Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó. Nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu. Đó là tình yêu hiệp thông. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một. Đây là điều Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: “Ta và Cha Ta là một”; “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Nên một trong tư tưởng. Nên một trong hành động. Nên Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Sự hiệp thông trọn vẹn đến nỗi một Ngôi chính là biểu hiện của cả Ba Ngôi như Chúa Giêsu cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thật là một sự kết hiệp trọn vẹn. Đó là tình yêu dâng hiến. Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả. Như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con cả chính bản thân mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (cf. Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha. Dâng cả bản thân. Dâng cả ý muốn. Dâng cả mạng sống. Khi hấp hối trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu sợ hãi cái chết theo thánh ý Chúa Cha. Người đã tha thiết cầu nguyện: “Áp ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến hoàn toàn. Dâng hiến đến không còn giữ gì cho bản thân mình. Đó là tình yêu tác sinh. Sự dâng hiến không làm cho tình yêu nghèo nàn đi. Trái lại càng làm cho tình yêu thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm năng lực cho đi. Tình yêu đó lan toả đến cả muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Tình yêu tràn trề sung mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được hiện hữu, được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc vĩnh cữu. Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lemluốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa. Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta. Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG 1. Về lý thuyết, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu. Nhưng thực ra Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rất cụ thể trong đời sống ta. Bạn hiểu điều này thế nào? 2. Ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta phải sống thế nào để là hình ảnh trung thực của Người? 3. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc ta phải kết hiệp với nguồn mạch hạnh phúc này. Nhưng để kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, ta phải làm gì? Lm. Carolô Hồ Bặc Xái Chủ Ðề: Vai trò Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống tín hữu
“Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn”
(Ga 1613) Anh chị em thân mến
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy. Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn. Trích đoạn này trình bày Ngôi Hai như là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Đây là một bài ca tụng công trình tạo dựng của Thiên Chúa, đặc biệt con người là thụ tạo cao quý nhất, chỉ thua kém thiên thần một chút. Đoạn Tin Mừng này nói đến sự liên hệ giữa Ba Ngôi, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần: Đoạn thư Phaolô này cũng nói đến vai trò của Ba Ngôi trong cuộc sống người tín hữu: Nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm. Một đêm nào đó trời thanh mây tạnh, chúng ta hãy ra khỏi nhà, ngước mắt nhìn lên bầu trời. Chúng ta thấy gì? Chúng ta sẽ thấy các tinh tú hằng hà sa số, có cái sáng nhiều có cái sáng ít, có cái nằm riêng rẻ có cái ở trong một chùm sao. Trong hằng hà sa số các tinh tú ấy, trái đất chúng ta chẳng đáng là gì cả. Một hành tinh nhỏ bé, rất nhỏ bé. Thế mà Thiên Chúa lại quan tâm đặc biệt đến hành tinh nhỏ bé này. Trong vô vàn tinh tú, chỉ có hành tinh nhỏ bé này được hai vinh dự vô cùng to lớn: Tác giả Thánh Vịnh 8 đã ngỡ ngàng không hiểu nỗi tình yêu bao la của Thiên Chúa và hạnh phúc vô cùng của con người: “Khi tôi nhìn ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, mặt trăng và muôn tinh tú mà Chúa tôi gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa tôi nhớ đến, con người là gì mà Chúa để ý chăm nom. Chúa dựng nên con người chỉ kém thiên thần một chút. Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang. Chúa đặt con người cai trị các công trình tay Chúa tác thành. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.” Chúng ta không sống cô độc một mình, nhưng cùng sống với những người khác: gia đình, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đoàn giáo xứ v.v. Trong những cộng đoàn sống chung ấy, chúng ta thường mơ ước: Đó chính là cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta mơ ước cuộc sống đó. Mơ ước này không phải chỉ là ước mơ suông không bao giờ đạt được. Chúa Giêsu nói Thiên Chúa sẵn sàng thông chia cho chúng ta cuộc sống ấy nếu chúng ta biết thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa. a/ Thế nào là một người cha? – Cha là kẻ yêu thương con mình bằng một tình yêu vô cùng quảng đại – Cha là kẻ muốn cho con mình tất cả những gì mình có: – Cha là kẻ không bao giờ quên con và bỏ con: – Hạnh phúc và đau khổ của người Cha là do thấy con hạnh phúc hay đau khổ. – Cha là kẻ lệ thuộc con: b/ Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng ta Tất cả những gì ta đã nói về người cha tự nhiên đều đúng với Thiên Chúa, và đúng một cách tuyệt đối, trọn vẹn: – Cha là kẻ yêu thương con mình bằng một tình yêu vô cùng quảng đại: “Từ muôn đời Chúa đã yêu con” – Cha là kẻ muốn cho con mình tất cả những gì mình có: – Cha là kẻ không bao giờ quên con và bỏ con: – Hạnh phúc và đau khổ của người Cha là do thấy con hạnh phúc hay đau khổ. – Cha là kẻ lệ thuộc con: * Tóm lại Thiên Chúa là Cha ở chỗ “Thiên Chúa chỉ biết yêu thương và trao ban. Ngoài ra Ngài không là cái gì khác nữa” (Louis Evely) Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu “AB”. Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án “hai mươi năm tù vì tội giết người” bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà chịu đựng không nổi mức án dành cho con bà: 20 năm tù vì cái tội giết người; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại! Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu – vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu… cũng vì con. Con bà – Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà… Sáng hôm đó, chúa nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà: “Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc… mẹ không cho tiền còn nói nọ nói kia…” Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng phải thấy rợn cả người: đánh, giết mẹ! Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ khóc nói: “Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội!” Rồi bà nức nở tỏ ra ray rứt, ân hận, trách mình: “Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8.” Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của mình đã mắc phải. Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên Hoàng Chức Nguyên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói: “Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá.” Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang bị một tay còng vào ghế, bà van nài: “Xin đừng chụp ảnh con tôi…” Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên lại thấy rất rõ một vết thẹo trên trán bà. Vết thẹo do chính tay con bà cầm một thanh gỗ đập vào để lại… (theo Tuổi Trẻ 17-8-1996, trang 2). Chắc không ai lại không bị đánh động do câu chuyện vừa kể. Một đàng là khối tình quá lớn nơi người mẹ, đàng khác là điều gì đó hơn là sự vô ơn bạc nghĩa về phía người con, có khi những con vật không xử sự với mẹ chúng cách tàn nhẫn đến như vậy! Nhưng như vậy lại càng làm nổi bật khối tình trước sau như một, vô điều kiện và cho không nơi người mẹ. Thử hỏi do đâu mà người mẹ có được thứ tình yêu cao cả đến như thế? Ta nên để ý về lời cắt nghĩa của sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này liên quan tới Thiên Chúa Ba Ngôi như sau: “Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Nơi Thiên Chúa, tình cha con trìu mến này cũng có thể diễn tả qua tình mẫu tử. Hình ảnh này làm rõ nét hơn tính nội tại của Thiên Chúa, mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Như vậy, ngôn ngữ đức tin được hình thành từ kinh nghiệm về cha mẹ trần thế, những người dưới một khía cạnh nào đó, là đại diện đầu tiên của Thiên Chúa nơi con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy là cha mẹ trần thế có thể làm sai lệch và bóp méo hình ảnh làm cha làm mẹ. Cho nên, cần phải nhắc lại là Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính của người phàm. Người không là nam mà cũng không là nữ. Người là Thiên Chúa. Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế: không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa (GLGHCG,239). Bạn có tin vui nào để nói với gia đình này? Nhưng câu chuyện lại cho thấy một hình ảnh của một gia đình bi đát. Chồng đã bỏ vợ và hai con nhỏ, nay đứa con đầu lòng lớn lên dám đâm chém người mẹ đã sinh ra mình, để rồi lãnh 20 năm tù! Nếu Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái, Ngài có kế hoạch nào hữu hiệu để cứu vãn gia đình này chăng? Nếu bạn là người từng tìm hiểu và chia sẻ đời sống Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian, chính bạn có tin vui nào để nói với gia đình này, với người mẹ đáng kính, người con ngồi tù, hoặc với người bố đi hoang cần được kêu gọi trở về? Ở đây không bàn về công tác xã hội nhưng chủ yếu bàn về niềm tin, khởi đi từ niềm tin đối với Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Người. Hãy coi người mẹ trong câu chuyện nói trên là công trình kỳ diệu biết bao về yêu thương. Nhưng còn có một loại nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của chính mình, đó là loại nhận biết nhờ mạc khải của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là CHA theo một nghĩa chưa từng có: Người không chỉ là cha vì là Tạo Hoá, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Ngôi Con từ muôn thuở cũng chỉ là Con trong tương quan với Ngôi Cha: “Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.” (Mt 11,27) – GLGHCG, 240. Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu báo tin sẽ cử một Đấng Bào Chữa khác, đó là Chúa Thánh Thần. Người tác động từ thuở khai thiên lập địa (x. St 1,2). Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy (Kinh Tin Kính Nixêa Contantinôpôli). Nay Người sẽ ở lại với và trong các môn đệ (x.Ga 14,17) để dạy bảo (Ga 14,26) và dẫn đưa họ đến sự thật trọn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị Thiên Chúa, khác với Đức Giêsu và với Chúa Cha (GLGHCG, 243). Mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn trong câu chuyện, đều cần được vén màn cho thấy Thiên Chúa là hạnh phúc trường cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình thương tràn lan giữa Ba Ngôi vị tựa như sức nóng và ánh sáng tràn lan từ mặt trời. Thiên Chúa tự ý muốn thông chia vinh quang sự sống hạnh phúc của Người. Đó là “kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa từ thuở đời đời” (x.Ep 1,9). Người đã cưu mang kế hoạch đó từ trước khi tạo dựng vũ trụ nơi Con yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Con của Người” (Ep 1,4-5). Ta được mời gọi “trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29) nhờ “Thần Trí làm nên nghĩa tử” (Rm 8,15), kế hoạch này đúng là “ân sủng được trao ban từ muôn thuở” (2Tm 1, 9-10) xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi. Tình thương này được trải ra trong cuộc sáng tạo, trong toàn bộ lịch sử cứu độ sau khi nguyên tổ sa ngã, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Thánh Thần mà sứ mạng Hội Thánh nối tiếp (Sắc lệnh Truyền Giáo AG 2-90). Chính theo kế hoạch yêu thương của Ba Ngôi mà mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn, kể cả chính phạm nhân, người bố của phạm nhân và người mẹ đáng mến của anh, đều được mời gọi đạt tới hạnh phúc bất diệt chính họ hằng ao ước. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic) Người ta kể rằng: Thánh Augustin, một hôm đi bách bộ dọc bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng nhiên Thánh nhân gặp một em nhỏ lấy vỏ sò múc nước đổ vào một cái lỗ. Đang còn ngạc nhiên về công việc luống công vô ích này, em bé đã trả lời: việc em múc hết nước biển đổ vào lỗ nhỏ, còn dễ hơn điều mà Thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Rồi em bé biến đi. Nhớ lại lớp giáo lý xa xưa, ở đó, Chúa Ba Ngôi được ví như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau. Hay chúng ta cũng được nghe so sánh Chúa Ba Ngôi với nước ở ba thể: khí, lỏng và rắn… Tuy nhiên, tất cả những lối so sánh ấy dường như quá khô khan, vì không phản ánh một cách trung thực và sống động hình ảnh thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách đây vài năm, vào ngày cuối của khoá học về Chúa Ba Ngôi, cha giáo sư hỏi chúng tôi: – Bây giờ các anh chị đã hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chưa? Gần như cả lớp đồng thanh:
