- HẠT GIỐNG ÂM THẦM – Phó Tế Đaminh Maria Nguyễn Bình An
- NƯỚC THIÊN CHÚA – Lm. Nguyễn Thái
- SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI – Lm. Đinh Lập Liễm
- ĐỪNG NẢN CHÍ MÀ NGỪNG GIEO VÃI HẠT GIỐNG LỜI CHÚA – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
HẠT GIỐNG ÂM THẦM (Mc 4:26-34)
Phó Tế Đaminh Maria Nguyễn Bình An
Có một câu truyện thật kể về lịch sử một khu rừng. Một ông cụ nọ vì người bạn đường mất nên buồn quá. Ông rời thành phố, đưa người cháu duy nhất về miền quê sinh sống để quên nỗi buồn. Nơi ông tới là một vùng quê nước Pháp. Sau khi ổn định chỗ ở, ông chống gậy đi dạo trong vùng. Ông nhận thấy vùng này khô cằn vì không có nước. Nếu để như vậy thì chẳng bao lâu nữa, nơi này sẽ biến thành sa mạc hoang vu. Ông quyết định sẽ góp phần mình làm cho mảnh đất này hồi sinh.
Ông lão đi bộ nhặt những hạt dẻ và đem về ngâm nước. Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, ông dùng cây gậy sắt đào lỗ và chôn hạt dẻ xuống. Ngày qua ngày, ròng rã ba năm trời, ông lão trồng được khoảng 100,000 hạt dẻ, ông hy vọng từ những hạt dẻ này sẽ có 1,000 cây mọc lên. Ông qua đời năm 1947, chưa nhìn thấy kết quả; nhưng từ những cố gắng của ông, nước Pháp bây giờ có một khu rừng tuyệt đẹp. Trong ba khóm rừng, mỗi khóm dài 1 km, rộng 3 km, những cây dẻ xinh tươi, to lớn đã có mặt để giữ được nước mưa, làm cho cây cối xinh tươi, biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách. Chim chóc líu lo trên cành. Sự sống hồi phục và dân chúng trở lại làm ăn sinh sống. (Hạt Giống Âm Thầm, trang 9).
Chúa Giêsu ngày hôm nay cũng cho chúng ta hình ảnh người gieo hạt. Dù chúng ta thức hay ngủ, hạt giống Lời Chúa vẫn mọc lên. Nhưng hạt giống ấy sẽ sinh kết quả bằng những bông lúa trĩu nặng hay những bông lúa èo uột là do chúng ta có chăm sóc, phân bón thửa ruộng mình không. Hạt giống Tin, Cậy, Mến, đã được gieo vào lòng chúng ta, ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, bằng những chân lý đơn sơ chúng ta được dậy dỗ trong các bài Giáo Lý, bằng những lời giảng của các vị chủ chăn trong các Thánh Lễ chúng ta tham dự… Tất cả những hạt đó, cũng như ông cụ trong câu truyện, Chúa muốn và ấp ủ hy vọng sẽ có một mùa gặt bội thu, cánh đồng vàng rực những bông lúa… Hạt giống ấy phải được ăn rễ và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Giữa một xã hội duy vật, đang từ từ chối bỏ Thiên Chúa, người Kitô chúng ta phải sống sao cho người khác thấy Thiên Chúa vẫn là trung tâm điểm của đời sống con người. Giữa một xã hội đặt giá trị tiền bạc cho mọi giao dịch và liên hệ với nhau, người Kitô hữu chúng ta phải sống sao cho mọi người hiểu, ngoài tiền bạc còn có tình người, có công bằng, và bác ái. Giữa một xã hội coi thường sự sống từ trong bào thai, bắn giết nhau vì chủng tộc, màu da, tiếng nói…, người Kitô hữu chúng ta cần sống trong niềm tin Thiên Chúa là chủ tể sự sống, người là Cha và tất cả chúng ta là anh em. Hạt giống Lời Chúa phải được sinh hoa kết quả trong đời sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.
Chúng ta cùng kết bài suy niệm này bằng cách dâng Chúa lời quyết tâm. Đây là lời tựa trong cuốn sách Hạt Giống Âm Thầm:
Hạt giống âm thầm đi vào lòng đất; từng ngày, từng giờ, lặng lẽ nảy mầm.
