- Mười người phong cùi-Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
- Người biết ơn-Lm. Anthony Trung Thành
- Chào đón-Lm Vũđình Tường
- Trọn đời tri ân-AM Trần Bình An
- Đừng Có Vô Ơn- Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
- Xin dủ lòng thương tôi-sưu tầm ns-dmhcg
MƯỜI NGƯỜI PHONG CÙI
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Chúa Nhật XXVIII THƯỜNG NIÊN, năm C 2 V 5, 14-17 2 Tm 2, 8-13 Lc 17, 11-19
Ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta hiểu rất rõ :” Phải có lòng tin con người mới có thể nhận ra Chúa, và đi theo Ngài “. Abraham là tổ phụ của những người tin. Chính Abraham dù đã già, đã cao niên nhưng khi Thiên Chúa truyền bỏ quê hương để đi một nơi khác sinh sống, ông đã ra đi ngay…Được đứa con trai duy nhất là Isaác trong lúc tuổi già, niềm an ủi vô biên của hai ông bà, nhưng Chúa bảo hãy tế sát để dâng cho Ngài…Abraham không chần chừ, không tiếc xót.Cả cuộc đời của Abraham là một cuộc thử thách không ngừng, tuy nhiên, Abraham vẫn một lòng tin tưởng, cậy trông vào Chúa…Đức Giêsu cũng nói với người cùi Samaria:” Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh “.
Có lòng tin là có tất cả. Bởi vì, ngay tuần trước, các môn đệ đã xin Chúa Giêsu ban thêm đức tin cho mình. Lòng tin của các môn đệ đã có nhưng còn yếu kém, nên các Ngài đã xin Chúa ban thêm lòng tin cho các ông…Chúa trả lời :” Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải vv…”, lòng tin quả thật là điều kiện căn bản, duy nhất để con người ngay cả các môn đệ nhận ra Chúa, tin Chúa và đi theo Chúa, chết vì Chúa. Hôm nay, mười người phong cùi đều đứng xa xa kêu xin Chúa chữa lành. Chín người có đạo và một người ngoại giáo.Tin Mừng cho hay, chỉ có một người ngoại giáo quay trở lại để cảm tạ Thiên Chúa mà người này lại là người Samari…Cái trớ trêu vẫn là mười người đều được lành sạch nhưng chỉ có một người ngoại biết trở lại để cám ơn Thiên Chúa. Có lẽ người Samari này không có một niềm tin như dân Israen, như người Do Thái…Nhưng trong thâm tâm của họ, họ tin vào Chúa Giêsu, do đó, họ được chữa lành vì tin tưởng tuyệt đối vào Chúa…Chúa khen người Samari dù anh bị người Do Thái khinh dể, coi thường, xem là người vô đạo, tội lỗi…Chúa quở trách chín người Do thái đã được Chúa chữa lành, nhưng vô ơn không biết quay trở lại để tạ ơn Ngài…
Vâng, ơn cứu độ của Chúa không dành riêng cho một ai, một dân tộc nào, Chúa muốn cứu vớt mọi người, không muốn để ai hư đi, không muốn để ai mất linh hồn.Tất cả mọi người, những người ngoại giáo, những người không tin, không biết Chúa, đều được Chúa yêu thương, cứu giúp chứ không riêng gì những người biết và tin vào Ngài vì Ngài đến để cứu vớt toàn thể nhân loại, Ngài đến kêu gọi những người tội lỗi, chứ không phải những người công chính. Thực tế, có nhiều người ngoại đã biết thương giúp người khác, họ biết cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa như người phong cùi xứ Samaria vv…Người phong cùi Samari đã tin Thiên Chúa đã chạm vào cuộc đời của anh, nên anh được lành sạch, được trả lại tư cách làm người, tư cách làm con Thiên Chúa, bởi bệnh phong cùi đối với xã hội Do Thái thời xưa là một bệnh nan y, đáng khinh bỉ, bị xã hội và mọi người ruồng bỏ vv…
Trong cuộc sống hằng ngày, có lẽ nhiều khi chúng ta quên đi sự quan phòng, bàn tay cứu độ của Thiên Chúa…Ngài yêu thương chúng ta, luôn can thiệp vào mọi biến cố cuộc đời của mỗi người chúng ta.Ăn thua là chúng ta có biết tin vào Chúa hay không, hay chúng ta lại rơi tình trạng như chín người phong cùi vô ơn khi Chúa đã cho họ lành sạch.Chúa ban ơn cho chúng ta, đổ tràn ân huệ cho chúng ta. Phải có lòng tin, chúng ta mới nhận ra bàn tay kỳ diệu của Chúa, mới hiểu được tình thương vô biên của Ngài…
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra tình thương cao cả của Chúa và để chúng con đừng bao giờ vô ơn với Chúa vì Chúa quá thương yêu chúng con. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Mười người phong cùi đã xin Chúa Giêsu điều gì ? Mười người này có được Chúa chữa lành không ? 2.Người phong cùi ngoại giáo ở vùng nào ? 3.Bệnh phong cùi đối với xã hội Do Thái lúc xưa thế nào ? 4.Có khi nào ÔBACE vô ơn với Chúa không ? 5.ÔBACE có tin vào sự hiện diện của Chúa không ?