– Thưa cha hiểu. Cha bật cười:
– Vậy thì các anh chị giỏi hơn tôi rồi! Dĩ nhiên, con người giới hạn của chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm quá siêu vượt này, nhưng để sống, lại là điều hoàn toàn có thể. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi nếu nhìn Ba Ngôi dưới khía cạnh tình yêu. Vâng, Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tình yêu ấy đã không giữ lại cho mình, nhưng đổ tràn vào trần gian. Một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài; là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con chí thánh; là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần. Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi: Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha-Con là Thánh Thần. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao, không phải chỉ là trao quà tặng hay cái gì đó ở bên ngoài mình, nhưng là trao đi điều quý nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi tặng ban cả Con Một…” Thiết nghĩ không có hình ảnh nào diễn tả đẹp hơn mầu nhiệm Ba Ngôi cho bằng hình ảnh một gia đình: vợ chồng yêu thương nhau và con cái là kết tinh của tình yêu.” Mình với ta tuy hai mà một… Ta thương nhau quá nên hai hóa ra thành một”. Dù là hai, bốn, mười hoặc nhiều hơn đi nữa, nhưng gia đình, cộng đoàn chúng ta sẽ thực sự phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương, một niềm vui để chia sẻ, một nỗi buồn để cảm thông nâng đỡ, một khát vọng nên thánh… Tiếc rằng ngày nay, nhiều gia đình, cộng đoàn đã không còn là tổ ấm, nhưng biến thành nhà trọ: khách đến rồi khách lại đi, chẳng cần biết những người thân yêu của mình đang nghĩ gì, làm gì, cần gì và sống như thế nào! Đời sống gia đình nặng nề, khó thở và tẻ nhạt, bởi vì nơi ấy đã không còn tình yêu nữa. Chợt nhớ lại câu chuyện khá ngộ nghĩnh xảy ra tại một cộng đoàn các sư huynh ở Việt Nam. Cộng đoàn gồm ba vị, người Việt mình thường quen gọi là các “phe” (frère). Lần kia, một nhân viên của sở bưu điện đem thư đến, vừa giao thư vừa lẩm bẩm: “Nhà có ba người thì ba phe, sống chó gì được!” (chỉ là vì trên bì thư, người gởi viết: Kính gởi phe M., phe H., phe B.). Thật là một sự hiểu lầm tai hại! Chúng ta sẽ mãi còn xa lạ với mầu nhiệm Ba Ngôi, nếu chúng ta còn xa lạ với tình yêu được bắt đầu ngay trong gia đình, cộng đoàn. Gia đình, cộng đoàn chúng ta hãy trở thành một bản nhạc du dương hòa điệu, trong đó mỗi người là một nốt nhạc đã được Thiên Chúa đặt để. Xin đừng tự ý thăng giáng, cũng đừng thay đổi vị trí, vai trò của mình. Hãy sống đúng bổn phận Chúa trao, và như thế, mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn và quy hướng về tình yêu, tình yêu của mầu nhiệm Ba Ngôi mà mỗi ngày chúng ta lặp lại nhiều lần khi làm dấu thánh giá: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.(Sr Têrêsa, trích từ Vietcatholic) Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được. Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: “Có lẽ hạ thần có thể giúp Bệ Hạ được”. Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: “Hãy xem kìa”. Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: “Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!” Người chăn cừu đáp: “Tâu Bệ Hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Bệ Hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Bệ Hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của Bệ Hạ? Bệ Hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác”. Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: “Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?” Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: “Bệ Hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin Bệ Hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào Bệ Hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta”. Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp: “Tâu Bệ Hạ, còn một điều nữa”. Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: “Ai sống dưới đó thế?” Người chăn cừu đáp: “Thiên Chúa”. “Ta có thể nhìn thấy Ngài không?” “Được chứ, Bệ Hạ chỉ cần nhìn”. Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: “Ta chỉ thấy mặt Ta thôi”. Người chăn cừu giải thích: “Bây giờ thì Bệ Hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong Bệ Hạ đó”. Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông. Thiên Chúa ở khắp chung quanh chúng ta. Nhưng chừng nào chúng ta chưa khám phá Ngài ở ngay trong lòng chúng ta thì Ngài như vẫn còn ở xa, vẫn như một người lạ thờ ơ vô tình. Còn khi chúng ta cảm nhận Ngài ở trong chúng ta thì không bao giờ chúng ta còn cảm thấy cô đơn nữa, và khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy thiên nhiên là một công trình của một Đấng Nghệ Sĩ thân thiết của chúng ta. Thiên Chúa Ba Ngôi vừa ở trong chúng ta vừa siêu vượt chúng ta. Đúng là một mầu nhiệm, nhưng là một mầu nhiệm tình yêu. (FM) Người Châu Phi có một câu chuyện sau đây về Thiên Chúa: Một hôm Thiên Chúa đi thăm châu lục rộng lớn này và Ngài thấy có một bộ lạc bị mất đức tin. Thế là Ngài hiện ra giữa một mảnh ruộng đang có 4 người làm việc, mỗi người một góc. 4 người này thấy Chúa hiện ra giữa mảnh ruộng. Họ chăm chú nhìn Ngài rồi phục mình thờ lạy. Sau đó Thiên Chúa biến hình rồi xem sự việc sau dó diễn tiến thế nào. 4 người kia chạy vào làng và nói rằng: đúng là có Thiên Chúa vì họ đã thấy Ngài hiện ra. Từ này về sau chúng ta đừng sống vô thần nữa mà phải lo thờ phượng Chúa. Mọi người nghe đều tin là Thiên Chúa đã hiện ra thật. Nhưng một người hỏi: “Thế thì Thiên Chúa mặc áo màu gì?”