Trong đêm vượt đất vươn lên…
Vẫn âm thầm lặng lẽ…
Và người gieo hạt không hề biết đến, những phút giây nảy nở trong đêm dưới lòng đất.
Nhưng có một điều biết rõ và tin chắc: hạt giống nẩy mầm, vươn cao, trổ bông và sinh nhiều bông hạt. Những hạt giống của:
- Niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu
- Hạt giống của sự thật, nuôi sống tâm hồn.
- Hạt giống của yêu thương, nuôi mầm hy vọng cho thế giới nhân loại.
NƯỚC THIÊN CHÚA
Lm. Nguyễn Thái
Vào mùa hè, nếu lái xe đi về những miền quê xa xôi, chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi của thiên nhiên. Từ những ngọn cỏ, cây hoa dại, bụi cây bên đường… đến những gốc cổ thụ, tất cả đều đâm chồi nẩy lộc; cành lá phát triển xanh tươi mát mắt. Chẳng bù lại những tháng mùa đông trơ trụi, hoang tàn! Cảnh thiên nhiên đâm chồi nẩy lộc của mùa xuân bước sang hè thật tuyệt đẹp! Khí hậu tươi mát. Trời trong xanh. “Cỏ cây chen đá lá chen hoa.” Dù có tài văn thơ như bà Huyện Thanh Quan chăng nữa cũng không sao diễn tả hết cái đẹp đẽ của sự sống tiềm ẩn nơi thiên nhiên đang đà phát triển lên tươi tốt.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 4: 26-34, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của thiên nhiên để diễn tả sự phát triển tiềm tàng mạnh mẽ của Vương Quốc Thiên Chúa qua dụ ngôn của hạt cải: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được” (Mc 4: 31-32). Nhà chú giải Thánh Kinh William Barclay đã đưa ra những điều suy niệm như sau:
Trước hết, sự phát triển của thiên nhiên thường không cảm giác được. Nếu chúng ta nhìn vào một cái cây mỗi ngày, chúng ta không thể trông thấy nó tăng trưởng. Chỉ sau một khoảng thời gian nào đó, nhìn lại cái cây, chúng ta mới thấy sự khác biệt. Đối với Vương Quốc Thiên Chúa, điều này cũng giống như vậy. Chúng ta không nghi ngờ gì về sự triển nở của Vương Quốc Thiên Chúa, nó không có gì khác biệt nếu so sánh giữa hôm nay và hôm qua. Nhưng sự khác biệt sẽ rõ ràng nếu so sánh giữa thế kỷ này với thế kỷ trước đó.
Vào năm 1817, khi Elizabeth Fry đi đến thăm nhà tù Newgate Prison ở Anh Quốc, bà đã nhận thấy rằng 300 nữ tù nhân chật cứng trong những khu vực phụ nữ và vô số trẻ em bị nhét vào trong 2 phòng khám nhỏ. Họ sinh sống, và ngủ ngay trên sàn nhà. Họ chen chúc nhau xin tiền trước một quán rượu trong tù để mua lấy một hớp rượu. Bà Elizabeth cũng đã trông thấy một đứa bé trai 9 tuổi đang chờ đợi để bị treo cổ chỉ vì đã dùng một cây gậy chọc thủng qua cửa sổ ăn cắp cái quần trị giá 2 đồng xu tiền Anh.
Ngày nay, đã không còn những điều xảy ra như trên. Tại sao? Bởi vì Vương Quốc Thiên Chúa đang đến. Sự phát triển của Vương Quốc có thể giống như sự phát triển của một cái cây, không nhìn thấy bằng mắt thường qua từng ngày được, nhưng qua nhiều năm mới thấy rõ ràng.
Thứ đến, sự phát triển của thiên nhiên có tính cách liên tục. Ngày và đêm, trong khi con người ngủ, thiên nhiên vẫn phát triển liên tục, không ngừng nghỉ. Đối với Thiên Chúa, không có chuyện lúc có lúc không (Mt 5:37; 2 Cr 1:18). Một khuyết điểm lớn lao của những nổ lực và sự tốt lành của con người là không liên tục. Hôm nay chúng ta bước một bước rất tiến bộ; ngày hôm sau chúng ta lại thụt lùi ra phía sau những hai bước rồi. Trái lại, công việc của Thiên Chúa luôn luôn tiến triển một cách rất yên lặng và không ngừng nghỉ.
