như anh mong ước. Một hôm Két chơi bài và đã bị thua một số tiền lớn. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm bấy lâu giờ đây bị thua hết sạch! Anh bị vợ nặng lời mạt sát và đòi ra tòa ly hôn. Anh buồn chán đánh xe chạy vọt đi mà không biết phải đi về đâu. Sau khi chạy được một lúc, anh tấp xe vào bên lề đường, tắt máy rồi ngồi đó im lặng hút thuốc. Trước đây mỗi lần gặp phải điều gì buồn phiền, anh chỉ cần đi về nhà uống vài ly rượu mạnh rồi nằm vật ra giường ngủ một giấc đến sáng hôm sau là hết. Thế nhưng bây giờ sự thể lại không đơn giản như thế. Anh đã bị dồn đến bờ vực bị phá sản chỉ vì một phút lỡ lầm! Anh nhìn lên trời và la to lên rằng: “Nếu Chúa muốn gì nữa thì xin hãy lấy tất cả đi. Con thực sự muốn như vậy đó!” Ngay lúc ấy, đột nhiên anh cảm thấy tâm hồn được bình an, một cảm giác mà cách đây mười mấy năm anh đã từng trải qua khi bị thương nằm bất tỉnh bên đường. Ngay lúc đó, anh đã hạ quyết tâm phải thay đổi cuộc sống. Dù không có những tia sấm chớp trên trời, cũng chẳng có tiếng nói mầu nhiệm nào của Thiên Chúa, nhưng Két cũng nhận biết rõ điều Chúa muốn anh thực hiện. Người không cần tiền bạc, thời giờ hay sức lực của anh. Người chỉ cần anh dâng cho Người quyết tâm đổi mới ấy, thì Người sẽ lại ban sự bình an cho anh. Có thể nói: Két đã thực sự tái sinh một lần nữa để trở nên một người mới hoàn toàn thuộc về Chúa.

  1. SUY NIỆM:

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào mình. Khi chúng ta cảm thấy tâm hồn bất an, chính là lúc chúng ta đã bỏ không nhìn lên Chúa. Khi bị chìm sâu trong các đam mê tội lỗi, là lúc chúng ta hoài nghi tình thương của Chúa và bỏ làm việc đạo đức. Chúng ta hãy noi gương thánh Phê-rô cầu xin với Chúa Giê-su: ‘Lạy Ngài, xin cứu con với!”. Chắc chắn Chúa sẽ đưa tay ra nắm lấy chúng ta và ban bình an cho chúng ta.

1) “CỨ YÊN TÂM, CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”:

Khi để chúng ta gặp phải những tai ương, bệnh tật và đau khổ là Chúa muốn huấn luyện đức tin của chúng ta. Đức Giê-su luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta và sẵn sàng giúp chúng ta chiến thắng ma quỷ và sự dữ. Nếu thực sự tin vào Người thì chúng ta sẽ không sợ hãi khi gặp bất cứ thử thách nào, nhưng luôn vững tin Chúa sẽ rút từ sự dữ ra sự lành để ta được ơn cứu độ.

2) “THƯA NGÀI, XIN CỨU CON VỚI”:

Tin tưởng và luôn nhìn vào Chúa, ông Phê-rô đã có thể đi trên biển cả giống như thầy mình. Nhưng khi gió mạnh ào đến làm lung lạc đức tin, thì ông bắt đầu bị chìm xuống. Ông vội kêu lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Bàn tay Đức Giê-su đã kịp thời đưa ra nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền bình an, kèm theo lời trách nhẹ: “người đâu mà kém tin như vậy! Sao lại hoài nghi?”

3) LUÔN TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG VÀ QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA:

Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng đã bị Chúa bỏ rơi khi Người để chúng ta liên tiếp gặp phải các tai nạn rủi ro như người ta thường nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nhưng thực ra đó lại là cách Chúa dùng để huấn luyện đức tin cho chúng ta. Người muốn thử thách đức tin của chúng ta như: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức!”. Nếu gặp những tai ương hoạn nạn mà chúng ta lo lắng sợ hãi, bỏ cầu nguyện dự lễ và tin theo bói toán, bùa ngải… thì đức tin nơi ta đã chết. Nhưng nếu chúng ta vẫn trung thành với Chúa, vẫn luôn chu toàn các việc đạo đức và càng năng xin Chúa ban ơn soi sáng để biết mình phải làm gì và làm như thế nào; vẫn luôn tín thác mọi sự xảy đến cho Chúa quan phòng… thì mới chứng tỏ đức tin của chúng ta mạnh mẽ, và chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ơn cứu độ của Chúa.

