- Sống có ích cho đời-Lm Tạ Duy Tuyền
- Thánh vịnh lời ca-vđ
- Dụ ngôn hạt muối-Lm Tạ Duy Tuyền
- Muối và Ánh Sáng Thế Gian-Am Trần Bình An
- Người Kitô Hữu Là Muối Đất Và Là Sự Sáng Thế Gian-Lm Nguyễn Văn Độ
- Là muối, là ánh sáng-<em>Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ</em>
- sự sáng của các con-Cao Tấn Tĩnh
- Title 2
- Title 3
SỐNG CÓ ÍCH CHO ĐỜI
Lm. Jos Tạ duy Tuyền
Sống Có Ích Cho Đời
Có ai đó nói rằng: “Đâu ai nghèo đến nỗi không có tấm lòng dành cho nhau”. Có thể ta nghèo tiền, nghèo của nhưng xin đừng bao giờ nghèo tình yêu đến nỗi đóng cửa lòng trước nỗi khổ hay sự bất hạnh của tha nhân.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “Sống trên đời cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Gió sẽ cuốn tấm lòng đầy ắp tình yêu thương để gieo vào khắp muôn nơi, để đi đến mọi ngõ ngách cuộc đời, để mang lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh khổ đau.
Con người là họa ảnh Thiên Chúa. Con người cũng phải có tấm lòng biết yêu thương như Thiên Chúa. Tình yêu là lẽ sống của con người. Sống thiếu tình yêu con người tự đánh mất căn tính của mình. Sống thiếu tình yêu thì đâu còn giá trị của một con người là phải sống có ích cho tha nhân.
Có một dụ ngôn kể rằng: Khi những chú cá được sinh ra trên đời, chú thường hỏi mẹ chú rằng: “Nước là gì hả mẹ? Sao con không biết nước là gì cả?”. Mẹ chú không biết giải thích cho chú thế nào, đành nhờ sóng hất chú lên bờ. Khi nằm giãy giụa trên bờ chú cá nhỏ mới hiểu thế nào là nước, nước chính là sự sống của chú, điều tưởng chừng bình thường nhất đó, lại có ảnh hưởng đến sự sống của chính mình.
Đôi khi con người cũng cần phải gặp những bất trắc, những thất bại mới cảm thấy cần tấm lòng chia sẻ, yêu thương của ai đó. Lúc đó con người mới thấy cần lắm một tấm lòng để giúp mình vượt qua khó khăn. Cần lắm một bàn tay nâng đỡ xoa dịu nỗi đau cho mình. Cần lắm một lời an ủi, khích lệ để đứng dạy sau những lần vấp ngã.
Nếu biết mình rất cần một tấm lòng để khích lệ, nâng đỡ mình thì hãy trân trọng tình cảm của những người đang sống bên cạnh chúng ta. Đồng thời, cũng phải để tấm lòng mình cho gió cuốn đi đến với mọi phận người. Hãy để tình yêu cho gió mang tới cho những mảnh đời bất hạnh khổ đau.
Lời Chúa hôm nay, mời gọi người kytô hữu hãy sống cuộc đời hữu ích như những hạt muối hay ngọn đèn sáng cho trần gian. Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn, nhưng muối làm cho người mẹ nội trợ thêm rạng rỡ niềm vui, cho bữa cơm gia đình thơm ngon đậm đà. Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho con người nhận ra nhau, cho quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân thành.
Nhưng thân phận cả hai đều phải chịu hao mòn hy sinh thì mới thực sự có ích cho đời: muối tan dần đi, ngọn nến phải chịu tiêu hao. Lý do tồn tại của cả hai là để trở nên hữu ích cho đời. Nếu muối không mặn và đèn không sáng thì đâu có ích chi. Tất cả sẽ vô dụng chỉ nên vất ra đường phố cho người ta chà đạp và khinh bỉ.