NGƯỜI BIẾT ƠN
Lm. Anthony Trung Thành
Lòng biết ơn là một cử chỉ cần thiết trong cuộc sống giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.
Trước hết, chúng ta phải thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như thế này: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng “Cám ơn.” Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên “Cám ơn.”
Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuyện, người thợ đập đá giải thích: “Tôi cảm ơn Chúa.” Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: “Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo dựng nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?”
Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: “Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao?” Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: “Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi.”
Người thợ đá nghèo nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: “Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa.” Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.
Chỉ một lần được Thiên Chúa nhớ đến, cũng đủ để người thợ đập đá cám ơn Ngài suốt đời. Đối với mỗi người chúng ta thì sao? Chắc chắn Thiên Chúa không nghĩ đến chúng ta chỉ một lần mà thôi mà Ngài nghĩ đến chúng ta rất nhiều lần. Ngài không chỉ nghĩ đến mà Ngài còn ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác: ơn tạo dựng; ơn làm người; ơn làm con cái Ngài; ơn cứu chuộc; ơn được Ngài quan phòng chăm sóc giữ gìn phần hồn phần xác hằng ngày: Có khí thở, có cơm ăn, áo mặc, được lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Giao hòa và Thánh Thể…và muôn vàn ơn khác. Sách Aica diễn tả thật sâu sắc khi nói: “Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3, 23). Hằng ngày, chúng ta có làm được gì cũng chính là nhờ ơn Chúa. Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10), và Thánh nhân nhắc nhở chúng ta rằng: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7). Vì vậy, Thánh Phaolô mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,18). Tác giả Thánh Vịnh 107 cũng mời gọi chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107, 1).
Tạ ơn và thể hiện lòng biết ơn là bổn phận của con người đối với Thiên Chúa. Đó là điều chính đáng và phải đạo (x. kinh Tiền tụng Thánh Thể IV). Lời Chúa hôm nay cũng để lại cho chúng ta những tấm gương về lòng biết ơn. Bài đọc I, tướng Naaman sau khi được khỏi bệnh đã thể hiện lòng biết ơn của mình đối tiên tri Êlisa. Không những thế, ông đã quyết tâm chỉ thờ một mình Chúa của Êlisa mà thôi, ông nói: “Từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác” (x. 1V 5,17). Bài đọc II, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy, mặc dầu bị thử thách giam cầm tù tội, nhưng Ngài vẫn ca tụng Thiên Chúa và trung kiên với Ngài. Bài Tin Mừng kể lại câu chuyện 10 người phong cùi đến xin Chúa chữa lành. Sau khi tất cả họ được khỏi bệnh, người Samari đến tạ ơn Đức Giêsu. Chỉ có 1/10 người đến tạ ơn, quá ít ỏi, nhưng tấm gương người ngoại đạo Samari nhắc nhở cho mọi người chúng ta qua mọi thời đại, đặc biệt các kitô hữu ý thức hơn về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Chúng ta cũng có thể noi gương lòng biết ơn của Đức Giêsu. Cả cuộc đời của Ngài là lời tạ ơn liên lỉ dâng lên Chúa Cha. Chẳng hạn, Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi cho Lazarô sống lại (Ga 11,41-42); Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi hóa bánh ra nhiều (x. Mt 15,36); Ngài tạ ơn Chúa trước khi lập Bí tích Thánh Thể (1Cr 11, 24)…
Chúng ta cũng có thể noi gương lòng biết ơn của Đức Maria. Khi Mẹ được Thiên Chúa đoái thương, tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, đặc biệt khi bà Eelizabeth ca ngợi mẹ, Mẹ đã cất cao bài ca Magnificat để cảm tạ Chúa Cha đã thương đến Mẹ, thương đến nhân loại: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu” (Lc 1,49).