4) PHƯƠNG CÁCH CẦU NGUYỆN TRONG MỌI LÚC:

Đức Tin mạnh biểu lộ qua việc năng cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường hay chữa mình: Tôi bận quá không có thời giờ nào rảnh để “vào sa mạc” mà cầu nguyện. Nhưng thật ra Chúa luôn ở bên cạnh và ở trong lòng ta. Chỉ cần thành tâm và có một chút cố gắng là ta có thể tạo ra khung cảnh sa mạc cho bản thân mình. Chẳng hạn: Mỗi ngày chúng ta có biết bao giờ rãnh rỗi để đi chơi, uống một ly cà phê, tán gẫu với chúng bạn hay ngồi hàng giờ trước vô tuyến truyền hình… tại sao ta lại không bớt ra một vài phút để vào sa mạc tâm hồn mà cầu nguyện với Chúa. Mỗi ngày có rất nhiều cơ hội gặp Chúa, mà vì lười biếng, vì thiếu đức tin hay do biết giá trị của lời cầu nguyện mà chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ Chúa. Chẳng hạn: Những lúc cửa hàng vắng khách, khi xe tạm dừng để chờ đèn xanh… Khi bị kẹt xe hay khi bất ngờ bị cúp điện không thể tiếp tục làm việc bình thường được. Thay vì bực bội khó chịu, chúng ta hãy ý thức Chúa đang ở trong ta và thưa với Người về công việc đang làm, về những điều ta đang lo lắng đối phó.

  1. THẢO LUẬN:

1) Mỗi người chúng ta cần học nơi thánh Phê-rô điều gì về sự cầu nguyện ?

2) Chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa lúc nào ?

3) Khi gặp thất bại hay rủi ro trái ý, ta cần làm gì để biểu lộ lòng tín thác noi gương thánh Phê-rô ?

  1. CẦU NGUYỆN:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hội Thánh ngày nay đang gặp rất nhiều khó khăn trở lực nhiều khi không thể tiến triển được. Xin cho các mục tử trong Hội Thánh luôn tin cậy vào tình thương và quyền năng của Chúa. Xin cho chúng con biết chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa bằng sự quên mình vị tha và yêu thương phục vụ tha nhân. Xin cho chúng con sẵn sàng góp công góp của để cộng tác vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

– LẠY CHÚA. Chúa muốn con phải luôn vững tin vào Chúa mỗi khi gặp thử thách gian nan. Ngày nay vẫn có những cơn sóng gió làm chúng con bị hoài nghi và suy giảm lòng tin vào Chúa, khiến chúng con ngày một chìm sâu trong các đam mê tội lỗi. Mỗi khi con sắp bị chìm đắm, xin Chúa hãy động viên con như đã động viên các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay: “cứ yên tâm. Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Xin hãy nắm chặt tay con khi con sắp quỵ ngã, xin hãy nâng đỡ đức tin yếu hèn của con, giúp con đứng vững trước bao sóng gió cuộc đời. Nhất là xin cho con biết luôn ngước nhìn lên Chúa là nguồn hy vọng và là sự trông cậy độc nhất của con.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

LIÊN KẾT Lm Vũđình Tường

Chúa nhật 19 thường niên, năm A

Người ta thường ăn mừng sau khi tổ chức thành công một công việc. Trong tiệc mừng có vang tiếng ca tụng lẫn nhau, có nhạc nhộn nhịp và có cụng li chúc mừng thành công. Niềm vui sáng rực trên khuôn mặt người tổ chức và hầu như ít ai để í đến vấn đề chính đưa đến thành công nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Đó là điều kiện khí hậu. Chính khí hậu khô nắng, buổi sáng đẹp trời, nắng ấm là điều kiện tiên quyết mời gọi con người lên đường tham dự ngày đại hội. Con người làm việc vất vả nhưng phải lệ thuộc vào đất trời để có được thành công mơ ước. Nhưng khi tổ chức mừng thành công mấy ai để í đến cám ơn trời mà chỉ nghĩ do công khó của mình làm nên điều đó.

