- Video thánh vịnh Đáp ca-tam linh vao doi
- Con mắt đức tin của anh mù-Lm Giuse Đinh lập Liễm
- Xin cho con đừng thấy-Lm Nghĩa
- Chúng ta là môn đệ của ông Mô sê-Khổng Nhuận
- Suy tư tin mừng-Mai Tá dịch
- Chuyện phiếm-trần ngọc mười hai
- Thấy Chúa cách nào thì ta mới tin?-Tuyết Mai
- Sáng mắt sáng hồn-Am Trần Bình An
- Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
- Đức Khiêm nhường theo kinh thánh-Trầm Thiên Thu
- Chúa Là Nguyên Nhân Của Niềm Vui-Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
- Điều kiện kèm theo-Lm Vũđình Tường
- Mù và sáng-Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
- Bước nhảy của niềm tin-Lm Giuse Nguyễn Hữu An
- suy niệm Chúa nhật-Lm Anthony Trung Thành
- Bây giờ tôi đã thấy-Lm Mark Link, S.J.
- Theo Chúa sẽ tới được ánh sáng-Lm Carôlô Hồ Bạc Xái
- Chúa vẫn trung thành mãi-Lm Vũ Xuân Hạnh
- Thầy là ánh sáng thế gian-Lm Đan Vinh
- Xin Chúa soi dọi ánh sáng Lời Chúa vào nơi tăm tối của linh hồn chúng ta-Lm. Jude Siciliano, OP
- Khi Chúa chữa người mù-Lm Jb Nguyễn Minh Hùng
- Ánh sáng-Lm. Giuse Trần Việt Hùng
- Xin Mở Mắt Con-Lm Jos. Tạ Duy Tuyền
- Title 3
VIDEO THÁNH VỊNH ĐÁP CA
tam linh vao doi
Kính gởi quý vị – đặc biệt là quý ca trưởng
Lời dẫn và Đáp ca bằng Video
Chủ Nhật 4 Mùa Chay Năm A
https://www.youtube.com/watch?v=1K-bD2UIGYg
Và bài Thánh ca của LM La Thập Tự
Rất quý mến
Tamlinhvaodoi
CON MẮT ĐỨC TIN CỦA ANH MÙ
Lm Giuse Đinh lập Liễm
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A
+++
- DẪN NHẬP.
Khoa học ngày nay đã thu được những bước tiến đáng kể nhằm phục vụ đời sống con người. Riêng ngành y học đã tìm ra được những phương pháp tân kỳ để khống chế bệnh tất, nhưng bệnh tật cũng chưa giảm được bao nhiêu. Bệnh mù lòa vẫn còn thống trị trên thế giới, hiện nay trên thế giới còn khỏang 13 triệu người mù. Người mù là bệnh nhân rất đáng thương vì họ luôn phải sống trong đêm tối. Không có đức tin, người ta dễ thất vọng trong cảnh sống này. Văn hào Montferland đã tự tử vì không chịu được cảnh sống như vậy.
Đức Giêsu tỏ ra thông cảm với những người ở trong tình trạng xấu số như vậy. Một hôm, đi ngang qua, Ngài thấy một anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Mặc dầu chưa cần phải xin, Ngài đã nhổ nước miếng xuống đất, nhào thành bùn bôi vào mắt anh, rồi bảo anh hãy đi rửa ở hồ Siloê, anh đã làm và anh được sáng mắt. Chính việc Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sabbat đã làm cho nhóm biệt phái tức giận, mở cuộc điều tra rộng rãi và cặn kẽ nhằm phủ nhận phép lạ này. Nhưng kết quả là nhóm biệt phái phủ nhận phép lạ, không tin Đức Giêsu, lại còn đi sâu vào sự mù tối; còn anh mù được khỏi bệnh đã cương quyết khẳng định phép lạ này và còn tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu thế :”Lạy Thầy, con tin”.
Mỗi người trong chúng ta đều có hai con mắt để nhìn, để thấy những sự vật chung quanh. Ai không có khả năng trông thấy thì gọi là mù. Tuy nhiên, chúng ta có hai cặp mắt : cặp mắt thể xác và cặp mắt tinh thần hay đức tin. Cặp mắt thân xác chỉ cung cấp cho chúng ta được cái nhìn của lòai người, chỉ thấy những gì tỏ lộ ra bên ngòai như trường hợp ông Samuel xức dầu cho Eliab một người cao lớn khỏe mạnh theo cặp mắt xác thịt của ông. Còn cặp mắt đức tin cung cấp cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa như trường hợp ông Samuel biết xức dầu cho Đavít; và anh mù nhờ cặp mắt đức tin mà nhận ra và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Cặp mắt đức tin này quan trọng hơn vì nó giúp chúng ta xem điều gì đẹp lòng Chúa (Ep 5,9).
- TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : 1Sm 16,1b.6-7.10-13.
Lúc đầu dân Do thái chỉ có các phán quan cai trị, sau này dân chúng muốn tìm cho mình một ông vua để cai trị. Vị vua đầu tiên được chọn là Saul, nhưng vị vua này chỉ giải quyết vụ việc theo quan điểm chính trị và ý riêng hơn là ý Chúa, nên Chúa bỏ ông và thay thế bằng một vị vua khác đẹp lòng Ngài hơn.
Chúa truyền cho ông Samuel đến nhà ông Giêsê để xức dầu phong một người khác làm vua. Giêsê có 8 người con trai, lúc đầu ông xức dầu cho Eliab, một người cao lớn khỏe mạnh, nhưng Chúa không đồng ý và bảo :”Không phải người phàm nhìn sao, Thiên Chúa cũng nhìn thế, bởi vì người phàm chỉ trông thấy điều lộ trước mắt, còn Giavê trông thấy điều ẩn kín trong lòng (1Sm 16,7). Sau cùng, Samuel chọn Đavít để xức dầu, một đứa con nhỏ nhất mà ban đầu Giêsê coi thường, không giới thiệu.
+ Bài đọc 2 : Ep 5,8-14.
Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Ephêsô hãy từ bỏ nếp sống cũ là sống trong giả dối và tội lỗi để được làm con của ánh sáng; đồng thời hãy sống theo giáo huấn của Đức Kitô là ánh sáng đích thực :
-“Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng (c. 8).
-“Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật (c. 9).
-“Anh em hãy nhìn xem điều gì đẹp lòng Chúa (c. 10).
Lời thánh Phaolô trong bài đọc này :”Hãy thức dậy, đừng mê ngủ nữa”, chính là lời nói với các Kitô hữu hôm nay.
+ Bài Tin mừng : Ga 9,1-41.
Trình thuật việc Đức Giêsu chữa mắt cho người mù từ bẩm sinh khá dài. Có rất nhiều chi tiết và mỗi chi tiết có một ý nghĩa riêng. Các thánh Giáo phụ đã cắt nghĩa nhiều về vấn đề này, nhất là việc “lấy bùn hòa nước bọt xức mắt người mù”. Nhưng tựu trung, tất cả mọi hành vi đó là dấu chỉ để mọi người tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin như thế mà người ta có sự sống.
Như vậy, cùng một lúc Đức Giêsu làm hai phép lạ : chữa cặp mắt thể xác cho anh mù có cái nhìn của lòai người, và chữa cặp mắt đức tin cho anh này có cái nhìn Thiên Chúa. Trong hai phép lạ chữa mắt thì việc chữa mắt đức tin quan trọng hơn vì nhờ cặp mắt này mà người mù đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và đã tuyên xưng :”Lạy Thầy, con tin”, rồi anh sấp mình trước mặt Ngài (Ga 9,37).
- THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Xin cho con sáng mắt sáng lòng.
- ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa một người mù tự thuở mới sinh. Mới nghe qua, chúng ta thấy không có vẻ gì khác với các phép lạ khác mà Đức Giêsu đã làm. Tuy nhiên, đối với thánh Gioan, việc Đức Giêsu làm phép lạ không chỉ đơn thuần là một phép lạ, nhưng đó là một dấu chỉ, để từ đó khơi dậy niềm tin và củng cố niềm tin cho các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay. Điều này đã được chính vị thánh sử quả quyết trong lời kết sách Tin mừng của mình :”Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng : Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20,31).
Thánh Gioan với một ngòi bút rất linh động đã mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người mù từ thuở mới sinh. Câu chuyện gặp gỡ và chữa người mù này có thể được chia làm ba phần :
- Sự kiện chữa người mù.
Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một ngừời mù từ mới sinh ngồi ăn xin bên vệ đường. Các môn đệ cũng thấy thế và nêu lên ngay thắc mắc của các ông cũng như của mọi người Do thái thời bấy giờ vì theo họ, bệnh tật đều do tội mà ra :”Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” ? Đức Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ nói :”Chuyện đó xẩy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.
Thánh Gioan mô tả việc chữa bệnh này bằng vài dòng vắn tắt, nhưng đầy ý nghĩa tượng trưng :”Nói xong, Đức Giêsu nhỏ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta :”Anh hãy đi đến suối Siloê mà rửa (Siloê có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được”(Ga 9,6-7).
- Mở cuộc điều tra rộng rãi.
Nhóm biệt phái không tin nên mở cuộc điều tra rộng rãi và cặn kẽ, từ đương sự đến những người láng giềng và cả cha mẹ đương sự nữa. Nhưng phép lạ quá hiển nhiên không thể chối cãi được vì chính đương sự khẳng định điều đó. Kết quả là : Đức Giêsu là Đấng quyền năng mở mắt kẻ đui mù. Nhưng làm sao họ chấp nhận được ? Vì chấp nhận tức là chối bỏ tất cả tòa nhà đạo giáo của họ. Nên họ quyết định gạt bỏ một sự thật hiển nhiên và gây khó dễ cho đương sự. Tuy thế, anh không sợ cường quyền, cương quyết phân bua :”Xưa nay chưa từng nghe nói có ai mở mắt một người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì không làm được gì”.
- Đức tin của anh mù.
Vì lập trường cương quyết của anh mù tin vào Đức Giêsu, nên anh bị trục xuất khỏi hội đường. Nhưng Đức Giêsu đâu có bỏ anh ? Ngài xuất hiện với một sáng kiến mới :”Biết họ đã trục xuất anh, Ngài đến gặp anh”. Và cuộc đối thọai với anh mù đã được lành dẫn anh đến việc tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là “Con Người” :”Lạy Thầy, con tin”, anh tuyên xưng và “sấp mình xuống trước mặt Ngài”.
Qua sự việc này, A. Marchadour giải thích :”Đức Giêsu đã đưa anh qua một giai đọan quyết định, từ một “Giêsu tiên tri” đến một “Giêsu là Con Người”, Đấng Cứu Thế đưa anh vào cộng đồng của thời kỳ cuối cùng… Người mù sấp mình xuống trước “Con Người”, nhận ra thiên tính của Ngài, bởi vì theo thánh Gioan, sự thờ lạy chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa… và danh xưng Chúa (Seigneur) nói lên căn tính thần linh của Đức Giêsu. Nhận ra Đức Giêsu như là Đấng mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa, việc thờ lạy Ngài là đỉnh cao của cuộc hành trình của anh mù (Fiches dominicales A, tr 92).
Việc chữa lành người mù này chia ra thành hai hạng người với hai lập trường trái ngược nhau : tin và không tin nhận Đức Giêsu là Chúa.
- Potin kết luận : “Trong lúc người mù được thấy, người Do thái lại lao mình vào sự mù tối. Những dấu lạ Đức Giêsu làm cho họ thêm cứng lòng. Họ tưởng mình biết vì cho rằng mình biết Maisen và Lề Luật cấm chữa bệnh vào ngày Sabbat. Thật ra họ từ chối ánh sáng thật. Với Đức Giêsu, thảm trạng này làm thành một trường hợp phải đặt thành “vấn đề” trong tiến trình ý định của Thiên Chúa, bởi lẽ những người không tin, người ngọai tìm thấy ánh sáng cho đức tin vào “Con Người”, trong lúc đó, những kẻ “thấy”, những người Do thái lại trở nên mù tối, bị lóa mắt vì những sự thật giả dối của họ. Đức Giêsu nói :”Vì thế họ ở trong tội lỗi của họ” (Fiches dominicales A, tr 93).
- CHÚA CHỮA CHÚNG TA KHỎI MÙ TINH THẦN.
- Nói về bệnh mù.
Tuy khoa học nói chung và ngành y học nói riêng đã đạt được những bước tiến khá cao trong việc chữa các bệnh tật, nhưng chưa đẩy được bệnh mù. Hiện nay trên thế giới có khỏang 13 triệu người mù. Họ bị mù hoặc là do bẩm sinh, hoặc do một tai nạn, hoặc do bệnh tật gây nên.
Bệnh mù cũng có cấp độ :
– Quáng gà : bệnh con mắt không phải mù mà không trông thấy rõ khi chập tối, giống như gà vậy.
– Thong manh : bệnh làm cho mắt không thấy đường tuy con mắt vẫn mở như người thường.
– Mù tịt : con mắt không trông thấy gì, không những không thấy những vật chung quanh mà lúc nào cũng như ở trong đêm tối.
Khi nói về bệnh mù thì ai cũng hiểu là mù thể xác nghĩa là không trông thấy sự vật chung quanh mình. Nhưng đứng về phương diện thiêng liêng, ta thấy còn bệnh mù nữa là mù tinh thần hay mù đức tin.
Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác nhau :
Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân.
Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta làm đau lòng tha nhân.
Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.
Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.
Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.
Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.
Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.
Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người mà khiến ta hay lên án (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 122).
- Mù thể xác và mù tinh thần.
- a) Bệnh mù thể xác.
Mù thể xác có nhiều cấp độ nhưng nói chung là không thấy rõ hoặc không thấy sự vật ở chung quanh. Anh mù trong Tin mừng hôm nay ngồi ăn xin bên vệ đường có lẽ là người mù tịt không biết Đức Giêsu đi qua, nhưng Ngài động lòng thương cứu chữa anh, đồng thời cũng qua phép lạ này Đức Giêsu muốn giới thiệu cho các môn đệ : Ngài là ánh sáng trần gian. Ngài nhổ nước miếng trên đất, trộn thành bùn và xức vào mắt anh mù, rồi bảo anh ta :”Hãy đến hồ Siloê mà rửa”. Vậy anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được.
Anh ta sung sướng vô cùng vì được nhìn thấy sự vật chung quanh. Trước đây người ta kể cho anh nghe đủ mọi thứ chuyện chung quanh nhưng anh ta không có một khái niệm nào về sự vật. Đối với anh lúc nào cũng là đêm tối dầy đặc. Bây giờ anh được trực tiếp ngắm xem cảnh vật, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng kỳ lạ… không cần phải cắt nghĩa cho anh nữa.
Truyện : Trời đất đẹp thế này.
Một bé trai bị mù từ mới sinh. Nhờ một cuộc giải phẫu, em bắt đầu thấy được. Một hôm má em đem em ra khỏi nhà , lần đầu tiên em thấy bầu trời mặt đất. Em kêu lên với mẹ em :”Má ơi, sao trước đây má không kể cho con là trời đất đẹp đến thế này” ! Người mẹ òa lên khóc, đáp :”Con ạ, mẹ đã cố gắng kể cho con nghe, nhưng con không thể hiểu mẹ”(Arthur Tonne).
Số phận anh mù trong Tin mừng hôm nay đã được thay đổi hòan tòan. Anh xác nhận là anh đã khỏi mù, anh đã được trông thấy. Mọi người láng giềng xác nhận rằng chính anh ta là người mù ngồi ăn xin ở vệ đường xưa nay, bây giờ được sáng mắt. Đây là một sự thực hiển nhiên không thể chối cãi được.
- b) Bệnh mù tinh thần.
Câu chuyện anh mù được chữa khỏi không phải là một câu chuyện đơn giản và hiển nhiên, khiến mọi người phải chấp nhận. Có những người cố tình nhắm mắt lại không chấp nhận sự thật hiển nhiên đó. Họ khẳng định rằng đây không phải là anh mù trước kia, mà là một người nào giống anh ta.
Còn tệ hơn nữa, các người biệt phái cố tình bẻ quặp sự thật bằng cách trớ trêu lý luận rằng: ông Giêsu đã chữa mắt cho người mù trong ngày hưu lễ vì luật trong hưu lễ là cấm làm việc. Ai vi phạm là kẻ có tội. Mà kẻ tội lỗi thì không thể là người bởi Thiên Chúa và không thể làm được phép lạ. Đó là lý luận cứng nhắc đã làm mù mắt người Do thái. Nhưng thực tế vẫn xẩy ra, nghĩa là đã có phép lạ.
Người biệt phái tìm cách chối bỏ sự thật : họ cho người được sáng mắt này không phải là người ăn xin bấy lâu nay; họ cho đòi cha mẹ anh ta đến hạch hỏi, đe dọa đủ thứ, còn anh mù được khỏi bệnh phải trình tòa hai ba lần để xét hỏi. Mục đích của họ là ép anh mù và cha mẹ anh ta phải chối bỏ cái thực tế được sáng mắt. Tất cả những tình tiết trên có thể đưa đến kết luận rằng người sáng mắt lại là anh mù, còn kẻ mù quáng lại chính bọn biệt phái vẫn tự cho mình thông minh sáng suốt mọi sự.
Phần kết của đọan Tin mừng, thánh Gioan đã ghi lại câu nói của Đức Giêsu :”Chính vì để luận xét mà Ta đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy sẽ trở nên mù”(Ga 9,39). Từ sự mù – sáng đôi mắt thể xác, Đức Giêsu đi đến kết luận về sự mù – sáng đôi mắt tinh thần. Quả vậy, người mù được thấy, được sáng con mắt đức tin. Anh đã nhận ra Giêsu : từ một vị ân nhân của mình, đến một tiên tri và tiến một bước dài tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Trong khi ấy, người Do thái mà cụ thể là những biệt phái lại đi vào sự mù tối. Họ không nhận ra Giêsu Nazareth là ai, họ chỉ biết đó là một người không tuân thủ lề luật, dám làm việc ngày hưu lễ cho dù đó là việc tốt. Họ đã từ chối ánh sáng thật và cuối cùng đã lên án cho Ngài.
- Xin cho được “sáng mắt sáng lòng”.
Trong một bài hát nào đó tôi có đọc thấy bốn từ ngữ “sáng mắt sáng lòng” và tôi liên tưởng đến anh mù trong bài Tin mừng hôm nay được Đức Giêsu đã làm cho anh được “sáng mắt sáng lòng”. Anh mù từ mới sinh này được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt, với con mắt này anh đã nhìn thấy những vật chung quanh một cách dễ dàng, giải thóat anh khỏi sự tối tăm từ bao lâu nay : anh đã được “sáng mắt”.
Nhưng còn hơn thế nữa, Đức Giêsu còn mạc khải cho anh biết không những Ngài chỉ là một vị ân nhân, một tiên tri và Ngài còn là Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã cho anh cái nhìn bằng cặp mắt đức tin để nhờ cái nhìn đó mà anh đã qùi xuống trước mặt Đức Giêsu (cử chỉ tôn thờ :”Ngươi chỉ được tôn thờ Thiên Chúa mà thôi”) và tuyên xưng :”Lạy Chúa, con tin”(Ga 5,37) : anh đã được “sáng lòng”.
Anh mù hôm nay đã được Đức Giêsu cho được “sáng mắt sáng lòng”. Trong cuộc sống Kitô hữu, chúng ta cũng phải xin Chúa cho được sáng mắt và sáng lòng. Nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quí, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin còn quan trọng hơn.
Những người chỉ biết tôn thờ vật chất, tiền của, danh vọng, xác thịt… là những người chỉ biết nhìn bằng cặp mắt thể xác để được sáng mắt. Họ có thể giống như con heo khi thấy được thức ăn thì ăn rồi quay ra ngủ, thức dậy rồi lại ăn. Không biết gì khác ngòai việc ăn uống ngủ nghỉ, không biết tới tương lai, khi nào người ta giết thì chết.
Con người được “sáng lòng” là người biết vươn lên cao cho xứng với “linh ư vạn vật”, vươn tới hạnh phúc tuyệt đối là Thượng Đế, biết mình từ đâu tới, sống phải làm gì và hậu thế sẽ ra sao ? Họ cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng ăn uống có chừng mực, tránh những thức ăn có nguy hại cho tâm hồn để chuẩn bị cho tương lai. Những người này đã dùng cặp mắt đức tin để nhìn sự vật trong cuộc sống hằng ngày.
Trong cuộc sống của Kitô hữu, không những chúng ta phải nhìn bằng con mắt thể xác như mọi người nhưng còn phải dùng con mắt đức tin để thấy những thực tại siêu nhiên và có thể nhìn thấy Chúa.
Về vấn đề này, thánh Thêôphilo, Giám mục thành Antiokia, gửi cho Antiôcô có viết :”Nếu bạn nói : “Hãy tỏ cho tôi biết Thiên Chúa của bạn”, thì tôi có thể trả lời : Hãy tỏ cho tôi biết con người của bạn, rồi tôi sẽ tỏ cho bạn biết Thiên Chúa của tôi”. Vì thế, bạn hãy cho biết mắt tâm hồn bạn có nhìn thấy và tai lòng bạn có nghe được không.
Cũng như những người nhìn xem bằng con mắt thể xác thì nhìn thấy những việc diễn ra trong cuộc sống trần gian này : họ nhìn thấy sự khác biệt giữa ánh sáng và bóng tối, giữa trắng và đen, đẹp và xấu, thanh nhã và thô thiển, cân xứng với bất cân xứng, ngắn với dài. Tai cũng vậy, nó phân biệt được tiếng bổng tiếng trầm, tiếng du dương. Về tai và mắt tâm hồn cũng vậy, chúng có thể nghe và nhìn thấy Thiên Chúa.
Quả thật, Thiên Chúa được nhìn thấy do những kẻ có thể nhìn thấy Ngài nếu họ biết mở con mắt tâm hồn ra. Ai cũng có mắt, nhưng một số người bị mù lòa và không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nếu những người mù không nhìn thấy, thì chẳng phải tại ánh mặt trời không chiếu sáng, nhưng người mù phải nhận rằng chính tại mình, tại mắt mình. Đối với bạn cũng thế, mắt tâm hồn của bạn bị mù lòa là do tội lỗi và các hành động xấu xa của bạn (Các bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 106-107) .
Chúng ta có thể kết luận : Con người có cặp mắt thể xác và tinh thần. Cả hai cặp mắt đều quan trọng để nhìn xem. Nhưng nếu có trường hợp đối chọi nhau giữa hai cặp mắt ấy thì với danh nghĩa là Kitô hữu, chúng ta phải dành ưu tiên cho con mắt tinh thần, nghĩa là tuy bị mù về con mắt thể xác, nhưng lại ngời sáng về con mắt đức tin : Không sáng mắt nhưng sáng lòng !
Truyện : Xin được sáng lòng.
Chuyện kể rằng : có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu :”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Tôma thành Cantorbéry để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện câu kết thúc :”Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con”.
Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát- Đà lạt
XIN CHO CON ĐỪNG THẤY !
Lm Nguyễn Văn Nghĩa
(Chúa Nhật IV Mùa Chay A)
Xin cho con đừng thấy-
“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Lời khẳng định của Chúa Giêsu xem ra khó nghe thậm chí thật khó hiểu nếu không ở trong ngữ cảnh lúc bấy giờ. Cùng với anh mù từ thưở mới sinh, chúng ta chân thành tin nhận “Người là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Dưới cái nhìn đức tin này chúng ta có thể hiểu phần nào lời tuyên bố của Đấng Cứu Độ.
1.Người làm cho kẻ tự cho mình là thấy, là sáng, là am hiểu, trở nên đui mù, nghĩa là nhận ra sự lệch lạc, sai lầm của mình:
Xem quả thì biết cây. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai. “Trong nhóm Pharisiêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbat”, kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi thì làm sao có thể làm đựơc những dấu lạ như vậy?”. Thế là họ đâm ra chia rẽ. Một dấu lạ vượt quá khả năng bình thường của con người là làm cho kẻ mù từ thưở mới sinh được trông thấy. Đúng là một dấu lạ tốt đẹp. Một hành vi tự nó là tốt đẹp được thực hiện trong một hoàn cảnh trái với quy định của luật lệ thì có còn là tốt đẹp chăng? Nếu luật lệ ấy thuộc hàng thiên luật (như luật tự nhiên, luật mạc khải) thì nói chung là không còn là tốt đẹp vì “mục đích không thể biện minh cho phương tiện”. Tuy nhiên nếu luật đó thuộc hàng nhân luật (như luật quốc gia, luật Hội Thánh…), thì các việc tốt đẹp cao cả như việc cứu sống người hay mở mắt người mù thì luôn ở trên các quy định của nhân luật. Chúa Kitô không chỉ một lần như trong câu chuyện hôm nay mà đã nhiều lần vạch trần sự sai lầm của một số người biệt phái, luật sĩ khi họ tuyệt đối hoá nhân luật như luật Lễ nghỉ hay các tập tục tiền nhân mà xem nhẹ và bỏ qua lề luật của Thiên Chúa như đức công bình và đạo yêu thương, lòng từ bi và tình thương xót.
Chước cám dỗ muốn tuyệt đối hoá các chỉ thị, các quy định hay luật lệ của mình, dù chỉ là phàm nhân, vẫn còn đó dưới mọi hình thức. Tình trạng “phép vua thua lệ làng hay đạo trời còn dưới ý con người” vẫn đang tồn tại cách này cách khác ngoài xã hội và có khi cả trong các tập thể tôn giáo. Xin cho ánh sáng Đấng Cứu độ chiếu soi sự u minh của những người tự cho mình là sáng nhưng thực ra đang ở trong mê lầm. “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).
2.Người làm cho người không xem thấy được thấy: Con người thường xem xét dựa vào cái bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấy tận cõi sâu tâm hồn con người. Chính vì thế, để có một cái nhìn quân bình và toàn diện, cần phải biết nhìn theo cách nhìn của Thiên Chúa. Đức Kitô, cuộc đời, những lời giảng dạy và các hoạt động của Người chính là cách thế giúp ta nhìn nhận cuộc đời, con người, các sự vật, hiện tượng cách đúng đắn và chuẩn mực.
Chúa Kitô không chỉ dùng quyền năng làm cho anh mù từ thưở mới sinh được thấy ánh sáng tự nhiên, Người còn khai mở con mắt đức tin của anh khiến anh can đảm nhìn nhận và tuyên xưng Người là một vị Ngôn sứ cho dù phải bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Các môn đệ vốn mù tối lầm lạc khi cho rằng anh mù từ thưở mới sinh là do tội của anh ta hoặc do tội của cha mẹ anh ta. Chúa Kitô đã mở mắt cho các ngài để các ngài nhận ra rằng có nhiều sự dữ là do tội lỗi con người gây ra nhưng cũng có nhiều sự dữ xảy ra mà chẳng do bởi lỗi của người này hay người kia. “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể được ” (Mt 19,26). Qua các sự dữ, Thiên Chúa có thể làm nổi rõ quyền năng và tình yêu của Người.