Dù là muối hay ánh sáng thì con người cũng phải biết hy sinh, biết quên đi cái tôi của mình để đem tình yêu làm ấm lòng người và thắp sáng niềm tin yêu và hy vọng cho những con người đang chìm ngập trong bể khổ, trong thất bại khổ đau.
Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta lu mờ dần đi và có khi tắt ngấm. Vì thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ nên những ai tiếp xúc với chúng ta đều cảm thấy mặn chát, khô cằn thiếu sức sống mặn nồng. Xin Chúa giúp chúng ta dám hy sinh và từ bỏ mình mỗi ngày để trở nên ánh sáng và muối men cho đời. Amen
THÁNH VỊNH LỜI CA
Tâmlinh vào đồi – Kính gởi quý vị
đặc biệt là quý ca trưởng
Lời dẫn và Đáp ca bằng Video
Chủ nhật 5 Thường niên – Năm A
https://www.youtube.com/watch? v=xgACBUT8Gjs
Rất quý mến
Tamlinhvaodoi
DỤ NGÔN HẠT MUỐI
Lm Tạ Duy Tuyền
DỤ NGÔN HẠT MUỐI
Hạt muối Bé nói với hạt muối To: “Em đến chia tay chị, em sắp được hòa trong đại dương.” Muối To trố mắt: “Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế. Em muốn thì em cứ làm, chị không điên!”
Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, nông dân gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, hay bê bên lưng rồi đóng vào bao sạch đẹp… Lần đầu tiên nó thấy mình bị xúc phạm!
Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư? Nó tủi nhục ê chề! Lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó.
Khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó!
Hạt muối là để hòa tan. Hạt Muối phải chịu tan biến chính mình mới thể hiện giá trị đích thực của hạt muối. Muối đã lạt và không còn khả năng hòa tan thì cũng bị quên lãng hay vứt bỏ ta đường cho người qua lại dẫm đạp mà thôi!
Con người không được sống cho chính mình. Con người phải biết dấn thân, hòa nhập với xã hội mới thể hiện vai trò giá trị của mình trong cộng đồng. Nhân loại cũng bỏ rơi những con người lười biếng, vô dụng, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Muối đã lạt thì vứt đi. Con người lạt tình người, lạt trách nhiệm sẽ trở nên vô dụng và bị bị lãng quên.
Chúa Giêsu mời gọi người tín hữu phải biết hòa tan trong cuộc đời. Như hạt muối hòa tan trong môi trường để ướp mặn cuộc đời. Như ánh sáng hòa tan trong không gian để xua tan bóng tối. Muối và ánh sáng đều phải chịu tan biến mới sinh ích cho con người. Là người Kitô hữu cũng phải hòa tan cuộc đời mình trong dòng chảy tình yêu để mang lại sức sống cho con người.
Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận hòa tan chính mình trong dòng chảy của cuộc đời. Ngài đã trở nên mọi sự cho mọi người. Ngài đã sống để dâng hiến và phục vụ con người trong yêu thương hết mình như thánh Gioan đã nói: “Ngài đã yêu thì yêu cho đến cùng.” Đỉnh cao của hòa tan là chấp nhận tiêu hao chính mình “như hạt lúa chịu mục nát để sinh nhiều bông trái.”