Chúng ta cũng có thể noi gương lòng biết ơn của Thánh Phaolô Tông đồ. Trong các thư, Ngài thường xuyên nhắc cho các tín hữu phải biết thể hiện tâm tình tạ ơn. Chính Ngài cũng đã làm gương điều đó khi nói: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 1,4).
Ngoài lòng biết ơn đối với Thiên Chúa chúng ta còn phải thể hiện lòng biết ơn giữa con người đối với nhau. Bởi vì, chúng ta sống là sống với, sống cùng. Hơn nữa, chúng ta là những chi thể trong thân thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm liên đới với nhau, giống như các bộ phận trong một thân thể cần đến nhau: mắt cần đến tay, đầu cần đến chân…(x. 1Cr 12, 12-30). Khi chúng ta cần đến nhau thì đồng nghĩa là chúng ta phải biết ơn nhau. Biết ơn cha mẹ: Vì, Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Ca dao có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Biết ơn những người đã giúp chúng ta lớn trên về mặt tri thức, như thầy cô giáo. Biết ơn những người đã giúp đỡ chúng ta lớn lên về đời sống tâm linh, như cha xứ, thầy cô giáo lý viên. Biết ơn những người cách này hay cách khác đã giúp chúng ta về đời sống tinh thần cũng như vật chất…Thể hiện lòng biết ơn có thể bằng nhiều cách khác nhau: bằng lời nói, bằng gói quà, trở thành con người có ích cho gia đình, cho Giáo Hội và xã hội. Khi chúng ta thể hiện lòng biết ơn như thế, là chúng ta đang giữ được nét đẹp của cuộc sống, và chu toàn bổn phận của mình. Như cổ nhân thường nói : “Uống nước nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”
Trong thực tế, nhiều khi chúng ta quên mất nghĩa cử tạ ơn và cám ơn mà thường thì chỉ tập trung vào việc xin ơn và nhận ơn mà thôi. Khi xin ơn, chúng ta thường hứa với Chúa đủ điều, nhưng khi nhận ơn rồi, thì chúng ta quên đi những lời thề hứa với Chúa và với anh em.
Suy tư đến đây, tôi nhớ lại một bài viết của Đức Cha Bùi Tuần với tựa đề “Tôi rất thích chó,” trong tác phẩm: “Nói với chính mình”. Ngài chia sẻ: “Tôi có một con chó, mỗi khi tôi gọi nó, nó mừng tôi, mỗi khi tôi cho nó uống nước hay cục xương, nó mừng tôi và, mỗi khi tôi đi đâu về, nó cũng ngo ngoe cái đuôi để mừng tôi. Mặc dù nó không có khái niệm về hai chữ ‘biết ơn’, nhưng khi nó mừng như vậy, tôi hiểu ý là nó muốn nói lời cám ơn tôi. Và ngài kết luận: “Thật buồn thay vì có nhiều người không biết ơn bằng chó, mà thậm chí còn lấy oán để đền ơn nữa.”
Chính vì lý do trên, nên người ta thường gọi những kẻ không biết ơn là “đồ vô ơn.” Ca dao Việt Nam cũng có câu:
Trách ai được cá quên nơm,
Được chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.
Chính Đức Giêsu khi thấy chỉ có một người trong 10 người phong cùi trở lại cám ơn sau khi được Ngài chữa khỏi bệnh, cũng đã xót xa thốt lên rằng: “Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18).
Lạy Chúa, chúng con đã nhận lãnh biết bao ơn lành của Chúa, của thân nhân, ân nhân…Xin Chúa đón nhận nơi chúng con lòng biết ơn chân thành và nhờ Chúa trả công bội hậu cho những người đã làm ơn cho chúng con. Amen
CHÀO ĐÓN
Lm Vũđình Tường
Cởi mở và chào đón đi chung với nhau. Trái với cởi mở là khép kín. Cởi mở đón nhận người và đó cũng là cách người đón nhận ta. Một tấm lòng và tâm hồn cởi mở là tấm lòng và tâm hồn sẵn sàng đón nhận những điều mới lạ, sẵn sàng tiến vào những nơi ở đó vừa có thánh đố lại hứa hẹn những khám phá mới ngạc nhiên, thích thú. Tấm lòng và tâm hồn cởi mở sẵn sàng vượt qua mọi biên giới trước đây của tập tục, văn hoá hay những chướng ngại, rào cản nhân danh thuần phong, mĩ tục để chống lại thay đổi. Cởi mở để đón nhận nền văn hoá khác, tư tưởng khác, lối sống khác, từ đó khám phá ra cái hay, cái tốt đẹp, tinh tuý của các nền văn hoá khác nhau. Như thế cởi mở đồng nghĩa với học hỏi làm giầu cho đời sống tinh thần và đời sống nội tâm. Thiếu cởi mở biến những gì hiện đang có trở nên cũ rich, khô cằn, cứng ngắc, đồng thời chối bỏ những cơ hội tìm tòi, học hỏi. Cuộc sống mới đòi hỏi thay đổi luôn và thiếu thay đổi là đi giật lùi bởi người ta tiến mình ngừng. Không chấp nhận thay đổi luôn tự hào những gì mình đang có là tốt nhất, hay nhất là một hình thức kiêu ngạo mà kiêu ngạo bị Thiên Chúa quở phạt.