- Là ánh sáng thế gian, Chúa Kitô thúc bách ta phải thấy cả những điều ta không muốn thấy. Quả thật, rất nhiều khi ta bị cám dỗ “được không nhìn thấy” để khỏi phải vất vả, khỏi phải hy sinh hay khỏi phải dấn thân, chia sẻ… Mở cửa ra, nhìn thấy người tàn tật, thế là được mời gọi chia sẻ. Một đôi lần thì có thể được, nhưng một ngày mà đến ba bốn lần nhìn thấy thì sao đây? Thấy chuyện bất công là được mời gọi săn tay áo để tạo lập sự công bằng… Không nguyên chỉ vất vả mà còn biết bao điều phiền toái có thể ập đến. Lắm khi chưa được mạ thì má đã sưng hoặc cảnh ai thổi lữa người đó bỏng môi là điều dường như khó tránh.
Lạy Chúa xin cho con đừng thấy. Một lời cầu xin để mình được an phận. Ánh sáng đã đến thế gian. Chúa Kitô đã đến thế gian, Người làm cho kẻ mù được thấy và bắt kẻ không thích nhìn thấy cũng phải thấy, ngoại trừ chính họ tự ý bịt mắt không muốn nhìn. Không cứu sống là đang giết chết. Không làm điều lành là đã làm điều dữ (x.Mc 3,1-5). Phải làm ngay hôm nay những gì ta thấy phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…Một lời cầu xin thật chính đáng và phải đạo mà Kitô hữu thường xuyên đọc. Thế nhưng khi Chúa cho ta thấy, cho ta biết việc phải làm thì sao đây? Có khi nào ta bị cám dỗ “ước gì đừng thấy, ước gì đừng biết” chăng?
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban mê Thuột.
CHÚNG TA LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÔNG MÔ SÊ
Khổng Nhuận
Số 310. Chủ nhật 4 Mùa Chay – năm A.
Chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê
Khổng Nhuận
Trích đoạn Tin Mừng Gioan 9 : 26 – 34
26 Họ mới nói với anh :
“Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” 27 Anh trả lời :
“Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” 28 Họ liền mắng nhiếc anh :
“Có mày mới là môn đệ của ông ấy ; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê ; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” 30 Anh đáp : “Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! 31 Chúng ta biết : Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” 34 Họ đối lại : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?” Rồi họ trục xuất anh.
Ngày xưa người Pha-ri-sêu vỗ ngực tự hào:
Chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê
Ngày nay phần đông chúng ta cũng vỗ ngực tự hào tuyên bố:
Chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê – vị ngôn sứ tượng trưng cho Lề luật
Chúng ta tự hào mình luôn thượng tôn lề luật pha trộn với luật bất thành văn theo truyền thống cổ xưa một cách vừa khắt khe, hà khắc vừa độc tài… đôi khi bừa bãi..
Trong những giáo xứ miền quê hoặc vùng xa, cha xứ như một lãnh chúa quyền uy Giáo dân nào không vâng lệnh sẽ bị tuyên án vạ tuyệt thông giữa nhà thờ. Dù việc đó không hề nằm trong điều khoản nào do Giáo luật quy định.
Hoặc ai nằm trong diện rối như ly dị rồi tái hôn… dù rằng lỗi do người kia biến đi đâu mất tăm mất dạng khiến nạn nhân còn ở lại vẫn bị cả xứ coi khinh, dè bỉu… bằng những ánh mắt mang hình viên đạn, hoặc những làn môi mang hình máy chém…
Tất cả đều phát xuất từ đầu óc vị luật một cách khắt khe, lạnh lùng, chỉ muốn loại trừ thẳng tay không một chút xót thương những con người bị chúng ta kết án là có tội…
Mới đây 4 Hồng y Brandmüller, Burke, Caffara và Meisner gửi thư cho Đức Giáo hoàng đặt vấn đề nghi ngờ Tông huấn Amoris Laetitia: “Đang có những lời giải thích đối nghịch nhau, yêu cầu giải quyết những điểm nghi nan”
Trước sự kiện này, các nhà thần học, giám mục, linh mục và các vị trí thức tạm được chia thành 2 nhóm: ủng hộ hoặc chống đối 4 Hồng y trên.
Nhóm ủng hộ rõ ràng được xếp vào nhóm đầu óc vị luật một cách khắt khe, lạnh lùng…
Bản chất của Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình yêu : Chúa Giêsu đích thực là Bánh Hằng Sống – là của ăn nuôi linh hồn…
Thế mà các ngài đầu óc vị luật đã biến thành Bí Tích Trừng Phạt: Ai có tội, không được rước lễ – một hình thức bị bỏ đói trong trại tập trung cho đến chết.
Không hiểu Thầy Giêsu nghĩ gì về đầu óc vị luật này ???
Thầy Giêsu đặt câu hỏi:
“Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc,
lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? (Mt 18:12)
Các ngài đầu óc vị luật lạnh lùng trả lời:
Cho chúng chết luôn. Nó phạm tội sờ sờ ra đó. Còn dám lên rước lễ hả??
Chiếu theo luật…nó Phạm Sự Thánh..!!! Sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp…
Chắc chắn Mục Tử Giêsu phải ngất xỉu tại chỗ. !!!
Trong khi đó các ngài đầu óc vị luật vẫn ngang nhiên hãnh diện tuyên bố:
Đáng kiếp…Cho chúng đi lạc luôn. Còn ta, yên vị trong pháo đài của ông Mô-sê.
Chúng ta là môn đệ đích thực của ông Mô-sê – vị ngôn sứ tượng trưng cho Lề luật
(Chúng ta KHÔNG PHẢI LÀ môn đệ của Mục Tử Nhân Lành Giêsu đâu!!!)
SUY TƯ TIN MỪNG 4 MÙA CHAY
Mai Tá dịch
Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 4 mùa Chay năm A 26/3/2017
Tin Mừng: (Ga 9: 1, 6-9, 13-17, 34-38)
Khi ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.
Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao? “Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!”
Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisêu. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sabát. Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” Trong nhóm Pharisêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp:”Người là một vị ngôn sứ!” Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.
Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói:”Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
“Bước đã mỏi, mà trông càng dễ mỏi,”
Ta dừng chân nhắm mắt, một đêm nay.”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương) Với nhà thơ, dừng chân nhắm mắt mỗi đêm nay, vì bước chân dài/vắn, người đã mệt. Với người thường, chân dừng mắt nhắm cả một đời, là bởi thân phận hiu hẩm, chẳng mở ra. Trình thuật thánh Gioan nay cho thấy thân phận hẩm hiu của người mù từ bẩm sinh được Chúa giúp đỡ, đã mở ra cả hai con mắt thể xác, lẫn tinh thần. Chẳng thế mà, anh lại cứ reo vui suốt đời để ngợi khen Chúa.
Trình thuật kể, là kể về nam-nhân Do thái nọ rất mù lòa, do mầm sống bị thoái hoá khiến anh chưa một lần nhìn thấy ánh sáng, từ dạo ấy. Cứ sự thường, người sáng mắt có xác thân thơm tho/lành lặn lại vẫn không ưa gần gũi người có khuyết tật, bệnh hoạn. Chính vì thế, họ đến với Chúa bằng những câu hỏi khá cắc cớ: mù lòa/tật bệnh có do tội của ai đó, không?
Nếu bảo, mù loà/ tật bệnh về thể xác là do tội và lỗi của ta mà ra, thì chắc hẳn các người bệnh trên thế gian này phải chịu thế, cả khi chưa lọt lòng mẹ? Phải chăng, nguyên nhân đích thực gây mù lòa, là do bậc cha mẹ phạm lỗi nặng? Hoặc khi sinh, người thân thuộc đã mắc phải tật/bệnh nghiệt ngã như thế?
Người xưa coi tật bệnh thể xác là kết cuộc của những suy đồi về luân lý, đạo đức. Chí ít, là lỗi của ai đó đã đem lại kết quả tệ hại, cho người tật bệnh. Đời nay, chẳng ai dám quyết đoán rằng: mù lòa là hệ quả của lối phạm luật đạo đức, chức năng. Kỳ thực, đó cũng chỉ là trạng huống rất khiếm khuyết nơi cơ năng con người.
Đặc biệt, ngày nay con người không còn lẫn lộn giữa khiếm thị với chứng bệnh hiểm nghèo nào khác, như: SIĐA miễn nhiễm, huyết áp thấp/cao, hoa liễu/nghiện ngập quậy phá tưng bừng trời đất, nữa. Nhất nhất người người đều tin rằng: nguyên nhân dẫn đến mù loà chẳng phải vì cha mẹ bệnh nhân khi xưa từng mắc tội. Bởi nếu không, thì khác gì quan niệm thiếu hiểu biết của người xưa về y khoa hiện đại.
Về mù loà, ta chỉ nên coi đó như một hạn chế/khiếm khuyết nơi con người, mà thôi. Nói cho cùng, là người, ai mà chẳng thấy mình còn hạn chế, về nhiều thứ. Hạn chế trước tiên, là có khiếm khuyết về mầm sống, cũng rất gien. Nghiên cứu kỹ, người người nay thấy DNA của mình chỉ là hợp chất không ‘toàn hảo’.
Bởi thế nên, khi bước vào giai đoạn mới lớn, ai cũng thấy mình có ít nhiều hạn chế mà mình không thể điều khiển được cuộc sống của chính mình, theo đúng cách. Do đó, có suy thoái. Do đó, khó thoát khỏi tật/bệnh. Có khi lại còn bị vi trùng tung hoành đào khoét suốt thân xác mình, kết cuộc dẫn đến tật/bệnh, đến cõi chết. Đời người là thế. Có than có vãn cũng chẳng giúp ích được gì. Thành thử, người người đi đến động thái chỉ sống qua ngày, đợi chờ. Đợi và chờ thứ gì tốt đẹp hơn, sẽ tới. Bao nhiêu nghị lực xưa kia vẫn có, nay cứ thế mất dần.
Vì thế, có người để nhiều thì giờ ra mà chăm chút dáng vẻ bề ngoài cho tốt đẹp, kẻo người khác phát giác ra sẽ chẳng còn ưa mình, nữa. Có người lại gặp rắc rối về dục tính. Có người gặp khó khăn trong tương quan với mọi người. Khó, mà làm hoà với mọi người.
Và từ đó, nhiều người mắc phải tật/bệnh cứ tự hỏi: mình đã làm gì nên tội? Phải chăng, đó là thừa kế các tệ hại từ gia đình giòng họ? Và, lại kéo Chúa vào chuyện riêng tư của mình bằng một lý luận rất viển vông: chắc Chúa giáng phạt mình đây. Cuối cùng, lại sẽ trở thành kẻ bối rối, về Đạo. Và cứ thế, hết bối rối chuyện này đến chuyện khác, như thế.
Sách Sáng Thế Ký, ghi lại câu truyện hình thành vũ trụ mọi loài, có Giavê Thiên Chúa thở hơi sống vào bùn đất đỏ, thành con người. Tiếng Do thái gọi bùn này là Adamah. Thế nên, Thiên Chúa gọi người đàn ông A-Dong là “Bụi đỏ”. Về bụi, hẳn nhiều người lại cứ liên tưởng đến bụi đất nằm ở nơi con người, do thừa kế mầm sống? Vì đó là bụi là đất, nên chẳng ai muốn giữ gìn nó hết. Cứ gạt, và cứ phủi mọi bụi đất có khi còn phủi sang người khác, để họ lãnh.
Với Giáo hội, ta có thói quen suy tưởng rằng: nhờ Chúa chết trên thập tự, con người mới được cứu rỗi. Thế nên, dù ta có là người tệ bạc, nhưng Chúa không chấp nê, vẫn thứ tha. Thế nên, hãy yên tâm sống xứng hợp với ơn cứu độ của Chúa.
Lối suy nghĩ này tuy mang dáng vẻ bi quan, hài hước mà ta vẫn cứ phải chấp nhận nó và đưa vào thực tại cuộc sống hay sao? Không. Không hẳn thế. Giả như ta có thể thay đổi câu truyện trên bằng nhiều giả thuyết, bảo rằng: chính Chúa đã quyết định để rớt lại vài ba hạn chế/bất toàn nơi con người, có thế loài người mới tăng trưởng chính mình được. Và, cũng vì có hạn chế, nên người người vẫn từ từ thực hiện việc cải biến chính mình cho hoàn thiện hơn.
Nay, vì hạn chế còn rớt lại nơi con người mình, hãy giáp mặt với sự thật là mình đang đi dần vào cõi chết. Giáp mặt với sự thật ấy, để rồi sẽ nỗ lực cất đi mọi oán giận bạo lực khỏi cái chết của chính mình. Cố gắng biến sự chết trở thành thân cận, mật thiết để chính mình sẽ về với Đức Chúa hiền từ, tử tế vẫn đợi chờ mỗi người và mọi người.
Đành rằng, ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, như tật/bệnh, người người hãy làm mọi sự để nhận được sự tiếp tay giúp mình và giúp mọi người thấy được rằng: vẫn còn đó rất nhiều điều tươi vui/hạnh phúc trong cuộc sống, hơn là ngồi đó khoác vào mình cặp kính đen đầy bi đát. Và, khi biết mình là kẻ bất toàn rồi, tự khắc mỗi người sẽ cảm thấy thoải mái chấp nhận bất toàn xảy đến với mình, hơn.
Về lỗi phạm, một khi mình đã vướng mắc, hãy kể cho Chúa nghe sự việc phạm lỗi cách trung thực, tự khắc Ngài sẽ cảm thông, hiểu rõ chính con người mình hơn. Thực ra, thì hành vi phạm lỗi dù rất tội, nhưng nào đã sờ chạm đạt tới Chúa. Tất cả mọi vướng mắc hoặc lỗi phạm chỉ để cho thấy con người vẫn phải đối đầu với hạn chế, mà tăng trưởng. Những lỗi phạm như các hành xử trong giận dữ, hoặc thiếu bác ái vẫn mang ý nghĩa của một hạn chế mà con người phải ngang qua. Có gặp trục trặc/rắc rối trong đời, mình mới có kinh nghiệm để trưởng thành mà gặp Chúa.
Thế nên, hãy quyết tâm sống thư giãn/thoải mái không trách móc bất cứ một ai để tự mình dựng xây, tăng trưởng. Cũng đừng tự trách mình hoặc gia đình mình. Đừng trách Chúa. Và, cũng chẳng nên than phiền trách móc nhà cầm quyền đã không quan tâm giúp đỡ chính mình.
Bởi, Chúa đâu dựng nên con người để họ đi tìm ra ai đó mà trách móc. Hãy đọc trình thuật Chúa tạo dựng trời đất, một cách tích cực. Đọc, để hiểu rằng: Giavê Thiên Chúa dựng nên con người là để họ ra đi làm điều gì đó có tính sáng tạo và tích cực.
Thế nên, hãy cứ can đảm mà ra đi, dù có thấy mình vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi, một ngày nào đó, tất cả đều sẽ khám phá ra được nhiều điều tốt đẹp hơn. Và khi đó, ta sẽ không còn mù lòa, nhưng rất sáng.
Giống như người mù từ thuở mới sinh ở trình thuật, ta sẽ được Chúa cho mở mắt thấy sáng và nói:“Điều tôi biết, là khi xưa tôi đã mù, và nay tôi được thấy.”(Ga 9: 25) Rồi, một ngày kia, ta cũng sẽ gặp người mù từ thuở bình sinh ở đâu đó, chốn Nước Trời. Và rồi, ta cũng sẽ cùng nhau hẹn ngày tái ngộ, để nói được câu: “Trước đây, tôi không thấy gì nhiều, nhưng mắt tôi nay sẽ thấy nhiều điều tốt đẹp hơn.”
Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.
CHUYỆN PHIẾM
trần ngọc mười hai.
Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 4 mùa Chay năm A 26/3/2017
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!” Như yêu giòng sông ngậm ánh trăng non,
mộng ước quanh năm Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan…
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.” (Nhạc: Phạm Duy – Thơ: Nguyễn Tất Nhiên: Hãy Yêu Chàng)
(1Corinthô 4: 21/1Côrinthô 8: 21-24)
Hãy thử đưa ra giả thuyết này, là: ta thay túc-từ “chàng” ở câu trên bằng chữ: “nàng”, hoặc “Ngài” hoặc “Người”, hẳn sẽ có một gợi hứng nhỏ gửi đến các bậc giảng thuyết ở nhà Đạo làm bài giảng, cũng rất nên.
Nên, là vì: lời khuyên nhủ “Hãy yêu chàng (hay yêu nàng), vẫn như “yêu giòng sông ngậm ánh trăng non, mộng ước quanh năm”; hoặc, yêu thứ gì khác tựa hồ lời hát ở bên dưới vẫn cất tiếng:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn. Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng. Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát. Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng… Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu niềm hy-vọng mãi không thôi, trong trái tim vui. Yêu chàng chàng thổi tình bùi cho ấm đôi tay. Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu mặt trời lửa sáng hân hoan, sưởi nắng mơ màng Yêu chàng, chàng bật đèn tình soi dáng em thon.”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)
Hãy cứ yêu chàng hay yêu nàng như thế, cho thật nhiều. Và, hãy yêu nhiều và yêu mãi đến thiên-thu. Yêu, như những người chưa từng yêu, chưa bao giờ biết yêu và như không còn nhiều năm tháng/ngày giờ để yêu như thế. Yêu thế, tức là vẫn cứ hát những ca-từ như sau:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu cánh gió, gió tung tăng hai vạt áo hường. Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu mưa xuống. Nước mưa tuôn, mát ngọn cỏ ngoan. Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)
Với đời người, lại có những lời khuyên không xa-xôi, diệu vợi hoặc “lem lẻm”, nhưng toàn những yêu-thương, chân-chất, rất giống truyện kể để mào đầu bài phiếm, hôm nay:
“Truyện rằng:
Có 3 vị: một bác sĩ, một luật sư, một cậu bé và một cha xứ tình cờ đi cùng nhau trên một chiếc chuyên cơ riêng. Bất thình lình, động cơ máy bay gặp trục trặc. Mặc dù phi công đã cố gắng hết sức nhưng không thể sửa được. Máy bay bắt đầu rơi tự do khiến tất cả ai nấy đều hoảng loạn.
Cuối cùng, người phi công vơ vội một chiếc dù và hét lên “tất cả mọi người hãy nhảy xuống” trước khi lao ra khỏi chuyên cơ. Tuy nhiên, vấn đề là trên máy bay chỉ còn lại đúng 3 chiếc dù trong khi có tới 4 người đang gặp nạn.
Vị bác sĩ vội vàng xí một cái và nói: “Tôi là bác sĩ. Công việc của tôi là cứu người nên tôi phải sống” và nhảy ngay ra ngoài. Vị luật sư cũng nói: “Tôi là luật sư và luật sư là những người thông minh nhất trên thế giới nên tôi đáng được sống”. Nói đoạn, ông này lập tức chiếm một chiếc dù và nhảy ra ngoài.
Lúc này trên máy bay chỉ còn lại đúng một chiếc dù. Chính vì vậy, cha xứ nhìn cậu bé và bảo:
-Con trai, cha đã sống đủ cuộc đời của mình. Con còn nhỏ và có cả cuộc đời rộng mở phía trước. Con hãy cầm chiếc dù cuối cùng và sống an bình nhé.
Cậu bé với thái độ rất bình tĩnh đưa lại chiếc dù cho cha xứ và nói:
-Cha không cần phải lo cho con. Người đàn ông thông minh nhất thế giới kia đã “hạ cánh” với chiếc ba lô của con rồi, cha ạ”.
Truyện kể, đơn giản chỉ mỗi thế. Không oang-oang, hoành-tráng cũng chẳng lốp-xốp/lộp bộp như phần lớn các truyện được đấng bậc cha/cố giảng ở nhà thờ. Thế nhưng, người kể hôm nay lại minh-định bằng một bài học để đời, rút từ câu truyện kể ở trên, nói thế này: “Công việc không định nghĩa được con người bạn nhưng làm một người tốt thì luôn được mọi người ghi nhận và những nhiều điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến với bạn. “Khôn ngoan không lại với trời”, vạn vật trên đời đều có nhân quả báo ứng.”
Bài học nhân/quả, kể cũng lạ. Nhưng, lạ nhất là ở chỗ: người kể truyện cứ muốn áp-dụng vào cuộc sống ở đời không cần phải khôn-ngoan, bởi có khôn ngoan cũng “không lại được với trời.”
Sống Đạo ở đời, cũng thế. Nhiều lúc, ta tưởng đó chỉ là những chuyện Đạo rất khô-khan/đạo-mạo hoặc chuyện mô-phạm chẳng liên-quan đến người đời, và cũng chẳng thích-hợp với sự sống có ý-nghĩa của cuộc đời, thôi. Cũng hệt như đề-tài được người trong Đạo bàn bạc, rất hôm nay.
Hôm nay, có những chuyện xảy ra ở trong Đạo/ngoài đời, lại là vấn-đề sống Đạo được đấng “lờ mờ” ở Sydney gợi ý bằng những lời hỏi/đáp rất như sau:
“Thưa cha.
Tôi quen một cô bạn từng làm mẹ của 4 người con nhỏ, trai gái đủ cả. Chị đã quyết-định triệt-sản vì không còn khả-năng chịu nổi sức ép của việc nuôi nấng, giáo-dục được nữa rồi. Chị nói: vẫn biết là Giáo-hội ta không chuẩn-thuận cho những hành-xử tựa hồ như thế, nhưng chị thấy trong hoàn-cảnh tư-riêng của mình, là làm sao để mọi người cảm thông với mình, là tốt chán. Câu hỏi tôi đặt ra hôm nay, là: có thể nào, ta dựa vào lương-tâm trong trắng để có lựa chọn nào đó giống thế, không?”
Câu hỏi đây, tuy không đơn-giản, nhưng rất dễ có câu trả lời khái-quát, đại-trà. Thế nhưng, câu trả lời của đấng bậc phụ-trách mục giải-đáp thắc-mắc trên tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney, cũng đại-để như sau:
“Lâu nay, Giáo-hội ta vẫn dạy rằng: nhiều hành-xử, tự nó đã sai sót rồi, chính vì thế ta không nên theo đó mà làm, bất luận hoàn-cảnh mình sống có ra sao, tốt/xấu thế nào, cũng mặc. Tự thân, đây là việc của ác-thần/quỉ dữ mà thôi.
Danh-sách sự việc nói trên gồm các thứ như sau: giết người vô tội, phá thai, trộm cắp, hãm hiếp, ngoại tình, tra-tấn, đánh đòn thật dã man, vv… Vâng. Trực-tiếp triệt-sản, được thực-hiện như biện-pháp tránh sinh thêm con, cũng là hành-xử tắc trách, rất tệ lậu. Bởi, người thực-thi triệt-sản đã sử-dụng việc tránh thai cốt nhằm mục đích ấy. (X. Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo đoạn 2399, 2370).
Bảo rằng, đó là hành-động tự nó đã sai trái là vì đi ngược lại sự tốt lành của người phàm. Mà, những gì đi ngược lại sự tốt lành, đều không là hành-động tốt, bất kể lúc ấy người xử sự có nghĩ là mình đang làm điều tốt lành hay không. Việc này, làm hại cho người ra tay hành động và cũng gây ảnh-hưởng lên người khác. Có thể là, ngay khi ấy, người ra tay hành-động không am-tường sự thật, nên mới thế.
Vai-trò của lương-tâm chức-năng diễn-giải ở sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo như “phán-quyết của lý-trí” qua đó bản thân con người am-tường phẩm-chất của hành-vi cụ thể sắp thực-hiện hoặc đã xảy ra rồi.” (X. GLHTCG đoạn 1778)
Lời lẽ thật quan-trọng. Và, vai-trò của lương-tâm là nhận ra được phẩm-chất đạo-đức ở trong đó. Mọi người đều hàm-ngụ nhiều ý-tưởng khi nghĩ rằng: mọi hành-xử đều có phẩm-chất ở bên trong. Nói thế có nghĩa bảo rằng: để xem chúng có phù-hợp với luật của Chúa không; và có làm lợi cho người nào khác không? Sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo lại cũng viết: Nhờ vào phán-quyết của lương-tâm, con người mới nhận-chân/am-tường các điều-khoản trong luật của Chúa. (X. GLHTCG đoạn 1778)
Con người xưa nay đều nhận ra giáo-huấn Hội-thánh vốn dạy rằng: hành-vi nào đi ngược lại luật của Chúa, thì vai trò của lương-tâm sẽ áp-dụng phán-quyết cho mọi vụ/việc ngay tại chỗ. Và từ đó, quyết được rằng: dù có khó khăn, con người cũng không được phép hành-xử như thế.
Nhiều lúc, đương-sự thấy khó mà ra quyết-định cho phải lẽ. Sách Giáo lý Hội-thánh còn viết thêm: “Con người có lúc ở vào hoàn-cảnh ít chắc chắn để đưa ra được phán-quyết đúng-đắn. Và đôi lúc, cũng thấy khó để quyết-định điều gì cho phải lẽ. Nhưng, ai cũng phải nghiêm-túc nhận ra được điều phải/trái; và nhận rõ ý Chúa diễn-bày nơi luật thần thiêng của Ngài.” (X. GLHTCG đoạn 1787)
Khi hoàn-cảnh thúc-bách ai làm việc gì đó và người ấy biết rõ sự việc chống lại lề-luật của Chúa, thì tốt nhất hãy nhớ rằng: Thiên-Chúa đích-thực là người Cha đầy lòng thương mến chỉ muốn tạo điều tốt cho con cái, đem đến cho ta điều tốt lành như mệnh lệnh hoặc lời khuyên hầu giúp ta có được hạnh phúc ở đây, bây giờ, và sau này nữa.
Và, khi Giáo-hội là người Mẹ yêu-thương vẫn chuyển đến cho ta các lệnh-truyền ấy là để giúp ta dấn bước lên đường mang theo lời khuyên bảo của Mẹ hiền. Giả như đôi lúc Mẹ có dạy đôi điều vương-vấn sự xấu nằm bên trong mà đàn con không thực-hiện được, điều đó có nghĩa là bởi vì hành-động ấy sẽ tác-hại lên ta gây trở-ngại cho hành-trì ta tiến vào với hạnh-phúc đích-thực, mà thôi.