Sau khi nuôi năm ngàn người ăn Đức Kitô sai các môn đệ sang phía bên kia biển hồ, Ngài lưu lại để tổ chức tiệc mừng. Tiệc mừng của Ngài không có nhạc vàng, không có cụng li, có những lời ca tụng, nhưng không phải ca tụng công lao người khác, mà ca tụng Thiên Chúa. Tiệc mừng của Ngài là liên kết với Chúa Cha trong tâm tình cảm tạ. Khi các tông đồ đi khỏi Ngài ra bờ biển hướng nhìn về phía các tông đồ, Ngài một mình âm thầm nơi bờ biển, trong cái yên tĩnh của đêm tối. Tâm thần hoà gió bay bổng trời cao, tấm lòng trải rộng trên sóng nước, Ngài nghe tiếng gió biển nhè nhẹ thổi, mắt nhìn ánh trăng mờ chiếu trên sóng bạc, hai gối quì âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha. Phúc âm không ghi lại Ngài nói gì, những lần trước đó Ngài dâng lời cảm tạ Chúa Cha. Trong tâm tình Ngài không tự nhận công của Ngài nhưng dâng lời Cảm Tạ, liên kết cuộc sống, việc làm hàng ngày cùng Chúa Cha.

Lậy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời Con. Phần Con, Con biết Cha hằng nhậm lời Con, nhưng vi dân chúng đứng quanh đây, nên Con đã nói để họ tin là Cha đã sai Con .Gn 11,41-42.

Nuôi năm ngàn người là do Chính Thiên Chúa nuôi dưỡng. Các tông đồ có nhiệm vụ phân phát bánh và cá. Các ông báo cho Đức Kitô biết em nhỏ có bánh và cá. Việc làm cho bánh ít hoá nhiều là do chính Thiên Chúa. Làm cho bánh hoá nhiều giúp các tông đồ hiểu ít nhiều về việc Chúa dùng chính thân thể mình để nuôi dưỡng nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài sẽ lập trong bữa Tiệc Li. Điều này cũng nhắc cho nhân loại biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất biến đổi bánh rượu thường thành Mình Máu Thánh Con Chúa. Linh mục dâng lễ là dụng cụ của Thiên Chúa và lập lại trên bàn thờ những gì Đức Kitô kêu gọi làm để nhớ đến Ngài Lc 22,19-20. Thiên Chúa biến đổi bánh thành Thịt Ngài và rượu thành Máu Thánh Ngài.

Đức Kitô sai các môn đệ ra đi trong khi Ngài ở lại cảm tạ Thiên Chúa. Khi sóng yên, biển lặng các ông cảm thấy an tâm và làm công việc cách bình thường. Khi sóng to, gió lớn các ông vất vả chèo chống, mệt mỏi lại sợ hãi khi thấy có bóng người đang xuất hiện từ phía xa xa. Trong hoảng hốt và không đường thối lui các ông chỉ biết dán mắt vào hình bóng kia và khi hình bóng đó đến gần các ông vui mừng vì nhận ra đó là hình ảnh Thầy đang lướt sóng đến với các ông. Phêrô vội lên tiếng xin đến cùng Đức Kitô. Một cơn sóng vượt quá đầu bao phủ tầm nhìn và ông đã hoảng hốt xin Thầy cứu. Sau khi cả hai lên thuyền an toàn, Đức Kitô ra lệnh cho sóng êm, gió lặng và các ông càng kinh ngạc hơn khi biết ngay cả sóng biển, bão tố cũng vâng lời Đức Kitô.

Lần nữa các ông hiểu thêm về bí mật quyền năng Thiên Chúa. Dù xưng ra Ngài là Con Thiên Chúa nhưng các tông đồ không hiểu rõ về điều các ông tuyên xưng bởi quyền năng Thiên Chúa vượt khỏi trí tưởng tượng của loài người và con người chỉ có thể nhận biết phần nào Chúa cho tỏ lộ quyền năng Ngài.

Lm Vũđình Tường

ĐIỂM TỰA GIÊ-SU

Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

Chúa nhật 19 thường niên, năm A-2017

Nhà vật lý học Archimède đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”. Câu nói của ông giúp chúng ta nhận ra một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống đó là “một điểm tựa”.

Một điểm tựa sẽ an ủi, nâng đỡ khi trong cuộc sống chúng ta cảm thấy hẫng hụt, thất vọng, dằn vặt, đau đớn. . . Cho nên, đừng ngạc nhiên khi một lúc nào đó có ai đó gục đầu vào vai chúng ta mà nức nở, dù đó là người khác giới! Hãy lặng im nghe từng giọt nước mắt rơi thấm dần trên vai ấm nồng. Hãy để cho người ấy ôm chặt lấy chúng ta mà khóc, khóc cho tan đi tất cả những muộn phiền.