Về phương diện đức tin thay đổi là điều không thể tránh được. Cần phải thay đổi trong phụng vụ và thánh nhạc với ngôn ngữ thời đại để thế hệ đang sống có thể cảm được điều họ đang hát, đang nghe. Thay đổi cách cầu nguyện để tâm đạo trưởng thành hơn, chiều sâu nội tâm tốt hơn, vững chắc hơn thay cho cầu nguyện bằng hình thức bề ngoài. Thay vì giữ đạo biến thành hành đạo để đời sống đạo trở nên thực tiễn hơn, hữu ích hơn. Hành đạo qua hình thức phục vụ như bài Phúc Âm hôm nay mời gọi Kitô hữu hãy phục vụ. Coi phục vụ Chúa và tha nhân là một đặc ân. Quan niệm phục vụ là hầu hạ người khác là quan niệm xã hội. Kitô hữu cần quan niệm phục vụ qua việc thực thi bác ái, yêu thương là một đặc ân, là việc làm tốt, đáng hãnh diện bởi phục vụ chính là đường lối của Đức Kitô khi Ngài nói với các môn đệ
Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Mat 20,28
Thánh Thần Chúa sinh hoạt rất mãnh liệt trong các thay đổi trong Giáo Hội và qua đời sống chiêm niệm và cầu nguyện bởi vì Thánh Thần Chúa tiếp tục hướng dẫn đời sống Kitô hữu. Thay đổi để chấp nhận những mặc khải mới của Thiên Chúa bởi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ta qua giáo huấn của Đức Kitô, qua các bí tích thánh và biến cố cuộc đời. Qua chiêm niệm cầu nguyện tâm hồn cảm thấy bình an và yên tĩnh. Chính trong cái thinh lặng đó Thiên Chúa nhỏ nhẹ nói với tâm hồn ta. Chính bình an trong tâm hồn là một đặc ân, lòng thanh thản là quà tặng. Thuốc tâm linh giúp xả những nhọc nhằn lo lắng nhờ vào phương pháp chiêm niệm, vui hưởng bình an nội tâm. Đức Kitô nói với môn đệ và chúng ta giáo huấn của Ngài sâu rộng sẽ được Đấng Ngài sai đến sẽ hướng dẫn Kitô hữu hiểu hơn mãi. Như thế công việc của Thánh Thần là tiếp tục hướng dẫn, tiếp tục mặc khải Gn 14,26.
Cởi mở và tin tưởng đi chung với nhau bởi thiếu tin tưởng nên không dám cởi mở. Tin tưởng bao gồm cả việc tự tin vào khả năng và nhận thức mình để đón nhận thay đổi. Đức tin sống động không phải là tin mãnh liệt vào Thiên Chúa mà chính là sống đời sống đức tin, thực hành điều niềm tin qua hành động bác ái, yêu thương. Thiếu hành động bác ái, yêu thương thiết thực niềm tin trở thành lí thuyết. Đời sống Kitô hữu đòi lí thuyết và thực hành đi song hành; không thể thiếu một trong hai. Đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa giúp an ủi rất nhiều khi cuộc sống gặp phải khó khăn bởi đức tin nâng đỡ, an ủi, ban hy vọng trong hoàn cảnh khó khăn. Thiếu đức tin người ta dùng vật chất, của cải bảo đảm cho tương lai vì thế họ không dám chia sẻ những gì đang có, cố gìn giữ, bảo vệ và tích trữ cho tương lai bởi họ tin vào vào sức mạnh của tiền tài. Đức tin mạnh mẽ giúp chia sẻ, ban phát vì có Thiên Chúa làm gia nghiệp cho tương lai.