Có thể là, ngay khi ấy ta chưa hiểu nổi, nhưng dù sao đi nữa, ta vẫn phải tiến bước tuân theo lời dẫn-dụ của bậc Mẹ Cha. Việc này cũng giống như thể người mẹ nọ khuyên con mình đừng bao giờ nhận lời theo chân người lạ mặt hoặc theo-dõi chương-trình nào đó trên truyền-hình. Cho dù đám con trẻ không hiểu lý do tại sao phải làm thế, nếu chúng là những đứa trẻ mẫn-cảm, chúng sẽ nghe theo lời dẫn-dụ của mẹ mình.
Về vấn-đề này, ta cũng nên nhớ rằng: Chúa không đòi ta phải làm những việc không thể làm được; và, Ngài luôn ban cho ta thêm ân-huệ để thực-thi những gì Ngài yêu cầu. Rất nhiều lần, ta nhận ra là mình đang đi ngược lại phán-quyết nhân-bản của chính mình và chống-cự lại những gì Ngài yêu-cầu ta thực-hiện, mọi việc đều có thể diễn-tiến một cách tốt đẹp hơn ta tưởng. Bởi lẽ, người đàn bà có thêm đứa con nữa thay vì biến cho mình thành vô-sinh hoặc thay vì tìm đến phá thai, tức: tìm đến kết-quả tốt nhất xảy đến cho bà.
Hãy học cách tin-tưởng vào Chúa và thực-hiện những gì Ngài yêu-cầu. Bằng cách đó, ta tránh được mọi thứ tội và như thế sẽ tăng-trưởng một cách lành-thánh và đạt được phúc hạnh.” (X. Lm John Flader, The Church says it is wrong, but I felt it was the right thing to do, The Catholic Weekly Question Time 22/01/2017 tr. 16)
Rất đúng. Lương tâm, lâu nay vẫn là chức-năng tiềm-tàng trong con người. Thứ chức-năng vẫn luôn giùm giúp ta ứng-xử mọi tình-huống khó khăn, cần sáng-suốt. Đích-thị là lương-tâm chức-năng không bao giờ khuyên con người làm việc sằng bậy.
Nói cho cùng, lương-tâm có sẵn trong con người vẫn là chức-năng nội-tại giúp ta nói chung và giúp người mẹ có 4 con kể ở trên, có thể thực-hiện vai-trò làm mẹ cho tốt với 4 người con nhỏ, tức: làm điều ích lợi cho người khác.
Cuối cùng thì, ta cũng nên nhớ lời bậc thánh-hiền từng khuyên-nhủ dân con mọi người, rằng:
“Anh em không thể vừa uống chén của Chúa,
vừa uống chén của ma quỷ được;
anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa,
vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được.
Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương?
Chẳng lẽ ta mạnh sức hơn Người? “Được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có ích.
“Được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng.
Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác.”
(1Côrinthô 8: 21-24)
Xem thế thì, sống đời hạnh-đạo chung đụng với mọi người, là phải “tìm ích-lợi cho người khác”. Có như thế, cuộc sống của mình và của người khác mới có ý nghĩa. Mới, sống cho ra hồn. Đó, còn là lời khuyên được người nghệ-sĩ diễn-bày ở câu hát được trích-dẫn, có ca-từ rằng:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!” Như yêu giòng sông ngậm ánh trăng non,
mộng ước quanh năm Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan…
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.” (Nhạc: Phạm Duy/Thơ: Nguyễn Tất Nhiên – bđd)
Để minh-hoạ những điều nói ở trên, mời bạn/mời tôi, ta tìm về với vườn hoa truyển kể mà đi về một kết-luận rất nhanh gọn, như sau:
“Tiểu bang Georgia nước Mỹ có một cụ bà làm nông sống 132 tuổi 91 ngày. Lúc cụ được 130 tuổi, có phóng viên hỏi bí quyết trường thọ của cụ là gì, cụ trả lời: Trước hết là sự hòa thuận trong gia đình.
Đại học Harvard có một khảo sát trên 268 người nam cũng phát hiện: Điều thật sự quan trọng trong cuộc sống một người chính là mối quan hệ với người khác, khuyết thiếu sự ủng hộ của xã hội, thì ảnh hưởng đến sức khỏe cũng tương đồng với hút thuốc và không vận động. Một chuyên gia tâm lý học người Mỹ có một nghiên cứu “Quan hệ giữa tính cách và trái tim” trong 25 năm đã phát hiện: Người có lòng dạ hẹp hòi, nặng danh lợi, nặng thù hằn thì tỷ lệ tử vong lên đến 14%; còn người có lòng dạ rộng rãi, vui vẻ giúp người, tính cách hiền hòa thì tỷ lệ tử vong chỉ có 2.5%. Tỷ lệ bệnh tim thì người trước cao hơn người sau gấp 5 lần.
Khi phân tích nguyên nhân, ông nói: Quan hệ xã giao và thân thuộc không tốt, làm cho nội tâm một người đầy phẫn nộ, oán hận, bất mãn… sẽ khiến thần kinh giao cảm thường xuyên trong trạng thái kích thích, adrenalin và hoóc-môn stress sẽ bài tiết ra rất nhiều.
Nhà tâm lý học Maslow đã tổng kết nhu cầu của một người như sau, từ thấp đến cao, theo thứ tự: “nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã giao, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện”.
Ngoại trừ nhu cầu sinh lý, còn lại đều liên quan đến quan hệ xã giao và thân thuộc. “Nhu cầu” khi được thỏa mãn sẽ mang đến cảm giác vui vẻ thoải mái. Sự hòa thuận trong gia đình là bí quyết hàng đầu của trường thọ. (truyện kể do St sưu-tầm)
Đọc truyện rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên-ngang hãnh-tiến bước về phía trước, mà hát thêm những lời ca làm kết-đoạn cho một phiếm-luận có lời rằng:
“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn. Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng. Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát. Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng… Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu niềm hy-vọng mãi không thôi, trong trái tim vui. Yêu chàng chàng thổi tình bùi cho ấm đôi tay. Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng! Như yêu mặt trời lửa sáng hân hoan, sưởi nắng mơ màng Yêu chàng, chàng bật đèn tình soi dáng em thon.”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)
Cuối cùng thì, “Hãy yêu chàng” hay “yêu nàng”, tức người khác chứ không chỉ mỗi chính mình, lại là cứu cánh cuộc đời người ở mọi nơi và mọi thời. Và, lương-tâm/chức-năng là cơ-quan nội-tại giúp ta nhớ mãi điều ấy, suốt một đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những lời ca văng vẳng
mãi khuyến khích
một lập-trường sống
rất thân-tâm.
THẤY CHÚA CÁCH NÀO THÌ TA MỚI TIN?
Tuyết Mai (CN IV Mùa Chay, năm A)
Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa”. Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. (Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38).
Từ thuở nào thì con cái Thiên Chúa sống tin tưởng tuyệt đối vào Người? Thưa rằng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi!. Chỉ vì con người kém đức tin của chúng ta cứ thích đi tìm DẤU LẠ thì mới tin được. Như cần phải chính mắt thấy được những gì cực kỳ kinh khủng giống trong những phim giả tưởng (Fiction) thì mới tin. Hay ngược lại chúng ta lại dễ dàng đi tin một cách rất ư là dị đoan, là hoang tưởng mà không cần có sự kiểm chứng đúng đắn của Giáo Hội. Chúng ta tin ngay cả những chuyện xẩy ra thật là tang thương, bi đát và nhất định cho đó là do Thiên Chúa muốn trừng phạt chúng ta vì đã cố tình phạm tội, tương tự như những sự trừng phạt trong chuyện tích của thời Cựu Ước vậy.
Như chuyện của ông mù được Chúa Giêsu chữa lành cho sáng mắt thì cũng chỉ có mình ông ta là TIN tuyệt đối vào Ngài và tin Ngài chính thực là Con Thiên Chúa bởi chính Chúa đã chữa lành cho ông và Chúa Giêsu cũng đã nói cho ông biết điều đó để ông Tin. Nên phúc thay cho những ai không thấy mà tin. Mà con người của ngày nay càng ngày càng sống xa Thiên Chúa hơn bao giờ hết bởi con người ngày càng văn minh hơn, phát triển nhanh hơn khi có thể cho ra nhiều bộ máy rất thông minh và rất tinh vi. Do đó mà Thiên Chúa dễ dàng đi vào quên lãng vì con người dần không tin vào một Thiên Chúa vô cùng quyền năng nữa. Bằng chứng hiển nhiên là ở các trường Tiểu Học, Trung Học và Đại Học ở Nước Mỹ đã lâu không còn được ai nhắc nhở gì về Thiên Chúa nữa và nếu có thì trường học đó có thể bị thưa kiện ra tòa.
Bởi thế mà hơn lúc nào hết chúng ta cần được Thiên Chúa ban thêm cho Đức Tin để chúng ta sống mà không sợ bị mất linh hồn cùng thân xác bị quẳng vào Hỏa Ngục muôn đời trầm luân. Do quá xem thường Thiên Chúa. Chểnh mảng việc thờ phượng cùng làm việc Nhà Chúa. Sống cả một đời ích kỷ chẳng quan tâm đến ai mà ngay cả chỉ vì chút lợi nhuận mà chúng ta có thể giết hại nhau không một chút xót thương. Thử hỏi vì đâu mà chúng ta càng ngày càng ra tệ hại đến như thếchứ?. Điều gì đã làm cho chúng ta trở thành một con người vô lương tâm, có mắt cũng như mù, có miệng chỉ để vu khống cho người, có đôi bàn tay đôi bàn chân nhưng chúng lại quá vô dụng và đã quá trở nên đồi bại, v.v… Nếu thế thì ai trên thế gian này có thể được Thiên Chúa ban thưởng cho Nước Trời ở ngày sau hết?.
Ôi thưa lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của chúng con! Xin thương ban cho chúng con có được đôi con mắt sáng để thấy được bằng con mắt Đức Tin như cái ông mù trong bài Phúc Âm là nhờ Chúa chữa lành nên ông đã được tận mắt thấy Chúa Giêsu và TIN Ngài thật là Thiên Chúa của ông. Qua sự việc Chúa Giêsu đã chữa lành cho ông mù có được đôi con mắt sáng ấy, chứng minh cho chúng ta thấy rằng nếu hết thảy chúng ta thật tình ăn năn, sám hối, muốn được trở vềthì Thiên Chúa Người cũng sẽ hân hoan vui mừng và sẵn sàng đón nhận chúng ta. Như người con hoang đàng tưởng đã chết sau lại trở về trong vòng tay mở rộng của người cha nhân hiền; lại còn được cha mở tiệc linh đình mà thết đãi cho đứa con đã dốc lòng ăn năn và xin cha mình tha tội cho. Amen.
Y Tá của Chúa, Tuyết Mai 22 tháng 3, 2017
SÁNG MẮT SÁNG HỒN
Am Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 4 MC NA 2017 (Ga 9, 1-41)
Sáng mắt sáng hồn
Minh chứng rõ ràng nhất cho việc cuồng tín của phần lớn người dân Việt trong xã hội hiện nay ấy là bói toán, lên đồng cốt, trở thành một nghề ăn khách, đặc biệt ở các thành phố lớn. Dẫu ở các tỉnh xa xôi, hẻo lánh nào, nếu có “giác quan thứ 6” là lập tức những người có khả năng hiếm có này tìm đường tìm nẻo về thành phố “lập kế sinh nhai” bằng nghề bói toán. Như bà H ở Hoàng Hoa Thám, chưa đến 45 tuổi, ở tận Quảng Ngãi ra Hà Nội hành nghề, mà nay đã trở thành “tên tuổi” không thể thiếu trong giới những người đoán vận hạn. Lúc đầu, chỉ là thử ra Hà Nội xem có trụ lại được ở đất Hà thành không, vài tuần bà lại ra Hà Nội một lần để “xem” cho những khách đã “đặt lịch”. Sau thấy lịch ngày càng dày lên, đến nỗi bà phải “làm việc” từ sáng sớm đến đêm, hơn cả người đi làm hành chính. Thế là bà ở lại luôn Hà Nội và biến Hà Nội thành nhà, Quảng Ngãi chỉ là nơi ở tạm. Tất nhiên, để ở lại Hà Nội, bà không thể thuê như trước đây mà bà mua một căn hộ để ổn định. Và điều đáng nói là tất cả số tiền chuẩn bị cho cuộc sống ổn định này đều “xuất xứ” từ nghề bói toán của bà. Chưa nói đến căn biệt thự của bà ở Quảng Ngãi được xây dựng cũng từ số tiền này mà ra.
Lịch “làm việc” của bà: bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến khi bà thấy mệt, không thể “nói” nữa mới thôi, cuối tuần không nghỉ, thậm chí ai mời đến tận nhà để xem cho kỹ, bà cũng đến, chẳng quản ngại đường sá xa xôi. Người viết đã từng chứng kiến, hôm nào ít bà cũng phải xem cho khoảng chục khách, hôm nào nhiều thì “cháy” lịch, phải gạt sang hôm khác. Và lượng người đến xem bói của bà lúc nào cũng vậy, đều… như vắt chanh, làm cho thu nhập của bà cũng vì thế mà dư giả vì trung bình 200 nghìn đồng/người. Cũng cần phải nói thêm đấy là tự họ đặt tiền chứ bà không yêu cầu. Và bà kể, có những người một tuần đến xem của bà 3-4 lần liên tiếp do “nhà có chuyện”.
Một chuyện nữa minh chứng cho việc cuồng tín của người dân Việt hiện nay ấy là đốt vàng mã. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tiền mua vàng mã người dân Hà Nội lên đến 400 tỉ đồng. Còn trên toàn quốc chắc phải tính đến đơn vị cân đong khoảng 50 nghìn tấn tiền vàng mã dựa trên quan niệm “trần sao âm vậy” hay “tốt lễ dễ kêu”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, đây là hành động “buôn thần bán thánh”, “phỉ báng thánh thần” của người dân hiện nay và điều đó cho thấy sự cuồng tín đã đến mức không thể nào kể xiết. (Lại bài chuyện cuồng tín, Phật giáo Việt Nam)
Cuồng tín là tình trạng mù lòa tâm linh, không nhìn thấy đâu là sự thật, đâu là chân lý, vì bị thói háo danh, háo lợi, chức tước che mắt, ám ảnh chi phối. Nên dễ mê muội nghe theo những lời xảo trá vừa lòng. Không chỉ người Biệt phái xưa cuồng tín, mà nay tất cả những ai choáng ngợp và đam mê phù hoa thế gian, đều không có khả năng nhận ra ánh sáng thế gian. “Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian.” Tin Mừng hôm nay, tường thuật Đức Giêsu làm phép lạ chữa người mù bẩm sinh, không những được sáng mắt mà còn được sáng lòng.
Đức tin hành động
“Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa.”Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.”Anh mù mau mắn vâng lời Đức Giêsu phán bảo, được sáng mắt ngay. Niềm tin của anh được minh chứng, thể hiện bằng hành động cụ thể. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.”(Gc 2, 17)
Hơn nữa, niềm tin còn được củng cố, chứng minh bằng việc sống theo Lời Chúa, nhất là tuân giữ các giới răn của Chúa. “Nếu ai giữ các giới răn của Thiên Chúa thì đó là dấu chỉ chúng ta đã nhận biết Thiên Chúa. Ai nói rằng mình biết Chúa mà không giữ các điều răn của Chúa đó là kẻ nói dối, và chân lý không có trong kẻ ấy.” (1Ga 2, 3-4)
Đức tin chiến đấu
Mặc dầu đức tin của anh mù được sáng còn non nớt, anh đã chịu gian nan thử thách, khi buộc phải chiến đấu với những người Biệt phái, đang ra sức chống đối, xúc phạm, tẩy chay Đức Giêsu. Anh hùng hồn bác bỏ luận điệu xuyên tạc về Người. “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời.”
Anh mù chẳng phải cậy sức mình chiến đấu, chính Đức Giêsu đã ban cho anh dồi dào ơn can đảm, soi sáng, mở lòng trí, tăng sức mạnh, cũng như ứng xử bén nhạy, thông minh, để phản công hữu hiệu.“Thật vậy, khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn luỹ.” (1Cr 10, 4)
Cuộc chiến cam go, dai đẳng, khốc liệt nhất luôn là chiến đấu với chính bản thân. “Ðiều tôi làm ra, tôi không biết; vì điều tôi muốn, tôi không thi hành, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét.” (Rm 7, 15) Nhưng nếu đặt hoàn toàn niềm tin, niềm cậy trông, niềm mến vào Chúa thì chắc chắn không bao giờ thua cuộc. “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.” (Ep 6, 10-11)
Đức tin làm chứng
Dựa vào lỗi luật ngày Sabat, người Biệt phái lên án Đức Giêsu, nhưng anh mù mạnh bạo phản biện lại vụ luật mù quáng. “Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.”
Dù bị người Biệt phái khai trừ ra khỏi cộng đoàn, vì anh mù vẫn trung kiên làm chứng cho Đức Giêsu. Ban đầu Người là “một Tiên Tri,” sau này, anh công khai nhận là Thiên Chúa.“Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh.”Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin“, và anh ta sấp mình thờ lạy Người.”
“Con phải can đảm để sống đức tin hàng ngày, bằng các thánh tử đạo can đảm để giữ đức tin.”(Đường Hy Vọng, số 287)
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm sức mạnh cho đức tin yếu ớt của chúng con, để chúng con can đảm đi theo Chúa, mặc bao gian khó, thử thách, đau khổ sẽ dành cho tín hữu Kitô chúng con.
Kính xin Mẹ Maria nhân ái, xin luôn an ủi, che chở, dắt dìu chúng con dũng cảm, kiên trì chịu đựng bao thách đố trên hành trình về quê Trời. Amen.
GIỜ CHẦU THÁNH THỂ : 24 GIỜ CHO CHÚA
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Mùa Chay 2017
Chủ đề : “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”
- KHAI MẠC :
+Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)
Kính thưa cộng đoàn,
Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).
Lời Chúa qua miệng tiên tri Joel: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2,12) lại văng vẳng bên tai mỗi khi Mùa Chay về.
Để giúp con cái mình bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng thu được nhiều ơn ích. Ngoài những phướng thế Giáo hội vẫn đề ra như : Ăn Chay, Cầu Nguyện, Làm Phúc, vị cha chung của Giáo hội là Đức Thánh còn ban hành sứ điệp như là kim chỉ nam để các tín hữu sống trong Mùa Chay Thánh.
Với chủ đề : “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Ngài cũng mời gọi chúng ta dành ”24 giờ cho Chúa” để cầu nguyện, lắng nghe Chúa nói, đón nhận ý Chúa, và quyết tâm thực hành ước muốn của Đức Thánh Cha là vâng nghe Lời Chúa và coi trọng tha nhân, vì chính họ cũng là hồng ân của chúng ta.
Vì thế, đây là thời gian hoán cải, trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống trọn Giới răn mến Chúa và yêu người.
Thật là ý nghĩa trong giờ phút này đây, trước Thánh Thể Chúa, hiệp cùng với Mẹ Maria, thánh cả Giuse, Các Thánh Nam Nữ, các Tổng Thần, Quyền Thần và toàn thể đạo binh thiên quốc, cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, với anh chị em trên toàn thế giới, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Chúa, chúc tụng và tung hô quyền năng Chúa, chiêm ngắm Chúa, tuyên xưng Chúa ngự thật trong phép Mình Thánh. Chúng ta thờ lạy, phủ phục và tôn thờ Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh. Chúng ta cám ơn Chúa Giêsu đã trao ban chính mình cho chúng ta. Và sau hết xin Chúa xót thương, chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.
+Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần
+Đặt Mình Thánh Chúa
+Hát : Thờ Lạy Chúa Giêsu
(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương, hát xong và đọc lời nguyện sau)
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có loài người chúng con. Chúng con tôn thờ và kính lạy Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong đó có mỗi người chúng con. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật giữa chúng con đây, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.
Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.
Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ “mãi mãi, cho đến tận thế” (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa, chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa, chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa, sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.
Chúa là Đấng “vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3). Chúa là Đấng nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Chúa đang ở giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.
Lạy Thiên Chúa đầy tình thương mến, xin ôm ấp tất cả chúng con giờ đây đang thờ lạy trước Thánh Thể tình yêu Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.
Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.
+Hát : Con Thờ Lạy Hết Tình (Hoài Chiên)
- Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.
ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.
- Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.
Vị chủ sự xướng :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên bàn thờ này, chúng con quỳ gối trước nhan Chúa. Con tin thật Chúa là Chúa của chúng con, chúng con là tạo vật của Chúa. Trước nhan Chúa, chúng con ý thức về thân phận của chúng con. Chúng con muốn chứng tỏ rằng con thuộc về Chúa, và chúng con là anh em với nhau. Chúng con thờ lạy Chúa là Chúa của chúng con.
Cộng đoàn đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Trước khi về trời Chúa còn lập Phép Mình Thánh để ở với chúng con.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con kính thờ lạy Chúa, xin Chúa khấn thương ban cho gia đình, giáo xứ và cho toàn thể nước Việt Nam chúng con được ơn sốt sắng, bình an và thịnh vượng. Chúng con cũng xin Chúa gìn giữ Ðức Giáo Hoàng là đấng đại diện Chúa ở trần gian, Ðức Giám Mục Giáo phận chúng con và Cha xứ chúng con. Chúng con lại xin Chúa đoái thương cách riêng đến các linh hồn nơi luyện ngục nhất là những linh hồn khi còn sống đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã chịu chết vì chúng con, nhưng Chúa chưa lấy làm đủ, Chúa còn lập phép Mình Thánh rất đáng kính này để ban trót mình cho chúng con là loài thụ tạo đáng ghét và tệ bạc. Ôi lòng Chúa thương yêu chúng con vô cùng! Chúng con không tài nào suy thấu được. Chớ gì chúng con được kính mến Chúa hết lòng hết sức, chớ gì chúng con được thấy mọi người kính mến Chúa và chớ gì chúng con làm cho mọi người kính mến Chúa như Chúa đáng kính mến.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và thực hiện được điều đó cho gia đình chúng con. Bởi vì có tình yêu chân thành, chúng con mới có thể hy sinh cho nhau, cảm thông, tha thứ, nhịn nhục, chịu đựng lẫn nhau. Có thế, chúng con mới có thể chu toàn nhiệm vụ gia đình là tận tâm giáo dục con cái, trung thành với nhau.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ vậy, gia đình chúng con sẽ được sống hạnh phúc tốt đẹp trong tình thương vô biên của Chúa.
Đáp : Chúng con thờ lạy Chúa.
(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)
- LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM:
+Hát : Xin cho con biết lắng nghe
+Công bố lời Chúa – (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Ga 1, 1-5. 9-14)
“Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta”
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Ðó là lời Chúa.
+Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)
Câu “Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta”, gợi lên cho chúng ta câu hỏi: Tại sao Ngôi Lời phải làm người?
Sách sáng thế 1, 26- 27 cho ta biết, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa“, và trong các loài Chúa đã dựng nên, chỉ có con người được Thiên Chúa ban cho linh hồn thiêng liêng, bất tử. Nhờ đó, con người có khả năng hiểu biết, chọn lựa điều hay lẽ phải và quyết tâm loại trừ điều xấu để hướng đến hạnh phúc đích thực và tròn đầy. Nhưng ngay từ đầu, tổ tông loài người đã từ chối hồng ân Lời Chúa, không lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, nghe theo xúi dục của ma quỷ, chối từ Thiên Chúa, lạm dụng tự do của mình để phạm tội chống lại Thiên Chúa, và làm hư hỏng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, khiến con người trở nên lầm lạc, yếu đuối, hay hướng chiều về điều xấu. Hậu quả là con người làm mất tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, gây xáo trộn nơi bản thân, đánh mất sự hoà hợp với người khác, con người đổ lỗi, nghi ngờ và giết nhau. Không những thế, con người còn làm mất sự hòa hợp với thiên nhiên (vạn vật trở nên gai góc, lao khổ đối với con người) và hậu quả nặng nề là cái chết.
Để cứu con người ra khỏi tình trạng đó, Thiên Chúa đã không để con người ra hư không, mà đã sai Con Một là Đức Giêsu Kitô đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi bằng chính cái chết và sự phục sinh của Người, để những ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết nhưng được sống đời đời.
Nếu Lời của Thiên Chúa Sáng Tạo là Hồng Ân, tổ tông nghe theo thì không phải chết. Thì Chúa Giêsu Kitô chính là Lời, là hiện thân của Thiên Chúa Cha, là Hồng Ân, sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, do Thiên Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Người mang đến cho nhân loại tình yêu, bình an và hạnh phúc của Chúa Cha trên trời. Chính Người là Ðấng Cứu Độ chúng ta.
Thiên Chúa Cha đã tặng Con Một mình cho thế gian, với lý do như chính Chúa Con đã tuyên bố với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời“ (Ga 3,16). Với lời này, Chúa Giêsu khẳng định Người là món quà mà Chúa Cha ban tặng cho thế gian.
Tình yêu là bằng chứng cao cả nhất của Thiên Chúa. Đây cũng là một biện pháp cuối cùng mà Thiên Chúa đã thực hiện, sau khi đã dùng nhiều thể nhiều cách trong lịch sử mà phán dạy con người (x. Dt 1,1). Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn minh chứng và thể hiện tình thương vô bờ bến của Chúa Cha. Người không chỉ đem cho con người những lời giáo huấn về chân lý vĩnh cửu, Người còn hiến chính mạng sống vì con người. Trên cây thập giá, Người thể hiện cách rõ ràng Người là quà tặng của Thiên Chúa để cữu chuộc trần gian.
Khi Thiên Chúa tặng ban món quà Giêsu cho con người, có người đón nhận, nhưng cũng có nhiều khinh miệt chê bai, thậm chí còn gạt bỏ, khước từ và cuối cùng đóng đinh Người trên thập giá. Ai đón nhận, người ấy có được bình an và ơn cứu rỗi. Kẻ nào khước từ thì nhận lấy án phạt đời đời vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa (x. Ga 3, 18).
(Mọi người thinh lặng trong giây phút chiêm ngắm Chúa)
+Hát : Mình Máu Thánh (Thu Lâm)
- Ôi Cha yêu con, yêu con thật hết tình, này Mình Máu Thánh nuôi hồn con thêm thắm tình. Ôi Cha, yêu con, yêu con quên cả chính Mình, này Mình Máu Thánh đủ minh chứng cho tình yêu.
ĐK: Tâm tư con hoan lạc được rước Mình Máu Thánh, tâm tư con vinh hạnh được diện kiến Tim Cha, biết nói chi cho cân tình mến Cha đã dành, biết đáp chi cho cân tình mến Cha rộng ban.
- Ôi Cha, bao la, yêu con thật hải hà, này Mình máu Thánh nuôi hồn con khỏi giá lạnh. Ôi Cha, yêu con, bao la ôi thật hải hà, này Mình Máu Thánh lò nung nóng con người ta.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
+Công bố lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 22-31)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.