Và chính chúng ta khi gặp gian nan, thất bại, hiểm nguy chúng ta cũng cần đến một điểm tựa để vượt qua. Điểm tựa ấy có thể là niềm tin, là kỳ vọng, là ước mơ, là mục đích… và còn có thể là tình yêu nữa. Không ai biết trong cuộc đời mình điểm tựa nào là quan trọng, có khi là cái này, có khi là cái khác, thậm chí có người cho rằng họ chẳng cần điểm tựa để tồn tại, họ rời bỏ, và họ cô đơn… Song một lúc nào đó họ nhận ra điểm tựa của mình rồi chấp nhận có khi nó chỉ là một điểm tựa bình thường nhỏ nhoi.

Cuộc sống luôn cần một điểm tựa, để những khoảnh khắc yếu lòng mà sai đường, nhưng vẫn có người, ở đó, chờ đợi và sẵn sàng giang rộng cánh tay bao dung tha thứ cho chúng ta.

Cuộc sống cần một điểm tựa, để những khi thấy nhớ, lạc lõng , cô đơn, chúng ta vẫn có người để điện thoại, để nhắn tin và được nghe giọng nói an ủi, nâng đỡ mà chẳng hề cáu giận dù đêm khuya, nhưng luôn đồng cảm với chúng ta.

Hôm nay Tin mừng cho ta thấy một điểm tựa thật vững chắc là Thầy Giê-su. Khi các môn đệ đang chơi vơi giữa giòng đời, đang chao đảo trước sóng gió, Chúa đã đến với các ông đã an ủi nâng đỡ các ông. Lòng các ông đã bình an khi nhận ra Thầy đang hiện diện giữa các ông.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay như vẫn đang mời gọi chúng ta:”Anh em đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian”. Thầy đã thắng thế gian, đó cũng là tiếng mời gọi các môn đệ của Chúa là chúng ta, hãy cùng với Chúa để chiến thắng sự dữ, để đẩy lùi cái ác ra khỏi thế gian, để xoa dịu những đau thương mất mát trong cuộc đời. Và Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy trao vào tay Chúa những khó khăn của cuộc đời để Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy.  Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy là điểm tựa để nâng đỡ anh em đang chơi vơi trên dòng đời. Chúa muốn chúng ta hãy là chứng nhân cho tình thương và lòng nhân ái của Chúa, khi chúng ta cùng cầm tay nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta biết chạnh lòng thương xót trước những bất hạnh của tha nhân. Khi chúng ta không phủi tay trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của thời đại. Vâng cuộc đời sẽ ấm áp hơn nếu mỗi người biết liên đới và chia sẻ cho nhau để làm vơi đi những khổ dau, những lắng lo trong cuộc sống.

Chúng ta có thể không có khả năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng chúng ta có khả năng trao vào tay Chúa một chút lương thực ít ỏi, để Chúa có thể nhân rộng cho hàng ngàn người hưởng dùng.

Chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt nước, nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của cuộc sống.

Chúng ta có thể không khiến cho sóng gió ba đào im lặng, nhưng chúng ta có thể góp phần đầy lùi sự dữ và xoa dịu những đau thương bằng lòng quảng đại và nhân ái của chúng ta.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng mến nồng nàn để sẵn lòng  mang tình yêu và lòng nhân ái đến cho anh chị em chung quanh. Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin và đức cậy để chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa và an bình sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen

YẾU BÓNG VÍA HAY YẾU ĐỨC TIN? 

JM Lam Thy ĐVD 

(CN XIX TN/A)

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XIX TN/A – Mt 14, 22-33) trình thuật về biến cố Đức Giê-su đi trên mặt biển, khiến các môn đệ hoảng hồn lại tưởng là ma! Người bộc lộ rõ nhất tâm trạng này lại chính là thánh Phê-rô. Như vậy thì có phải thánh nhân là người “yếu bóng vía” hay không? Nếu tìm hiểu kỹ thì chắc chắn thánh Phê-rô không phải típ người “ngoài mịêng thì hùng hồn, nhưng trong lòng thì… thỏ đế có hạng”. Thánh nhân có một đức tính bộc trực, ngay thẳng, trong lòng nghĩ sao thì nói ra như vậy, không hề màu mè, tô vẽ. Cũng vì đức tính ấy, nên ngài đã nhiều lần bị Thầy quở trách, thậm chí có lần còn bị gọi là “Xa-tan” ngay sau khi vừa tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa ( “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” – Mt 16, 23). Rõ ràng thánh nhân chẳng “yếu bóng vía” một chút nào.