TRỌN ĐỜI TRI ÂN
Theo Coconuts Bangkok, chàng Klanarong Srisakul vừa tốt nghiệp đại học Chulalongkorn danh tiếng tại Thái Lan. Anh bất ngờ nổi tiếng trên mạng nhờ khoảnh khắc quỳ gối cảm ơn bố. Theo đó, bố Klanarong là công nhân vệ sinh, chuyên chở rác tại địa phương. Hình ảnh kèm dòng trạng thái về bố của Klanarong Srisakul trên trang cá nhân hiện thu hút 86.000 like và 11.000 chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận tỏ ra xúc động.
Chàng trai viết: “Khi còn là một đứa trẻ, không biết bao nhiêu lần tôi đã cảm thấy xấu hổ về người bố lam lũ của mình. Tại sao ông không mặc đồng phục đẹp đẽ hơn, như của cảnh sát hay quân nhân. Bố tôi chỉ học đến lớp 4, vì thế ước mơ lớn nhất của ông là tôi được đi học. Ông nói với tôi, gia đình chẳng có bất cứ tài sản gì, nhưng ông có thể cho tôi đến lớp. Tôi muốn trở thành người lính, nhưng không thể vượt qua kỳ thi đầu vào. Tôi phát hiện ra rằng, cha tôi đã khóc thầm.”
Klanarong tâm sự, bố đã hy sinh cả đời, mày mò với công việc dọn rác, mà khi bé anh từng cho là dơ bẩn, không đáng trân trọng. Nhưng cũng chính những đồng tiền bố làm ra, đã cho anh ăn học và thực hiện được ước mơ vào giảng đường đại học.“Cảm ơn bố đã đồng hành cùng con trong mọi chặng đường. Con xin nói lên lời cảm ơn và mong bố sẽ hạnh phúc, khi thấy con khôn lớn, báo hiếu sau này,” anh nói. (Phan Trai Úc, Chàng trai quỳ trước người bố nghèo để tỏ lòng biết ơn)
Lòng biết ơn của chàng tân cử nhân Klanarong Srisakul hẳn rất có ý nghĩa cho Kitô hữu tỉnh táo thoát cơn mê bạc bẽo, bất hiếu, lạnh lùng, vô cảm, vô ơn đối với Chúa Quan Phòng. Ngài luôn ân cần, chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ từng giây phút cuộc đời từng người. “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi.” (Lc 12, 7)
Tin Mừng hôm nay thuật lại mười người phong được Đức Giêsu cứu chữa, mà chỉ duy nhất một người quay lại tạ ơn. Trớ trêu thay, người đó lại là người Samaria bị rẻ rúng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này.”
Biết ơn
Thánh Phanxicô Assisiô chiêm ngưỡng thiên nhiên xinh đẹp, hết lòng tán dương Thiên Chúa: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, với muôn loài thọ tạo, đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời. Anh là ánh sáng ban ngày, nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi. Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời. Anh tượng trưng Ngài, lạy Đấng Tối Cao…” (Bài Ca Mặt Trời)
Chúa Quan Phòng luôn thương ban muôn hồng ân cho vạn vật an nhiên tự tại, sinh sôi nảy nở, hài hoà, trật tự, phát triển bền vững: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng, không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng.” (Mt 6, 26)
Với con người, Thiên Chúa còn ưu đãi hơn, còn ban đời sau hạnh phúc viên mãn. “Hãy tìm kiếm Nước Trời trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi.” (Mt 6, 33)
Hàng ngày, biết bao ơn lành Chúa thương ban, như cơm ăn áo mặc, được bình an đi lại, yên ổn trong gia đình và cuộc sống, nhưng người Kitô hữu liệu có ý thức được mình hàm ơn Chúa, hay kiêu căng, tự hào, tự phụ rằng, mình tài năng, giỏi giang, thông minh, khôn khéo, thành đạt, mới được trong ấm, ngoài êm?