Người đó lại nói: ‘Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'”.
+Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay với chủ đề : “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân“. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hữu lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Ngài trưng dẫn đoạn Tin Mừng Luca (16,19-31) để quảng diễn. Chi tiết “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực ; nhưng không nói ông đã làm giầu cách bất lương : ông dùng của cải ông có. Tương phản với “anh Lagiarô nghèo” (Lc 16,20), gợi lên những chỉ trích phê bình. Người phú hộ, nếu có điều kiện ông sẽ chè chén, đó là việc làm của ông ; nhưng ông không nhận ra anh Lagiarô nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được.
Đức Thánh Cha viết : “Ông Lagiarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người hệ tại nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Cả người nghèo nơi cổng nhà người giầu không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống.. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt” (Số 1).
Có người bất mãn tự hỏi: Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?
Vâng, giàu có không phải là một tội, nhưng khi không làm chủ được các thứ mình có, chúng sẽ làm chúng ta vong thân, mất tha nhân và mất phần phúc đời đời. Nên khi phân tích thái độ của người phú hộ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Tiền bạc có thể biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân hành một tiêu chuẩn ích kỷ, không còn chỗ cho tình thương và cản trở hòa bình. Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta thấy sự ham hố tiền bạc của người phú hộ làm cho ông ta kiêu hãnh, háo danh, chỉ quan tâm phô trương bề ngoài trong khi trống rỗng trong nội tâm.. Người phú hộ ăn mặc như thể mình là vua, giả bộ cung cách như một vị thần, mà quên mình chỉ là một phàm nhân hay chết.. Vì thế, kết quả của sự quyến luyến tiền bạc là một thứ mù quáng: người giàu không thấy người nghèo đang chịu đói, bị đè bẹp trong tủi nhục! ” (Số 1)
Quả thật, đời sống ích kỷ khiến người giầu chỉ chú ý đến mình, qui mọi sự về mình, bị mắc kẹt trong sự thờ ơ, trở thành tù nhân của nhà tù mạ vàng của chính mình, mù quáng trước nhu cầu của người đồng loại, và điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa từ bi nhân ái, đánh mất hồng ân tha nhân.
Tuy nhiên trong trình thuật, Đức Giêsu lại làm nổi bật hơn, khi đưa ra một vấn đề thời sự khá bất ngờ, buộc người nghe phải đặt mình trong tương quan với bản thân.
Nhà phú hộ xin với Cha Abraham, nếu không bớt được đau khổ cho ông thì ít ra cũng cảnh báo anh em ông khỏi rơi vào cảnh buồn tủi thế này. Câu trả lời của tổ phụ Abraham nại đến “Môisen và các tiên tri” sẽ thức tỉnh lương tâm họ : nhưng theo nhà phú hộ thì các chứng nhân Cựu Ước không đủ để thức tỉnh anh em ông về sự quyến rũ của thế gian này. Nên ông nài nỉ : “Nhưng nếu có ai đó trong kẻ chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải” (Lc 16,30). Lời khước từ của Abraham khép lại dụ ngôn ngay lập tức : “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,31).
Rõ ràng : nếu chúng ta từ chối đón nhận hồng ân Lời Chúa không ngừng kêu gọi sám hối ăn năn, đóng kín lòng mình trong sự ích kỷ của cái tôi, kéo theo đánh mất hồng ân tha nhân, chúng ta sẽ không thể gia nhập cộng đoàn huynh đệ đã được Đức Kitô Phục sinh khai mở, mất luôn cả phần phúc đời đời là chính Chúa. Ông nhà giầu không bị kết án vì các của cải của mình, nhưng vì đã không có khả năng cảm thương và cứu giúp Ladarô, đại diện cho tiếng kêu thầm lặng của người nghèo thuộc mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới, trong đó các của cải và tài nguyên mênh mông nằm trong tay một ít người. Cảnh này nhắc lại lời quở trách nặng nề của Con Người trong ngày sau hết: “Ta đã đói và các ngươi không cho ăn, đã khát và các ngươi đã không cho uống, đã trần truồng và các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25,42- 43).
Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy : “Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dùng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái… mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình. Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ như thế. Các ngài dạy rằng mọi người có bổn phận phải nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của dư thừa. Còn những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần thiết cho mình. Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ lại lời sau đây của các Giáo Phụ: “hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ“. Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và phát triển“. (Gaudium et Spes) § 69.
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong hành trình Mùa Chay Thánh, thực hiện một con đường hoán cải đích thực, tái khám phá hồng ân Lời Chúa, để được thanh thẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù quáng, hầu phụng sự Chúa Kitô nơi các anh chị em túng thiếu, vì họ cũng chính là hồng ân của chúng ta.
(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)
+Hát : THÁNH VỊNH 50 Lm. Kim Long
- Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
- Vâng con nay đà biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
- Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
- Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.
(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.
(Vị Chủ sự và giúp lễ với bình hương, nến nghi ngút đi ra quì trước Thánh Thể)
III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ
(Mời cộng đoàn quì)
+Chủ sự :
Anh chị em thân mến,
Hiệp cùng Đức giáo hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin.
+Ý cầu nguyện
(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)
- Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, trở nên những tấm bánh được bẻ ra cho muôn người.
- Lạy Chúa Giêsu đang hiện trong Bí tích Thánh Thể, Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.
- Lạy Chúa Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này với lòng trong sạch, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, đợi chờ ngày được tham dự vào sự sống viên mãn mai sau.
- Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa, chúng con đã từ chối hồng ân Lời Chúa, từ chối anh em cũng là hồng ân của chúng con. Xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài giúp chúng con thêm hiểu biết về Bí tịch nhiệm mầu cao cả này.
+Chủ sự :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin Chúa thương đón nhận, thánh hóa và ban ơn theo thánh ý Chúa. Amen.
- PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA
+Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.
+Hát : Ca Thánh Thể.
+Lời nguyện.
+Phép Lành Mình Thánh Chúa.
- BẾ MẠC
+Hát kết thúc
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG THEO KINH THÁNH
Trầm Thiên Thu
Chính Đức Giêsu Kitô đã nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng HIỀN HẬU và KHIÊM NHƯỜNG. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29).
Trong một thế giới đề cao “cái tôi” đầy ích kỷ và tham vọng như ngày nay, sống khiêm nhường là một thách đố lớn lao, dù biết rằng “khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức”. Khó lắm, nhưng không phải không làm được. Muốn làm được thì chúng ta phải noi theo hai tấm gương lớn và sáng chói: Đức Kitô – Đấng hiền lành tuyệt đối, và Đức Maria – Nữ Tỳ khiêm tốn. Một tấm gương khác cũng rất đáng noi theo là ông Môsê, vì Kinh Thánh cho biết: “Ông Môsê là người hiền lành nhất đời” (Ds 12:3).
Sự khiêm nhường luôn liên quan sự khoan hồng, còn sự kiêu ngạo luôn dính líu sự ganh tị và ghen ghét. Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2:3). Khiêm nhường xem chừng dễ dàng, nhưng thực ra lại vô cùng khó thức hiện!
Người khiêm nhường biết rõ thế mạnh (điểm mạnh, yếu điểm, ưu điểm, sở trường) của mình, dám thừa nhận thế yếu (điểm yếu, nhược điểm, khuyết điểm, sở đoản) của mình, còn kẻ kiêu ngạo đề cao thế mạnh của mình, nhưng lại đánh giá thấp hoặc phớt lờ điểm yếu của mình, khoe khoang và lẻo mép – ngày nay thường gọi là “nổ” hoặc “chảnh”. Người khiêm nhường biết rõ mình là ai và là gì nên không khoe khoang để tự tôn, nhưng dùng ưu thế của mình để phục vụ tha nhân vì mục đích cao thượng và lớn lao hơn chính mình. Người khiêm nhường luôn ý thức được vị trí của mình, không cố gắng thay đổi mình để giống người khác.
Thế mà trong cuộc sống vẫn có một số người nỗ lực để trở nên giống với người khác để làm “hài lòng” những người xung quanh, thậm chí “lấy lòng” cả người chúng ta không khâm phục. Đó là nịnh hót, nịnh bợ, xu nịnh, tâng bốc, tự đánh mất chính mình. Kiểu như người ta nói: “Cáo mượn oai hổ”. Họ bợ đỡ người trên, nhưng lại hống hách và chà đạp người dưới. Thật là hèn nhát!
Khiêm nhường không phải là không dám nhận những lời khen ngợi chân thật (chứ không khen nịnh). Không thật lòng nhận lời khen chân thật lại chính là sự kiêu ngạo. Người khiêm nhường thật lòng biết khi nào nên nhận lời khen, và họ luôn chân thành công nhận tài năng của người khác.
Sự khiêm nhường là cội nguồn của những điều tốt đẹp. Những người tài giỏi luôn biết rằng sự khiêm nhường là khởi nguồn của những điều vĩ đại. Thật vậy, chỉ khi nào biết khiêm nhường thì chúng ta mới có thể học hỏi, trưởng thành và phát triển tích cực để vươn tới tầm cao nhất của chính mình.
Sống khiêm nhường rất có lợi, vì bạn có thể học hỏi mọi thứ từ bất kì ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Vua Solomon, con người khôn ngoan và thông thái, đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11:2). Thông tin không hẳn sẽ thành tri thức, tri thức không hẳn sẽ thành sự khôn ngoan, nhưng chỉ có sự khiêm nhường mới khả dĩ giúp chúng ta đạt tới sự khôn ngoan đích thực.
Người khiêm nhường là người sống hiền lành, nhu mì, ngoan ngoãn, dịu dàng. Có thể sự khiêm nhường có phần nào đó liên quan “sự yếu đuối” – vì phải chịu lụy và nhịn nhục. Tuy nhiên, thực ra khiêm nhường lại có sức mạnh kỳ lạ, có thể đem lại sự bình an và an toàn nội tâm: “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18:12).
Thánh Phêrô nói về sự khiêm nhường ở phụ nữ: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa” (1 Pr 3:3-4).
Khiêm nhường là khiêm tốn, khiêm hạ, nhún nhường, trái ngược với ngạo mạn, kiêu ngạo, kiêu căng, tự mãn. Người khiêm nhường không bướng bỉnh, không ương ngạnh, không ích kỷ, sẵn sàng quên mình vì người khác. Thánh Phêrô đã khuyên: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5:5).
Đặc biệt hơn, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:2). Trở nên như trẻ nhỏ tức là phải sống khiêm nhường, vì trẻ em luôn vô tư và hồn nhiên.
Mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui, Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai, Giáo hội dạy chúng ta xin cho được sống khiêm nhường. Khiêm nhường là nhân đức tối quan trọng, vì đó là nhân đức nền tảng, là “viên đá góc tường” trong Tòa Nhà Nhân Đức. Thật vậy, Kinh Thánh đã nói tới đức khiêm nhường khoảng 200 lần – nói rõ hoặc nói điều liên quan.
Danh nhân R. Tagore (Ấn Độ) nói: “Cầu nguyện không là cầu xin, mà là nhận biết sự yếu đuối của mình hằng ngày”. Ông không nói rõ về sự khiêm nhường, nhưng “nhận biết sự yếu đuối của mình” chính là sự khiêm nhường. Và cách định nghĩa của Ken Blanchard thật hay: “Khiêm nhường không có nghĩa là ít nghĩ về mình, mà là nghĩ mình nhỏ bé”.
Như đã nói ở trên, sách Dân Số xác định: “Ông Môsê là người hiền lành nhất đời” (Ds 12:3). Người hiền lành là người khiêm nhường, không khiêm nhường không thể hiền lành – một hệ lụy tất yếu. Một trong Bát Phúc (Tám Mối Phúc) cũng được Chúa Giêsu đề cập vấn đề liên quan đức khiêm nhường: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4).
Hiền lành là hoa trái của Thần Khí Thiên Chúa: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:22-23). Đó là những nhân đức mà chúng ta phải sở hữu, với điều kiện chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Sách Châm Ngôn xác định: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào. Thà sống tự hạ với kẻ khiêm nhu hơn chia chiến lợi phẩm với phường kiêu hãnh” (Cn 16:18-19). Cái gì ngược lại đức khiêm nhường thì thật là nguy hiểm!
Về hai thái cực “khiêm nhường” và “kiêu ngạo”, trình thuật Lc 18:9-14 cho chúng ta biết trong dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Họ cùng lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Trước mặt Đấng Tối Cao mà người Pha-ri-sêu vẫn dám “chảnh”, hiên ngang tự nhận mình tốt lành và nhân đức. Không chỉ vậy, ông ta còn “liều” xỉa xói người khác khi “liếc xéo” người khác. Ngay trong nhà thờ, ngay khi cầu nguyện, ngay khi làm việc đạo đức mà lại phạm tội. Dạng người này “ngoan như chiên khi ở trong nhà thờ” nhưng lại “dữ như cọp khi ở ngoài nhà thờ”. Họ nói nhiều, và nói toàn điều xấu, xúc xiểm tha nhân hoặc bè phái, cấu kết với nhau mà làm hại người khác. Thật khủng khiếp!
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa ngắn gọn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Rất khiêm nhường! Thiên Chúa rất ghét loại người giả nhân giả nghĩa, nhưng rất thương người khiêm nhường. Và Chúa Giêsu tuyên bố thẳng: “Người này (thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (Pha-ri-sêu) thì không”. Rồi Ngài kết luận: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18:14).
Cũng chỉ là tội nhân, vậy mà dám chê người khác. Liều thật! Thánh Gioan Tông đồ phân tích: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8 & 10). Ca dao Việt Nam cũng nói: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Thánh Giacôbê nói rõ: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4:6).
Thánh Gioan Tẩy giả là ngôn sứ “giao thời”, nối kết Cựu ước với Tân ước, được Chúa Giêsu gọi là ngôn sứ vĩ đại nhất, thế nhưng Ông tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu (Mc 1:7; Lc 3:16; Ga 1:27), và Ông tuyên bố: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3:30). Ngôn sứ Gioan đúng là người khiêm nhường.
Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, được đặc ân tuyệt vời, thế nhưng Mẹ lại nhận là “phận nữ tỳ hèn mọn được Chúa đoái thương nhìn tới” (Lc 1:48), và Mẹ hoàn toàn tuân phục Thánh Ý Chúa bằng cách mau mắn nói lời “xin vâng” (Lc 1:38). Tác giả Thánh Vịnh cũng đã nhận định: “Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy; bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147:6).
Trong một thế giới đề cao “cái tôi” và cách sống đầy ích kỷ như ngày nay, sống khiêm nhường là một thách đố lớn. Thế nên chúng ta lại càng phải cố gắng tập sống khiêm nhường. Càng khó càng phải cố. Hãy bắt chước tác giả Thánh Vịnh mà luôn tự nhủ:
Lòng con chẳng dám tự cao
Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước
Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu
Hồn con, con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình
(Tv 131:1-2)
Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức, vì thế chúng ta phải không ngừng trau dồi nhân đức này. Ngược lại đức khiêm nhường là kiêu ngạo, cách nói bình dân ngày nay là “nổ” hoặc “chảnh”.
Đây là một số câu Kinh Thánh liên quan đức khiêm nhường:
Mt 3:14 – Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!
Mt 5:4 – Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Mt 11:29 – Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Mt 18:3 – Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Mt 18:10 – Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
Mt 20:26-27 – Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
Mt 23:12 – Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Mc 9:35 – Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.
Mc 10:43-45 – Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Lc 1:38 – Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.
Lc 1:52 – Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Lc 3:16 – Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.
Lc 7:6-7 – Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.
Lc 9:48 – Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.
Lc 14:10 – Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối.
Lc 14:11 – Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Lc 17:10 – Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
Lc 18:13 – Người thu thuế đứng xa và thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Lc 22:26-27 – ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
Lc 5:8 – Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!
Ga 13:14 – Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.
Tv 69:30 – Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng.
Tv 86:1 – Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con, vì thân con nghèo hèn túng quẫn.
G 42:4 & 6 – Xin Ngài lắng nghe, và cho con thưa gửi đôi điều, con sẽ hỏi và xin Ngài đáp lại. Điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn.
G 10:15 – Nếu con có tội, thì khốn cho con! Mà nếu có công chính, con cũng chẳng dám ngẩng đầu: Tủi hổ đầy tràn, lỗi lầm chồng chất.
Gc 1:9-10 – Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên; còn người giàu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ.
Ep 3:8-9 – Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.
Đức khiêm nhường được đề cập rất nhiều trong Kinh Thánh, xuyên suốt từ Cựu ước tới Tân ước. Chuyện kể rằng, từ Thập giá có tiếng nói với Thánh Tiến sĩ Thomas Aquino: “Thomas, con đã viết hay về Ta. Con muốn phần thưởng gì cho công việc của con”. Thánh nhân khiêm nhường trả lời: “Lạy Chúa, con chỉ muốn chính Ngài”. Với bộ Tổng luận Thần học kếch sù và cần thiết, như kim chỉ nam của Giáo hội, thế mà ngài khiêm nhường nói: “Những gì tôi viết ra chỉ là rơm rác”.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con có thể sống khiêm nhường theo đúng Tôn Ý Ngài.
Lạy Đức Mẹ, xin dạy dỗ và nâng đỡ chúng con suốt hành trình tập sống khiêm nhường như chính Mẹ đã sống. Lạy Đức Thánh Giuse, xin giúp chúng con biết noi gương khiêm nhường và im lặng như ngài. Lạy chư thánh, xin nguyện giúp cầu thay.
Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
CHÚA LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA NIỀM VUI
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Chay – năm A
(Ga 9,1-41)
Bước vào Chúa nhật IV Mùa Chay quen gọi là Chúa nhật của Niệm Vui (Lætare), Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo hội tạm dừng, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới, để chuẩn bị tâm hồn tốt hơn hầu cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của Lễ Phục Sinh đã gần kề.
“Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan.” (Ca nhập lễ) Hay lời của Thánh vịnh gia : “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…… “. Những lời trên diễn tả niềm vui ngập tràn và thiêng thánh. Giáo hội chúc mừng con cái mình đã hăng hái đi được nửa hành trình của Mùa Chay Thánh. Làm sao không thể không vui không mừng được. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ, ” Cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng… được Thành Ðô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang…đón nhận dồi dào ơn an ủi …” (Is 66,10-11).
Vậy đâu là lý do sâu xa để vui mừng ?
Lời Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A : ” Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép rửa mang lại đời sống mới, Người giải thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Chúa… ” (Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A). Đoạn Tin Mừng thánh Gioan hôm nay cho chúng ta câu trả lời cụ thể khi Chúa Giêsu chữa lành một người mù từ khi mới sinh. Câu Chúa Giêsu hỏi người mù là đỉnh cao của trình thuật : “Ngươi có tin nơi Con Thiên Chúa không?” (Ga 9,35) Như một “người” giữa bao nhiêu người khác, anh người mù này mới đầu gặp Chúa Giêsu, khác mọi người là anh coi Chúa Giêsu là “một ngôn sứ”, Chúa mở mắt anh ra, từ ánh sáng của đôi mắt đến ánh sáng của đức tin, anh tuyên xưng Chúa Giêsu là “Chúa”, và trả lời câu hỏi Chúa đặt ra cho anh : “Lạy Thầy, tôi tin!” (Ga 9,38). Như thế là đã rõ, Chúa Giêsu chữa người mù khỏi mù, anh thấy ánh sáng và anh tin vào Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là nguyên nhân của niềm vui lớn cho người mù từ khi mới sinh này, vì Chúa đã cho anh thấy được cảnh vật không chỉ về thể lý mà còn cả tinh thần nữa. Cũng như cả và nhân loại sau khi nguyên tổ phạm tội phải bước đi trong u tối, nay Chúa Giêsu đến, tự giới thiệu mình là Ánh Sáng thế gian dẫn đưa nhân loại khỏi bóng tối của tội lỗi, phục hồi phẩm giá địa vị làm con Thiên Chúa.
Người mù đã tin và đã nhận được ánh sáng của Chúa Kitô. Trái lại, những người Pharisêu thì tưởng rằng mình sáng, nên họ vẫn bị mù vì sự cứng lòng và tội lỗi của họ. Đúng vậy, “Người Do Thái không tin là trước đây anh bị mù mà bây giờ nhìn thấy được. Đó là lý do tại sao họ gọi cha mẹ anh ta đến” (x. Ga 9,18).
Chúa Giêsu là sự sáng thế gian
Ngài từ trời xuống thế, để cho phàm nhân được thấy Ngài và qua Ngài họ thấy Chúa Cha; chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy Chúa. Ngài đã mở mắt người mù, để người mù thấy được Chúa Cha ở nơi Ngài. Ngài giới thiệu : ” Ta là sự sáng thế gian” (Ga 9, 5) ; ” Là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1,9) Ngài chữa lành sự mù quáng của con mắt đức tin nơi những người không thấy để mà tin.
Ađam được Thiên Chúa sáng tạo với con mắt tinh tường, nhưng sau khi giao tiếp với con rắn xong, ông trở nên mù quáng (x. St 3, 1-7). Anh mù bẩm sinh vẫn ngồi… mà không xin bất kỳ một loại thuốc mỡ nào để chữa mắt mình … anh chỉ hết mù khi anh tin (x. Ga 9,1-41). Chúa Giêsu, Vị thầy thuốc cao tay đã nhìn thấy những đau khổ của người mù ngồi đó và xin làm phúc, bằng quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã làm phép lạ cho người mù được thấy.
Ađam được Thiên Chúa dựng tạo dựng bằng đất sét, bùn ướt : ” Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người” ( St 2, 7), nay chất liệu ấy được Chúa Giêsu dùng để chữa lành đôi mắt. Ngài đã phục hồi thị giác cho người mù từ khi mới sinh bằng nước bọt nhổ ra trộn vào đất, anh người mù nói : ” Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt ” (Ga 9,1-11). Ngài là quả là Ánh Sáng chiếu sáng thế gian và cho con người được nhìn thấy ánh sáng.
Chúng ta là con cái ánh sáng
Từ ánh sáng đến đức tin hay từ đức tin đến ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của người mù giúp chúng ta hiểu rằng, ngày chúng ta chịu phép rửa tội, ánh sáng của Chúa Kitô cũng chiếu tỏa trên chúng ta, chữa chúng ta khỏi sự mù quáng tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành con cái ánh sáng. Đó là điều Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : ” Bây giờ anh em là ánh sáng trong Chúa” (Eph 5, 8). Thế nên, nhờ phép rửa trong Chúa Kitô, trước kia chúng ta là những người ở trong bóng tối, nay trở thành ánh sáng. Kể từ ngày hôm đó chúng ta là con người mới hoàn toàn.
Nhờ phép rửa tội, người kitô hữu trở thành ” con của sự sáng ” (Eph 5, 8) hay nói cách khác, trở thành ” con cái Thiên Chúa ” (1 Ga 3,1). Người con đích thực của Thiên Chúa là Chúa Kitô đã chiếu tỏa rạng ngời ánh sáng Chúa Cha, để bất cứ ai được tái sinh trong Ngài, có thể thông truyền ánh sáng đức tin ấy cho người khác, tức là sinh ” hoa trái của sự sáng ” (Eph 5, 9). Vì vậy, trong Mùa Chay này, chúng ta hãy để ánh sáng ấy chiếu tỏa trên chúng ta để qua chúng ta mọi người có thể tìm thấy Thiên Chúa là Ánh Sáng đích thực.
Chúa Giêsu là ‘Ánh sáng thế gian‘ (Ga 8,12). Trong nghi thức Rửa tội, việc trao nến sáng và thắp sáng từ cây nến Phục Sinh tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, là dấu hiệu giúp chúng ta hiểu rõ những gì xảy ra trong Bí tích này. Khi chúng ta để cho mình được mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi tất cả những gì đe dọa sự viên mãn của cuộc sống ấy.
Lễ Phục Sinh đã gần kề, chúng ta hãy vui lên và khơi dậy nơi mình hồng ân đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, ngọn lửa ấy nhiều khi có nguy cơ bị dập tắt. Chúng ta hãy nuôi dưỡng ngọn lửa đó bằng kinh nguyện và lòng bác ái đối với tha nhân.
Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mỗi người chúng ta dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô, là Ánh Sáng thật và là Ðấng Cứu Thế. Amen.
ĐIỀU KIỆN KÈM THEO
Lm. Vũđình Tường
Mù loà thể lí Cuộc sống luôn có những điều kiện kèm theo, ngay cả khi nhìn ngắm mắt ta cũng bị điều kiện hoá. Chính những điều kiện hoá này là nguyên nhân gây nên những cái nhìn khác nhau. Bởi nhìn khác nhau dẫn đến phán đoán khác nhau. Phán đoán khác nhau đưa đến hành động khác nhau. Điều kiện ảnh hưởng đến nhìn ngắm bên ngoài cũng lắm mà điều kiện bên trong cũng nhiều. Bên ngoài ảnh hưởng đến cách nhìn như tuổi tác, di truyền. Chính vì thế mà trong câu chuyện Đức Kitô mở mắt sáng cho người mù từ lúc mới sinh đưa ra những quan điểm khác nhau. Đại chúng cho là người mù là người từng ăn mày trong xóm nay được sáng mắt; số khác lại cho là một người nào đó giống anh ta mà không phải chính anh ta. Trong khi anh ta xác nhận là chính anh trước đây mù nay được sáng mắt.
Mù loà về lương tâm Về phương diện lương tâm, tâm trí ta bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán và chủ thuyết hay quan điểm chính trị. Những điều kiện này ảnh hưởng lớn tới cách suy luận, phán đoán của cá nhân. Kinh Thánh ghi nhận rõ ràng là những người Pharisiêu bị ảnh hưởng bởi phong tục của họ khi họ phê phán Đức Kitô là người tội lỗi vì đã phạm vào luật cấm làm việc ngày lễ nghỉ. Họ suy luận, phán đoán và tin chắc họ đúng. Số khác cãi lại không chú trọng vào ngày lễ nghỉ nhưng chú trọng vào thành quả tốt lành của người mù mắt sáng khi họ đáp. Nếu là người tội lỗi thì không thể làm điều kì lạ, mở mắt người mù từ lúc mới sinh. Lối giải thích này không được nhóm lãnh đạo chấp nhận.
Cha mẹ của người mù bị ảnh hưởng của điều kiện xã hội. Hai ông bà sợ bị phán xét và cấm đoán của tập đoàn lãnh đạo nên họ đành cay đắng nói dối lương tâm mình. Hai ông bà chối không biết vì sao con họ được mắt sáng. Thay vì vui mừng, họ lo sợ đáp với những người thẩm vấn họ. Chúng tôi xác nhận, nó là con chúng tôi, nó bị mù từ lúc nó mới sanh. Còn làm sao nó sáng mắt, ai chữa cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, quí vị hỏi nó thì tốt hơn. Kinh thánh thuật rõ. Hai ông bà nói thế vì sợ tập đoàn lãnh đạo hành hạ. Họ không thể kêu oan và có kêu rất có thể không được giải đáp thoả đáng còn bị tư thù hãm hại.