Nếu không yếu bóng vía thì tại sao vừa mới chia tay Thầy ở bờ bên kia, bây giờ thấy Thầy đi trên mặt biển trở lại với mình, thánh nhân lại la lên “ma đấy”? Thầy đã trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”, vậy mà còn đặt điều kiện “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Tuy nhiên, Đức Giê-su vẫn bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 28-33). Cuối cùng thì có thể kết luận: Thánh Phê-rô (kể cả các môn đệ khác nữa) không “yếu bóng vía”, mà là “yếu đức tin”. Lời Thầy quở trách đã quá rõ ràng “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”

Cũng chính vì “yếu đức tin” nên không chỉ lần này thánh nhân tuyên xưng “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”, mà sau này còn khẳng định chắc nịch “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16); để rồi sau đó lại chối Thầy 3 lần trong một đêm, trước một đứa tớ gái nhà Cai-pha. Hành trình đức tin của người Ki-tô hữu ngày nay cũng có thể so sánh với cuộc đọ sức của Phê-rô đã trải qua trên mặt biển. Phê-rô có những bước đầu chắc chắn, mạnh dạn. Chúng ta cũng đã có những bước khởi đầu như thế để đi theo Chúa. Rồi năm tháng trải qua, gió ngược nổi lên, bắt đầu nhen nhúm những nghi ngờ khiến lòng hoang mang lo sợ. Và thế là, con người nặng dần và muốn chìm đắm trước sóng gió cuộc đời. Ngày xưa Phê-rô chối bỏ đức tin chỉ vì một đứa tớ gái nhà Cai-pha, ai cũng cho là thỏ đế; nhưng ngày nay còn hơn thế nữa, có không ít người chẳng bị ai cật vấn, tra hỏi, chỉ mới nghe đồn, nghe nói thôi, đã vội vàng cất giấu bàn thờ để chưng ảnh lãnh tụ. “Chưa khảo đã xưng” (tục ngữ VN), chưa ai bắt đã vội vàng khai là “không tôn giáo”! Hoá cho nên, rất cần phải có liều thuốc chữa căn bệnh “yếu bóng vía” và “yếu đức tin”, đó là điều tất yếu.

Để chữa được căn bệnh “yếu bóng vía” thì điều tiên quyết là bản thân phải có một quyết tâm, tiếp theo là phải thực sự va chạm với thực tế các sự kiện diễn ra trong cuộc sống, trong thiên nhiên, để mở rộng đầu óc mà hiểu rằng có một Đấng Quyền Năng quan phòng mọi sự trong vũ trụ. Đấng ấy chỉ có thể là “ông Trời”, là “Thượng đế”, là “Thiên Chúa” mà thôi. Tin vào Đấng ấy, thì ma mị quỷ quái chẳng làm gì được. Còn căn bệnh “yếu đức tin” thì cũng đừng vội bi quan, bởi đó cũng là căn bệnh của những người “yếu bóng vía” và nói chung, của tất cả mọi người trần thế. Duy chỉ có điều, muốn chữa được căn bệnh này, ngoài vấn đề hết sức cần thiết là trau giồi, củng cố cho bản thân một niềm tin vào duy nhất một Thượng đế, còn cần phải ý thức rằng con người là mỏng giòn, là yếu đuối, không thể tự mình làm được công việc to tát ấy nếu không biết cậy dựa vào Đấng Bảo Trợ, Người sẽ bảo vệ và trợ giúp đắc lực tuyệt đối cho những kẻ tin vào Người. Đấng ấy cũng chính là Thượng đế, là Thiên Chúa, và đó chính là Ngôi Ba Thánh Thần vậy.

Xin đừng bao giờ nói: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”, mà hãy luôn luôn nói, mạnh dạn nói, tha thiết nói, nói với tất cả chân tình: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Vâng, “Libera me, Domine”, Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu vớt con, bây giờ và mãi mãi, bây giờ và trong giờ lâm tử. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN XIX/TN-A)

CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN MẶT BIỂN MÀ ĐẾN VỚI CÁC MÔN ĐỆ

P.Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIX TN (A ) ( Mt 14 , 22- 33)

Thưa quý vị, thưa các bạn, cuộc sống trần thế của con người nhân thế, như một biển khơi, chúng ta sống trên trần gian khác nào chúng ta đang đi trên biển, nếu như chúng ta không tin vào Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta chắn chắc sẽ chìm, chìm vì bởi đủ mọi thứ, chìm vì chính những nhu cầu, những công việc, những ích kỷ, những mưu mô xảo quyệt, nói chung sẽ bị chìm vì tội lỗi của chúng ta. Vâng, nếu Thiên Chúa không ban chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu- Kitô đến trần gian để cứu độ chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ bị chìm, chìm đời đời và chìm trầm luân.

Tin mừng hôm nay ( Mt 14, 22 -33) cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về câu chuyện có thật chứ không phải dụ ngôn, đó là : “Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.