Thánh Inhaxiô nói: “Tội lớn lao hơn cả là tội vô ơn.” Cám ơn là dấu chỉ của lòng tin, là biểu hiệu lòng khiêm nhường, lòng tôn kính đấng gia ơn. Đức Giêusu thân thương nói với người phong cùi biết ơn, đang sụp lạy dưới chân Ngài: “Anh hãy đứng dậy mà về, vì lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Tạ ơn
Biết ơn là mới chỉ là nhận thức ban đầu, cần kèm theo hành động cụ thể, biểu lộ tấm lòng chân thành tạ ơn, tấm lòng con thảo hiếu với Người Cha Nhân Từ, bằng lời cầu nguyện biết ơn, cảm tạ, chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh Đấng Chí Thánh. “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.” (Tv 103,2)
Cảm tạ không phải là cứ khua môi múa mép, đọc cho to, đọc nhiều kinh, đọc liên miên, không ngơi nghỉ, mà cần dốc lòng biểu lộ ý nguyện thành kính tạ ơn.“Anh em hãy để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ.” (Cl 2, 7) Can đảm làm chứng nhân giữa cõi đời đang từ chối Chúa, chống đối Chúa, như hiên ngang noi gương người khỏi bệnh, quay lại sấp mình tạ ơn Chúa. “Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người.”
Làm ơn
Điều kiện tiên quyết để được Chúa xót thương, là trở nên khiêm hạ, nhận thức mình phàm hèn, hư hỏng, yếu đuối, tội lỗi, chân tình khẩn cầu Lòng Thương Xót, như dụ ngôn người thu thuế, vào Đền Thờ đấm ngực thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18, 13) Nhưng để được Chúa cứu giúp, thì Kitô hữu cần thiết quảng đại xót thương tha nhân. “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7)
Nếu không làm ơn, xót thương tha nhân, thì tất nhiên chẳng được ban ơn tha thứ, như dụ ngôn người mắc nợ không biết xót thương: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.”(Mt 18, 32-34)
Được Chúa thương chữa lành, người Kitô hữu vốn liên đới mật thiết, có bổn phận và trách nhiệm giúp đỡ, mời gọi người khác cũng được Chúa cứu chữa, cả phần xác lẫn phần hồn. Vì tất cả mọi người đều là chi thể duy nhất của Đức Giêsu Kitô. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15, 12)
“Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thể theo lòng hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống, nhờ sự Phục Sinh từ cõi chết của Đức Giêsu Kitô.” (1P 1: 3) (Đường Hy Vọng, số 949)
Lạy Chúa Giêsu, nhờ Lòng Thương Xót, khấn xin Chúa luôn cứu chữa chúng con khỏi chứng bệnh phong tâm hồn, những đam mê, ham muốn bất chính, những thói hư tật xấu đã di căn vào xương tuỷ, máu huyết chúng con.
Khấn xin Mẹ đoái thương cầu bầu chúng con luôn biết ơn Chúa, luôn tạ ơn Chúa, cũng như luôn làm ơn với mọi người, như Chúa luôn xót thương chúng con. Amen.
ĐỪNG CÓ VÔ ƠN
Bị mắc bệnh phong cùi, căn bệnh làm cho người ta trở nên ô uế, tội lỗi, bị xa nhà xa cả người thân, địa phương xa lánh người gần người xa, khiến người bệnh cay đắng cực lòng. Dẫu biết rằng, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể chữa lành. Nay nghe biết có Đức Giêsu thành Nagiarét đã cho con gái bà góa thành Naim sống lại (x. Lc 7, 11-17) sắp đi qua. Mười người phong cùi đồng thanh cất tiếng kêu xin lòng thương xót, tiếng họ kêu mang theo niềm hy vọng được chữa lành : “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi !” (Lc 17, 13). Tiếng kêu của họ vượt qua không gian, phá vỡ ngăn cách, nhất là vọng thấu tới tai Đấng là Lòng Thương Xót. Quả thật, Lòng Thương Xót đã thấy họ trước. Người không đến gần để chạm vào họ như Người vẫn làm khi chữa bệnh ; Người cũng không phán lời nào thể hiện quyền năng trên căn bệnh quái ác này. Người ra lệnh tẩy sạch bệnh phong cùi đơn giản bằng cách bảo họ đi đến Đền thờ trình diện các tư tế lúc họ chưa được lành sạch. Đúng là niềm tin của họ bị thử thách! Ông Naaman thời Êlisê phải tắm tới bẩy lần ở sông Giođan mới được khỏi. Mười người được Chúa Giêsu bảo đi trình diện các thầy tư tế, họ không phản đối, họ làm như lời Người truyền, đức tin của họ thật gương mẫu, niềm hy vọng của họ thật lớn lao giúp chúng ta noi theo. Vâng lời Chúa Giêsu, họ lên đường và đang đi thì họ được điều họ xin. Tuy nhiên, chỉ có người Samaria quay trở lại với Chúa Giêsu “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 17,15).