Hơn nữa, sự phát triển của thiên nhiên không thể tránh được. Không có gì mạnh mẽ cho bằng sự phát triển của thiên nhiên. Một cái cây có thể đội nền xi măng để lớn lên với sức mạnh của nó. Một hạt giống có thể đẩy lớp vỏ xanh ra khỏi đầu và mọc xuyên qua lớp nhựa tráng đường trên lối đi. Không có gì ngăn cản được sự phát triển của thiên nhiên. Vương Quốc Thiên Chúa cũng thế. Mặc dù sự nổi loạn và bất phục tùng của con người, công việc của Thiên Chúa vẫn tiếp tục; và cho đến tận thế sẽ không có gì có thể ngăn cản được những dự định củaThiên Chúa (Mt 16:18).
Có một huyền thoại về một vị tu sĩ khả kính tên là Cassianus. Vì phải chiến đấu mệt mỏi với những sự yếu đuối xác thịt và tính hư nết xấu, ngài đã vào nhà thờ quỳ gối cầu nguyện lâu giờ để xin Chúa đưa ngài đến một thế giới tốt lành thánh thiện hơn. Bỗng nhiên ngài rơi vào một cơn xuất thần ngây ngất; đôi mắt chăm chú vào cây thánh giá thật lớn treo giữa bàn thờ. Ngài nhìn thấy 5 dấu thánh bắt đầu chiếu ra sáng ngời như những hạt kim cương. Rồi từ mỗi dấu thánh chảy ra, không phải là máu, mà là những giọt nước bằng pha lê óng ánh sáng ngời, nhỏ xuống càng lúc càng nhiều đến độ biến thành một dòng suối chảy xuống bàn thờ, theo từng bậc tam cấp xuống giữa nhà thờ, rồi tràn lan ra cửa chính của nhà thờ.
Dòng nước sáng ngời đã làm rực rỡ cả ngôi thánh đường đang chìm ngập trong bóng tối. Từ bên cạnh ngài có một tiếng nói vang lên: “Đây là nước hằng sống của ân sủng mà ta đã chiến thắng cho loài người bởi cái chết của ta trên thập giá.” Khi quay lại ngài thấy Chúa Giêsu đang đứng bên cạnh. “Hãy theo ta!” Chúa phán. Ngài liền theo Chúa bước qua một cái cửa nhỏ, leo lên đến tận đỉnh tháp nhà thờ cao chót vót, nơi ngài có thể nhìn thấy khắp thành phố, đường xá, nhà cửa, và dân chúng rải rác phía dưới. Ngài lại nhìn thấy dòng nước hằng sống chảy qua khắp các đường xá, vào các cửa nhà, đi tìm tới tất cả mọi người. Nhiều người từ chối. Một số người đã quỳ xuống múc nước mà uống. Ngài lại còn nhìn thấy được cả linh hồn của họ nữa, cũng chiếu sáng rạng rỡ như dòng nước hằng sống. Động lòng thương xót những người từ chối không uống nước hằng sống, nên ngài la thật to, kêu gọi họ hãy múc nước mà uống. Nhưng chẳng ai chịu nghe! Rồi ngài mới hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người hạnh phúc được uống nước hằng sống đó là ai vậy?” “Họ là những linh hồn có ân sủng của Thiên Chúa ngự trị để làm theo Thánh Ý Ngài” Chúa trả lời.
Thế rồi Chúa lại phán: “Hãy theo ta!” Và trong một thoáng, họ đã đứng ở bên ngoài cửa thiên đàng. Nhìn vào thiên đàng, cửa đóng kín. Nhìn xuống thế gian, ở xa xa phía dưới. Tại đây, vị tu sĩ có thể nhìn thấy tất cả các quốc gia, các thành phố, và tất cả những người, những linh hồn mà dòng sông ân sủng chảy qua. Chỗ ít chỗ nhiều, ở đâu có dòng sông ân sủng chảy qua đều chiếu rọi sáng ngời, rực rỡ và lấp lánh như những vì sao sáng giữa thế gian u tối. Đôi khi ngài nhìn thấy một vài vì sao lạc bay đi mất. Thỉnh thoảng ngài lại vui mừng nhìn thấy một nhóm ngôi sao mới thình lình chiếu sáng lung linh. Chúa bèn nói: “Đây là Vương Quốc của Thiên Chúa đến trên trái đất.” Còn vị tu sĩ chỉ muốn chiêm ngắm mãi mãi cảnh tượng này mà thôi!