– Ngài mặc áo đỏ. Người thứ nhất trả lời.
– Không, Ngài mặc áo xanh. Người thứ hai cãi lại.
– Hai đứa bây sai cả. Ngài mặc áo màu lục. Người thứ ba nói thế.
– Tất cả đều điên hết rồi. Người thứ tư la to. Ngài mặc áo vàng. Thế là mọi người cãi nhau chí choé, rồi ấu đả nhau. Cuối cùng bộ lạc chia thành 4 phe. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy mọi người dân bộ lạc ấy đều sai lầm. Thực ra mỗi người chỉ thấy một thoáng về Thiên Chúa. Lẽ ra mỗi người phải biết rằng mình chỉ thấy được một phần thì họ cho rằng họ thấy toàn vẹn. Nếu như họ biết lấy cái nhìn của người khác để bổ sung cho cái nhìn của mình thì họ sẽ có một hình ảnh đầy đủ và phong phú hơn về Thiên Chúa. Thiên Chúa lớn hơn tất cả chúng ta. Chúng ta không bao giờ hiểu biết trọn vẹn về Ngài. Để hiểu biết những sự dưới thế chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, thế thì làm sao chúng ta nắm bắt được những sự trên trời. Chỉ có ơn ban khôn ngoan mới giúp chúng ta hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Con người có thể biết những chân lý đức tin, nhưng không thể hiểu biết chính Thiên Chúa. Cần phải có một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa, nếu không thì mọi sự sẽ lạc hướng cả. Làm sao chúng ta có thể thờ phượng Ngài cho phải đạo hoặc có một liên hệ đúng đắn với Ngài nếu chúng ta có một hình ảnh sai lạc về Ngài? Muốn biết Thiên Chúa là thế nào, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, vì, như Thánh Phaolô nói, “Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình”. Vậy, Chúa Giêsu ra sao? Trong mọi hình ảnh Chúa Giêsu, hình ảnh đẹp nhất là Mục Tử nhân lành. Chính Chúa Giêsu đã mô tả mình bằng hình ảnh này. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, hiến mạng sống mình cho đàn chiên. Trong hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta thấy được tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta. Còn Chúa Thánh Thần thì thế nào? Chúa Thánh Thần chính là tình thương giữa Chúa Cha với Chúa Con, và giữa các Đấng với chúng ta. Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là vấn đề để tranh luận, cũng không phải là vấn đề để học biết, mà là để cầu nguyện và để sống. Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới này không phải là một thế giới ở đâu xa xôi, mà chính là thế giới mà ta sống hằng ngày. Như câu chuyện của Châu Phi vừa kể phía trên, thế giới ấy là thế giới mà Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. (FM) Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta cùng dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần lời khẩn cầu cho Hội thánh là Mẹ chúng ta và cho toàn thể thế giới: 1. Hội thánh là dấu chỉ tình yêu của Chúa dành cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội thánh / luôn hiệp nhất trong yêu thương và chân lý vẹn toàn. 2. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / nhận biết Chúa là Cha nhân hậu từ bi. 3. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai thành tâm đi tìm Chúa / đều được hạnh phúc gặp Người. 4. Chúa Thánh thần là Đấng Thánh hóa nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người giúp chúng ta nên thánh trong bổn phận thường ngày. Chủ tế: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng hằng hữu, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban cho chúng con luôn cố gắng sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúng con cầu xin – Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi. – Trước kinh Lạy Cha: Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Chúa Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta. Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. “Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ Tiếp liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần. Thánh Augustinô viết : « Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ». Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Dấu tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm. Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta. Dấu kẻ có Đạo. Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta, những người « kitô hữu », nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta. Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá. – Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá. – Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được « vẽ » và « ghi » dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Hành động Đức Tin Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công Giáo. 1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể. 2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh. 3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc : « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn. Hành động của Đức Cậy. Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Người đã mở cửa Trời cho chúng ta. Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế. Hành động Đức Mến. Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha nhân ». Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa. Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái : « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ». Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không? Hai điều cần thiết: là mến Chúa và yêu người ». Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Xin dâng lời chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ Trong Thư Mục Vụ “Sống Đạo Hôm Nay” Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu lên ba nền tảng của việc sống đạo của người Công giáo Việt Nam ngày nay mà nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất là “Sống quy chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi” (1). Hơn bao giờ hết mừng Lễ Chúa Ba Ngôi là cơ hội quý báu để chúng ta “Sống quy chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi” theo sự hướng dẫn của các vị chủ chăn của chúng ta. II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH 2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh. (1) Bài đọc 1: Cn 8, 22-31: Trước khi có mặt đất, Đức Khôn Ngoan đã được sinh ra. 22 Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nói thế này: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. 23 Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. 24 Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. 25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, 26 khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. 27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, 28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, 29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. 30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, 31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người. (2) Bài đọc Rm 5,1-5: Do tình yêu mà Thánh Thần đổ vào lòng ta, ta đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Ki-tô. 1Vậy, thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. 3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; 4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. 5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (3) Bài Tin Mừng: Ga 16,11-15: Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 12 Khi ấy Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thày còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 2.2 Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào? (1) Bài đọc 1 (Cn 8, 22-31) là đoạn Sách Châm Ngôn nói về Đức Khôn Ngoan ở nơi Thiên Chúa. Thật ra không chỉ là một nhân đức, một phẩm chất hay một cung cách nhưng là một cách biểu hiện, một phần rất quan trọng “không có không được” của Thiên Chúa, một ngôi vị. Vì lẽ đó mà các nhà chú giải Thánh Kinh hiểu đoạn văn này là nói về chính Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong đoạn sách Cn 8, 22-31 trên, trước hết chúng ta thấy Chúa Thánh Thần đã có mặt bên Thiên Chúa trước ngày trời đất được tạo dựng và với tư cách là thợ cả, tức là người thực hiện những ý định (tạo dựng và cứu độ) của Thiên Chúa. Kế đến, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần gần gũi gắn bó với Thiên Chúa như hình với bóng. Và sau cùng chúng ta biết Chúa Thánh Thần là niềm vui của cả Thiên Chúa lẫn của loài người. (2) Bài đọc 2 (Rm 5,1-5) là những lời của Thánh Phao-lô nói về những ơn huệ đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin: trước hết là ơn bình an; kế đến là ơn đến được với Thiên Chúa tức tiếp cận được Thiên Chúa; và sau cùng là ơn vững lòng trông cậy, cả trong lúc bình thường lẫn trong cảnh gian truân và nhất là trong cảnh gian truân thử thách. Trong đoạn Thư Rm 5,1-5 trên, chúng ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần là một Thiên Chúa duy nhất và ban mọi ơn cần thiết cho chúng ta. (3) Bài Tin Mừng (Ga 16,11-15) là những lời căn dặn của Chúa Giê-su nói với các môn đệ, về vai trò và công việc của Chúa Thánh Thần. Đó là tiếp nối và hoàn thành công việc mà Chúa Giê-su đã khởi sự: mạc khải sự thật của Thiên Chúa và giúp các môn đệ hiểu và sống theo giáo huấn chân thật của Chúa Giê-su. Qua Bài Phúc Âm Ga 16,11-15 chúng ta thấy mối hiệp thông sâu sắc và nhất trí cao độ giữa Chúa Cha, Chúa Giê-su (Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Mọi ‘tài sản’ đều là của chung. Mọi hành động đều cùng thực hiện và quy về nhau. Vì thế giáo lý Hội Thánh mới dậy chúng ta về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. 2.3 Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp gì cho chúng ta? Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong câu này của Phúc âm Gio-an: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Và “Chúa Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY Xin phép được đề nghị hai điều sau đây: 3.1 Sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần: 3.2 Thể hiện đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi ra bên ngoài: IV. CẦU NGUYỆN (Có thể dùng làm Lời Nguyện Giáo Dân) Lạy Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa, vì Chúa đã mạc khải cho chúng con biết về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng con nài xin Chúa ban ơn hiệp nhất cho Hội Thánh Chúa để chúng con sống hiệp thông với Chúa, sống đoàn kết, yêu thương, san sẻ và liên đới với nhau! Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con. Lạy Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa, vì Chúa đã mạc khải cho chúng con biết về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng con nài xin Chúa ban cho chúng con ơn hiểu biết về kế hoạch và chương trình tạo dựng và cứu độ của Chúa, để chúng con đón nhận và cộng tác cách tích cực vào hành động của Chúa! Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con. Lạy Thiên Chúa là Cha Con và Thánh Thần, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa, vì Chúa đã mạc khải cho chúng con biết về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng con nài xin Chúa ban cho chúng con niềm vui và hạnh phúc được sống trong Chúa và được sống với anh em, để chúng con làm vinh danh Chúa và làm chứng cho một thế giới mới của niềm vui, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau! Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (Ga 16, 12-15) Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vĩ đại, thẳm sâu và trung tâm đức tin Đạo Công giáo, trong đó Ba Ngôi phát xuất từ nhau và trở về với nhau. Ba Ngôi Cha, Con, Thánh Thần, nhưng là Một Thiên Chúa, duy nhất trong sự hiệp thông và hiệp thông trong duy nhất, đồng thời, khác biệt nhưng cùng một bản thể và ngang hàng bằng nhau. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chúng ta không thể nào diễn tả được. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa mạc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở, và Chúa Con là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là, Chúa Con là Thiên Chúa duy nhất trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, và Chúa Con sai đến “từ nơi Chúa Cha” (Ga 15,26), mạc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa duy nhất. “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. “Chúa Thánh Thần chủ yếu xuất phát từ Chúa Cha, mà từ đời đời Chúa Cha ban tặng cho Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần xuất phát chung từ Hai Ngôi”. (GLHTCG số 261-262). Theo thánh Grégoire de Nazianze (329 – 390) : Ba Ngôi có cùng một bản tính, nhưng khác biệt về ngôi vị : Ngôi Cha “bất thụ sinh”, Ngôi Con “nhiệm sinh”, Ngôi Thánh Thần “nhiệm xuất”. Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất bởi Cha, thì không phải là một thụ tạo ; hơn nữa vì Ngài không được sinh ra, nên Ngài không phải là Con ; nhưng vì Ngài ở giữa Đấng bất thụ sinh và Đấng nhiệm sinh, nên Ngài là Thiên Chúa … Theo Grégoire de Nysse (331 ? – 394) : Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, vì đồng bản tính, nhưng khác biệt nhau vì Ngôi Hai bởi Cha mà ra và chỉ mình Người là Con Một, còn Ngôi Ba bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con mà có, nên gọi là Thánh Thần của Chúa Kitô. Chỗ khác ngài khẳng định Tam Vị Nhất Thể, Ngôi Cha là nguyên ủy và Hai Ngôi kia là do nguyên ủy, Ngôi Con mãi mãi là Con, còn Thánh Thần xuất bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con. Theo thánh Augustinô (354 – 430 ): Ba Ngôi là một sự hằng hữu duy nhất, một quyền năng duy nhất : “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thuộc về một bản thể duy nhất và đồng nhất, là Thiên Chúa sáng tạo, là Ba Ngôi toàn năng” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, IV, xxi, 30). Do thuộc cùng một bản thể, Ba Ngôi ngang hàng với nhau đến nỗi “Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con về thần tính, Chúa Cha và Chúa Con cùng với nhau cũng không lớn hơn Chúa Thánh Thần, từng Ngôi riêng biệt cũng không kém hơn chính Ba Ngôi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngội, VIII ). Là ba, nhưng không phải là ba Thiên Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa. Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên đó không phải là ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là chính Ba Ngôi (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, viii, 9). Tương quan giữa Ba Ngôi phân biệt, nhưng không phân chia sự duy nhất. Chúa Cha luôn luôn là Cha và Chúa Con luôn luôn là Con. Nếu có lúc Chúa Con bắt đầu là Con thì một ngày nào đó sẽ thôi là Con. Nếu Chúa Cha có khởi đầu là Cha thì có lúc thôi là Cha. Chúa Cha chỉ được gọi là Cha do Ngài có một người Con, và Chúa Con chỉ được gọi là Con do Ngài có một người Cha. Vì vậy, cho dù có sự khác nhau giữa việc làm Cha và làm Con, bản thể lại không khác nhau, vì các Ngài không được gọi như thế xét về bản thể, nhưng là về tương quan và tương quan này không phải là một tùy thể vì nó không thay đổi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, v, 6). Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp tốt để người Kitô hữu ý thức được sự hiện diện của mầu nhiệm này trong đời sống chúng ta: từ ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta lãnh nhận nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi cho đến ngày chúng ta trước Mình Thánh Chúa, hiện tại hóa vinh quang của Chúa Cha qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là dấu chỉ để các Kitô hữu sẽ nhận Dấu Thánh Giá, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Nhiệm vụ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Con là mạc khải Chúa Cha, vì Người là hình ảnh hoàn hảo, và trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người cũng đã mạc khải. Tin Mừng mà chúng ta công bố hôm nay cho thấy: Chúa Con nhận lãnh tất cả từ Chúa Cha trong sự hiệp nhất hoàn hảo : “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy”, và Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Chúa Giêsu nói : “Vì thế Thầy đã nói : Người sẽ lãnh nhận từ nới Thầy mà loan truyền cho các con” (Ga 16,15). Và trong một đoạn văn khác, Chúa Giêsu cũng nói tương tự: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con. Người là Thần Chân Lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy“(Ga 15, 26). Thật là sự an ủi tuyệt vời mà chúng ta có được Thiên Chúa Ba Ngôi, cao vời và không thể tiếp cận, đến với chúng ta, ở trong chúng ta và làm cho chúng ta đối thoại được với Ngài. Và Chúa Thánh Thần, Ngài dẫn dắt chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13). Đây là “phẩm giá vô song của người Kitô hữu”, mà thánh Lêô cả Giáo hoàng đã nói nhiều lần : chúng ta có được nơi mình mầu nhiệm Thiên Chúa, và có chỗ ở trên Trời, nơi Chúa Giêsu Vị Cứu Chúa của chúng ta đang đợi những “công dân” Nước Trời (x. Pl 3,20 ), về cư ngụ nơi cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin tạ ơn Ngài, lạy Chúa, xin tạ ơn Ngài là Một Chúa Ba Ngôi chân thật và chí tôn chí thánh. Chúa Cha là nguồn tình thương, Chúa Con là mạch ân sủng, Chúa Thánh Thần là suối ơn hiệp thông. Amen. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (Mt 16, 12 – 15) Ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng kính trọng thể Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Một bản thể duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa không phải là Ðấng đơn độc nhưng là Ðấng thông hiệp trọn vẹn. Nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa luôn tràn đầy tình yêu, là món quà thân yêu được ban tặng cho mỗi người. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi bao trùm cả đời sống chúng ta và tôn thờ Ngài. Bài giáo lý thuộc lòng Thủa thiếu thời, trước khi bước vào Thánh lễ Chúa nhật, sau phần Kinh Sáng Tối, mọi người lại cùng nhau cất lên : Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn. Phần thứ I… bắt gặp câu : Hỏi. Có mấy sự mầu nhiệm rất cần phải tin cho được rỗi linh hồn? Thưa. Có Ba Sự Mầu Nhiệm này : một là sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi… Lớn lên tôi mới hiểu đây là Một trong Ba Mầu Nhiệm phải tin cho được rỗi linh hồn. Thảo nào, những câu hỏi mà người học ai cũng được hỏi và buộc phải trả lời chính xác là : Hỏi. Có nhiều Đức Chúa Trời chăng ? Thưa. Có một Đức Chúa Trời mà thôi. T.Phải. H.Ngôi Ba là Thánh Thần, có phải Đức Chúa Trời chăng ? Điều thứ nhất. Đoạn thứ II. Phần I Sách Bổn nói trên là một bản tóm tắt tuyệt vời đầy đủ, dễ hiểu về Thiên Chúa là thực thể duy nhất hiện hữu trong Ba Ngôi Vị. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một uy quyền ngang nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi. Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi Khi bước vào khoa Thần học, tôi được dạy và đọc thấy các nhà thần học suy tư về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới. “Đức tin công giáo là thế này, chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa, mà không lẫn lộn các Ngôi Vị, không phân chia bản thể : thật vậy, Ngôi Cha là khác, Ngôi Con là khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng thần tính, sự vinh quang ngang nhau và uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là một”. Các Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời nhau trong các hoạt động của mình. Nhưng trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi, nhất là trong các sứ vụ thần linh là việc Nhập Thể của Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh Thần (GLHTCG số 266-267). Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Câu hỏi sẽ là: – Anh chị em có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất không? – Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha… ? – Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần… ? Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có.” Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta. Vậy, nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta được kêu gọi để tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Diễm Phúc, “ở trần thế này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng vĩnh cửu” (GLHTCG số 265). Amen. Lm Huệ Minh Nhớ lại vừa mới bắt đầu Thánh Lể, lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay : “Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta”. Dẫu rằng mừng Lễ Ba Ngôi nhưng các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von. Thậm chí con người nói rằng; là như thế là đùa bỡn với Thiên Chúa, còn tệ hơn phủ nhận Ngài. Kinh Thánh đã nói gì về Chúa Ba Ngôi. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, khi Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Thật vậy, nhìn lại ta thấy hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là hình ảnh khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đang khi đó, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, rồi từ trời có tiếng nói: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô cũng bàn về Chúa Ba Ngôi khi viết: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Hẳn ta còn nhớ thánh Luca trong sách Tông đồ Công vụ, cũng như trong Tin Mừng, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích của Chúa Ba Ngôi. Thời Cựu Ước là thời của Chúa Cha. Thời điểm giảng Tin Mừng là thời điểm của Chúa Con và thời này là thời của Chúa Thánh Thần. Kinh Tín Kính chúng ta đọc trong thánh lễ cũng đã tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo. Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, trao ban nguồn sống. Thật vậy, chính Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và hoàn tất nơi Chúa Giêsu, Ngài mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại sao Thiên Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện và tác động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành: “Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó”. Và nơi Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Ðức Chúa Trời Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mà là sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Chuyện xảy đến nơi tâm tư của thánh Augustinô khi Ngài suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào trọn cả trong sự thật.” Quả thật, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm lớn trong đạo, vượt qua cái giới hạn nhỏ bé của trí khôn con người. Sở dĩ chúng ta biết được phần nào là nhờ Chúa Giêsu đã tỏ lộ. Điểm cốt yếu không phải là bàn luận xem thế nào là 3 và thế nào là 1. Nhưng chính là tình thương của Thiên Chúa. Đúng như vậy, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Khởi sự từ ý tưởng của Chúa Cha, được thực hiện do Chúa Con và được tiếp nối do Chúa Thánh Thần. Tình yêu ấy ngày nay vẫn còn được tiếp diễn qua từng người Kitô hữu, cũng như qua từng cộng đoàn, qua từng giáo xứ bằng những nỗ lực, những cố gắng liên kết mọi người lại trong công bình, yêu thương và hợp nhất. Cuộc sống của Chúa Ba Ngôi là tình thương. Ước chi cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng phải ngập tràn tình thương để trở nên một phản ảnh trung thực của Chúa Ba Ngôi. Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người chung chia hạnh phúc ấy. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Người thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23) Và ta thấy Chúa Giêsu hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch “Mầu nhiệm Ba Ngôi cũng nói với chúng ta về bản thân chúng ta nữa, về mối liên hệ của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh. … Thiên Chúa là một ‘gia đình’ ba Ngôi Vị, Đấng yêu nhau đến độ trở thành một”. Xin chào anh chị em thân mến! Hôm nay, lễ Chúa Ba Ngôi, Phúc Âm Thánh Gioan cống hiến cho chúng ta một phần của bài nói biệt ly dài được Chúa Giêsu bày tỏ trước Cuộc Khổ Nạn của Người một chút. Trong bài nói này, Người giải thích cho các môn đệ những chân lý sâu xa nhất về bản thân Người, nhờ đó Người tóm gọn mối liên hệ giữa Chúa Giêsu, Chúa Cha và Thánh Linh. Chúa Giêsu biết rằng dự án của Cha sắp được hoàn thành, nơi cái chết và phục sinh của Người. Vì điều ấy mà Người muốn trấn an các môn đệ của Người là Người sẽ không bỏ rơi họ, bởi sứ vụ của Người được Thánh Linh nối dài. Chính Thánh Linh là Đấng sẽ kéo dài sứ vụ của Chúa Giêsu, tức là hướng dẫn Giáo Hội tiến bước. Chúa Giêsu tỏ cho thấy đâu là sứ vụ này: Trước hết, Vị Thần linh này hướng dẫn để chúng ta hiểu được nhiều điều chính Chúa Giêsu đã nói (xem Gioan 16:12). Điều này không ám chỉ đến những thứ tín lý mới mẻ hay đặc biệt, mà liên quan đến một kiến thức trọn vẹn về tất cả những gì Chúa Con nghe từ Chúa Cha và đã tỏ ra cho các môn đệ (câu 15). Vị Thần Linh này dẫn chúng ta ở những trường hợp hiện hữu mới mẻ bằng ánh mắt gắn chặt vào Chúa Giêsu, đồng thời cũng hướng tới các biến cố và đến tương lai. Ngài giúp chúng ta tiến bước trong lịch sử, một lịch sử được vững mạnh nơi Phúc Âm và bằng một lòng trung thành sinh động với các truyền thống và thói lệ của chúng ta. Thế nhưng, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng nói với chúng ta về bản thân chúng ta nữa, về mối liên hệ của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh. Thật vậy, nhờ phép rửa, Thánh Linh đã đưa chúng ta vào lời cầu nguyện và chính sự sống của Thiên Chúa, Đấng là mối hiệp thông yêu thương. Thiên Chúa là một “gia đình” ba Ngôi Vị, Đấng yêu nhau đến độ trở thành một. “Gia đình thần linh” này không khép kín bản thân mình mà là cởi mở. Gia đình thần linh này thông đạt mình nơi việc tạo dựng cũng như trong lịch sử, và đã tiến vào thế giới của con người để kêu gọi hết mọi người hãy thuộc về gia đình ấy. Chân trời hiệp thông Ba Ngôi bao bọc tất cả chúng ta và phấn khích chúng ta sống trong yêu thương và chia sẻ huynh đệ, tin tưởng rằng đâu có yêu thương thì đấy có Thiên Chúa. Hữu thể của chúng ta được tạo dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa Hiệp Thông nhắc nhở chúng ta ý thức mình là những hữu thể liên hệ và sống những mối liên hệ liên cá thể trong tình đoàn kết và tình tương thân tương ái. Các mối liên hệ như vậy, trước hết, thể hiện nơi lãnh vực các cộng đồng Giáo Hội của chúng ta, nhờ đó hình ảnh Giáo Hội là hình tượng Ba Ngôi trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Thế nhưng, cũng ở nơi hết mọi mối liên hệ xã hội, từ gia đình tới thân hữu, đến các môi trường làm việc, nghĩa là tất cả các mối liên hệ ấy, đều là tất cả mọi cơ hội cụ thể cho chúng ta để xây dựng những mối liên hệ đang phong phú hơn về nhân bản, có khả năng tương kính và vô tư yêu thương. Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta hãy dấn thân mình nơi các biến cố thường nhật để trở nên men hiệp thông, an ủi và thương xót. Trong sứ vụ này, chúng ta được sức mạnh của Thánh Linh nâng đỡ phù trì: Ngài chăm sóc cho xác thịt của nhân loại, bị thương tích gây ra bởi bất công, bởi đàn áp, bởi ghen ghét hận thù và bởi lòng tham lam. Trinh Nữ Maria, bằng lòng khiêm hạ của mình, đã chấp nhận ý muốn của Chúa Cha và đã thụ thai Chúa Con bởi Thánh Linh. Xin Mẹ là Tấm Gương Soi Ba Ngôi, giúp chúng ta củng cố đức tin của chúng ta vào mầu nhiệm Ba Ngôi và biến mầu nhiệm này thành hành động với những chọn lựa và thái độ yêu thương và hiệp nhất.MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI
I. Dẫn vào Thánh lễ
II. Gợi ý sám hối
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Cn 8,22-31)
2. Đáp ca (Tv 8)
3. Tin Mừng (Ga 16,12-15)
4. Bài đọc II (Rm 5,1-5)
IV. Gợi ý giảng
1. Sự thật toàn vẹn
2. “Khi tôi ngắm cõi trời”
3. Một cuộc sống đáng mơ ước
4. Vài suy nghĩ về Thiên Chúa là Cha
5. Thiên Chúa trổi vượt trên cha mẹ trần thế
6. Ba Ngôi Thiên Chúa, một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương
7. Nhìn thấy Chúa
8. Những hình ảnh của Thiên Chúa
V. Lời nguyện cho mọi người
VI. Trong Thánh Lễ
VII. Giải tán
NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN
SỐNG QUY CHIẾU VÀO ĐỜI SỐNG THIÊN CHÚA BA NGÔI
BA NGÔI NHƯNG LÀ MỘT THIÊN CHÚA
THIÊN CHÚA BA NGÔI BAO TRÙM ĐỜI SỐNG NGƯỜI TÍN HỮU
HIỆP NHẤT TRONG TÌNH YÊU BA NGÔI
HUẤN TỪ TRUYỀN TIN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI 22/5/2016