Năm nay Giáo hội mời gọi chúng ta “Phúc âm hóa” là dịp nhắc lại vai trò của người tín hữu giữa dòng đời. Là người tín hữu phải đem muối Phúc âm thẩm thấu vào trong thế gian. Là người tín hữu phải đem ánh sáng của Phúc âm dẫn dắt con người hôm nay đi trong chân lý. Thế nhưng, ở đâu dó vẫn có những tín hữu thiếu gia vị của tình yêu, thiếu cả gương sáng gây ô uế môi trường và gây gương xấu cho tha nhân. Ở đâu đó vẫn có những nhóm giáo dân thường co cụm chính mình mà ít cởi mở, thân thiện với tha nhân. Đó là lý do mà Giáo hội không thực sự có gía trị trong cộng đồng nhân loại. Làm sao Giáo hội có thể phúc âm hóa môi trường khi mà người tín hữu để muối đã lạt qua cách sống đạo hời hợt, đôi khi còn thiếu gia vị của tình yêu? Làm sao mà Giáo hội có thể Phúc âm hóa khi mà chính người Kitô hữu vẫn còn làm gương xấu của gian dâm, của cờ bạc, rượu chè…
Ước gì đời sống của chúng ta luôn là lời ngợi ca và tôn vinh Chúa. Một đời sống thấm nhuần lời Chúa để đem tin mừng thẩm thấu vào trong thế gian. Một đời sống công bình bác ái như những ngọn đèn hải đăng thắp sáng trong bóng đêm của xã hội đầy bất công và hận thù. Một cuộc sống đi vào lòng nhân thế để phủ đầy ánh sáng của Phúc âm và hơi ấm của Tin mừng.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn hoàn thành đời mình như muối mặn, như ánh sáng hòa tan cho thế gian sức nóng và tràn ngập ánh sáng của Tin mừng. Amen.
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
Am Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng CN 5 TN NA 2017 (Mt 5, 13-16)
Muối và Ánh Sáng Thế Gian
Giải Nobel vật lý danh giá 2014 chia đều cho những người đã phát minh diode phát sáng (LED) màu xanh dương, giúp tạo ra các nguồn sáng sáng hơn và tiết kiệm năng lượng. Hội đồng trao giải Nobel Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển cho biết, khi ba khoa học gia Nhật Bản Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura tạo ra các diode phát ánh sáng xanh dương những năm đầu 1990, họ đã giúp giải quyết một vấn đề nan giải, kéo dài hàng chục năm trước đó và tạo ra một bước ngoặt lớn trong công nghệ chiếu sáng.
“Các diode xanh lá và đỏ đã xuất hiện từ khá lâu nhưng vì không có ánh sáng xanh nên không thể tạo ra các bóng đèn trắng. Bất kể các nỗ lực trong cả cộng đồng khoa học và ngành công nghiệp, bóng LED xanh vẫn là một thách thức trong ba thập kỷ.” Viện hàn lâm Khoa học của Thụy Điển giải thích. “Điều thú vị là nhiều công ty lớn đã rất cố gắng thử làm điều này và thất bại. Nhưng những nhà khoa học này vẫn kiên trì, cố gắng hết lần này đến lần khác và cuối cùng họ đã thật sự thành công,” Ông Per Delsing, giáo sư thuộc Đại học công nghệ Chalmers, chủ tịch hội đồng trao giải, nhấn mạnh. Ông Isamu Akasaki khi đó làm việc cùng với ông Hiroshi Amano ở Đại học Nagoya đã tạo các bóng LED màu xanh dương năm 1986 trên chất nền được tạo thành một phần từ saphire. Bốn năm sau đó, ông Shuji Nakamura, khi đó là nhân viên một công ty nhỏ ở Tokushima (Nhật), cũng tạo ra đột phá tương tự, nhưng thay vì chọn một loại chất nền đặc biệt, ông dùng nhiệt để phát triển các tinh thể quan trọng tạo thành bóng LED.
Bóng đèn LED ánh sáng trắng, kết hợp giữa ba ánh sáng đỏ, xanh lá và xanh dương, được chứng minh là có tuổi thọ kéo dài hơn và hiệu quả về mặt năng lượng. Bóng LED chuyển năng lượng điện trực tiếp thành ánh sáng thay vì thành nhiệt và ánh sáng trong các loại bóng khác. Kỷ lục mới nhất của loại bóng này lên đến 300 lm/W, tức gấp 16 lần bóng đèn thường và 70 lần bóng đèn huỳnh quang. Hội đồng trao giải nhấn mạnh đèn LED trắng không chỉ giúp tiết kiệm điện, mà còn có tuổi thọ kéo dài. Tuổi thọ của đèn LED kéo dài đến 100.000 giờ, so với 1.000 giờ của bóng đèn sợi đốt và 10.000 giờ của bóng đèn huỳnh quang. Đèn LED cũng hứa hẹn tăng chất lượng cuộc sống cho hơn 1,5 tỉ người trên toàn cầu không thể tiếp cận được lưới điện, nhờ có công suất tiêu thụ điện thấp, nên nó có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời giá rẻ.