Rồi Chúa lại phán: “Cassianus ơi, bây giờ con sẽ chọn cho chính con. Con có thể đi thẳng vào thiên đàng qua cửa này, hay con có thể trở về trái đất thêm 7 năm nữa để làm việc và cầu nguyện cho Vương Quốc Thiên Chúa. Con chọn đàng nào?” Vị tu sĩ bèn quỳ xuống chân Chúa mà thưa: “Lạy Chúa, hãy để con trở về trái đất thêm 7 năm nữa.” Sau đó, ngài liền tỉnh táo ra khỏi cơn xuất thần, tiếp tục làm việc và cầu nguyện để đưa người ta trở về với vinh quang của Vương Quốc Thiên Chúa. Đồng thời kinh cầu nguyện ưa thích nhất của ngài là kinh “Lạy Cha”, và bất cứ khi nào đọc đến chỗ “nước Cha trị đến”, ngài liền ngừng lại và đọc rất chậm, đọc đi đọc lại hằng giờ mới thôi. Sau 7 năm, ngài đã qua đời trong khi miệng vẫn không ngừng cầu xin cho “nước Cha trị đến.”
Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta phải cộng tác với Ngài trong việc phát triển hạt giống ân sủng nơi các tâm hồn, mở mang Vương Quốc Thiên Chúa, cho đến ngày hoàn tất. Vì thế, cũng theo William Barclay đề nghị, thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày hoàn tất, ngày thu gặt mùa, và ngày phán xét phải là kiên nhẫn và hy vọng:
Thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày mùa gặt phải là kiên nhẫn (Mt 24:12). Chúng ta là những tạo vật sống bám víu vào từng giây phút hiện tại mong manh. Cách chúng ta suy nghĩ rất hẹp hòi và giới hạn là điều không thể tránh được. Còn Thiên Chúa hằng sống, Ngài có sự vĩnh cửu trong các công việc của Ngài. Thánh Vịnh 90: 4 dạy ra rằng: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” Thay vì sự nôn nóng, bồn chồn và vội vàng của bản tính nhân loại, chúng ta nên vun trồng và tập luyện sự kiên nhẫn trong tâm hồn.
Thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày mùa gặt phải là hy vọng (Rm 15:13). Ngày nay chúng ta đang sống trong một bầu khí của tuyệt vọng. Người ta tuyệt vọng với Giáo Hội, với thế giới. Rùng mình mà nghĩ đến mối đe dọa ở tương lai. Giữa những cuộc chiến tranh ở thế kỷ 20, Sir Philip Gibbs đã viết một cuốn sách trong đó ông nhìn thấy trước một cuộc chiến tranh hơi độc có thể xảy ra. Ông đã viết như sau: “Nếu ngửi thấy mùi hơi độc trên đường High Street, Kensington, tôi sẽ không đeo mặt nạ vào. Tôi sẽ ra ngoài đường, hít hơi độc vào thật sâu, bởi vì tôi sẽ biết rằng trò chơi xong rồi.” Đối với nhiều người, họ cảm thấy rằng trò chơi xong rồi. Nhưng hôm nay, qua dụ ngôn hạt cải nói về Vương Quốc của Thiên Chúa, không ai được phép nghĩ như vậy. Hãy tin vào Thiên Chúa (Jn 14:1; Dt 11:6).
Thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày mùa gặt phải là sẵn Sàng (Mt 24:37). Nếu ngày hoàn tất, Cánh Chung sẽ đến, chúng ta phải sẵn sàng chờ đợi. Đợi cho ngày đó đến chúng ta mới chuẩn bị thì quá trễ. Chúng ta phải luôn luôn sửa soạn sẵn sàng để gặp gỡ Thiên Chúa.
Nếu chúng ta sống trong sự kiên nhẫn sẽ không thể nào bị đánh bại. Nếu chúng ta sống trong hy vọng sẽ không thể nào bị tuyệt vọng. Nếu chúng ta sống trong sự sửa soạn sẵn sàng sẽ nhìn thấy ánh sáng đời đời, như lời Công Đồng Vatican II đã nói: “Vì thế, với ân huệ của Đấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mần mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Đang lúc từ từ phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với Vua mình trong vinh quang” (Lumen Gentium, đoạn 5).
SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI
Lm. Đinh Lập Liễm
Chúa Giêsu rao giảng: ”Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)… Đức Giêsu có ý phân biệt Nước Thiên Chúa mà Ngài sẽ thiết lập, tức là Hội Thánh của Ngài, với nước trần gian theo kiểu người Do Thái vẫn hằng mong ước, là được giải thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma. Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy (Jn 16:25).
- Hervieux giải thích: ”Dụ ngôn là một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Nhờ hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh (L’Evangile de Marc, Centurion, tr 65).
Các dụ ngôn không cho chúng ta thấy toàn cảnh, nhưng dù sao cũng cho chúng ta một số khái niệm về Nước Thiên Chúa. Trong chương 4 của Phúc âm Thánh Marcô, chúng ta thấy có 3 dụ ngôn khác nhau về Nước Chúa. Điều lý thú là cả ba đều nói về hình ảnh hạt giống.
Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên hai đặc tính của Nước Trời, đó là Nước Trời hay Hội Thánh của Chúa cứ âm thầm tăng triển, và từ một cộng đoàn nhỏ bé sẽ trở nên một cộng đoàn lớn mạnh.
Đức Giêsu dùng lối so sánh rất tự nhiên mà các thính giả của Ngài đều biết rõ. “Gieo hạt giống” đó là cử chỉ rất quen thuộc, đến nỗi ta có nguy cơ không còn nhận ra mầu nhiệm của nó nữa. Người ta đã gọi dụ ngôn này là “hạt giống tự mọc lên” vì mọi sự diễn tiến đúng như vậy.
Theo Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa như người kia gieo hạt giống xuống đất… Hạt giống tự nó đâm mầm và mọc lên thế nào, nào ai biết? Thì Nước Trời cũng giống như vậy. Hạt giống Lời Chúa được rao giảng bên ngoài, sức tác động của Chúa hoạt động bên trong, thế là Phúc âm sẽ sinh hoa kết quả (I Cor 3:6). Nhưng Chúa thấy trước, lời của Ngài, sứ vụ của Ngài sẽ gây kết quả từ từ, không gấp gáp, không gây chấn động. Vậy phải nhẫn nại, hãy đợi chờ, như người nông phu đợi chờ hạt giống nảy mầm và sinh hoa kết quả.
Chúng ta cần hiểu rằng Nước Thiên Chúa âm thầm lớn mạnh, tuần tự nhi tiến, dưới sự thúc đẩy của Chúa. Nhưng sự tiến triển cũng đòi hỏi sự góp phần tích cực của chúng ta.
Đừng ngã lòng khi không thấy kết quả trước mắt. Sự lỗi lầm lớn của các tông đồ là dựa trên tài cán, nghị lực của ta hơn là vào sức mạnh của Chúa. Nhưng ta hãy cố gắng hết sức thi hành phận bé nhỏ của ta vì yêu mến, và kết quả sẽ đến vào lúc thật bất ngờ nhất.
Một hôm, cha Petit Jean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật. Một người đưa tay đặt câu hỏi: “Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không?”
- Câu hỏi thứ nhất: Các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không?” – Có.
- Câu hỏi thứ hai: Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không? – Có.
- Câu hỏi thứ ba: Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không? – Có.
Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công Giáo cả. Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội Thánh sai đến.” Giáo Hội Nhật bản đã tái sinh.
Đức Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Thật chẳng tương xứng chút nào! “Hạ cải… là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ” (Mk 4:30-32).
Ở xứ Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn. Ông Thompson trong cuốn “Xứ Thánh và Kinh Thánh” đã viết: ”Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka; nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét.” Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.
Ý nghĩa của ví dụ này rất rõ ràng. Nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi điểm hết sứ nhỏ bé, nhưng không biết khi nào nó kết thúc. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng, dù thế nào, họ cũng vẫn là những người được chứng kiến công cuộc khai trương Nước Thiên Chúa. Nơi bản thân Đức Giêsu, dù bằng cách kín đáo thế nào chăng nữa, thì Nước Thiên Chúa cũng đã xuất hiện rồi. Một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải ngỡ ngàng chứng kiến sức mạnh vô địch và vẻ phong phú lạ lùng của Nước ấy. Cái gì mắt người được nhìn thấy hiện nay không cho ai đoán trước được nó sẽ như thế nào ở giai đoạn chót của mức phát triển.