Mù loà về đức tin Ánh sáng tâm linh đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được các điều kiện về cả thể lí lẫn phong tục tập quán. Ánh sáng tâm linh được sách Samuel diễn tả rất rõ khi Samuel đuợc chỉ định đi xức dầu tấn phong vương quyền cho David, trở thành vua tương lai của Israel. Samuel gặp tất cả các con của Jesse. Ông vẫn chưa thấy yên tâm và tiếp tục hỏi cho đến khi gặp David đang chăn chiên ngoài đồng và ông xức dầu cho David bởi tâm ông được Thánh Thần hướng dẫn làm việc đó. Cái nhìn tâm linh đòi buộc chúng ta nhìn bằng con tim với tấm lòng yêu mến. Đừng để khối óc ảnh hưởng, phong tục, tập quán kiềm chế, ngoại hình lung lạc khi quyết định nhưng phán đoán sự việc dựa vào tình yêu và lòng mến để nhận định sự việc. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô cho biết chúng ta cần ánh sáng Đức Kitô soi đuờng, dẫn lối trong cuộc sống. Cần có ánh sáng Đức Kitô khi nhận định và phán đoán. Để làm được điều này cần dứt khoát loại bỏ bóng tối, đón nhận ánh sáng Đức Kitô với tất cả tấm lòng chân thành. Tin thờ các tà thần là dấu chỉ mù loà về đức tin; tôn thờ cá nhân, nhân vật lịch sử là mù loà về đức tin. Không chịu tìm hiểu về Kinh Thánh dẫn đến hậu quả mù mờ về đức tin Kitô giáo; biếng nhác lãnh nhận các bí tích sẽ biếng nhác việc phụng thờ Thiên Chúa và nguôi ngoai về đức tin. Chính vì lười biếng trong việc học hỏi về Kinh Thánh mà người ta coi bệnh tật là hình phạt do tội gây ra. Cây cối có tội gì, con vật có tội chi. Chúng cũng già nua, cũng ốm đau, bệnh tật. Như thế bệnh tật, già nua là một phần của tất cả các sinh vật.
Mở mắt người mù Đức Kitô giúp chúng ta nhận biết mù đức tin nguy hiểm hơn mù thể lí bởi mù đức tin dẫn đến con đường chết, con đường tối tăm ngàn thu. Nhờ lòng tin người mù nhìn nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trong khi người mắt sáng lại không nhìn nhận biết Đức Kitô. Bước đầu tiên để nhận ánh sáng đức tin là lòng khiêm nhường. Thiếu khiêm nhường không thể tiến bước trên đường tin theo Đức Kitô.
MÙ VÀ SÁNG
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Dcct
Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm A Ga 9,1-41
Mù và sáng Ở đời người ta thường nói:” Giầu có hai con mắt.Khốn khó hai bàn tay “. Diễn tả điều ấy, người ta muốn cho chúng ta thấy đôi mắt quý giá như thế nào và hai bàn tay cũng quan trọng làm sao ! Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy anh mù bẩm sinh vừa bị mù thể lý, vừa bị mù cả đức tin. Anh mù này không thể thấy vũ trụ, vạn vật, thế giới, cũng không thấy được con người. Đây là sự thiệt thòi và đau khổ nhất cho anh. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ quý giá, anh mù đã được Chúa làm cho sáng mắt : đôi mắt thể lý và đôi mắt tâm hồn…
Để được sáng mắt, anh mù đã phải trải qua một cuộc chiến mệt mỏi, dai dẳng, một cuộc hành trình chông gai do anh chưa thể hiểu được tôn giáo, do anh chưa nhận ra đức tin, do luật tôn giáo lúc đó cản ngăn, do sự cứng cỏi, chống đối của Pharisêu, những người xem ra mắt thể lý sáng, nhưng lại hết sức tối tăm, mù mịt vì đức tin. Cuộc hành trình đi tới đức tin của anh để anh có thể nhận biết Chúa cứ bị đe dọa, chống đối, cản ngăn, cứ bị ngăn cản, đe dọa bởi giới có chức, có quyền, có uy lực của các vị lãnh đạo tôn giáo lúc đó vv…Anh đã nỗ lực, đã cố gắng vượt bực, đồng thời với sự khai mở, vén lộ của Đức Giêsu Kitô, anh mù đã vượt thắng biết bao khó khăn từ nhiều phía để rồi anh đã có một đức tin ngời sáng, đức tin mạnh mẽ, sâu xa và tỏa sáng.Vâng, chính anh mù này đã bênh vực cho Chúa Giêsu, đã làm chứng cho phép lạ của Chúa bởi vì nhiều người đã phủ nhận phép lạ Người làm vì họ cho rằng Chúa Giêsu đã vi phạm luật không được chữa bệnh trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày nghỉ ngơi không được làm việc, không được họ. chữa bệnh, không được cứu vớt vv…Anh mù đã bênh vực cho Chúa và đã mạnh mẽ tuyên xưng đức tin :” …Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì “ ( Ga 9, 32-33 ).
Anh mù đã biện phân một cách chí lý bởi vì nếu Chúa Giêsu là kẻ tội lỗi thì làm sao Người có thể làm cho anh mù sáng mắt được. Những người lên án Chúa Giêsu như Kinh sư, Biệt phái, Pharisêu, những người Do Thái cứng lòng, họ có mắt thật đấy nhưng tâm hồn của họ lại mù lòa.Họ có mắt nhưng thực sự như không có mắt. Họ tưởng họ sáng nhưng thực tế họ đang mù lòa. Những người này vẫn cố chấp, vẫn sống lì lợm trong tội lỗi, nên họ không thể nhận ra được Thiên Chúa, không thể hiểu được Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng cứu độ đã đến trần gian.. Họ không thể nhận ra được Chúa Giêsu đã chữa cho anh mù, là Đấng Cứu thế, là Con Thiên Chúa, đang đứng trước mặt họ. Họ đã chai lì, đã mù lòa cả xác và tinh thần. Họ thật là bất hạnh vì không thể nào nhận ra Thiên Chúa…
Chúa Giêsu đã làm một phép lạ mà y khoa muôn đời sẽ bó tay vì mù bẩm sinh không thể nào chữa được, không thể nào làm cho sáng mắt được. Chúa đã dùng quyền năng phi thường của Thiên Chúa để làm cho anh mù từ bẩm sinh được sáng mắt về mặt thể lý, nhưng trên hết Chúa đã khai mào đức tin, ban đức tin cho anh để anh tin mạnh mẽ, tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã chữa lành mù lòa cho anh. Đây quả là phép lạ về lòng tin bởi vì có nhiều người sáng đôi mắt thể lý họ nhìn được vạn vật, nhìn được con người nhưng lại mù tịt về đức tin.
Có một loại mù lòa về tinh thần, về tâm hồn. Họ có mắt thật đấy nhưng họ không thể có đức tin để nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ đã đến trần gian để cứu rỗi nhân loại, cứu rỗi con người. Những người Do Thái có đôi mắt thể lý, họ thấy Chúa Giêsu và thế giới, nhưng đôi mắt đức tin của họ thì bị mù vì họ không tin Đức Giêsu Kitô có thể làm phép lạ chữa bệnh, và cũng không tin Người là Thiên Chúa,la Ánh Sáng, thậm chí họ còn muốn tấn công, làm khó dễ, bắt bớ và trục xuất tất cả những ai dám nói rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa nữa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Ánh Sáng, là Đấng Cứu Độ, là Lời hằng sống, xin Chúa chữa lành bệnh hoạn tật nguyền của chúng con, xin mở mắt cho chúng con để chúng con có đức tin mạnh mẽ làm chứng cho Chúa là Con Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ : 1.Mù bẩm sinh có nghĩa gì ? 2.Anh mù bẩm sinh đã tin nhận vào Chúa như thế nào ? 3.Khi được chữa khỏi mù lòa, anh đã làm chứng cho Chúa ra sao ? 4.Mù thể lý và mù tâm hồn có nghĩa gì ? 5.Tại sao những người Pharisêu lại không nhận ra Chúa ?
BƯỚC NHẢY CỦA NIỀM TIN
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa Nhật IV Chay A
Bước nhảy của niềm tin
Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ dễ thương:
Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời. Để nhìn đời và để làm duyên. Mẹ cho em đôi mắt màu đen. Để thương để nhớ, để ghen để hờn. Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn. Là bài thơ hay nhất. Là lời ca không dứt. Là tuyệt tác của thiên nhiên.
Đôi mắt là cửa ngỏ tâm hồn, là tuyệt tác thiên nhiên. Thi sĩ Lưu trọng Lư viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt:
“Mắt em là một dòng sông, Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” .
Trong bài viết “Đôi mắt”, Linh mục Nguyễn Tầm Thường suy niệm về đôi mắt mù lòa của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế. Chúa Kitô đến chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới, đó là mắt đức tin. Xin được mượn tư tưởng của ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: “Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh”.
Đôi mắt là cửa sổ và là cửa chính của tâm hồn cũng như của thân xác. Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp. Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu, sách Sáng Thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon… mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn… Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng.” (St 3,4 -7). (x.Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 -71)
Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình: – Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra. – Evà nhìn trái táo và thấy sướng mắt. – Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng. Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.
Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. Mắt hai người đã mở ra. Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam, Evà đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù lòa chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.
Chúa Kitô đã đến trần gian chữa lành sự mù lòa ấy, hàn gắn lại vết thương thuở sa ngã của Nguyên Tổ.
Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù lòa của Nguyên Tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian. “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thuở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt đức tin.
Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu của người mù tăng dần theo với thử thách.
Thánh Gioan kể có bốn cuộc thử thách.
– Thử thách lần thứ nhất (Ga 9,8-12), những người láng giềng và những người trước kia thường thấy anh ta ăn xin chất vấn: “hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”. Người mù xác nhận: “Tôi đi, tôi rửa, tôi nhìn thấy”. Anh không biết Chúa là ai: “Ông ấy ở đâu, tôi không biết”. Anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: “Một người tên Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”.
– Thử thách lần thứ hai (Ga 9,12-17), những chất vấn của giới Pharisiêu và lời nhạo báng: “một ngưởi tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”. Trước sức ép của họ, anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng “Ngài thật là vị tiên tri”.
– Thử thách lần thứ ba (Ga 9,18-23), họ gọi cha mẹ của anh ta đến để làm chứng, nhưng hai người sợ hãi nên nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Anh mù trực tiếp trả lời về nguồn ánh sáng đã đón nhận.
– Thử thách lần thứ tư (Ga 9,24-34), người Pharisiêu dùng đến Lề Luật. Người mù không cần biết đến Luật. Anh ta dựa vào cảm nghiệm cá nhân đã gặp Đức Kitô. Cuộc tra vấn của giới chức tôn giáo khiến anh khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”. Khi bị trục xuất ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu gặp lại anh và mạc khải cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, anh liền tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, tôi tin” (Ga 9,37). Niềm tin của người mù tăng triển qua ba giai đoạn. Từ không biết ông ấy ở đâu cho đến ông ấy là một tiên tri, rồi sấp mình thờ lạy Ngài. Sự tiến triển niềm tin qua những lần thử thách. Càng gặp thử thách niềm tin càng sáng lên. Thử thách càng cao đức tin càng mạnh. Người mù trung thành với cảm nghiệm của mình. Đức tin lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.
Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào Lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Silôác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisiêu đang tra vấn, khủng bố anh : “Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Silôác. Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy”. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: ”Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?”, anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”. Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin”. Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.
Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin. Phép lạ chữa người mù thuở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù lòa của nhân loại, với một điều kiện: Tin vào Ngài.
Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù lòa tâm hồn. Người mở mắt cho Dakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9,1 -10). Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7,36 -50). Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23,32 – 43)…
Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xóa tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô.
“Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12). Hãy luôn cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức tin, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường phải đi và những việc phải làm để đạt đến hạnh phúc thật.
Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy. Thấy nhiều hay ít. Thấy xa hay gần. Thấy rõ hay mờ. Người cận thị chỉ thấy được rất gần. Người viễn thị thì thấy xa hơn. Cần có thị giác tốt và thị lực tốt, đôi mắt mới sáng ngời. Thị lực còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác. Thị lực còn là niềm tin. Người mù tuy mù nhưng lại có thị lực tốt. Anh đã thấy được Ðức Giêsu là một ngôn sứ. Anh thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giêsu đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt. Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin. Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng.
Lạy Chúa, xin cho con có đôi mắt với thị giác và thị lực tốt. Để con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt. Để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên. Để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa. Và lạy Chúa, xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen
SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY-NĂM A
Lm Anthony Trung Thành
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A
Chúng ta vừa nghe Thánh sử Gioan tường thuật lại phép lạ Đức Giêsu chữa người mù từ khi mới sinh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu thái độ của các nhân vật trong câu chuyện này.
1.Thái độ của Đức Giêsu:
Đức Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Trong ba năm cuộc đời công khai, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ để chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Có những phép lạ xảy ra do sự thỉnh cầu của con người. Nhưng cũng có những phép lạ xảy ra do chính Ngài chủ động đến với con người như phép lạ chữa cho người mù hôm nay. Câu chuyện phép lạ bắt đầu bằng sự thắc mắc của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?” (Ga 9,2). Và Đức Giêsu cho biết: “Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh.” (Ga 9,3). Giải thích xong thắc mắc của các môn đệ, Đức Giêsu bắt đầu hành động để chữa lành cho anh mù. Tin mừng kể: “Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: ‘Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa.’ Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.” (Ga 9,6-7).
Như vậy, phép lạ đã xảy ra, anh mù đã sáng mắt. Nếu câu chuyện kết thúc ở đây thì đã khá hoàn hảo. Nhưng lòng thương xót của Đức Giêsu còn muốn đi xa hơn. Đó chỉ là phép lạ chữa lành con mắt phần xác. Đức Giêsu còn tiếp tục đồng hành với người mù, giúp người mù sáng cả con mắt đức tin. Như vậy, Đức Giêsu đã thực hiện nơi người mù hai phép lạ cùng một thời điểm: Phép lạ sáng con mắt thể lý và phép lạ sáng con mắt đức tin.
2. Thái độ của người mù:
Bệnh mù lòa có thể do bẩm sinh, có thể do tai nạn hay một nguyên nhân nào đó. Người bị mù thì không thấy ánh sáng, không được nhìn ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của người thân, không thấy đường đi, không thấy công việc để làm, giảm thiểu hạnh phúc của cuộc đời…Nên họ bị thiệt thòi về nhiều mặt. Ước mong lớn nhất của người mù là được sáng đôi mắt.
Người mù trong câu chuyện Tin mừng hôm nay đã mù từ thuở mới sinh. Chắc chắn anh ta ngày đêm mong muốn được sáng đôi mắt. Lòng mong muốn đó được đáp ứng khi anh gặp được Đức Giêsu. Hay nói đúng hơn là được Đức Giêsu gặp anh. Qua câu chuyện cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đi bước trước để đến với anh. Ngài hành động và mời gọi anh làm theo ý của Ngài. Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt anh và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa”. Đó là một lời mời gọi của đức tin. Tin mừng cho biết: “Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.”
“Ra đi và rửa rồi trở lại.” Đây là thái độ của sự vâng phục trong niềm tin. Nhờ thế mà anh được sáng con mắt. Sau đó, anh đã công khai làm chứng về Đức Giêsu: “Ngài là một tiên tri”(x. Ga 9,17); “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã lấy bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy;”(Ga 9,25).
Khi những người biệt phái cho rằng Đức Giêsu “không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat,” thậm chí họ kết án “Đức Giêsu là một kẻ tội lỗi” thì người mù còn khẳng định rằng: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (Ga 9,25). Rồi anh tiếp tục làm chứng: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy” (Ga 9,31). Lời khẳng định đó đưa đến kết luận: Đức Giêsu là “người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 9,33).
Đức tin của người mù còn thể hiện một cách mạnh mẽ ngay cả khi anh bị cha mẹ bỏ rơi. Sau này gặp lại Đức Giêsu, anh còn xác tín rằng: “‘Thưa Ngài, tôi tin.’ Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,38).
Tấm gương của người mù đáng cho mỗi người chúng ta học tập: Một đức tin vững mạnh, một đức tin can đảm trước những nghịch cảnh của cuộc sống.
3. Thái độ của những người Biệt phái:
Sau khi Đức Giêsu chữa lành cho người mù, những người Biệt phái đã mở một cuộc điều tra nhằm lên án Đức Giêsu, phủ nhận phép lạ Ngài vừa làm. Đây là một thái độ kiêu căng, thể hiện một sự ghen tương không muốn chấp nhận sự thật, không nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa đang thể hiện trước mắt họ. Thậm chí, vì cái nhìn mù quáng nên họ còn muốn kết án Đức Giêsu là người tội lỗi. Họ ghét Đức Giêsu nên họ ghét luôn cả những người có liên hệ, cụ thể là họ ghét luôn cả người mù. Người mù đã trở thành nạn nhân của họ (x. Ga 9,34). Vì thế, họ tìm cách gây áp lực và làm khó dễ cho anh ta. Họ sáng con mắt phần xác nhưng lại mù quáng con mắt thiêng liêng. Mặc dầu vậy, họ còn tự hào là mình rằng “chúng tôi thấy.” Chính vì thế, lời quả quyết của Đức Giêsu thể hiện đúng bản chất của họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘chúng tôi thấy,’ nên tội các ông vẫn còn đó” (Ga 9,41)
Trong cuộc sống hôm nay cũng có nhiều người giống như những người biệt phái này. Họ không làm việc lành, trái lại có ai đó làm việc lành thì họ lại ngăn cản hoặc tìm cách bóp méo sự thật, thậm chí còn bỏ vạ, cáo gian, kết án người vô tội.
4. Thái độ của cha mẹ người mù:
Trước sự rắc rối mà chính con mình gặp phải đáng lý ra hai ông bà phải đứng ra bệnh vực cho con. Đằng này, hai ông bà lại lẫn trốn trách nhiệm không dám nói lên sự thật mà còn đùn đẩy cho con: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”(Ga 9,23). Chính Tin mừng đã cho chúng ta biết lý do vì sao cha mẹ anh ta lại nói như thế: “Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô.”(Ga 9,22). Đây là một thái độ cầu an nên thiếu trách nhiệm với con mình.
Trong cuộc sống hôm nay, cũng có rất nhiều người sống thiếu trách nhiệm không chỉ đối với con cái mà còn đối với Giáo Hội và xã hội. Nhiều người cha người mẹ không dám nhận con cái mình vì sợ phải nuôi nấng chăm nom, vì thế chúng ta hiểu tại sao có nhiều người cha người mẹ đành bỏ rơi con cái, thậm chị giết hại con cái ngày từ trong lòng mẹ. Nhiều người con cái không dám nhận cha mẹ mình vì cha mẹ nghèo đói, bệnh tật. Nhiều người không dám đứng lên bênh vực cho công lý và sự thật vì sợ liên lụy đến mình và gia đình mình, sợ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo.
Vì thế, cảnh bất công, người công chính bị trù dập, việc tốt việc lành bị bóp méo vẫn còn nhan nhãn trong xã hội chúng ta đang sống.
5. Thái độ sống của chúng ta hôm nay?
Suy niệm về thái độ của Đức Giêsu, của người mù, của những người biệt phái và của cha mẹ anh mù, chúng ta thử đối chiếu với thái độ sống của chúng ta như thế nào?
Có khi nào chúng ta sẵn sàng đến để giúp đỡ những người xấu số như Đức Giêsu đã giúp đỡ cho người mù không? Chúng ta có bênh vực cho những người gặp rắc rối trong đức tin như Đức Giêsu bênh vực cho người mù không?
Có khi nào chúng ta can đảm bênh vực cho Chúa, cho Giáo Hội và cho niềm tin của mình giữa thử thách gian nan như người mù không?
Có khi nào chúng ta kiêu ngạo, ghen tuông nên tìm cách từ chối sự thật, thậm chí còn bỏ vạ cho người tốt không?
Có khi nào chúng ta sợ liên lụy đến mình, gia đình mình hay thiệt thòi về của cải vật chất…nên thiếu trách nhiệm với những người thân yêu của chúng ta như cha mẹ của người mù không?
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con không bị mù con mắt thể lý. Nhưng xét mình lại có lẽ nhiều lúc chúng con vẫn bị mù về con mắt tinh thần. Xin Chúa giúp chúng con biết làm theo lời Chúa dạy để chúng con được luôn sáng con mắt đức tin, con mắt tinh thần. Amen.
BÂY GIỜ TÔI ÐÃ THẤY
Lm. Mark link S.J.
Vào thập niên 1960, John Howard Griffin ngụy trang thành một người da đen đi chơi vòng quanh miền Nam. Oâng muốn trực tiếp cảm nghiệm được sự kiện phải làm người da đen trong những năm ầm ĩ về vấn đề chủng tộc này. Griffin mô tả lại cảm nghiệm của mình trong một cuốn sách nhan đề Black Like Me (da đen như tôi). Cuốn sách này về sau được dựng thành phim.
Tuy nhiên còn một khía cạnh khác trong cuộc đời của John Howard Griffin mà rất ít người biết đến: trong thế chiến thứ hai, John đã bị mù trong một vụ nổ máy bay suốt 12 năm sau đó, ông không trông thấy gì cả. Một hôm, trong khi bước xuống con phố cạnh nhà bố mẹ ông ở Texas, thình lình John bỗng thấy được “cát đỏ” (red sand) trước mắt ông. Thị giác của ông đã phục hồi trở lại mà chẳng hề báo trước. Về sau, một bác sĩ chuyên khoa mắt cắt nghĩa cho ông là vết máu tụ thần kinh thị giác do vụ nổ gây ra được khai thông, vì thế thị giác ông phục hồi trở lại. Khi bình luận về kinh nghiệm này, Griffin đã kể lại cho một phóng viên báo chí như sau:
“Quí bạn không cảm nghiệm được những gì mà một ông bố cảm nghiệm khi nhìn thấy con cái mình lần đầu tiên đâu. Cả bố với con đều tuyệt vời hơn tôi nghĩ rất nhiều”
Giai đoạn bi đát trong đời Griffin giúp anh ta đánh giá sâu sắc hơn câu chuyện của bài Phúc âm hôm nay, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cảm giác người mù từ lúc mới sinh khi anh ta được Chúa Giêsu chữa lành thật kỳ kiệu như thế nào.
Tuy nhiên, trong câu chuyện người mù trên còn có một phép lạ thứ hai. Phép lạ này còn tuyệt diệu hơn: đó là đức tin hay còn gọi là ánh sáng thiêng liêng mà Ðức Giêsu ban cho người mù ấy, chính phép lạ thứ hai này tức ân sủng đức tin đã khiến cho anh quì gối xuống nói với Ðức Giêsu với tư cách là “Chúa”. Thánh Gioan đã nhấn mạnh phép lạ thứ hai này tức ân sủng đức tin một cách thâm thuý trong bài Phúc âm hôm nay.
Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về điểm này.
Ðiều đầu tiên chúng ta để ý đến trong phép lạ này là phép lạ ấy diễn ra từ từ không xảy ra ngay tức khắc. Chẳng hạn, phản ứng đầu tiên của anh mù đối với Ðức Giêsu là anh ta xem Ðức Giêsu cũng giống như người bình thường khác. Vì thế, khi vài người hỏi anh ta về sự lành bệnh của mình, anh liền trả lời: “Cái ông có tên là Giêsu ấy lấy một ít bùn bôi lên mắt tôi và bảo tôi tới hồ Silôê rửa mặt. Thế là tôi đi và ngay khi rửa xong tôi liềân được trông thấy.”
Ðầu tiên gã mù chỉ coi Ðức Giêsu như một người tuy khá đặc biệt nhưng dầu sao cũng chỉ là một con người. Thế rồi anh ta bước qua nhận thức thứ hai về Ðức Giêsu khi đám Pharisêu điều tra anh: “Mày bảo ông Giêsu chữa cho mày khỏi mù à! Vậy mày cho rằng ông ấy là ai?” anh ta liền đáp: “Ông ấy là một tiên tri”. Câu trả lời trên đây chứng tỏ rõ ràng nhận thức của anh mù về Ðức Giêsu đã nhảy vọt một bước vọt khổng lồ về phía trước. Càng suy nghĩ đến sự kiện xảy ra, gã ta càng xác tín Ðức Giêsu không chỉ là một người như những người khác mà Ngài còn là một vị tiên tri. Ðiều này dẫn chúng ta đến nhận thức sau cùng của anh mù về Ðức Giêsu.
Cuối ngày anh mù mới được gặp mặt đối mặt với Ðức Giêsu, vì khi anh mù đi rửa mắt ở hồ Silôê về, thì Ðức Giêsu, không còn quanh quẩn đó nữa. Lúc này, khi gặp lại anh mù, Ðức Giêsu nhìn thẳng vào mắt và nói: “Anh có tin vào CON NGƯỜI” không? Anh ta trả lời: Thưa Ngài, xin nói cho tôi biết vị ấy là ai để tôi tin. Ðức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy vị ấy rồi, vị ấy chính là kẻ hiện đang nói chuyện với anh”. Anh đáp ngay: “Lạy Chúa, con tin!” vừa nói anh vừa quì gối xuống trước mặt Ðức Giêsu.
Như thế, nhận thức của anh về Chúa Giêsu đã nhảy bước cuối cùng về phía trước. Anh nhận ra Ðức Giêsu không phải chỉ là một người bình thường hoặc một vị tiên tri, mà Ngài còn là Thiên Chúa, vị Chúa mà “muôn loài trên trời dưới đất, cả trong địa ngục phải quì gối” (Pl 2: 10). Ân sủng đức tin, hay “ánh sáng tâm linh” mà Ðức Giêsu ban cho anh mù còn kỳ diệu hơn sự phục hồi thị giác cho anh nữa.
Không cần bàn bạc quá nhiều về ân sủng đức tin nơi anh mù nọ, chúng ta nên nhớ lại chúng ta cũng đã nhận được ân sủng đức tin này do Ðức Giêsu ban cho trong bí tích rửa tội.
Trước khi thanh tẩy trong nước rửa tội, chúng ta cũng bị “đui mù tâm linh” như anh mù trong Phúc âm hôm nay. Nhưng sau khi được rửa tội, Ðức Giêsu trở nên quí báu hơn nhiều đối với chúng ta. Ngài trở thành một kẻ hết sức thân mật đối với chúng ta.