Ban trao giải cho biết phát minh của ba nhà khoa học chỉ mới có 20 năm, nhưng hiện ứng dụng rất rộng rãi, từ đèn bàn, đèn chiếu sáng văn phòng, xe hơi cho đến đèn chụp ảnh trên các điện thoại di động, đèn màn hình máy tính. Những người chiến thắng chia giải thưởng trị giá 1,1 triệu USD nhận vào ngày 10/12/2014 tại Stockholm (Thụy Điển). (Trần Phương, Tuổi Trẻ)
Khám phá ra đèn LED, đem ánh sáng phục vụ nhân loại, ba nhà khoa học Nhật Bản thật xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2014. Tuy nhiên, đó mới chỉ là ánh sáng vật lý, nhân tạo, chưa phải ánh sáng công chính của Thiên Quốc. Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu mời gọi các môn đệ, cũng như tất cả tín hữu Kitô hãy trở nên muối và ánh sáng cho đời.
“Chính anh em là muối cho đời.”
Muối mặn khiêm hạ, nguyên sơ, thuần khiết, trong trắng, tinh tuyền, kết hợp trời cao với biển sâu. Thấm đậm Tin Mừng, người Kitô hữu sẵn lòng xả kỷ, đơn sơ, hiền hoà, khoan dung, thầm lặng, tha thứ, từ tốn, như hạt muối chân chất, tầm thường, khiêm hạ, cơ cực phơi nắng, kết tinh dưới ruộng thấp hèn.
Muối mặn bảo vệ, khử trùng, chống độc tố, meo mốc, huỷ hoại, bảo quản chất lượng sản phẩm. Người Kitô hữu thấm nhuần Lời Chúa trở nên muối mặn đậm đà, có thể không biến chất trong môi trường ô nhiễm, độc hại, đầy cạm bẫy cám dỗ.
Muối mặn thắm tình, gia vị nêm nếm cho đời khởi sắc, hương vị hấp dẫn, ngon lành, khởi sắc hơn trong thung lũng đầy nước mắt, giữa cõi tạm mây mù, u ám, âu sầu, buồn bã, nhạt nhẽo, vô vị, mất phương hướng. Muối mặm Tin Mừng ướp cho cuộc đời người Kitô hữu trở nên sinh động, hữu ích, bình an, tràn đầy vui mừng và hy vọng, thoát khỏi vòng kiểm toả vật chất phàm trần.
Muối mặn hoà tan, hoàn toàn xả kỷ, bỏ mình, quên mình, dấn thân phục vụ tha nhân, biếu tặng, cho đi tất cả, chẳng hề tham lam, ham hố vinh thân phì gia, cũng chẳng vớt vát, kèn cựa, tranh giành với thế gian, dây dưa danh lợi. Theo Chúa, trở nên muối mặn, từ bỏ cả bản thân, chia tay ham muốn nhục dục, nghoảnh mặt cám dỗ phù vân, dốc lòng, tận tâm, tận lực, hoà tan vào lòng nhân ái, lòng khoan nhân, lòng thương xót, xoa dịu nỗi đau tha nhân. Không còn sống cho mình, mà trở nên muối ướp cho đời, sống và chết cho tha nhân.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.”
Đức Giêsu chính thức là Ánh Sáng cho thế gian: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8, 12) Những ai tự nguyện, bỏ mình, dấn bước theo Người, sẽ nhận được nguồn sáng, thấm sâu, xuyên thấu và phản chiếu cho tha nhân.