Tường thuật lại cho các độc giả của mình những lời này của Đức Giêsu, Marcô muốn trấn an họ rằng hoạt động của Đức Giêsu khi còn tại thế dù khiêm nhường, nhỏ bé, và cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Giáo hội, dù có yếu đuối thế nào, thì tất cả đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống và khi tới giai đoạn chót của mức phát triển, phải đạt được chiều kích toàn cầu (Theo J. Hervieux).
Bước khởi đầu của Nước Thiên Chúa khiêm tốn như vậy đấy, nhưng sự bắt đầu là rất quan trọng. Có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ, ví dụ: muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một cuốn sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những cuộc gặp gỡ đổi trao.
Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống cây tre Trung quốc. Hạt giống nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước, nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất. Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc: Chỉ trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.
Hạt giống Nước Trời cũng không khác chi hạt giống cây tre Trung quốc. “Hạt bé nhất” lại cho cây lớn nhất. Nước Trời khởi đầu là Chúa Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau 20 thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.
Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội Thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó Ngài biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội Thánh “âm thầm lớn lên” với bao gian nan và thử thách, yếu đuối và bất lực. Dường như Ngài dửng dưng trước bao khó khăn của Hội Thánh. Dường như Ngài không biết đến bao tội ác đang lan tràn khắp thế giới. Dường như Ngài không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Ngài.
Nhưng với lòng tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng: bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong ngày Cánh chung sẽ tới.
Đức Giêsu đã thành lập Hội Thánh qua hai ngàn năm rồi; Hội Thánh vẫn trường tồn nhưng chưa hoàn chỉnh. Chúa còn cần đến sự đóng góp của chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng cần thiết. Người ta thường nói: ”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn kết quả là do Chúa định.
Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá… Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi: ”Thưa Chúa, vậy thế giới đã xong chưa?” Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.
Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: ”Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con.” Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: ”Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của ta.”
Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa sẽ không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm, chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên; đó là phần việc của Thiên Chúa, và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.
Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện (II Tm 4:2-4), cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.
Bên Phương Tây, có những người thẳng thừng chống lại Thiên Chúa, họ bảo rằng: ”Thiên Chúa đã chết rồi” (Nietzsch), nhưng Thiên Chúa vẫn còn; Ngài là Đấng ẩn danh (Deus Absconditus); Ngài vẫn nói, nói một cách khiêm tốn và dịu hiền để ai có tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài, mà chỉ thấy chói tai.
Người Đông Phương xưa, tuy không gần Ngài bằng xương, bằng thịt, nhưng cũng nhìn thấy: ”Thiên hành kiện” – Trời hành động kiên cường không ngừng, mà chẳng nói gì “Thiên hà ngôn tai” – Trời không nói bằng miệng, nhưng nói bằng nhiều cách: nói bằng tác tạo trời đất muôn vật, nói trong lương tâm con người: ”Thiên mệnh chi vị tính”, nói bằng ban phép tắc cho muôn vật: ”Duy thiên sinh dân, hữu vật, hữu tắc.” Vì thế, con người phải biết luôn luôn tìm ý Ngài để tuân theo. Không biết tìm ý Trời thì không đáng là quân tử, không xứng đáng làm con Trời: ”Bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử.”
Để kết thúc, chúng ta hãy trở lại bài đọc 2, Thánh Phaolô cho biết cuộc sống ở trần gian này được coi như cuộc lưu đầy “xa Chúa” (2Cr 5,6). Nhưng chúng ta tin chắc rằng một ngày kia chúng ta sẽ rời bỏ chốn lưu đầy này mà về với Chúa. Trong cuộc sống trần gian này chúng ta cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, góp phần làm cho hạt giống Lời Chúa được phát triển mạnh mẽ, được sinh hoa kết quả dồi dào, đợi chờ một mùa bội thu trong thời viên mãn là ngày Cánh Chung.
ĐỪNG NẢN CHÍ MÀ NGỪNG GIEO VÃI HẠT GIỐNG LỜI CHÚA
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh
chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,
chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ
trong tổng số dân trên thế giới.
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.
Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.
Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,
cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.
Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi
chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.
Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không
dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.
Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,
cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,
theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.
Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng
và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.
Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,
chẳng cần con người can thiệp.
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này
khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,
hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.
Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,
vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,
và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.
Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu
và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.
Sau hai mươi thế kỷ,
Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.
Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,
và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.
Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.
Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.
Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:
tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,
bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.
Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,
dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.