Hình ảnh của Tin Mừng hôm nay cho thấy biển mà tháh Phê-rô sắp chìm là biển thật, theo nghĩa đen, còn biển trần gian theo nghĩa bóng mà con người nhân thế chúng ta đang sống là chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Xét theo hiện tượng vật lý, người đời mang một trọng lượng nhất định, năng hơn không khí, vì vậy, khi xuống nước không có sức hút và lực đẩy, thì tự nhiên chúng ta sẽ bị chìm. Đó là hiện tượng tự nhiên. Vì vậy, khác với hiện tượng tự nhiên là “HIỆN TƯỢNG SIÊU NHIÊN”, hiện tương siêu nhiên phải được xảy ra với siêu nhiên.

Theo đó, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ là Chúa biểu lộ Thiên Tính cho các môn đệ biết Người là Con Thiên Chúa.

Vâng, như chúng ta biết cuộc đời trần thế nặng nề đủ mọi chuyện chẳng khác nào “tảng đá”, vì vậy nó dễ chìm. Vì vậy, trang Tin Mừng hôm nay rất thiết thực và gần gũi với nhân thế, đặc biệt là người tín hữu.

Đức Phật nói : “ Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả”, vì “ Cuộc đời là bể (biển ) khổ ”. các nhạc sĩ cũng viết : “Cuộc đời là sóng gió , còn ta là con thuyền”. Đạo Cao Đài , họ gọi chiếc quan tài là “ thuyền”. Vâng, biển cuộc đời và đời sống của từng cà nhân trên trần gian, chính là một biển cả. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết : “ Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Nhưng, Đao Công giáo không bi lụy với đau khổ, không oán thán đau khổ, nhưng trái lại chấp nhận đau khổ, vì đau khổ là Thập giá, vì Chúa Giêsu nói : ” Ai không từ bỏ mình, vác thập già mình hằng ngày mà theo Ta, thì không xứng đáng làm môn đệ Ta.” .Đau khổ của người Công giáo là một hồng ân, chứ không phải là “án phạt”, bởi vì, chính Chúa Giêsu đã gánh lậy đau khổ cho chúng ta.

Qua Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy khi các môn thấy Chúa đi trên mặt nước, thì các ông hoảng sợ la lên “Ma dấy !”, Chúa Giêsu bảo :” Chính Thầy đây, đừng sợ !”.

Vâng , thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã dùng câu Lời Chúa hôn nay mà củng cố đức tin cho mọi Kitô hữu. Vâng, “Đừng sợ”, nhưng , phải có Thầy Chí Thánh Giêsu, nếu không chắc chắn chúng ta sẽ “bị chìm”. Có Chúa trong cuộc đời là một điều hạnh phúc thật sự, từ đó chúng ta “đừng sợ” đau khổ vì chúng ta có Chúa Giêsu.

Thánh Phê-rô sắp bị chìm vì thiếu lòng tin vào Chúa, nhưng ông đã biết kêu cầu Chúa “Thầy ơi, xin cứu con !”. Chúa Giêsu liền đưa tay ra cứu lấy Phê-rô.

Phê-rô vừa được Chúa đưa lên núi Thánh, được thị kiến Dung Nhan Thần Tính của Thầy Chí Thánh, bây giờ lại dược chúng kiến Thầy đi trên mặt nước, lại xin Thầy cũng cho mình đi trên mặt nước, nhưng ông lại yếu tín, liền bị Chúa quở trách, : “Sao kém tin thế !”. Như vậy, thánh Phê-rô thực sự rất yếu đuối, nhưng ngài được giao cho là Tông Đồ trưởng, bởi vì , Chúa không xét theo  giới hạn của Phê-rô, nhưng dựa vào “Lòng Thương Xót” vô biên của Thiên Chúa.

Vì vậy, khi đặt Phê-rô là “ĐÁ” điều đó nghĩa là : ” Chúa muốn xây dựng trên thánh Phê-rô một lòng khiêm nhường như đá, một lòng cứng rắn như đá, một lòng sắt son, chung thủy như đá, và một lòng tin mạnh mẽ như đá.”

Và như vậy, thánh Phê-rô có sức nâng dậy Hội Thánh của Chúa ngay tại trần gian. Đặc tính của đá thật là đáng ca ngợi, Thiên Chúa tạo thành loài người bởi bụi tro, là đất, nhưng, đặt chân lý Tin Mừng trên đá, vâng đó không phải là một mầu nhiệm sao !

Phê-rô là đá nhưng Phê-rô không bị chìm vì Phê-rô có Chúa Giêsu, Đấng “CỨU “mọi linh hồn.