Với lòng sám hối, từ bỏ sự dữ, người tín hữu sẽ được ánh sáng Sự Sống chiếu dọi, sưởi ấm tâm hồn băng giá, phục hồi con tim vô cảm, soi sáng niềm hy vọng. Để rồi, phản quang lại cho muôn người tia sáng cứu rỗi, như Thánh Phaolô tha thiết kêu gọi: “Anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Pl 2, 15)
Tuy vẫn chỉ là muối mặn đơn sơ, khiêm hạ, nhưng những việc phục vụ tốt lành, kín đáo, thầm lặng, là ánh sáng lan toả đến tha nhân, khiến danh Chúa được cả sáng. “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.” Tuy nhiên, Đức Giêsu đã cẩn thận lưu ý, đừng khoa trương kẻo trở nên vô ích trước nhan thánh Chúa. “Khi làm việc lành phúc đức anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.” (Mt 6, 1)
“Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con.” (Đường Hy Vọng, số 511)
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên muối mặn thấm nhuần Tin Mừng, sống khiêm hạ, tránh xa sự dữ, cũng như đổi mới tâm hồn và tích cực hy sinh, phục vụ, hầu chiếu ánh sáng công chính đến tha nhân.
Khấn xin mẹ Maria cầu bầu, gìn giữ chúng con luôn là muối mặn cho bản thân và tha nhân, để chúng con có thể giữ mình khiết tịnh, bất biến, hoà tan, ướp cho đời khỏi hư vong. Amen.
NGƯỜI KITÔ HỮU LÀ MUỐI ĐẤT VÀ LÀ SỰ SÁNG THẾ GIAN
Lm Nguyễn Văn Độ
(Mt 5,13 – 16)
Sau khi công bố Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu phán tiếp những lời hằng sống, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc dẫn đến sự sống đời đời. Như thế, cách nào đó, Người mời gọi chúng chọn lựa cách sống, nói “vâng” sống theo Người.
Quả thật, những lời Chúa Giêsu chứa đựng căn tính Kitô giáo của chúng ta : “Các con là muối đất… Các con là sự sáng thế gian” (x. Mt 5, 13-14). Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối” và là “ánh sáng” nhưng là “muối” “ đất” và là “sự sáng” “thế gian”.
Tại sao lại là muối đất ?
Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối : “Ðó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Ðức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói : “ Các con là muối đất ” (Mt 5, 13).
Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng như dùng để tra vào đồ ăn để món ăn thêm hương vị mặn mà, ướp đồ ăn tránh khỏi hư.
Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị, là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.
Sao lại là sự sáng thế gian ?
Khi Chúa Giêsu nói : “Các con là sự sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105). Cũng trong phụng vụ hôm nay ngôn sứ Isaia nói: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).
Sự khôn ngoan tóm gọn nơi mình các hiệu quả ích lợi của muối và ánh sáng : thật thế, các môn đệ Chúa được mời gọi trao ban hương vị mới cho thế giới và giữ gìn nó khỏi hư thối, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt Chúa Con, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).
Là muối đất và là sự sáng thế gian
“Các con là sự sáng thế gian”, những lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng”cho trần gian là của riêng chúng ta và không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm và những gì chúng ta là Kitô hữu.
Trở lại với hình ảnh của muối. Hỏi rằng, có thức ăn nào của con người mà không có sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích, Lời Người và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần ? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Chúa. Hiệp nhất với Người, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, sự khôn ngoan thật trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và hành động của con người.
Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ . Bài đọc I nhắc nhở chúng ta rằng : “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (x. Is 58,7-10).
Do đó, mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện. Lời Chúa Giêsu gửi đến mỗi chúng ta là hãy tỏa sáng “ánh sáng” trước mặt mọi người, nghĩa là toàn bộ đời sống ta phải phản ánh ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội : “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” ( x. 2 Cor 1, 22). Ngọn lửa này tỏa sáng qua việc loan báo Tin Mừng với lòng từ tâm, Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại.
Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhắc lại rằng “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới”. (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/ 2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi của Nghị định “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).
Việc phục vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện trong “Đức ái”, không dựa vào những lời quyến rũ khôn ngoan của loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và “quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Bài đọc II).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con làm thế nào để tuyên xưng đức tin của chúng con, xin biến chúng con trở nên những người của Tám Mối Phúc Thật là muối đất và ánh sáng thế gian.
LÀ MUỐI, LÀ ÁNH SÁNG
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lời Chúa: Mt 5, 13-16
Hôm ấy, trên một ngọn núi kia, Ðức Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.”
Suy niệm:
Anh em là muối cho đời: một định nghĩa tuyệt vời về người Kitô hữu. Kitô hữu gắn liền với cuộc đời, hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối. Muối nhạt chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì. Khi đánh mất bản chất của mình, nó cũng hoàn toàn trở nên vô dụng.
Anh em là ánh sáng cho trần gian: một định nghĩa kinh khủng về người Kitô hữu, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Ðức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Anh em là ánh sáng vì anh em gần Thầy, gần đèn thì sáng.
Thế giới hôm nay tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp, suy đồi, nhưng người Kitô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó. Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này vô vị. Vì tôi là đèn hết dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối. Thế giới sẽ mang bộ mặt mới, nếu chúng tôi sống đúng định nghĩa của Ðức Giêsu.
Khi hoà mình với đời, chúng ta có thể trở thành muối nhạt, ngọn đèn chúng ta có thể bị hết dầu. Cần được ướp lại bằng vị mặn của Ðức Giêsu, ngọn đèn cần được nuôi bằng dầu của Người. Phải liên tục trở lại với Ðức Giêsu để đừng đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình. Anh em ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.
Vẫn còn nhiều Kitô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin vào bản lãnh của mình, hay vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự. Cần có nhiều Kitô hữu làm băng video, viết kịch, quay phim. Cần nhiều người là văn nghệ sĩ, làm nhà nghiên cứu. Cuộc sống chúng ta phải tỏa sáng, qua bao điều tốt đẹp, để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Nguồn ánh sáng và cất tiếng ngợi ca tôn vinh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu
tạ ơn Chúa đã cho chúng con
ánh sáng mặt trời, mặt trăng,
và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất. Tạ ơn Chúa
vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Đó là vinh dự
và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối
của hận thù và bất công,
của buồn phiền và thất vọng.
Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa
mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,
và biết vâng theo những soi sáng của Chúa
qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối
vẫn còn tiếp diễn
trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con
đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,
nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,
để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
SỰ SÁNG CỦA CÁC CON…
cao tấn tĩnh BVL
“Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ”
-“Việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng”
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật V Thường Niên Năm A hôm nay tiếp tục ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A, một bài Phúc Âm về Các Phúc Đức Trọn Lành được Chúa Giêsu chỉ dạy riêng cho các môn đệ thân tín của Người, để các vị có thể “giảng dạy cho họ tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con” (Mathêu 28:20), trước hết bằng đời sống chứng nhân của các vị, như “ánh sáng” chiếu tỏa trên “thế gian” này.
Đúng thế, nội dung của những lời Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay (5:13-16) đã cho thấy rõ ý hướng của Người, như câu mở đầu của bài Phúc Âm hôm qua, tỏ lộ, ở chỗ Người dạy riêng cho các môn đệ nhưng nhắm đến lợi ích chung dân chúng và riêng đoàn chiên của các vị sau này: “Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng…”.
Đó là lý do Người đã khẳng định với các môn đệ của Người rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.