Ðiều này dẫn đến điểm tương tự thứ hai giữa chúng ta và anh mù trong Phúc âm hôm nay. Ngoài việc nhận lãnh ân sủng đức tin, nhận thức của chúng ta về Chúa Giêsu cũng dần dần lớn lên giống như nơi anh mù ấy. Chẳng hạn khi còn rất bé chúng ta thường mường tượng Ðức Giêsu là một con người phi thường. Ðến lúc lớn lên. Nhận thức của chúng ta về Ngài cũng trưởng thành hơn. Cuối cùng nhận thức ấy đạt được hình thức viên mãn nhất: chúng ta nhận ra Ngài đúng như bản chất thực sự về Ngài, là Con Thiên Chúa. Ðiều thú vị là khi chúng ta càng học hỏi về Ðức Giêsu thì Ngài càng trở nên cao cả hơn đối với chúng ta. Thông thường, có sự kiện đáng buồn trong các mối tương giao khác là càng tìm hiểu về kẻ khác chúng ta càng nhận khiếm khuyết của kẻ ấy. Nhưng trong trường hợp Ðức Giêsu thì không như thế. Càng hiểu biết về Ngài, chúng ta càng thấy Ngài tuyệt diệu và vinh hiển hơn.
Ðể kết thúc, chúng ta hãy trích lại lời Albert Schweitzer ở cuối cuốn sách của ông nhan đề The Quest for The Historical Jesus (Tìm kiếm Chúa Giêsu Lịch sử) Schweitzer từng là nhạc sĩ dương cầm thính phòng ở Âu Châu. Ông đã từ bỏ nghề nghiệp âm nhạc của mình để trở thành một bác sĩ, và ông đã đến sống ở Phi châu với tư cách một thừa sai. Schweizer viết: “Chúa Giêsu đến với chúng ta như một người vô danh, chẳng khác nào thủơ xưa người đến với các tông đồ trên bờ biển. Ngài nói với chúng ta cũng chính những lời Ngài đã từng nói với họ: “Hãy theo Ta!”. Và bất cứ ai chấp nhận lời mời gọi của Ngài thì dù họ thông thái hay tầm thường, trẻ trung hoặc già nua, Chúa Giêsu đều mạc khải chính Ngài cho họ ngay trong những truân chuyên và đau khổ của họ. Và qua kinh nghiệm riêng của mình, họ sẽ biết được “NGÀI là ai?”.
THIÊN CHÚA SẼ TỚI ĐƯỢC ÁNH SÁNG
Lm Carôlô Hồ Bạc Xái
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
THEO CHÚA SẼ TỚI ÐƯỢC ÁNH SÁNG “Ðức Giêsu chữa một người mù” (Ga 9,1-41)
- DẪN VÀO THÁNH LỄ
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta mở mắt ra, chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn những việc sẽ phải làm trong ngày, nhìn những người chung quanh… Nhưng có khi nào chúng ta nhìn tất cả những điều ấy bằng ánh sáng của Chúa không? Nếu nhìn bằng ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ thấy mọi sự một cách rất tuyệt vời như anh mù được Ðức Giêsu chữa sáng mắt trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ước gì sau Thánh lễ này, mắt chúng ta cũng được mở ra để thấy mọi sự theo một cái nhìn mới.
- GỢI Ý SÁM HỐI
-Nếu trong đời sống chúng ta có những điều gì còn mờ ám, hãy nhận diện chúng và nhìn chúng bằng cặp mắt của Chúa.
-Nếu ánh sáng lương tâm của chúng ta đã quá lu mờ, thì hãy xin Chúa chữa lành.
-Nếu chúng ta cố tình che đậy ánh sáng chân lý, thì hãy sám hối và xin Chúa thứ tha.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc Cựu Ước: 1 Sm 16,1b.6-7.10-13
– Saul là vua đầu tiên của Israel. Nhưng vì Saul nhìn và giải quyết các vụ việc theo quan điểm chính trị và ý riêng hơn là ý Chúa nên Chúa bỏ ông. Chúa bảo Samuel đến nhà ông Giêsê để xức dầu phong một người khác làm vua.
– Giêsê có tất cả 8 con trai. Thoạt đầu Samuel đã muốn xức dầu cho Êliab một người cao lớn khoẻ mạnh. Nhưng Chúa bảo “Không phải người phàm nhìn sao, Thiên Chúa cũng nhìn thế, bởi người phàm chỉ trông thấy điều lộ trước mắt, còn Yavê trông thấy điều ẩn đáy lòng” (c 7). Cuối cùng, theo sự soi sáng của Chúa, Samuel đã chọn xức dầu cho Ðavít, đứa nhỏ nhất, đứa mà Giêsê coi thường nên ban đầu không đưa ra.
– Câu chuyện cho thấy ý nghĩa chính: cái nhìn của Thiên Chúa không giống cái nhìn của loài người, vì loài người quen nhìn vẻ bề ngoài, còn Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng.
- Ðáp ca: Tv 22
Thánh vịnh này minh họa ý tưởng “Chúa là Ánh sáng” bằng hình ảnh “Chúa là mục tử”: Ngài dẫn dắt chúng ta như mục tử dẫn dắt đoàn chiên. Cho dù có khi Ngài dẫn ta qua những chỗ u tối, khô cằn, gập ghềnh… nhưng nơi đến cuối cùng là suối nước, bóng mát và đồng cỏ.
- Bài đọc Tân Ước: Ga 9,1-41
Câu chuyện Ðức Giêsu chữa một anh mù bẩm sinh. Một số chi tiết đáng lưu ý:
– Ðức Giêsu đã làm tới 2 phép lạ: chữa cặp mắt thể xác cho anh này có cái nhìn loài người, và chữa cặp mắt đức tin cho anh này có cái nhìn Thiên Chúa. Cái nhìn thứ hai quan trọng hơn, chính do cái nhìn này mà anh đã quỳ xuống trước mặt Ðức Giêsu (cử chỉ tôn thờ: “Người chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi”) và tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin”; và Gioan viết bài từng thuật này cũng vì muốn trình bày cái nhìn đức tin ấy.
* Bài học: nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quý, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin mới quan trọng hơn.
– Cái nhìn đức tin của anh thanh niên này sáng từ từ: a/ Bước thứ nhất anh chỉ thấy Ðức Giêsu là “một người” tên là Giêsu (c 11); bước thứ hai, anh thấy Ngài là “một vị ngôn sứ” (c 17b); bước cuối cùng, anh nhìn nhận và tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin” (c 37).
- Bài Thánh Thư: Ep 5,8-14
Thánh Phaolô giải thích thế nào là nhìn mọi sự theo ánh sáng đức tin: – “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng” (c 8) – “Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (c 9) – “Anh em hãy nhìn xem điều gì đẹp lòng Chúa” (c 10).
- GỢI Ý GIẢNG
- Con đường đi tới ánh sáng
Con đường đi tới ánh sáng của người mù gồm nhiều bước. Nhưng đáng chú ý là đó không chỉ là những bước đi của con người mà còn là những bước đi của Ðức Giêsu: Ngài đi những bước trước, người mù bước theo, và bước sau cùng cũng là của Ngài:
– Bước 1 “Ðức Giêsu nhìn thấy” (câu 1): Cuộc hành trình bắt đầu bằng cái nhìn này, cái nhìn của Chúa đi trước cái nhìn của con người.
– Bước 2 “Ðức Giêsu thoa vào mắt người mù” (câu 7): sự tiếp xúc giữa Ngài với bệnh nhân chính là thần dược.
– Bước 3 “Ngài bảo: Hãy đi rửa ở hồ Silôê” (câu 7a): Ðức Giêsu sai ta đi đến một nơi đã có sẵn từ lâu trước khi ta cần đến nó, và nơi này thực ra chỉ có năng lực cứu chữa nhờ Ngài mà thôi.
– Bước 4 “Người mù đi đến đó” ( (câu 7b): Bước đầu tiên của con người là sự vâng phục và phó thác. Ðây là bước rất cần thiết.
– Bước 5 “Tôi đã nhìn thấy” (câu 11), “Ngài là một ngôn sứ” (câu 17): Liền theo sau hồng ân nhận được là việc làm chứng cho Ðấng mà ta tin, cho dù việc này dẫn đến cái giá phải trả là bị đuổi ra ngoài (câu 34).
– Bước 6 “Ðức Giêsu đến gặp anh” (câu 35): Ðến đây Ðức Giêsu ban cho anh một thị giác còn quý hơn thị giác của cặp mắt anh, đó là thị giác của đức tin: anh tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin”.
Ðó cũng là những bước mà chúng ta phải cùng đi với Ðức Giêsu trên cuộc hành trình của chúng ta.
- Những cái làm cho ta mù
Ðể thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là mù đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác: Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng tha nhân. Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình. Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình. Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật. Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh. Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng. Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án.
- Những thứ thị giác
“Người phàm chỉ nhìn thấy ngoài mặt, còn Chúa thì thấy tận cõi lòng” (Bài đọc 1): Ðối diện với người mù, các môn đệ chỉ thấy đây là một kẻ có tội nên bị phạt; các người Pharisêu tìm đủ mọi ngõ ngách để trốn thoát khỏi phải nhìn nhận sự thật về người mù; dân chúng thì không thể tin nổi sự việc mà họ vừa nhìn thấy. Còn Ðức Giêsu, Ngài nhìn thấu cõi lòng của từng hạng người kể trên. Ta hãy tìm hiểu kỹ hơn cái nhìn của Ðức Giêsu.
– Một cái nhìn ưu ái: Ngài không nhìn người mù bằng ánh mắt bàng quan, mà nhìn với lòng thương.
– Một cái nhìn không bị che mờ bởi những thành kiến (như các môn đệ), những hoài nghi (như dân chúng), những đố kị (như Pharisêu), những định chế xã hội xếp loại giai cấp con người.
– Một cái nhìn phát sinh hiệu quả: Ngài nhìn người mù và làm cho anh được thấy.
Chúng ta cần có cái nhìn của Chúa, như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2: “Anh em hãy xem xét điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ðừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, nhưng hãy vạch trần những việc ấy ra mới phải”.
- Mảnh suy tư
Cách nay nhiều năm, vào một đêm kia có hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Ai nấy đều bàn tán về nó. Rất nhiều người đứng ngoài sân chờ nhiều tiếng đồng hồ để cuối cùng được nhìn ngắm nó trong một số phút ngắn ngủi.
Tôi tự hỏi: sao người ta lại quá chú ý đến sự biến mất của mặt trăng mà không chú ý đến sự xuất hiện của nó? Và tôi nhớ đến một lời của Emerson: “Người ngu ngạc nhiên trước sự bất thường Còn người khôn ngạc nhiên trước sự bình thường” (Flor MacCarthy)
- Chuyện minh họa
a/ Ðãng trí
Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận: “Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả.” Vợ ông bước ra tiếp lời: “Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông”. Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).
b/ Làm sao phân biệt ngày với đêm
Một đạo sư hỏi các môn đệ họ có thể xác định như thế nào cái giây phút mà đêm chấm dứt và ngày bắt đầu.
Một người nói: – Khi người ta thấy một con vật ở đàng xa, và người ta có thể nói đó là con bò hay con ngựa.
Ðạo sư bảo: – Không phải vậy.
– Khi nhìn một cây ở đàng xa và người ta có thể nói đó là cây mận hay cây xoài.
Ðạo sư vẫn bảo: – Vẫn không phải.
Rồi ông nghiêm nghị nói: – Khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người đàn ông và các ngươi có thể nhận ra nơi ông ta một người anh em của mình; khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người phụ nữ và các ngươi có thể nhận ra nơi bà ta một người chị em của mình. Nếu các ngươi không làm được như vậy thì dù mặt trời có mọc tới đâu cũng vẫn còn là đêm. (Anthony de Mello, “Lời kinh của con ếch”)
- LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT: Anh chị em thân mến Ðức Kitô là ánh sáng thế gian. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin tha thiết của chúng ta.
- Hội Thánh là dấu chỉ ơn cứu độ muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thanh tẩy / và đổi mới Hội Thánh trong những ngày hồng phúc này / để Hội Thánh ngày càng nhiệt thành làm chứng cho Chúa.
- Y học ngày nay tiến bộ vượt bực / đã diệt trừ hẳn một số bệnh hiểm nghèo / mang lại niềm vui sống cho nhân loại / Thế nhưng tại các nước chậm phát triển / vẫn còn một số người bị mù lòa vì bệnh tật / vì nghèo đói / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều người quảng đại / tận tình săn sóc và giúp đỡ những anh chị em kém may mắn ấy.
- Bệnh đui mù tinh thần còn đáng sợ hơn nữa / vì nó khiến con người trở nên mù quáng / không còn phân biệt phải trái / cũng không còn khả năng nhận ra Chúa hiện diện trong tha nhân nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / chữa các kitô hữu khỏi chứng bệnh hiểm nghèo này.
- “Thưa Ngài tôi tin” / anh mù mạnh dạn tuyên xứng niềm tin của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / cũng biết luôn hiên ngang sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận / bằng những việc làm cụ thể trong đời sống thường ngày.
CT: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con sống như con cái sự sáng, mà theo Thánh Gioan tông đồ, sống như con cái sự sáng là sống bác ái yêu thương. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em. Chúa hằng sống và hiển rị muôn đời.
- TRONG THÁNH LỄ
– Kinh Tiền Tụng: Dùng Kinh Tiền tụng riêng cho ngay hôm nay. Nhấn mạnh chỗ: “… Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhan loại đang lần bước trong u tối đến nguồn sáng đức tin…”
– Trước kinh Lạy Cha: Là con của Thiên Chúa thì cũng là con của ánh sáng. Chúng ta hãy xin với Chúa là Cha chúng ta giúp chúng ta thoát khỏi sự mù tối trong tâm hồn, và cùng với Ðức Giêsu chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới hôm nay.
– Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt là sự mù lòa về đức tin, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”
VII. GIẢI TÁN
Anh chị em đã được biết Thiên Chúa là ánh sáng. Hãy luôn bước đi trong ánh sáng của Ngài.
CHÚA VẪN TRUNG THÀNH MÃI
Lm Vũ Xuân Hạnh
Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A
Chúa vẫn trung thành mãi
Không sợ Thiên Chúa chối bỏ, chỉ sợ con người bưng tai bịt mắt để khỏi nhận ra Thiên Chúa. Đó là tâm tình của tôi khi suy niệm câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bị mù mắt từ khi mới sinh.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa vẫn chỉ một đường lối, đó là trung thành ngỏ lời với con người. Chúa sử dụng mọi cách thức, mọi hoàn cảnh, mọi chiều kích để thế giới này, vũ trụ này nói chung và nơi cuộc đời của từng người nói riêng, ghi đậm dấu ấn lòng thương xót của Chúa.
Thiên Chúa luôn tìm cách để gần gũi, để nên một với con người. Vì thế, Người không ngừng yêu thương tỏ mình cho con nguời. Chính Chúa Kitô là bằng chứng lớn lao cho tình yêu ấy.
Về phía con người, lẽ ra phải khát khao, phải vui mừng đón nhận, và đón nhận bằng tất cả niềm hạnh phúc của một thụ tạo được Đấng Tạo Hóa cúi xuống đoái thương, thì ngược lại, họ lại phản bội, lại ghanh ghét, chối từ, lắm lúc muốn thay quyền Thiên Chúa…
Càng là những người nắm quyền hành, mang bộ mặt đạo đức bao nhiêu, có khi lại là kẻ kiêu ngạo, chống đồi Thiên Chúa nhiều bấy nhiêu.
Ngày Chúa Giêsu giáng sinh, qua thiên thần, Chúa tỏ mình cho các mục đồng. Những người bị coi là thấp bé này đã mở lòng đón nhận mạc khải của Chúa.
Còn với các đạo sĩ, những người ngoại giáo, chỉ bằng một ánh sao lạ trên bầu trời phương Đông, Chúa đã ngỏ lời với họ. Các đạo sĩ chân thành đón nhận mạc khải. Bởi vậy, những tâm hồn đơn hèn, khiêm nhu của các mục đồng, của các đạo sĩ đã hạnh phúc nhiều vì là những người đầu tiên đón nhận Tin mừng Giáng sinh.
Cũng là một cách tỏ mình, còn thế giá hơn sự tỏ mình bằng một ánh sao cho ba nhà đạo sĩ, đó là việc hoàng triều Hêrôđê và cả thành thánh Giêrusalem được các đạo sĩ đến với mình, mang theo Tin mừng Giáng sinh để ngỏ lời với Hêrôđê và cả Giêrusalem.
Gọi là cách tỏ mình “thế giá”, bởi một ánh sao, dù có lạ, có sáng đến đâu, trước sau vẫn chỉ là một ánh sao. Trong khi để ngỏ lời với Hêrôđê và Giêrusalem, thì không phải chỉ là ánh sao, nhưng là những con người.
Thiên Chúa đã dùng chính bản thân những nhà đạo sĩ để mời gọi cả hoàng triều Hêrôđê.
Thiên Chúa vẫn trung thành và mãi mãi trung thành, dù con người có khép lòng mình lại, khép rất chặt, Thiên Chúa vẫn yêu thương mời gọi, vẫn kiên nhẫn đợi chờ, vẫn tha thiết lấp đầy khát vọng của họ bằng chính sự hiến thân của mình, trao ban chính mình làm gia nghiệp đời đời của họ.
Đáng tiếc cho Hêrôđê và tất cả những người thuộc về ông! Bởi tất cả đã không có một chút mảy may nào muốn mở lòng để nhận ra Thiên Chúa đang ngỏ với mình. Chua chát làm sao, bởi Hêrôđê và quần thần của ông không phải là những người ngoại giáo, không phải là những người ở xa, hẻo lánh, tận trời Đông nào như các đạo sĩ, nhưng ở rất gần nơi Thiên Chúa làm người vừa giáng sinh.
Họ cũng không phải là những người nghèo dốt nát như các mục đồng, nhưng có đầy đủ mọi phương tiện: nguồn Kinh Thánh nắm trong tay; những nhà thông luật và hiểu biết Thánh Kinh luôn luôn vây quanh để sẵn sàng giải thích Thánh Kinh; phương tiện vật chất có dư thừa…, lại trở nên những tâm hồn chết lạnh vì thiếu vắng Thiên Chúa.
Hóa ra cái giàu của hoàng triều Hêrôđê lại chính là cái nghèo, nghèo không thể tưởng, ngèo đến mức trần trụi, đáng thương. Họ chỉ có mỗi bản thân của mình. Ích kỷ đến thế làm sao có thể gặp Thiên Chúa, Đấng chỉ có yêu và xả thân vì yêu.
Ích kỷ đến thế, vì thế cũng độc ác không vừa. Hêrôđê đóng chặt cửa lòng trước tin vui Chúa Cứu Thế giáng trần đã vậy, ông còn sợ Người tranh giành chiếc ngai của ông, đến nỗi thẳng tay thanh trừng sự sống của Người.
Không có Thiên Chúa trong lòng, không có bất cứ điều gì người ta không dám làm, dù tàn nhẫn đến đâu. Bởi vậy, dù không thể giết chết Thiên Chúa làm người, Hêrôđê cũng đã giết chết vô vàn trẻ sơ sinh Dothái.
Cũng vậy, câu chuyện Chúa chữa mắt người mù từ khi mới sinh, thánh Gioan cho thấy điệp khúc của việc bưng tai, bịt mắt trước tình yêu, quyền năng của Thiên Chúa vẫn lặp lại.
Thay vì nhận ra Thiên Chúa nơi dấu lạ sáng mắt của anh mù, người biệt phái lại cho đó là hành vi của tội lỗi. Họ nói về Chúa Giêsu: “Chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”, và nói về anh mù được chữa lành: “Mày sinh ra trong tội”.
Còn chính bản thân họ thì sao? Khi khẳng định người khác tội lỗi, người Dothái đã cố tình để lộ một khẳng định về chính họ: họ là kẻ trong sạch, là người thuộc về Thiên Chúa. Chính miệng họ nói lên điều đó: “Chúng ta là môn đệ của Môisen. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môisen, còn người đó, chúng ta không biết bởi đâu mà đến”. Nhưng ngay chính lời khẳng định mình là “môn đệ của Môisen”, là kẻ thuộc về Thiên Chúa, cho thấy chính họ mới là những kẻ đui mù trầm trọng: không thể biết Chúa Giêsu!
Đúng là nghịch lý. Nghịch lý đến mức mâu thuẫn lớn lao. Bởi người “tội lỗi” lại có thể làm nên những điều kỳ diệu quá tốt đẹp mà từ xưa chưa một ai làm nổi: mở mắt người mù từ khi chưa biết nói, biết cười. Còn “người sinh ra trong tội” lại thừa hưởng những điều kỳ diệu ấy cũng lớn lao không kém.
Trong khi đó, những kẻ “vô tội” lại không bao giờ có thể chữa lành cho ai, càng không thể làm nổi một dấu lạ, dù là dấu lạ nhỏ nhất.
Đó mới thực sự mỉa mai đầy đau xót. Nỗi đau xót ấy mới chính là bài học vô giá dạy ta ý thức mình, ý thức thân phận mong manh của một con người đầy giới hạn, để ngay từ bây giờ, sẽ luôn luôn đón nhận anh chị em bằng tất cả tình yêu thương, sự chia sẻ và cảm thông.
Hóa ra người mù lại sáng, còn kẻ sáng lại mù. Anh mù được chữa lành có đôi mắt tâm hồn sáng đến lạ thường. Đôi mắt ấy chính là đức tin mà anh đã đón nhận từ Chúa Giêsu. Đôi mắt đức tin của người mù đã giúp anh nhìn thấu đáo về người chữa lành cho mình: “Đó là một tiên tri”. Và khi đối diện với Chúa Giêsu, anh đã tuyên xưng: “Lạy Thầy, tôi tin”.
Trong khi khẳnh định về Chúa như thế, anh cũng đã vạch trần cái đui mù của người biệt phái: “Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó ở đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”.
Lời của anh mù được chữa lành đơn sơ quá, nhưng đẹp quá, hay quá, lý luận của anh chắc chắn quá. Giá mà những người biệt phái mềm lòng một chút, chỉ cần một chút thôi, đã có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và đón nhận Người.
Nhưng nơi anh mù, đâu chỉ có những lời đầy can đảm. Đứng trước quyền lực của tôn giáo, của xã hội, chính đôi mắt đức tin đã cho anh lòng kiên trung không một chút sợ sệt.
Anh khẳng khái lên tiếng dứt khoát, mạnh mẽ dẫu biết mình có thể gặp nguy hiểm, cuộc sống có thể mất bình an. Chẳng hạn anh đã nói: “Nếu đó là người tội lỗi, tôi không biết, tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy”; “Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng”…
Chúa đâu có hẹp hòi, chỉ có lòng người hẹp hòi mà thôi. Chúa đâu có đòi hỏi điều gì cao xa, hay vượt quá sức mình.
Chúa đâu có chối bỏ ai, chỉ có con người mới chối bỏ Chúa. Chúa luôn luôn dung thứ và tha thứ, chỉ có ta mới là kẻ vô tâm trước tình yêu của Chúa.
Chúa luôn luôn mời gọi và ngỏ lời với ta, chỉ có ta khép chặt lòng mình, để khỏi đón nhận mạc khải của Người. Chúa vẫn là Thiên Chúa trung thành, chỉ có ta là không ngừng phản bội.
Sau cùng, chúng ta hãy mượn lời thánh Augustinô, để cùng thánh nhân nguyện xin Chúa ban cho mình thoát khỏi tình trạng mù lòa của tâm hồn, để có thể nhận ra Chúa nơi chính mình và nơi anh chị em:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.
THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
Lm Đan Vinh
Chúa Nhật 4 Mùa Chay A 1 Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ep 5,8-14 ; Ga 9,1-41
Thầy là ánh sáng thế gian
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 9,1-41
(1) Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (2) Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù. Anh ta hay cha mẹ anh ta ?” (3) Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. (4) Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng. Đêm đến, không ai có thể làm việc được. (5) Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (6) Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. (7) Rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: Người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” (9) Có người nói: “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi”. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !” (10) Người ta liền hỏi anh: “Vậy làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ? ”. (11) Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. (12) Họ hỏi anh: “Ông ấy ở đâu ?” Anh ta đáp: “Tôi không biết”. (13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. (14) Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sa-bát. (15) Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. (16) Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; Kẻ thì bảo “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. (17) Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp: “Người là một vị Ngôn sứ !”. (18) Người Do thái không tin là trước đây anh bị mù nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. (19) Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?”. (20) Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. (21) Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó. Nó đã khôn lớn rồi, tự nó, nó nói về mình được”. (22) Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do thái. Thật vậy, người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. (23) Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (24) Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. (25) Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Trước đây tôi bị mù, mà nay tôi nhìn thấy được !” (26) Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” (27) Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” (28) Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy. Còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. (29) Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê. Nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”. (30) Anh đáp: ”Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! (31) Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. (32) Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. (33) Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. (34) Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ? ” Rồi họ trục xuất anh. (35) Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không ?”. (36) Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” (37) Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. (38) Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (39) Đức Giê-su nói:”Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”. (40) Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” (41) Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn !”.
2. Ý CHÍNH: Câu chuyện Đức Giê-su chữa cho người mù từ khi mới sinh cho thấy: Đức Giê-su chính là Ánh Sáng Thế Gian, và chỉ những ai có lòng khiêm hạ mới đón nhận được ánh sáng ấy. Trong cuộc đối thoại, anh mù đã từng bước hiểu biết về Người: Từ “một người tên là Giê-su” (11) đến “một vị Ngôn sứ !” (17), rồi “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (33). Cuối cùng là “Con Người” (35), là Tôi Trung của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì anh mù đã tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin” và sấp mình trước mặt Người (37). Quả thật, chỉ những ai thực tâm muốn tìm Chúa mới gặp được Người.
3. CHÚ THÍCH: – C 1-5: + Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù: Cựu Ước thường cho rằng: tai nạn, bệnh tật và đau khổ là hình phạt do tội lỗi của tội nhân (x. St 3,3) hay tội của cha ông người ấy (x. Xh 20,5). Chính Đức Giê-su có lần cũng chia sẻ tư tưởng ấy: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (Ga 5,14). + Là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh: Ở đây Đức Giê-su còn coi bệnh tật như một tai họa mà con người phải chịu đựng, như một quyền lực của Sa-tan đang đè trên con người mà Đức Giê-su đến nhằm giải thoát cho họ (x. Lc 13,16).
– C 6-9: + Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù: Theo các nhà chú giải Kinh Thánh: Đức Giê-su làm như vậy để thử thách đức tin của người mù. + Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa: Si-lô-ác có nghĩa là “Được sai đến”. Như nước hồ của “Người được sai phái” đã cho người mù từ thuở mới sinh nhìn thấy thế nào, thì “Đấng Được Sai” cũng ban ánh sáng cho những ai đang ngồi trong bóng tối tội lỗi và sự chết như vậy.