Sự chữa lành chín người bệnh kia đã không thay đổi được nhận thức của họ về Thiên Chúa và Chúa Giêsu, dĩ nhiên tất cả mười người đều lành sạch, nhưng chỉ có người Samaria mới nghe được Chúa Giêsu nói: “lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc 17, 19).
Những người kia không thể giải thích nổi dấu chỉ chữa lành họ là lời mời gọi trả lại Chúa Giêsu là Đấng có quyền trên sự dữ không chỉ thể xác mà cả linh hồn họ. Họ không biết được rằng việc chữa bệnh thể xác là lời hiệu triệu của Thiên Chúa gửi đến cho họ, không nên ở xa, phải tiến lại gần Chúa Giêsu để nhận lãnh nhiều hơn sự khỏe mạnh phần xác là tình yêu và ơn cứu độ mà chỉ mình Người có thể ban tặng cho chúng ta.
Cả mười người phong cùi được sạch, nhưng chỉ có một người đi đến cùng việc chữa trị căn bệnh là được cứu. Người ta có thể nói rằng chín trong số mười người phong cùi cần một người cứu hộ, chỉ có người thứ mười nhận ra Chúa Giêsu là Vị Cứu Tinh. Các nhân viên cứu hộ là y tá, bác sĩ, và các dịch vụ cấp cứu, xe cứu thương thì có nhiều. Nhưng vị cứu tinh chỉ có một là : Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự vô ơn của đa số nhân loại qua việc chữa lành mười người phong cùi. Dầu Chúa đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Thiên Chúa; mà người đó lại là một người dân ngoại Samaria! Ôi đau đớn và tệ bạc thay! Đến nỗi Chúa phải đau lòng thốt lên, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18).
Chúng ta không biến Chúa Giêsu thành “người cấp cứu” như chín người phong cùi trong Tin Mừng hay ông Naaman người Syria, lấy làm khó chịu khi theo quy định của Êlisa đi tắm ở sông Giorđan một điều vô thưởng vô phạt.
Người Samaria cảm thấy rất rõ cách thức chữa bệnh của Chúa Giêsu mà anh là người được hưởng : anh trở lại với Chúa Giêsu, sấp mình dưới chân và “tạ ơn Người” (Lc 17,16).
Anh không trở lại để thanh toán một món nợ : cũng không hành động như Naaman người Syria xin Êlisê nhận lấy phần phúc, và xin dâng lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa (x. 2V 5, 14-17). Ơn nhưng không của Thiên Chúa được ban cho viên sĩ quan ngoại giáo, kẻ thù của Israel, giúp chúng ta khám phá ra đơn giản chỉ là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân ngoại. Người Samaria, một thành viên của dân được coi là dị giáo đối với người Do Thái hiểu rằng sự chữa lành anh là một ân sủng của Thiên Chúa ; hay vẫn nói là những người biết ơn, biết phục vụ, món quà của tình yêu. Khi anh trở lại bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu của mình với Chúa Giêsu. Chính sự gắn bó cá nhân khiến anh trở thành môn đệ Người.
Ngày nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta, thấy những câu chuyện đau lòng như con giết cha, hại mẹ, bỏ nhà đi, đánh đuổi cha mẹ, ấy chưa nói tới người coi trời bằng vung, hoặc sống như thể không có Thiên Chúa. Con người hôm nay đang bị lu mờ sự biết ơn trong tâm khảm mình.
Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do : vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có ; họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn.
Lòng biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ. Tạ ơn là lời cầu nguyện tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể dùng. Lời tạ ơn thể hiện lòng biết ơn, sự khiêm tốn và hiểu biết. Noi gương người Samaria biết cám ơn người làm ơn cho chúng ta. Amen.
XIN DỦ LÒNG THƯƠNG TÔI
Sưu Tầm ns-dmhcg
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đang ở biên giới giữa hai vùng đất; dân Thiên Chúa và dân ngoại. Giữa ranh giới về mặt địa lý ấy, 10 người phong cùi đã nài xin Chúa chữa lành cho mình: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi.” Họ không xin được chữa lành, nhưng xin được “dủ lòng thương,” nghĩa là được chữa lành một cách toàn vẹn, trên thân xác và trong linh hồn.
Thời ấy, bệnh phong cùi bị coi như một hình thức chúc dữ của Thiên Chúa, của sự ô uế sâu xa trong tâm hồn và ngoài thân xác. Người phong cùi phải ở xa tất cả mọi người. Họ không thể đến đền thờ và tham dự việc thờ phượng Thiên Chúa. Như thế họ vừa bị xa cách con người và cả xa cách Thiên Chúa. Họ thật đáng thương! Và lúc này họ xin Thiên Chúa “dủ lòng thương!”