Chúa Giêsu đã ví các môn đệ của Người như “muối đất” và như “ánh sáng thế gian“. Tại sao Người không đề cập đến “ánh sáng thế gian” trước mà là “muối đất” trước. Phải chăng Người có ý nói đến 2 phương diện tối yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của thành phần môn đệ được Người tuyển chọn, đó là phương diện nội tâm (cần phải có trước) và phương diện làm chứng (thành quả tất yếu đến sau)?
Đúng vậy, nếu một người tông đồ mà không có đời sống nội tâm sâu xa mặn mà như “muối đất”, trái lại, nội tâm của họ hết sức nông cạn, hời hợt, sống theo tình cảm, đầy ắp kiến thức suông, mang tâm tình tự phụ tự mãn v.v., chẳng kết hợp với Chúa Kitô và theo tác động thần linh của Chúa Thánh Thần, thì làm sao họ có thể có cùng một tâm tưởng của Chúa Kitô, có những lời nói sưởi ấm lòng người như Chúa Kitô, có những tác hành và phản ứng nhân ái yêu thương với Chúa Kitô, và vì thế họ không thể nào làm chứng cho Người theo đúng như ơn gọi và sứ vụ chuyên biệt trổi vượt cao cả của họ như “một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được nữa”.
Chính vì ý thức được thâm sâu những gì Chúa Giêsu truyền dạy như thế mà Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 – 8/12/1965), đã khẳng định về căn tính và sứ vụ chính yếu bất khả thiếu của mình là “Ánh Sáng Chư Dân – Lumen Gentium“, nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một căn tính và sứ vụ chiếu soi muôn dân, sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô: “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo” (Công Đồng Chung Vaticanô II – Sắc Lệnh ‘Ad Gentes – Cho Chư Dân‘ về Việc Truyền Giáo của Giáo Hội – đoạn 2).
“Các con là ánh sáng” trở thành căn tính chính yếu và sứ vụ bất khả thiếu của các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm nay chỉ có thể trở thành hiện thực nơi từng vị tông đồ nói chung và nơi thành phần môn đệ của Người nói chung nếu trước hết và trên hết họ không trở thành “muối đất”. Đó là lý do Chúa Giêsu đã, theo thứ tự giáo huấn của Người, bảo các vị “là muối đất” trước khi “là ánh sáng thế gian”. Nghĩa là, nếu “ánh sáng thế gian” ám chỉ sứ vụ làm chứng và truyền giáo của các vị, của Giáo Hội trước thế giới, thì “muối đất” ám chỉ đời sống nội tâm và bỏ mình khổ chế của các vị, nhất là việc các vị cần phải hy sinh đến bồi cho thế gian. Bởi vậy, nếu các vị không có một đời sống nội tâm như “muối đất” như thế làm sao các vị có thể trở thành “ánh sáng thế gian”, hay ngược lại, làm cho thế gian càng ung thối hơn bởi gương mù gương xấu của các vị, như thành phần “phản kitô”.
Chính vì chiều hướng “muối đất” và “ánh sáng thế gian” liên quan đến phần rỗi của nhân gian, đến đức ái trọn hảo như thế mà Bài Đọc 1 hôm nay cũng đã cho thấy ý nghĩa sâu xa của “ánh sáng” cần phải chiếu tỏa nhờ đức bác ái của những ai sống công chính như sau:
“Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi…. Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày“.
Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng “ánh sáng” yêu thương của Bài Đọc 1 như sau: “Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình” (câu 1), và “Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang” (câu 2).
“Các con là ánh sáng thế gian“, như Chúa Kitô khẳng định về căn tính của thành phần môn đệ tông đồ của Người, đã được thực sự thể hiện rạng ngời nơi một vị tông đồ được chính Người sai đi như “Ta sẽ làm cho con trở thành ánh sáng chư dân để mang ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất” (Tông Vụ 13:47), đó là vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, một vị tông đồ đã sống ơn gọi và sứ vụ là “ánh sáng chư dân” của mình như chính ngài tỏ lộ ở Bài Đọc 2 hôm nay như sau:
“Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
[/fruitful_tabs]
[/fruitful_tabs]