Như chúng ta biết mọi tu luật của các dòng tu đều căn cứ vào đặc tính của ”ĐÁ”, không phải chỉ sự cứng rắn không thôi, mà chính là sự khiêm nhường, bên cạnh sự vững bền, sự cứng rắn, sự hiên ngang, đá mang đặc trưng của sự khiềm nhường muôn thuở.

Chẳng vậy, mà chúng ta thấy người có công xây dựng nhà thờ Đá Phát Diệm – Ninh Bình là cha Phê-rô Trần Lục, một con người Linh mục đa tài, đã chiêm niệm về đặc tính của đá, nên chi , đã để lại cho đời một di tích thờ phượng, đồng thời là một danh thắng đáng ca ngợi muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu , Chúa đã đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ, xin thương cũng đi trên cuộc đời của mỗi người Kitô hữu, để sóng gió cuộc đời họ được lặng yên vì có Chúa, và xin cho họ nhận ra chỉ có Chúa mới làm được điều đó mà thôi ./. Amen

“THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!” (Mt. 14, 27)

Pio X Lê Hồng Bảo

SUY NIỆM TIN MỪNG CHỦ NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM A

Một câu nói ngắn gọn nhưng đầy uy lực! Chúa Giêsu biết các môn đệ tuyệt đối tin vào Người nên mới nói thế.

Khi tôi còn nhỏ, tôi cũng thường nghe cha tôi nói với tôi như thế trong những tình huống nguy hiểm. Đứa bé nghịch ngợm leo lên cây ổi, cây mận; đến chừng muốn xuống không biết làm sao! Thằng nhóc lắc xắc nhảy xuống chiếc xuồng nghịch ngợm đến nỗi chiếc dây neo bị đứt, xuồng xoay xoay giữa dòng, mặt mũi thằng nhóc méo xệch… Những lúc đó, bóng dáng Ba thật vững chãi và câu nói: “Ba đây, đừng sợ!” mang một uy lực thiêng liêng làm sao! Khi tôi lớn lên thì câu nói ấy thưa dần rồi mất hẳn. Ba tôi biết rằng tôi đã có nhiều lựa chọn khác hơn là tin vào vóc dáng tiều tụy còm cõi của Ba. Thế mà, với các môn đệ dù đã trưởng thành, Chúa Giêsu vẫn không ngại phán một câu đầy quyền uy cỡ đó.

Nỗi sợ có lẽ cũng khai sinh đồng thời với con người trên trần gian này. Từ nguyên thủy, con người đã sợ thua kém Thiên Chúa nên mới phát sinh tội nguyên tổ! Tuy nhiên, có đến hơn 90% nỗi sợ của con người phát sinh từ sự ám thị: Sợ ma, sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ gián, sợ chuột… Thêm nữa, ai ai cũng sợ chết dù biết rằng không ai thoát khỏi cái chết, nhưng lại rất ít người sợ sa hỏa ngục!

Trong xã hội ngày nay, con người lại còn lắm cái để sợ, nói chung là sợ mất: Sợ mất việc, sợ mất trộm, sợ mất thể diện, sợ mất uy tín, sợ mất lòng, sợ mất mặt… Nhưng cũng lại rất ít người sợ mất linh hồn!

Có thể nói, sợ đã thành nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời:

  • Người buôn bán nhỏ sợ bị cân đong thiếu, sợ bị quỵt…
  • Người kinh doanh sợ bị cạnh tranh, sợ bị ăn cắp thương hiệu, sợ đối tác không thực thà…
  • Nhà sản xuất sợ nạn đình công, sợ công nhân bớt xén hay trễ nãi…
  • Nhà chứng khoán sợ chỉ số lên xuống, giá vàng trồi sụt…
  • Nhà cầm quyền sợ nạn bè phái, vây cánh; sợ dân chúng phản đối, biểu tình…
  • Bác nông dân sợ mất mùa, mất giá…
  • Công nhân viên chức sợ bị cắt thưởng, cắt lương…
  • Em học sinh sợ bị lưu ban, sợ thầy cô trù dập…
  • Chàng ca sĩ & nàng diễn viên sợ xìcăng-đan, sợ nạn sao chép phim đĩa lậu…
  • Anh xe ôm & chị hàng rong cũng bâng quơ sợ chuyện nắng, mưa…

Bị bao vây giữa bao nhiêu nỗi sợ đó, liệu có ai nghe âm vang của Lời Chúa hôm nao: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” Niềm tin của tôi vẫn mong manh hơn hạt cải: “Nếu quả thực là Chúa, xin truyền cho tôi đi được trên nước mà đến với Người”. Chúa cũng thông cảm cho thân phận mỏng giòn của tôi: “Được, hãy đến đây!” Chúa vẫn đó, trước mặt tôi. Một cơn gió thoảng qua, tôi đâm sợ và… bắt đầu chìm!