– C 35-41: +Anh có tin vào Con Người không? : Sau khi mở con mắt thể xác để anh mù được nhìn thấy, Đức Giê-su cũng muốn mở mắt đức tin cho anh. Vì thế Người đặt câu hỏi để khơi dậy niềm tin như Người đã từng làm đối với người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,26). + Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: Xét xử không phải là lên án (x. Ga 3,17), nhưng là như ánh sáng chiếu soi để tỏ cho thấy những điều thầm kín trong lòng người ta (x. Ga 3,19-21). + Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù: Câu này tương tự lời cầu nguyện của Đức Giê-su với Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (x. Mt 11,25). Chỉ những ai khiêm tốn và thành tâm đón nhận đức tin mới được nhìn thấy ơn cứu độ.
4. CÂU HỎI: 1) Đối với các tín hữu, bệnh tật có phải do tội lỗi gây ra không ? 2) Việc Đức Giê-su lấy bùn thoa vào mắt người mù để chữa bệnh mang ý nghĩa thế nào ? 3) Tại sao Đức Giê-su lại ra lệnh cho anh mù đến rửa mắt tại hồ Si-lô-ác ? 4) Tại sao Đức Giê-su lại nói: “Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù” ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” (Ga 9,39).
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐÂU LÀ LÚC TRỜI SẮP SÁNG ? Một vị ẩn sĩ hỏi các đồ đệ rằng: “Đâu là lúc đêm sắp tàn và ngày sắp đến ?” Nhiều câu trả lời của các học trò được nêu ra: Kẻ thì cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt từ xa một cây dừa với một cây cau. Người khác cho rằng đó là lúc ta có thể phân biệt được một con bò với một con trâu… Đáp án đúng nhất mà vị ẩn sĩ muốn dạy các đồ đệ như sau: “Đó là khi ta nhìn người khác và nhận ra họ là anh em của ta”. (Anthony de Mello).
2) NHÌN NGOẠI VẬT THEO LĂNG KÍNH BẢN THÂN: Một vị Nhật hoàng sau khi làm việc căng thẳng muốn thư giãn, nên yêu cầu các quan tìm kiếm một người biết nói đùa. Người ta đã dẫn đến cho vua một thiền sư. Nhật hoàng nói: “Ta muốn nhà ngươi nói đùa cho ta nghe và sẽ không bị hài tội về lời nói đùa”. Thiền sư nói: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ nói trước để hạ thần nói đùa theo”. Nhà vua nói: “Ta thấy nhà ngươi giống y như một con lợn!” Thiền sư đáp: “Còn hạ thần thì nhìn thấy bệ hạ giống y như Đức Phật!” – Nhà vua liền thắc mắc: “Tại sao ta bảo nhà ngươi là con lợn mà nhà ngươi lại bảo ta là Đức Phật?”- “Tâu bệ hạ, dễ hiểu thôi ạ: ai có tâm của Phật thì nhìn đâu cũng thấy Đức Phật; Còn ai có tâm của lợn thì nhìn đâu cũng thấy lợn!”
3) ĐỪNG SOI MÓI KHÍCH BÁC THA NHÂN: Có một đôi vợ chồng kia rủ nhau đi xem một cửa hàng nổi tiếng chuyên trưng bày tranh thêu lụa. Vừa bước vào đến cửa, bà vợ liền nhìn vào bên trong cửa hàng và nêu nhận xét nhằm chê bai cửa hàng: “Tranh thêu gì đâu mà xấu tệ! Như mặt người đàn bà trong bức tranh kia chẳng giống ai!”. Ông chồng vội liền bịt miệng vợ và nói: “Đó không phải là tranh thêu đâu, mà là tấm gương soi đó. Hình người phụ nữ bà thấy kia chính là hình của bà phản chiếu trong tấm gương đó ! Tốt nhất là bà hãy giữ im lặng dùm chứ đừng lên tiếng phê phán cách hồ đồ!”. Bà vợ cảm thấy xấu hổ nên đã vội bỏ về ngay sau đó. Câu chuyện trên cho thấy thói xấu của nhiều người trong chúng ta: Tuy sáng mắt nhưng lại có tâm hồn mù tối. Nhiều khi chúng ta phê phán người khác mà không ngờ đã tự lộ ra chân tướng không tốt của mình, như người ta thường nói: “Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
4) VIỆC NGƯỜI THÌ SÁNG, VIỆC MÌNH THÌ QUÁNG: Có một học giả rất thông thái nhưng lại mắc bệnh đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một ông bạn thân. Dù đang ngồi trên lưng lừa, nhưng ông vẫn tranh thủ đọc sách thánh hiền và buông lỏng dây cương. Con lừa sau khi đi được một đoạn đường đã theo đường cũ quay trở lại ngôi nhà của ông. Thấy lừa dừng lại, ông học giả tưởng đã đến nhà bạn, liền xuống lừa và đi chung quanh quan sát một vòng ngôi nhà. Ông nói lời phê bình cốt để bạn ông trong nhà nghe được: “Ông bạn già của ta sao lại cẩu thả như thế này: Ngôi nhà đã bị xuống cấp gần sập đến nơi mà chẳng chịu lo sửa sang gì cả!”. Vợ ông ở trong nhà nghe vậy liền bước ra và nói: “Ông nhận xét thật chính xác. Nhưng đây là nhà của ông đó !”. Trong cuộc sống, nhiều người thường có nhận định sáng suốt về chuyện của người khác, nhưng lại mù mờ về những chuyện của chính mình như người ta thường nói: “Việc người thì sáng, mà việc mình thì quáng”. (Theo Ernst Wilhelm Nusselein).
5) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI: Ngày xưa ở Ấn độ, có một ông vua muốn bày trò tiêu khiển, liền cho quân lính đi kiếm năm người bị mù từ lúc mới sinh đưa về triều đình làm trò tiêu khiển cho triều thần. Vua truyền đưa đến một con voi khổng lồ và bảo năm anh mù rằng: “Các ngươi chưa hề biết voi là gì thì hôm nay trẫm sẽ cho các ngươi biết. Các ngươi hãy lại gần sờ vào voi rồi nói cho trẫm và quần thần biết voi có hình thù ra sao. Ai tả con voi đúng nhất sẽ được trọng thưởng”. Anh mù thứ nhất sờ đúng cái chân của voi liền tâu: “Tâu bệ hạ! Con voi có hình thù giống như cột nhà!” Anh thứ hai sờ đúng cái tai voi vội cãi: “Không đúng. Voi giống như một cái quạt lớn”. Anh thứ ba sờ trúng cái vòi lại nói: “Voi giống như một khúc cây ngoằn ngoèo!” Anh thứ tư sờ trúng bụng voi cãi lại: “Voi giống một tảng đá lớn, tròn tròn!” Tới lượt anh thứ năm sờ trúng đuôi con voi thì cho cả bốn người kia đều sai và tâu vua: «Voi chỉ như một cái chổi cùn!” Anh nào cũng quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình là đúng, và bác bỏ ý kiến của các người kia. Bn đầu họ còn nói nhỏ, về sau to tiếng và còn xông vào đánh nhau chí chóe, đang khi nhà vua và triều thần ai cũng cười cho sự mù quáng đáng thương của cả bọn. Mỗi người mù nói trên chỉ biết được một phần sự thật mà tưởng rằng mình am tường tất cả và đánh giá những ai không suy nghĩ giống như mình đều sai lạc. Giả như họ biết khiêm tốn nhìn nhận kiến thức hạn hẹp của mình và biết bổ sung bằng ý kiến kẻ khác thì hay biết mấy.
3. SUY NIỆM:
1) Ai cũng cần có ánh sáng soi đường: Vào một đêm nọ, có một người mù đến thăm một người bạn cùng xóm. Lúc từ giã ra về, thấy anh bạn mù không mang theo lồng đèn trên tay, chủ nhà liền lấy ra chiếc lồng đèn của mình trao cho anh mù. Nhưng anh mù từ chối và nói: “Đối với người mù như tôi thì ban ngày cũng như ban đêm, ánh sáng có khác gì bóng tối. Cho nên tôi sẽ không cầm theo chiếc lồng đèn vì đó là làm một điều vô ích!
Bấy giờ chủ nhà mới giải thích: « Tôi biết anh không cần đến chiếc lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không có nó trên tay thì người khác sẽ không nhìn thấy anh và có thể họ sẽ đụng chạm vào người anh đấy! » Anh mù nghe bạn nói có lý nên đã nhận chiếc lồng đèn ra về.
Đi được một đoạn đường, bất ngờ anh mù bị một người đi ngược chiều tông vào suýt bị té. Anh ta liền tức giận la mắng: « Bộ anh bị đui hả? Không thấy tôi đang cầm chiếc lồng đèn trên tay sao? » Người kia liền trả lời rằng: “Đúng là anh đang cầm một chiếc lồng đèn đấy. Nhưng ngọn lửa bên trong cây đèn đã tắt rồi. nên tôi không nhìn thấy anh. Xin lỗi anh bạn nhé!”
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu được rằng: Để đi trong bóng đêm ai cũng cần phải có ánh sáng. Ánh sáng giúp người ta thấy đường đi, thấy người khác và tránh được các trở lực trên đường. Người mù đi trong đêm tối, tưởng như không cần ánh sáng soi đường, nhưng anh vẫn cần có cây đèn cháy sáng, để người khác khỏi đụng phải anh.
2) Có hai loại mù: Mù mắt thể xác và mù tối tâm hồn: Người mù bẩm sinh trong Tin Mừng hôm nay tuy bị mù đôi mắt thể xác nhưng lại sáng lòng hơn những người Pharisêu tự hào khôn ngoan thông thái. Người Pha-ri-sêu bị thành kiến che mờ tâm trí nên không nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ và đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời do Người thiết lập.
Có nhiều bệnh mù quáng tâm hồn như sau: – Mù quáng do lòng tham không đáy: Sách Các Vua có thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, có lòng tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, nên đã dàn dựng một vụ án để tội Na-vốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và nhà vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết. Lòng tham lam đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven trở thành mù quáng phạm tội giết hại người nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta. (1 V Ch 21)
-Mù quáng do thói ganh tị: Sách Samuel ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đavít, nhưng khi Đavít hạ được tên tướng giặc khổng lồ là Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Israel và khải hoàn trong vinh quang. Bấy giờ các phụ nữ ca hát múa nhảy với tiếng reo mừng não bạt và ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đavít giết hàng vạn”. Nghe lời đó, vua Sa-un tức giận vì anh tị. Chính do lòng ganh tị đã làm cho vua trở thành mù quáng, đổi lòng yêu thương hóa ra thù ghét và truy lùng Đavít quyết giết cho bằng được người anh hùng Đa-vít nầy. (1 Sm, Ch 18).
-Mù quáng do dục tình lấn lướt: Sau khi Đavít lên làm vua thay Sa-un, ông bị mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va. Dục vọng đã làm cho vua bị mù quáng dẫn đến chỗ phạm tội giết chồng đoạt vợ (2 Sm, Ch 11).
Tóm lại, do tình dục, do lòng tham, thói kiêu căng ganh tị… mà người ta có thể trở nên mù tối phạm phải những tội ác không ngờ. Bất cứ người mù nào cũng khao khát được sáng; nhưng điều đáng tiếc là nhiều người mù quáng tâm hồn do không ý thức mình đang bị mù, nên không quyết tâm thoát khỏi tình trạng mù quáng và cuối cùng bị loại ra khỏi nước trời như các đầu mục dân Do thái xưa.
3) Hành trình đức tin của người mù trong Tin Mừng: Niềm tin của người mù vào Đức Giê-su tăng dần theo sự thử thách. Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh: Thoạt tiên, anh chỉ coi Chúa Giêsu là một người nào đó khi nói: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được” (Ga 9,11). Rồi khi nghe đám đông bàn tán, và bị người Pharisêu tra hỏi, anh đã nói lên suy nghĩ của mình: “Người là một vị Ngôn sứ !” (Ga 9,17). Rồi trước sự phê phán của các đầu mục, anh đã can đảm bênh vực việc làm của Đức Giê-su: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33). Cuối cùng sau khi gặp gỡ Đức Giê-su và được mạc khải Người chính là Con Người, là Đấng Thiên Sai (x. Ga 9,35-37), thì anh mù đã tuyên xưng đức tin: “Thưa Ngài, tôi tin”, và đã thể hiện niềm tin bằng việc sấp mình xuống trước mặt Người (Ga 9,38).
4) Sống tinh thần Mùa Chay thế nào?: – Theo Đức Giê-su thì mù không phải là một cái tội. Cố tình bịt tai nhắm mắt do sự cứng lòng tin như các đầu mục Do thái mới là tội. Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ giống như các người này khi tự bịt tai nhắm mắt, cố tình không nhìn nhận những khuyết điểm lỗi lầm của mình. Mùa Chay là mùa sám hối canh tân. Muốn biết mình ra sao, chúng ta cần có thời gian tĩnh tâm để hồi tâm sám hối và quyết tâm canh tân đời sống.
– Ngoài ra, trong bất cứ việc gì, chúng ta cần ý thức mình chỉ nhìn thấy một phần sự thật, nên phải khiêm tốn tìm hiểu và học hỏi nơi tha nhân. Điều ta biết chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng. Còn những điều ta chưa biết thì to lớn và chìm sâu dưới mặt nước. Do đó, thay vì cãi nhau khi có quan điểm và cái nhìn khác nhau, chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận ý kiến của người khác để đạt tới chân lý.
– Cuối cùng, ta cần lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, tiếp thu phê bình của người khác để nhận ra con người thật của mình, vì “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!”, và “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng !”. Khi nhận ra con người thật của mình, chúng ta sẽ canh tân đổi mới để ngày một nên hoàn thiện theo thánh ý Thiên Chúa.
4. THẢO LUẬN: Trong Mùa Chay này, Bạn sẽ làm gì để nhận ra con người thực của mình và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày càng nên hoàn thiện giống như Đức Giê-su hơn ?
5. NGUYỆN CẦU: LẠY CHÚA GIÊ-SU: hiện nay còn biết bao người đang mù chữ, mù kiến thức, mù giáo lý… Nhất là đang bịt tai nhắm mắt như người Pha-ri-sêu xưa. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con biết dành thì giờ tham dự những cuộc tĩnh tâm để duyệt xét lại con người của mình. Xin cho chúng con ngày một hiểu biết Chúa để yêu mến Chúa, biết rõ con để không dám tự mãn và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày một nên hoàn thiện giống Chúa nhiều hơn. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
XIN CHÚA SOI DỌI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA VÀO ƠI TĂM TỐI CỦA LINH HỒN CHÚNG TA
Lm. Jude Siciliano, OP
Chúa Nhật IV Mùa Chay – A 1 Samuen 16: 1b, 6-7, 10-13a; T.vịnh 22; Êphêsô 5: 8-14; Gioan 9: 1-41
Xin Chúa soi dọi ánh sáng Lời Chúa vào nơi tăm tối của linh hồn chúng ta
Khi các môn đệ trông thấy người mù hành khất, họ xem người đó như một vấn đề để bàn thảo xem. Sự mù loà của người đó, không phải là vấn đề làm người đó đau khổ, nhưng là vấn đề làm các môn đệ chú ý đến. Các ông hỏi Chúa Giêsu về lý do ngủỏ̀i đó bị mù lòa “Thủa Thầy, ai đã phạm tội khiến ngủỏ̀i này sinh ra đã ḅi mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”.
Ngủỏ̀i thỏ̀i đó tin là nhủ̃ng tật nguyền về thể xác là kết quả của tội lỗi do ngủỏ̀i đó phạm hay cha mẹ ngủỏ̀i đó phạm (Xh 20: 5). Các môn đệ sẽ rất ngạc nhiên, vì họ không bao giỏ̀ tủỏ̉ng tủọ̉ng là ngủỏ̀i bị tật nguyền có thể là dịp chủ́ng tỏ việc làm lỏ́n lao của Thiên Chúa cho chúng ta.
Vậy chúng ta có suy nghĩ xa bao nhiêu về việc một ngủỏ̀i bị đau khổ phải chịu hay không? Trong thế giỏ́i “Trong sáng” của chúng ta chẳng có lẽ có ngủỏ̀i vẫn còn nghĩ là sụ̉ nghèo khó và bệnh tật xãy ra trong đỏ̀i ngủỏ̀i là lỗi tại chính ngủỏ̀i đó phải không? (Và nhủ̃ng ngủỏ̀i bị xúc phạm về thể xác hay bị hãm hiếp là bỏ̉i họ “gây nên” cho ngủỏ̀i khác hay sao? Nhủ cách nói: “ngủỏ̀i phụ nủ̃ đó nếu ăn mặc nhủ thế thì có thể bị hãm hiếp là phải”). Nếu ngủỏ̀i ta vẫn nghĩ nhủ vậy, thì họ không nhìn kỹ vào tình trạng kinh tế, văn hóa, và lý do chính trị đã để bao nhiêu ngủỏ̀i nghèo và toàn đất nủỏ́c trong trủỏ̀ng họ̉p thấp kém của xã hội. Thái độ nhủ thế về nguồn gốc sụ̉ nghèo khó sẽ làm cho con ngủỏ̀i không làm gì hỏn để thay đổi trủỏ̀ng họ̉p bị áp bủ́c cho nhủ̃ng nhóm ngủỏ̀i trong các đô thị của chúng ta và trong các nủỏ́c khác trên thế giỏ́i.
Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng cho nhủ̃ng ý nghĩ tăm tối, và trả lỏ̀i câu hỏi của các môn đệ: “không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội”. Sụ̉ đỗ lỗi nằm ỏ̉ chỗ khác. Có thể là ỏ̉ nỏi nhủ̃ng ngủỏ̀i đỗ lỗi cho ngủỏ̀i khác vì hoàn cảnh khó khăn của họ. Thiên Chúa không phải phạt ngủỏ̀i tội lỗi. Thật ra Thiên Chúa muốn làm việc gì để củ́u ngủỏ̀i đó khỏi bị mù. Sau khi Chúa Giêsu soi sáng cho các môn đệ, Ngài bắt đầu làm việc để củ́u ngủỏ̀i mù. Nhủ thế Chúa Giêsu chủ̃a hai bệnh mù loà. Chúa Giêsu làm cho ngủỏ̀i mù đủọ̉c trông thấy, và cho các môn đệ đủọ̉c trông thấy một khía cạnh khác.
Chúa Giêsu không chỉ trông thấy một ngủỏ̀i đau ốm. Ngài trông thấy một thí dụ khác về tình trạng con ngủỏ̀i mà Ngài đến để nâng đở. Ngủỏ̀i mù là một biểu hiện – đó là biểu hiện của chúng ta, vì chúng ta không trông thấy. Sụ̉ mù loà là một bệnh của loài ngủỏ̀i. Chúng ta mù loà vì không trông thấy sụ̉ hiện diện của Thiên Chúa trong đỏ̀i sống của chúng ta. Chúng ta không trông thấy nhu cầu của nhủ̃ng ngủỏ̀i láng giềng của chúng ta, của nhủ̃ng dân chúng thuộc chủng tộc khác, thuộc tôn giáo khác, thuộc quốc tịch khác v.v… Trong sụ̉ mù loà của chúng ta, chúng ta muốn xây một bủ́c tủỏ̀ng ngăn cách, và gây sụ̉ phân chia trong xã hội hỏn là đón tiếp ngủỏ̀i xa lạ vào ỏ̉ giữa chúng ta và để ý đến nhu cầu của nhủ̃ng ngủỏ̀i di củ.
Chúa Giêsu chửa lành ngủỏ̀i mù một cách mau lẹ. Ngài chửa ngủỏ̀i về thể xác, nhủng đó chỉ là bủỏ́c thủ́ nhất trên đủỏ̀ng đi của ngủỏ̀i đó đến sụ̉ trông thấy về phần hồn. Khi ngủỏ̀i đó đủ́ng trủỏ́c nhủ̃ng ngủỏ̀i Pharisêu, anh ta tiếp tục tiến tỏ́i – tủ̀ sụ̉ trông thấy về ̀thể xác đến sụ̉ trông thấy về phần thiêng liêng. Anh ta sẽ trông thấy Chúa Giêsu là ai và lãnh nhận đủ́c tin. Trong khi đó, nhủ̃ng ngủỏ̀i Pharisêu lại tiến về sụ̉ đui mù của họ sâu xa hỏn. Họ nghĩ là họ biết hết mọi sụ̉. Nhủng thật sụ̉ họ không biết là họ không biết gì cả. Họ ỏ̉ trong bóng tối âm u. Về mặt khác, suốt câu chuyện ngủỏ̀i mù đủọ̉c chủ̃a lành chấp nhận sụ̉ ngu dốt của anh ta về mọi phủỏng diện. Trong khi anh ta làm nhủ vậy, không giống nhủ̃ng ngủỏ̀i Pharisêu, anh ta đủọ̉c ỏn mỏ̉ rộng để thay đổi. Sau khi anh ta bị ngủỏ̀i Pharisêu trục xuất ra, thi anh ta lại gặp Chúa Giêsu. Anh ta nhận lời vỏ́i Chúa Giêsu vì anh ta cần giúp đỏ̃; “Thủa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu tỏ cho anh ta biết Chúa Giêsu chính là Ngủỏ̀i và anh ta sấp mình xuống trủỏ́c mặt Chúa Giêsu. Ngủỏ̀i trủỏ́c kia mù loà đã đủọ̉c trông thấy dủỏ́i nhiều phủỏng diện trong khi anh ta đi tủ̀ không có đủ́c tin đến lãnh nhận đủ́c tin.
Thật là một câu chuyện thách đố trong phúc âm. Có thể, thật ra nỏi chúng ta trông thấy không phải là nỏi đó. Hãy lắng nghe phúc âm: nhủ̃ng ngủỏ̀i Pharisêu biết chắc họ biết nhủ̃ng gì xãy ra lại là nghủ̃ng ngủỏ̀i mù. Họ là nhủ̃ng ngủỏ̀i thông thạo về tôn giáo, nhủng họ không thấy sụ̉ thật nhìn ngay vào mặt họ. Đấng làm cho họ không biết gì và làm cho thế giỏ́i của họ quay ngủọ̉c lại chính là Thiên Chúa. Ngài đang cố gắng mỏ̉ mắt họ cho họ trông thấy sụ̉ thật.
Vậy nhủ̃ng điều gì xáo trộn chúng ta, gây nên câu hỏi, xáo trộn thói thủỏ̀ng của chúng ta? Đấy có thể là nhủ̃ng nỏi mà Thiên Chúa cố gắng mỏ̉ mắt chúng ta cho chúng ta đủọ̉c trông thấy. Câu chuyện ngủỏ̀i mù loà đến lúc làm cho chúng ta suy nghĩ lại và tụ̉ hỏi: chúng ta trông thấy rõ ràng không? Tôi có trông thấy điều gì đang xãy ra trong đỏ̀i sống tôi không? Đủỏ̀ng tôi đang đi có trỏ̉ nẽo gì không và làm tôi mất hủỏ́ng đi phải không? Vậy nhủ̃ng điều gì xãy ra cho tôi làm tôi vấp ngã nhủ một ngủỏ̀i đang sỏ̀ soạn đi trong bóng tối phải không? Thế giỏ́i đầy ánh sáng chói loà. Ánh sáng đó làm chúng ta mù đi và không trông thấy điều gì quan trọng, đỏ̀i đỏ̀i và tốt đẹp cho chúng ta. Chúng ta tụ̉ hỏi mình: điều gì làm nhãn quan của tôi bị mù loà trong nhủ̃ng ngày này? Điều gì đã làm cho tôi không biết cảm tạ trong đỏ̀i sống?
Câu chuyện ngủỏ̀i mù loà nhắc lại câu chuyện của chúng ta. Chúng ta cùng đi chặng đường như anh ta. Chúng ta đã được dẫn đến hồ nước rửa và được nghe lời nói với chúng ta “Ta rửa tội cho ngươi…” Và từ đấy bắt đầu cuộc hành trình, dẫn dắt bởi ánh sáng chúng ta lãnh nhận bởi nước đó. Trong phép rửa chúng ta được nhìn thấy rõ hơn vào thế giới của chúng ta. Chúng ta trông thấy gì sau khi được rửa nơi nước đó? Vậy sự trông thấy chúng ta lãnh nhận bởi nước rửa có ảnh hưởng gì đến sự lựa chọn trong đời sống và trong giá trị của cuộc đời?
Vì mắt chúng ta đã được mở ra, chúng ta trông thấy những người thuộc các chủng tộc khác, các quốc tịch khác (ngay cả các kẻ thù của chúng ta) là anh chị em của chúng ta. Chúng ta trông thấy tất cả những điều chúng ta hằng mong ước có thể làm chúng ta chán nản và nghèo nàn trước mắt Thiên Chúa. Chúng ta trông thấy ngay cả trong sự đau yếu già nua vẫn có gi đẹp đẻ và có giá trị. Chúng ta trông thấy Thiên Chúa không phải là Dấng ngự trên cao xa vời mà chúng ta phải khiếp sợ. Nhưng Ngài là Dấng ở gần chúng ta. Ngài cùng đi với chúng ta như bạn đồng hành mến thương. Chúng ta trông thấy những người chúng ta trân trọng không luôn luôn là những người mà kẻ khác gọi là “quan trọng”. Cũng như người mù, nước đã mở mắt chúng ta, và chúng ta đã trông thấy với mắt của Chúa Giêsu là ánh sáng chói trong thế gian tăm tối.
Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP
4th SUNDAY OF LENT (A) 1 Samuel 16: 1b, 6-7, 10-13a; Psalm 23; Ephesians 5: 8-14; John 9: 1-41
When the disciples saw the blind man begging they treated him as a topic for conversation and inquiry. His blindness, not the fact that he was a suffering person, was the focus of their attention. They asked Jesus about the reason for his blindness. “Rabbi, who sinned, this man or his parents?”
People of the time believed that a physical infirmity was the result of sin, committed either by the person, or the parents (Exodus 20:5). The disciples are in for a surprise. They never could have imagined that the afflicted man would play a part in revealing God’s wonderful works on our behalf.
Are we so far removed from the thinking that blames a person for the misfortune they bear? In our “enlightened” world don’t people still think that poverty, and its resulting maladies like sickness and short life span, are the fault of the poor? (And aren’t those physically or sexually abused sometimes blamed for what they “provoked” in others? “She wouldn’t have gotten raped if she hadn’t dressed that way.”) As long as people think in this way, they won’t look deeper into the economic, cultural or political reasons that keep poor people and whole nations in a permanent underclass. Such attitudes about poverty’s sources will also prevent people from doing something to change oppressive conditions for groups of people in our own cities and for nations in other parts of the world.