Tuy nhiên mười người phong cùi này không chịu an phận đối với bệnh tật vốn bị coi như định mệnh, cũng như chịu áp đặt bởi lề luật khiến mình trở thành những kẻ bị loại trừ. Họ đã chủ động “đón gặp Đức Giêsu.” Họ đã vượt con mọi ranh giới sợ hãi nếu vi phạm luật lệ để gặp Chúa và xin Chúa “dủ lòng thương.” Đây là một hành động diễn tả đức tin và lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Họ nhìn nhận quyền năng chữa lành của Ngài. Họ tin chắc rằng chỉ có Ngài mới có quyền chữa lành cho mình và họ cậy dựa vào lòng xót thương của Chúa.
Đức tin và đức cậy là sức mạnh giúp họ vượt qua những tường ngăn của lề luật để đón gặp Chúa và thưa lên: “Lạy Thầy Giêsu , xin dủ lòng thương chúng tôi.” Như thế khi chúng ta đến với Chúa Giêsu, không cần phải nói những lời dài dòng. Chỉ cần ít lời thôi, miễn là nhữnglời ấy phải được đi kèm với lòng tin tưởng tràn đầy vào Đấng quyền năng và lòng thương xót nơi Ngài. Tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa có nghĩa là phó dâng đời mình cho lòng thương xót vô biên của Ngài.
Chúa Giêsu đã nghe thấy tiếng khẩn nài của họ. Ngài đã động lòng thương trước lòng tin và lòng cậy trông nơi họ. Thánh sử Luca ghi nhận cách ngắn gọn ở chỗ này: “Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: Hãy đi trình diện với các tư tế.”
Theo quy định của lề luật, các tư tế có chức năng xác nhận tình trạng khỏi bệnh của những người phong cùi và cho phép họ tái hòa nhập vào sinh hoạt đời sống thường nhật và tôn giáo. Vì thế, chỉ khi đã được khỏi bệnh, các bệnh nhân mới đi trình diện với các tư tế, chứ không phải trước đó. Rõ ràng lệnh truyền này của Chúa Giêsu là một thách đố niềm tin đối với mười người phong cùi. Và quả thực, khi họ tin tưởng mà lên đường, thì họ đã “được sạch đang khi đi trình diện.” Chính sự vâng phục đối với lệnh truyền của Đức Giêsu đã đem lại cho họ sự chữa lành.
Chúng ta được mời gọi khiêm tốn nhìn nhận tình cảnh của chính mình nơi mười người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là tình cảnh “cùi tâm linh.” Như bệnh phong cùi, ban đầu tâm linh chỉ xuất hiên những tổn thưởng nho nhỏ, nhưng rồi với thời gian, nó trở nguy hiểm tàn phá cả con người. Thứ đến bệnh phong cùi chính là yếu tố làm cho bệnh nhân mặc nhiên trở thành một “phe nhóm,” trộn lẫn giữa dân Thiên Chúa lẫn dân ngoại… Cuối cùng, bệnh phong cùi làm cho bệnh nhân xa cách, ở bên lề cộng đồng xã hội và tôn giáo.
Đó cũng có thể là từng bước trong tình trạng tâm linh của chúng ta. Những tham vọng, những toan tính, thói đời, đam mê xấu ban đầu nhỏ thôi nhưng với thời gian chúng sẽ lớn lên và tàn phá tâm hồn mình, khiến chúng tat ha hóa. Sau cùng chúng làm ta xa cách Thiên Chúa và nhân loại, thờ ơ và dửng dưng trước mọi vấn đề của cuộc sống.
Chúng ta cũng hãy khiêm tốn nài xin Chúa giúp ta vượt qua ranh giới tâm linh chai cứng để đến với Chúa xin ơn “dủ lòng thương” như mời người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay. Và chắc chắn bằng sức mạnh nơi lòng thương xót vô biên, Ngài sẽ chữa lành chúng ta, cho dù rất nhiều khi chúng ta chẳng hề cảm nghiệm được chính lòng thương xót ấy.
Điều kiện để được chữa lành là chúng ta phải tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Sẵn sàng làm theo lời Ngài, dù chưa hề thấy kết quả trước mắt. Mười người phong cùi trong bài Tin Mừng đã tin tưởng và cậy trông như thế cho nên “đang khi đi thì họ được sạch.” Amen.
[/fruitful_tabs]