“Lạy Chúa, xin cứu con!” Thật may mắn là Phêrô vẫn nhìn thấy Chúa trước mặt và vội vã cầu cứu. Còn tôi? Tôi loay hoay, tôi vùng vẫy, tôi suy nghĩ thiệt hơn, tôi tính toán lợi hại… Và cuối cùng, tôi quên mất Chúa vẫn đứng đó, vẫn hiện diện trong suốt hành trình trần thế của tôi.

Bài học của Phêrô còn đó! Sông nước là môi trường quen thuộc của một ngư phủ như Phêrô. Vậy mà, một chút sóng, một chút gió cũng hoảng lên: “Thầy ơi, chúng con chết mất!” (Mt. 8, 25) Hầu như Phêrô không còn tin chút gì vào bản lĩnh của mình, sở trường của mình khi có Chúa đồng hành. Lắm lúc tôi tự hỏi: Phêrô có phải là một ngư phủ thật sự không? Ngư phủ gì mà vụng về, đuểnh đoảng! Sóng to, gió lớn là cầu cứu Thầy; hì hục cả đêm không được gì, chỉ biết “Vâng lời Thầy, con thả lưới!” (Lc. 5, 5)

Không, Phêrô mới chính là ngư phủ khôn ngoan nhất thế giới. Một ngư phủ khôn ngoan sẽ chọn gì giữa biển khơi khi một bên là chiếc thủy đỉnh mạnh mẽ, tiện nghi, đầy nhiên liệu và một bên là chiếc phao cứu sinh bé tí? Tất nhiên là chọn chiếc thủy đỉnh! Kiến thức và năng lực của bản thân ta chỉ tựa như chiếc phao cứu sinh bé tí kia thôi, Phêrô đã mạnh dạn vứt bỏ đi để bám vào thủy đỉnh vững chãi an toàn, là Thiên Chúa, là Đá Tảng Cứu độ. Một lựa chọn vô cùng sáng suốt của một người ít học, chính vì thế mà Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Con xin tạ ơn Cha vì đã giấu những điều bí nhiệm ấy đối với những người thông thái mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt. 11, 25).

Còn lựa chọn của tôi, phản ứng của tôi?

– Sợ người khác có “ảnh hưởng” hơn mình, mới nghe ai ca ngợi người ấy, tôi liền kiếm cách dèm pha để triệt ngay một thần tượng mới… manh nha.

– Sợ thanh danh, uy tín mình bị tổn hại, tôi sẵn sàng “ăn thua đủ” với bất cứ ai hoặc bất cứ lời đồn đại nào.

– Sợ bị thất thiệt tài sản, tôi nghi ngờ soi mói những ai có hành vi khác lạ.

– Sợ không kiếm được việc làm, tôi phải chạy ngõ sau, luồn ngõ trước…

– Sợ bị sa thải, tôi phải khéo léo lấy lòng cấp trên, chà đạp cấp dưới…

– Sợ mất mối làm ăn, tôi khai thác triệt để những đòn phép, những mánh lới, những thủ đoạn…

– Sợ không thành công, tôi đi đường tắt bằng cách thực hiện những ý đồ đen tối của loài người.

– Sợ phải phụng dưỡng cha mẹ già, tôi phải vận dụng tất cả sự khôn khéo để đẩy phần đó sang anh chị em.

Có lúc nào tôi phản ứng bằng cách thốt lên: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con!” chưa? Hay chỉ vì tôi có trình độ, có kiến thức, có mưu lược, có óc kinh bang tế thế… và tôi cứ bám chặt vào mớ hổ lốn đó cho đến khi mệt nhoài thở ra: “Thời đại bây giờ… sao khó quá!” Trong khi đó, luôn có một Đấng mời gọi chúng ta: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả, khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt. 11, 28). Đấng ấy đang hiện diện trong Nhà Tạm, bên ngọn đèn chầu leo lét và dường như đang rất cô đơn!

***

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa giữa đêm đen cuộc đời, xin cho chúng con biết thắng vượt mọi nỗi sợ hãi khi nghe tiếng Chúa: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”, xin cho chúng con biết phản ứng trong mọi hoàn cảnh bằng cách thân thưa: “Lạy Chúa, xin cứu con!” để từ nay: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv. 62, 2). Amen.  


[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]

 

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*