Jesus casts light on such darkness and answers their question, “Neither he nor his parents sinned.” The blame lies elsewhere; maybe even on the very people who are blaming others for their dire conditions! God is not punishing the man for sin; indeed, God wants to do something that will deliver the man from his blindness. After enlightening his disciples, Jesus sets about changing the man’s condition. So, he cures two forms of blindness. He enables both the man to see and his disciples to get a different perspective.
Jesus doesn’t just see one person who is ill. He sees another example of the human condition he has come to alleviate. The blind man is a symbol – he represents us, for we do not see. Blindness is a universal ailment that afflicts humanity. We are blind to God’s presence in our lives; to the needs of our neighbors; to people of other races, religions, nationalities etc. In our blindness, we would rather build walls of separation and construct social barriers than welcome the stranger into our midst and address the needs of the refugee.
The healing happens quickly. Jesus gives the man his physical sight, but that is just the first step on the man’s journey to spiritual sight. In the confrontation he has with the Pharisees the man will continue to progress – from his newly acquired physical sight to spiritual sight. He will see who Jesus is and come to faith. While the Pharisees will progress even further into their blindness. They think they know it all, when in fact they are not even aware that they know nothing. They are in the dark. On the other hand, throughout the story the man admits his ignorance about many things. In doing that, unlike the Pharisees, he is open to change. After he is thrown out by the Pharisees Jesus returns to him. He admits his need to Jesus, “Who is he sir that I may believe in him?” Jesus reveals himself to the man who then does him reverence. The former blind man has come to sight in many ways, as he goes from unbelief to faith.
It is a challenging gospel story. Is it possible that the places we think we are seeing clearly, we are not? Listen to the gospel: the ones, who were sure they knew what was going on, the Pharisees, were blind. They were religious experts, but they missed the truth staring them in the face. The one who is confounding them and turning their world upside down was really God, trying to open their eyes and set things right.
What confounds us, raises questions, upsets our routine? These may be the very places God is trying to open our eyes and give us vision; set things right for us. The story of the blind man coming to sight gives us pause to ask ourselves: How well do I see? Do I see what is really going on in my life? Has a road I have been traveling taken an unfamiliar turn and I’ve lost my way? Are things happening to me that make me trip and stumble like a person walking and groping in the dark? The world is filled with bright lights and glitter. They blind us to what’s important, lasting and best for us. We ask ourselves: what is blurring my vision these days? What’s dulling my appreciation of life?
The blind man’s story replays our own. We made the same journey he did. We were led to a pool of water, washed there and words were spoken over us, “I baptize you….” This began the journey guided by the sight we received in those waters. In baptism we were given a clearer sight with which to look at our world. What do we see as a result of that washing at the pool? Has the sight we received in the washing affected our priorities and life choices?
Because our eyes have been opened we see that people of other races and nations (even those some name as enemies) are our sisters and brothers. We see that having all we ever wanted can leave us dissatisfied and poor in God’s sight. We see that even in sickness and old age there is great value and beauty. We see that God is not someone on high to fear, but someone up close who walks our life with us in loving companionship. We see the people we value are not always the ones others call “important.” Like the blind man the waters have opened our eyes and we see with the eyes of Jesus, who is light for a dark world.
KHI CHÚA CHỮA NGƯỜI MÙ
Lm Jb Nguyễn Minh Hùng
Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A Khi Chúa chữa người mù
Khi nói về những trường hợp mù, Tin Mừng nhất lãm luôn ghi nhận lời van xin của chính nạn nhân: “Lạy con vua Đavit, xin thương xót chúng tôi!”. Chẳng hạn:
1. Tin Mừng theo thánh Mátthêu: – Khi Ðức Kitô ra khỏi đó thì có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: “Lạy Con vua Ðavít, thương xót chúng tôi!” (Mt. 9:27). – Có hai người mù ngồi ở vệ đàng; nghe biết Ðức Kitô đi ngang qua, thì họ kêu rằng: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt. 10:29-30).
2. Tin Mừng theo thánh Marcô: Con của Timê là Bartimê, một người mù ăn xin, ngồi ở vệ đàng. Nghe biết là Ðức Giêsu Nazarét, thì hắn lên tiếng kêu rằng: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mc. 10:46-47).
3. Tin Mừng theo thánh Luca: Có người mù nọ đang ngồi ăn xin ở vệ đàng. Nghe có đông người đi ngang qua, hắn dò hỏi cho biết chuyện gì thế. Người ta cho hắn biết là có Giêsu Nazareth ngang qua. Và hắn la lên rằng: “Lạy con vua Ðavit, xin thương xót chúng tôi!” (Lc. 18:35-38).
Riêng Chúa Nhật thứ IV mùa Chay năm A này, Tin Mừng theo thánh Gioan, người mù không hề lên tiếng xin điều gì, Chúa Giêsu tự tay chữa lành cho anh. Ngay trước khi chữa lành, Chúa cho biết: Anh ta bị mù là cơ hội “để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Chính vì thế, “chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN”.
Như vậy, khác với các thánh sử nhất lãm, đối với thánh Gioan, người mù không cần phải van xin, nhưng đây là nhiệm vụ của Chúa Giêsu: 1. Chúa Giêsu phải chứng tỏ và mạc khải quyền năng của Thiên Chúa. Khác các tác giả nhất lãm (chữa lành là chứng minh ơn tha thứ), thánh Gioan nhấn mạnh đến việc bày tỏ quyền năng vinh quang của Chúa.
Trường hợp anh mù, vì được chữa khỏi tật nguyền mà không ai có thể chữa được, quyền năng của Thiên Chúa đã được biểu lộ. Từ nay, bất cứ ai nhìn thấy anh, hay nghe nói đến anh, họ biết rằng, anh đã được sức mạnh siêu phàm chạm đến cuộc đời mình.
2. Qua tật nguyền mà anh được cứu chữa, Thiên Chúa cũng ân cần mạc khải tình thương của Người dành cho nhân loại. Bằng sự cứu chữa nơi một vài trường hợp trên thân xác, Thiên Chúa muốn nói rằng, Người quan tâm đến tâm hồn con người. Người muốn cứu độ họ. Thiên Chúa muốn chữa lành linh hồn họ.
Chữa lành bên ngoài là để nhấn mạnh đến ơn tha tội. Bởi bị tật nguyền nơi thân xác đã là bất hạnh. Nhưng tật nguyền trong linh hồn mới thật bất hạnh đời đời. Việc chữa lành trên thân xác, có cũng được, không có không sao. Nhưng nếu linh hồn mà không được chữa lành, không được Chúa đoái thương, con người sẽ đánh mất ơn vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
3. Đàng khác, nếu không được chữa lành nơi thân xác, ta chấp nhận đau khổ. Đó chính là thập giá đời ta.
Chúa Giêsu từng mời gọi hãy vác thập giá của bản thân mà theo Người. Bởi thế, đau khổ vẫn là điều cần thiết để ta kết hợp với Chúa Giêsu mà cứu độ mình, cùng đền thay tội lỗi cho muôn người. Thập giá đời ta sẽ phát sinh ơn cứu độ cho mình, cho mọi người, chỉ khi ta vui nhận trong tinh thần tín thác vào Thiên Chúa, và hiến dâng như của lễ toàn thiêu, hiến tế đời mình trong Chúa Giêsu. Vì thế, những ai được chữa lành là điều đáng vui mừng, nhưng nếu không được chữa lành, thì bệnh tật nơi thân xác vẫn là điều quý giá. Giá trị và vinh quang của sự chiến thắng nằm ở chỗ, dù phải mang thánh giá đời mình, ta vẫn kiên trung tín thác và yêu mến Chúa.
4. Nói rằng, trong nhiều trường hợp (chẳng hạn trường hợp của người mù), bất hạnh của con người là để chứng tỏ vinh quang Thiên Chúa, không có nghĩa là, Thiên Chúa muốn cho một số người bị khuyết tật để qua họ Người bày tỏ chính mình.
Đúng hơn, ta phải hiểu rằng, tất cả bệnh tật, sự đau khổ, những yếu tố bất toàn của thiên nhiên… tất cả đếu có thể ập xuống trên con người. Đau khổ vẫn luôn hiện diện trong cõi nhân sinh. Dù muốn, dù không, mọi người đều có thể lâm vào đau khổ. Nó là người bạn không ai muốn, nhưng vẫn tự tìm đến ta.
Nhưng khi đau khổ đã xảy ra, Thiên Chúa có thể sử dụng chúng để mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng khác. Chẳng hạn, Thiên Chúa sử dụng cuộc khổ nạn thương đau của Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho trần thế.
Thiên Chúa vẫn không ngừng rút ra những điều tốt lành từ trong những thương đau, những bế tắc, thậm chí những tội ác… Vì thế, nếu biết chân thành suy niệm, ta có thể nhận ra ngay trong những thử thách của đời mình, có bàn tay Thiên Chúa. Không ít lần, ta kinh nghiệm rằng, giữa những khổ đau, ta nhận được qua nhiều sự đỡ nâng, sự ủi an hoặc nhiều những thuận lợi khác…
5. Chữa lành người mù, Chúa khẳng định: “THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN”. Như vậy, qua việc mở đôi mắt cho người mù được thấy ánh sáng, Chúa Giêsu không nhắm việc chữa lành trên thân xác cho bằng nhắm đến sự cứu độ đời đời mà Người ban cho ta. Chỉ trong Chúa Kitô, chỉ có cách duy nhất là thông hiệp với Chúa Kitô, ta mới được tiến đến cùng ánh sáng là chính Người mà thôi. Lời này được tuyên bố ngay giữa bối cảnh mà sự thù ghét Chúa trong lòng hàng ngũ lãnh đạo Dothái đang dâng cao. Bởi suốt cả chương 8, Tin Mừng theo thánh Gioan cho thấy, sự tranh luận ngày càng gay gắt giữa Chúa Giêsu và người Dothái.
Dù đang bị vây hãm bởi bóng đen dày đặc của lòng người, của tội lỗi thế gian, Chúa vẫn là Ánh Sáng. Chúa vẫn là Ánh Sáng duy nhất tỏa chiếu cho tất cả những ai chấp nhận để Chúa dẫn lối thoát ly khỏi mê lầm, tội lỗi.
Tình yêu và sự cứu độ của Chúa vẫn là những thực tại mà mỗi con người cần đến, không thể thay thế, không thể khác được. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng của chúng ta, Đấng đưa ta về sự sáng của tình yêu và ơn cứu độ.
Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, nghĩa là thời gian càng lúc càng gần những ngày cao điểm của mầu nhiệm Vượt Qua. Bạn và tôi hãy bắt chước người năm xưa, vững tin vào Chúa để được tình yêu và ân sủng của Người đưa lối ta đi về sự sáng vĩnh cửu.
Một khi bắt gặp Chúa, Đấng giải thoát mình khỏi cảnh mù tối, người mù bất chấp mọi sợ hãi, vẫn hiên ngang khẳng định lòng tin của mình vào Chúa Giêsu: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa, ông ấy đã chẳng làm được gì”.
Chúng ta là Kitô hữu, những người luôn xác tín Chúa Giêsu là Đấng cứu độ mình. Hãy như người mù, chúng ta cần chứng tỏ đức tin của mình mọi nơi, mọi, mọi hoàn cảnh, bất chấp những điều ấy có thể đe dọa sự an nguy của bản thân nơi cuộc đời này.
ÁNH SÁNG
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY. A
(Ga 9:1-41)
ÁNH SÁNG
Người mù từ thuở mới sinh,
Không nhìn chẳng thấy, bình minh rạng ngời.
Chẳng do lỗi phạm cuộc đời,
Vì danh Thiên Chúa, cao vời biết bao.
Ta là sự sáng trên cao,
Soi lòng mở mắt, truyền rao chữa lành.
Xoa bùn trên mắt rửa nhanh,
Ra đi được thấy, nhân danh Chúa Trời.
Láng giềng hàng xóm gọi mời,
Đức tin cứu chữa, mọi người trần gian.
Các người Biệt phái hỏi han,
Do ai mở mắt, lạm bàn xét suy.
Luật ngày Sa-bát là chi?
Tại sao lỗi phạm, sinh nghi làm phiền.
Điều tra kết án trước tiên,
Chối từ phép lạ, ơn thiêng từ trời.
Anh mù làm chứng giữa đời,
Chính Ngài công chính, cao vời chí nhân.
Bao người mắt sáng thế trần,
Mù lòa tội lỗi, tâm thân thấp hèn.
Chúng ta nhìn thấy được mọi sự chung quanh là nhờ có ánh sáng. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhờ qua cặp mắt sáng, chúng ta thấy sự hùng vĩ núi đồi, sông biển, sự cao siêu của vũ trụ, sự tuyệt vời của muôn vật và vẻ đẹp của thiên nhiên. Có được đôi mắt sáng là một hồng phúc Chúa ban. Đôi mắt là cửa sổ để chúng ta tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Bài phúc âm nói về việc Chúa chữa người mù. Mù lòa thật khổ sở. Họ lần mò trong đêm tối. Không nhìn thấy chi cả. Họ bị thiệt thòi và mất mát quá nhiều. Chúa Giêsu đã chữa anh ta được sáng mắt. Sáng mắt cả thể xác lẫn tinh thần. Anh ta đã nhìn thấy rõ ràng minh bạch hơn cả những thầy Biệt Phái và Luật Sĩ. Anh ta nhìn thấy và tin vào Chúa là Đấng Cứu Thế. Nhìn thấy sự tốt lành và quyền năng nơi Chúa.
Có nhiều thứ đêm tối chúng ta đang bước đi. Có thứ đêm tối của u mê, ánh sáng văn minh có đó, sách vở có đó, nhưng chúng ta lại mù chữ không hiểu. Có thứ đêm tối của đức tin. Chúng ta thấy đó có các tôn giáo, các sự kiện lạ lùng xảy ra hàng ngày, sự hiện hữu của Thiên Chúa trong vũ trụ, nhưng chúng ta không thấy và không tin. Tin là thái độ của phó thác và dấn thân.
Chúng ta có mắt sáng, nhưng có lúc chúng ta như mù hoặc giả mù. Chúng ta muốn nhắm mắt làm ngơ trước những khổ đau của người khác. Có nhiều hình thức mù lòa trong tâm hồn như ích kỷ, vô tâm, vô cảm và thiên kiến. Những thứ mù lòa này sẽ vây hãm cuộc đời chúng ta trong đêm tối.
Câu chuyện một gia đình công giáo nửa vời. Ba là người công giáo, mẹ là đạo thờ ông bà. Ba dần dần nguội lạnh thờ ơ. Cháu có ông nội bị mù. Thấy vậy, cháu đến đưa ông đi lễ mỗi tuần. Cháu không muốn đi nhà thờ, nhưng chỉ để giúp dắt ông đi thôi. Một ngày kia, dịp lễ Giáng sinh, như có lời mời gọi huyền nhiệm vang vọng trong tâm hồn. Cháu cố đi nhanh tới nhà thờ với cặp mắt thấm lệ. Cháu nói: Nội ơi, nay cháu thực sự tìm thấy Chúa. Chính nội đã dắt cháu đến với Chúa.
Chúa chính là ánh sáng đến trong trần gian. Chúa đã mở mắt người mù. Xin Chúa mở mắt tâm hồn của chúng ta để chúng ta được nhìn thấy công trình cứu độ của Chúa. Nhìn thấy những nhu cầu của anh em chung quanh. Xin cho con mắt linh hồn chúng ta luôn trong sáng để nhìn biết Chúa qua những người lầm than, nghèo khổ, bệnh tật, tù đầy, bất toại và mù lòa.
THỨ HAI, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 4, 43-54).
ĐỨC TIN
Về miền Ga-lí-lê-a,
Đoàn dân đón tiếp, ngợi ca danh Người.
Một người quan chức đến nơi,
Xin Thầy cứu chữa, đôi lời van lơn.
Con trai đau liệt xanh dờn,
Còn đang hấp hối, lên cơn từng hồi.
Viên quan xót dạ khúc nhôi,
Lạy Thầy đến gấp, bồi hồi xót xa.
Chúa rằng ông hãy về nhà,
Con ông mạnh khỏe, hải hà Chúa thương.
Gia nhân đến đón trên đường,
Báo tin con mạnh, thần lương chữa lành.
Ông tin quyền phép Thánh Danh,
Thân bằng quyến thuộc, lòng thành tri ân.
Tuôn tràn đổ xuống hồng ân,
Muôn vàn phúc lộc, thế nhân hưởng nhờ.
THỨ BA, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 5, 1-3a. 5-16).
LÀNH BỆNH
Chúa lên Giê-rú-sa-lem,
Đến Bét-sai-đa, vào xem thoáng mau.
Mù lòa què quặt yếu đau,
Liệt lào bất toại, cùng nhau nguyện cầu.
Cái hồ nhỏ bé hơi sâu,
Một người đau liệt, nằm lâu đợi hờ.
Hơn ba mươi tám năm chờ,
Không ai giúp đỡ, xuống bờ hồ ngay.
Mỗi khi nước động lạ thay,
Ai mà xuống trước, cầu may chữa lành.
Chúa thương cứu chữa bình sanh,
Đứng lên vác chõng, thực hành ngay đi.
Những người Do-thái so bì,
Vào ngày Sa-bát, làm chi việc này?
Quyền năng Chúa chữa tỏ bày,
Bảo tôi vác chõng, là Thầy Giê-su.
THỨ TƯ, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 5, 17-30).
Ý CHA
Cha Ta làm việc không ngừng,
Ta luôn năng động, tôn xưng Danh Người.
Số người Do-thái dụ khơi,
Tìm xem bắt bẻ, mọi lời truyền rao.
Tố rằng phạm thượng thiên cao,
Ngang hàng Thiên Chúa, khơi mào quyền uy.
Phạm ngày Sa-bát phụ tùy,
Xưng mình Con Chúa, thực thi chữa lành.
Giê-su mạc khải thánh Danh,
Thi hành thiên ý, phúc lành Ngôi Con.
Chúa Cha yêu mến sắt son,
Mọi người thán phục, Chúa Con xuống đời.
Hy sinh mạng sống cứu người,
Chết đi sống lại, cao vời chí nhân.
Trao quyền xét xử gian trần,
Kính tôn một Chúa, thông phần vinh quang.
THỨ NĂM, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 5, 31-47).
SÁCH THÁNH
Chúa Cha làm chứng cho Ta,
Chứng minh xác thực, từ Cha trên trời.
Gio-an nhân chứng cho Người.
Là cây đèn sáng, soi đời trần gian.
Các ngươi vui hưởng thời gian,
Sai Ta bằng chứng, chứa chan ơn lành.
Hoàn thành công việc Cha ban,
Xuống trần mạc khải, sẻ san gọi mời.
Các ngươi chưa thấy mặt Người,
Cũng chưa nghe tiếng, từ trời phán ra.
Không tin vào Đấng là Ta,
Ta làm rạng sáng, danh Cha muôn đời.
Các ngươi dựa chứng người đời,
Khảo tra Sách Thánh, Ngôi Lời chứng minh.
Môi-sen tố cáo luận hình,
Chính Người đã viết, tường trình cứu sinh.
THỨ SÁU, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 7, 1-2.10.25-30).
THIÊN SAI
Chúa không đi lại trong vùng,
Sợ người Do-thái, đang lùng bủa vây.
Mừng ngày Lễ Trại nơi đây,
Anh em trẩy hội, có Thầy cùng đi.
Giê-su kín đáo lo chi,
Có người tìm giết, xầm xì khấu tâu.
Ông này xuất xứ từ đâu?
Mọi người biết rõ, từ lâu trong làng.
Đấng Ki-tô tới vẻ vang,
Chẳng ai thấu tỏ, lối đàng Người đi.
Chúa vào giảng đạo từ bi,
Phát ngôn lớn tiếng, sợ chi người làng.
Cha Ta sai đến mở đàng,
Trình bày chân lý, nhẹ nhàng phát huy.
Kêu mời dân chúng nghĩ suy,
Ý Cha thể hiện, thực thi cứu đời.
THỨ BẢY, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 7, 40-53).
ĐẤNG KITÔ
Nhóm dân kháo láo về Người,
Ông này là Đấng, từ trời hạ sinh.
Tiên tri cao cả cung đình,
Ki-tô Đấng Thánh, giáng sinh làm người.
Đám đông tranh luận đôi lời,
Be-lem phố nhỏ, nơi Ngài xuất thân.
Ga-li-lê Chúa ở gần,
Không ai biết rõ, thành phần ra sao?
Bất đồng ý kiến lao xao,
Số người định bắt, ra vào lắng lo.
Nhóm thầy Thượng tế thăm dò,
Cùng phe Biệt phái, theo phò ghét ghen.
Chê bai, dò thám, bon chen,
Hận thù giận dữ, phận hèn tiểu nhân.
Yêu thương cứu độ gian trần
Chúa đành hiến mạng, tinh thần phó dâng.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
XIN MỞ MẮT CON
Lm Jos. Tạ Duy Tuyền
Cuộc đời là một hành trình. Hành trình ấy đôi khi lạc lối mà ta không biết. Ta vẫn đi vẫn bước trong sai lầm của ma quỷ dẫn lối. Cho đến khi tỉnh ngộ ta mới thấy mình lạc đường quá xa. Muốn quay về lại ngại ngùng. Và dường như ma quỷ luôn níu kéo chúng ta chần chừ ở lại trong tội lỗi. Như người con hoang đàng trong Phúc âm chỉ khi nào anh thiếu thốn, đói rách anh mới chịu quay về để tìm miếng cơm. Tuy nhiên, cuộc trở về cách nào cũng được Chúa yêu thương, được Ngài đón nhận.
Mùa chay mời gọi chúng ta hãy trở về với Chúa trong chay tịnh và cầu nguyện. Hãy trông cậy vào ơn Chúa để ngài mở mắt chúng ta thấy cái sai để sửa, cái tốt để theo. Hãy trông cậy vào ơn Chúa để can đảm quay đầu trở lại. Đừng ở lì trọng tội. Đừng ngại ngùng sửa sai. Ơn Chúa sẽ đong đầy cho những ai thành tâm khấn xin Ngài.
Có một phụ nữ đã được ơn trở về sau khi cầu nguyện, và chị đã tự bộc bạch lại như sau:
« Tôi là một phụ nữ 43 tuổi. Tôi đã lập gia đình và có 3 con: 18, 16 và 12 tuổi. Chồng tôi và tôi thường cãi cọ to tiếng với nhau, vì chúng tôi bất đồng ý kiến trong vấn đề giáo dục con cái. Chồng tôi chủ trương nghiêm khắc, tôi thì trái lại.
Nhân dịp có cuộc tĩnh tâm chung dành cho các gia đình, tôi ghi tên tham dự, nhưng chỉ đi có một mình. Tôi xin các gia đình trong nhóm cầu nguyện, không phải cho chồng tôi được ăn năn trở lại, mà là chính tôi được thay đổi thái độ đối xử với chồng tôi. Lời cầu nguyện của cộng đoàn thật có tác dụng hữu hiệu. Mấy ngày sau đó, mắt tôi bỗng mở rộng. Tôi thấy rõ lỗi lầm của mình.
Tôi ăn năn tội và đi xưng tội. Tôi khóc rất nhiều sau đó. Nhưng cũng từ đó, tôi được bình an sâu xa. Tôi cầu nguyện với tâm hồn hoàn toàn yên tĩnh. Chúa Giêsu cũng soi sáng cho tôi thấy một lỗi lầm khác nữa. Tôi hành nghề y tá và trong công việc tôi thường tham dự vào các vụ phá thai. Để trấn tĩnh lương tâm, tôi thường tự nhủ: ‘Mình phải tôn trọng quyết định của người khác. Hơn nữa, trào lưu xã hội ngày nay là như vậy, mình đâu có thể hành động khác được. Tôi còn trẻ nên phải sẵn sàng thông cảm với giới trẻ chứ!’ Quả thật, đúng là Satan đã gieo rắc những tư tưởng lầm lạc của nó vào trong những lý luận của tôi. Vậy mà tôi đâu có biết có hay! Tôi cứ ngỡ là mình làm một việc thiện. Giờ đây mắt tôi mở ra. Tôi nhận ra lầm lạc của mình. Tôi trở lại toà giải tội. Tất cả trở nên sáng sủa trong tôi.
Lương tâm tôi chan hoà bình an. Tâm hồn tôi tràn đầy sức mạnh. Tôi trở lại gia đình, trở về công việc với nhiều can đảm. Tôi xin Chúa Giêsu ở với tôi để tôi chu toàn bổn phận của một tín hữu Kitô chân chính”. (trích lờ chủ chăn GP Xuân Lộc tháng 3)
Hôm nay phúc âm cho ta thấy Chúa Giê-su là Đấng có thể mang lại ánh sáng cho người mù. Ánh sáng của tâm hồn và thể xác. Mù kiểu nào cũng đáng thương, cũng tội nghiệp. Mù kiểu nào nhìn sự việc cũng khiếm khuyết, cũng không trọn vẹn, cũng sai lầm. Nhất là những người mù về tình người sẽ làm cho họ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt ghen tương, giận hờn . . .
Thế nên, hãy để cho Chúa chữa trị con mắt của chúng ta. Hãy để cho Chúa mang lại ánh sáng cho cặp mắt chúng ta nhìn đời, nhìn người trong cái nhìn của yêu thương, của hy vọng. Một cái nhìn cuộc đời thật đơn giản, thật đáng yêu.
Đây cũng là cái nhìn mà Xuân Diệu đã từng nói:
Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo Hãy để cho bà nói má thơm của cháu Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu
Khi nhìn đời bắng ánh mắt yêu thương sẽ giúp ta nhìn người trong cái nhìn thân thiện, nhìn cuộc đời mới đáng yêu làm sao! Nhìn người đi trước trong cái nhìn kính trọng, nhìn người đi sau trong cái nhìn trân trọng. Và hơn nữa, muốn nhìn cho đúng cần phải nhìn vào Chúa để không bao giờ lạc Chúa, lạc đường. Chúa Giê-su đã đến trần gian nhưng luôn đi theo đường Chúa Cha đã định. Con người chúng ta cũng cần đi theo con đường Giê-su. Con đường hẹp của hy sinh, của bác ái phục vụ tha nhân.
Xin Chúa Giê-su là ánh sáng trần gian soi sáng tâm trí để chúng ta biết nhìn đời thật đáng yêu, nhìn người bên cạnh thật đáng trân trọng. Xin đừng vì ích kỷ, mù quáng mà sống thiếu tình thân với tha nhân. Xin Cho lời Chúa luôn là ngọn đèn soi bước chúng ta đi trong đường ngay nẻo chính. Amen
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]